Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ THƠ TRẦN NHƯƠMG, 20 NĂM NGẪU HỨNG CÙNG HỘI HỌA

Đức Sơn
Thứ bẩy ngày 30 tháng 10 năm 2021 8:07 AM


Coi hội hoạ như là ngẫu hứng của thơ ca nhưng nhà thơ, hoạ sĩ Trần Nhương đã có đến bốn lần làm triển lãm tranh cá nhân, các triển lãm của ông đều lấy tên Thi hứng. Thi hứng I năm 1998, Thi hứng II năm 2003, Thi hứng III năm 2019, và Thi hứng IV vừa được hoạ sĩ khai mạc vào chiều 18/5/2021 tại Nhà Triển lãm Mĩ thuật, 16 Ngô Quyền, Hà Nội.

Nhà thơ, hoạ sĩ Trần Nhương tại triển lãm - Ảnh từ Facebook nhà thơ Hoàng Xuân Tuyền

Thi hứng IV được giới thiệu đến công chúng với 50 bức tranh khổ lớn, chất liệu acrylic. Đề tài trong hội hoạ của Trần Nhương thường là tranh phong cảnh, tĩnh vật, trừu tượng, những vấn đề xoay quanh cuộc sống con người. Đặc biệt, triển lãm lần này còn có khoảng 40 bức kí hoạ cỡ nhỏ là chân dung các nhà thơ, nhà văn, bạn văn được chọn ra trong số 400 kí họa mà ông đã thực hiện thực hiện trong vòng khoảng hơn 40 năm qua.

Nói về triển lãm của mình, nhà thơ, hoạ sĩ Trần Nhương chia sẻ: “Tôi là một nhà thơ rất đam mê hội họa. Tôi nghĩ hội họa đã cho mình những cảm xúc khác với văn chương, nó làm cho mình lạc vào một miền du ca mà ở đó có thể cất lên những giai điệu bất chợt của lòng mình, ở đó có thể tung tẩy hết mình mà không mấy khi phải nắn nót. Tôi không được học hành trường quy về hội họa, đam mê mà vẽ, học những họa sĩ thành danh qua mỗi lần xem tranh, giao lưu. Qua những bức tranh tôi muốn gửi gắm một chút ý tưởng, một chút thi hứng. Người xem có thể đồng điệu, có thể không nhưng đó là tác phẩm của tôi, tôi sáng tạo ra nó. Xin các bạn xem tranh và thể tất cho một người vẽ tranh không chuyên và sự vụng dại của một ông lão bát thập ham vui”.

Một góc trưng bày tại Thi hứng IV

Coi hội hoạ như là ngẫu hứng của thơ, nhưng mỗi bức tranh của Trần Nhương ra đời là một ý tưởng được thể hiện trọn vẹn dưới một góc nhìn riêng biệt, cá tính của riêng tác giả. Nếu thơ ông là những chắt chiu, nghiêm ngắn, mê đắm, chín muồi, nhuần nhị của ngôn từ thì những bức tranh của ông là khoảnh khắc xuất thần của cảm xúc, tư duy bố cục và sắc màu. Trần Nhương cho thấy sự tươi mới, thanh tân, cởi mở trong những bức tranh mang gam màu rực rỡ, lạc quan.

Những bức tranh tĩnh vật của ông như Hoa cẩm thi, Hoa tháng tư cho dù không quá sắc sảo trong hình nét nhưng ta lại thấy được sức sống và sự lay động, chuyển mình trong cái tĩnh tưởng như tuyệt đối ấy. Tĩnh vật của Trần Nhương nhắc ta về vẻ đẹp những khoảnh khắc bất chợt trong sự vĩnh cửu của thời gian. Tranh phong cảnh của ông gây chú ý bởi những gam màu đậm, mạnh, thể hiện một nội tâm phóng khoáng, khát khao giao cảm, khát khao chạm đến/ đuổi bắt những dáng hình, bề vẻ của thiên nhiên, cái mà chúng ta chỉ nhìn thấy và cảm thấy nhưng không thể chạm vào, tiêu biểu cho điều này là bức Sau cơn mưa, Bên bờ dậu.

Không thể không nhắc đến những bức tranh trừu tượng bởi ở đó ta thấy được rõ nhất chân dung Trần Nhương. Những trải nghiệm cuộc đời, những suy tư trăn trở về phận người và thời đại chiếm phần lớn tác phẩm của ông trong triển lãm lần này. Những bức tranh như Bể khổ, Phận người, Thâm cung bí sử… cho thấy Trần Nhương đến với hội hoạ đâu chỉ là cuộc chơi, đâu chỉ là ngẫu hứng mà hội hoạ cũng là nơi để ông trải lòng mình, giãi bày sẻ chia những khuất khúc mà đôi khi ngôn từ không thể nói hết hay không thể nói ra. Với những tác phẩm như Tin hot, Tuổi phượng, Biến tấu Mường… cá tính nghệ sĩ của tác giả được thể hiện rất rõ cả trong đề tài và trong cách vẽ.

Tự gọi mình là thi sĩ vẽ, Trần Nhương không quá quan trọng việc mình là một tay ngang bước vào hội hoạ. Bởi chính những yếu tố ấy mang lại sự tươi mới, hồn nhiên, góp phần làm phong phú cho đời sống hội họa. Và dù là ngẫu hứng thì cái sự ngẫu hứng ấy cũng đã kéo dài đến hơn hai mươi năm nay kể từ triển lãm đầu tiên năm 1998 của ông.

Những bức kí hoạ chân dung văn nghệ sĩ trưng bày tại triển lãm


Hà Nội đang trong những ngày trầm lắng của các sự kiện văn hoá, nghệ thuật, giải trí… bởi những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Trần Nhương thực hiện một triển lãm tranh trong bối cảnh này khiến không ít bạn bè yêu quý và trân trọng ông cũng phải cảm thán vui “đúng là nhà thơ”. Quả thực Trần Nhương thực hiện Thi hứng IV phần lớn trong những ngày nghỉ dịch dài hơi, và không ngờ ngày ông định cho triển lãm thì dịch cũng đang bùng phát trở lại, ngày khai mạc triển lãm không được đông vui, xôm tụ như những lần trước.

Nhưng chúng ta sẽ không cần/không nên ái ngại cho ông, bởi nhà thơ cho rằng, triển lãm sẽ góp thêm một gam màu tươi sáng cho Hà Nội để chúng ta cùng hi vọng đại dịch sẽ đi qua.

Triển lãm Thi hứng IV sẽ kéo dài đến ngày 27/5/2021 tại Nhà Triển lãm Mĩ thuật, 16 Ngô Quyền, Hà Nội.

ĐỨC SƠN