"Cuối tháng 10.1993, anh Đỗ Quốc Sam, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước gọi tôi (khi đó là phó chủ nhiệm) sang phòng và nói:
- Anh 6 Dân (TT Võ Văn Kiệt) nói cử anh sang Singapore gặp ông Lý Quang Diệu để thông báo cho ông ấy về tình hình kinh tế Việt Nam, chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của ông ấy sang ta vào giữa tháng 11.
Ngày 21.10.1993 tôi đi Singapore.
15 giờ ngày 22.10 tôi gặp ông Lý.
- Hiện nay ai là nhà đầu tư số 1 ở Việt Nam? Và thứ tự tiếp theo?”
Tôi nói nhà đầu tư số 1 cho đến số 8 theo thứ tự số vốn cam kết. Ông lắc đầu. Cuối cùng ông nói:
- Bao giờ mà các nhà đầu tư từ Hoa Kỳ, Tây Âu, Nhật Bản giữ vị trí là nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam thì các ông mới thành công!
Muốn thế thì các ông phải có một môi trường đầu tư thuận lợi, mình bạch! Khi nhà đầu tư đến đất nước của các ông thì phải giống như các hành khách khi xuống sân bay xa lạ, họ không phải hỏi ai cả, cứ theo các biển chỉ dẫn mà về khách sạn!
Muốn thế thì các ông phải có một chính quyền mạnh từ cấp lãnh đạo cho đến người thực thi!
Muốn thế thì chính quyền của các ông phải gồm những người giỏi và sạch sẽ nhất!”
Ông Lý nói say sưa về đội ngũ công chức và chính khách giỏi, và trong sạch, vấn đề đào tạo và chế độ lương. Đặc biệt là việc sử dụng lớp người trẻ tuổi có tài năng, nhưng phải có một cơ chế giám sát chặt chẽ.
Cuộc gặp vào khoảng hơn 1 giờ để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc về một con người tuyệt vời thông minh, bản lĩnh, cương trực, quyết đoán, có sức cuốn hút. Có tầm nhìn chiến lược. Bản tính của một lãnh tụ.
Ngày 17.11.1993 ông Lý sang thăm làm việc tại Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Tại Hà Nội, ông làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt,
Nội dung làm việc tập trung vào 4 việc chinh:
- Chính sách phát triển kinh tế, thu hút đầu tư.
- Quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp.
- Quy hoạch đô thị.
- Đào tạo nhân lực.
Trong cuộc trao đổi, mọi người hỏi ông nhiều về thành công của Singapore. Ông Lý nói có nhiều yếu tố giúp Singapore thành công nhưng nhấn mạnh vào 4 triết lý xây dựng đất nước của ông:
1. Xây dựng một nhà nước mạnh mẽ.
2. Hoà hợp quốc gia đa sắc tộc.
3. Phát triển hài hoà với các nước lớn, các nước công nghiệp phát triển.
4. Nền Kinh tế thị trường thoát ly khỏi hệ tư tưởng.
Ông đã nói nhiều về việc xây dựng một nhà nước, một chính quyền mạnh. Muốn vậy phải có một nguồn nhân lực giỏi cho chính quyền. Một đội ngũ công chức và chính khách giỏi, trong sạch, được trả lương cao. Đồng thời phải được giám sát chặt chẽ. Ông Lý nhấn mạnh việc giám sát từ các cử tri, các phương tiện truyền thông, và các chính khách đối lập.
Sau đó, các chuyến thăm làm việc của ông Lý tại Việt Nam lại cứ thưa dần. Chuyến đi cuối cùng là năm 2009.
Tôi có nghe nói, mấy năm trước khi qua đời, ông Lý có bài trả lời phỏng vấn rất hay về triển vọng phát triển của toàn cầu, của các châu lục, của các khu vực, của các nước lớn và của các nước đang nổi lên. Trong bài trả lời phỏng vấn này, ông Lý nói rất ít về Việt Nam, một đất nước có thời gian dài ông dành nhiều tâm huyết! Khi được hỏi vì sao vậy, hình như ông đã nói: - Hãy quên họ đi!"
Vâng, họ ở đây là VN.
Vậy thì vì sao?
Câu hỏi này ông Võ Hồng Phúc không trả lời vì ông biết điều này ai cũng đã biết.
Vì vậy, VN vẫn chỉ là... VN sau hơn gần 30 năm nhận được lời khuyên vô cùng gan ruột của Lý Quang Diệu, con người đã biến một đất nước Singapore bé nhỏ, nghèo xơ xác thành quốc gia hùng mạnh với thu nhập đầu người cao nhất thế giới mà các cường quốc trong đó có Trung Quốc luôn phải nể trọng không dám bất cứ lời nói, hành động nào coi thường.
Hãy quên họ đi!
Là người VN gã thấy quá đau.
Thưa ông Lý Quang Diệu, tôi biết trong cơn thất vọng vì quá hy vọng và quá yêu VN mà ông đã thốt lên như vậy thôi.
Còn chúng tôi, những người VN, dù ông có muốn quên đất nước chúng tôi, thì chúng tôi vẫn không bao giờ quên những lời khuyên máu thịt mang tính chân lý của ông để đất nước chúng tôi phát triển.
Ảnh: TT Võ Văn Kiệt và TT Lý Quang Diệu, phiên dịch là Phạm Xuân Hoàng Ân - con trai nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn.