Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VĂN HÓA TÂY NGUYÊN TRONG TÂM THỨC NGUYÊN NGỌC

Trần Hoài Anh
Thứ ba ngày 14 tháng 9 năm 2021 10:18 AM


Vanvn- Trong tâm thức của Nguyên Ngọc văn hóa Tây Nguyên không chỉ có những giá trị đầy huyền thoại cần phải bảo tồn và phát triển mà còn có những biến đổi theo chiều hướng tiêu cực cần phải loại trừ nếu không muốn làm “gãy đổ” cả một nền văn hóa kỳ vĩ này. Song để làm được việc này trong xu thế biến đổi văn hóa hiện nay không phải là điều đơn giản mà cần có một lộ trình và một quyết tâm chính trị rất lớn của toàn xã hội mà trên hết là sự hiểu biết về giá trị văn hóa của những người làm nhiệm vụ quản lý văn hóa…

Nhà văn Nguyên Ngọc..>>>>>

1. Trong bút ký Các bạn tôi ở trên ấy của Nguyên Ngọc do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành (2013), ông đã thành thật tự bạch: “Tôi bước chân lên Tây Nguyên lần đầu cách đây đúng 57 năm”. Và trên miền đất ấy ông đã có những người bạn. Nhưng đó không chỉ là những người bạn bình thường mà là những người “anh em ruột thịt” đã chia sẻ đắng cay, ngọt bùi với ông trong những ngày khó khăn, gian khổ của kháng chiến. Đây cũng là mảnh đất cho ông cảm hứng để viết nên hai tác phẩm văn học nổi tiếng về đất và người Tây Nguyên là Đất nước đứng lên và Rừng xà nu. Nhưng Nguyên Ngọc gắn bó với Tây Nguyên không chỉ là gắn bó với con người Tây Nguyên mà ông còn gắn bó với cả một vùng văn hóa đầy huyền thoại và kỳ bí của Tây Nguyên với cái nhìn không chỉ của nhà văn – chiến sĩ mà còn là cái nhìn của một nhà văn hóa thực thụ.

Có thể nói, văn hóa Tây Nguyên đã trở thành một phần máu thịt, thành ký ức văn hóa trong hành trình sống của Nguyên Ngọc. Nó là một tâm thức hiện sinh luôn cựa quậy trong ông. Vì vậy, dù không còn ở Tây Nguyên như thời kỳ kháng chiến và mặc dù đang sống giữa lòng thủ đô Hà Nội nhộn nhịp, vậy mà lòng ông vẫn đau đáu hướng về Tây Nguyên. Và chính sự đau đáu đầy khắc khoải này khiến Nguyên Ngọc trong nhiều năm liền luôn về với Tây Nguyên (ông nói vậy). Bởi với ông, đến với Tây Nguyên là một cuộc trở về. Đây không chỉ trở về nơi ông đã sống và gắn bó một thời trai trẻ mà còn trở về với một trong những nguồn cội văn hóa trong lành và thanh sạch của dân tộc mà ở đó có những người bạn yêu rừng, nhớ rừng đến phát khóc khi buộc phải xa rừng “mà rừng ở Tây Nguyên thì rất mạnh, đến tôi đây có lúc cũng có cảm giác bị cuốn hút, quá chút nữa thì không còn cưỡng lại nổi”(1).

2. Quả thật, nói đến Tây Nguyên là nói đến rừng. Rừng ở Tây Nguyên không chỉ đơn thuần là hình thái tự nhiên mà nó còn là một hình thái văn hóa, là một sinh thể gắn bó mật thiết với con người; nó là hơi thở, là không khí, là máu thịt của Tây Nguyên. Nó hiện hữu như một nhân chứng sống cho hành trình văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên. Nó như một mạch ngầm chứa trong đó rất nhiều cơ tầng văn hóa, vừa hiện thực lại vừa huyền ảo. Bởi nói như Nguyên Ngọc ở Tây Nguyên “tự nhiên với con người không hề một chút tách biệt, sáng tạo của tự nhiên và sáng tạo của con người là một, chẳng bên nào “thêm” chút gì vào bên nào”(2). Sự gắn bó này là sự hợp hôn diệu kỳ đầy hấp dẫn và huyền bí mà sợi dây kết nối vô cùng thiêng liêng đó chính là rừng với nhiều chiều kích phong phú, đa dạng và sinh động.

Trong cái nhìn của Nguyên Ngọc, rừng ở Tây Nguyên không chỉ có gía trị kinh tế là nguồn tài nguyên vô giá mà còn có giá trị văn hóa đặc sắc luôn ám ảnh ông, quyến rũ ông, mời gọi ông tìm hiểu và khám phá, nâng niu và bảo tồn. Không những thế, rừng còn là nơi tạo nên môi trường sống của con người. Ông cho rằng: “Chính rừng từ Tây Nguyên trên Trường Sơn rất xa xôi kia, đêm ngày hàng triệu năm nay, như một người mẹ vĩ đại, bao dung và tần tảo, hứng lấy tất cả nguồn nước của đất trời, cất lấy để dành tằn tiện…. để từng ngày, từng ngày chắt chiu mà bất tận cung cấp cho đứa con đồng bằng của mình cho sự sống có thể sinh sôi, nảy nở, trường tồn trên dãy đất cát trông chừng rất khắc nghiệt kia”(3).

Không chỉ tạo nên môi trường sống cho cư dân đồng bằng Trung bộ, Rừng còn gắn với đời sống văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của cư dân các dân tộc Tây Nguyên. Rừng chính là môi trường văn hóa, là không gian thiêng lưu giữ ký ức văn hóa của con người Tây Nguyên. Rừng gắn với với rất nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của vùng đất Tây Nguyên như: nhà rông, nhà dài, tượng gỗ, rượu cần, lễ hội, sử thi… cùng với biết bao nhiêu phong tục, tập quán khác của mảnh đất huyền thoại này. Vì vậy, rừng có một vị trí rất quan trọng trong đời sống của người Tây Nguyên. Bởi vì “Hàng nghìn đời nay có những con người đã sống ở đây, gắn bó ruột thịt với rừng và đã tạo nên cả một nền văn hóa đầy minh triết bắt nguồn chính từ sự gắn bó ấy”. Vì vậy, trong tâm thức của Nguyên Ngọc “Người Tây Nguyên không bao giờ coi rừng là tài nguyên. Không bao giờ có khái niệm khai phá, chinh phục, chiếm lĩnh tự nhiên, rừng. Đơn giản, rừng đối với họ là tất cả, là mẹ, là cội nguồn của sự sống mà họ kính trọng và tôn thờ”(4). Đây không chỉ là một ý thức đơn thuần mà là một tâm thức mang ý niệm triết học bắt nguồn từ quan niệm vạn vật hữu linh trong triết học phương Đông, cái mà Nguyên Ngọc gọi là “sự minh triết của rừng”. Vậy mà con người vẫn cứ ngày đêm vô tư, nhẫn tâm tàn phá rừng hết sức khủng khiếp và man rợ chỉ vì những lợi ích nhỏ nhoi trước mắt. Và đây là nỗi đau của người Tây Nguyên đến nỗi cụ A Teng ở làng Tu Mơ Rông đã than thở: “Bây giờ con người hỗn hào đã đuổi các thần đi mất rồi. Những cánh rừng đã lùi xa và biến mất, không gian sinh tồn của người Xteng không còn cái dáng vẻ thâm u của nó nữa. Bây giờ người ta ngang nhiên bước vào, thẳng tay chặt phá lấy hết đi mà không cần một lời cầu khấn hỏi xin.. cũng phải thôi, bởi các thần nào có còn ở nơi đây nữa.”(5) Thế nên, Nguyên Ngọc đã khẩn thiết kêu gọi: “cần ngay bây giờ chấm dứt mọi khai phá ở Tây Nguyên. Cần nghĩ đến một con đường sống khác, một kiểu sống khác, một kiểu phát triển khác trên cả nước, trước hết trên mái nhà sinh tử Tây Nguyên”. Và ông đã chỉ ra “Bắt đầu lại một công cuộc cứu lấy Tây Nguyên. Bắt đầu một sự nghiệp to lớn trồng lại rừng Tây Nguyên trong một trăm năm, quyết liệt, kiên định, thông minh… Khôi phục lại màu xanh cho Tây Nguyên”(6).

Bên cạnh rừng như một giá trị văn hóa mang tính nguồn cội của Tây Nguyên, trong tâm thức của Nguyên Ngọc còn rất nhiều những giá trị khác của văn hóa Tây Nguyên mà nhà rông, một trong những biểu tượng đặc sắc nhất của Tây Nguyên cũng được ông nói đến với những chiều sâu văn hóa giúp ta có thể hiểu một cách sâu sắc về nó trên nhiều phương diện mà nếu không đọc những điều Nguyên Ngọc viết thiết tưởng hiểu biết của ta về văn hóa Tây Nguyên nói chung và nhà rông nói riêng sẽ nghèo nàn như thế nào!? Nhà rông trong tâm thức của Nguyên Ngọc là một kiến trúc kỳ lạ “như một lưỡi rìu khổng lồ dựng ngược” như “một cánh buồm lớn đột ngột vút lên giữa rừng núi bạt ngàn và âm u”. Kỳ thực không phải nơi nào ở Tây Nguyên cũng có nhà rông. Kiến trúc độc đáo này chỉ có ở một số vùng Bắc Tây Nguyên, đặc sắc nhất có lẽ là ở các dân tộc Xơ Đăng, Ba Na, Rơ Mâm, Dẻ và Triêng.”(7) Đây là một khám phá thật thú vị và bổ ích giúp ta có thêm kiến thức về nhà rông ở Tây Nguyên. Và cũng theo Nguyên Ngọc: “Trên Tây Nguyên ở những dân tộc có nhà rông thì không nhà rông của làng nào giống làng nào, nhà rông của mỗi làng đều có diện mạo riêng của mình, là diện mạo riêng, dáng điệu tâm hồn riêng của từng làng vừa đồng nhất, vừa riêng biệt”.(8) Đây chính là sự độc đáo của nhà rông Tây Nguyên nhìn từ góc độ văn hóa. Vì một trong những yếu tính làm nên giá trị của văn hóa chính là sự khác biệt. Không có sự khác biệt ấy văn hóa sẽ không còn là văn hóa. Vì vậy, sự tôn trọng những khác biệt về văn hóa chính là một trong những phương thức quan yếu để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Vì thế, trong tâm thức của Nguyên Ngọc nhà rông không chỉ là một kiến trúc văn hóa vật thể mà nó còn là hồn của làng và phải do chính chủ thể văn hóa là những cư dân bản địa tạo dựng nên. Vì vậy, “không ai có thể cho làng một cái nhà rông. Một cái nhà rông đem cho, dù người cho là ai, dù với thiện chí chân thành đến bao nhiêu và đẹp đẽ đến mấy, sao chép giỏi đến mấy kiểu nhà rông đúng nhất, cổ xưa nhất, vẫn là một ngoại vật, một dị vật trong đời sống của làng.” (9) Và nhà rông “là hiện thể vật chất tập trung nhất của bản chất văn hóa Tây Nguyên. Đấy là nơi diễn ra toàn bộ đời sống cộng đồng”(10). Nên: “Nhà rông là linh hồn của làng. Ở Tây Nguyên, người ta gọi một ngôi làng không có nhà rông là “làng đàn bà”, tức cũng gần như nói một cái làng chưa ra làng, chưa xứng đáng là làng”(11). Cho nên “Có nhà rông thì mới thật sự có làng. Làng bắt đầu bằng nhà rông, sinh ra cùng nhà rông, nói theo một cách nào đó, đồng nhất với nhà rông. Vậy thì làm sao lại có thể từ bên ngoài cho làng một cái nhà rông?”(12)

Và trên cơ sở so sánh, phân tích nhà rông của đồng bào Tây Nguyên với cái miếu của người Kinh ở đồng bằng, tác giả chỉ ra: Nhà rông “là sản phẩm đặc trưng của một hiện tượng văn hóa sâu sắc nhất trong đời sống của người Tây Nguyên: Làng.”(13). Mà nhà rông là linh hồn của Làng. Vì nó là nơi thể hiện sinh hoạt cộng đồng làng của đồng bào Tây Nguyên. Vì vậy, “đối với người Tây Nguyên làng là tất cả. Là đất nước, là quê hương, là xã hội, là cộng đồng khắng khít nhất và duy nhất.” (14) Thế nên nỗi “đau khổ lớn nhất, hình phạt nặng nhất, nỗi nhục nhã ê chề nhất” của người Tây Nguyên “là bị loại, bị đuổi ra khỏi làng, cho đến nỗi, trong trường hợp đó, người ta thường tự sát…”(15).

Bên cạnh nhà rông, một kiến trúc khác về văn hóa vật thể cũng được Nguyên Ngọc quan tâm nghiên cứu đó là nhà dài ở Tây Nguyên mà trong tâm thức của ông chúng hiện lên vô cùng sống động và chứa nhiều cơ tầng văn hóa vừa hiện thực lại vừa huyền ảo. Ta hãy nghe Nguyên Ngọc giới thiệu về ngôi nhà dài ở Tây Nguyên: “Trên cái khoảng không gian mênh mang đến chừng bất tận này, không biết tự nhiên hay con người, hoặc giả là cả hai, đã sáng tạo ra một kiến trúc khác, độc đáo chẳng kém, không lấy chiều cao và nhọn để tạo ấn tượng, mà lấy chiều ngang và bằng làm đặc trưng: những ngôi nhà dài, đậm đà và tuyệt vời chẳng kém”(16) “Những ngôi nhà dài gợi rất rõ cái cảm giác những nốt nhạc trầm ngân nga mãi không dứt, theo cả hai chiều kích không gian lẫn thời gian” (17). Và từ góc nhìn văn hóa ông lý giải chiều dài của những ngôi nhà dài ở Tây Nguyên thật chí lý. Theo Nguyên Ngọc:“nhà Tây Nguyên dài là vì người ta sống chung thành đại gia đình, cha mẹ sinh con, con cái lớn lên lấy vợ lấy chồng thì lại nới thêm nhà mà tiếp tục cùng sống, hết con đến cháu, đến chắt, đến chít, đại gia đình càng lớn thì nhà càng dài ra mãi”(18).

Không chỉ quan tâm đến rừng, đến nhà rông, nhà dài, Nguyên Ngọc còn quan tâm đến một giá trị văn hóa vật thể khác của đồng bào Tây Nguyên mà cũng gắn bó với văn hóa rừng đó là “tượng gỗ rừng già” mà từ lâu ông “đã nhen nhúm một lòng tham: được sở hữu một pho tượng gỗ Tây Nguyên”. Tượng gỗ Tây Nguyên luôn gắn với tính thiêng, người Tây Nguyên chỉ làm tượng khi có những sự kiện văn hóa lớn của làng và qui trình làm tượng cũng rất lạ lùng và kỳ bí. “Cũng như khi cất nhà rông, khi làm tượng người Tây Nguyên chỉ dùng dụng cụ duy nhất: chiếc rìu. Bằng chiếc rìu khéo léo một cách kỳ lạ họ gỡ từng mảnh gỗ, mạnh mẽ, táo bạo, dứt khoát ra khỏi khúc gỗ tròn lớn, để lột từ trong thân gỗ ra khuôn mặt và toàn thân nhân vật, giải phóng nó ra khỏi khối gỗ rừng, đưa nó ra giữa thế gian”.(19) Và như vậy, tượng gỗ không chỉ đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật thể hiện sự tài hoa của chủ thể sáng tạo ra nó mà còn là một vật thiêng gắn con người với thế giới thần linh và gắn thần linh với thế giới con người. Sự hôn phối diệu kỳ này cho thấy một quan niệm nhân sinh độc đáo của người Tây Nguyên đó là sự hòa hợp giữa con người với tự nhiên, một quan niệm mang tính nhân văn sâu sắc bắt nguồn từ văn hóa phương Đông đó là quan niệm thiên nhân hợp nhất. Chính vì vậy, việc đẽo tượng trong quan niệm của người Tây Nguyên là sự giao cảm và tương thông giữa con người và thần linh. Thần linh chọn ai và giao cho họ đẽo tượng thì họ chính là nghệ sĩ và nhiều khi trong đời họ chỉ làm một pho tượng. Và đây là một điều hoàn toàn kỳ thú, bí ẩn. Vì thế, “ở Tây Nguyên không có người nghệ sĩ chuyên nghiệp; nghệ thuật tuyệt đối không phải là một nghề. Nghệ thuật là đời sống, cách sống, thế thôi. Là hơi thở. Là không khí.”(20) Và từ đây ta được biết thêm một điều kỳ thú là các pho tượng ở Tây Nguyên kể cả tượng nhà mồ đều chứa những điều bí ấn, kỳ diệu đến khó hiểu, nó hoàn toàn huyền bí như đất và người Tây Nguyên. Các pho tượng ấy “kỳ thực, chúng chẳng giống cái gì hết. Chúng không chép hiện thực. Chúng chỉ là sự bùng lên của một khát vọng đột ngột đến, vì kích thích của một dịp thiêng liêng nào đó. Đến rồi đi, có khi mãi mãi, mãi mãi không bao giờ người nghệ sĩ tài ba bất thần một phút ấy còn sáng tác được nữa. Không bao giờ thành chuyên nghiệp.” (21) Và như thế, chúng ta không thể đem những lý thuyết sáng tạo nghệ thuật của trường phái này, trường phái nọ cắt nghĩa cho nghệ thuật điêu khắc của tượng gỗ Tây Nguyên. Do đó, đến với tượng gỗ Tây Nguyên là “ta chạm đến, ta được chạm trở lại ngọn nguồn đầu tiên của nghệ thuật, khi nó hoàn toàn vô tư, chưa bị bất cứ “mục đích” thực dụng nào tha hóa.”(22). Nhưng rồi những điều thiêng liêng và trong sạch vô ngần của cội nguồn nghệ thuật ấy trong việc sáng tạo tượng gỗ Tây Nguyên cũng không trụ vững được trước sự khốc liệt của cuộc sống hiện đại và nền kinh tế thị trường. Bởi vì, ở Tây Nguyên theo Nguyên Ngọc “bây giờ có thể mua được tượng gỗ rồi. Sản xuất hàng loạt.” (23)

Nhà văn Nguyên Ngọc gắn bó với Tây Nguyên

Văn hóa Tây Nguyên trong tâm thức của Nguyên Ngọc không chỉ có nhà rông, nhà dài, tượng gỗ mà còn có những tập tục thiêng liêng đồng hành với đời sống của đồng bào Tây Nguyên đó là tục đốt lửa và uống rượu cần. Lửa vốn là một kí ức văn hóa rất sâu đậm trong tâm thức nhân loại nói chung và người Tây Nguyên nói riêng. Vì vậy, Nguyên Ngọc cho rằng: “Ai không biết giá trị của lửa trong đời sống thì không biết gì về người Tây Nguyên. Một gia đình trong làng Tây Nguyên không gọi là một hộ mà là một bếp. không phải chỉ để nấu nướng. Không nấu nướng gì cả cũng phải đốt cái bếp giữa nhà sàn. Ở đó ngọn lửa sống, lúc bùng lên, lúc âm ỉ suốt đêm, trong khi bên ngoài bốn bề là rừng âm u, mịt mùng, bí ẩn.”(24) Và ông lý giải sự hiện hữu của lửa bằng một tư duy đầy minh triết “Ở Tây Nguyên rừng là tất cả, bao trùm, ám ảnh, mê hoặc, nhấn chìm. Con người vừa bị hòa tan trong rừng, là bộ phận nhỏ không thể tách rời của rừng, vừa có phân biệt mình với rừng. Bằng ngọn lửa.” (25) Và cùng với rừng, nhà rông, bếp lửa là rượu cần. Rừng với rượu cần gắn với nhau mật thiết và tan chảy trong huyết quản của người Tây Nguyên, trở thành một phần không thể thiếu của đời sống văn hóa Tây Nguyên. Và Nguyên Ngọc xác quyết: “đã ít nhiều dính líu đến Tây Nguyên, ắt không thể không biết gì về rượu cần. Và nếu mỗi thứ rượu đều chứa đựng bí mật riêng của nó thì bí mật của rượu cần chính là bí mật của rừng” (26). Rồi ông lý giải điều bí mật ấy thật lý thú, thức nhận cho chúng ta nhiều điều về tầng sâu văn hóa được thể hiện qua lớp từ ngữ mang bản sắc văn hóa Tây Nguyên: “Rừng tự nó thôi, chỉ mới nguyên là rừng thôi, chưa “chế biến” gì hết đã có nghĩa là say, là mê, là quên, là dại rồi. Trong nhiều ngôn ngữ Tây Nguyên, từ “rừng” cũng có nghĩa là “dại”, “hoang dã” thậm chí đồng nghĩa với “điên” hay “ma. Người Tây Nguyên vừa kiên sợ rừng, cái lõi bí ẩn có thể làm cho người ta lạc mất mình, như sợ sự hoang dại, sự điên, ma; đồng thời lại bị nó cuốn hút, hấp dẫn mê hoặc, đúng như bóng ma mê hoặc vậy. Tức rừng mới tự nó thôi, chưa “chế biến” gì hết, đã là rượu rồi. Huống nữa rượu cần lại là tinh chất tập trung nhất chắt ra từ rừng” (27). Trong tâm thức của Nguyên Ngọc, giữ cho Tây Nguyên tập tục uống rượu cần không chỉ là bảo tồn và phát huy một giá trị văn hóa ẩm thực độc đáo của Tây Nguyên mà đó còn là một cách để giữ rừng. Bởi lẽ “Người ta chế men rượu cần bằng những loại lá, rễ, vỏ cây gì đó trong rừng, phàm là người Ba Na ai cũng biết” (28). Vì vậy, theo Nguyên Ngọc, người Tây Nguyên không bao giờ muốn bỏ rừng, muốn xa rừng “Rừng cho con người cái ăn, như người mẹ cho con bú sữa. Và cho ta cái rượu cần để say như đàn bà… Việc gì phải bỏ rừng, dồn tất cả lại một làng to bự, ngang ngay sổ thẳng như phố mà rời rạc, ồn ào mà lại buồn. Xa rừng rồi thì sẽ bỏ rượu cần uống rượu gạo, hát karaoke. Bỏ “Xoang”, múa “tuýt”…” (29) Và như vậy thì bản sắc Văn hóa bản địa của Tây Nguyên sẽ đi về đâu!?… Đi về đâu trong cái cuộc sống từng ngày biến đổi đến chóng mặt này!?. Phải chăng câu hỏi ấy không phải chỉ đặt ra cho Tây Nguyên mà còn là một vấn đề của đất nước của dân tộc, của thời đại…

Song tìm về với văn hóa Tây Nguyên, không thể không nói đến một giá trị văn hóa phi vật thể đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn những ký ức văn hóa cũng như góp phần hoàn thiện chân dung tinh thần của đất và người Tây Nguyên đó chính là sử thi Tây Nguyên. Đây cũng là một chiều kích khác trong cái nhìn của Nguyên Ngọc về văn hóa Tây Nguyên mà dưới ngòi bút của ông sử thi đã hiện lên đầy tính huyền thoại và kỳ vĩ. Ta hãy xem Nguyên Ngọc miêu tả một đêm hát sử thi ở Tây Nguyên: “… Đêm trong nhà rông, hầu như cả làng đều có mặt, các cụ già, con trai, con gái, trẻ em… Mấy ché rượu cần đã được mở. Từng nhóm quây quanh ché rượu. Cười nói lúc râm ran, lúc thì thào, lúc rộ lên. Đủ mọi chuyện…

Ông già (Già làng – THA) gỡ chiếc ống điếu ra khỏi miệng và gõ nhẹ lên hòn đá dùng làm ông đầu rau ở bếp lửa nhà rông. Tiếng gõ nhẹ, nhưng âm rất vang. Im lặng. Ông cụ ngồi thẳng người, đằng hắng lấy giọng, rồi bắt đầu hát. Quả thật không biết gọi cho đúng lối kể sử thi là gì. Có hát. Giọng ông già ngân nga, trầm bổng, một điệu nhạc đều đều, đôi khi hơi cất lên một thoảng, lại chùng xuống, đều đều đến buồn tẻ, nhưng rồi bỗng đột ngột vút lên, cao vọi đến ngút hơi, và cũng đột ngột như vậy, lại trầm xuống đến thì thầm. Một điệu hát vừa bài bản vừa ứng tác” (30). Và việc kể sử thi của đồng bào Tây Nguyên cũng không phải là một sinh hoạt văn hóa đơn thuần mà nó là một sinh hoạt mang tính thiêng trong đời sống tâm linh của họ. Đây là một hoạt động văn hóa thể hiện rõ tính cố kết cộng đồng của người Tây Nguyên gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của buôn làng. Do đó, “Trong đời sống các làng Tây Nguyên từ xưa vẫn vậy, có một nguyên tắc bất di bất dịch khi hát kể sử thi: đã bắt đầu một sử thi thì mười hay mấy chục đêm cũng không bao giờ được bỏ dở. Hết đêm trắng này qua đêm trắng khác, phải hát kể cho tận cùng, phải nghe theo cho đến tận cùng. Bởi cũng như mọi con người trên trần gian và mọi vật trong vũ trụ vô biên này, các nhân vật trong sử thi cũng phải đi cho hết kỳ số phận của mình, không ai được dừng lại dang dở nửa chừng.” (31) Vì trong cái nhìn của đồng bào Tây Nguyên:“Sử thi không phải, không chỉ là nghệ thuật; sử thi là cuộc đời, đẹp đẽ và nghiêm khắc như chính cuộc đời.” (32) Vì vậy, “sử thi có thể hát kể ở rẫy, khi vào vụ gieo tỉa hay thu hoạch, dân làng thường tập trung, sống một thời gian khá dài ở chính nơi sản xuất, trong các chòi rẫy. Ở rẫy, khi hát kể sử thi, người ta tuyệt đối không đốt lửa, cố tạo cho được bóng đêm gần như tuyệt đối. Để cho con người, cả người kể lẫn người nghe có thể hoàn toàn nhập mình vào thế giới của không thời gian vô tận…”(33) Thế nên, đánh giá về sử thi Tây Nguyên từ góc nhìn văn hóa, Nguyên Ngọc đã xác tín: “Sử thi Tây Nguyên giản dị mà lạ lùng. Nó cho ta đi thêm một chiều kích hiền minh bất tận của rừng. Người Tây Nguyên, ta thấy đó, không “kể” sử thi. Đơn giản mà sâu xa hơn nhiều, họ “sống” sử thi. Họ không “làm nghệ thuật, giản dị hằng ngày, họ “sống” nghệ thuật. Những dân tộc biết “sống” như thế, tôi tin vậy, không bao giờ chết. Miễn sử thi còn.” (34)

3. Có thể nói không quá lời khi khẳng định Nguyên Ngọc là một trong không nhiều nhà văn hóa hiểu và yêu Tây Nguyên đến lạ lùng. Vì vậy, Tây Nguyên trong tâm thức của Nguyên Ngọc không chỉ có những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ẩn chứa trong đó những giá trị đầy huyền thoại mà còn là một Tây Nguyên đang biến đổi từng ngày theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực. Nhưng trong đó chiều hướng tiêu cực đang diễn ra một cách chóng mặt và là nỗi lo ngại rất lớn đang đặt ra đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ở Tây Nguyên là điều mà Nguyên Ngọc đang trăn trở và day dứt. Bởi theo ông: “ai lên Tây Nguyên hôm nay đều có thể biết, cuộc sống thực của bà con dân tộc bản địa đang ngày càng bị đẩy lùi vào rừng sâu. Ven đô, ven đường lớn bây giờ chẳng khác gì ở Hà Nội hay ở Sài Gòn. Tượng nhà mồ đã đắp bằng xi măng. Nhà rông do nhà nước xây cho các làng mỗi cái mấy trăm triệu, mái tôn, sàn bê tông. Nhạc thì hú hét… cho ra độc đáo Tây Nguyên.”(35) Và tục uống rượu cần thiêng liêng là thế mà “Bây giờ người ta ta không uống rượu cần mà tu rượu đế, thiếu rượu đế thì pha cồn ra mà uống. Thanh niên nát rượu, khẳng khiu, nước da xanh rớt… Có một cái gì đó đang rạn nứt ra, đang tan vỡ đi…”(36) Vì vậy, theo Nguyên Ngọc để cho Tây Nguyên tránh những biến đổi theo hướng tiêu cực thì cần phải “Giảm sốc”. Đúng vậy, nếu hiện đại và kinh tế thị trường – mà thị trường “hoang dã”như có người nói không sai đang gây sốc cho xã hội ta, thì cú sốc ấy đối với Tây Nguyên chắc chắn là dữ, nặng hơn nhiều, có thể gây cả đổ gảy. Đỗ gảy trong từng con người và trong xã hội.”(37)

Như vậy, trong tâm thức của Nguyên Ngọc văn hóa Tây Nguyên không chỉ có những giá trị đầy huyền thoại cần phải bảo tồn và phát triển mà còn có những biến đổi theo chiều hướng tiêu cực cần phải loại trừ nếu không muốn làm “gãy đổ” cả một nền văn hóa kỳ vĩ này. Song để làm được việc này trong xu thế biến đổi văn hóa hiện nay không phải là điều đơn giản mà cần có một lộ trình và một quyết tâm chính trị rất lớn của toàn xã hội mà trên hết là sự hiểu biết về giá trị văn hóa của những người làm nhiệm vụ quản lý văn hóa. Bởi lẽ nếu không có một sự hiểu biết đầy đủ về bản chất của văn hóa và những yếu tính của nó thì không thể nào bảo tồn và phát triển được. Và đây cũng là một thực trạng đang diễn ra ở Tây Nguyên mà Nguyên Ngọc đã cảnh báo: “Ở Tây Nguyên người ta nuôi trâu không phải để cày, trâu không phải là sức kéo. Có mấy anh cán bộ vớ vẩn phê bình bà con dân tộc tế lễ giết trâu là “lãng phí sức kéo” quá ư kiêu căng mà dốt nát không biết được rằng ở đây trâu là con vật làm nhiệm vụ thiêng liêng thay con người hiến sinh để tế thần linh…”(38). Phải chăng, chính sự thiếu hiểu biết một cách căn cơ về văn hóa bản địa là một trong những nguyên nhân làm mất dần những giá trị văn hóa thiêng liêng của vùng đất Tây Nguyên bí ẩn và huyền thoại này mà nếu không sớm nhận ra thì sẽ dẫn đến những bi kịch văn hóa là điều tất yếu không chỉ đối với văn hóa Tây Nguyên mà còn đối với cả nền văn hóa dân tộc. Bởi nói như Dam Bo khi ông khám phá văn hóa Tây Nguyên mà ông gọi đó là “miền đất huyền ảo”: “Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu.”(39) Âu đây cũng là điều mà Nguyên Ngọc đã thức nhận cho chúng ta qua cái nhìn của ông về văn hóa Tây Nguyên nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung để làm thế nào không những bảo tồn mà còn phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Bởi theo quan điểm của Đam Bo trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa ở Tây Nguyên là phải làm thế nào: “cho vận động đang diễn ra có được những điều kiện một mặt vẫn giữ được một diện mạo truyền thống và mặt khác, ứng dụng vào một ngày mai mới mẻ, tìm thấy được sự tiến bộ làm cho Truyền thống ấy nảy nở.” (40)

Và đây cũng là cách tốt nhất để giữ gìn giòng sinh mệnh văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa hôm nay.

TRẦN HOÀI ANH

Chú thích:

(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9) (10) (11) (12) (13) (14) (15) (16) (17) (18) (19) (20) (21) (22) (23) (24) (25) (26) (27) (28) (29) (30) (31) (32) (33) (34) (35) (36) (37) (38) Nguyên Ngọc (2013) Các bạn tôi ở trên ấy, Nxb. Trẻ, tr.72; tr.8; tr.46; tr.47; tr.113; tr.51; tr.8; tr.11; tr.57; tr.59; tr.60; tr.60; tr.58; tr.58; tr.59; tr.8; tr.9; tr.9; tr.29; tr.34; tr.35; tr.35; tr.36; tr.22; tr.21, 22; tr.24; tr.24; tr.25; tr.26; tr.14; tr.16; tr.17; tr.20; tr.20; tr.191; tr.114; tr.200; tr.126

(39) (40) Dam Bo (Jacques Dournes), (2003), Miền đất huyền ảo, NXb. Hội Nhà văn, H, tr. 9, tr.11 nguoonf vanvn