Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGHỀ CHỮ NGHĨA

Đắc Trung
Thứ tư ngày 28 tháng 7 năm 2021 1:40 PM



Tôi muốn nói đến nghề viết văn, làm báo, làm xuất bản, đặc biệt trong công việc biên tập. Những người mà ngày nay chúng ta gọi là “cán bộ biên tập", (hoặc biên tập viên) thì ngày xưa ông cha ta gọi là "quan tu thư". Ở nước ta chức "quan tu thư" có từ đời tiền Lê, hàng cửu phẩm, trực thuộc triều đình và được tuyển chọn công phu lắm. Phải đỗ đạt cao, thấp nhất cũng từ thám hoa, bảng nhãn trở lên. Dễ hiểu thôi. Bởi các cụ xưa coi "văn để tải đạo". Chữ Thánh hiền quý hơn báu vật. Người ta trân trọng giữ gìn. Thấy một tờ giấy có chữ rơi dưới đất phải cúi xuống nhặt chứ không dám giẫm đạp lên. Trước khi mở cuốn sách ra đọc phải tắm rửa sạch sẽ, khăn áo chỉnh tề, thắp một nén hương tỏ lòng tôn kính đưa hồn nhập thiền để tiếp đạo. Đọc sách không chỉ bằng mắt, mà phải đọc bằng tim, bằng tâm. Vào nhà nào thấy nơi trang trọng nhất có để tủ sách, nhất là trong đó lại có nhiều sách quý thì lập tức chủ nhân sẽ nhận được sự kính nể, dù xác nhà không to và bên trong không bày những đồ vật đắt tiền. Cha ông ta vốn coi "đọc" là "đạo".

Người xưa phải bạc đầu mới nghĩ ra được một ý, một tứ, viết cho đúng một chữ, một câu để đạt cho đủ mọi nghĩa. Bởi thế người đọc muốn hiểu cho trọn vẹn cái thần ý, cái thâm ý, cả rộng hẹp, nông sâu, nghĩa đen, nghĩa bóng của một chữ, một từ, một câu, một dấu ngắt, nối, thậm chí cả nét đậm, nét nhạt... cho đến một tác phẩm quả là không dễ. Phải thông kim bác cổ lắm. Chẳng hạn, trong một bài thơ trữ tình của cụ Tú Xương có câu:

"Ai đi Tam Đảo, Ngũ Hồ

Ai về khóc trúc Thương Ngô một mình"

Đã có người bình câu này và giải thích rằng: “Khóc trúc Thương Ngô" là "khóc cây trúc, thương cây ngô"(!). Thật ra không phải như vậy. Ý câu thơ trên của cụ Tú Xương gắn với một điển tích. Điển tích đó là: ngày xưa khi vua Thuấn (Trung Quốc) qua đời để lại người vợ yêu còn rất trẻ. Người vợ thương chồng quá vật vã khóc lóc thảm thiết. Nỗi đau khiến nước mắt của nàng hoà lẫn máu. Những dòng huyết lệ đó rơi xuống bắn vào những đốt cây trúc trồng trên đất Thương Ngô (giống như cây cam trồng trên đất Bố Hạ của ta) để lại trên đốt trúc biết bao vết lấm chấm và giữ mãi ở đó cho đến ngày nay. (Bởi thế trong nghệ thuật chơi cây cảnh, trúc Thương Ngô là biểu tượng nỗi đau của tình yêu chung thuỷ). Câu thơ trên cũng hàm nghĩa ấy.

Hoặc thi tài Tản Đà danh tiếng vang dội ít ai không biết. Bài "Thề non nước" cụ gửi gắm biết bao tâm sự da diết và sâu sắc của lòng mình, lần đầu đăng trên tờ Nam Phong. Trong đó có câu:

"Non cao những ngóng cùng trông

Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày"

Chừng tháng sau nhà thơ nhận được bức thư của một cụ đồ nho quê huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Cụ đồ viết đã hân hạnh được đọc nhiều thơ của Tản Đà tiên sinh và rất ngưỡng mộ. Vừa qua lại được thưởng thức thi phẩm "Thề non nước" cảm phục ý sâu, lời hay. Nhưng nếu tiên sinh cho phép được sửa, thì cụ xin sửa một từ trong bài thơ ấy, rồi bỏ lửng, không rõ là từ nào. Đọc thư, Tản Đà mừng lắm. Biết đây là bậc trí lự uyên thâm có thể kết tình bằng hữu, liền sắm trà ngon đáp tầu hoả đến ga Đồng Văn rồi thuê xe kéo hỏi đường tìm đến tận nhà cụ đồ. Cụ đồ vô cùng cảm kích được nhà thơ đến thăm, rượu ngon, thức nhắm ngon trịnh trọng mời khách. Hai cụ già rất ý hợp tâm đồng, mới gặp lần đầu mà chẳng khác tri âm, tri kỷ. Lựa lúc thuận tình Tản Đà mới tế nhị ngỏ ý xin cụ đồ chỉ giáo cho biết nên sửa từ nào trong bài "Thề non nước". Cụ đồ đắn đo, cân nhắc rồi nói: "Nếu tiên sinh cho phép, tôi xin được sửa từ tuôn thành khô... "Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày". Suy nghĩ một chút Tản Đà vỗ đùi gật gù: "Hay! Rất hay! Suối khô dòng lệ, tức là đã khóc nhiều quá rồi, lâu quá rồi, nước mắt cạn kiệt rồi còn đâu nữa mà tuôn. Hơn thế, cái nỗi nhớ, nỗi buồn, nỗi đau phải nén lại, phải nuốt vào trong tâm, phải nghiến răng chịu đựng mới là nỗi buồn lớn, nỗi đau lớn. Đau cho số phận kiếp người phải nhẫn chịu biết bao bất công xã hội, đau cho non sông đất nước bị ngoại bang xâm lấn, đau cho vận mệnh quốc gia dân tộc...". Tản Đà rất cám ơn cụ đồ Duy Tiên và sửa từ tuôn thành từ khô trong bài "Thề non nước" .

Triều nhà Tống (Trung Quốc) có hai người thơ văn nổi tiếng. Đó là Tô Đông Pha và Vương An Thạch. Tô Đông Pha không phục Vương An Thạch, coi Vương An Thạch không giỏi bằng mình.

Vương An Thạch biết nhưng chỉ im lặng.

Một lần Vương An Thạch mời Tô Đông Pha đến tư dinh của mình chơi. Vương An Thạch rất tế nhị, cố ý vắng mặt khi Tô Đông Pha bước vào phòng văn của ông. Vào phòng Tô Đông Pha thấy trên bàn có một bài thơ Vương An Thạch đã làm xong và một bài thơ đang làm dở. Tò mò ông liếc mắt đọc. Bài thứ nhất có câu:

"Minh nguyệt sơn đầu khiếu

Hoàng khuyển ngọa hoa tâm"

Ông nhíu mày nghĩ: minh nguyệt là ánh trăng. Khiếu là hót. Ánh trăng thì làm sao hót nơi đầu núi được? Ông lắc đầu: Hoàng khuyển là chó vàng. Ngọa là nằm. Hoa tâm là giữa bông hoa. Chó vàng làm sao mà nằm giữa bông hoa được? Ông lại lắc đầu và càng tỏ ra coi thường tác giả bài thơ. Tiện bút Tô Đông Pha "biên tập" lại ngay thành:

"Minh nguyệt sơn đầu chiếu

Hoàng khuyển ngọa hoa âm"

Có nghĩa là ánh trăng chiếu nơi đầu núi. Chó vàng nằm dưới bóng hoa. "Biên tập" xong Tô Đông Pha tỏ ra hài lòng mãn nguyện, đinh ninh rằng qua việc làm này thì Vương An Thạch phải "tâm phục khẩu phục" mình lắm lắm.

Đến bài thơ thứ hai Vương An Thạch tả cảnh mùa thu gặp cơn gió mạnh, hoa cúc rụng tơi tả.

"Tây phong tạc dạ quá viên lâm

Xuy lạc hoàng hoa mẫn địa câm"

(Đêm trước gió thu thổi qua vườn khiến hoa cúc vàng rụng khắp mặt đất)

Bực quá không kiềm chế được, Tô Đông Pha cầm bút theo vần viết tiếp:

"Thu hoa bất tỷ xuân hoa lạc

Thuyết dữ thi nhân tử tế ngâm"

(Hoa thu không rụng như hoa xuân, xin nhắc thi nhân chớ khinh suất lúc ngâm vịnh)

Biết rằng mình làm việc ấy là phạm thượng có thể bị trị tội phát vãng vì Vương An Thạch còn là một Tể tướng đầy quyền lực. Quả nhiên, sau đó một tháng, Tô Đông Pha bị "đầy" lên phương Bắc. Tô Đông Pha nghĩ rằng đó là Vương An Thạch trả thù mình. Còn Vương An Thạch, sau khi gửi "trát" đi rồi, ông lại "trát" tiếp cho các quan chức địa phương vùng đó phải đối xử với Tô Đông Pha tiên sinh như bậc đại khách.

Đến phương Bắc, Tô Đông Pha được thả sức du ngoạn và được từ quan chí dân tiếp đón nồng thắm. Một lần xuống vùng quê nọ, Tô Đông Pha bỗng nghe tiếng chim lạ hót véo von. Nhà thơ hỏi chim gì hót hay vậy? Những người dân trả lời: đó là tiếng hót của chim minh nguyệt. Lần khác Tô Đông Pha thấy một loài sâu lạ nằm cuộn mình giữa bông hoa. Nhà thơ hỏi sâu gì? Những người dân bảo: đó là sâu hoàng khuyển. Ông giật mình đập tay vào trán thở dài, nhận ra mình dốt. Thì ra có loài chim minh nguyệt và loài sâu hoàng khuyển. Tô Đông Pha sỉ vả mình vì ngu dốt không hiểu hết được ý của Vương An Thạch và do tính tự phụ mà đã "biên tập" một cách thô bạo làm hỏng mất bài thơ hay của ông.

Vào một chiều mùa thu, ngồi trong nhà nhìn ra ngoài trời gió thổi mạnh và dưới vườn những cánh hoa cúc vàng rụng rơi lả tả. Nhà thơ lại giật mình đập tay vào trán thở dài chua xót nhận ra rằng mùa thu hoa cúc có rụng! Nghĩ tới thái độ nhân ái độ lượng của Vương An Thạch, lại thấy mình được các quan chức địa phương tiếp đãi như thượng khách, được du ngoạn khắp vùng thiên nhiên trù phú nhưng cũng rất khắc nghiệt tận phương Bắc xa xôi mà chưa bao giờ mình được đặt chân đến, Tô Đông Pha bỗng nhận ra rằng không phải Tể tướng Vương An Thạch "đầy" mình, mà chính là ông tạo điều kiện cho mình đi thực tế để có thêm hiểu biết và vốn sống. Trong lòng thấm thía sự biết ơn và ân hận. Nhà thơ kiêm "nhà biên tập" Tô Đông Pha sau khi đã nhận được bài học răn đời, dạy nghề sâu sắc ấy vội viết thư về tạ lỗi với Vương An Thạch.

Vương Bột tự Tử An, người Giang Châu (Trung Quốc) mười tuổi đã đọc thiên kinh vạn quyển, mười ba tuổi hạ bút thành thơ nổi danh khắp thiên hạ, cùng với Dương Quýnh, Lư Chiển Lân và Lạc Tân Vương họp thành "Sơ Đường tứ kiệt". Có lần ông dâng vua Đường Cao Tông bài "Thu cảm" của mình. Trong bài có câu:

"Lạc hà dữ cô vụ tề phi

Thu thuỷ cộng tràng thiên nhất sắc"

Dịch là:

"Cô đơn ráng lẻ bay ngang

Trời thu cùng với Trường Giang một màu"

Xem xong nhà vua không khen, bỏ đi. Vương Bột tức khí nhảy xuống hồ tự tử. Từ đó vào những đêm thu thanh vắng, người ta thường nghe văng vẳng tiếng Vương Bột ngâm hai câu thơ ấy vọng lên từ mặt nước.

Rồi có lần một văn nhân đi ngang qua, vào đêm thu, nghe giọng ngâm ấy liền nói: "Lời thơ hay, nhưng thừa chữ. Nếu bỏ hai từ "dữ" và “cộng" đi thì sẽ toàn bích":

"Lạc hà cô vụ tề phi

Thu thuỷ tràng thiên nhất sắc"

Từ khi được vị văn nhân tài năng ấy "biên tập" lại câu thơ trên thì không còn ai nghe giọng ngâm của Vương Bột từ mặt hồ nước vọng lên nữa!

Văn hào Bớc-na-sô nổi tiếng nhưng rất khó tính. Có lần ông gửi truyện ngắn đến một tạp chí. Chủ bút cử biên tập viên già dặn kinh nghiệm đảm trách bản thảo ấy. Ngay sau khi phát hành, Bớc-na-sô mũ phớt đội lệch trên đầu, kính trắng đeo trễ tận má, loè xoè áo khoác, tay chống can, miệng ngậm píp xông thẳng vào toà soạn dõng dạc hỏi: "Ai biên tập bản thảo truyện của ta?". Một người đứng dậy: "Thưa ngài, tôi ạ". "Tại sao anh dám sửa văn của ta?". "Thưa ngài, tôi không hề sửa chữa hoặc thêm bớt một từ, hoặc một dấu ngắt câu nào của ngài, mà chỉ thay đổi vị trí của chúng thôi". Bớc-na-sô mỉm cười, dang rộng hai tay ôm lấy người biên tập ấy tỏ lòng biết ơn.

Hồi làm biên tập sách văn học ở Nhà xuất bản Thanh Niên, giải phóng miền Nam được chừng hơn một tháng, chúng tôi gấp rút tổ chức bản thảo để in một tập thơ (nhiều tác giả) chủ đề thống nhất đất nước. Một hôm nhà thơ Tế Hanh đích thân mang bản thảo một bài thơ ngắn, chỉ có bốn câu, đến gặp tôi. Tính ông vốn khiêm nhường ít nói. Đưa bài thơ cho tôi, giọng ông nhỏ nhẹ: "Cậu xem nếu dùng được…”. Cùng đi còn một người bạn, trạc tuổi ông và cũng nói giọng Nam. Mời khách uống nước, tôi đọc ngay:

"EM

Em gần gũi. Em xa xôi

Sao em như vệt chân trời trước anh

Giơ tay tưởng với được tình

Bước đi, đi mãi mà mình vẫn xa"

Được người nổi tiếng như ông, nhà thơ miền Nam tập kết, viết về chủ đề thống nhất đất nước, lại đích thân mang bài đến thì thật đáng trân trọng. Có điều trước đây mỗi khi cộng tác với nhà xuất bản ông thường gửi cả tập, hoặc chùm thơ, sao lần này ông chỉ đưa có một bài, lại rất ngắn như thế? Dường như đọc được ý nghĩ của tôi, nhân lúc Tế Hanh sang thăm nhà thơ Tú Sót ở phòng bên, bạn ông kể cho tôi nghe về xuất xứ bài thơ ấy...

Năm 1954, trước khi ra miền Bắc tập kết, Tế Hanh có để lại mối tình với một thiếu nữ cùng quê tuyệt vời cả nhan sắc và đức hạnh. Họ chia tay trong nỗi buồn sâu nặng và hẹn hai năm sau đất nước tổng tuyển cử sẽ gặp lại. Nhưng rồi kẻ thù đã chà đạp Hiệp nghị Giơ-ne-vơ và nước ta bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc. Bao năm đằng đẵng nhớ nhung. Rồi cuộc sống không thể khác. Trong Nam thiếu nữ ấy phải kết duyên với một giáo sư Anh ngữ. Ngoài Bắc Tế Hnh cũng xây dựng với một phụ nữ xinh đẹp và nết na không kém. Nhưng tận sâu thẳm tâm hồn, nhà thơ vẫn không thể quên thiếu nữ ấy. Nỗi lòng thầm kín ông chỉ tâm sự với người bạn thân cùng tập kết. Người bạn ấy không chỉ thân với ông, mà thân cả với cô gái ông yêu. Đó là người cùng đến phòng tôi với ông hôm nay.

Sau ngày thống nhất đất nước, trở về quê hương trong không khí tràn đầy niềm vui chiến thắng. Theo sự sắp xếp của bạn, hai người tìm đến tận nhà riêng thăm cố nhân. Trong phòng khách nhỏ, ngăn cách bởi chiếc bàn dài, trên đó lọ hoa hồng tươi rất gợi cảm, Tế Hanh ngồi bên bạn, đối diện ông là thiếu phụ tuổi đã ngoài bốn mươi nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp kiêu sa mà một thời ông say đắm, cạnh người chồng cao, gầy, lịch lãm. Chỉ bạn ông và chủ nhân trò chuyện. Ông im lặng ngắm từng bông hồng, thỉnh thoảng liếc nhìn đôi bàn tay thon nhỏ nõn nà. Cuộc gặp sau hơn hai mươi năm xa cách khiến nhà thơ vô cùng xúc động. Ngay đêm ấy ông viết bài thơ này. Bài thơ hay: "Em gần gũi. Em xa xôi" - gần lắm, chỉ cách nhau cái bàn nhỏ và những bông hồng. Nhưng xa cách muôn trùng. Bởi: "Em" bây giờ đã thuộc người khác rồi. "Sao em như vệt chân trời trước anh" – Em vẫn đẹp rực rỡ như áng mây chiều dát vàng. Nhưng tiếc thay em chỉ là "đường chân trời", nhìn thấy đấy mà không thể tới được. "Giơ tay tưởng với được tình" - Chỉ chừng nửa mét, tưởng "giơ tay" là có thể "với được” nhau. Mà không. Không thể. "Đường chân trời" luôn ở phía trước, dẫu có "bước đi, đi mãi mà mình vẫn xa"(!). Buồn quá. Thương quá. Xót xa quá. Đau khổ quá. Vì đâu? Vì chiến tranh. Vì kẻ thù cướp nước và bán nước gây nên. Bài thơ tình mà mang giá trị tố cáo, lên án chiến tranh sâu sắc.

Có điều đặc biệt là nhà thơ rất quan tâm đến cái dấu "chấm"(.) đặt ở giữa câu thứ nhất: "Em gần gũi. Em xa xôi". Hai lần anh điện nhắc tôi và yêu cầu được đọc "bản bông" cuối cùng trước khi in. Anh bảo tôi: "Bỏ cái dấu chấm ấy, hoặc thay bằng dấu ngắt câu khác thì bài thơ sẽ đổ". Đúng là như thế. Dấu "chấm" đó giống một lưỡi gươm cắm phập giữa hai trái tim, chia cắt tình đôi lứa, xé nát cuộc sống bao gia đình, bao dòng tộc, chém ngang đất nước làm hai miền. Dấu “chấm” đặt ở vị trí ấy, và chỉ ở vị trí ấy thôi, mới đem lại hiệu quả cao nhất giá trị lên án chiến tranh. Có thấu nỗi đau mất mát mới thấy được ý nghĩa của sự nghiệp thống nhất đất nước.

Càng thấy biên tập là một nghề và sáng tác là một nghề. Khác nhau. Có người sáng tác giỏi, nhưng biên tập dở. Có người biên tập giỏi, nhưng không sáng tác được

Có thể kể ra không ít điều thú vị về chữ, nghĩa để chứng tỏ rằng nghề này quả thật vô cùng khó. Tài năng như Tô Đông Pha mà vẫn còn mắc phải "bài học nhớ đời" như thế. Văn hào lỗi lạc như Bơc-na-sô, hoặc thi nhân lừng danh như Vương Bột, Tản Đà mà biết khiêm tốn học hỏi như thế...

Qua mấy câu chuyện trên liệu các nhà văn, nhà báo, đặc biệt các "nhà biên tập" của chúng ta cùng những ai làm công việc liên quan đến chữ nghĩa như tuyên huấn, giáo dục... có tự kiểm để rút ra cho mình bài học gì không.