Buồn và vui là hai mặt của cảm xúc con người. Không có nỗi buồn thì không hiểu được niềm vui. Không đau khổ thì không đánh giá đúng được giá trị của hạnh phúc. Thất vọng làm nảy mầm hy vọng. Vấp ngã tạo bài học cho thành công… Những cặp phạm trù này trong đời sống một con người cũng giống như đi qua bóng tối thì mừng vui khi thấy ánh sáng hiển lộ vậy.
Nhà thơ quan sát, sống giữa thế sự, đắm mình vào thế sự, bao giờ cũng thấy hiển hiện ra ở cả hai phía: thế sự vui và thế sự buồnSau khi giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước, Việt Nam là một quốc gia ngổn ngang những vấn đề hậu chiến. Người Việt đã để lại đằng sau vinh quang của chiến thắng để tìm đường phát triển. Thông điệp được các nhà ngoại giao Việt Nam đưa ra với quốc tế: “Việt Nam là một đất nước chứ không phải là một cuộc chiến tranh” để bắt đầu một đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương và đa dạng hóa, sẵn sàng làm bạn với tất cả vì mục tiêu hòa bình và thịnh vượng.
Trong mấy mươi năm vừa qua, tính từ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước đến hiện nay, đất nước ta đã vươn lên, phát triển với tốc độ khá nhanh, kiến lập nên nhiều thành tựu mang tính chất lịch sử. Trong mắt nhìn của mỗi người dân thường thôi cũng đã cảm nhận được là mình sống ở một quốc gia đang chuyển mình thay đổi, phát triển và hội nhập với thế giới.
Từ vị thế bị cô lập bởi bao vây và cấm vận, Việt Nam đã trở thành một quốc gia bình đẳng, có vị thế và tiếng nói quan trọng trên các diễn đàn toàn cầu, chủ động tham gia và chủ trì các sự kiện, các hoạt động mang tầm vóc quốc tế, từ Liên hiệp quốc cho đến các tổ chức với nhiều quốc gia ở khu vực và châu lục.
Bây giờ, nhìn khắp đất nước trải dài bên bờ biển Đông, ta gặp bao nhiêu hình ảnh đẹp đẽ, đầy sức sống. Các thành phố và đô thị hiện đại, văn minh không kém gì các thành phố trung tâm sầm uất có lịch sử lâu đời ở các quốc gia phát triển và tiên tiến. Dáng vóc, khuôn mặt, cho đến cả thời trang và cách ứng xử của con người Việt Nam, đã đẹp đẽ lên biết bao nhiêu. Người Việt đã tự tin và đĩnh đạc hội nhập bình đẳng với công dân của mọi quốc gia trên toàn cầu.
Người Việt Nam đã tham gia bảo vệ hòa bình thế giới, tiến hành những hoạt động diễn tập và thi đấu quân sự cùng các quốc gia khác, phối hợp trong những dự án nghiên cứu khoa học, chinh phục và bảo vệ thiên nhiên liên quốc gia. Nhiều doanh nhân nước Việt đã được công nhận, lọt vào danh sách các bảng xếp hạng tỉ phú thế giới. Nhiều sản phẩm, thương hiệu của nền kinh tế Việt đã được giới thiệu, đang trên con đường chinh phục thị trường quốc tế.
Người Việt đã lập nên những kỷ lục và thành tựu trong các kỳ cuộc đua tranh ở quy mô thế giới, quy mô châu lục về văn hóa, nghệ thuật và thể thao… Bóng đá Việt Nam đã vươn tầm châu lục, đang mơ giấc mơ tham dự World Cup lần đầu tiên. Phụ nữ Việt Nam đã hiện diện và đạt được những danh hiệu ấn tượng trong các cuộc thi hoa hậu toàn cầu…
Trong những ngày căng thẳng đương đầu chiến đấu với đại dịch hiện nay, tư thế dân tộc của người Việt cũng là một hình ảnh thật đẹp: Đoàn kết, tự tin, vững vàng và mạnh mẽ. Việt Nam cũng sẵn sàng phối hợp và hào hiệp chia sẻ với thế giới những kinh nghiệm và cả những trang thiết bị y tế rất cần thiết cho những nơi còn khó khăn ở các quốc gia khác.
Thật sự, ai cũng cảm nhận được là đất nước mình đã có bao nhiêu tin mừng, bao nhiêu niềm vui, bao nhiêu tự hào... Đấy là một phía, gọi là thế sự vui.
* * *
Nhưng trong hành trình kiến tạo và phát triển hiện nay, còn hiện ra một mặt kia với rất nhiều những nỗi buồn, những bi kịch, tha hóa và xuống cấp. Nhiều câu chuyện đau lòng chưa từng có đã diễn ra. Tệ nạn tham ô, tham nhũng và hối lộ hủ bại liên quan đến những khoản tiền lớn chưa từng có, gây ra những thất thoát khổng lồ cho ngân khố quốc gia. Tài sản công của nhà nước, của nhân dân bị gặm nhấm với mức độ kinh hoàng. Chưa từng có số lượng quan chức cao cấp lớn đến như thế bị truy tố ra tòa, bị xử lý; nhiều vị tướng tiếng tăm anh hùng lừng lẫy, bỗng một ngày khoác áo tội nhân; các tướng tá công an bắt tay với tội phạm, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao, tổ chức các đường dây đánh bạc xuyên quốc gia với số tiền nhiều ngàn tỷ đồng. Con số các vị tướng, tá công an, quân đội bị bắt, bị xử lý cứ dài thêm; tài nguyên, đất đai được vực dậy để phát triển, nhưng cũng là địa bàn màu mỡ cho tham nhũng, tiêu cực và sai phạm ghê gớm sinh sôi nảy nở; nhiều người dân bị đẩy vào khốn cùng, máu đã đổ trong hòa bình vì tranh chấp lợi ích đất đai; nhiều công trình đội vốn nhiều lần, áp dụng công nghệ lạc hậu, không nghiệm thu được, chậm đưa vào sử dụng đã phơi ra như những “tượng đài xấu xí” giữa đô thị lớn; nhiều tồn tại, tiêu cực ngay trong nhà trường, trẻ em bị bạo hành, xâm hại; người Việt tự tin, đĩnh đạc đi ra hội nhập và làm việc với thế giới, nhưng cũng không ít người trốn chui trốn lủi ở nước ngoài vì mưu sinh mà chết thảm nơi rừng hoang tuyết cóng hay trong thùng xe container…
Những chuyện trên là một phía khác, phía thế sự buồn đau và ám ảnh.
* * *
Các nhà thơ chọn vị thế nào trước những thế sự buồn như thế của đất nước, của dân tộc?
Một quá trình phát triển tối ưu là làm sao phát huy được cao nhất những tiến bộ, văn minh và hạn chế đến mức thấp nhất những hệ lụy xấu. Cũng giống như cảm xúc con người, có vui có buồn, nhưng làm sao để vui nhiều buồn ít, hạnh phúc nhiều hơn khổ đau ít hơn, thất vọng dưới đáy hy vọng trên cao, vấp ngã ít lần để có thành công nhiều lần, lớn lao và tầm cỡ…
Để góp phần vào xây dựng những hành trình phát triển tối ưu, không chỉ đơn thuần là được quyết định bởi chủ trương và chính sách vĩ mô, mà còn được hình thành nên bởi cảm hứng xã hội và ý thức cũng như nhận thức và văn hóa từ mỗi con người trong cộng đồng xã hội, trong đó các nhà thơ là một thành viên.
Các nhà thơ hiện nay đang viết gì? Họ đau đớn như thế nào trước những thế sự buồn ngổn ngang? Thơ ca chỉ quen viết về niềm vui, về những xúc cảm cá nhân, loanh quanh trong các cuộc chơi chữ nghĩa hay sợ hãi những hệ lụy tưởng tượng sẽ đến với mình mà không viết về thế sự buồn ấy?
Thơ ca Việt hiện nay dường như đa số là những áng thơ “đèm đẹp”, không mấy gắn bó với thế sự hiện nay. Nhà thơ dường như chỉ chọn cách sáng tác an toàn và dễ dãi, không có đóng góp đáng kể, là một thái độ “quay lưng” lại với thực tế đời sống.
Hoặc theo chiều ngược lại, với giọng dằn dỗi, nghiệt ngã, coi mình đứng trên mọi thế sự buồn, làm quan tòa phán xét, lấy sự chỉ trích làm giá trị tác phẩm của mình.
Viết về thế sự buồn không đơn thuần là phản biện xã hội bằng văn chương. Đó chính là sự phản tỉnh và cảnh báo sâu sắc những mặt trái của phát triển nóng hiện nay mà chưa đồng thời chú trọng nhiều đến việc xây dựng được những giá trị căn cốt cho chủ thể con người, để họ xây nên những phát triển bền vững.
Sáng tác về thế sự buồn một cách sâu sắc, rung động tâm thế người đọc, không phải là phản đối phát triển mà chính là vun đắp cho phản triển từ chiều sâu nhân văn và văn hóa. Đó cũng là thái độ nhập thế đầy trách nhiệm của người cầm bút, của những “kỹ sư tâm hồn”!
Nó đòi hỏi người làm thơ phải có một bản lĩnh thơ ca vững chãi, một trách nhiệm công dân cao cả và trên hết, phải có xúc cảm sâu xa, sự nhiệt huyết đối với tiền đồ, vận mệnh của dân tộc. Nhà thơ là người sống cùng với dân tộc mình, vui buồn cùng với những nổi trôi trong hành trình của đất nước để tìm đường đi đến một xã hội dân chủ, văn minh và phồn thịnh.
Những vần thơ là tiếng lòng của người làm thơ hòa cùng với tiếng nói của người dân, của những người yếu thế, thấp cổ bé họng, những người dễ bị tổn thương bởi vô vàn những điều bất công trong xã hội, bởi đại dịch và cả những chính sách còn chưa theo kịp với đời sống. Nhà thơ chính là người đi cùng với những người con người đó, để họ không bị bỏ lại phía sau, như một câu khẩu hiệu thường thấy trong những ngày này.
Tôi cho rằng, nếu có thêm nhiều dòng thơ, bài thơ viết với cảm xúc, cảm nhận và tư duy sâu sắc về thế sự buồn thời nay, cảm thông, chia sẻ được với con người, lên án những điều bất công một cách có văn hóa, thì sẽ góp chung được vào việc xây dựng cảm hứng xã hội đẹp đẽ, hướng đến việc hình thành, hoạch định và tiến hành những quá trình phát triển hài hòa tối ưu của đất nước chúng ta.
Với tư duy tỉnh táo và công bằng, chúng ta hiểu rằng những hiện thực đau lòng trong một xã hội đang gồng mình chuyển đổi có thể coi như một hệ lụy tất yếu của phát triển. Đoàn người đi nhanh lên phía trước thì tất phải có những cá nhân không theo kịp, rớt lại phía sau, đồng thời cũng không thể tránh khỏi có những cá nhân ngáng trở và làm chậm lại quá trình chuyển động đi lên của cộng đồng.
Nguồn: Báo Văn Nghệ bộ mới số 2