Như mọi người đều biết mỗi một nhà văn khi sáng tác đều có một vùng quê, một vùng đất thân thuộc, yêu quý và am hiểu để từ đó có những chất liệu mà sáng tạo ra những tác phẩm để thể hiện hình bóng quê hương, cùng những suy nghĩ, nhận thức về cuộc sống, nhân thế và con người, cũng là để tri ân những gì quê hương , vùng đất mang lại, nuôi dưỡng tâm hồn nhà văn. Sô Lô Khốp có vùng sông Đông nên thơ đầy biến động, Mác Xen Pruts có Pa ri êm đềm, quý phái, Nguyên Hồng có thành phố Hải Phòng bụi bặm và cường tráng, Nam Cao có vùng đồng chiêm trũng ngột ngạt và mỏi mòn, Tô Hoài có vùng ven đô dệt vải…Lối độ hơn ba, bốn chục năm trước văn học Hà Nội cũng ít nhiều có những nhà văn, nhà thơ chỉ nói đến tên tuổi họ thôi cũng đã thấy hiển hiện lên bản ngã Hà Thành trong sáng tác. Đó là Vũ Bằng, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Hà Ân, nhà văn hài hước Đồ Phồn, nhà thơ trào phúng Tú Mỡ…Trong thời gian đó trong trùng điệp của tác phẩm văn chương cả nước khi nói đến mảng tác phẩm viết về Hà Nội, mang đậm chất Hà Nội là thấy nổi lên “món ngon Hà Nội”, “dế mèn phiêu lưu kí”, bài thơ “đất nước”, tiểu thuyết “Phất”, “sống mãi với thủ đô”, “người Thăng Long”, thơ trào phúng Tú Mỡ …những tác phẩm tiêu biểu này không chỉ là đề tài về Hà Nội mà trong nội dung tác phẩm cũng như tính cách nhân vật, trong từng chi tiết, diễn biến câu chuyện… cũng thấy tố chất hào hoa, tinh tế lịch thiệp, cầu kì cũng như sự lanh lợi kể cả ma lanh của con người, lối sống đặc trưng Hà Nội một thời. Đáng tiếc tố chất, cốt cách Hà Nội đó trong thời gian ba, bốn thập kỉ nay dần dần nhạt đi mảng văn học về Hà Nội. Bóng hình Hà Nội- tôi nói bóng hình chứ không nói tố chất Hà Thành – có chăng chỉ hiển hiện lên một vài cái tên tác phẩm, đôi ba bài thơ, dăm ba truyện ngắn, thậm chí cả tiểu thuyết ..có khi lấy đối tượng phản ánh, mô ta về đất, về người Hà Nội nhưng lại không thể hiện được tính chất, và cả tính cách người và vùng đất Hà Thành. Gần đây đi xem một vở kịch về Hà Nội vào những năm 54, 55 tôi ngạc nhiên khi tác giả và đạo diễn để tạo không khí Hà nội những năm đó đã cho vang lên lời rao trong đêm ”hạt vịt lộn đây, hạt vịt lộn đây”. Đây là sự sai lầm của các tác giả khi mô tả Hà Nội trong những năm đầu tiếp quản thủ đô. Xin nhớ người Hà Nội nói riêng và người miền Bắc nói chung vào thời này chưa biết ăn trứng vịt lộn. Khoảng 58 khi cán bộ miền nam ra tập kết mới mang món trứng vịt lộn ra du nhập. Và ngay tiếng “hạt vịt lộn “cũng chỉ du nhập ra phía Bắc sau giải phóng Miền nam. Nêu ra một chi tiết nhỏ như vậy để thấy rằng. Nếu không am hiểu kĩ càng, không sống đến tận cùng, và không am hiểu Hà Nội kĩ càng thì nhà văn dù tài ba đến đâu cũng không thể phản ảnh ngay từ hình thức của Hà Nội chứ chưa nói đến tính cách, phong cách Hà Hà Nội. Tôi nói điều này mong mọi người không phải quê gốc Hà Nội đừng tự ái. Bởi lẽ Hà Nội ngoài yếu tố là một địa phương nó còn có vai trò là một thủ đô- Thành phố quan trọng, tập trung nhất của quốc gia - nên người tài hoa tứ xứ đổ về cư ngụ, làm việc là điều tất nhiên. Chỉ có điều để viết đúng chất Hà Nội người ta phải sống, phải am hiểu cốt lõi cách sinh hoạt, lối sống đã từng làm nên thương hiệu”hương hoa nhài” của người Hà Nội. Nhà văn quê gốc Hà Nội có lợi thế mang máu Hà Nội từ trong bụng mẹ, trải qua dằng dặc năm tháng tuổi thơ sẽ có sự thuận lợi hơn để viết về Hà Nội. Nhưng chính nhà văn này cũng không thể có tác phẩm Hà Nội nhất nếu sống thờ ơ, thiếu tinh yêu , sự đau xót và cả niềm kiêu hãnh về Hà Nội. Họ sẽ tự thua kém và sẽ không bao giờ thành công trong văn học bằng những nhà văn vùng quê khác nhưng lại có tình yêu lớn, nỗi đau lớn về Hà Nội. Nếu nhà văn không có nỗi quặn đau khi Hồ Tây khi tiếp quản thủ đô rộng hơn 800 ha, nay bị thu hẹp chỉ còn gần 500 ha và chuẩn bị biến thành ao tù khi những nhà cao tầng thi nhau bao quanh. Không đau khi quầy hàng hoa nổi tiếng góc hàng Khay mỗi sáng có các tấm áo dài, áo tứ thân bên những bó hoa đẫm sương bị phá đi, rặng ổi Nghi Tàm thơm lừng Xuân Diệu từng làm thơ… thì làm sao viết hay, viết đúng về Hà Nội được.
Thiếu một tình yêu, một nỗi đau, một sự am hiểu thì không thể có tác phẩm mô tả chuẩn xác chất Hà Thành.
Điều thứ hai tôi muốn nói bắt đầu từ một mệnh đề mang tính lý luận “ bất kể một tác phẩm văn học nào cũng bắt nguồn từ hiện thực”. Cuộc sống và xã hội Hà Nội cách đây gần nửa thế kỉ có tốc độ phát triển rất chậm nếu không muốn nói là ngưng đọng. Phương tiện thông tin cũng như sự hòa nhập với thế giới rất hạn chế. Chính trong điều kiện đó nên lề thói, tập tục, lối sống mang chất Hà Nội từ ngàn đời dường như vẫn lưu giữ không đổi từ vùng ngoại thành đến phố cổ. Người Hà Nội biết dùng mùi xoa và nước hoa, quen miệng “cám ơn”và “xin lỗi” , đi qua đám ma thì ngã mũ, nón; tình làng nghĩa xóm được tôn trọng, giữ gìn…Nhưng hai, ba thập niên trong đà phát triển của kinh tế, sự hòa nhập với thế giới bên ngoài, cùng những tiến bộ công nghệ thông tin, truyền thông xuất hiện. Thêm vào đó kinh tế thị trường xuất hiện biến Hà Nội thành một đô thị lớn, đầu mới lớn bên cạnh là một trung tâm kinh tế có nhiều khu công nghiệp hình thành kéo theo dòng người lao động các vùng quê đổ về. Cộng thêm với sự mở rộng diện tích Thủ đô tới các vùng miền lân cận đã tạo ra một sự thay đổi lớn lao. Đầu tiên là về hình thức với những khu Hà Nội mới, số lượng người Hà Nội mới, thứ đến là lối sống các miền quê theo chân con người tràn đến đã dần dần pha trộn nhiều và làm nhạt đi hoặc nói đúng hơn là phá vỡ cốt cách lối sống và tập tục Hà Nội. Hà Nội dần dần trở thành một địa phương đa dạng, đa sắc tộc của nhiều miền quê. Thêm vào đó, với sự phát triển của phương tiện thông tin, sự phổ cập của chiếc điện thoại thông minh đã khiến thế giới nằm trong tầm tay. Mọi tiến bộ của nhân loại, và cả những thói hư tật xấu ẩn dưới những danh hiệu mỹ miều cũng ùa vào lôi kéo nhất là lớp người trẻ. Giới trẻ nói riêng và người Hà Nội nói chung làm quen và tỏ ra mê say với ngày tình nhân, với Hallowen…Những ban nhạc, minh tinh màn bạc của Hàn Quốc, Hồng Kông đã dần dần tạo ra một lối sống đua đòi, trọng đồng tiền, vật chất, bất chấp tất cả để đạt mục tiêu trong cuộc sống mà quên đi lối sống trọng nghĩa, chân tình, thanh lịch. Đáng buồn đứng trước những làn sóng xa lạ như vậy thì cách giáo dục con người của ta còn nhiều khiếm khuyết lớn. Người ta rất ít dậy trẻ con đạo đức, kĩ năng làm người mà chỉ nhồi nhét trẻ em những thứ quá mơ hồ, khó hiểu với tuổi tho, kiến thức một cách thiếu khoa học và mục tiêu học vị, danh vọng…
Từ thực trạng trên nên xã hội và con người Hà Nội đã biến chuyển theo hướng khác hẳn truyền thống Hà Nội xưa. Điều đáng nói là cho đến nay lối sống đặc chất Hà Nội là thanh lịch, hào hoa, chân tình chỉ còn trên sách vở tàng trữ, hay đôi chút trong lời nói, kí ức của những người ở tuổi 6, 7 chục tuổi trở lên, còn con người, lối sống Hà Nội ra sao cho đến nay vẫn chưa được xác định mà chỉ thấy đó là một nồi lẩu nháo nhào trong một xã hội đang phát triển song có quá nhiều khiếm khuyết.
Trước một hiện thực còn đang hình thành và thực sự nhốn nháo như vậy không ít nhà văn lúng túng khi viết về Hà Nội và nếu có một nhà văn nào đấy nhanh nhậy nắm bắt được thực trạng hiện thực để mô tả, thì rõ ràng bức tranh được phản ảnh trong tác phẩm của anh ta chỉ là một Hà Nội hôm nay trong sự nhộn nhạo với cháo chửi, những câu chửi thề và cả những nắm đấm vì va chạm trên đường, những vụ án nàng dâu khai bố mẹ chồng chết để cướp đất, cướp nhà, những đứa trẻ con mặc đồng phục đi vào nhà nghỉ…chứ không phải là một Hà Nội thanh lịch xưa.
NH