Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ẨM THỰC LÀNG QUÊ – NÉT VĂN HÓA ĐẶC SẮC TRONG “TÔI VÀ LÀNG TÔI” CỦA LÊ BÁ THỰ

PGS.TS Cao Thị Hồng & Mai Thị Nhài
Thứ năm ngày 16 tháng 7 năm 2020 1:43 PM






 

1. Khi nói về tình cảm dành cho quê hương nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình, Lê Bá Thự - tác giả cuốn hồi ức Tôi và làng tôi (Nxb. Hội Nhà văn, 2019) chia sẻ: “Tôi xa làng, nhưng ngày nào làng cũng ở trong tôi. Làng ở trong tôi khi tôi thức, làng ở trong tôi ngay cả khi tôi ngủ. Nhiều đêm tôi chiêm bao thấy mình đang ở làng”(1). Tâm sự chân thành, xúc động của Lê Bá Thự cho thấy cũng như nhiều nhà văn khác viết về “làng”, cội nguồn sâu sắc nhất, cơ sở để làm nên sự thành công của tác phẩm đó là tình yêu tha thiết sự gắn bó máu thịt với quê hương, xứ sở. Nhưng, khác với nhiều người đã viết về “làng”, Lê Bá Thự đã tìm một cách rất riêng để trải lòng cùng bạn đọc, và bạn đọc đồng hành cùng ông suốt chiều dài ký ức tuổi thơ như tìm lại được chính tuổi ấu thơ trong sáng, hồn nhiên một đi không bao giờ quay trở lại của mình, gặp lại nơi quê nhà với những gương mặt quen thuộc, thân yêu nhất cuộc đời. Theo dòng hồi ức của Lê Bá Thự, bạn đọc còn được đắm mình trong không gian làng quê Việt với nhiều những nét văn hóa (cả về văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần) đặc sắc. Và một trong những nét ấn tượng, neo lại khó quên trong lòng bạn đọc chính là những trang văn mà tác giả đã dụng công miêu tả sinh động những món ăn, thức uống của làng quê - những món ăn, thức uống tuy bình dị nhưng là nơi lưu giữ “hồn quê”, mang chứa nhiều giá trị văn hóa. Chính vì vậy vấn đề Ẩm thực làng quê cũng là một trong những nội dung đặc sắc cần được ghi nhận trong Tôi và làng tôi của Lê Bá Thự.

2. Văn hóa ẩm thực là nét văn hóa được hình thành tự nhiên trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của con người. Đối với nhiều dân tộc ở các quốc gia khác nhau, ẩm thực không chỉ là nét văn hóa về vật chất mà còn là văn hóa về tinh thần. Qua ẩm thực người ta có thể thấy bức tranh văn hóa đa sắc màu, hiển lộ nhiều nội dung: phẩm giá con người, trình độ văn hóa của dân tộc với những đạo lý, phép tắc, phong tục trong cách ăn uống…Đọc Tôi và làng tôi được “thưởng thức” vô số những món ăn, thức uống chỉ có ở làng quê Việt qua ngòi bút của Lê Bá Thự, mỗi chúng ta đều cảm thấy trân quý hơn con người và mảnh đất nơi mình đã chôn nhau cắt rốn. Bởi lẽ ẩn sau những món ăn, thức uống là ân tình sâu nặng, là cách đối nhân xử thế, là sự gắn bó yêu thương nồng nàn, chung thủy, là sự khéo léo, tinh tế của người nông dân Việt Nam sau lũy tre làng.

Nền văn minh lúa nước Việt Nam khiến rất nhiều món ăn và nguyên liệu nấu ăn có nguồn gốc từ lúa gạo. Trong Tôi và làng tôi tác giả đưa chúng ta về ngôi làng mang tên Nguyệt Lãng - đây là vùng đất đai màu mỡ, phì nhiêu nên trồng được nhiều giống lúa mà theo miêu tả của Lê Bá Thự đều là những giống ngon đặc biệt, giờ đây là hiếm có, khó tìm như lúa thông, lúa chậu, lúa nếp cái hoa vàng… Từ những đặc sản ấy, người làng chế biến thành nhiều món ăn, đồ uống hay thức quà quê hấp dẫn như cốm, tò hè, rượu thông, bánh đúc, bánh chưng, chè lam, kẹo lạc... Trong trí nhớ của tác giả món nào cũng hấp dẫn tuyệt vời, chỉ món ăn quê mình mới ngon được như vậy: “Hồi tôi còn ở làng, hôm nào được ăn cơm gạo chậu thì cực thích, ăn không thấy no, chỉ cần chan nước mắm hay bát dưa kiệu là ăn bốn năm bát cơm liền” (2); “Bánh đúc chợ Go bùi, đậm đà, có vị nồng nồng đặc trưng của bột gạo đỏ đồng chiêm pha với nước vôi…Cầm miếng bánh đúc mềm trong tay, chấm hay quệt vào bát mắm tôm mùi thơm phức, cho vào miệng nhai qua loa rồi nuốt chửng. Tôi thấy sướng cái bụng” (3). Trong những món ăn của làng quê, đặc biệt ấn tượng là món cốm được làm từ nếp cái hoa vàng. Cách làm cốm của người nông dân Việt Nam thật tinh tế, cầu kỳ: “Mẹ tôi gặt sớm một ít lúa nếp non về làm cốm. Phải là nếp non, bởi chỉ có nếp non mới cho ta cốm xanh, dẻo và thơm đặc trưng. Lúa gặt về mẹ tôi tuốt hạt (...). Sau khi sàng sảy, loại bỏ những hạt lép, mẹ tôi cho thóc vào chảo gang đặt trên bếp củi cháy nhỏ để rang, tay mẹ tôi đảo liên tục cho hạt thóc chín đều, không bị cháy. Rang chừng ba mươi phút, mẹ tôi nhón mấy hạt thóc trong chảo, rồi dùng tay bóp nhẹ theo kinh nghiệm của mình, để biết hạt thóc đã đủ độ chín hay chưa. Thóc đã rang mẹ tôi đổ ra cái rá to, đợi cho nguội. Tôi đổ vào cối giã gạo, mỗi mẻ chừng 3-4 kg. Giã chừng mươi phút, trấu xuất hiện, múc ra sàng sảy sơ qua để loại bớt trấu rồi lại giã tiếp. Cứ làm như vậy chừng bốn năm lần cho đến khi ưng mắt là được. Lần giã cuối cùng quyết định độ dẹt cần thiết của cốm. Sàng sẩy xong xuôi là mẹ tôi đã làm xong món cốm”(4) Những trang văn lắng đọng nhiều cảm xúc về kỷ niệm tuổi thơ gắn với Mẹ và món cốm làm từ nếp cái hoa vàng của Lê Bá Thự cho chúng ta hiểu món cốm không chỉ là món ăn đơn thuần. Mỗi hạt cốm “xanh, dẹt vừa thơm vừa bùi” mang đến cảm xúc như đang nhai “những hạt sung sướng” cho người thưởng thức là sự kết tinh nhiều công sức, giá trị lao động từ khâu cấy trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa đến khâu làm cốm của người nông dân chân lấm tay bùn, và xúc động hơn cả là đức hy sinh, cần cù, chịu thương, chịu khó, khéo léo, đảm đang của những người phụ nữ nông thôn Việt quanh năm suốt tháng tảo tần với công việc đồng áng, gia đình...

Món ăn quê nhà trở về trong hồi ức Tôi và làng tôi phong phú, đa dạng. Bắt gặp trong tác phẩm không chỉ những món ăn mà nguyên liệu có nguồn gốc từ lúa gạo, mà bạn đọc còn có thể thưởng thức các món ăn độc đáo khác trong bữa cơm hàng ngày hay khi tiệc tùng, lễ, Tết được chế biến từ những sản vật của đồng quê. Có thể đó là những món ăn dân dã: ếch xào xả ớt, ếch om chuối đậu, nộm măng tre, thịt vịt, nước xuýt lòng lợn, tiết canh…cũng có thể là những món chế biến kỳ công chỉ có ở những ngày lễ trọng, ngày Tết như giò lụa, giò thủ, cá kho riềng...Có cảm giác dường như món ăn nào của quê hương cũng được tác giả thưởng thức với tất cả “thức nhọn giác quan” (từ dùng của Xuân Diệu), với tất cả sự “thăng hoa”, “khoái khẩu” và tình yêu sâu nặng với xứ sở. Đây là món chuối ốc om mẻ: “Vị chua của mẻ tự gây, vị chát của chuối xanh và hương vị của đồ gia giảm đánh tan chất tanh của ốc, cho ta một món ăn làng quê ngon miệng, bổ dưỡng. Tôi khoái nhất khi được cắn ngập chân răng con ốc nhồi thơm tho và béo ngậy” (5). Những món ăn quê hương ngon hấp dẫn đến mức sau này, dẫu trải bao bôn ba trong cuộc đời, tác giả vẫn sống cùng khoảnh khắc một đi không trở lại: “Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhờ dư âm của tiếng “xì xụp” khi cả nhà ngồi ăn bữa cơm chan canh cua đồng năm nào”(6) hoặc “Không khí gia đình thật đầm ấm khi cả nhà quây quần bên nồi ốc quoắn nóng vừa mới bắc ra khói bốc lên nghi ngút...chấm miếng thịt ốc dai giòn vào bát nước chấm thơm cay, rồi từ từ cho vào miệng, nhai sần sật, ngon lành” (7). Những món ăn giản dị nhưng mang chứa bao tình cảm, nó kết nối gắn bó gia đình, nó trở thành những giá trị tinh thần thiêng liêng an ủi động viên, nâng đỡ bước chân mỗi người trên hành trình cuộc sống nhiều gian lao. Người đọc cảm thấy thích thú khi đọc bài thơ “Ốc” trong Tôi và làng tôi (tr. 207, sách tái bản 2019) của Lê Bá Thự. Tác giả cho thấy vị thế của ẩm thực làng quê, món ốc, ngày xưa và ngày nay được nâng cao như thế nào:

Đồng làng tôi xưa lắm cua nhiều ốc

Ốc nuôi người cả xuân hạ thu đông

Người ta bảo ăn ốc nhiều thành ngốc

Đói phải ăn nhưng vẫn sợ trong lòng

Tôi ở Hà Thành đã mấy chục năm

Cứ mỗi lần có khách xộp đến thăm

Lại mời nhau lên Hồ Tây ăn ốc

Ốc bây giờ thành món đãi khách sang.

Người làng quê xưa coi miếng ăn là niềm hạnh phúc, tạo ra khung cảnh sinh hoạt cộng đồng vui vẻ, ấm áp tình làng nghĩa xóm. Người ta thể hiện sự ý tứ, kính trọng với người già, lòng mến yêu con trẻ bằng cách đi chợ nhớ mua quà, dẫu quà ấy chỉ là cái kẹo vừng, xâu bồ quân, đĩa bánh đúc. Miếng ăn góp phần giải tỏa mâu thuẫn hàng xóm, bạn bè. Mời nhau miếng ăn thể hiện sự trọng thị, mối kết giao thân tình.

Bên cạnh món ăn là thức uống – nếu đã có “thực” thì luôn luôn có “ẩm”, hai yếu tố song hành, gắn bó nhau, cho thấy đặc thù văn hóa, ý nghĩa riêng biệt tạo nên bản sắc của từng dân tộc đồng thời cũng phản ánh truyền thống và đặc trưng của mỗi cư dân sinh sống ở từng khu vực, từng vùng miền nào đó. Trong Tôi và làng tôi không phải ngẫu nhiên Lê Bá Thự lại dành một mục trang trọng để miêu tả chi tiết, cụ thể về ba loại nước uống của người làng quê ông: nước mưa, nước vối và nước chè xanh – đó là những thứ để “ẩm” mà không phải để “thực”, ở mỗi thức uống tưởng như ai cũng quen thuộc này, qua cách miêu tả của Lê Bá Thự bạn đọc có thể thấy trong nó tiềm ẩn nhiều ý nghĩa văn hóa độc đáo.

Khi làng quê và bầu trời cao xanh chưa bị ô nhiễm bởi nền “văn minh” công nghiệp, kinh nghiệm dân gian cho rằng nước mưa là nước tinh khiết, không chứa các chất độc. Nước mưa là nước trời ban tặng và tốt cho sức khỏe. Đó cũng là lý do tại sao ở một số miền quê người dân thường dùng nước mưa để uống. Lê Bá Thự là một trong số những người may mắn của một thời được thưởng thức thứ nước thần tiên này: “Nước mưa mát lạ lùng, ngon lạ lùng, thấm sâu lạ lùng, cho ta cảm giác sảng khoái dễ chịu, khỏe hẳn người. Phải chăng vì đó là nước Trời cho... Nước mưa dùng để “ưu tiên” uống trực tiếp hoặc “nấu nước chè xanh và đun nước vối” (8). Thứ nước uống này được dân quê nâng niu, gìn giữ như báu vật: đựng trong bể “luôn sạch sẽ”, chia sẻ cho nhau “đun ấm nước chè” bởi “chè xanh và nước vối đun bằng nước mưa không bị mất mùi, không bị mất màu, không bị ngái”(9). Trong thời đại hiện nay, khi khói bụi công nghiệp mù trời, kể lại ký ức “nốc ừng ực một hơi ngon lành” nước mưa khi khát nước, Lê Bá Thự như khiến cho bạn đọc càng thêm tiếc nuối một bầu không khí trong lành, thanh tịnh của làng quê thuở trước, nhờ bầu không khí đó con người được hưởng thụ nguồn nước mưa không hề bị vấy bẩn tạp chất và ô nhiễm. Sau bao năm cuộc đời sống xa quê, trong ký ức tuổi thơ vẫn lưu giữ cảm xúc về nước mưa ngon đến mức Lê Bá Thự so sánh: “Giữa trưa hè nóng như thiêu như đốt, khát khô cổ, uống gáo nước mưa thấy nó mát gan, mát ruột và sướng bụng làm sao...có khi còn ngon hơn cả Coca-cola, 7Up hay nước cam bây giờ” (10). Thưởng thức nước mưa sạch có lẽ giờ chỉ còn là giấc mơ...và thức uống này đằm sâu trong kỷ niệm, giờ sống dậy xốn xang trong mỗi câu văn, phải chăng Lê Bá Thự như muốn níu giữ, muốn hồi sinh một nét văn hóa sinh hoạt rất đời thường ở nông thôn Việt Nam thế kỷ trước mà giờ đây đã trở thành xa lạ? Và ẩn sâu trong đó có lẽ là một tiếng lòng khắc khoải, tiếc nuối về một thuở con người và thiên nhiên nơi làng quê gần gũi và chia sẻ thân thiện đến nhường nào!

Ngoài nước mưa làng quê còn có nước vối và chè xanh. Nước lá vối được “mệnh danh là” thức uống “hồn quê”. Tại sao chỉ là thứ nước bình dân thậm chí không mất tiền mua mà trong tâm thức tác giả nước vối lại được nâng niu như vậy? Từ cách miêu tả “bố tôi” ủ lá vối đúng cách, qua nhiều công đoạn để cẩn thận “đem đựng trong chum, cất đi, dùng dần”, đến cách “nấu nước vối bằng ấm đất” để có thứ nước uống “thẫm nâu, thơm ngon, thứ nước vối đặc trưng (...) cảm nhận hết cái ngòn ngọt, cái chan chát, cái thơm thơm và cái có hậu của nước vối cây nhà lá vườn” (11) cho chúng ta thấy, thì ra sau bát nước vối được người làng quê trân trọng, truyền giữ là những tình cảm thương mến, gắn bó lạ thường của con người với xứ sở, quê hương. Nước vối ở đây đâu còn chỉ là thứ uống vật chất, mà nó đã là một phần của hồn người, thứ nước thơm hương, in dấu mãi trong tuổi thơ của mỗi người. Hình ảnh người cha nghèo cần cù, kiên nhẫn, chắt chiu, trân quý ủ từng chiếc lá vối mãi mãi ghi sâu trong tâm khảm tác giả - đó cũng đồng thời là nét văn hóa đẹp trong đời sống sinh hoạt gia đình của người nông dân Việt Nam sau lũy tre làng ...

Trong Tôi và làng tôi, câu chuyện mời bà con lối xóm đến nhà uống nước chè xanh của nhân vật “tôi” là một ký ức đẹp. Chuyện mẹ thường cất công đi chợ Hậu Hiền mua chè xanh vì “chè xanh ở chợ này ngon hơn bất kỳ chợ nào trong vùng”, chuyện cậu bé “tôi” được bố mẹ “cử đi thực hiện sứ mạng mời mọc” bà con dân làng đến nhà uống chè xanh, chuyện “chè xanh, chè tươi, hay chè lá phải biết pha đúng cách thì nước mới ngon (...) nước chè được nấu bằng nước mưa tinh khiết, lấy trong bể nước mưa nhà tôi”, và chuyện về những công đoạn người làng quê tỷ mỉ làm ra nước chè xanh để trịnh trọng mời nhau cũng công phu chẳng kém gì những “đại gia” nơi xứ khác thưởng trà. Tất cả cho bạn đọc thấy chiều sâu trong văn hóa giao tiếp, ứng xử của người nông dân Việt. Chuyện uống chè xanh không đơn thuần chỉ là chuyện “uống” - đó là bài ca về tình làng, nghĩa xóm, uống chè chỉ là cái cớ để được gặp nhau, để “trò chuyện, tâm tình gắn kết nhau sau những giờ làm lụng cực nhọc trên cánh đồng” (12).

Đặc biệt, xung quanh chuyện mời uống nước chè, ký ức tuổi thơ của cậu bé Lê Bá Thự vẫn tỏa sáng lung linh hình ảnh: “Một chiếc chiếu được trải ra giữa sân nhà tôi, dưới sao trời (...) Khi bà con hàng xóm đã tề tựu đông đủ, bố tôi nâng ấm tích rót nước trà vào từng bát bày sẵn trên chiếu. Vòng một bố tôi chỉ rót nửa bát, vòng hai mới rót đầy. Ánh đèn dầu lạc cộng với ánh sao trời đủ sáng để nhận ra bảy bát nước chè xanh vừa rót, khói bay nghi ngút, sóng sánh, lóng lánh màu ngọc bích.” (13) – cảnh mời nhau thưởng trà dưới bầu trời đêm đầy sao thanh bình, êm ả của những người dân quê đẹp như một bức họa. Nét văn hóa độc đáo của vùng quê xứ Thanh như tạc khắc vào tâm khảm, đằm sâu trong tâm thức nhân vật “tôi”, để rồi dù đi đến tận nơi chân trời góc bể xa xôi, “tôi” vẫn khôn nguôi nhớ về món “nước chè tình làng nghĩa xóm”...

3. Nhận xét về Tôi và làng tôi của Lê Bá Thự, Nguyễn Quang Thiều cho rằng: “Tôi cũng có ngôi làng riêng, nhưng khi đọc cuốn sách này tôi thấy hình như tôi đã sống ở ngôi làng đó. Nghĩa là tác giả đã tìm ra một mẫu số chung về đời sống, phong tục tập quán, tâm hồn và cuộc sống lao động của những người nông dân trên khắp các làng quê Bắc bộ nước ta” (14). Quả đúng là như vậy, mặc dù với Tôi và làng tôi Lê Bá Thự chủ yếu dành tình yêu tha thiết cho quê hương của ông (làng Nguyệt Lãng ở xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) nhưng sự thành công của Lê Bá Thự trong Tôi và làng tôi chính là ông đã tái hiện trong tâm tưởng bạn đọc một ngôi làng mang hồn vía của nhiều làng quê Việt và trung tâm của nó là hình ảnh những con người chân chất, hiền hành, sống nhân nghĩa, ân tình, chịu thương, chịu khó, khéo léo, thông minh, sáng tạo và chính họ làm nên những kết tinh giá trị văn hóa để lại cho muôn đời con cháu. Lê Bá Thự, người hiểu làng mình đến từng chân tơ kẽ tóc đã gọi “hồn làng” trở về trong những món ẩm thực quá đỗi thân quen. Những món ăn, thức uống bình dị đã nuôi dưỡng mỗi người từ khi cất tiếng khóc chào đời đến khi lớn lên bay đến những chân trời xa rộng, dưới ngòi bút tái hiện của Lê Bá Thự đã trở thành nét đặc trưng văn hóa đặc sắc của làng quê xứ Thanh nói riêng và nhiều làng quê khác của nước Việt nói chung. Ẩm thực làng cùng nhiều nét văn hóa khác trong hồi ức Tôi và làng tôi được nhà văn tái hiện với ý thức “trung thực là bút pháp của tôi, không tô son, không trát phấn” (15) đã giúp bạn đọc thấu hiểu, trân trọng, đồng cảm hơn với những ưu tư sâu nặng ân tình của Lê Bá Thự dành cho đất nước, quê hương: “Bây giờ, lắm lúc ngồi suy ngẫm, tôi thấy nhớ cái ngày xưa ấy, cái ngày xưa không bao giờ quay trở lại nữa. Và tôi thấy mình càng yêu làng, càng đa tạ làng đã cho tuổi thơ tôi đong đầy những “cảm xúc làng””(16)./.

Chú thích:

(1),(2),(3),(4),(5),(6),(7),(8),(9),(10),(11),(12),(13),(14),(15),(16): Lê Bá Thự, (2019), Tôi và làng tôi, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội. Tr. 332,138, 114, 141-142, 205, 204, 206, 84, 85,88,87,91,90,302, 332,334.