Nhân dịp 80 tuổi trời, anh Cao Trần Nguyên cho xuất bản tập thơ LỤC BÁT ĐỜI THƯỜNG.
Anh gọi cho tôi bảo viết cho đôi lời và đổ bộ gần 200 trang bản thảo vào email. Tôi in ra và đọc ba khúc: Lục bát Từ Bi, Lục Bát Đời thường và Lục Bát Thì Thầm. Một ông lão 80 gốc gác là thợ mỏ mà hóm hỉnh ham vui vẫn còn Lục Bát Thì Thầm thì phải là người đã ngộ, đã trải đời như một lão thực đúng nghĩa.
Bất ngờ Lục bát của Cao Trần Nguyên rất có nghề, chín và thân gần. Cứ tưởng câu chữ chân quê mà óng ánh làm nên vẻ đẹp của Lục Bát Cao trần nguyên. Lục Bát luôn kén người làm chỉ sa sẩy một chút là thành ca dao hò vè. Thơ Cao Trần Nguyên như làm xiếc leo dây đi vững vàng giưã dân gian và bác học. Thơ anh như một cô gái chân quê duyên nồng bên láng giềng sáng nào cũng phải đánh mắt qua bờ dậu cúc tần.
Đọc phần: Lục Bát đời thường tôi thích những bài viết về Mẹ về Chị:
Yêu nhau đong đấu, đo sào
Hơn thua đâu giám nhặt vào, bỏ ra...
(Hai bà Mẹ)
Nhận vơi, chị để em đầy
Tình đong bàng những canh chầy...nguồn cơn
(Hai bà Mẹ)
Bài, bài thơ không gửi anh láy đi, láy lại từ trắng như muốn nói mối tình tinh khôi ngày nào:
Ngoài hiên hoa trắng nhòm song
Ấm êm chăn gối trắng trong đợi chờ
Và
Để rồi xanh nhớ, trắng mong
Da ngà tươi trắng, mắt trong hạt huyền...
(Bài thơ không gửi)
Người con gái da ngà, mắt huyền kia có gì đó giống “Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” của Tố Như.
Với khúc Lục Bát từ bi, Cao Trần Nguyên viết về những vùng đất, về cõi từ bi.
Câu thơ của anh mang hồn cốt cõi thiền:
Nghe như tiếng vọng bốn phương
Chúng sinh thập loại về nương cửa Thiền...
(Yên Tử trong đêm)
Trong bài Đêm Cửa Ông Cao Trần Nguyên buông mấy khổ Lục Bát da diết mang vẻ nâu sồng:
Mõ rung như có sóng ngầm
Biển nghe vọng khúc thì thầm từ bi
Nửa vãng cảnh, nửa lễ nghi
Nửa vui hội, nử rầm rì...cửa thiêng
Em ơi! Đất đứng, trời nghiêng
Một đêm bàng bạc và biêng biếc màu...
Lại những câu thơ cháy lòng kkhi đọc bài Chùa Làng:
Bữa cơm đạm bạc đất phèn
Ba sào lúa nước đổ đen mùa màng
Phải là người trải nghiệm và thấu hiểu lắm mới thốt ra được những câu thơ về những kiếp người tay lấm, chân bùn làm ra hạt thóc vất vả và bất trắc biết bao nên “đỏ đen mùa màng...” hai chữ đỏ đen gắn với mùa màng thời hiện tại này rất đắt, rất hiện thực...
Lên Đỉnh Phù Vân nhà thơ vừa tả cảnh lại vừa nói lên triết lí của nhà Phật không phải là những lí tưởng cao siêu, Phật là hỉ xả, là hoan hỉ, buông bỏ và vô thường:
Đây mai trúc. Kia tùng đa
Khói nhang mờ ảo chiều tà hắt hiu
Nhân tình gặp gỡ liu riu
Vui cùng quân tử dập dìu mỹ nhân.
Chiều nay lên đỉnh Phù Vân
Mới hay nước Phật đang gần thế gian...
Ở khúc Lục Bát Thì Thầm, tôi thích những câu thơ đau đáu nỗi niềm của Cao Trần Nguyên:
Cháu nhàu nhỉ khóc trong nôi
Bà nhăn nhau má đứng ngồi trông ra
Biển hơn trong lộng khơi xa
Thương con cá chết mắt sa sẩm buồn...
Và:
Đường trần vấn nạn gian manh
Đường tu chưa sạch hôi tanh cửa chùa
Đường đời thật cứ như đùa
Đói cơm khát chữ bán mua, nợ nần
Công hầu, khanh tướng, quần thần
Xin nghiêng về phía những thân phận hèn...
(Nhân gian điệp khúc)
Như một tuyên ngôn, cốt cách không kém “Đứng về phe nước mắt” của nhà thơ Dương Tường.
Thơ cao Trần Nguyên khiến người đọc đi đến trang cuối, câu thơ dẫn dụ và có ma lực làm cho người đọc không dễ buông bỏ. Thơ của ông già 80 lại là thơ Lục Bát như thế cũng có thể xếp vào loại có đai có đẳng.
Ông lão 79 khen thơ ông lão 80 tuổi như là sự khen lấy, nâng nhau nhưng thật tình tôi không hề làm bạn đọc thất vọng khi đọc thơ Cao Trần Nguyên. Tất nhiên chưa phải thật toàn bích, nhưng trong cái mênh mông bỗ bã của thơ thời buổi này thì Lục Bát Đời Thường đã cho ta một giọt xanh trong trẻo.
TRẦN NHƯƠNG
Nhà thơ
Chủ trang trannhuong.com