Liên tục vỡ kế hoạch
Nhìn lại, đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên mang tính chất hiện đại về quy mô và có chiều dài “ấn tượng” tới 13,05 km đi trên cao từ Cát Linh đến Hà Đông, đường đôi, khổ đường 1,435 m. Tuyến có 12 nhà ga trên cao (bao gồm 2 ga trung chuyển là Cát Linh và Đại học Quốc gia) và khu Depot (ga đầu mối) rộng 19,6 ha, tại Hà Đông. Dự án có 13 đoàn tàu (mỗi đoàn tàu có 4 toa), khai thác với tần suất 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến, tốc độ thiết kế tối đa 80 km/k, tốc độ khai thác bình quân 35 km/h.
Về tổng mức đầu tư, tại quyết định ký năm 2008, dự án có tổng mức đầu tư hơn 552,8 triệu USD (tương đương 8.769 tỷ đồng). Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD phục vụ xây lắp, mua đoàn tàu, thiết bị, đào tạo, vận hành và tư vấn giám sát. Vốn đối ứng của Việt Nam là 133,86 triệu USD phục vụ giải phóng mặt bằng, thuế, phí, lãi suất, quản lý dự án, bảo hiểm…
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn mịt mờ ngày về đích. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Đến năm 2016, tại quyết định số 513/QĐ-BGTVT ngày 23/2/2016, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh thành 868,04 triệu USD (tăng hơn 315 triệu USD, hơn 40% tổng mức đầu tư ban đầu). Trong đó, phần vốn vay của Trung Quốc là 669,62 triệu USD (tăng 250,62 triệu USD), phần vốn đối ứng của Việt Nam là 198,42 triệu USD (tăng 64,56 triệu USD).
Nguyên nhân tăng vốn do quá trình thi công bổ sung nhiều hạng mục không có trong khâu lập dự án như: Bổ sung hạng mục chống lún cho khu Depot, điều chỉnh nhiều ga từ 2 lên 3 tầng do không giải phóng được mặt bằng… Vào thời điểm đó, Tiền phong chỉ ra nhiều bất cập, trong đó có việc tư vấn lập dự án cho dự án này là Tổng Cty Tư vấn thiết kế GTVT của Bộ GTVT (Tedi) chưa từng làm dự án cao tốc đô thị nào.
Về tiến độ, dự án chính thức được khởi công ngày 10/10/2011; ban đầu dự kiến đến tháng 6/2014, sẽ hoàn thành toàn bộ công trình. Từ tháng 10/2014 đến tháng 6/2015, sẽ tổ chức chạy thử và chính thức khai thác từ ngày 30/6/2015.
Tuy nhiên, sau đó, dự án ít nhất 4 lần chính thức phải điều chỉnh tiến độ do vướng mặt bằng, tai nạn lao động. Đặc biệt, dự án bị đình trệ do phải xác định lại tổng mức đầu tư và đợi vốn vay.
Gần đây nhất, vào tháng 12/2016, Bộ GTVT trình và được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh tiến độ, bắt đầu chạy thử vào tháng 10/2017 do chờ xác định lại tổng mức đầu tư.
Tuy nhiên, sau đó, việc vay thêm Ngân hàng Eximbank Trung Quốc hơn 250 triệu USD như hiệp định bổ sung vốn cho dự án gặp trục trặc pháp lý nên chậm giải ngân. Tiến độ chạy thử của dự án được Chính phủ phê duyệt (tháng 10/2017) đã bị vỡ cho đến nay mà chưa có kế hoạch tiến độ mới được phê duyệt.
Chờ đợi đến bao giờ?
Mới đây, Bộ GTVT trình Chính phủ thời gian chạy thử dự án vào tháng 9/2018, vận hành toàn bộ dự án vào cuối năm 2018 nhưng chưa được Chính phủ xem xét.
Liên quan đến thông tin cho rằng vừa qua Bộ GTVT trình Chính phủ phương án đến năm 2021 mới hoàn thành, Bộ GTVT khẳng định: Dự án vẫn chạy thử vào tháng 9/2018, khai thác vào đầu năm 2019. Năm 2021 là thời hạn hết bảo hành, thanh quyết toán để kết thúc dự án (!?).
Tính từ thời điểm khởi công đến nay, dự án trải qua gần 7 năm thi công. Nếu tiến độ của Bộ GTVT đặt ra, dự án cũng sẽ kéo dài hơn 4 năm so với thời gian thi công đặt ra ban đầu (chỉ kéo dài trong 3 năm). Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi ngày chậm tiến độ, dự án phải trả lãi vay khoảng 1,2 tỷ đồng.
Tính từ thời điểm khởi công đến nay, dự án trải qua gần 7 năm thi công. Nếu tiến độ của Bộ GTVT đặt ra, dự án cũng sẽ kéo dài hơn 4 năm so với thời gian thi công đặt ra ban đầu (chỉ kéo dài trong 3 năm). Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi ngày chậm tiến độ, dự án phải trả lãi vay khoảng 1,2 tỷ đồng.
Bộ GTVT sẵn sàng nếu dự án bị thanh tra
Liên quan đến đề nghị của các chuyên gia cho rằng, dự án có nhiều yếu kém, cần phải gấp rút tiến hành thanh tra, chiều 2/4, ông Nguyễn Ngọc Đông, thứ trưởng Bộ GTVT cho hay: Theo kế hoạch của Thanh tra Chính phủ, dự án Cát Linh – Hà Đông không có tên trong các dự án bị thanh tra trong năm 2018. “Tuy nhiên, nếu có thanh tra đột xuất cũng không có vấn đề gì lớn lắm. Dự án có nhiều khó khăn, chậm tiến độ, xã hội đều biết, chúng tôi có sao nói vậy. Nếu dự án bị thanh tra ngay lúc này chúng tôi cũng sẵn sàng; nhiều dự án của ngành GTVT cũng từng bị thanh tra ngay cả khi chưa hoàn thành”.