Trang chủ » Tin văn và...

NHÀ VĂN BÙI VIỆT SỸ, TÁC GIẢ TT GÂY ỒN ÀO: KHI NÀO...

Theo Danviet
Thứ năm ngày 26 tháng 4 năm 2018 3:14 PM




(Dân Việt) Sau những tranh cãi “nảy lửa” về yếu tố sex trong cuốn tiểu thuyết lịch sử “Chim ưng và chàng đan sọt” của tác giả Bùi Việt Sỹ, PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với ông xung quanh vấn đề này.



Thưa nhà văn Bùi Việt Sỹ, mấy ngày nay cư dân mạng tranh cãi khá gay gắt về cuốn tiểu thuyết “Chim ưng và chàng đan sọt”. Vậy ông có thể chia sẻ về sự phản hồi này từ độc giả?

- Tôi cũng cảm thấy bình thường không vấn đề gì. Bởi về mặt nghề nghiệp, tôi cũng viết văn lâu rồi, từ năm 1967 tôi đã viết được gần chục cuốn tiểu thuyết. Còn về mặt con người tôi cũng đã trải qua chiến tranh. Năm 1964-1973 tôi làm công tác đảm bảo giao thông, đã từng tham gia mở đường Việt Nam – Lào, trên bom dưới đạn tôi đã trải qua.

Hơn nữa khi tôi viết về cuốn tiểu thuyết “Người đưa đường thọt chân” nói đến chuyện dự báo Liên Xô sụp đổ, tôi cũng đã bị nghi ngờ là phản động, đã bị theo dõi… Tất cả những điều đó, từ bom đạn đến nghi án chính trị đối tôi cũng đã trải qua.

Nên việc mọi người nói tôi là tôi viết tiểu thuyết sex, thô tục, thiếu tế nhị cũng không sao. Thậm chí tôi còn thấy thích là đằng khác, vì tôi là nhà văn, không được nổi tiếng lắm, nhưng giờ mọi biết đến và tìm đọc lại các cuốn tiểu thuyết của tôi thì đều khen hay. Chỉ có điều tôi hơi mệt một chút, bởi trả lời phỏng vấn liên tục.


Vậy nhà văn suy nghĩ gì khi nhiều người chỉ trích nặng nề cuốn tiểu thuyết?

- Tôi nghĩ, việc nhận xét còn do trình độ văn hoá và thẩm mỹ của người đọc. Việc họ đánh giá như vậy hay đánh giá hơn nữa thì đấy là quyền người đọc, tôi không phê phán và có ý kiến.

Người ta nói rằng: “Một nửa cái bánh mỳ vẫn là bánh mỳ nhưng một nửa sự thật là sự dối trá khủng khiếp". Một quyển sách của tôi 300 trang mà người ta đưa lên có 2-3 trang có nghĩa là không phải một nửa sự thật mà 1/300 sự thật thì thấy rằng sự bịp bợm dối trá đến mức độ nào.

Điều thứ 2, nhân vật Trần Khánh Dư là một võ tướng vừa có tài đánh giặc cứu nước nhưng cũng lại là võ tướng mang chất hào hoa phong nhã rất hấp dẫn đàn bà. Đặc biệt là cặp chân dài của ông ấy. Các cụ ngày xưa có câu “Trường túc bất tri lao” nghĩa là chân dài thì chuyện chăn gối không biết mệt, nên sinh hoạt tình ái của ông cũng khác.

Thậm chí nếu để nói đến cùng, tả đến cùng đời sống tình ái của ông ấy thì e là sẽ còn phải hơn thế nữa. Nhưng với tôi, tôi nghĩ nghệ thuật là nó có chừng mực, nếu nghệ thuật mà tả hết thì lại hỏng.

Chính vì vậy, không thể nói tả về nhân vật Trần Khánh Dư như vậy là thô tục. Tôi xây dựng nhân vật rất "đời" chứ không khô khan, uy nghi và lý tưởng như trong chính sử.

Trên thế giới có bức tượng nổi tiếng của nhà điêu khắc người Pháp Auguste Rodin với hình ảnh người đàn ông người đàn bà đang giao hoan với nhau, bên dưới bức tượng tác giả khắc chữ “Mùa xuân vĩnh cửu”. Theo tác giả người Pháp, sự giao hoan này là duy trì nòi giống, là một mùa xuân vĩnh cửu, đó là nghệ thuật.

Còn ở Việt Nam cách đây khoảng nửa năm cũng có triển lãm ảnh nude, "nude" kinh hoàng luôn và mở cửa trẻ con người lớn vào xem thoải mái mà không cấm. Vì sao lại không cấm trẻ em, vì đấy là nghệ thuật và sách của tôi cũng là nghệ thuật.

Có người vừa mới hỏi tôi, liệu trẻ em đọc có ảnh hưởng không? Tôi khẳng định, cuốn tiểu thuyết lịch sử này không ảnh hưởng tới trẻ em. Bởi trẻ em thời nay hư là do tiếp cận sớm và bừa bãi với các yếu tố “nhạy cảm” qua mạng internet, thậm chí nhiều cuốn sách còn viết khủng khiếp hơn nhiều chứ không phải vì đọc cuốn tiểu thuyết lịch sử như "Chim ưng và chàng đan sọt”.

Theo một khảo sát xã hội học cách đây một tháng, 39,9% học sinh phổ thông trả lời rằng thường xuyên quan hệ tình dục. 10% các cháu học sinh phổ thông trả lời đã quan hệ tình dục trên 3 người. Vậy thì có phải do cuốn tiểu thuyết này mà ảnh hưởng hay không?

Theo nhà văn tiểu thuyết lịch sử có nên thêm những tình tiết mang tính sex như vậy?

- Tôi rất tâm đắc với câu nói của nhà văn nổi tiếng người Pháp - Alexandre Dumas đã định nghĩa về tiểu thuyết lịch sử như thế này: "Lịch sử chỉ là cái đinh để nhà văn treo bức tranh của mình". Tức là lịch sử chỉ là cái đinh đóng trên tường còn dưới cái đinh ấy nhà văn có thể tưởng tượng tùy ý. Tùy tài năng sáng tạo của từng người để treo bức tranh của mình lên.

Tôi viết cuốn tiểu thuyết lịch sử “Chim ưng và chàng đan sọt” theo tuyên ngôn ấy và phản ánh đậm đặc về thời đại nhà Trần, thời đại oanh liệt nhất lịch sử Việt Nam, 3 lần đánh giặc ngoại xâm

Thưa nhà văn Bùi Việt Sỹ, với cuốn tiểu thuyết lịch sử “Chim bằng và nghé hoa”, ông đã chia sẻ có sự tư vấn của nhà văn Hoàng Quốc Hải, chuyên gia hàng đầu về lịch sử Lý – Trần đã cung cấp cho ông một số tư liệu quý giá, đồng thời có sử dụng một số tư liệu của cụ Hoàng Xuân Hãn. Với cuốn tiểu thuyết “Chim ưng và chàng đan sọt” thì sao, có sự tư vấn, hỗ trợ nào từ các nhà sử học?

- Với cuốn tiểu thuyết này, tôi hoàn toàn dựa vào cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” chứ không tham khảo bất cứ ý kiến của ai.

"Ở đây tôi nghĩ có người xấu, họ không được giải thưởng nên họ ghen tức. Nhưng mục đích họ không chỉ nhằm “đánh” vào tôi, nếu có “đánh” vào tôi thì chỉ 30% còn lại 70% là nhắm tới Hội Xuất bản".

Đứng trước nhiều chỉ trích, nhà văn có ý định lần tái bản tới sẽ cắt bỏ hay sửa đoạn miêu tả cảnh ân ái của Trần Khánh Dư và công chúa Thiên Thuỵ?

- Đấy là nhận xét của mỗi người, còn tôi viết như thế này để khắc hoạ rõ chân dung, tính cách nhân vật. Tôi sẽ không sửa. Khi nào người ta đập bức tượng “Mùa xuân vĩnh cửu” thì lúc đó tôi sẽ sửa.

Cuốn tiểu thuyết “Chim ưng và chàng đan sọt” đã được xuất bản và giành giải Nhì tại cuộc thi Tiểu thuyết lần thứ 4 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2015. Vậy lý do nào sau 4 năm cuốn sách lại bị đem ra mổ xẻ, nhà văn có thể chia sẻ?

- Cuốn tiểu thuyết lịch sử này được in bắt đầu từ năm 2014 trên tạp chí văn Nhà văn và tác phẩm và khi in lên tạp chí không ai nói gì. Tháng 12.2015, sách được giải Nhì (không có giải Nhất) tại cuộc thi Tiểu thuyết lần thứ 4 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, cũng không ai nói gì.

Tháng 2.2016, tôi in 1.200 cuốn, tôi lấy 200 cuốn, nhà xuất bản bán 1.000 cuốn cũng không ai nói gì. Ngày 19.4 sau khi giành giải C hạng mục sách hay tại Giải thưởng Sách quốc gia 2018, thì lại bị nói, đem ra mổ xẻ.

Ngày 22.4.2018 báo Sài Gòn Giải Phóng đăng về sự kiện bình luận giải thưởng và những vấn đề đấy nhưng trong đó có đoạn nhằm "đánh" tới tôi, cho rằng tác phẩm “Chim ưng và chàng đan sọt” rơi vào lùm xùm trong việc đạo văn vậy sao vẫn được trao giải.

Trong khi lý do cụ thể là sau khi xuất bản năm 2014, năm 2015 có một tác giả đã đạo nhân vật của tôi, họ lấy nhân vật Trần Khánh Dư cho cuốn tiểu thuyết của họ mang tựa đề “Sương mù tháng giêng”.

Tôi nghĩ mạng xã hội bây giờ như một cánh đồng cỏ khô, chỉ cần vứt tàn thuốc lá, một que diêm là bùng cháy ngay lập tức. Vì vậy khi cuốn tiểu thuyết của tôi được đăng tải trên mạng xã hội, ngay lập tức nó trở thành vấn đề gây tranh cãi “nảy lửa”. Ở đây tôi nghĩ có người xấu, họ không được giải thưởng nên họ ghen tức. Nhưng mục đích họ không chỉ nhằm “đánh” vào tôi, nếu có “đánh” vào tôi thì chỉ 30% còn lại 70% là nhắm tới Hội Xuất bản.

"Năm nay tôi 73 tuổi, tôi cũng là người bình thường nhưng cách sống quý tộc. Tôi viết văn không phải để lấy tiền, lấy danh bởi tôi biết số của tôi không "phát" về đường viết sách. Tôi chỉ chăm chỉ viết báo lấy nhuận bút để sống thôi. Đến lúc này, tôi bày ra trò này để làm gì?".

Bởi nếu nhắm vào tôi thì đã phải nhắm từ năm 2015, sau khi tôi giành giải tại cuộc thi Tiểu thuyết lần thứ 4. Tuy nhiên với hội đồng chấm giải cuộc thi Tiểu thuyết lần thứ 4 thì lại là những nhà văn “sừng sỏ” về văn chương không dễ gì có thể hạ gục.

Đấy chính là sự bất thường, 4 năm không nói gì nhưng chỉ sau 48 tiếng trao giải tại Giải thưởng Sách quốc gia 2018 lại bị "đánh" tơi bời đến vậy.

Tuy nhiên là người làm báo 35 năm, tôi cũng cảm thấy buồn, mặc dù tôi không dám phê phán báo chí. Nhưng nhận thấy báo chí bây giờ có hiện tượng "đánh hôi". Ví dụ một vụ việc nào đó mà tờ báo phát hiện đầu tiên thì báo đó sẽ làm và giải quyết đến cùng theo kiểu độc quyền.

Thế nhưng sau đó có hàng chục tờ báo thấy sự việc cũng nhảy vào phỏng vấn và "đánh hôi" mặc dù chưa biết cụ thể sự việc ra sao, đúng sai thế nào. Tôi cho rằng, cách làm báo như vậy là không trong sáng, cơ quan quản lý cần phải xem xét.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là cách nhà văn Bùi Việt Sỹ PR bán sách, nhà văn nghĩ thế nào?

- Năm nay tôi 73 tuổi, tôi cũng là người bình thường nhưng cách sống quý tộc. Tôi viết văn không phải để lấy tiền, lấy danh bởi tôi biết số của tôi không "phát" về đường viết sách. Tôi chỉ chăm chỉ viết báo lấy nhuận bút để sống thôi. Đến lúc này, tôi bày ra trò này để làm gì?

Còn hỏi tôi có tái bản không, thì tôi cũng nói luôn, trong lúc đang tranh cãi thế này, chỉ hôm trước, hôm sau sách lậu “Chim ưng và chàng đan sọt” đã được bày bán tràn lan tại phố Nguyễn Xí rồi, vậy thì tái bản làm gì.

Ngay như vừa mới đây tôi nhận được 3 cuộc điện thoại, tự giới thiệu là ở phố Nguyễn Xí hỏi tôi: "Anh có sách không bán cho em 1.000 cuốn". Nhưng tôi nói, tôi hết sách từ lâu rồi và không có ý định tái bản lúc này. (Cười).

Xin cám ơn nhà văn Bùi Việt Sỹ!