Tôi gặp Vũ Thành Chung lần đầu ở Ninh Bình đã lâu lắm rồi. Lần đó ông đi cùng Tô Ngọc Thạch, Kim Chuông, Trọng Khánh. Trong 5 ông nhà thơ có mối lương duyên, gắn bó, cùng kênh, chuyến đi ấy thiếu Hà Cừ. Chúng tôi tặng thơ, làm quen rồi chia tay. Vài hôm sau Vũ Thành Chung điện: Bình Nguyên à... Vài hôm sau nữa Vũ Thành Chung xuống Ninh Bình bằng chiếc xe máy đã nhạt mầu. Lần này xuống không phải để đàm đạo thơ, nói chuyện thơ, tặng thơ. Ông xuống để đi tìm cái đẹp qua ống kính của một nhà thơ.
Hôm đó, tôi đèo ông xuyên nhiều con đường vòng vèo đầm, hồ, núi đá. Một ngày dòng dã từ sáng sớm đến tối trời, qua Tràng An, Đồng Chương, Vân Long, Cúc Phương, Hồ Yên Thắng...Đến chỗ nào mắt ông cũng sáng nhảo, say sưa bấm máy, rồi đẹp quá, đẹp quá...Mồ hôi ròng ròng đẫm áo, khô lúc nào không hay. Tối ở lại Ninh Bình, Vũ Thành Chung rủ mấy anh em văn nghệ sỹ ra bờ sông Vân ngồi uống bia cỏ, ngắm sao trời và đọc thơ. Gió mát, trăng thanh, thời tiết se se lạnh, tôi nhìn ông, ngắm ông một thân hình rắn chắc, phong độ, hào hoa cứ hồn nhiên trổ tài thi phú, khuôn mặt ông không thấy hằn lên những dấu vết toan tính, bon chen...Ông đọc bài thơ "Trên đỉnh kỳ quan" viết về Ninh Bình như một sự dự báo: "Tôi gặp kỳ quan Hạ Long trên đất Ninh Bình/ Bao nhũ đá đang hóa thành sự sống"...Mười mấy năm rồi, suy nghĩ ấy của ông đã thành hiện thực. Quần thể danh thắng Tràng An, năm 2014 được Unesco vinh danh là di sản thể giới hỗn hợp về văn hóa và thiên nhiên. Thế là ông đã về nơi "bút đá nghiên mây" trải lòng "trên đỉnh kỳ quan" mà "cầm bút làm thơ" mang tâm thế Ninh Bình.
Vũ Thành Chung đã từng làm kinh tế, lúc khấm khá, ông có cả đoàn xe chở khách ngược xuôi nhiều năm sang Lào đến hơn chục cái. Dần dà, đoàn xe cứ vơi dần, vơi dần, đến năm thành Nhà văn Việt Nam đâu còn vài ba cái. Rồi đến năm thành Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam thì hết. Điều này không khó lý giải với một Nhà thơ, Nghệ sỹ Nhiếp ảnh mà tâm hồn lúc nào cũng rung động, thiết tha đi tìm cái đẹp thì còn đầu óc đâu mà tính toán, cạnh tranh ở thương trường.
Vũ Thành Chung được rèn luyện trong quân đội những năm đầu đời của tuổi trẻ, ông đã từng công tác nhiều năm ở Trung ương Đoàn, được cử đi học ở Liên Xô, về nước với bằng Tiến sỹ Luật. Sau ngày về nghỉ công tác ông mua lại con Mercedes C200 trông còn ngon mắt lắm. Có xe ông bắt đầu tung tẩy.
Vũ Thành Chung là một Nhà thơ nhưng rất say mê chụp ảnh. Ông bước vào con đường ảnh nghệ thuật khá muộn, nhưng ngay từ những ngày đầu làm quen với máy ảnh Vũ Thành Chung đã thể hiện khả năng vượt trội ở loại hình nghệ thuật này. Càng chụp càng say, càng say càng lặn lội tìm kiếm cái đẹp.
Cuộc đời Vũ Thành Chung hơn chục năm trở lại đây là cuộc đợi tất bật ngược xuôi. Bước chân ông lội khắp ngóc ngách các vùng đất miền núi, trung du, đồng bằng của mọi nẻo đường Tổ quốc. Thỉnh thoảng trở về nhà vài ba ngày là ông lại sốt sắng, vào ra rồi lại khoác ba lô bươn chải.
Ông thường xuyên xuống Ninh Bình, khi thì tự lái xe ô tô, khi thì đi xe máy, nhưng nhiều lúc ông đi xe khách. Ninh Bình là miền quê yên ả, có nhiều di tích, danh thắng, nhiều cảnh đẹp, nhiều vùng sinh thái. Vũ Thành Chung rất mê Ninh Bình. Mùa lúa chín ở Tam Cốc; Mùa lễ hội ở đền Thái Vi, đền Đinh Lê, Tràng An; Mùa con nước ở Nho Quan, Gia Viễn; Mùa cò trắng, mùa mây về núi ở Vân Long bao giờ ông cũng có mặt. Chẳng riêng Ninh Bình, các vùng, miền từ Lũng Cú đến Hà Tiên, hầu như không có nơi nào thiếu bước chân ông. Ông đi nhiều, bắt gặp nhiều sự kiện, nhiều khoảnh khắc cuộc sống dồn nén in trong tâm trí. Ông làm thơ rồi chụp ảnh, chụp ảnh lại làm thơ. Giữa những khoảng nghỉ của thơ và ảnh là cảm xúc nghĩ ngợi, những nghĩ ngợi đan xen giữa con chữ và ống kính trong con người Vũ Thành Chung rồi trào ra tác phẩm theo những bước chân.
Ông hay xuống với tôi. Có lần sau cú điện thoại, chưa đầy hai tiếng Vũ thành Chung đã có mặt ở Ninh Bình. Uống chưa xong chén nước ông đã bảo: Chuẩn bị đi thôi chú, trời đang đẹp, tí nữa sẽ có nắng vàng rồi ông tất tưởi mở ba lô kiểm tra lại máy. Ông thường mang theo người 2 chiếc máy ảnh trong đó có một chiếc lúc nào cũng được lắp ống kính tê lê. Để lại cái máy tính xách tay ở phòng, ông đeo ba lô, cầm chân máy háo hức cùng tôi lên đường tới Vân Long.
Vân Long, theo các nhà khoa học thì đây là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất đồng bằng Bắc bộ, đa dạng về sinh thái. Nhưng dưới con mắt của một nhà thơ, một nghệ sỹ nhiếp ảnh thì Vân Long là thiên đường của mơ mộng, là vẻ đẹp thuần khiết, hoang sơ đến tận cùng của trời đất, là nhưng nốt nhạc của cung bậc buồn vui dìu dặt cất lên làm lay động lòng người... Ai đã tới Vân Long vào mùa gió đã heo may, cò về sẽ chứng kiến bạt ngàn những cánh cò trắng phau như bông tuyết, những bông tuyết đan xen, kín đặc, rắc đầy dọc những lùm cây, trên những ngọn núi nối dài nhìn không hết mắt, lăn tăn soi bóng xuống đầm nước như mầu mây đậu lại. Mỗi cây cỏ, ngọn núi, cánh cò Vân Long đã từ lâu thân thuộc với Vũ Thành Chung. Vân Long đẹp và hấp dẫn, nhưng chụp được một bức ảnh mang hồn cốt, đặc trưng của vùng đất này không dễ.
Cánh cò Vân long thường dẫn dụ, hút hồn Vũ Thành Chung. Qua nhiều lần trả giá khi không chớp được khoảng khắc ông tâm sự: Đừng tưởng tìm mọi cách làm cho những bầy cò bay lên là đẹp đâu. khi bị xua đuổi, chúng nhớn nhắc, hoảng loạn tơi tả, bấm máy chỉ được những tấm rối rắm, vô hồn. Ông rất thích những bầy cò bay khoan thai thành hàng như xếp đặt, mềm mại dọc núi tựa một con rồng trắng. Hay những bầy cò từng cánh nghiêng, xoáy tròn rồi tự nhiên gỡ ra bung trong vòng xoáy, uốn lượn lóng lánh dưới nắng vàng khi chiều xuống bật lên trên nền núi đá. Hoặc từng đôi cò trắng nghển cao cổ xoắn lấy nhau như vũ điệu mỗi chiều về núi.
Càng về sau này Vũ Thành Chung sống càng đạm bạc, chắt chiu. Căn phòng làm việc ở cơ quan tôi đã từ lâu thân thuộc với ông. Những buổi tối ở lại Ninh Bình ông thường nằm nghỉ ở căn phòng đó. Một chiếc vỏ chăn trải xuống nền nhà, ngả lưng, đắp lên người chiếc áo mỏng qua đêm, sáng sớm còn nhọ mặt người lại khoác máy ra đi.
Tôi với ông hay tranh luận về ảnh nghệ thuật, những lúc tôi gay gắt ông im lặng, sau đó ông lại phân tích, giảng giải. Khi chưa tiếp cận với phần mềm photoshop, nhiều bức ảnh đẹp tôi thường nghi ngờ cho rằng tác giả đã sử dụng phầm mềm can thiệp làm cho nó "lệch chuẩn" từ thực tế.
Có lần ông mở máy tính cho tôi xem bức ảnh chụp đền Vua Đinh Tiên Hoàng khi ông dùng ống kính mắt cá. Mầu sắc, ánh sáng, đường nét, bố cục, trên nền mây trắng, trời xanh thật đẹp. Tôi bảo ông, sai sự thật không chấp nhận, hai cột trụ trước đền là biểu tượng linh thiêng của lịch sử, không thể uốn cong "lịch sử " như thế được. Ông bảo: Gốc đấy, nguyên file đấy, máy chụp uốn thế đấy, tôi có đụng chạm can thiệp gì đâu, rồi ông cười: Có cái ở loại hình khác thì được, nhưng cái này thì không được. Ông lại cho tôi xem bức Tam Cốc. Bức ảnh phong cảnh rất ấn tượng, một dòng sông nhộn nhịp thuyền du lịch xuôi ngược, uốn lượn trên đồng lúa chín bao bọc xung quanh bằng những dãy núi đá vôi. Tôi và ông đã leo núi, cả buổi ở góc này, nhưng nhìn vào bức ảnh tôi bỗng nhiên rung động, xao xuyến thêm yêu vùng quê ấy. Tôi cũng chụp, nhưng sao không thể đẹp như ông. Ông cho tôi xem file gốc, cũng như tôi có gì đâu. Đến bức ông hoàn thiện thì rõ ràng đã khác một trời một vực. Nó khác ở chỗ dòng sông ở file chụp trước được chồng khít lên dòng sông ở file chụp sau và xử lý mầu sắc, sáng tối. Tôi nói, nhưng cấy ghép thế này nhiều người không chấp nhận đâu. Ông nhìn tôi có vẻ như tôi là người từ thời kỳ đồ đá bước ra rồi giảng giải: Chú đừng lẫn lộn giữa ảnh nghệ thuật với thời sự báo chí. Nó có sai thực tế đâu, vẫn dòng sông ấy, đoàn thuyền ấy, sóng nước ấy, ánh sáng, góc chụp ấy, thời điểm ấy. file trước núi đẹp, mây trời đẹp, sông không đẹp. file sau núi, trời không đẹp, sông đẹp, do đó phải cần đến cái đầu định hình từ khi chụp, rồi sử lý bảo đảm không sai lệch thực tế là được. Nhất là thể loại phong cảnh và du lịch nhằm quảng bá và giới thiệu hình ảnh các miền quê đất nước, không biết tôn lên, làm đẹp lên thì chỉ có mà tụt hậu. Cái anh thợ ảnh bây giờ cũng khác xa cái anh thợ ảnh ngày xưa, chứ chưa nói đến Nghệ sỹ nhiếp ảnh. Tác phẩm nghệ thuật không có giới hạn về cái đẹp, chỉ có người cầm máy mới giới hạn. Sự hấp dẫn của một bức ảnh và tài năng của người cầm máy là biến cái ai cũng nhìn thấy thành cái chưa ai nhìn thấy và biến cái chưa ai nhìn thấy thành cái ai cũng nhìn thấy. Chú xem có bức ảnh nào khi được in ra không qua phần mềm chỉnh sửa không? Người biết thì làm lấy, người không biết thì mang ra hiệu. Thời kỳ hội nhập, bùng nổ khoa học và công nghệ thông tin như hiện nay, mỗi ngày đều có một tiến bộ mới, anh không chịu tiếp thu, cập nhật một ngày coi như anh đã tụt hậu. Người tụt hậu thường rao giảng rất hay về những điều chưa nhìn thấy, nhất là khi có tí chức sắc, ông nhìn tôi cười có vẻ như ám chỉ. Chú xem cả nước có hiệu ảnh dịch vụ nào không có đội ngũ sử dụng công cụ phần mềm chỉnh sửa? Ảnh cưới, ảnh cá nhân, gia đình... Ai chẳng thích đẹp, có nhiều người còn yêu cầu thay phông, thay nền cho đẹp lên. Ngay ảnh báo chí gửi đến tòa soạn phóng viên biết sử dụng phần mềm ảnh họ vẫn đẹp hơn, dễ dùng hơn mà báo chí cũng khối bức ảnh, diễn, sắp đặt, tái hiện lại đóng dấu vào thời gian đầy thuyết phục có sao đâu, miễm không sai lệch thực tế. Nói cho cùng thực tế chỉ là một khái niệm thôi chú ạ. Vũ Thành Chung chỉnh ảnh trong máy tính nói: Chú xem, tôi không chắp ghép đâu nhé, rồi ông kéo con chuột vào bảng mầu phần mềm, cái áo đỏ biến thành cái áo xanh. Cái áo trắng biến thành cái áo đỏ... Mầu sắc sai lệch một trăm phầm trăm. Ảnh nghệ thuật chấp nhận được vì người ta không mặc áo đỏ thì mặc áo xanh, chẳng sao. Nhưng đồng lúa đang xanh mà làm nó đỏ thì sai thực tế, không chấp nhận được. Phần mềm photoshop là công cụ hỗ trợ rất tốt cho những người cầm máy ảnh, chỉ tiếc số người sử dụng thành thạo, hiện không nhiều. Người non, kém thiếu hiểu biết hay lạm dụng làm sai lệch, gây phản cảm, khó chịu nhất là cho những người không biết sử dụng. Vũ Thành Chung vào Google mở một cây cổ thụ bảo tôi: Chú xem chụp được cây cổ thụ 3200 tuổi này, bày cho thiên hạ chiêm ngưỡng, trầm trồ khen ngợi và háo hức muốn tìm đến thì một nhóm các nhiếp ảnh gia và các nhà khoa học đã phải làm việc vất vả trong 32 ngày chụp 126 file ảnh mới dựng được "chân dung" cây khổng lỗ này. Ghép đấy, sao ảnh nghệ thuật mà cứ cấm người ta chắp ghép? Máy ảnh có loại còn uốn cong, bấm liên hoàn, tự nối, tự chắp ghép nhiều file, sao ống kính mình hẹp phải chụp hai, ba file nối vào lại không được? Ông nói với tôi: Chú ngoài chụp ảnh, còn là người lãnh đạo văn nghệ địa phương, chú không chịu học, không chịu tiếp thu cái mới thì bản thân chú thua còn anh em thì thiệt. Chú phải nhớ rằng, cái máy hay phần mềm chỉ là công cụ, con người bảo nó thế nào thì nó làm vậy. Người ta chỉ cấm cái lệch lạc chứ không ai đi cấm cái tiếp thu sáng tạo, hoàn thiện và tiến bộ. Quê chú đất du lịch, phong cảnh đẹp, ảnh chú chụp phải biết sử dụng phần mềm làm nó đẹp, hấp dẫn lên, nhớ đấy. Ông lấy máy, bảo: Để tôi chụp cho chú cái chân dung. Ông dẫn tôi ra ngoài hiên, nơi nắng mặt trời xiên ngang qua cửa, bấm dăm bảy file rồi về phòng đưa vào máy tính. File này chú thật đẹp, nhưng mắt lại nhắm, file này mắt đẹp quá những khuôn mặt không có hồn vía. Ông chỉnh sửa một lúc, đưa đôi mắt ở file không hồn vía sang file khác cho tôi xem rồi hỏi. Tất cả các file ảnh chụp chú, cả file chỉnh sửa, chú ưng cái nào? Tất nhiên không có cái nào đẹp hơn, hồn vía hơn cái file ông đã sửa. Mắt của chú đấy, tôi photosop đấy, chú thích còn bảo sai thì dùng cái không hồn vía ấy, hay cái nhắm mắt ấy rồi về đi guốc mộc nhé. Tất nhiên đôi mắt chú nhìn theo hưởng khác đưa vào thì vứt. Thời đại người ta đi ô tô, máy bay mà chú cứ mang tư duy của người đi bộ áp đặt vào thì bao giờ tiến bộ được. Thôi không nói chuyện photosop nữa, bao giờ chú biết sử dụng thì mới nói chuyện được.
Với nhiếp ảnh, ông là người đi sau nhưng chịu đọc, chịu học và chịu cập nhật thông tin. Bẵng một thời gian khá dài ông không xuống Ninh Bình. Điện cho ông, lúc thì bảo đang ở Đồng Tháp, lúc lại Tây nguyên, khi thì Vũng Tầu, khi thì ở Trường Sa...Ông gắn bó với anh em nhiếp ảnh khu vực phía Nam thân thiết lắm. Nhiều vùng đất các tỉnh ông thuộc lầu lầu chẳng khác như ở Ninh Bình. Nhân có chuyến đi họp ở Bến Tre tôi điện biết ông đang ở thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi hẹn nhau và tôi đến thăm ông. Đến Bà Điểm rồi mới biết, đã hơn nửa năm nay ông "định cư" ở đó. Một mình từ Bắc vào học cách xử lý phần mềm Photoshop. Ông học thầy Dương Trung Hiếu. Tôi ở lại vài ngày mới cảm được ông cùng số anh em về đây học và thầy Dương Trung Hiếu gắn bó như một gia đình. Buổi tối ông nằm ngủ trên chiếc phản gỗ ghép miếng kê trong gian nhà mái tôn. Buổi trưa thường đung đưa trên chiếc võng dù ngoài gốc cây, có đêm nóng bức ông ra võng nằm ngủ.
Năm 2015, đoàn Nhiếp ảnh Ninh Bình vào sáng tác tại Tây Nguyên, gặp Vũ Thành Chung trong ấy, ông nhập đoàn. Khi đoàn ra, ông không về mà lưu lại với anh em nhiếp ảnh Tây Nguyên. Vài ba hôm sau tôi nhận được tin từ Nhà thơ Tô Ngọc Thạch: Bình Nguyên ơi! Vũ Thành Chung cấp cứu ở trong Tây Nguyên rồi. Giọng ông trầm lắng dâng lên nỗi buồn, tôi cũng buồn theo. Tôi biết Tô Ngọc Thạch là người thân thiết và rất quan tâm đến Vũ Thành Chung, những lúc Vũ thành Chung gặp khó khăn ông thường có mặt, rồi ông cho tôi biết Vũ Thành Chung ngã bệnh khi đang ở nhà Nghệ sỹ nhiếp ảnh Bảo Hưng. Căn bệnh xuất huyết dạ dày, nếu không được Bảo Hưng phát hiện cùng Nghệ sỹ nhiếp ảnh Lê Quang Khải đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời ngay trong đêm thì ai biết được điều gì xảy ra vào sáng hôm sau? Từ bấy đến nay, sức khỏe ông không tốt, chỉ có một lần ông xuống Ninh Bình, không chụp ảnh mà xuống chơi với anh em. Trước khi ra về, ông ngoái lại nắm tay tôi đọc một câu thơ ông viết chưa lâu: "Trăm năm thương nhớ đến mình là ta". Ông đi rồi tôi nhìn theo mà bỗng thấy cô đơn. Hình như con người nhiều khi cô đơn ngay cả với chính mình. Ông đi rồi, tôi như còn nghe âm vang dội lại những câu thơ ông viết hôm nào về nghĩa trang Điên Biên khi một lần ông đến: "Bóng cây che mát đầu tôi/ Xanh từ nhựa máu mồ côi tên người". Phải rồi, ông đã từng là người lính, lên Điện Biên đi dưới tán tròn bóng mát của hàng cây được nuôi bằng máu của những người lính vô danh trong lòng đất không rưng rưng làm sao được. Người nằm xuống rồi vẫn hiến dâng tất cả những gì có thể hiến dâng được cho đời và thật ý nghĩa khi ông kết lại bài thơ "Dáng người lính trận cao hơn tượng đài"...
Cuộc đời Vũ Thành Chung ngoài văn chương, ông có một gia tài ảnh nghệ thuật cũng phải kính nể. Nhiều tác phẩm đã được khẳng định bằng giải thưởng trong nước và quốc tế. Nhiều tác phẩm mang dấu ấn riêng của từng vùng đất mà ông đã đi qua. Ông có nhiều bộ ảnh đẹp về Tây Nguyên, về Hạ Long, về Trường Sa...Sau lần ở Trường Sa về, ông nói với tôi muốn được một lần nữa ra Trường Sa để hoàn thiện những tác phẩm ảnh về biển đảo rồi tổ chức một triển lãm cá nhân. Với sức khỏe của ông như bây giờ điều này có thể chỉ còn là mơ ước. Khi xem Triển lãm "Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam 30 năm đồng hành cùng đất nước đổi mới" (1986 - 2016), tôi dừng thật lâu trước tác phẩm "Cao nguyên xanh" của Vũ Thanh Chung. Bức ảnh theo tôi là đẹp nhất về chụp chè từ trước tới nay, không những hội tụ được hồn vía của một vùng đất đang bừng lên khát vọng mà nó còn hội tụ được tính cách, tư duy, tâm hồn của người cầm máy. Tất cả sự hòa quyện của cánh đồng, cỏ cây, trời đất trong không gian mênh mông ấy, làm tôn lên vẻ đẹp thuần khiết của con người đang thắp sáng mình trong lao động. Sau này tôi mới biết, ông đã lặn lội vào, ra nhiều lần với Bảo Lộc, Lâm Đồng
Có điều gì thôi thúc, dồn nén Vũ Thành Chung dốc nốt phần đời để trải nghiệm? Càng trải nghiệm, gắn bó với cuộc sống bao nhiêu, càng thấy những giá trị chân thành lấp lánh, ánh lên từ nơi gian khổ, càng bồi đắp tâm hồn, càng tự tin ngẫm ngợi, càng điềm đạm nhìn lại, càng thương cảm với thân phận con người...
Nhìn ra ngoài xa xôi đâu đó, tôi thấy hiện lên bóng dáng Nhà thơ, Nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Thành Chung, sau những năm tháng chưng cất bước chân mình đang thanh thản đi giữa lòng bạn bè và tác phẩm.
Ninh Bình, tháng chạp năm 2017
B N