Trung tuần tháng 11, sắp tới ngày Nhà giáo, như thông lệ, vợ chồng tôi đến nhà riêng thăm anh chị cả trong gia đình – một gia đình nhà giáo, mà với anh, chúng tôi xem như người “Hiệu trưởng” có công gây dựng “nhà trường”. Người “Hiệu trưởng” ấy, anh tôi – Nhà giáo ưu tú Hà Văn Định. Câu chuyện đang lan man, bỗng anh lấy từ trong tủ kính ra một phong bao mầu hồng rất đẹp, tôi lướt nhanh: Giấy mời…Rồi anh bảo: Nghỉ hưu 15 năm rồi, còn được mời đi dự Đại hội toàn quốc, “họ” chiếu cố mình! Và hai ngày sau anh trong đoàn Đại biểu 5 người của tỉnh Yên Bái lên đường đi dự Đại hội biểu dương các gia đình, dòng họ hiếu học toàn quốc lần thứ 3 tại Hà Nội. Tôi ngồi nhà xem ti vi, bất ngờ thấy anh xuất hiện trong Phủ Chủ tịch, rồi lại bất ngờ thấy Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bắt tay, dừng lại hỏi chuyện và trao quà. Trên màn hình, tôi cảm giác thấy anh ái ngại trước lộc phúc ấy. Một Đại hội cấp toàn quốc của những người tự nguyện tâm huyết với việc nhân giống “Nguyên khí quốc gia” diễn ra không hoành tráng oai nghiêm mà thật đầm ấm cảm động như việc làm thường ngày của người dân vậy. Và anh, đại diện duy nhất cho tỉnh Yên Bái cùng đoàn Đại biểu Đại hội được Chủ tịch nước tiếp kiến trong cả tiếng đồng hồ, chắc là một sự hiếm.
Năm 1960 nhà giáo Hà Văn Định bước vào làng nghề dạy học sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm miền núi Trung ương, nơi đặt chân đầu tiên là Trường Bản Lầu (Sơn La), ông kể: gọi là Trường, nhưng chỉ có dăm bẩy học sinh dân tộc thiểu số, nhà tranh vách đất, mấy đồng lương phải phụ thêm cả việc giấy bút học hành cho trẻ con cốt mong sao cho chúng đừng bỏ học. Rồi ông qua nhiều trường ở Sơn La, ở tỉnh Nghĩa Lộ cũ với trọng trách từ giáo viên đến Hiệu trưởng. Năm 1975 khi đang là Nghiên cứu sinh ở Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc, ông chuẩn bị đi Liên Xô bảo vệ thì miền Nam giải phóng, ông được gấp rút điều vào Viện Đại học Sài Gòn giảng dạy tại các lớp cải huấn cho giới trí thức và sỹ quan trung cao cấp chế độ ngụy quyền. Sau mấy năm “cắt ngang tư duy trừu tượng” ấy, lại được va chạm với những quan điểm trái chiều của giới trí thức Sài Gòn, ông quyết định chưa đi Liên Xô bảo vệ Luận văn tiến sỹ mà trở lại Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc nơi ông gắn bó từ nhiều năm trước để vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu thêm. Tại đây ông hoàn tất khóa luận Nghiên cứu sinh Triết học (Chưa bảo vệ) và được bổ nhiệm Chủ nhiệm Bộ môn Mác-Lênin trực thuộc nhà trường. Thế rồi chiến tranh biên giới xảy ra, quê ông (xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn, tỉnh Hoàng Liên Sơn) nằm trong địa bàn phòng thủ tuyến hai, và tỉnh, là một trong bốn “điểm nóng” nhất trên giải biên giới phía Bắc, tâm trạng như hàng ngày hàng đêm thôi thúc ông trở về. Một lần nữa, từ bỏ hẳn ý định đi Liên Xô, từ bỏ học vị Tiến sỹ Triết học trong tương lai gần, ông về Hoàng Liên Sơn đầu năm 1979, Ty Giáo dục điều động và bổ nhiệm ông làm Phó Hiệu trưởng Trường Sư phạm 10+3. Thầy trò chưa kịp quen nhau thì ông đã được giao nhiệm vụ làm Phó trưởng đoàn khối trường chuyên nghiệp đi lên Mường Khương lập phòng tuyến biên giới. Mấy tháng trời vùng giáp biên nóng bỏng thuốc súng, ông lại một lần hiểu thêm không phải về chiến tranh, mà về ngay cái quan hệ “đồng chí” hữu hảo vốn có bên trong tư duy triết học. “Mác-Lênin, Duy vật biện chứng”, “Mác-Lênin, duy vật lịch sử” những công trình khoa học của ông được bổ sung kiến thức ngay sau sự nhận diện tưởng như ngược quy luật ấy. Năm 1983 tỉnh Hoàng Liên Sơn thành lập Trường PTTH dân tộc nội trú vùng cao, nhà giáo Hà Văn Định được điều về làm Hiệu trưởng. Vạn sự khởi đầu nan, cũng là học sinh dân tộc thiểu số nhưng thách thức ở thời điểm này khác xa với vị Hiệu trưởng trong con người ông 20 năm về trước. Nhớ hôm Tổng Bí thư Đỗ Mười về thăm trường, lúc trồng cây vú sữa, Tổng Bí thư nói vui: “Trồng cây vú sữa nhỡ quả nó khô lại bảo do Tổng Bí thư”. Tất cả mọi người cười vui, nhưng riêng với ông, câu nói của vị lãnh đạo Đảng Nhà nước lại là một thông điệp, thông điệp ấy được đưa ra Đại hội chi bộ nhà trường thảo luận rồi trở thành một Nghị quyết dài hơi, đó là, dù khó khăn đến mấy, cũng phải làm cho nhà trường phát triển, đi lên. Và nhà giáo Hà Văn Định phần nào mãn nguyện sau gần 20 năm rất dầy công vun đắp xây dựng nhà trường đặc thù chuyên biệt này, ông về hưu và để lại cả ngàn học sinh dân tộc thiểu số hai tỉnh Yên Bái, Lao Cai tốt nghiệp công tác trên khắp miền đất nước. Nhiều học sinh sinh viên thời ông dù là ở trường phổ thông hay giảng đường Đại học nay là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Đại biểu Quốc hội, Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc ưu tú, Nhà văn, Nghệ sỹ, hoặc giữ các cương vị lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo cấp ngành, cấp huyện, lực lượng vũ trang, và các môi trường khoa học khác, mỗi khi có dịp gặp gỡ là nhắc đến ông với lòng thành kính. Nhiều câu chuyện của tình thầy trò sâu sắc và cảm động trong 40 dạy học dường như vẫn nguyên vẹn trong ký ức của ông – Nhà giáo ưu tú Hà Văn Định.
Là người em thứ tư sau ông, tôi may mắn được biết, được cùng sinh hoạt trong gia đình. Ngày đó tôi mười tuổi (1962), cứ gần tết, lại đứng trên nhà sàn nhìn ra đường làng ngóng anh về, và rồi sau mấy ngày tết, lại nhìn anh đeo túi theo đường làng xa dần, anh trả phép. Ba ngày đằng đẵng đi bộ mới đến nơi, cả nhà chờ đợi bức điện giấy anh đánh về: “Con đã lên đến trường. Khỏe”. Năm 1969 Bác Hồ mất, tôi học lớp 8 ở nơi sơ tán cách nhà 15 cây số, vội chạy về báo tin cho bố mẹ, nhà không có đài, không có báo, chỉ có tin miệng từ Ủy ban xã. Sau ngày truy điệu Bác, gia đình nhận được thư tay của anh viết trên hai trang pooluy, cả lá thư, sau lời hỏi thăm, là anh kể rành rọt việc được Giám đốc Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc cử đại diện cho học viên đi dự lễ viếng Bác tại Quảng trường Ba Đình. Đoàn người nhích từng bước dưới trời mưa tầm tã, gần hai ngày sau mới đến trước thi hài Bác. Nhìn thấy Bác Hồ, anh khóc nấc.
Cuối năm 1972 tôi đóng quân ở Đại từ, được lệnh cấm trại và đi B (hành quân vào Nam chiến đấu). Tôi điện giấy, từ Thái Nguyên (Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc) anh vội vàng đạp xe lên Đại từ. Đêm đó anh em ở bên nhau mà không hề ngủ, cũng chẳng nói gì nhiều. Cảm giác rất lạ. 4 giờ sáng có lệnh tập trung. 5 giờ đoàn xe vận tải quân sự rời nơi đóng quân dưới ánh trăng thượng tuần. Đêm đông lạnh lẽo ấy cứ chìm đắm trong ký ức tôi những năm tháng chiến trường, cho đến một chiều của 4 năm sau, anh em mới lại bất ngờ gặp nhau giữa Sài Gòn sau ngày giải phòng. Vậy là trong gia đình, người nối hai đầu cuộc chiến chiến trường của tôi, là anh – một nhà giáo.
“Chùa” nhà tôi, kể cũng lạ. Bố tôi chỉ học hết êlêmăngte (lớp 2 tư thục) rồi theo kháng chiến, cụ ra đi ở tuổi 96, bằng cấp cũng vẫn chỉ là lớp 2. Còn mẹ, nông dân chân đất, không biết chữ, mà vẫn “Hai vai gánh cả đồng quê, gánh cả chiều dài họ tộc” một cách trọn vẹn. Nhận quà mừng trăm tuổi của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, 8 tháng sau cụ “về” nhẹ nhàng, vô tư, chỉ đem theo một chữ ký chưa bao giờ rõ nét. Vậy mà con cháu nội ngoại hai cụ có tới mười mấy người làm nghề giáo, trong đó có 2 Phó Giáo sư Tiến sỹ, 3 Tiến sỹ, 5 Thạc sỹ. Có 2 Nhà giáo ưu tú, 1 Nhà văn Việt Nam. 4 người trong số trên từ giáo viên trở thành Hiệu trưởng, ai cũng được nhận Huân chương Lao động, Bằng khen Thủ tướng. Mới đây nhất, tháng 10/2017 cháu ngoại ông, Doãn Diệu Linh đoạt giải nhất cuộc thi giành cho lưu học sinh tại Nhật Bản, và cháu Hoàng Phương Thảo, sinh viên Đại học Y Hà Nội được Chính phủ vinh danh. Nhiều bạn bè ông đến chơi lấy làm tiếc cho cái sự không đi Liên Xô bảo vệ Luận án của ông, lấy làm tiếc ông từ bỏ giảng đường Đại học, về quê hương heo hút, thầy giáo Định thật lòng chia sẻ, rằng, đi đâu cũng không thể bỏ quê, ở xa, gánh nặng chăm sóc con cái dồn lên vai bố mẹ, lên vai vợ hiền (Bà Nguyễn Thị Hiếm, Phó Chủ tịch xã Đại Lịch thời chiến tranh biên giới), không đành lòng. Mỗi lần chứng kiến sự chia sẻ của ông với bạn bè trang lứa, tôi nghĩ đến câu nói dân gian: “Hy sinh đời bố, củng cố đời con”, với ông, có lẽ đúng. Cháu Yến, cháu Sơn con ông; là giảng viên các trường Đại học, học hàm học vị cao nhất xã nhà. Rồi đám em đám cháu chúng tôi có chút danh giá nhà giáo, chắc chắn chịu sự ảnh hưởng từ ông, sự ảnh hưởng ấy có từ những năm 70, 80, thế kỷ trước. Ở vùng rừng núi, ở làng quê nghèo Đại lịch, Văn Chấn được như thế, góp sức với sự nghiệp giáo dục vùng cao được như thế, tự thấy, hạnh phúc lắm. Xuân Mậu tuất (2018) này, nhà giáo Hà văn Định sang tuổi 80. Gia tộc, và học trò gần xa thành lòng chúc ông thượng thọ.
Tháng 11.2013 - 2017