Tính cho tới thời điểm hiện tại (2016 ) có 5 nhà văn Nga được trao giải Nobel Văn học: Ivan Bunhin (1933), Boris Pasternak ( 1957 ), Mikhail Sholokhov (1965 ), Aleksandr Sogienhinsin ( 1972 ) và Ioxip Brodsky ( 1987 ).
Nhà văn Boris Pasternak được trao giải Nobel nhưng không được chính quyền Xô Viết cho sang Stokhom ( Thụy điển ) nhận giải. Thành thử chí có 4 nhà văn có mặt và có bài phát biểu trong Lễ trao giải.
Sau đây là những lược trích lời phát biểu khi nhận Giải Nobel Văn học của các nhà văn ấy.
IVAN BUNHIN : “ ĐỐI VỚI NHÀ VĂN, TỰ DO TƯ TƯỞNG VÀ LƯƠNG TÂM LÀ MỘT ĐỊNH ĐỀ, MỘT CÁI ĐÍCH PHẢI ĐẾN”
Kể từ ngày Giải thưởng Nobel ra đời, đây là lần đầu tiên các ngài trao giải cho một người lưu vong. Người ấy là tôi đây! Tôi luôn luôn biết ơn và ghi nhớ trong tâm khảm lòng mến khách của nước Pháp. Các vị thành viên Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển kính mến, cho phép tôi thay mặt cá nhân và tác phẩm của mình nói rằng quyết định của các ngài thật là tuyệt vời. Trên thế gian này cần tồn tại quyền lực của tính độc lập hoàn toàn.Không nghi ngờ gì, ngồi xung quanh dãy bàn kia là những đại diện của mọi chính kiến, mọi quan điểm triết học, mọi tín ngưỡng. Nhưng vẫn có cái gì đó chung, không lay chuyển: Đó là sự tự do tư tưởng và lương tâm-những gì chúng ta được thụ hưởng nhờ nền văn minh.Đối với nhà văn, Tự do là yếu tố đặc biệt cần thiết. Đó là một định đề, một cái đích phải đến đối với các nhà văn chúng ta. Thưa các ngài thành viên Viện Hàn lâm khoa học Thụy điển, việc làm của các vị một lần nữa chúng minh rằng tình yêu đối với Tư do là một tín ngưỡng có thật tại Thụy Điển.
MIKHAIL SHOLOKHOV: “ NHƯ TRONG KINH PHÚC ÂM ĐÃ NÓI…”
Hiện nay người ta rất hay nói tới mấy tiếng tính tiền phong trong văn học, hiểu như là những gì hiện đại được thể hiện về phương diện hình thức của văn chương. Theo quan niệm của tôi,những người nghệ sỹ tiền phong chân chính là những ai trong tác phẩm của mình khai mở những nội dung mới, xác lập nên những đặc điểm mới của cuộc sống trong thời đại chúng ta. Chủ nghĩa hiện thực nói chung, tiểu thuyết hiện thực nói riêng đều dựa trên những kinh nghiệm sáng tạo của các thiên tài trong quá khứ. Nhưng trong quá trình phát triển của mình chủ nghĩa hiện thức ấy dần tích tụ được những gì mới mẻ nhất, hiện đại nhất.
Tôi đang nói tới thứ chủ nghĩa hiện thực mang trong mình nó lý tưởng cải tạo đời sống, vì lợi ích của con người. Lẽ đương nhiên là tôi đang nói tới chủ nghĩa hiện thực mà bây giờ chúng tôi gọi bằng mấy tiếng chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Cái đặc sắc của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là ở chỗ nó phản ánh một thế giới quan phủ nhận tính trực giác cùng thái độ thoát ly khỏi hiện thực;nó kêu gọi con người hướng tới cuộc đấu tranh vì sự tiến bộ của nhân loại; nó tạo điều kiện để đạt tới những mục đích thiết thân với hàng triêu triệu con người; nó chiếu rọi cho họ con đường đi tới tương lai.
Nhân loại chưa hề bị tán phát trong nỗi cô đơn, trong tâm lý cá nhân vị kỷ khiến họ ngụp lặn trong trạng thái phi trọng lượng như các nhà du hành vũ trụ khi thoát ra ngoài lực hút của trái đất. Chúng ta đang sống trên một hành tinh tuân thủ theo những quy luật có thật và như trong Kinh Phúc âm đã nói, những cơn phẫn nộ, những mối quan tâm thường nhật; những âu lo, những yêu cầu, những hy vọng hướng đến một ngày mai sáng tươi hơn của chính những quy luật có thật kia đang chi phối cuộc sống hôm nay của chúng ta.Những cộng đồng đông đúc sống trên trái đất đang vận động với những nỗ lực giống nhau; có chung những lợi ích sống và chính vì thế họ luôn thống nhất với nhau chứ không phải phân tán như có một số người nghĩ thế.
Đó chính là những con người lao động mà bằng bàn tay, khối óc của mình họ đang sáng tạo ra tất cả. Tôi thuộc số những nhà văn tự nhận ra danh dự và sự tự do cao cả của mình không là điều gì khác ngoài việc dùng ngòi bút phục vụ nhân dân lao động.