Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƯ CỦA NHÀ THƠ TRẦN NHUẬN MINH

Trần Nhuận Minh
Thứ ba ngày 20 tháng 3 năm 2018 9:49 PM



Kết quả hình ảnh cho Đền Cửa Ông


Hạ Long 2 g sáng ngày 19/3/2018

 

Kính gửi:

- Đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ

- Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy,

Chủ tịch HĐND tỉnh QN

- Đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy QN

- Đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy,

Chủ tịch UBND tỉnh QN

- Đồng chí Cao Tường Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy QN

Thưa các Đồng chí,

Vào lúc 20 giờ ngày 18/3/2018, tôi theo dõi chương trình 90 phút phát trực tiếp của VTV2, Đài Tuyền hình VN, Lễ đón Bằng Di tích Quốc gia Đặc biệt Đền Cửa Ông. Tôi thấy phần phát biểu của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh QN và Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả là đúng, có tính khoa học. Tôi rất mừng và hoan nghênh.

Phần 2 ( có lẽ dài đến 60 phút) sân khấu hóa cuộc đời và công trạng của Hưng Nhượng Đại vương Trần Quốc Tảng. Đây là BÁO CÁO CHÍNH trước Đảng, Quốc hội và Nhân dân cả nước ( chưa kể trên thế giới) về lí do vì sao Đền Cửa Ông được Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, với sự dàn dựng công phu, hoành tráng ( chưa kể rất tốn kém) mà tiếc thay không có bất cứ một cơ sở lịch sử khoa học nào xác nhận là nó có thật, nghĩa là trung thành với sự thật lịch sử. Được biết đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy QN và đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh, đã nhận ra điều ấy và đã vào cuộc có kết quả. Nhưng BÁO CÁO CHÍNH được sân khấu hóa lại là phần chuẩn bị của Trung ương. Để làm rõ đúng sai, tôi căn cứ vào 2 bộ quốc sử của nước ta là Đại Việt sử kí toàn thư ( ĐVSKTT) của thời Lê và Khâm định Việt sử thông giám cương mục của thời Nguyễn. Bộ ĐVSKTT hoàn thành năm 1497, được coi là cổ nhất và tin cậy nhất của nước ta. Tôi xin lấy căn cứ từ đó để đối chiếu.

Nội dung trình diễn BÁO CÁO CHÍNH, gồm các việc sau:

1 - Hưng Đạo vương trao gươm và giao nhiệm vụ cho Trần Quốc Tảng ra trấn giữ Cửa Suốt ( Cửa Ông ngày nay) để “ đồn trú” đánh giặc Nguyên trong cuộc kháng chiến lần thứ 2. Hoàn toàn không có. ĐVSKTT, tập II, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985, dòng 11 -12 từ trên xuống, ghi nguyên văn như sau: “ Hưng Đạo Vương giao hết công việc biên thuỳ cho Vân Đồn phó tướng là Nhân Huệ vương Khánh Dư” ( chữ in đậm do tôi nhấn mạnh). Giao hết thì còn việc gì mà giao cho người khác. Nên nhớ thời Trần phân quyền, đất đã giao cho vương này, vương khác không đến đóng quân được. Trần Quốc Tảng ( TQT) chết năm 1313 ( theo truyền thuyết thời Nguyễn – mà truyền thuyết thì không phải là lịch sử- thì TQT chết trên phiến đá ở nơi ông đóng quân là làng Trắc Châu huyện Thanh Lâm, trước đây thuộc huyện Nam Sách, Hải Dương, vài năm gần đây sát nhập vào TP Hải Dương. Bảo tàng Hải Dương đã tìm thấy phiến đá này) còn Trần Khánh Dư còn sống ở vùng Vân Đồn ( trước đây gọi là huyện Cẩm Phả) sau ông đến 26 năm, chết năm 1339.

2 – TQT trấn giữ vùng Cửa Suốt tức Cửa Ông hiện nay. Hoàn toàn không có. Từ trước đến nay, quân xâm lăng phương Bắc chưa bao giờ đánh vào VN và kinh thành Thăng Long theo đường bộ, từ QN, vì 2 lí do, một là không có đường – cách đây khoảng non 150 năm, người Cẩm Phả ra Móng Cái đều phải đi bằng thuyền- hai là từ Móng Cái – Thăng Long dài gần gấp đôi đường đã có sẵn Lạng Sơn- Thăng Long, đã thế lại núi cao suối sâu rất hiểm trở). Trong khi đạo quân mạnh nhất của giặc Nguyên là kị binh, nên Hưng Đạo Vương đóng đại bản doanh ở Vạn Kiếp, chia cho anh ruột là Trần Tung, 4 con trai trong đó có TQT và con rể là Phạm Ngũ Lão chặn giặc bảo vệ kinh thành Thăng Long, ở các điểm chốt từ Hải Dương qua Kinh Bắc đến Lạng Sơn.

TQT suốt cuộc đời mình chưa từng đặt chân đến vùng đất từ Uông Bí trở ra ngoài Hòn Gai- Cẩm Phả hiện nay. Có 1 lần ông đi thị sát là đến sách ( xóm) Sẩm Tớ ở miền Trung biên giới Việt Lào. ĐVSKTT đã ghi rất rõ việc này.

3 – Theo một truyền thuyết dân gian thời Nguyễn, thì TQT đóng quân ở Trắc Châu huyện Thanh Lâm, ở đây bỏ huyện để dễ đánh tráo. Và nói Trắc Châu là Cửa Ông hiện nay, rồi từ đây mang quân đánh ngược nước ở ngoài hàng cọc Bạch Đằng vào trận Bạch Đằng năm 1288. Điều này hoàn toàn không có. Đến trẻ con cũng biết điều này, nên tôi không nói thêm. Như đã nói trên, Trắc Châu nay thuộc TP Hải Dương, căn cứ vào đâu mà nói Hải Dương nghĩa là Cẩm Phả.

4 - Sau chiến công, ông dâng toàn bộ tâm huyết cai quản vùng đất này, lo cho dân hòa bình hạnh phúc. Đặc biệt ông còn đưa ra nhiều kế sách được triều đình ngợi khen, nhân dân mến mộ. Hoàn toàn không có.

5 Người chết trong oan khuất, ai thấu để tỏ bày. Ngụ ý TQT đã chết vì oan khuất ở Cửa Ông, hiện có lăng mộ ông khói hương nghi ngút. Hoàn toàn không có việc ông chết ở Cửa Ông. Nên nhớ ông là Đại vương, anh ruột vợ Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông, bố vợ vua đương triều Trần Anh Tông.

6 – Ông là một nhà thơ lớn, có nhiều bài thơ ý tại ngôn ngoại, lấy tư tưởng nhà Phật làm trung tâm để giữ yên dân. Hoàn toàn không có. Nếu có là Trần Tung, bác ruột Trần Quốc Tảng.

7 – Vua sai Cô ( tức Cô bé Cửa Suốt, con gái TQT - để nói về Đền Cặp Tiên) ra trấn biển Đông. Hoàn toàn không có.

TQT là vị anh hùng dân tộc có công đánh quân Nguyên. ĐVSKTT chỉ ghi ông tham gia đánh Nguyên lần thứ 2, cùng với anh em, chiêu mộ dân ở các huyện bây giờ là Nam Sách, Thanh Hà, Kim Thành, Kinh Môn đều thuộc tỉnh Hải Dương. Tôi đã nghiên cứu về cụ tổ của dòng họ mình trong khoảng 30 năm và đã công bố trong 2 tập sách Thời gian lên tiếngĐi tìm Sự Thật đã xuất bản.Việc thờ ông là hợp lòng người, hợp đạo trời, không chỉ ở Cửa Ông mà còn ở bất cứ đâu. Cũng như TP Hồ Chí Minh thờ Trần Hưng Đạo, họ có báo cáo với dân cả nước là Trần Hưng Đạo đóng quân ở đây đâu. Đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Cà Mau lập đền thờ Người ở Đất Mũi, tôi đã qua đó, rất cảm động. Họ có nói với tôi là Bác đã đến đây đâu. TQT thờ ở Cửa Ông cũng như thế. Chỉ riêng việc ông đánh Nguyên lần thứ hai đã đủ vĩ đại rồi. Không nên vì thờ ông, dựng tượng ông ở đây mà bịa ra những việc như trên, vô hình chung là xúc phạm vị thần chủ - anh hùng, mà ta lại không nhận ra hay sao? Lạ thật! Xin nói thêm: Tôi biết riêng huyện Nam Sách có 3 nơi thờ ông, nơi gần làng tôi thờ ông từ năm 1770 do chính cụ tổ 6 đời của tôi ghi lại. Đền Cửa Ông trước thờ Hoàng Cần, người địa phương, từ năm 1916 mới đưa TQT vào thờ. Móng Cái cũng phối thờ TQT, tôi nghĩ là sau năm 1916. Những việc như thế thể hiện đạo lí của dân tộc. Tôi ủng hộ việc thờ ông, chỉ thấy đau lòng về việc bịa đặt như trên, làm méo mó hình tượng cao cả của ông mà thôi, mà ở đây là “ cố ý làm trái” lịch sử. Từ những căn cứ trên, tôi trân trọng đề nghị Tỉnh ủy QN:

1- Đề nghị Đài Truyền hình VN không phát tiếp chương trình

đã phát trực tiếp đêm 18/3 trên kênh VTV2

2 - Giao cho Sở Văn hóa và Thể thao QN, UBND TP Cẩm Phả

tổ chức hội thảo cấp tỉnh ( hoặc cấp quốc gia) về TQT để làm rõ sự thật lịch sử về việc này.

Đây chính là cách tốt nhất để có sự trung thực lịch sử trên cơ sở đó

mà giáo dục các thế hệ trẻ lòng yêu nước, nhất là sự trung thực, điều căn cốt nhất để LÀM NGƯỜI.

Trân trọng

Trần Nhuận Minh

47 Lê Thánh Tông, TP Hạ Long, Quảng Ninh

ĐT 0913 268 128