Tham luận hội thảo về Tiểu thuyết do HNVVN tổ chức ngày 28/2/2018
Cho dù đứng ở góc độ nào, hay nhìn nhận văn học theo chủ nghĩa, lý luận gì ( cấu trúc, hiện đại hay hậu hiện đại) thì cũng không thể phủ định một nhận định có tỉnh nguyên tắc bất di bất dịch rằng: Tiểu thuyết là một thể loại quan trọng bậc nhất của văn học. Dường như chỉ với tiểu thuyết, văn học mới bộc lộ được tất cả thế mạnh của nó với tư cách là phương tiện để tái hiện, phản ảnh chân thực cuộc sống và thực tế xã hội bằng chữ viết. Và cũng chỉ trong thể loại này nhà văn mới bộc lộ tất cả đặc trưng bút pháp của mình cả thế mạnh và yếu điểm. Không phải ngẫu nhiên Zôn Nít Sưn nhà văn Nga vĩ đại từng được đề cử tặng thưởng Nôben đã ví mỗi nhà văn viết tiểu thuyết như một chính phủ. Vì ở đó bằng ngòi bút và sức tưởng tượng nhà văn đã tạo ra cả một xã hội, một thực tế đa dạng, chân thực của riêng mình với những nhân vật mang số phận hấp dẫn. Tất nhiên tài năng của nhà văn lớn đến đâu thì tính hợp lý, tính phản ảnh của xã hội, thực tế do anh ta dựng nên sẽ đạt được cấp độ trung thực đến đấy.
Ở nước ta tiểu thuyết xuất hiện khá sớm với hình thức sơ khai là những đoàn thiên tiểu thuyết trong “truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ từ thế kỉ 16, nhưng rất lạ là sau đó hình thức sơ khai của tiểu thuyết khá hiện đại này vào những thế kỉ sau lại nhập vào vào thơ taoj ra hàng loạt danh tác truyện nôm khuyết danh như “Tống Trân Cúc Hoa”, “Nhị độ mai”,” Phương Hoa “, “Lục súc tranh công”....để rồi bừng sáng khi Nguyễn Du dịch Kiều. Và bằng một tài năng trác việt bản dịch này đã trở thành một kiệt tác tự hào cho văn chương xứ ta. Nhìn lại sự chuyển biến này, tôi trộm nghĩ hay là vì ngôn ngữ Việt đa ngữ điệu vô tình đã tạo ra chất thơ mạnh đến nỗi người viết giai đoạn đó chấp nhận dùng thơ để viết tiểu thuyết. Xong nhìn ra văn học thế giới tôi mới hiểu. Nền văn học nói chung và thể loại tiểu thuyết nói riêng ở nước ta phát triển rất đúng với quy luật. Vì vào thời gian tương tự. Puskin ở Nga cũng viết tiểu thuyết bằng thơ, đó là cuốn Epgênhi Ô nêghin lừng danh, và Bai Rơn ở Anh viết tiểu thuyết “Đông Joăng” bằng thơ.
Còn về tiểu thuyết hiện đại viết bằng chữ quốc ngữ. Một thứ chữ mà dân tộc phải chịu ơn rất nhiều vị học giả Pháp A.L.Đờ Rốt. Nhờ nó mà kí tự ngôn ngữ chúng ta được hiện đại hóa nhanh chí ít hai thế kỉ so bước tiến về chữ viế của Việt Nam và vượt hẳn nhiều dân tộc láng giềng hiện nay vẫn bị trói buộc bởi vòng kim cô của chữ tượng hình cổ xưa. Phải chăng với chữ quốc ngữ cùng sự ảnh hưởng của văn chương Pháp nền móng tiểu thuyết hiện đại của chúng ta đã nhanh chóng xuất hiện vào đầu thế kỉ 20 với tác phẩm Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách. Ở phía nam có một đại biểu tài năng nữa là Hồ Biểu Chánh với hơn 100 tác phẩm nhưng tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là “ngọn cỏ gió đùa” lại phóng tác theo kiệt tác “những người khốn khổ “của V.Hugo.
Tiện nói về “Tố Tâm” mà theo Học giả Vũ Ngọc Phan trong tác phẩm Nhà văn hiện đại được xem là tiểu thuyết đầu tiên của văn chương hiện đại Việt Nam tôi xin được phép nhắc tới luận văn tốt nghiệp cử nhân ngôn ngữ học vào năm 2000 có nhan đề “ khảo sát các phương thức liên kết văn bản trong hai tác phẩm”Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách và “lặng lẽ cuối cùng”của Nguyễn Hiếu”.( Luận văn tốt nghiệp của Đặng Hồng Hiểu –Khoa Ngôn ngữ học- Trường Đại học khoa học xã hội và Nhân văn- Giáo viên hướng dẫn: TS Nguyễn Hồng Cổn tháng 2/2002) Nếu tính về thời gian ra đời của Tố Tâm vào năm 1925 với Lặng lẽ cuối cùng được xuất bản vào năm 1996 thì có khoảng cách là 71 năm. Vậy là gần một thế kỉ từ khi ra đời tiểu thuyết hiện đại Việt Nam vẫn theo một dòng chảy thống nhất và vẫn giữ một mối liên hệ nào đấy như bản luận văn ghi nhận. Cũng nhân nói về mối liên hệ của hai cuốn tiểu thuyết của hai thời kì khác nhau này. Tôi xin ghi chú một chút về cuốn lặng lẽ cuối cùng. Tên đầu tiên của tiểu thuyết thứ 14 này của tôi là “hội chứng ung thư”, sau khi hai nhà xuất bản từ chối thì NXB Lao Động dưới sự biên tập trực tiếp của Nhà văn Trần Dũng lúc đó là Phó GĐ NXB đã cho in. Trong lặng lẽ cuối cùng tôi phản ảnh sự băng hoại đạo đức của cán bộ, công chức và con người Hà Nội trong thời kì bắt đầu mở cửa. Về hình thức đây là cuốn tiểu thuyết tôi có tham vọng cho một sự cách tân bút pháp. Tên các nhân vật chỉ là những chữ cái, con số và dòng ý thức của nhân vật được đan xen giữa hành động có sự song trùng về thời gian và tâm thức Phật giáo. Người thứ hai để ý đến lặng lẽ cuối cùng là nhà văn Lê Lựu. Gặp tôi ở sân Bộ GTVT cuối năm1996 ông đã nói một câu tôi nhớ cho đến bây giờ ”lặng lẽ cuối cùng của chú xứng đáng nhận giải Hội Nhà văn. Nhưng anh tin sau đó tranh luận phải biết”( nguyên văn câu sau anh Lựu nói nôm và gợi hơn).
Giờ xin phép được đề cập chủ đề trung tâm của Hội thảo. Xin được nói ngay. Văn chương cũng như các hình thức nghệ thuật khác luôn luôn cần đến sự sáng tạo. Ở đây danh ngôn ”không ai tắm hai lần trên một dòng sông” cần được coi là một tôn chỉ, mục tiêu của sáng tác nghệ thuật nếu như anh không muốn bị thải loại ra khỏi dòng thác sáng tạo. Tiểu thuyết cũng vậy, tuy để có một sự cách tân ở thể loại này không phải là điều dễ dàng nếu không muốn nói nó giống như cần đến nỗ lực để vượt qua đỉnh núi quá cao.
So với các thể loại văn học khác, tiểu thuyết ra đời muộn hơn. Trên thế giới lối độ hơn hai thế kỉ nay. Còn ở ta thì chỉ khoảng hơn một thế kỉ. Tiểu thuyết của các nền văn học lớn trên thế giới đã có dấu hiệu của sự cách tân gần một thế kỉ nay. Ở Pháp, sự xuất hiện của cuốn tiểu thuyết”đi tìm thời gian đã mất “của Macsxen Pruts trong những năm đầu thập niên 30 của thế kỉ 20 đã đánh dấu sự ra đời của tiểu thuyết dòng ý thức. Những năm cuối thập niên đầu tiên của thế kỉ 20 với “hóa thân”,”vụ án” “lâu dài “của Káp ka ở Tiệp và nhất là với ‘buồn nôn” của Jăng Polsác vào năm 1938...đã làm cho chủ nghĩa hiện sinh trong văn hoccj ra đời ...và đến những năm đầu của thập niên 60 tiểu thuyết “trăm năm cô đơn” của Máckets xuất hiện đời đã tạo nên một trường phái tiểu thuyết huyền ảo, mà không chỉ trên thế giới mà ngay tôi và không ít nhà văn đương đại nước ta chịu ảnh hưởng một cách chân thành và tự nguyện. Ở tôi ngay từ những tiểu thuyết đầu tiên như ‘người đàn bà quỷ ám”(1988), “Vết xoáy trức ngực làng”( 1988) , truyện ngắn ”hình như ngoài Văn chỉ có ma”( 1989),”làng Chiện bắt được con chim lạ”( 1989),”bóng ảnh cuộc đời”( 1991)... đã dùng thủ pháp huyền thoại, và tập trung và có thể nói đỉnh cao bút pháp huyền thoại của tôi là tiểu thuyết ”chuyện tình người điên”( 1990) và nhất là “con ngố”( 2007). Cho đến bây giờ trong ý thức của mình tôi coi huyền thoại là bút pháp chủ lực và thế mạnh của tôi. Năm 2016, luận văn thạc sĩ khoa học ngữ văn đã nghiên cứu đề tài ” Huyền thoại trong tiểu thuyết “con ngố” và “chuyện tình người điên” của Nguyễn Hiếu”của Nguyễn Thị Tân do TS Nguyễn văn Tùng hướng dẫn phần nào đã nhận ra điều này.
Còn nhìn chung nên tiểu thuyết hiện đại Việt Nam trong hơn thế kỉ qua có chuyển biến, cách tân không ? Tôi khẳng định là có. Dòng chủ nghĩa hiện thực phê phán ở VN được xác định bởi Ngô Tất Tố với Tắt đèn, Nam Cao với sống mòn, Nguyên Hồng với Bỉ vỏ.... Vào những năm cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 các tiểu thuyết của Võ Huy Tâm, Nguyễn Văn Bổng đã có những bước đi chập chững để sau đó vững vàng hơn với các tiểu thuyết của Đào Vũ, Nguyễn thị Ngọc Tú, Huy Phương, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi. Giai đoạn này hình thức tiểu thuyết của ta hầu như không có gì thay đổi với phong cách và phương thức thể hiện không khác mấy so với thời kì ra đời của tiểu thuyết nước ta và trên thế giới . Ngay “vỡ bờ” một tác phẩm sáng giá trong giai đoạn này cũng mang bút pháp ảnh hưởng rõ rệt của tác giả “chiến tranh hòa bình”. Lối kết câu bề thế, rạch ròi chi tiết về chương mục, các phần cũng như sự huy động số lượng đông đảo nhân vật của Tônstôi đã được Nguyễn Đình Thi kế thừa, học tập khá rõ. Chính tôi trong bản thảo ”những tháng năm tuổi trẻ” tôi viết khi đang ở năm cuối Đại học văn cũng theo bút pháp, mô típ của văn hào Nga với gần 300 nhân vật cùng câu chuyện đan chéo nhau ở nhiều giai đoạn.
Nhưng trong khoảng gần hai thập niên trở lại đây tiểu thuyết của ta đã có những dấu hiệu của sự đối mới và bước đầu cách tân. Phương pháp Huyền thoại, phương pháp đồng hiện đã le lói ở nhà văn này nhà văn khác. Đó là điều đáng mừng chỉ tiếc các nhà lý luận phê bình của ta không mấy nhận ra, đụng chạm, mổ xẻ rồi tổng kết. Nói đến đây tôi chợt nhớ đến nhà phê bình Bùi Công Hùng trong bài viết vào năm 1989 trên báo Hà Nội mới về một số tiểu thuyết đầu tay của tôi đã khen” nếu ”Vết xoáy trước ngực làng” của Nguyễn Hiếu đã thành công khi phản ảnh sự chuyển biến của một làng quê ngoại thành sông Hồng trong sự thăng trầm của lịch sử thì anh tỏ ra không ổn lắm trong “chuyện tình người điên “khi anh lại muốn thâu tóm hình ảnh một số lãnh tụ của thế kỉ vào hình tượng nhân vật vua Bi Đa”. Bài viết không hề mổ xẻ bàn gì đến bút pháp huyền thoại của tôi mà vào cuối thập niên 80 đang là một bút pháp còn lạ lẫm ở ta.
Hiện này sự xâm thực của các loại hình nghệ thuật giải trí được sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến đang ít nhiều làm văn hóa đọc bị giảm sút. Tiểu thuyết với hình thức, quy mô của mình lại càng bị cạnh tranh khắc nghiệt. Sáng tạo nghệ thuật, làm mới và không để lặp lại mình là mục tiêu của những người làm nghệ thuật.Tiều thuyết hơn bao giờ hết cần đến sự cách tân, đổi mời để đủ sức cạnh tranh, tạo sức hấp dẫn đối với người đọc lại càng bức thiết. Các tiểu thuyết gia đương đại của chúng ta nhờ học vấn, nhờ hấp thụ các nền văn chương tiên tiến và cả sự tiến bộ của khoa học, công nghệ cũng đã có nhiều cố gắng để thay đổi cách thể hiện của mình. Nhưng chưa đủ. Sự đổi mới, cách tân của các tiểu thuyết gia của ta có thể mới khi ta so với nhau nhưng so với thế giới vẫn chưa có gì đột phá. Đó là chưa kể có những hình thức, lĩnh vực tuy không mới nhưng luôn luôn là thứ người đọc rất cần nhưng lại bị các tiểu thuyết gia nói riêng và nền văn học VN bỏ qua, không coi trọng đó là văn chương hài hước. Vũ Trọng Phụng bên cạnh có Giông Tố còn có ”số đỏ”một cuốn tiểu thuyết hài mà bất kì nền văn học nào cũng thèm muốn, còn hài ở ta dường như không được coi trọng trong văn học chính thống nên gần như vắng bóng chí ít trong vài ba thập niên vừa qua .... Riêng tôi trong gia tài văn chương của mình đã có hai tập truyện ngắn hài đó là “chuyện cái vòi nước”(1984), “cười dành cho tất cả”( 1990). Hai tiểu thuyết hài “ những mảnh trần gian” (1996), “Tây tây,ta ta”( 2010)...Nhưng như thế là quá ít so với nhu cầu của người đọc, sự cân đối của một nền văn chương. cho tất cả. Có lẽ trong nhu cầu đổi mới tiểu thuyết các tiểu thuyết gia nói riêng và các nhà văn nói chung cũng nên dành một nỗ lực lớn cho sự khôi phục thể loại hài trong sáng tác của mình. Đó cũng là một nỗ lực cho sự sáng tạo của dòng tiểu thuyết hiện nay.
Xin cám ơn sự chú ý của Hội nghị
Chèm 23/2 năm 2018
Nhà văn Nguyễn Hiếu