Đọc thơ lục bát của Phạm Xuân Trường ( P.X.T) ấn tượng của tôi giống như một kẻ nghiện khi được chích một “liều” hay được hít một “bi”… cảm thấy trời đất cứ ngả nghiêng, phiêu bồng bởi những con chữ của P.X.T. Lục bát là thứ có khả năng đẩy P.X.T vào tâm thế của kẻ “ nhập đồng”, anh có thể vắt kiệt mình thăng hoa vào cõi phiêu linh. Sau Đồng Đức Bốn, P.X.T là một hiện tượng thơ lục bát của Hải Phòng…
Tôi cứ cảm thấy ngợ ngợ bởi cái xứ sở Hải Phòng ồn ào của nhiều dân chơi anh chị, khét tiếng bao đời rồi; thế nhưng ở cái xứ đẻ ra nhiều loại anh chị có số má, có hạng lại cũng là nơi “nảy nòi” ra rất nhiều nhà thơ tinh luyện nghề, nức tiếng cả nước…
Cái tư chất “anh chị” và tư chất “thi sĩ” là 2 cái tư chất ‘ constrast” ( kình địch- đối kháng-tương phản ) nhau thể mà lại cùng có mặt tại đất cảng Hải Phòng nơi có sự giao lưu rất sớm ra trong và ngoài nước…
Sau Đồng Đức Bốn rồi Thanh Tùng vừa mới ra đi, Hải Phòng đóng góp cho nền thi cả Việt Nam đương đại những “quái kiệt” làm thơ: Thi Hoàng, Lương Vĩnh, Nguyễn Tùng Linh, Mai Văn Phấn…
“Ấn tượng trong tôi…” là 60 chân dung các bạn văn Việt Nam đương đại được P.X.T bằng một vài nét chấm phá, chạm khắc, ký họa khá nhuần nhị, tinh về hồn cốt của họ; bằng nguyên liệu lục bát cổ xưa, P.X.T đã gây được ấn tượng khá sâu với tôi và tôi tin với nhiều người đọc…
Viết chân dung bạn văn bằng thơ, một công thức sáo mòn thường thấy: sử dụng tên của một vài tác phẩm, một vài dấu ấn đặc trưng bề ngoài của người đó để cấu tứ lên thành chân dung của người được viết.
Đọc loại thơ này người đọc dễ dàng nhận ra tác giả định viết về ai mặc dù không đề tên; Đọc loại thơ này cảm giác, dự vị nhiều khi thì giống như thưởng thức một bát “cơm nguội”, dù có đói và biết là cơm nhưng chẳng thú vị gì mấy…
Người mở đường cho loại thơ này là Xuân Sách, thơ ông để lại được ấn tượng nào đó nhờ có sự quan sát tinh quái và bộ óc phán xét bẩm sinh của một nhà phê bình; Thơ ông thu được những thành công nhờ tư chất đó…
Đọc thơ chân dung bạn văn của P.X.T. thấy anh đã vượt được cái sáo mòn, công thức của loại thơ này: không lệ thuộc vào tên tác phẩm đã quá quen nhàm của người được viết, không dựa vào một vài đặc điểm bề nổi của người được viết mà nhiều người biết rồi ghép lại cho nó có vần điệu…P.X.T đã rút tỉa ra được cái hồn cốt tinh túy nhất của bạn văn thật sự của mình để chuyển tải ra bằng ngôn ngữ lục bát…P.X.T còn khám phá ra những nét tinh túy thuộc phẩm chất tâm hồn của bạn văn mà anh mô tả, chính điều đó khiến cho người đọc thấy bất ngờ, cảm mến P.X.T…
P.X.T không hấp lại những bát “cơm nguội” mà bằng sự quan sát tinh tế, bằng sự chiêm nghiệm của mình, với khả năng tổng hợp khái quát cao. P.X.T đã chế biến thành những đặc sản khoái khẩu, mang hương vị đặc trưng, đặc sản của “ đầu bếp” P.X.T. Có vài trường hợp anh đã chưng cất lên được thành “ rượu”…Cái đáng trân trọng của thơ P.X.T anh đã len được vào cõi lặng, cái “hộp đen” của tâm hồn bạn văn khi viết về họ…
Với Thạch Quỳ, P.X.T buông một câu thật tài về nhà thơ xứ Nghệ: Núi Quỳ nhưng bác không quỳ…
( Nguyên tác P.X.T viết: “Đá quỳ nhưng bác không quỳ”; Tôi đã đề nghị P.X.T sửa thành Núi Quỳ và được tác giả đồng ý… )
Với Bùi Ngọc Tấn, P.X.T là một “ quỷ chữ” :
“Em về cắt cỏ rong trâu
Anh ngồi chăn kiến thả câu thơ buồn…”
2 câu thơ nói hộ sự đau đớn của Bùi Ngọc Tấn cùng nỗi truân chuyên của cuốn tiểu thuyết “ Truyện kể năm 2000”…
Với Đoàn Thị Tảo, P.X.T buông hai câu làm nao lòng người đọc để cùng sẻ chia sẻ cái phận đời đa đoan của bạn mình:
Đa đoan chi mấy Tảo ơi
Đêm nay ai hát “ Chị tôi” rụng rời…
Viết về Đồng Đức Bốn, P.X.T đã có những câu thơ khá đau:
Bây giờ Bốn chẳng còn đau
Mũi tên nấp ở phía sau nụ cười…
Những câu thơ viết về Nguyễn Bùi Vợi như được rứt ra từ nguồn ca dao cổ:
Em như nghé giở ruộng bừa
Cánh đồng giấy trắng nắng mưa ướt đầm…
Về Lâm thị Mỹ Dạ, P.X.T chỉ một vài nét chấm phá nhưng đã làm lộ ra số phận truân chuyên của nữ nhà thơ xứ Huế:
Trời còn giăng sợi đa đoan
Buộc câu thơ với ngổn ngang khóc cười…
Đọc chân dung bạn văn của P.X.T thấy sau Đồng Đức Bốn, anh là một “tín đồ” trung trinh với thể loại thơ lục bát, một thể thơ truyền thống; Mặc dù Hải Phòng là một mảnh đất mở cửa liên thông với hải ngoại ngay từ thời nhà Mạc…Từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê người Trung Quốc đã xâm nhập vào Việt Nam từ ngả Hải Phòng…
Mạc Đăng Dùng từng có ý định xây dựng Dương Kinh ở Thủy Nguyên Hải Phòng để thuận lợi cho việc giao thương buôn bán với hải ngoại, phát triển kinh tế…Nhà Mạc do mở rộng giao thương nên đã có nhiều năm đưa đất nước vào yên bình, thịnh vượng…
Thế nhưng lục bát vẫn trường tồn, vẫn “bén rễ xanh chồi” trên đất cảng Hải Phòng nhờ những cây bút như Đồng Đức Bốn, như Phạm Xuân Trường…