Xin bạn đọc hãy đọc ngay dưới đây bài của nhà nghiên cứu Đào Thái Sơn đã đăng trên báo Văn nghệ Thái Nguyên điện tử, một tờ báo mà tôi rất trân trọng. Một bài nghiên cứu nghiêm túc, có sức chinh phục cao, khiến tôi thấy mình không cần phải viết thêm điều gì. Tôi xin phép tác giả và báo VNTN điện tử, được dẫn bài nghiên cứu ra đây, để bạn đọc thêm một lần tiếp xúc với giá trị khoa học của vấn đề mà tôi đã trình bày từ khoảng 30 năm nay.
Tôi chỉ xin nói thêm, trong một lần tổ chức Ngày thơ Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh giao cho nhà thơ Vũ Quần Phương, chủ tịch Hội đồng thơ và tôi, ủy viên Hội đồng thơ, thời gian đó, chủ trì cuộc hội thảo về Thơ trung đại Việt Nam, tại nhà Thái Miếu- Văn Miếu Quốc Tử giám Hà Nội. Phó Giáo sư Bùi Duy Tân, người thày dạy tôi ở trường Đại học Tồng hợp Hà Nội, lúc đó đang nằm điều trị tại Bệnh viện Việt Xô vì chứng ung thư giai đoạn cuối, đã nhờ con chở đến đây. Và tại đây, sau khi thắp hương ở Thái Miếu, ông đã xin lỗi toàn thể nhân dân Việt Nam, xin lỗi tất cả các thế hệ thầy giáo và học trò Việt Nam, vì ông là người ( tích cực nhất) cùng các đồng sự của mình, đã khẳng định Lý Thường Kiệt là tác giả bài thơ Thần và viết điều khẳng định chắc chắn như thế vào sách giáo khoa từ khoảng 50 năm nay, nghĩa là nhiều thế hệ đã lớn lên trong niềm tin không có thật đó. Ông đề nghị trả lại cho bài thơ về trước Lý Thường Kiệt khoảng 100 năm trước, ở thời Lê Hoàn. Bài thơ KHUYẾT DANH. Theo báo Văn hóa Nghệ An, PGS đã viết đến 6 bài liền về vấn đề này, cho đăng báo và sau đó, công bố trong công trình khoa học đã được tặng Giải thưởng Nhà Nước. Thiết nghĩ điều mà tôi coi là linh thiêng đó của PGS trước lúc xa cõi thế, cũng đáng để cho chúng ta trân trọng.
Tôi đứng sau lưng Thày, rất cảm động, đã viết điều này trong một số bài báo và sách bàn về sử học và sự trung thực cần có của sách giáo khoa.
Tôi đề nghị, tên bài thơ này nên đề là BÀI THƠ THẦN ( chú thích là theo tên gọi của dân gian) hoặc nếu đề là NAM QUỐC SƠN HÀ, thì ghi chú ở dưới là tên bài do người sau đặt, và Tác giả không nên ghi tên ai. Trước đây ghi tác giả là Lý Thường Kiệt, vài năm gần đây, bỏ tên Lý Thường Kiệt, sau bài phát biểu của Tổng thồng Mĩ, nay lại đề nghị ghi là Lý Thường Kiệt(?) theo tôi không nên. Tôi thấy ghi như văn bản sách giáo khoa vài năm trước đây, mà nhà nghiên cứu Đào Thiên Sơn đưa ra, in kèm trong bài này, theo tôi thế là trung thực.
Dạy cho các thế hệ trẻ, điều thứ nhất là sự trung thực mà không có thì theo tôi không còn gì để nói nữa, và có như thế, bài thơ không hề giảm giá trị mà chỉ phong phú và sâu sắc hơn, trong tâm hồn các thế hệ học sinh, sinh viên mà thôi.
Tôi trân trọng kính mong Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Giáo dục và đào tạo, các vị GSTS, đặc biệt là hai vị mà tôi rất kính trọng là GS Nguyễn Minh Thuyết, PGS- TS Đỗ Ngọc Thống và Ban soạn thảo sách giáo khoa MỚI, lưu ý xem xét đề nghị này của tôi.
Xin các bạn đọc, đọc ngay bài dưới đây. Nhưng câu chữ đậm là do tôi muốn bạn đọc cần lưu ý hơn.
Về hai chữ “thiên thư” trong bài thơ “Nam quốc sơn hà”
29 Tháng Mười, 2017
VNTN – “Nam quốc sơn hà” là bài thơ nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử văn học Việt Nam. Có thể nói, đây là một loại vũ khí lợi hại để chống giặc ngoại xâm, và là một công cụ tinh thần hữu hiệu để làm tăng sỹ khí trong công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của ông cha ta. Mặc dù đây là một bài thơ tứ tuyệt viết bằng chữ Hán, nhưng nó lại có tính chất dân gian. Chính vì vậy mà nó tồn tại với nhiều dị bản cho đến ngày hôm nay. Nhưng dù dị bản nào đi nữa thì hai chữ “thiên thư” vẫn có mặt như một loại nhãn tự đặc biệt để làm cơ sở khẳng định cho lập trường chính nghĩa và chủ quyền độc lập của dân tộc ta. Trong bài viết ngắn này, chúng tôi xin lần lượt trình bày các vấn đề trên, để góp phần giải thích những chỗ còn chưa thỏa đáng từ văn bản đặc biệt này.
Bìa cuốn Ngữ văn lớp 7 tập 1 và trang sách in bài thơ “Nam quốc sơn hà” –
Ảnh: H.P. (Nguồn: Internet)
Một vài vấn đề dị bản cần lưu ý
Thứ nhất, về nhan đề bài thơ. Bài thơ này vốn không có nhan đề và cũng không có tên tác giả cụ thể là ai. Nhan đề “Nam quốc sơn hà” chỉ là do người đời sau biên tập vào cho nó thêm hoàn chỉnh mà thôi. Còn dân gian thì quen gọi đó là bài thơ “thần” vì có liên quan đến tích hai vị thần Trương Hống và Trương Hát được thờ bên sông Như Nguyệt. Còn về tác giả, thì một số nhà nghiên cứu như Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Đinh Gia Khánh và cả Nguyễn Khắc Phi đều cho rằng là Lý Thường Kiệt. Nhưng thực tế thì bài thơ này đã xuất hiện từ trước thời Lê Hoàn chống quân xâm lược Tống, thì làm sao nói là của Lý Thường Kiệt được! Gần đây, nhà nghiên cứu Trần Lê Bảo đã có một công trình chuyên sâu khẳng định lại rất rõ điều này.
Thứ hai, về tính dị bản của bài thơ. Như chúng ta đã biết thì bài thơ này vốn không có lai lịch rõ ràng và bản thân nó mang nhiều yếu tố dân gian, mặc dù nó được viết bằng văn ngôn chữ Hán. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy ít nhất hơn ba mươi dị bản khác nhau như các bản trong “Việt điện u linh”, “Lĩnh Nam chích quái”, “Thiên Nam vân lục”, “Tân đính hiệu bình Việt điện u linh”… Nhưng dị bản được coi là “chính thống” nhất là bản được đưa vào giảng dạy ở chương trình Ngữ văn lớp 7 hiện nay. Đây là bản được chép trong “Việt điện u linh” chép theo thần tích đời Lý và cũng là bản được chép trong sách “Lĩnh Nam chích quái”. Về sau được Ngô Sỹ Liên đưa vào “Đại Việt sử ký toàn thư”, tiếp theo là Bùi Huy Bích đưa vào “Hoàng Việt thi tuyển”.
Ngoài bản được cho là “chính thống” đã nói ở trên, còn có nhiều dị bản khác, đặc biệt là sự khác nhau ở hai câu thơ cuối. Theo thần tích, thì hai anh em nhà họ Trương, Hống và Hát là tướng của Triệu Quang Phục. Sau khi Triệu Quang Phục thất bại, hai ông không chịu theo Lý Phật Tử mà bỏ đi ở ẩn (hoặc tự tử) ở vùng sông Như Nguyệt, về sau được nhân dân lập đền thờ. Hai vị thần này đã có lần giúp Ngô Quyền trong trận Bạch Đằng năm 938, sau lại giúp Nam Tấn Vương (951-965) và cuối cùng là giúp Lý Thường Kiệt chống quân Tống.
Theo thần tích ở đền Như Nguyệt xã Xuân Hạc – Bắc Thái thì câu cuối là “Nhất trận phong ba tận tảo trừ”, có nghĩa là “một trận sóng to gió lớn nổi lên sẽ quét sạch quân giặc”. Theo sách “Lĩnh Nam chích quái”, thì hai câu cuối là “Như kim nghịch tặc lai công kích/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”, có nghĩa là “như hôm nay lũ giặc đến đánh, chúng bây sẽ chuốc lấy thất bại mà thôi”. Một bản “Lĩnh Nam chích quái” khác (ký hiệu 33A) thì chép ba câu cuối như sau “Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư/ Như hà Bắc lỗ lai xâm lược/ Bách nhẫn phiên thành phá trúc dư”, có nghĩa là “như ông trời đã định sẵn trong sách trời, nếu giặc phương Bắc dám tới xâm lược, thì hàng trăm mũi nhọn vùng biên cũng đủ đánh thắng như thế chẻ tre”. Riêng sách “Tân đính hiệu bình Việt điện u linh” thì có chép thêm một dị bản và cũng cho là thơ “thần”. Toàn bài như sau: “Nam Bắc phong cương các biệt cư/ Tinh phân Dực – Chẩn tại thiên thư/ Kình thôn, lang dục chân vô yếm/ Hội kiến trần thanh tảo thái hư”. Nghĩa là: cương giới Nam và Bắc vốn tách biệt, phân dã thuộc sao Dực sao Chẩn đã có ở sách trời, bọn cá kình chó sói lòng tham vô cùng, rồi sẽ thấy như bụi bặm trong không gian bị quét sạch.
Qua các dị bản kể trên, ta thấy tuy câu chữ có phần nào thay đổi nhưng ý chung nhất, cốt lõi vẫn không thay đổi. Đó là lời cảnh cáo quân giặc, khẳng định chủ quyền cương thổ và niềm tin chắc chắn vào sự chiến thắng. Và đặc biệt sự tồn tại của hai chữ “thiên thư” như một lời tuyên ngôn khẳng khái nhất, có căn cứ nhất. Nhưng “ thiên thư” là gì ? Xin được nói rõ ở phần sau của bài.
Từ “thiên thư” đến “ngũ phục”
Nói đến “thiên thư” tức là sách trời là nói đến thuyết “Nhị thập bát tú” của một số quốc gia Á châu cổ đại, đặc biệt là Trung Hoa. “Nhị thập bát tú” là cách gọi của 28 chòm sao nằm trên bầu trời theo cách chia trong thiên văn học cổ đại. “Nhị thập bát tú” có nguồn gốc từ việc quan sát sự di chuyển của mặt trăng trên bầu trời. Mặt trăng đi một vòng quỹ đạo mất hơn 27 ngày, ứng với mỗi ngày là một vị trí trên thiên cầu, và từ đó người phương Đông ta tạo ra hệ thống 28 hoặc đôi khi là 27 hay 36 chòm sao trên bầu trời. Người ta chia vòng Hoàng Đạo thành bốn phần, quy ước như bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc trên mặt đất và gán cho chúng hình ảnh của bốn con vật huyền thoại, hay Tứ Tượng, chúng là: Thanh Long (rồng xanh, ở phương Đông), Bạch Hổ (hổ trắng, ở phương Tây), Chu Tước (sẻ đỏ, ở phương Nam) và Huyền Vũ (rùa đen, ứng với phương Bắc). Mỗi phương có bảy chòm sao. Tên chòm sao cũng là tên của chủ tinh, ngoài ra các sao khác trong mỗi chòm cũng có tên riêng. Cụ thể tên 28 chòm sao đó như sau “Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ, Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích, Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Túy, Sâm, Tĩnh, Quỹ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chấn”. Nếu căn cứ vào sự phân chia của cung Hoàng đạo với 28 chòm sao thành bốn phương Đông – Tây – Nam – Bắc, thì Trung Quốc thuộc phương Bắc ứng với phân dã của các sao “Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích”, còn Việt Nam thuộc phương Nam ứng với các sao “Tĩnh, Quỷ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn”. Vậy rõ ràng “Nam quốc sơn hà” không lệ thuộc hay liên quan gì tới cương vực của phương Bắc cả. Một bằng chứng khác để chứng thực điều này là năm Minh Mạng thứ 18 (1833) nhà vua chỉ đạo cho Đài Thiên Văn đo lại bóng mặt trời và quan sát các vì sao trong “nhị thập bát tú” để duyệt lại phân dã nước ta. Kết quả là Việt Nam nằm hoàn toàn trong phân dã của hai sao Dực, Chẩn và một phần của sao Quỷ ở cực Tây. Từ những vấn đề của khoa học thiên văn đã được công nhận trên đây cho thấy “thiên thư – sách trời” là sự phân định của Tạo hóa, chứ không phải do ý chủ quan của con người. Và “thiên thư” cũng không phải là thuyết Thiên mệnh như một số người lầm tưởng!
Ngoài thuyết phân dã của “Nhị thập bát tú”, xin đưa ra thêm một căn cứ khác là vấn đề “ngũ phục” của quốc gia cổ đại Trung Hoa. Trong sách “Thiên Nam ngữ lục” có hai câu đề cập đến “ngũ phục”:
Ai còn dòng dõi thiên hương
Đã ngoài ngũ phục khả phương trạch người
Thời nhà Ân, nhà Chu sau khi xâm chiếm các nước lân bang rồi ghép các nước ấy vào hàng phiên thuộc chư hầu và đặt ra chế độ “ngũ phục” để ràng buộc họ. Ngũ phục là năm cách thức mà các nước bị lệ thuộc phải phục dịch, hầu hạ, coi như là nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện với thiên tử. Theo sách Chu Lễ, thì chữ “phục” có nghĩa là hầu hạ và cung cấp cho thiên tử (vua của trung ương). Nhà Ân đưa ra 5 hạng phục dịch là: hầu phục, điện phục, tuy phục, yêu phục và hoang phục. Nếu lấy đất của thiên tử làm trung tâm thì “hầu phục” áp dụng cho các nước chư hầu với khoảng cách khoảng 2000km, còn áp dụng “hoang phục” cho các nước chư hầu xa nhất, khoảng 8000km. Và “Nam quốc sơn hà” của ta xa ngoài 8000km so với đất trung ương nhà Ân – Chu, nên hoàn toàn nằm ngoài “ngũ phục” là vậy. Mà ngoài “ngũ phục” là một quốc gia độc lập, không chịu sự ràng buộc và cũng không có nghĩa vụ gì với thiên tử cả. Vấn đề này về sau Nguyễn Trãi thêm một lần khẳng định trong “Bình Ngô đại cáo”:
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Toàn cảnh của lời tuyên ngôn
Qua một số thần tích, ta có thể khẳng định bài thơ “thần” xuất hiện sớm nhất thời Ngô Quyền qua thời Lê Đại Hành đến thời Lý Thường Kiệt. Theo “Lĩnh Nam chích quái”, thì Trương Hống, Trương Hát giúp Lê Đại Hành đánh Tống năm 981 ở sông Bạch Đằng. Thần nhân đã tàng hình trên sông và ngâm vang bài thơ khiến cho quân giặc hoảng sợ, tháo chạy. Còn theo “Việt điện u linh” thì thần giúp Ngô Quyền, rồi giúp Nam Tấn Vương và sau cùng là giúp Lý Thường Kiệt. Dựa vào câu chuyện này, sử thần Ngô Sỹ Liên chép thêm trong sách “Đại Việt Sử ký toàn thư” như sau: “Tục truyền rằng Lý Thường Kiệt đắp lũy để làm rào dọc sông để chống giữ. Một đêm các quân sỹ chợt nghe ở trong đền Trương tướng quân có tiếng ngâm to…”. Vậy có thể nói, Lý Thường Kiệt không phải là tác giả của bài thơ trên, mà là người đại diện cuối cùng cho dân tộc ta đọc bản tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất này.
( tôi muốn ghi cho ĐÚNG HƠN là LÍ THƯỜNG KIỆT CHO ĐỌC bài thơ này - TNM ghi thêm)
Khảo sát toàn văn bản, ta thấy chủ đề của bài thơ là “tinh thần độc lập bất khuất của nước Nam ta là điều tất yếu cho chiến thắng trước kẻ thù xâm lược”. Bài thơ theo thể thất ngôn tứ tuyệt, viết bằng chữ Hán, nhưng lại khá giản dị, lời thơ chắc nịch. Kết cấu chia làm hai phần rõ rệt.
Hai câu thơ đầu nêu lên nguyên lý khách quan, tất yếu mà cho dù là kẻ địch đi xâm lược cũng phải thừa nhận. Đó chính là chủ quyền độc lập, tự chủ vốn có của dân tộc ta, đất nước ta đã có tự ngàn xưa.
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tuyệt nhiên phân định tại thiên thư
Núi sông này là thuộc quyền tự quyết của vua nước Nam, người đại diện cho toàn dân tộc trong chế độ phong kiến. Hai chữ “thiên thư” đã nói lên cương vực của nước Nam rất rõ ràng, không nhòe nhập với các nước khác. Đó là vấn đề của tuyệt nhiên chân lý, không phải do ý chủ quan của con người bịa đặt ra, mà là do Trời Đất đã phân định rõ và cụ thể như thế, như đã chứng minh ở phần trên. Và nó hoàn toàn không thể dựa vào tư tưởng “thiên mệnh” (mệnh trời), trời quyết định mọi sự việc ở đời, một cách mơ hồ như thế. Mà cụ thể như lời của Bùi Duy Tân đã viết: “Trời ở đây ẩn trên thiên thư… Cả mớ lý luận về Trời, Khổng Nho thường hay dùng danh ngữ Thiên mệnh, được người Việt tiếp biến theo quan niệm thực dụng”, là hoàn toàn không phù hợp cho vấn đề của bài thơ bất hủ này.
Từ lời khẳng định chủ quyền đến việc củng cố niềm tin và tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc ta, được chuyển tải trong hai câu thơ cuối.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Đây là hai câu luận và kết cho toàn bài thơ. Nó vừa nêu lên nguyên lý có tính hệ quả vừa là lời hịch kêu gọi toàn dân ta tiến lên tiêu diệt kẻ thù và cũng là lời tuyên ngôn cảnh cáo bọn xâm lược phương Bắc: làm chuyện phi nghĩa, trái đạo trời thì tất phải chịu trừng phạt thích đáng, chuốc lấy tai họa diệt vong.
Chính vì thấy được truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của toàn dân tộc mà nhà Lý đã bình tĩnh trước âm mưu cũng như sức mạnh của kẻ thù. Năm 1075 nhà Lý cho mở khoa thi Tam trường để chọn nhân tài giúp nước. Bản thân Lý Thường Kiệt cho ban bố “Lộ Bố Văn” để cho nhân dân trong nước cũng như cư dân vùng biên giới biết được chủ trương chính nghĩa của ta đánh Tống. Năm 1076, khi quân Tống tiến hành xâm lược nước ta, thì bài thơ “thần” năm xưa lại được sử dụng như một vũ khí tinh thần sắc bén để chống giặc. Ở điểm này, vua tướng nhà Lý hết sức khéo léo khi sử dụng nhân tố thần quyền để động viên tinh thần binh sỹ, cũng như đánh vào lòng mê tín của giặc phương Bắc, khiến cho chúng hoang mang, hoảng sợ. Có thể nói đây là một yếu tố tâm lý hết sức quan trọng trong bất kỳ cuộc chiến nào.
Lời kết
“Nam quốc sơn hà” là một bài thơ quan trọng bậc nhất trong nền thơ ca dân tộc. Dù là dạng văn học viết, đặc biệt là viết bằng chữ Hán, nhưng lại mang nhiều yếu tố dân gian, từ chuyện thần tích, đến dị bản câu chữ và cả lai lịch. Nhưng những điều đó không phải là điểm quan trọng, mà quan trọng ở chỗ bài thơ đã đưa ra được căn cứ chủ quyền hết sức rõ ràng và khoa học, buộc kẻ thù phải chấp nhận. Bài thơ còn là một lời hịch hiệu triệu toàn dân xông lên đánh giặc. Tuy ngôn từ giản dị, nhưng đủ sức mạnh động viên lòng tướng sỹ vững chí cầm ngang ngọn giáo chống lại kẻ thù. Và đặc biệt hơn là bài thơ như một lời cảnh cáo đanh thép, đánh vào tinh thần quân giặc, khiến cho chúng hoang mang, khiếp sợ. Ngày nay, bài thơ được phổ biến rộng khắp, nhưng cần phải tiếp nhận nó như một bảo vật ngôn từ của dân tộc. Cần phải thấu triệt tinh thần của nó để giữ gìn và phát huy truyền thống đấu tranh bất khuất trước âm mưu và hành động của ngoại bang, dưới bất cứ hình thức nào
Đào Thái Sơn