Những Kỷ Niệm Khó QuênTrên Văn Đàn Nước Bỉ
Tôi đến Seneffe chiều ngày 02/8/1999, được bà Giám đốc Francoise Wuillmart và các bạn đến trước tiếp đón thân mật như người nhà. Hội nghị không đông, khoảng 30 thành viên nhưng đều là những thành viên sành sỏi và có nhiều thành tích, một số là giáo sư, tiến sĩ dạy đại học, nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ…kiêm dịch giả, có người từng đạt nhiều giải thưởng và sử dụng được trung bình là ba ngoại ngữ.
Điều kiện vật chất, chỗ ăn ở, sinh hoạt và làm việc thật đầy đủ và chu đáo: thư viện, máy vi tính, máy Fax, photocopy, radio, truyền hình, điện thoại riêng từng phòng…không thiếu một thứ gì cần thiết. Nhất là cái không khí yên tĩnh tuyệt vời; chúng tôi ở trong khuôn viên một lâu đài phong kiến thế kỷ XVII, giữa một khu rừng trên 20ha bát ngát màu xanh, cách ngôi làng Seneffe khoảng 2km và cách thủ đô Bruxelles khoảng 30km về phía Nam.
Lần đi Bỉ này, tôi đã trao đổi ý kiến, tâm sự với nhiều bạn nước ngoài để tìm hiểu nền văn học của nhau, hợp tác và trao đổi văn hoá trong khuôn khổ giao lưu văn hoá giữa các nước. Trước mắt, các bạn nhà văn Bỉ hứa sẽ nghiên cứu và giới thiệu “Thơ ca Việt Nam giai đoạn 1930- 45: Nhà thơ Nguyễn Bính” trên một tạp chí văn học lớn của Bỉ, tạp chí Sources phát hành rộng rãi ở nước ngoài. Họ mong muốn sẽ được giới thiệu văn học Việt Nam một cách có hệ thống trên cơ sở những dữ liệu và những bản dịch có giá trị. Các bạn văn Tây ban Nha, Ý, Roumanie, Bulgarie, Ucraine…cũng sẵn sàng trao đổi với ta như vậy. Các nhà văn Hy Lạp rất phấn khởi khi được xem qua bản Anh hùng ca Iliade, toàn văn, bằng thơ do tôi dịch, chú thích, dẫn giải và giới thiệu( Nhà xuất bản Văn học 1998) và hứa sẽ giúp đỡ để xuất bản nốt những tác phẩm khác mà tôi đã hoàn thành bản thảo: Odysse’e, Aristophane, Các bi kịch cổ Hy Lạp, hoặc những tác phẩm đang dịch như Các Triết gia Hy Lạp: Platon, Aristote, văn chương hùng biện Hy Lạp: Démosthènes…
Song song với trại sáng tác Seneffe, Đại Hội Thế giới các Dịch giả cũng họp tại trường đại học Mons ( cách Seneffe 25km) từ ngày 6 đến ngày 11/8/1999. Các thành viên Seneffe được mời tham dự một cuộc Hội nghị bàn tròn, bàn về “ Quan hệ giữa dịch giả và tác giả”, vào chiều ngày chủ nhật 8/8. Cuộc họp bàn tròn có mặt đại biểu nhiều nước, khoảng 60 người. Đại biểu các nước Lettonie, Roumanie, Ukraine, Arménie, Bulgarie. Serbie, Hy Lạp, Trung Quốc và Việt Nam có phát biểu tham luận, bằng tiếng Pháp và đọc bản dịch một đoạn văn của bà Harpman – có mặt tại bàn tròn với tư cách là tác giả được mời. Những người tham luận cùng đọc đoạn văn ấy - và đọc bằng tiếng nước mình. Qua mấy bản tham luận đầu không khí vẫn bình thường. Nhưng đến bản tham luận của Việt Nam( do tôi trình bày) không khí cuộc họp thay đổi hẳn.
Sau khi đọc bằng tiếng Pháp, nghỉ một lát, tôi đọc bài dịch tiếng Việt của mình. Vốn là một thày giáo dạy văn, làm thơ và từng viết, từng làm diễn viên và đạo diễn kịch say sưa từ thời trai trẻ, tôi luôn tự hào “ Tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ có tính nhạc và tính nghệ thuật cao nhất trong các ngôn ngữ”.
Giờ đây, trước mặt đại biểu mấy mươi nước khác nhau, là một dịp tốt để tôi giới thiệu tiếng Việt của mình với bạn bè quốc tế và xác minh nhận định của mình có đúng hay không và đúng đến mức nào. Những câu đầu chỉ là câu miêu tả, tôi đọc bình thường, hơi mơ màng một chút. Nhưng khi đọc đến đoạn bị người ta làm phật ý, cô gái trong đoạn văn bất bình, nổi giận và đáp lại câu hỏi của người ta một cách giận dữ, đầy mỉa mai thì tôi cau mày, lên giọng, mắng dồn, mắng dập, một thôi, một hồi, đoạn, dằn từng tiếng, tay chỉ lên đầu: “ Khi tôi hỏi các người; người ta làm gì khi yêu nhau? Các người đã không thèm trả lời. Mà bây giờ các người lại muốn tôi nói cho các người biết…tôi…đang…suy nghĩ…điều…gì trong đầu óc tôi sao? Đừng hòng!...”.
Cả hội trường im phăng phắc. Một phút. Khi biết tôi đã đọc xong người ta mới vỗ tay kéo dài rất lâu, với những tiếng reo: Bravo! Bravo!... Tôi hơi xấu hổ, đỏ cả mặt, nghĩ rằng mình đã đi quá xa mục đích, đã biến bài đọc của mình thành một màn kịch nhỏ chăng? Nhưng khi thấy bà chủ toạ cuộc họp bàn tròn và ngay cả bà Harpman đứng lên cầm tay tôi vừa lắc lắc cám ơn vừa nói: “ Tôi không biết tiếng Việt, nhưng qua bài đọc của anh, tôi xúc động, thấy toàn bộ tư tưởng, tâm hồn, cảm hứng của tôi lúc tôi viết đoạn văn này đã được câu văn và giọng đọc của anh tái hiện hùng hồn và nguyên vẹn. Cảm ơn, cảm ơn!”
Mọi người vui mừng bắt tay, chào hỏi tôi thân mật; tất cả đều cùng nói một câu như nhau: “ Anh đã tranh thủ được cảm tình của mọi người!” . Một nữ dịch giả trẻ người Do thái, lặng lẽ trao cho tôi một tấm danh thiếp kèm theo một tờ giấy ghi rõ họ tên, nghề nghiệp, địa chỉ bưu điện, địa chỉ Email, số điện thoại, số Fax, đầy đủ cả, ghi bằng chữ to và dặn: “ Anh nhớ biên thư ngay sau khi ở đại hội này về nhé, nghe! Đừng quên, nghe !”.
Bây giờ đây, tôi mới thực sự yên tâm để mà tự hào về cái tiếng Việt quả là dễ thương của nước mình.
Tôi trở về Việt Nam, nhớ mãi những kỷ niệm với bè bạn quốc tế trên văn đàn ở nước Bỉ./.
(Thành phố Hồ Chí Minh 24/8/1999- Bài viết của Nhà văn Hoàng Hữu Đản sau khi ông đi dự Trại sáng tác Các dịch giả văn học châu Âu tại SENEFFE – Bỉ, từ ngày 02 đến ngày 21/8/1999)