Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐI VÀO NỀN KINH TẾ TRÍ TUỆ

Hoàng Quốc Hải
Thứ hai ngày 13 tháng 11 năm 2017 2:02 PM




Kết quả hình ảnh cho Hoàng Quốc Hải

 

(Tham luận viết cho Hội thảo về trí thức Khoa học - Văn nghệ sĩ Thủ đô với công cuộc đổi mới

đất nước, nhân kỷ niệm ngày sinh lần 110 Chủ tịch Hồ Chí Minh do Hội VHNT và Liên hiệp

các Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội tổ chức vào ngày 16/5/2000).

 


Trong Di chúc cụ Hồ Chí Minh viết có ý: “Đánh thắng giặc Mỹ, ta xây dựng lại gấp mười ngày nay…”.

Việc xây dựng lại không có nghĩa là xây mấy ngôi nhà, mấy dẫy phố lớn trên các đống đổ nát do bom Mỹ phá hoại. Mà phải xây dựng cả một cơ đồ đất nước trở nên đàng hoàng hơn, giàu mạnh hơn với trí tuệ khoa học tiên tiến.

Vậy vai trò người trí thức, nhất là trí thức thủ đô phải làm gì trong lúc này. Ngay đầu thế kỷ 20 này, ước mơ chung của đa số nhân loại còn là được ăn no, mặc ấm. Ở nước ta nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1938) cũng có câu nói đau xót để đời: “Ôi cuộc đời, ước sao có được cơm mà ăn no nhỉ?”.

Trừ những nước có chiến tranh, những vùng có thiên tai dữ dội, tàn phá liên tiếp, thì hiện nay nhân loại không còn mơ ước nhỏ hẹp ấy nữa. Ngay nước ta, năm 1945 có hơn 2 triệu người chết vì đói. Và thập niên từ 60 đến 80 của thế kỷ này (Thế kỷ 20), ta vẫn còn mơ ước “phá xiềng 3 sào”, mơ ước 500kg lương thực bình quân đầu người, để có thể nuôi sống bản thân, và dự trữ quốc gia, thì ngày nay lại lo xuất khẩu được số lương thực dư thừa, mỗi năm từ 4 đến 5 triệu tấn. Thành tựu đó là bước đầu dựa vào các tiến bộ khoa học, từ giống lúa đến phân bón và đổi mới phương pháp canh tác, mặc dù diện tích đất trồng lúa ngày một thu hẹp, chứ không phải nhờ vào thành tựu “phá xiềng ba sào”.

“Phá xiềng ba sào”, có nghĩa là phải ăn vào đất rừng, phải phá rừng, một chủ trương phi khoa học và phá hoại môi trường sinh thái. Thật ra, đây là biện pháp tự cứu của những người nghèo và dốt.

Nước ta thoát khỏi chiến tranh, tới nay đúng một phần tư thế kỷ. So với lịch sử, thời gian đó là quá ngắn, nhưng so với một đời người lại quá dài. Nếu tuổi thọ bình quân một kiếp người là 75 năm, thì 25 năm chiếm một phần ba cuộc đời. Xét những thành tựu ta thu được trong 25 năm đổi mới quả là một bước tiến khổng lồ, đáng kinh ngạc so với chính ta.

Nhưng thế giới đang trong xu thế toàn cầu hóa, trong một nền công nghiệp trí tuệ phát triển với tốc độ kinh hoàng, thì ta chưa có gì để so sánh. Song nền kinh tế mà ta buộc phải tham dự là nền kinh tế trí tuệ. Thử xem phần trí tuệ ta đã chuẩn bị như thế nào để có thể đặt chân lên bệ phóng.

Chưa dám so với các nước tiên tiến, mà chỉ so với một nước trung bình trong khối Asean, đó là Thái Lan cận kề ta.

Trước hết về giáo dục, đào tạo. Nước ta cứ 10 vạn dân mới có 50 người được đào tạo qua đại học. Trong khi đó ở Thái Lan, cứ 10 vạn dân có 1.700 người được đào tạo qua đại học. Vậy là tỉ lệ so sánh giữa ta với Thái Lan trong lĩnh vực đào tạo cấp đại học là 1 và 34. Tức là 1 chọi 34.

Và nước ta có hơn 40 triệu người trong độ tuổi lao động (các chỉ số trong bài này lấy theo thống kê của Bộ lao động trong các năm 1998 – 1999), mới chỉ có 12% được đào tạo. Với các nước trong khu vực, chỉ số này là 70%. Đây chưa xét tới chất lượng đào tạo nghề của nước ta.

Trong số hơn 40 triệu người lao động ở nước ta, thì số lao động trong khu vực nông nghiệp chiếm hơn 70%. Và lao động nông nghiệp chủ yếu là lao động chân tay (tức không có kỹ thuật) chiếm tới 95,6%. Vậy là trình độ dân trí của nước ta so với khu vực còn quá thấp.

Điều đáng nói là số người được đào tạo qua bậc đại học, phần lớn chưa thạo nghề - cái nghề chuyên môn họ vừa được học. Và cứ 10 người ra trường, chỉ có 3 người may mắn kiếm được việc làm. Đau lòng nhất là những người giỏi, người có tài trong số những người may mắn ấy, lại đem tài năng của mình phục vụ cho các Công ty nước ngoài, Công ty liên doanh, hoặc khu vực kinh tế tư nhân, chứ họ không đến được với khu vực kinh tế Nhà nước. Có vẻ như khu vực Nhà nước đã có sẵn cơ chế loại bỏ người tài.

Bước vào nền kinh tế tri thức mà loại bỏ người tài, liệu có phải là nghịch lý. Vì sao có nghịch lý này?

Để trả lời câu hỏi đó, báo Sài Gòn giải phóng số ra gần đây đã có bài viết: “Chế độ tiền lương hiện nay là lực hút hay lực đẩy…?”. còn báo Lao động cũng làm một điều tra ngắn với 4 người đã tốt nghiệp đại học có chuyên môn, biết tiếng Anh, thông thạo vi tính. Ba trong số bốn người đó trả lời ngay mà không cần suy nghĩ: “Không thích làm trong các cơ quan Nhà nước, muốn làm ngoài để thử sức, muốn rèn luyện chứ không muốn làm một anh thư lại yên phận cạo giấy”… Vẫn theo báo Lao Động: “Có người làm ở cơ quan Nhà nước một thời gian rồi mới thấy chán. Làm việc ở cơ quan Nhà nước ít có cơ hội sáng tạo, không năng động và ít có cơ hội để thăng tiến” v.v…

Rõ ràng tiền lương và đãi ngộ chỉ là một phần chứ không phải là tất cả. Có lẽ vấn đề nằm ở khâu giáo dục đào tạo và cung cách sử dụng nhân tài, trọng dụng hiền tài.

Như mọi người đều biết, nền văn minh hậu công nghiệp của thế kỷ 21 đã làm đảo lộn hầu như tất cả tư duy cổ điển.

Ngày nay, nền sản xuất dựa vào hệ thống máy móc, tài nguyên thiên nhiên cũng đang chuyển mạnh sang nền sản xuất trí thức, mà nguyên liệu chủ yếu của nó là chất xám (tức trí tuệ), thông tin và xử lý thông tin.

Vậy mà hệ thống giáo dục đào tạo của chúng ta từ cấp tiểu học đến bậc đại học, đều trau dồi một hệ kiến thức thụ động. Học sinh, kể cả sinh viên thu nhận phần nhiều những kiến thức chết. Trong đó quá thừa những kiến thức không cần thiết, nhưng lại quá thiếu những kiến thức khoa học hiện đại rất cần cho việc ứng dụng trong sản xuất và đời sống. Và mấy chục năm qua cứ loay hoay mãi trong cải cách giáo dục, mà không tìm ra được triết lý. Vì vậy càng cải cách, càng rối rắm và thực sự là nền giáo dục của chúng ta đang sa vào rối loạn. Hệ quả là các cử nhân chúng ta cho ra lò hàng loạt, nhưng họ không có đủ chuyên môn làm việc, vì vậy rơi vào thất nghiệp cũng hàng loạt. Do đó, việc sống còn của đất nước là, Nhà nước phải ngay lập tức có chính sách đầu tư thỏa đáng, để làm một cuộc cách mạng triệt để trong giáo dục đào tạo. Nếu khâu giáo dục đào tạo mãi ở trình độ lạc hậu, thì đừng nói đến chuyện hội nhập bình đẳng với bè bạn năm Châu, và đừng hy vọng biến nước ta thành một nước có nền công nghiệp tiên tiến.

Mặt khác, việc đầu tư vào các ngành công nghiệp hiện nay, Nhà nước không thể không cân nhắc thận trọng. Trong những năm qua, chúng ta vì thiếu kiến thức, hay vì một lý do khó hiểu nào khác, đã nhập về những công nghệ lạc hậu tới cả trăm năm. Như công nghệ sản xuất xi măng lò đứng, công nghệ sản xuất đường của Trung Quốc, thuộc loại công nghệ mà thế giới liệt hạng cấm. Bởi năng suất thấp, tiếng ồn quá mức cho phép, và gây ô nhiễm trầm trọng.

Đặc biệt phải tính đến việc nghiên cứu để đầu tư vào các ngành công nghiệp mũi nhọn, như năng lượng sạch, công nghệ sinh học, công nghệ gien, công nghệ vật liệu siêu dẫn, công nghệ thông tin v.v…

Chúng ta hoàn toàn có khả năng đi vào lĩnh vực công nghệ hàng đầu này, bởi một phần đội ngũ các nhà khoa học trong nước có trình độ cao, có khả năng tiếp cận công nghệ mới, và khá nhiều các nhà khoa học là Việt kiều đang tham gia ở vị trí hàng đầu trong các ngành công nghiệp mũi nhọn ở các nước tiên tiến. Nếu Nhà nước có chính sách đúng và cởi mở, chắc chắn sẽ thu hút được nhiều nhân tài từ khắp thế giới về xây dựng đất nước, hoặc hợp tác có hiệu quả, tựa như các năm 1945-1946 đã có biết bao trí thức lớn từ nước ngoài về góp công sức và trí tuệ trong công cuộc kháng chiến, giành độc lập cho Tổ quốc.

Và nữa, phải gấp gáp rút gửi các học sinh, sinh viên giỏi ra nước ngoài đào tạo cho các ngành khoa học mũi nhọn, và phải tận dụng khả năng họ sau khi tốt nghiệp trở về.

Cái không may cho chúng ta là chưa trải qua một nền công nghiệp phát triển cao. Nhưng đó cũng lại là cái may, là chúng ta thoải mái đi thẳng vào nền công nghiệp trí tuệ, mà không phải băn khoăn tiếc nuối, loại bỏ hoặc chuyển đổi từ nền công nghiệp cổ điển sang nền công nghiệp trí thức.

Do đó, ngay từ bây giờ, chính sách đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Nhà nước nên thận trọng. Nền công nghiệp siêu nhẹ, siêu nhỏ, siêu vật chất của nền kinh tế trí tuệ, có cần đến các kết cấu hạ tầng như nền công nghiệp cổ điển không? Cái thứ vốn ODA dễ vay, dễ giải ngân kia biết đâu chẳng là cái bẫy khổng lồ để ta xây dựng nên những thứ, chỉ sau vài chục năm nữa trở nên vô dụng, vì sản phẩm không bán cho ai được, còn môi trường thì gánh chịu ô nhiễm trầm trọng. Vì điều kiện ràng buộc của vốn ODA, là phải chấp nhận mua công nghệ của nước cho vay vốn, chưa kể việc họ đòi làm tổng thầu. Nếu sự cho vay ấy là vô tư, sao họ không cho ta vay vốn, để đi vào nghiên cứu và ứng dụng sản xuất trong các ngành công nghệ mũi nhọn. Và tới lúc nợ đáo hạn, kiếm được tiền trả lãi cũng đủ mệt, nói chi việc hoàn vốn. Thế là biến đất nước trở thành một con nợ dài dài, thậm chí con tin. Con cháu chúng ta sẽ vô cùng tức giận và oán hận, về các việc làm nhất thời thiếu thận trọng, thiếu thông minh và thiển cận của các bậc tiền bối, nên để di họa cho đời sau. Chẳng hạn như hiện nay, ta củng cố hệ thống đường bộ và đường sắt Bắc- Nam là cần thiết. Nhưng có thật sự cần thiết bằng việc mở đường Trường Sơn không? Sao không nghĩ tới việc nó sẽ phá vỡ hệ sinh thái và không gì có thể bù đắp được. Vì chắc chắn nếu có con đường xuyên qua, rừng Trường Sơn sẽ bị tàn phá tới cạn kiệt. Điều lo ngại nhất là dải đất hẹp miền Trung, nếu rừng không được bảo vệ, hệ sinh thái bị đảo lộn, sẽ có nguy cơ làm cho biển tiến sát chân Trường Sơn.

Muốn tăng năng lực vận chuyển, đỡ cho hệ thống đường số 1 đã quá tải, mà dựa vào đường Trường Sơn là phi khoa học. Bởi đường số 1 Bắc - Nam thường ách tắc vào mùa mưa bão. Nhưng mùa mưa bão thì đường Trường Sơn thường hứng lụt cục bộ và lở núi, tắc đường, là bài toán cực kỳ nan giải.

Để giải tỏa cho sức ép vận tải Bắc - Nam sao không nghĩ đến vận tải biển?

Nước ta có bờ biển dài tới 3260km, bám sát hơn nửa số tỉnh trong cả nước, và các tỉnh ven biển, không tỉnh ven biển nào không có từ một đến vài ba cảng biển. Cảng nhỏ và nông nhất cũng đón được tầu từ hai, ba đến 5.000 – 7000 tấn. Cảng sâu nhất, lớn nhất có thể cả hạm đội 7 của Mỹ cũng lọt thỏm (chưa kể tới cảng chiến lược đặc biệt Cam Ranh). Lại nữa, nơi xa biển nhất không quá 300km, cá biệt một vài nơi xa hơn cung đường đó. Đường biển Bắc - Nam thuận tiện như vậy, cước vận tải biển chỉ bằng 30% đến 60%, cước đường bộ (tùy mặt hàng). Không gian biển của ta lại rộng gấp gần 4 lần diện tích mặt đất của cả nước. Tài nguyên biển cũng vô cùng phong phú. Không gian sinh tồn của nước ta vào nửa cuối thế kỷ 21, phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên biển. Nếu ta tập trung phát triển công nghiệp hàng hải, ngành đóng tầu biển là mũi nhọn, không những chỉ giải quyết việc vận chuyển hàng hóa, mà kéo theo hàng loạt vấn đề chiến lược mang tính kinh tế và quốc phòng khác. Ví như ta có một đội thương thuyền mạnh, lại đầu tư cho nghề cá nhằm chiếm lĩnh ngư trường xa ngoài đại dương. Những đội tầu đánh cá công suất lớn, đi biển dài ngày, lại có tầu chế biến hải sản ngay tại khơi xa. Rồi tầu lớn và các ụ nổi khai thác dầu, khí trong vòng thềm lục địa.

Vậy là ta có hàng trăm đội tầu vận tải Bắc - Nam, có hàng ngàn đội tầu cá và tổ hợp tầu đánh bắt cá xa bờ, chế biến sản phẩm ngay trên mặt đại dương, và hàng chục tổ hợp khai thác dầu, khí rải rác trên toàn bộ thềm lục địa. Thế là, thềm lục địa bao la của chúng ta tựa như một ngôi nhà luôn luôn có chủ. Các lực lượng đó không chỉ làm kinh tế, mà còn là lực lượng bảo vệ chủ quyền biển đảo, hỗ trợ cho lực lượng hải quân, lực lượng tuần duyên và cảnh sát biển v.v… để bảo vệ toàn vẹn đất, trời và biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nền kinh tế trí tuệ trong thế kỷ 21, buộc nhân loại phải chấp nhận. Chúng ta dư biết, tổ chức nghiên cứu và sản xuất trong nền kinh tế trí tuệ là một. Khác với các thế kỷ trước, có những phát minh khoa học, cả trăm năm sau chưa ứng dụng được. Ngày nay, người ta tổ chức sản xuất ngay trong phòng nghiên cứu. Và ở đó, người ta sẽ làm được những gì người ta muốn, kể cả dựng lại một hiện trường của quá khứ hoặc mô phỏng về tương lai của một ngành nghề hoặc của một loài sinh vật nào đó. Tức là người ta có thể tạo ra một ngành sản xuất ảo, chuyên để mô phỏng…

Gánh vác nền công nghiệp trí tuệ ở nước ta không ai khác, chính là giới trí thức khoa học trong nước, cùng việc thu hút các nhà khoa học Việt kiều, đang làm việc trong các ngành khoa học mũi nhọn tại các nước tiên tiến phương Tây.

Để giới trí thức có thể hoàn thành được sứ mệnh cao cả này, xã hội phải có những điều kiện cần và đủ tối thiểu sau đây:

- Nền dân chủ phải được thực thi về thực chất. Quyền tự do sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ phải được tôn trọng, và ràng buộc bởi hệ thống luật pháp.

- Mọi vấn đề từ nghiên cứu thành công hay thất bại đến sản xuất và lợi nhuận, đều phải công khai, công bằng và minh bạch. Mọi người trong các tập thể khoa học đều bình đẳng, tự chịu trách nhiệm về công việc của mình. Khi có sự cố, cá nhân phải tự chịu trách nhiệm, kể cả trách nhiệm trước pháp luật. Công, tội, khen thưởng, kỷ luật phải chính xác và công tâm trên cơ sở thượng tôn pháp luật.

- Luật pháp của một xã hội dân chủ như nước ta đang trong quá trình hoàn thiện. Nhưng những gì đã ban hành phải triệt để thi hành thật công minh, trên cơ sở công khai minh bạch.

Nếu tạm được như vậy, giới trí thức nước ta mới thật sự an tâm đi vào khám phá, sáng tạo đặng cống hiến các thành tựu khoa học cho đất nước.

Láng Thượng, ngày 15 tháng 5 năm 2000