Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BỨC THƯ TÌNH SONG NGỮ

Trần Ngọc Dương
Thứ năm ngày 9 tháng 11 năm 2017 2:30 PM


Truyện ngắn của Trần Ngọc Dương

Từ lúc nhận được thông báo chuyến bay vào Sài Gòn chậm ba giờ, tôi không sao tránh khỏi tâm trạng bực dọc. Thế là ý định có mặt cùng vợ tổ chức tiệc mừng sinh nhật cho đứa con gái cưng chẳng thành, tôi vội đàm thoại với cô ấy. Lang thang khắp khu vực nhà chờ của sân bay, rồi tôi tìm một cái ghế trống trong góc, ngồi giở cuốn sách mới mua ra đọc. Khi tiếng loa nhắc đã tới giờ lên máy bay, lúc thu dọn hành lý tôi phát hiện ai đó đã để quên tập truyện ngắn Puskin bên cạnh túi đồ của mình. Nhìn quanh chẳng thấy người nào, tôi bèn cầm quyển sách nhét vào túi hành lý rồi quay ra cửa kiểm soát.

Khuya hôm đó, khi sắp xếp lại đồ dùng cho tôi, lúc vợ đưa mấy bức thư được kẹp giữa quyển sách như muốn hỏi. Tôi ngạc nhiên, rồi vội giải thích lý do mình có và lấy một bức thư định đọc. Nhưng vợ tôi ngăn lại: “Đừng xem thư của người khác khi chưa được sự đồng ý.” Tôi thuyết phục: “Đây là những bức thư ngỏ bị bỏ quên! Mà mình có đọc mới mong tìm ra địa chỉ để trả lại cho người ta.”

Chúng tôi phân những lá thư theo thời gian viết. Tất cả đều của một cô gái có tên Onga gửi cho bạn ở tận nước Nga xa xôi. Mỗi lá được viết bằng song ngữ Nga - Việt.

Trong quá trình học phổ thông cho tới Đại học, tiếng Nga là thứ ngoại ngữ bắt buộc nên vợ chồng chúng tôi cũng am hiểu đươc đôi chút. Càng đọc, chúng tôi càng bị cuốn hút vào câu chuyện của Onga. Tôi nhận xét: “Những bản tiếng Việt ngày càng chuẩn hơn! Điều đó chứng tỏ, khả năng tiếng bộ trong việc học tập của cô ấy.”

Chẳng là ngay từ bức thư đầu tiên, Onga đã bộc lộ: “Cô chọn hình thức song ngữ viết thư chủ yếu là để học tiếng Việt.”

Vợ tôi bầy tỏ: “Thoạt đầu em cũng tưởng chuyện trong tiểu thuyết. Nhưng đọc xong, bằng linh cảm của người phụ nữ em thấy, câu chuyện của Onga hoàn toàn có thật; Cô ấy đang ở đâu đó trên đất mỏ Quảng Ninh!”

Địa chỉ chẳng rõ ràng, chúng tôi không thể gửi trả gói thư tới tận tay chủ nhân được. Tôi nêu ý kiến: “Mình chọn đăng báo một bức thư, hi vọng có người đọc được câu chuyện này và mách bảo chúng mình địa chỉ chính xác của Onga.”

Nói mãi, rồi tôi cũng thuyết phục được vợ. Nhưng em bắt tôi biên soạn lại cho phù hợp; Tiện đây cũng xin lỗi chị Onga, tôi đã căn cứ vào nội dung của từng bức thư mà đặt tên cho chúng.

Bức thư thứ nhất:

Những ngày đầu tiên trên quê chồng.

Rita thân mến!

Thế là đã hơn ba năm kể từ ngày chúng ta chia tay nhau tại sân bay Mát. Hôm đó, mình hứa sẽ thường xuyên viết thư cho bạn. Nhưng quãng thời gian vừa qua, mọi tâm trí của mình đều giành cho việc chống đỡ sóng gió cuộc đời, chẳng thể nào viết nổi. Mà dù có viết được, cũng không dám cầm ra bưu điện, giá thành của một lần gửi cũng đủ cho gia đình mình chi tiêu trong hai ngày. Còn điện thoại; Ôi! Sự xa xỉ của những nhà tỉ phú Mỹ. Trong khi đó gia đình mình đang chạy ăn từng bữa.

Thời gian đầu ở Việt Nam, cuộc sống cũng tạm ổn. Mặc dù nguồn thu nhập chỉ trông vào số tiền đền bù thương tật của Hạnh. Nhưng rồi đồng “Rúp” mất giá, qui đổi sang tiền Việt Nam chẳng được là bao! Khó khăn chồng chất, bọn mình tồn tại vì biết dựa vào nhau một khối mà chịu đựng, chẳng hề phàn nàn, kêu ca, oán trách.

Có lần Hạnh bảo: “Em là sự diệu kỳ may mắn nhất mà anh có được trong cuộc đời này”. Với mình điều đó ngược lại; Tiếng thở dài của anh trong đêm cũng làm con tim mình nghẹn lại. Hàng ngày, chỉ cần nhìn qua ánh mắt cử chỉ của nhau, bọn mình đã hiểu được điều định nói. Cả hai là một, mục đích duy nhất của bọn mình bây giờ là: Phấn đấu giành cho bé Nguyệt Hằng những gì tốt đẹp nhất!

Nguyệt Hằng - Đứa bé bạn nhận làm mẹ đỡ đầu đã tròn năm tuổi. Con nói tiếng Việt và Nga như nhau. Nhiều lúc trong sinh hoạt con phải phiên dịch cho mình. Không biết có phải do số phận không mà ngay từ khi chào đời, bé đã mang tên Nguyệt Hằng - hai vầng trăng.

Lúc ở Nga, Hạnh luôn nhớ đêm rằm nơi đất Việt. Còn bây giờ, mình lại mong muốn được dạo chơi trên thảo nguyên bao la phủ đầy tuyết trắng đêm trăng.

Đã có lần mình hỏi Hạnh: “Vầng trăng trên bầu trời nước Nga khác chi khi ở Việt nam? Nếu nhớ quê hương sao anh không đặt tên con là Việt Hằng?” Bọn mình cãi nhau, giận dỗi vì ai cũng cho rằng trăng ở quê mình đẹp hơn. Cho mãi tới hôm nay, lúc sống xa đất nước mình mới hiểu được tâm trạng của anh ngày đó. Lần đầu được ngắm trăng mọc trên dãy đảo đá lô nhô, mặt biển bừng sáng lấp lánh muôn ngàn ánh bạc, cảnh vật thay đổi nhanh như trong chuyện cổ tích. Ôi! Cảnh trăng lên đẹp quá! Đẹp đến đê mê. Mình ân hận ngày ấy sao trẻ con, nông nổi, hiếu thắng như vậy.

Thoạt đầu, khi nhìn thấy bọn mình quấn quýt, Rita băn khoăn nêu ý kiến: “Ngày xưa, Ađam và Êva gắn bó cuộc đời với nhau vì là hai người duy nhất tồn tại trong vũ trụ. Họ đâu có quyền lựa chọn. Còn bây giờ đàn ông trên trái đất nhiều hơn cả những vì sao trong thiên hà, Onga lại lựa chọn Hạnh - Một chàng trai phương đông có nền văn hóa khác hẳn chúng ta. Hay Hạnh là “chuyên gia rót mật” vào tai các cô gái, chắc anh ta có cái tài của một phù thủy siêu đẳng mới làm cậu si mê đến như vậy. Mà nếu đã trót yêu rồi, sao lại không rút vào bí mật khi thấy dư luận xung quanh kịch liệt phản đối”.

Ngày ấy Rita cũng thừa biết, trong giao tiếp Hạnh còn không đủ ngôn từ thì lấy đâu ra “lời có cánh” mà tán tỉnh. Còn mình mỗi khi gặp anh ấy, mình cảm nhận được niềm tin và sự che chở ấm áp từ ánh mắt đến nụ cười.

Tình yêu không thể giải thích bằng lời. Cũng chẳng phải tội lỗi mà phải che giấu. Bản chất của nó là cao quí tốt đẹp, là thứ tình cảm trong sáng tinh khiết nhất trong quan hệ của con người. Nhưng tình yêu luôn tồn tại những điều riêng biệt mà ngay những người trong cuộc cũng không sao hiểu nổi. Bọn mình yêu nhau bất chấp tất cả. Mặc sự ngăn cấm của gia đình. Những lời góp ý, đàm tiếu của mọi người xung quanh không hề có tác dụng. Khó khăn gian khổ chồng chất, bị ngăn cấm đủ mọi điều, chúng mình lại càng yêu nhau mãnh liệt hơn. Hai đứa đến với nhau chân thành, yêu đến cạn kiệt cả trái và không ngần ngại dâng hiến những gì quí giá nhất thuộc về bản thân mỗi người. Mối tình ngọt ngào, cay đắng ngay từ những phút giây đầu tiên. Mà thôi, tại sao mình lại sa đà vào cái điều con người ta tranh luận với nhau rất nhiều kể từ khi xuất hiện trên trái đất.

Lúc Hạnh gặp tai nạn, bị loại bỏ đôi chân và phải trở về Việt Nam. Nhiều người cho rằng đây là thời cơ tốt nhất cho dấu chấm hết một cuộc tình phưu lưu. Mình đã xin phép bố mẹ theo chồng. Tưởng hai vị song thân kịch liệt phản đối, ngờ đâu bố mẹ lại ủng hộ. Họ bảo: “Trước kia bố mẹ không đồng ý vì cho đấy là sự đam mê nhất thời. Còn bây giờ, con hãy đi đi. Cầu mong cho hai đứa đủ sức mạnh bảo vệ tình yêu của mình”.

Bạn cũng từng hỏi: “Một cô gái phương tây mới lớn, sống trong nhung lụa, chưa bao giờ phải lo toan đến những điều vụn vặt của đời thường, lại ở một đất nước văn minh có nền khoa học hiện đại, phụ nữ tự do như nam giới; Liệu có gắn bó được với chàng trai ở xứ sở mà tư tưởng phong kiến, nho giáo còn tồn tại”.

Để trở thành cô dâu nước Việt, mình phải cố gắng rất nhiều. Phải học làm tất cả, kể từ điều nhỏ nhất. Đi chợ biết mặc cả, biết chọn thực phẩm tươi ngon hợp với túi tiền. Bữa ăn biết dùng đũa thành thạo. Chiều tối có thể uống nước chè đặc “cắm tăm” mà không mất ngủ.

Nhưng điều quan trọng nhất giúp mình sớm hòa mình với cộng đồng: Chính nhờ sự cảm thông sâu sắc của những người sống xung quanh. Họ sẵn sàng nhường nhịn, san sẻ giúp đỡ từ những điều nhỏ nhất. Nói một cách chân thành rằng: Nếu không có sự giúp đỡ đó, số phận gia đình giờ đây ra sao mình cũng chẳng dám nghĩ tới.

Đêm đầu tiên lúc đi ngủ, Nguyêt Hằng hờn khóc hoài. Bọn mình dỗ mãi, làm mọi cách mà con chẳng chịu nín. Bà nội thắp hương khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, bế đặt cháu vào võng và cất lời hát ru. Thật kỳ lạ, Nguyệt Hằng tròn xoe mắt, nhoẻn miệng cười rồi ngủ ngon lành.

Mọi người trong nhà ngủ say sưa mà bà vẫn ngồi đưa võng ru cháu. Mình ra hiệu xin phép bà được mang Nguyệt Hằng vào giường. Bà nhìn, lắc đầu bắt mình đi nằm. Hạnh nói với mẹ: “Không có Nguyệt Hằng, Onga ngủ sao được!”

Cả ba người nằm trên một cái giường rộng 1,2 mét. Trời về khuya, mình choàng dậy bế thốc Nguyệt Hằng khi nghe tiếng đá lăn lộc cộc. Mình hoảng sợ, cảm giác như nó sắp nhảy chồm chồm vào phủ kín giường. Hạnh bóp nhẹ tay mình: “Bắt đầu vào ca ba rồi, từ đây đến chân bãi thải theo đường chim bay chỉ gần 5Km...” Bọn mình thức trắng đêm, ngắm Nguyệt Hằng trò chuyện. Hạnh nói cho mình biết những tiếng động trong đêm. Đây là tiếng gầm rú của máy xúc, tiếng rít của máy khoan, nghe êm êm đều đều là băng tải đang hoạt động... Còn ngày mai, biết bao nhiêu việc phải làm. Nhưng bắt đầu ra sao, làm từ đâu mình thực sự không biết. Đoán được tâm trạng của mình, Hạnh động viên: “Điều gì đến sẽ đến, mọi công việc rồi sẽ quen dần, bên em luôn có con và anh!”

Rồi anh kể cho mình nội dung những lời hát ru của bà. Nguyệt Hằng trở mình, Hạnh à ơi vỗ con nhè nhẹ. Mình lẩm bẩm và buột miệng thành lời lúc nào chẳng hay. Bây giờ gặp lại nhau, mình sẽ hát cho Rita nghe các làn điệu dân ca của xứ sở này. Nghe mình hát, đố ai có thể phân biệt được đó là lời ca của một người con gái Nga chỉ biết bập bõm tiếng Việt.

Mình gửi cho Rita bức ảnh đầu tiên chụp ở Việt Nam. Nhìn nó, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình đạp xe xích lô chở Nguyệt Hằng và lũ nhỏ bạn. Chẳng là, nhà mình ở gần chợ lại có sân rộng, thường cho xe xích lô gửi qua đêm. Hàng ngày mình dùng chiếc xe đạp Mini đưa con đi học. Do sơ ý, phương tiện đi lại duy nhất này bị kẻ gian lấy cắp. Mình đang băn khoăn thì một bác đạp xích lô bảo: “Trên đường đi làm có qua trường mẫu giáo, để bác đưa Nguyệt Hằng tới lớp cho, chiều về tiện thể đón luôn”. Bọn trẻ con hàng xóm thấy hay hay nói với bác xin đi nhờ. Từ đấy, hàng ngày bác kiêm luôn nhiệm vụ chở lũ nhóc. Hôm bác ốm, Hạnh lại không đạp được xích lô. Mình đành phải gò lưng đưa bọn trẻ tới lớp. Lúc qua hàng phượng vĩ, một làn gió ùa tới lay những cánh hoa đỏ thắm, làm chúng bay chấp chới như đàn bướm vờn ánh nắng ban mai. Bọn trẻ reo lên, đứa đưa tay chìa bắt, đứa cầm mũ hứng. Nguyệt Hằng đứng hẳn lên cười tít mắt, giơ cả hai tay đón. Mái tóc vàng óng của mình vương đầy cánh phượng. Người thợ ảnh đang ăn sáng nhảy qua hai dãy bàn, cầm máy chụp lia lịa rồi gửi ảnh cho mình. Riêng kiểu này phóng to, một tấm tham gia triển lãm, một tặng mình. Thấy ảnh đẹp, mình nằn nì xin thêm gửi cho Rita. Bức ảnh có tên là: “Hứng hoa”. Lúc cuộc triển lãm ảnh: “Cuộc sống quanh ta” mở, mọi người nô nức rủ nhau đến xem ảnh: “Cô gái Nga đạp xích lô”. Bây giờ cả xóm gọi Onga là cô Nga và mình rất tự hào về cái tên này.

Đã đến giờ mình phải đi đón Nguyệt Hằng. Tạm biệt Rita! Hẹn gặp bạn lần sau! Chúc Rita hạnh phúc! Còn hạnh phúc là gì tùy theo bạn mong ước.

Bạn của Rita

Onga

*

Khi bức thư này được chọn đăng báo, ban biên tập điện thoại cho tôi: Gửi ngay tấm ảnh “Hứng hoa” để tòa soạn in kèm. Tôi thành thật xin lỗi vì mình cũng chưa hề được nhìn thấy tấm hình trên. Nó không có trong tập thư!