Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11)
Mới đó mà đã 13 năm nhà giáo Tôn Gia Các giã biệt cõi đời này nhưng hình ảnh của ông vẫn còn nguyên nét trong tâm tưởng đồng nghiệp và học trò không chỉ ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nơi ông giảng dạy nhiều năm mà còn ở nhiều nơi ông đã sống và công tác. Xin giới thiệu đôi nét cùng bạn đọc tập “Thơ vui gửi lại cho đời” của ông, cũng là một nén tâm hương tưởng nhớ tới ông.
CẢ ĐỜI GẮN BÓ VỚI NGHỀ DẠY HỌC
Nhà giáo Tôn Gia Các mất ngày 3-4-2004 ở tuổi 69. Ông quê ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An; là sinh viên khoa Văn khoá đầu tiên của Trường ĐHSP Hà Nội khi trường chính thức mang tên này. Tốt nghiệp, ông giảng dạy tại một số trường cấp III ở Nghệ An và từ năm 1968 đến lúc nghỉ hưu thì gắn bó với Trường ĐHSP Hà Nội. Ông không có học hàm học vị gì, chỉ là Giảng viên chính nhưng là người thực học, thực tài, lại có cái chất của ông “đồ Nghệ” nên ông là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ học trò. Nhiều người sau này thành danh vẫn nhớ về thầy. Đồng nghiệp thì kính trọng ông vì đạo đức, năng lực và thái độ hành nghề nghiêm túc. Tuy thế, trong đời sống thường nhật, ông lại sống thoải mái, luôn nhìn đời một các nhẹ nhàng, pha chút hài hước. Đó là lí do để ông thấy vui, vượt lên khỏi thói thường của những sự đố kỵ, ganh ghét mà sống thẳng thắn, trung thực, đóng góp tài trí cho nghề dạy học. GS.NGND Nguyễn Đình Chú nhận định rằng Tôn Gia Các “rất giàu về một thứ hạnh phúc: Hạnh phúc được bạn bè, đặc biệt là các học trò, kính yêu vô hạn… Có được hạnh phúc này, hẳn phải do nhân cách của thầy”.
24 TUỔI ĐÃ BẮT ĐẦU LÀM… DI CHÚC BẰNG THƠ
Tập thơ mà ông cho là “chợt hứng chợt làm, thỉnh thoảng đọc để mọi người nghe cho vui” có 57 bài nhưng đó chỉ là con số tương đối vì “bạn bè bảo chép lại nên nhớ đâu chép đó”. Có thể khái quát chân dung ông tự trào được vẽ bằng thơ qua cả tập nhưng đáng chú ý nhất là chùm 5 bài thơ… di chúc.
Bài “Di chúc 1” ông viết khi mới… 24 tuổi (có lẽ là trường hợp duy nhất ở Việt Nam và thế giới viết di chúc ở tuổi thanh niên). Chính ông cũng chẳng hiểu do đâu mà sớm nảy ra loại thơ này, cũng chẳng phải linh cảm vì số kiếp tiền định vì mãi 45 năm sau, ông mới ra đi khi sắp cập ngưỡng tuổi thất thập. Có lẽ là do bản tính ông thích hài hước, ưa trào lộng, thế thôi.
Kém sáu tuổi xuân đầy ba chục
Thầy sinh thời nước nhục dân cùng
Tính thầy vốn đã hơi ngông
Đức thầy lại kém hơn ông cụ thầy.
… Kẻ hơn người kém gì ta
Đời không bôn tẩu chết là xong thôi
Đồ khâm liệm tồi tồi cũng được
Mảnh vải thô chiếu lác cho qua
… Điếu văn đừng có nhiều lời
Đừng đề công đức của người giáo viên
… Đề vào mộ chí mấy câu
Anh này đã lỡ nhịp cầu sang ngang.
Chắc trời nghe giọng thơ “gàn” nên cứ để xem lão đồ Nghệ này sống tiếp ra sao. Rồi chẳng biết trời quên hay mình chợt nhớ, hơn 20 năm sau ông lại viết tiếp bài thứ “Di chúc 2”:
Chắc rằng cha sắp quy tiên
Bởi cha quá tuổi tri thiên mệnh rồi
Đấy, mới ở tuổi “tri thiên mệnh” (Ngũ thập tri thiên mệnh: 50 tuổi biết mệnh trời) mà đã thế. Có điều lạ là chẳng thấy lão sợ chết, cứ nói như không.
Các con đừng khóc đừng gào
Cha chết là phải sống nào ích chi
… Đừng nên bắt chước mọi người
Phịa ra trướng đối lôi thôi phiền hà
… Cha chết đi rất yên lòng
Ngậm cười chín suối cha không hận gì
Từ nay thôi hết thị phi
Đổi mới bảo thủ kiểu gì cũng xong
Văn chương chôn chặt ngoài đồng
Tung hê hồ thỉ tang bồng mặc ai.
Hơn chục năm sau, năm 1992, lão lại giở võ cũ, chẳng phải để doạ vợ con mà chỉ để nhắc ông trời bằng “Di chúc 3”.
Chuyến này thì chắc cha chết thật
Vì tự dưng huyết áp tăng cao
… Mẹ mày bảo chết thì có số
Đừng có hòng mà trộ người ta
… Cha nằm xuống chôn ngay cho chóng
Đừng lễ nghi lủng củng thêm phiền
… Cha cứ nghĩ đến ngày hôm đó
Cả nhà ta ra phố diễu hành
Y như một cuộc mít tinh
Mọi người tham dự cha thành trung tâm
Sống vẫn mãi âm thầm thui thủi
Khi chết đi lại nổi hơn người
Đừng buồn nhé mẹ con ơi
Cha đi thanh thản về nơi vĩnh hằng
Bài này còn nói đến nhiều chuyện ở đời mà người đọc có thể ngẫm ra chứ không phải chỉ nói chuyện cái chết, chuyện ma chay. Vậy mà trời còn cho sống dài dài, rồi một ngày nào đó, lão lại có “Di chúc 4”.
… Mẹ con nén nỗi thương đau
Hãy vui lên hãy tự hào rằng cha
Sống thì rất kém người ta
Đến khi chết xuống thế là ê-gan (bằng nhau).
Cứ nói chơi chơi thế mà di chúc vẫn “ế”, chưa dùng được, lão cũng sợ viết nhiều lần quá hoá… nhàm. Đến khi ốm nặng, Tôn Gia Các làm “Di chúc 5”, thêm cái tựa “nhờ cậy” thành “Di chúc 5 - nhờ cậy”.
Anh chết muốn nhờ bay một tí
Đưa anh về yên nghỉ trong quê
… Nay anh sắp đến ngày tận số
Lòng tự nhiên rất nhớ quê hương
Khoai chợ Rộ, nhút Thanh Chương
Bao nhiêu kỉ niệm thân thương hiện về
Chết về quê chết về quê
Nằm trong đất mẹ bốn bề gió reo
Than ôi đã quá xế chiều
Mặt trời sắp lặn càng yêu quê nhà.
Lần đầu tiên và có lẽ là duy nhất ông dùng từ “than ôi”. Bên cạnh nét tự trào thường thấy ở ông đã xuất hiện tâm tưởng thật của người thực sự “tri thiên mệnh”. Nhớ quê, nơi cha mẹ đã sinh ra mình, lúc chết chỉ có mong muốn được về yên nghỉ trong lòng đất quê, niềm mong mỏi không khác người mà vẫn thấy rưng rưng vì động vào nỗi lòng chung của mọi người: “sống gửi, thác về”.
Cũng trong “Di chúc 5” có những câu thật là thơ: “Khoai chợ Rộ, nhút Thanh Chương /Bao nhiêu kỉ niệm thân thương hiện về / Chết về quê chết về quê/ Nằm trong đất mẹ bốn bề gió reo”. Câu thơ nâng tầm ông lên. Sau nét hài hước, trào lộng, ở ông vẫn chủ yếu là cái chất trung thực, thẳng thắn, sống hết mình - chính là phẩm chất, sức mạnh của người có tri thức. Cái chết làm sao xoá đi được hình ảnh một người như thế, khi ông đã sống trong tâm trí mọi người.
Nhân đây, xin giới thiệu bản hoàn chỉnh bài “DI CHÚC 2”
Tôn Gia Các viết năm 1986.
DI CHÚC 2
Chắc rằng cha sắp “quy tiên”
Bởi cha đến tuổi “tri thiên mệnh” (*) rồi
Mặc dầu sức khỏe còn dồi
Nhưng mà sống chết, số trời biết đâu
Nay cha dặn lại mấy câu
Khi cha chết, cứ như sau mà làm:
Thấy cha thẳng cẳng, chỉ nằm
Để bông vào mũi, không còn bay bay
Mấy thằng phải phóng đi ngay
Báo cô Thu Tiết cha mày hết hơi
Một thằng phi xuống chợ Giời
Mua cha cỗ ván, rộng dài bằng cha
Mua xong chở thẳng về nhà
Thằng đầu, thằng cẳng, khênh cha bỏ vào
Các con đừng khóc, đừng gào
Cha chết là phải, sống nào ích chi
Cỗ bàn bày biện làm gì
Chúng mày không đói, cha thì nghỉ ăn
Cũng đừng mũ, mấn, áo khăn
Mỗi thằng một mẩu băng tang được rồi
Đừng nên bắt chước mọi người
Phịa ra trướng đối, lôi thôi phiền hà
Mai táng phí, lĩnh cho cha
Làm sao tính toán tiêu pha cho vừa
Cũng nên lưu ý phòng ngừa
Nếu bệnh truyền nhiễm thì đưa đi liền
Mẹ mày cùng với o Tiên
Tuổi già lắm bệnh chớ nên khóc nhiều
Ông mày chắc sống còn lâu
Phải giữ sức khỏe mới hầu được ông
Cha chết đi, rất yên lòng
Ngậm cười chín suối, cha không hận gì
Từ nay thôi hết thị phi
Đổi mới, bảo thủ, kiểu gì cũng xong
Văn chương chôn chặt ngoài đồng
Tung hê, hồ thỉ, tang bồng mặc ai
Nhưng mà có lẽ con ơi
Phải xin bác Mạnh một bài điếu văn
Khi truy điệu đọc một lần
Đến khi hạ huyệt, nếu cần đọc thêm
Nghe người, con hiểu cha hơn
Rằng cha cũng chẳng “tầm thường” lắm đâu
Người ta sẽ nói có câu
Rằng “cha cống hiến bấy lâu, rất nhiều”
Rằng cha “đáng kính đáng yêu”
Cha chết “tổn thất không sao đền bù”
Nghe văn con chớ gật gù
Văn cho người chết bao giờ cũng hay!
Các con ơi! Thôi từ nay
Âm dương cách biệt, chúng mày thiếu cha
Chúng mày sẽ mở mắt ra
“Trăm năm trong cõi người ta” nhọc nhằn
Dễ gì kiếm được miếng ăn
Cha còn sống, nói bao lần chẳng nghe
Phận cha sống gửi, thác về
Thiên đường, địa ngục âm ty mặc dầu!
Đời cha chẳng thiết sống lâu
Các con ơi! đấy là câu cuối cùng!
Văn Mới số 12 ra mắt tháng 11 năm 2017 đăng tải những tác phẩm văn học xuất sắc của các tác giả trong nước & nước ngoài. Truyện ngắn của Phạm Thúy Quỳnh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Nguyệt Hồng, Lưu Quang Minh, Trần Thi Nhung, Phan Thái, Nguyễn Thị Minh Ngọc, truyện ngắn của các nhà văn Phần Lan,Nga, Philippines, Hoa Kỳ.Nhiều bài Phê bình, Bút ký Tản văn...Sáu chùm thơ của Khaly Chàm, Nguyễn Tấn Tuấn,Nguyễn Khánh Tuyết Vy,Nguyễn Đăng Luận, Lê Hào, Đào Anh Tuấn. Những bài viết về Giải thưởng Văn học Sông Mekon, các nhà văn nhà thơ Việt Nam vừa được bầu Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Ucraina. Sách in đẹp trình bày hiện đại, dày 112 trang , khổ 16 x 24 cm, giá bìa 40.000 đ.
Kính mời quý vị mua Văn Mới 12 bằng cách : Gửi Email tới toasoanvanmoi@gmail.com Hoặc gửi tin nhắn đến Điện thoại Tòa soạn 0915587824 nội dung: Họ tên Địa chỉ, Số điện thoại
Tòa soạn sẽ gửi Văn Mới đến bạn. Khi nhân viên bưu điện giao Văn Mới bạn trả ngay cho nhân viên này 50.000 đ ( gồm 40.000đ giá bìa + 10.000 đ công Bưu điện thu tiền )