Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NƯỚC NGA KIÊU HÃNH

Hoàng Thế Sinh
Thứ năm ngày 9 tháng 11 năm 2017 2:32 PM




Bút ký 

Gần mười giờ bay.

Chiếc SU 541 nghiêng cánh, như con đại bàng khổng lồ, buông càng liệng xuống Sân bay quốc tế Seremechevo – Nga.

Mátxcơva đương 5 giờ 30 phút, ngày 13 tháng 7 năm 2010.

Nắng chiều rực rỡ.

Gió lộng.

Bước ra khỏi sân bay, tôi cùng các bạn đồng hành gặp ngay cánh rừng sa mộc xen lẫn bạch dương. Rừng sa mộc và bạch dương men theo đường cao tốc cùng chiếc xe “bọ ngựa” y555 HT/177 RUS ken giữa ngàn ngạt xe nối nhau, túc tắc chạy về Trường đại học tổng hợp quản lí kinh tế quốc gia Nga. Ai dà! Tôi khẽ thốt lên. Ký túc xá sinh viên quốc tế cao quá, những mười lăm tầng. Hai mươi ba cán bộ khắp nước Việt Nam, được Đề án 165 của Ban tổ chức Trung ương cử sang Nga học tập ngắn hạn, bỗng chốc trở thành sinh viên quốc tế, "ngự" tận tầng 10. Sướng rồi! Nghĩ thế. Nào ngờ, nước Nga đương Ba mươi lăm độ nóng. Mở cửa phòng đẹp. Máy điều hoà nhiệt độ - không. Quạt điện - không. Nằm trên chiếc nệm dành cho mùa đông nóng hập lưng, đành cởi trần bệt xuống sàn gỗ. Mãi mà cứ thấy mơ mơ. Cảm giác như chưa được ngủ thì nghe tiếng người gọi ngoài cửa. Ơ, đã chín giờ sáng. Nghe thông báo đi ăn, xong, mười giờ lên giảng đường. Nghĩ chắc chỉ một chút, rồi về ngao du nước Nga cho bõ. Nào ngờ ông Phó chủ nhiệm khoa lên thông báo chương trình, rồi học luôn chuyên đề: Phân cấp quyền lực cấp liên bang, khu vực và địa phương ở Liên bang Nga. Học một mạch từ mười giờ sáng đến hai giờ chiều, có giải lao giữa giờ, có trao đổi nhiều thông tin giữa giáo sư và các học viên. Hết giờ học trên giảng đường là về nhà ăn, ngay bữa chiều. Hôm sau thời gian biểu cũng thế, chỉ khác là hôm cô giáo, hôm thầy giáo giảng, với các chuyên đề khác, như: Đổi mới phát triển môi tường xung quanh và tài nguyên, Kinh nghiệm của Nga về quản lí phòng chống tham nhũng, Hiện trạng cải cách kinh tế trong điều kiện kinh tế thị trường của Liên bang Nga, Mô hình tăng trưởng kinh tế Nga, Hệ thống pháp luật của Nga, Tư hữu hóa các doanh nghiệp Nhà nước, Quản lí sở hữu Nhà nước và sở hữu đô thị. Bảy ngày liền. Học qua trưa. Mệt mỏi. Ăn còn mệt mỏi hơn. Ời, ăn kiểu Tây, toàn bánh mì đen trắng, bơ, hạt bo bo, sữa, phomat, súp, sa lát, chút thịt bò, mỗi thứ một tí, tưởng sướng, không hợp khẩu vị, quá cực hình. Tay cầm dao, dĩa, thìa, miệng cười nhệch nhạt mà rớt nước mắt. Người đời như tôi: không tiền đô, không tiền rúp, ngày hai bữa rớt nước mắt, còn nhịn miết từ hai giờ chiều hôm trước đến tận chín giờ sáng hôm sau, thót cả ruột. Mà thôi, một đời vẫn mơ nước Nga cơ mà. Mơ nước Nga nên ngày đầu ngơ ngơ bảng lảng, cũng bởi gần mười một giờ đêm nước Nga tức gần hai giờ sáng Việt Nam, mặt trời đã lặn mà bầu trời Nga cứ sáng hưng hửng. Hôm sau tôi thức dậy từ bốn rưỡi chỉ để đón bình minh nước Nga. Mắt đăm đắm nhìn về phương Đông. Phút chốc, mặt trời như quả cầu lửa đỏ rực, từ từ bay lên giữa không gian xanh mờ thăm thẳm. Bồi hồi lắm bởi tôi biết phía ấy là Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Chờ đón bình minh nước Nga cho thỏa, rồi tôi mới theo bạn bè đi thăm Quảng trường Đỏ. May mắn, ký túc xá nằm trong khuôn viên nhà trường, cổng liền kề với ga tàu điện ngầm Vưkino - ga đầu mối vào trung tâm Mátxcơva. Đương lo lắng bởi lần đầu vào trung tâm thành phố rộng lớn thì gặp anh Thường - người phiên dịch tài giỏi và tận tình cho đoàn. Anh Thường cho chúng tôi mượn cả ngàn đồng rúp và vui vẻ đưa tôi, Tiến Hỷ, Trung Thành, đi mua vé, lên tàu, vào tận Quảng trường Đỏ. Thú thực, tôi đọc sách và xem phim nhiều mà cũng không thể tưởng tượng ra được tàu điện ngầm Mátxcơva ở Nga xây dựng từ những năm ba mươi của thế kỷ 20, lại hiện đại mà đẹp thế. Quả không ngoa khi người ta nói tàu điện ngầm của Nga hiện đại và nổi tiếng nhất thế giới. Nó độc đáo nhất và không có gì tương tự trên thế giới. Nó độc đáo về hệ thống bảo vệ trật tự công cộng. Độc đáo về di chuyển nhanh bởi khoảng cách giữa các đoàn tàu chỉ tám mươi giây. Độc đáo vì không ga nào giống ga nào. Những bức họa khổng lồ trên trần ga, các pho tượng, biểu tượng, hoa văn, họa tiết, cả cổ kính lẫn hiện đại đan xen cùng màu sắc hài hòa. Người ta cảm tưởng đây là một góc Cung điện Hoàng gia hay bảo tàng nghệ thuật chứ không phải là công trình giao thông công cộng. Qua 170 ga với 276 km trên 11 tuyến đường, là qua ngần đấy kiểu kiến trúc khác nhau và mang rõ nét từng chặng đường lịch sử hào hùng của nước Nga và Liên bang Xôviết trước đây, đặc biệt là lịch sử cận đại: Puskinskaia, Komsômolskaia, Park- Kultur, Cách mạng tháng Mười,vv. Tham gia tạo lập và trang trí cho sự lộng lẫy và kỳ vỹ của ga tàu điện ngầm Mátxcơva bởi bao bàn tay khối óc sáng tạo tuyệt vời của các nhà bác học, kiến trúc sư, kỹ sư, công nhân, nghệ nhân, nghệ sỹ, trong đó có những họa sỹ và nhà điêu khắc lừng danh thời Liên bang Xôviết như Pavel Korin, Alechsandr Deineka, Vera Mukhina. Độc đáo còn vì người ta ví trúng xổ số độc đắc còn dễ hơn việc bắt được ai đó hút thuốc lá khi bắt đầu vào cửa Metro. Chúng tôi hòa vào dòng người, có đến cả 9- 10 triệu lượt người/ngày đêm. Đông như trảy hội nhưng không ai chen lấn xô đẩy. Không ai nói to. Không ai cười to. Đàn ông, thanh niên bao giờ cũng nhường ghế ngồi cho người già, phụ nữ, trẻ em, rất tự giác. Người dân Nga, tôi không biết họ là dân thường hay công chức, nhưng nhiều người ngồi tàu điện ngầm với cuốn sách trên tay, mê mải đọc. Chỉ 27 rúp/vé suốt chặng, với tấm bản đồ nhỏ, chúng tôi xem và hỏi bất cứ người Nga nào cũng được chỉ dẫn tận tình với thái độ thân thiện, dễ mến. Rời tàu điện ngầm sau tám ga, bước chân lên Quảng trường Đỏ, tôi thực sự xúc động. Bởi cũng không thể nào tưởng tượng được một ngày, tôi - một công dân xứ núi xa vời ở Việt Nam, lại có thể đặt những bước chân trần trên từng viên đá lát Quảng trường Đỏ Mátxcơva. Bước chân trần da thịt và trái tim nồng nàn Việt Nam cảm nhận từ sâu thẳm lịch sử nước Nga vĩ đại và kiêu hãnh. Bước chân trần trên đất Nga. Đầu giội nắng vàng Nga. Tôi bồi hồi, cảm giác như đang phiêu lạc trong huyền thoại Kremli - Quảng trường Đỏ. Đây Điện Kremli cổ kính - một công trình kiến trúc cổ xưa nhất của Mátxcơva. Điện Kremli nằm trên Đồi Borovitxki, bên tả ngạn sông Mátxcơva. Được biết, từ năm 1156 Điện Kremli đã có thành lũy bao bọc, năm 1367 đã xây dựng tường và tháp bằng đá trắng, đến cuối năm 1485 - 1495 xây tường thành bằng gạch đỏ. Ngước nhìn tháp nhọn và tháp tròn của Dinh Tổng thống, chẳng thể tưởng tượng được gì trong đó, mặc dù biết trong Điện Kremli là cả một thế giới của huyền thoại bởi Gác chuông Ivan Đại đế, Quảng trường Ivan đại đế, Cung Đại hội Krenli, Viện bảo tàng Kremli, Nhà thờ Arkhangelskii, Uspenskii, Blagoveshchenskii, Rizopolozhenniya, tôi đành liều bước tới dang hai tay ôm lấy chân tường đỏ Điện Kremli, rồi bước qua dây xích chắn, chạy lại ôm hai cánh cổng ngay dưới tháp chuông Điện Kremli, đưa hai bàn tay xoa xoa hai cánh cổng gỗ to rộng lạnh lùng khép kín. Ngoảnh ra, tôi choáng ngợp trước Khu nhà thờ Vasili Blazhenưi xây dựng năm 1555-1560, còn gọi Nhà thờ lớn Basil. Choáng ngợp một quần thể kiến trúc cổ kính, uy nghi, lộng lẫy, gồm bốn nhà thờ nhô cao và bốn nhà thờ thấp hơn cùng những chóp nhọn hình củ tỏi dát vàng vàng rực dâng tít trời xanh, chớp mắt nhìn thấy mê dụ lạ lùng. Nhà thờ lớn Basil gồm 8 nhà thờ biểu trưng cho 8 trận đánh quyết định giải phóng Kazan xưa. Ivan Đại đế đã cho xây dựng Nhà thờ này để ghi dấu ngày chiến thắng, đánh bại quân Mông Cổ ở Kazan của ông năm 1552. Tương truyền, Ivan Đại đế quá sững sờ và tôn thờ vẻ đẹp lộng lẫy của Nhà thờ lớn Basil đến nỗi đã ra lệnh chọc mù mắt người thiết kế để ông không bao giờ thiết kế được công trình nào sánh ngang với Basil nữa. Đây Nhà thờ Đức Mẹ Kazan. Đây Viện bảo tàng lịch sử hình hài tựa Điện Krem li, cũng màu đỏ tươi, cũng mấy ngọn tháp cao vút trời xanh. Đây GUM- Khu bách hóa tổng hợp quốc gia chạy dài theo Quảng trường mà dấu ấn kiến trúc hình như đã gửi một chút cho Tràng Tiền - Việt Nam. Một chiều thơ thẩn nên không đi hết cả khu vực Quảng trường Đỏ. Hôm sau nữa, chúng tôi theo anh Thanh vút tàu điện ngầm đi thăm bảo tàng cổ nhất ở Mátxcơva, không may chiều muộn bảo tàng đóng cửa, đành chụp ảnh lưu niệm bên ngoài, xong kéo nhau ra bến du thuyền, hứng khởi ngộ ngộ một chút với mấy "cây khóa tình yêu", rồi lên du thuyền chạy lòng vòng trên sông Mátxcơva. Con sông Mátxcơva thơ mộng, bắt nguồn từ mãi vùng đầm lầy Starkovskoe trong khu vực bình nguyên Smolensk-Moskva, mải miết chảy suốt 503 km, rồi đổ dòng xanh trong hiền hoà ôm trọn thành phố Mátxcơva. Hai bờ sông trong thành phố được kè đá hộp, trên đấy là chất ngất lung linh thành phố. Kia tượng Pie Đại đế trên chiếc thuyền buồn khổng lồ đặt ngay ven sông đem lại cho dòng sông và thành phố Mátxcơva niềm kiêu hãnh lớn. Kia những tòa cao ốc xưa và nay kiến trúc thật hoành tráng, xen lẫn cổ điển, vừa tráng lệ, lộng lẫy, vừa cổ kính, nép bóng vườn cây xanh tỏa bóng sum suê, tạo một cảnh quan kỳ vỹ và thơ mộng. Hôm sau nữa, tôi với Tiến Hỷ, Trung Thành lại vút tàu điện ngầm vào Kremli. Lần này chúng tôi đi bộ qua cửa Đuma - Quốc hội Nga. Ngập ngừng trước Đuma một lúc, chúng tôi rủ nhau đi bộ vòng quanh Điện Kremli. Vừa nhẹ bước vừa ngước nhìn bức tường thành như bức vẽ màu son đỏ lịm trong hoàng hôn rực cháy Mátxcơva. Đỏ lịm 2.235 m. Đỏ lịm với 20 tháp canh chót vót mà cao nhất, bề thế nhất là Tháp Spasskaya (Đấng cứu thế) với ngôi sao hồng ngọc lấp lánh đỉnh tháp, với vườn hoa, vườn cây xanh, với lũ chim câu, chim sẻ, chim sáo hiền lành, ríu rít bay. Kề bên tường thành là Lăng Lênin và Ngọn lửa mồ chiến sỹ vô danh rực cháy, lúc nào cũng có chiến sỹ oai nghiêm đứng gác cho khách muôn phương đặt hoa tưởng niệm. Tôi ngồi lặng trước Ngọn lửa mồ chiến sỹ vô danh, suy ngẫm một chút. Mỗi thời đại kết thúc bằng cách riêng của nó. Và những người chiến sỹ vô danh kia mới đích thực là người anh hùng, vô tư hiến dâng cả cái tên thiêng liêng của mình cho nhân dân cho đất nước được tự do, hòa bình. Thời đại nào chả phải có nhà cầm quyền. Nhà cầm quyền này thay thế nhà cầm quyền kia, bao đau thương, mất còn. Nhân dân - chỉ nhân dân mãi mãi không một gì thay thế. Dân là gốc mà. Theo các giáo sư lên lớp chúng tôi, ở Nga, sau Liên xô tan rã, sau cuộc chính biến năm 1991 làm thay đổi hẳn thể chế Nhà nước, tiếp đến cuộc tư nhân hóa nền kinh tế mà kết quả là bao nhiêu tài sản quý giá của nhân dân rơi vào tay các nhà cầm quyền cùng các nhà tỷ phú, đã khiến cho lòng dân ly tán, không mấy tin ở các nhà cầm quyền nữa. Bởi vậy bây giờ hơn lúc nào hết Tổng thống Medvedev và Thủ tướng Putin phải lấy lại niềm tin trong dân chúng Nga bằng các quyết sách vì dân. Thấy tôi ngồi như người mất hồn, Tiến Hỷ và Trung Thành gọi giật, bảo về. Ờ, lại chiều Mátxcơva rồi! Hôm sau nữa, tôi với Trung Thành, Tiến Hỷ lại vút tàu điện ngầm đến Quảng trường Đỏ, dành riêng thời gian viếng Lênin. Người bốn phương trời, từ khắp miền nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Việt Nam, Pháp, Hàn Quốc... nối hàng dài, lặng lẽ vào viếng Lênin, bởi người đời vẫn biết kính trọng một lãnh tụ cách mạng thiên tài luôn đấu tranh cho hạnh phúc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, bởi đến nay người ta vẫn tin rằng: “Trong tương lai những tư tưởng của Người sẽ soi sáng con đường đi tới cuộc sống tốt đẹp nhất cho nhân loại”. Vẫn chưa thỏa thú lãng du, biết còn ba ngày trong chương trình học phải đi thực tế, thế là cả lớp chúng tôi - do anh Nguyễn Ngọc Hải, Phó chủ tịch thường trực tỉnh Phú Thọ làm lớp trưởng, dắt díu nhau đi Xanh Pêtecbua. Mátxcơva - Xanh Pêtecbua những 600 km. Xe chạy trên đường cao tốc, qua miên man xanh rừng sa mộc và bạch dương, qua thấp thoáng thôn dã Nga với mênh mông thảo nguyên. Cỏ và hoa. Bát ngát. Ngó ra mênh mông rừng và thảo nguyên, lòng tôi dâng lên lời hát "Tình ca du mục", ý rằng thảo nguyên bát ngát mênh mông, thơm ngát đồng cỏ cây hoa lá, mà sao không thấy nàng đâu, hay thảo nguyên đã giấu nàng ở nơi nào? Thảo nguyên Nga quanh năm hoa nở. Hoa linh lan trắng muốt. Hoa bươm bướm mỏng manh sắc vàng, sắc tím, sắc xanh, sắc đỏ. Hoa hồng gai hồng nhạt. Hoa cúc dại cánh mỏng manh màu vàng, màu tím, màu xanh. Hoa bồ công anh vàng rực. Hoa tầm xuân dại tím nhạt, xanh lơ. Tất cả hoà lẫn muôn cỏ hoa dại lấm tấm li ti dệt nêm tấm thảm thảo nguyên tuyệt mỹ như có bàn tay của thần tiên thêu thùa tạo sự hòa quyện bao sắc màu rực rỡ, gợi cảm giác mê mẩn, mơ mộng đến ngơ ngẩn hồn. Hai ngày hai đêm đi và về, đều ăn ngủ trên chiếc ô tô "cà khổ". Còn hơn một ngày một đêm Xanh Pêtecbua. Quý như vàng. Bởi mỗi người phải bỏ ra 500 USD tức nửa cây vàng ròng cho chuyến đi. Bởi gặp được Xanh Pêtecbua cũng quý như vàng luôn. Vừa tới cửa ngõ Xanh Pêtecbua, 9 giờ 5 phút ngày 17 tháng 7, cô Natasa hướng dẫn viên du lịch lên xe, tươi cười chào đón mọi người. Natasa trung tuổi nhưng nét xinh tươi thời thiếu nữ vẫn tươi thắm trên môi hồng với ánh mắt long lanh, giọng nói trong trẻo. Không kịp nghỉ ngơi, Natasa đưa chúng tôi ra bờ sông Nêva, rồi tranh thủ giới thiệu nhanh: Xanh Petecbua đang 300 tuổi, được xây dựng vào năm 1703, theo ý chỉ của Pie Đại đế - một vị vua nổi tiếng trong lịch sử nước Nga, người quyết định dời thủ đô từ Mátxcơva về Xanh Petecbua năm 1710 và đưa nhiều văn minh Tây Âu vào nước Nga, nên thành phố mang trong mình sức nặng của lịch sử, văn hóa và cả những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Thành phố này có 36 quần thể kiến trúc bao gồm hơn 4000 các công trình văn hóa, lịch sử, trong đó nhiều công trình được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, với 21 viện bảo tàng, 2000 thư viện, 43 trường đại học, 80 nhà hát kịch, 100 phòng hòa nhạc, 62 rạp chiếu phim hiện đại,vv. Tới bờ sông Neva, tôi và anh Thanh - người từng học Đại học Khaccop, tách đoàn, rẽ xuống bờ sông. Ôi dòng sông mênh mang nắng gió. Lớp lớp sóng xanh dào dạt vỗ bờ. Tôi với anh Thanh xuống bờ sông chỉ để khỏa bàn tay xuống dòng sông, dù mấy hôm trước từng khỏa tay xuống dòng sông Mátxcơva, được coi là một trong bốn dòng sông lớn nhất Châu Âu. Rồi đứng ngây nhìn từ xa mấy ngọn tháp Nhà thờ thánh Isaac vút ngọn tháp vàng lên trời xanh. Đấy là một bảo tàng kiến trúc - nghệ thuật nổi tiếng, là nhà thờ cao thứ tư thế giới - 101m. Bảo tàng lớn của nhân loại Isaac đang lưu giữ 3000 bức họa được ghép bằng từng mảnh đá nhỏ, với mái vòm dát bằng vàng thật ước 100 kg ở độ cao gần 100m, với 112 cây cột lớn, cao vút, rất điển hình của kiến trúc Châu Âu thế kỷ 18-19. Vừa nghe, tôi vừa ngoảnh nhìn quần thể kiến trúc Ermitage tuyệt đẹp bên bờ sông Nêva mà tòa nhà chính trong quần thể ấy là Cung điện Mùa đông. Một lúc rồi đi thăm Pháo đài Peter & Paul, nơi có thánh đường lộng lẫy, mọi thứ đều dát vàng rực rỡ với nhiều hình vẽ tuyệt xảo, nơi chôn cất các Sa hoàng. Thật ấn tượng nhưng không thể ấn tượng bằng lúc tới thăm chuỗi phòng giam thời Sa hoàng, trong đó có phòng giam nhà văn Gorki. Các phòng giam khác trống chếnh một chiếc giường sắt, riêng phòng giam nhà văn Gorki còn đấy chiếc áo khoác sợi thô sờn rách để trên giường, với chiếc bàn viết vẫn mở mấy cuốn sách, chắc là bản thảo, một ống bút. Tôi chụp ảnh lưu niệm ngay cửa phòng giam nhà văn, rồi đánh liều bước qua tấm kính chắn vào trong định chụp ảnh ngay bên bàn viết. Vừa bước qua tấm kính chắn, bỗng ầm reng tiếng chuông báo động. Sợ hãi, tôi nhảy vọt ra. Một bà bảo vệ ộ ệ to, vừa chạy lại vừa quát ầm ầm. Chắc bà mắng mỏ nhưng tôi đã lẩn nhanh vào đám đông, biến luôn. Rồi ra xem chiến hạm Rạng Đông – chiến hạm có bác Tôn Đức Thắng thủy thủ từng nã pháo vào Cung điện Mùa Đông trong cuộc mạng tháng Mười Nga. Trở ra, Natasa cho chúng tôi lên một du thuyền, chạy vọt ra sông Nêva lộng gió và sóng. Bên du thuyền chấp chới cánh hải âu. Một lúc thì ngoặt vào một con kênh - cả Xanh Petécbua có 68 con kênh kè đá hộp, giống một đàn rồng con bơi theo rồng mẹ Neva, chúng uốn lượn quanh thành phố Xanh Pêtecbua, với 342 cây cầu vươn nhịp nối 42 hòn đảo xinh mọc liền tiếp muôn tòa nhà cổ kính cùng 300 nhà thờ mà nổi tiếng nhất là Nhà thờ Kazan xây dựng năm 1812 để tưởng niệm Kutudop chiến thắng Naponeon. Thật thú vị khi du thuyền lướt kênh quanh thành phố, hai bên bờ kênh là những tòa nhà không cao quá năm tầng vừa cổ kính vừa hiện đại, tráng lệ, đẹp một cách hài hòa, nép mình bên rừng cây xanh, soi bóng xuống dòng kênh, có lẽ bởi thế mà người ta còn gọi Xanh Pêtecbua là một "Thành Venice Phương Bắc". Xong một tua, tối chúng tôi về ăn cơm Việt ở Nhà hàng Nha Trang của ông chủ Lý Tân Thắng. Đêm ở khách sạn lèng tèng. Đương mơ mơ ngủ thì anh Thường và em Phương gọi đi uống bia. Ờ bia! Xanh Pêtecbua đã qua những đêm trắng, thì ta tự làm ra đêm trắng chứ sao. Nghĩ thế nên tôi bật dậy, theo bạn đến quán bia bên bờ sông Nêva. Một chầu túy lúy. Biêng biêng. Tôi bước nghiêng nghiêng như ngọn gió thoảng ra bờ sông Nêva. Trời sao lấp lánh lấp lánh. Thành phố hoa đăng lấp lánh lấp lánh. Ánh sao và ánh điện tỏa xuống dòng sông Nêva lấp lánh lấp lánh. Không gian ảo mờ. Tóc dài bay mướt gió sông Nêva. Hồn thả theo dạt dào sóng sông Nêva. Mê mị. Lãng đãng. Phiêu du. Cảm giác tôi lạc vào miền cổ tích bởi đêm Xanh Pêtécbua đẹp mê hồn. Một đêm lãng tử mơ mộng bên dòng sông Nêva. Với tôi, chắc không thể có một đêm thứ hai trên trái đất này sánh được. Sớm mai, chúng tôi đi thăm bảo tàng Ermitage. Bảo tàng Ermitage là Viện bảo tàng lớn nhất nước Nga, chỉ sau Viện bảo tàng Lovre của Pháp và Viện bảo tàng Vatican của Italia. Xin trích ngang, Ermitage là một tác phẩm tuyệt diệu của kiến trúc sư danh tiếng Rastrelli thiết kế xây dựng từ 1754 - 1762, theo kiểu kiến trúc Barokko, uy nghi mà tráng lệ, có sức mạnh thẩm mỹ cao. Nội thất của Ermitage được thiết kế trang trí rất đa dạng và độc đáo bởi Rastrelli cùng các kiến trúc sư lừng danh khác như Quarenghi( 1744-1817) - người gốc Italia đại diện cho trường phái kiến trúc Cổ điển, Monferran(1786-1858) - người gốc Pháp, Rossi(1755-1849) - tác giả nhiều quần thể kiến trúc hoành tráng kiểu Cổ đại ở Xanh Pêtécbua, Briullov(1798-1877) - nhà kiến trúc Nga đại diện cho trường phái cổ điển thời Hậu kỳ, vv. Năm 1837 Cung điện Mùa Đông bị cháy, hư hại nhiều. Công việc phục chế tái tạo bởi sự điều khiển của kiến trúc sư Stasov(1769- 1848) - người đại diện cho trường phái kiến trúc theo kiểu Cổ đại. Tòa Ermitage Mới hiện nay của Viện bảo tàng được xây dựng khoảng từ 1839-1850 do kiến trúc sư Stasov và Efimov chỉ huy xây dựng theo thiết kế của kiến trúc sư người Đức là Leofon Klenze(1784-1864) thuộc trường phái phỏng theo kiến trúc Hy Lạp cổ đại. Hành lang bậc thềm chính đi vào Ermitage Mới có dựng mười pho tượng toàn thân bằng đá hoa cương - công trình nghệ thuật của nhà điêu khắc Terebenev(1815-1859) đem lại dáng vẻ uy nghi, thâm trầm cho bảo tàng. Với 225 bức tranh khi mới thành lập, rồi liên tục được bổ sung theo dòng chảy lịch sử bởi những cuộc mua tranh lẻ tẻ, những cuộc bán đấu giá tranh, nhất là được tiếp nhận những bộ sưu tập lớn của Bá tước Heinrich Bruchi(Dresden, 1769), của chủ nhà băng Kroz(Paris, 1771), của Huân tước Walpole(London, 1779), của Hoàng hậu Josephine(Paris, 1814), vv. Nên đầu Thế kỷ 20 bộ sưu tập của Ermitage đã lên đến 600 nghìn tác phẩm nghệ thuật và di tích văn hóa cổ xưa. Sau cách mạng Tháng Mười Nga 1917 bộ sưu tập của Ermitage đã tăng gấp 4,5 lần. Thế nghĩa là là cả mấy triệu bức tranh và di tích văn hoá cổ xưa. Một con số khổng lồ. Tác phẩm nghệ thuật và di tích văn hóa cổ xưa trưng bày ở Ermitage bao gồm sáu phần chính: 1- Văn hóa nguyên khai. 2- Văn hóa và nghệ thuật Cổ đại. 3- Văn hóa và nghệ thuật các dân tộc phương Đông. 4- Văn hóa Nga. 5- Nghệ thuật Tây Âu. 6- Cổ tiền học. Hiện nay bộ sưu tập về hội họa Tây Âu trưng bày tại Ermitage là một trong những bộ sưu tập phong phú nhất và có giá trị nhất trên thế giới. Nghe thế đã khiếp. Một buổi thì làm sao xem được ngần đấy bức tranh và di tích văn hóa cổ xưa. Tiếc, nhưng đoàn chúng tôi đành buông, ai muốn xem thế nào thì tùy, cứ hẹn nhau giờ gặp tại một địa điểm. Chúng tôi xếp hàng vào thăm Ermitage, có một chuyện lạ, bởi hai người đàn ông cao lớn, người đánh trống người thổi kèn, hễ thấy đoàn nước nào đi qua thì hai người chơi nhạc Quốc ca nước ấy, rất nhộn, khiến cho du khách tranh nhau ra chụp ảnh chung và bo tiền thưởng cho hai người. Vào trong Ermitage tôi nhót một mình, lướt thật nhanh qua khá nhiều phòng trừng bày những bộ sưu tập tranh nổi tiếng của Italia, Hà Lan, Tây ban Nha, Anh, Pháp, Đức, Nga..., và cố tìm bằng được được phòng tranh của Picasso, Levintan, Vangoc... Cũng chỉ ngó một chút vì sức hiểu tranh của tôi không khá lắm. Có một thứ tôi tìm, may gặp, là phòng trưng bày ảnh lưu niệm về Picasso, tìm ảnh họa sỹ nổi tiếng đã quá “cổ lai hy” mà còn cầm ô che cho một cô gái quá trẻ ở ngoài bãi tắm biển. Tôi khoái bức ảnh lắm vì nó nói lên đời sông tâm hồn hồn nhiên, một tình yêu không tuổi của người nghệ sỹ vốn được coi là lơ ngơ, khờ dại. Thế mà cũng mất đứt buổi sáng. Chiều chúng tôi đi Cung điện Mùa Hè, thuộc ngoại ô tây nam thành phố, được xây dựng năm 1721. Nếu Cung điện Mùa Đông kiêu hãnh được soi bóng mơ màng bên bờ sông Nêva dạt dào sóng và nắng gió, thì Cung điện Mùa Hè lại tự hào được hòa dáng trong rừng cây sồi, cây bạch dương, cây phong xanh biếc với những đài phun nước lộng lẫy, tia nắng rọi hóa cầu vồng rực rỡ và cũng được nghiêng soi bóng mình bên bờ vịnh Hà Lan của biển Ban tích. Vốn ham thích rừng cây và sông biển nên tôi lang thang một mình trong rừng ven vịnh Hà Lan suốt chiều, lòng dịu lắng bởi sóng biển rì rào, cây lá xôn xao và tiếng chim hót ríu nắng vàng. Ngồi phệt trên thảm cỏ Cung điện Mùa Hè lịm bóng xanh rừng phong, ngay bên bờ vịnh Hà Lan dạt dào sóng vỗ, mắt đăm đắm nhìn về bên kia bờ vịnh lấp lánh thành phố của nước Hà Lan, tôi mơ màng nhớ một thời sinh viên Văn khoa, từng mê mải yêu nước Nga qua bao nhiêu áng thơ văn của những Puskin, Onga Becgon, Lep Tonxtôi, Đoxtoiepki, Gorki, Solokhop, cả âm nhạc của Traicopxki nữa, cả tranh của Levintan nữa... Bây giờ đương ở nước Nga, mắt thường tôi đắm đuối ngắm thành phố Mátxcơva, thành phố Pêtecbua, thầm nghĩ vì sao xửa xưa thế giới lại xuất hiện nhiều nhà kiến trúc tài ba thế. Họ sáng tạo ra bao nhiêu lối kiến trúc thật độc đáo, nào kiểu kiến trúc Byzantin, Roman, nào Baroque, Gothique..., những lối kiến trúc đầy ắp chất cổ tích, những lối kiến trúc tưởng rất giản dị mà hoang đường kinh khủng bởi trí tưởng tượng vô song, tạo nên sự tò mò, ngơ ngác và gây xúc cảm vô cùng mạnh mẽ cho người đời - những lối kiến trúc mà chỉ có những cái đầu kiến trúc - nghệ sỹ "điên rồ vĩ đại" mới nghĩ ra được. Cả mấy ngàn công trình đẹp và hoang đường như trong tuyện cổ tích ấy. Tôi đã được chiêm ngưỡng một số công trình kiến trúc như thế, bằng mắt thường Việt Nam, cảm giác kinh hãi và sung sướng lạ lùng. Ghê gớm thay sức tưởng tượng và sự táo bạo của con người!

Ôi, mê đắm Xanh Pêtecbua nhưng vẫn phải chia tay để về Mátxcơva thôi. Mátxcơva gần nghìn năm gắn với tên tuổi Công cuốc Iuri Dolgoruki - người từng đánh chiếm được nhiều vùng đất đai trên sông Volga và chinh phục được cả vùng lưu vực sông Volga rộng lớn thuộc Nhà nước Bugarie, vào thế kỷ 10-14. Từ thế kỷ 12 trên bờ sông Mátxcơva có làng Kutskovo đổi tên là Mátxcơva. Năm 1147 được coi là năm thành lập Mátxcơva nhưng mãi hơn 800 năm sau, năm 1954, Tượng đài Iuri Dolgoruki - người sáng lập thành phố Mátxcơva mới được dựng. Đó là tượng đài đá hoa cương tạc người kỵ sỹ đang cưỡi con tuấn mã lồng lên với vẻ oai phong của hiệp sỹ Nga. Ngày nay thành phố Mátxcơva tự hào là trung tâm lớn về giáo dục, văn hóa, khoa học, thể thao và du lịch. Mátxcơva vẫn xứng đáng là thủ đô nước Nga gần 142 triệu dân và rộng tới trên 17 triệu km2- nhất thế giới luôn. Mai lại lên giảng đường học tiếp hai chuyên đề nữa. Dành thời gian sau học và ngày nghỉ chờ ra sân bay về nước, ô tô nhà trường đưa chúng tôi đi thăm Công viên Hoa hồng, thăm bảo tàng Kyckobo, xem bảo tàng tranh tròn diễn tả cuộc chiến Bôrôđino1812 giữa Kutudop và Napoleon, chơi đồi Lênin ngay khuôn viên Trường Đại học Lomloxop, dạo qua Trung tâm triển lãm thành tựu kinh tế quốc dân - nơi mỗi nước cộng hoà trong Liên bang Xôviết xưa đều có một trung tâm triển lãm riêng xây dựng mang đậm bản sắc văn hóa mỗi dân tộc, rất đẹp, nay trở thành nơi vui chơi giải trí và siêu thị bán hàng lưu niệm. Ồi, lại nói siêu thị. Mátxcơva các siêu thị thật lớn, thật hiện đại. Mỗi tội hàng hóa đắt. Hỏi ra mới biết hầu hết là hàng hóa của Trung Quốc. Hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường Nga. Thế mới lạ. Trong bài giảng trên lớp, các giáo sư cũng thừa nhận điều này, và cho rằng trong "Chiến lược nước Nga thông minh", nước Nga sẽ làm thay đổi căn bản tình hình bằng cách thành lập các thành phố khoa học, các trung tâm khoa học công nghệ kiểu thung lũng Silicon của Mỹ. Bên cạnh đó nước Nga cũng ra quyết định không khai thác vùng Siberi, để dành hoàn toàn cho thế hệ sau. Hiện chỉ tăng cường khai thác vùng Viễn Đông rộng mênh mông - một vùng đất vô cùng giàu có, nơi cất giữ nguồn tài nguyên dồi dào như dầu, khí, kim cương, vàng, đồng, titan, cùng hàng triệu km2 rừng bạch dương, rừng thông có thể khai thác gỗ, song tất cả chưa được khai thác, coi như một vùng bỏ hoang. Còn bao tiềm năng du lịch quí giá cũng đang bỏ ngỏ. Đấy là hồ Baikan thiêng liêng và kì bí. Đấy là quần thể kiến trúc độc đáo Vladivostok. Đấy là vẻ đẹp không đâu sánh cùng Kamchatka với 19/160 núi lửa đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới. Đặc biệt núi lửa cao nhất là Kljuchevskaia Sopka với "hình nón hoàn hảo", lung linh huyền ảo, là một trong những ứng cử viên sáng giá cho vị trí núi lửa đẹp nhất thế giới. Thôi chuyện "Chiến lược nước Nga thông minh", chỉ biết bây giờ các siêu thị lớn ở Nga thu hút không biết bao nhiêu khách du lịch trong nước và quốc tế. Bạn tôi nhiều người mua được nhiều hàng quí. Tôi thì theo để xem, vì tôi thuộc Công ty "nghe nhìn" mà lị. Nói thế chứ, tôi cũng được bạn đồng hành cho một ít tiền rúp, liền đi mua hàng lưu niệm. Loanh quanh bên ngoài Quảng trường Đỏ, nhờ Văn Thành mặc cả bằng tiếng Nga, mãi mới mua được mấy con búp bê Matriotka. Vui nhất là đi chợ Xox Loma. Hai dãy chợ cả tầng trên tầng dưới miên man đồ lưu niệm từ cũ rỉn đến mới toanh. Đủ thứ. Búp bê. Vòng đá. Ốc bể. Dây bạc. Tranh vẽ. Đàn ghita. Sáo trúc. Dao găm. Súng lục. Mũ cối. Súng AK. Bi đông thời chiến tranh. Quần áo rằn ri. Rượu voka. Đồ gốm,vv. Tôi mê bộ đồ gốm bình sữa và hai chiếc cốc có trang trí hoa văn nổi rất đẹp, ở gian hàng của hai vợ chồng nghệ nhân gốm Moskva. Mê nhưng không có tiền rúp hay tiền đô. Thấy tôi đắm đuối rồi thất vọng, anh Thành phiên dịch đành chiều, đưa tôi tiền rúp lấy tiền Việt. Chín ngàn rúp/bộ bình gốm. Cầm bình gốm, tay run run. Mắt sáng long lanh. Sướng!

Ôi, nước Nga! Thành phố Mátxcơva với Xanh Pêtecbua xanh - sạch - đẹp như công viên. Đường phố xe cuộn miết như dòng sông chảy siết. Phố nép rừng cây xanh. Bảo tàng thấp thoáng trong bóng rừng cây xanh. Dòng sông chảy nuột từ miên man rừng cây xanh. Mặt trời bay lên trong rừng cây xanh. Ríu rít tiếng chim lùm cây xanh. Cây sồi. Cây thông. Cây phong. Cây bạch dương. Cây phúc bồn tử. Thiên nhiên Nga xanh làm nên tâm hồn Nga dịu dàng. Thành phố Mátxcơva và Xanh Pêtecbua tráng lệ, lộng lẫy, cổ kính và mang trên mình sức nặng to lớn của lịch sử, văn hoá Nga. Mai chia tay nước Nga rồi. Ngồi bên thảm cỏ, đăm đắm nhìn ra dòng sông với cánh rừng xanh rịm sau cơn mưa chiều bất chợt, tôi thì thầm hát đi hát lại những lời ca tâm tình nồng ấm, thiết tha, trong sáng tâm hồn Nga: Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào/ Rừng cây chim muông lắng suốt canh thâu/ Hỡi em! Thấu chăng tình anh bao trìu mến/ Mátxcơva bên em trong chiều vắng êm đềm/ Dòng sông nước nhẹ trôi xuôi về phía chân trời/ Màn đêm lung linh sáng ánh trăng soi/ Vời vợi xa thoáng đưa lời đây bài ca đầm ấm/ Mátxcơva chứa chan vui trong chiều vắng yêu đời/ Kìa em ngước nhìn ai đôi màu mắt nâu huyền/ Dường như bao lưu luyến mối tơ duyên/ Sao không nói nên lời, trong lòng anh nàng hỡi/ Muốn chia em chung ngàn nỗi tâm tình/ Vừng đông chiếu tràn lan, mây dần sáng sương tàn/ Cầm tay nhau em nhé ta vui lên/ Hỡi em nhớ chăng mình đêm hè bao đầm ấm/ Mátxcơva nhớ tới em trong chiều vắng thanh bình/... Hát “Chiều Mátxcơva”- hát để không bao giờ quên đất nước vốn thanh bình, nồng ấm tình yêu nhường ấy nhưng đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng đội quân Mông Cổ và đội quân Napoleon hùng mạnh nhất thế giới, từng làm nên Cách mạng Tháng Mười chói lọi, từng chiến đấu và hy sinh tới trên hai mươi triệu quân dân để cứu loài người thoát khỏi thảm họa phát xít. Một đất nước với cách chân thành vô tư nhất, dành bao nhiêu tình cảm và vật chất cưu mang giúp đỡ những dân tộc đấu tranh vì tự do, hòa bình, vì Chủ nghĩa xã hội. Một đất nước tận tình và trách nhiệm đã đào tạo cho Việt Nam và nhiều nước trên thế giới những nhà quản lí, nhà khoa học, nhà quân sự, những nghệ sỹ lừng danh. Một đất nước mà con người với thiên nhiên đất trời như trong chuyện cổ tích. Con người Nga dũng cảm, thông minh và giàu lòng nhân ái, đã làm nên một nước Nga vĩ đại và kiêu hãnh.

H.T.S

Mátxcơva, ngày 13- 26/7/ 2010

Yên Bái, ngày 29/8/2010