Có ba vị nho sinh vừa bị thi trượt về đang ngồi dở khóc dở cười, mếu máo làm thơ. Họ vừa làm xong bài thơ về con cóc với mấy câu ngắn ngủi:
Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra,
con cóc nhảy ra, con con ngồi đấy,
con con ngồi đấy con cóc nhẩy đi
Họ vỗ đùi tự khen;
- Bọn mình giỏi thật nhưng thiên hạ có mắt như mù chưa ai nhìn thấy thiên tài của chúng ta.
Đang khoái chí với tác phẩm độc đáo của mình thì vị Bộ trưởng bộ Thơ đã đứng ngay trước mặt:
- Mời các nhà thơ vào kinh đô gặp nhà vua.
- Đấy mà. Nhà vua đã biết tài năng của chúng ta nên nhà vua mới cho diện kiến chứ.
Ba chàng theo Bộ trưởng vào gặp nhà vua. Vua hỏi:
- Ai làm thơ cho ta nào?
Cả ba chàng im lặng.
Nhà vua hơi phật ý hỏi:
- Không làm thơ thì các ngươi đến đây làm gì?
- Dạ, chúng tiểu nhân quen làm thơ tập thể rồi ạ. Xin đại vương ra đề
- Thì cứ lấy vua làm đề. Nhưng tại sao làm thơ lại làm tập thể.
- Dạ thưa, Chúng tiểu nhân ý hợp tâm đồng mà làm tập thể hiệu quả rất cao, và lỡ có phạm thượng gì thì chả ai chịu trách nhiệm cả. Thưa đại vương...
Ba chàng được vua đồng ý cho làm thơ tập thể nhưng họ chưa nghĩ được gì bèn lôi trong tay nải ra mỗi người hai tập thơ
- Kính tặng đại vương tập thơ mới xuất bản.
Vua cầm thơ và gật gù:
- Ta nghe có người nói; Gặp nhau tay bắt mặt mừng, tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ
- Dạ thưa... Người chán thơ, kinh sợ thơ là những người sắp chết đấy ạ. Vì cả nước đang sống, cả nước làm thơ. Vì thơ không dộc hại gì và làm thơ đâu phải đơn giản mà phải vắt óc ra mới viết được vài câu.
- Ta cảm ơn. Nhà vua lật lật vài trang, các nho sinh lại lôi ra một đống những tập thơ dày mỏng, to nhỏ, màu sắc sặc sỡ, thấy vậy vua bèn hỏi:
- Gì nữa thế?
- Dạ thưa... Thơ.
- Sao nhiều thơ thế?
- Dạ thơ này không phải của bọn tiểu sinh đâu ạ?
- Của ai?
- Dạ thưa... của dân. Biết tin bọn tiểu sinh được nhà vua triệu về kinh đô thế là các hội thơ nhờ bọn tiểu nhân chuyển giúp món quà quý giá này đến đại vương. Đây là thơ của của Hội đồng quê, của hội đất đá, thơ của hội hoa lá, chim bướm chó mèo – gọi là sinh vật cảnh, của các câu lạc bộ phường xóm… ấy ạ. Tất cả đều có ghi tặng, có cả địa chỉ rõ ràng để khi ngài có dịp vi hành thì ghé lại các tệ xá nghe họ đọc thơ, để ngài thưởng thức cái văn hoá tinh thần, cái tự do ngôn luận rực rỡ của chúng dân.
- Ta biết, dân ta là dân rất văn hóa. Bộ trưởng thơ đâu! Ra nhận những thứ quà tặng của dân chúng rồi phân phát cho các quan chức trong triều
Nói đoạn nhà vua hỏi các nho sinh:
- Sao các ngươi có đề rồi mà chưa có thơ về trẫm?
- Dạ thưa, khó như thơ về con cóc chúng tiểu nhân còn coi là chuyện vặt thì ca ngợi đại vương còn dễ như là thò tay vào túi lấy đồ vật. Chẳng qua bọn tiểu nhân muốn làm thơ khác với mọi người chứ giống như họ thì dễ ợt.
Vua - Thế thì tốt lắm. Các ngươi có ứng khẩu thành thơ hay là...
- Dạ... Chúng tiểu nhân cần chút thời gian để lôi chữ ở trong bụng ra.
Vua - Được, ta cho các ngươi suy nghĩ. Nghĩ kỹ vào nhé, làm thơ cho ra thơ chứ không có thứ thơ vớ vẩn đâu.
- Xin tuân lệnh. Bọn tiểu nhân muốn làm thơ cho khác người chứ giống họ thì chỉ có vất. Vất vào sọt rác.
Vua đứng dậy đi ra đi vào. Ba nho sinh thì thầm trao đổi với nhau
- Hôm trước bọn mình mới làm được bài thơ về con cóc. Tưởng rằng đại vương cho đọc tự do ai ngờ người lại yêu cầu.
- Bài thơ về con cóc là bài thơ rất tân kỳ, chẳng có nhà thơ nào làm được như thế. Hay ta cứ đọc bài thơ đó.
- Bài thơ đó hay đấy chứ, lại sáng tác tập thể. Đại vương có quở trách thì quở trách tập thể. Chẳng anh nào làm sao đâu.
Trong khi các nho sinh bàn bạc thì vua đi ra đi vào vẻ chờ đợi sốt ruột. Các nho sinh theo dõi từng bước chân của nhà vua rồi như phát hiện ra điều mới mẻ:
- Tớ phát hiện ra rồi nhé. Đấy đấy... nhà vua trong cung, nhà vua đi ra. Nhà vua đi ra nhà vua ngồi đấy.
- Nhà vua ngồi đấy, nhà vua đứng dậy
- Nhà vua đứng dậy, nhà vua đi vào.
Ba vị đọc theo nhau rồi cùng vỗ tay tán thưởng
- Hay chưa. Tuyệt vời chưa? Có thua kém gì thơ con cóc. Ghi lại, ghi lại lát nữa đọc cho đại vương nghe.
- Phải rồi, ghi lại.
- Không phải ghi, tớ thuộc rồi.
- Cậu thuộc rồi?
- Phải, thơ mình làm lại tuyệt vời hay, đọc qua là tớ thuộc luôn. Lát nữa đại vương ra tớ đọc trước rồi các cậu đọc theo. Không cầm giấy mới là nhà thơ chính phẩm.
Ngay lúc đó Vua ra , hỏi:
- Thế nào, các nho sinh đã có thơ chưa?
- Dạ thưa đại vương, có rồi ạ.
- Đưa đây trẫm ngự lãm.
- Dạ. Chúng tiểu nhân không cần ghi chép mà đã thuộc. Xin đọc ạ.
- Ta cho phép.
- Thưa ... chúng tiểu nhân quen làm thơ tập thể rồi ạ. Xin phép được đọc:
- Nhà vua trong cung, nhà vua đi ra.
- Nhà vua đi ra, nhà vua ngồi đấy.
- Nhà vua ngồi đấy, nhà vua đứng dậy
- Nhà vua đứng dậy, nhà vua đi vào. Thưa hết ạ.
Nhà vua nghe xong ngơ ngác
- Thơ của các ngươi đặc biệt quá, ta không thể nào hình dung được tài năng trí tuệ của các nho sinh. Ta hỏi ý nghĩa bài thơ của các ngươi là gì?
- Dạ thưa. Thơ viết về đại vương là ý nghĩa về đại vương đó ạ. Chúng tiểu nhân xin giải nghĩa từng câu để đại vương hiểu.
- Câu thứ nhất Nhà vua ở trong cung là chuyện thường ngày nhưng có một vị công công nào đó bẩm báo đến giờ thiết triều thì nhà vua phải đi ra để điều khiển triều thần. Nhà vua phải ngồi vào cái ghế đầy uy quyền của mình cùng các đại quan nghị sự...
Vua - Đúng rồi. Ngày nào ta chẳng có việc gặp gỡ trao đổi, bàn bạc với các cận thần.
- Nhà vua ngồi đấy là để lắng nghe các bản tấu của các vị thượng thư các bộ ngành. Lúc đầu thì ngài cũng thích thú bởi những thành tích rực rỡ của ngành nọ bộ kia. Năm nay thắng lợi hoành tráng hơn năm trước... Nhưng chỉ một lúc thôi ngài không chịu nổi vì nghe quá nhiều những ngôn từ bóng bẩy, tô vẽ cho việc làm của các quan chức triều đình. Ngài thấy nhàm chán bởi ngày nào ngài cũng xơi cái món báo cáo thành tích ấy đến nỗi bão hoà, no xôi chán chè. Trong khi thực tế đời sống của người dân trên các cánh đồng, trên các công trường, rừng núi thì còn quá nhiều thiếu thốn khó khăn. Kẻ thất nghiệp, người nghèo đói còn rất nhiều, nạn giết người cướp của xảy ra nhan nhản ở mọi nơi, mọi lúc. Nạn ngoại xâm đang rình rập, gặm nhấm dân bờ cõi, thế mà... thế mà các cận thần vẫn ra rả nói bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Các tấu chương của các vị thượng thư chỉ nhằm xin đại vương ban khen ban thưởng danh hiệu này nọ thôi ạ. Có những danh hiệu vua ban họ sẽ dễ dàng được thăng chức tước, bổng lộc. Ngài thấy bức xúc trong người, không muốn nghe nữa ngài bèn đứng dậy.
C - Ngài rũ áo đứng dậy, chắc chắn trong lòng ngài thì thầm: đã bảo thành tích nói ít thôi, hữu xạ tự nhiên hương mà. Sao các người cứ nói tràng giang đại hải về thành tích thế, kể lể công trạng nhiều thế. Đúng là trên bảo dưới không nghe....
A - Các vị cận thần còn nguỵ biện rằng, Phép vua thua lệ làng nên vua bảo không được thu phí thu thuế lung tung nhưng họ vẫn cứ thu. Nhà vua có lệnh mở kho trợ giúp cho các gia đình có con em tử nạn ở mặt trận. là thể hiện sự quan tâm chăm sóc của đại vương. Nhưng tiền ấy cũng như tiền để cứu trợ những kẻ nghèo khó một phần bị các quan chức địa phương ăn chặn. Không làm gì được cái đám công quyền sở tại ấy! Chán nản. Thế là nhà vua đi vào cung với các cung tần mỹ nữ để vui vẻ... xả xichét.
Vua - Chà, các nhà thơ giỏi quá. Các ngươi không được dự triều kiến sao các ngươi lại hiểu biết quá thế.
ABC - Dạ thưa. Đã là nhà thơ phải thông tường kim cổ, hiểu sâu biết rộng về cuộc sống để đàm thiên, thuyết địa, luận nhân, đặc biệt là tâm tính con người. Muốn chia sẻ nỗi vui buồn với nhà vua chúng tiểu nhân phải biết vua đang nghĩ gì, vui vì điều gì và lo về điều gì chứ.
Vua - Quả là từ lâu nay bây giờ ta mới được thấy có bài thơ giầu ý nghiã như vậy. Thơ các ngươi làm theo thể loại gì, thuộc trường phái nào?
A - Dạ thưa. Chúng tiểu nhân làm thơ theo thể con cóc. Loại thơ này thuộc trường phái thực tế. Ngôn ngữ rất đời thường tránh được sự xáo rỗng về ngôn từ, tước bỏ được sự cầu kỳ, làm xiếc của sự hoa mỹ giả tạo như kiểu nói bóng nói gió. Con người và sự thật không nói lại vòng vo tam quốc, lại ca ngợi phong hoa tuyết nguyệt. Thật rởm đời.
Vua - Đúng đúng. Ta rất ghét sự giả tạo. Ta tôn trọng sự thật. Trường phái thực tế ít nhiều ta đã nghe và cũng hiểu nhưng thể thơ con cóc như thế nào ta chưa nghe bao giờ. Ba chàng nho sinh thay nhau đọc:
- Là loại thơ con cóc trong hang, con cóc nhảy ra
- Con cóc nhảy ra con cóc ngồi đây.
- Con cóc ngồi đấy, con cóc nhảy đi. Đơn giản, dễ hiểu lắm. Nếu đại vương muốn làm theo thể loại này chúng tiểu nhân xin được tư vấn.
Nhà Vua xua tay lia lịa:
- Không không. Ta đâu có nhiều thì giờ mà làm thơ. Nhưng ta cần hiểu để khi tiếp các nhà thơ ta cũng dễ bề ăn nói. Thể thơ con cóc như thế nào?
- Dạ thưa. Con cóc ở trong hang nó thấy cần nhảy ra thì nó nhảy ra.
- Nhảy ra rồi nói ngồi đấy nhìn thế sự xoay vần. Đại vương có nghe từ miệng cóc có tiếng chèm chẹp phát ra không ? Nó bức bối vì những điều trông thấy mà đau đớn tim gan rồi lan sang hai quả thận
Nhà Vua ngẫm nghĩ một lát rồi hỏi:
- Những điều nó thấy ... sao nó không phản ứng gì, không hành động gì mà nó lại nhảy đi?
- Có thể nói ra những điều nó thấy, nó đau lòng biết đâu lại bị quy chụp thế này thế khác. Rằng, chống lại triều đình, ràng có thế lực thù địch nào xúi bẩy. Không chừng lại bị bắt bỏ rọ đém bán cho người ta làm ruốc để chống suy dinh dưỡng... Cũng có thể nó cho rằng, tất cả đã thành quốc nạn, đã là bệnh nan y thì mình nó có hành động gì cũng khó đạt kết quả. Cho nên im lặng là cách tốt nhất. “Tẩu vi thượng sách”, thế là nó lặng lẽ nhảy đi.!...
- Nhưng... chớ vội tưởng nó nhảy đi là nó trốn tránh trách nhiệm, thưa đại vương. Nó không hề vô cảm trước nhân tình thế thái đâu bởi nó còn có vị thế là cậu ông Trời nên nó có công văn chất vấn Trời rằng, tại sao hạ giới lại kém công bằng, văn minh thế? Có kẻ ăn không hết, có kẻ lần không ra. Trời đã trả lời bằng một câu xanh rờn: Hãy tự cứu mình đi đã! Không chịu nổi và bất lực con cóc ở trong hang cứ nghiến răng ken két hết ngày này sang ngày khác thể hiện sự bức xúc chưa được giải toả... Đấy, Ý nghĩa bài thơ con cóc là phải hiểu như thế. Thưa đại vương?
Nhà Vua bỗng đỏ mặt và cáu giận:
- Các ngươi thật hỗn xược. Dám ví ta - một vị quyền năng tối thượng của vương quốc với con cóc bẩn thỉu, hôi hám, xấu xí. Người đâu! Bỏ ngục mấy tên nho sinh hỗn xược này.
Mấy nho sinh vẫn bình tĩnh giảng giải, họ nghĩ vua bận lắm công to việc lớn, nghĩ suy ở tầm vĩ mô
- Văn học là nhân học. Thưa đại vương. Các tiểu nhân mượn con cóc để nói thân phận kẻ sống dưới đáy, trong tối tăm tù đọng. Một cách nhân hoá như vậy phải nói là cao tay lắm chứ.
Việc ví ngài với con cóc tiểu nhân cho rằng đáng được khen thưởng lắm. Sao lại bị bắt tống ngục ạ?
Vua đã hơi hạ hỏa:
- Các ngươi nói xem đáng được khen thưởng ở chỗ nào?
- Dạ thưa. Lũ tiểu nhân đã coi con cóc là tượng trưng cho thân phận kẻ sống dưới đáy, trong tối tăm tù đọng, nghèo hèn trong xó xỉnh của đời. Muốn gì thì gì họ là dân đen, được coi là cái gốc. Còn các quan chức, kể cả đại vương, có ăn mặc sang trọng sống trong cung điện, trong lâu đài tráng lệ thì vẫn chỉ là cái lá, cái hoa, cái quả mà thôi. Gốc có bền vững thì hoa lá mới xanh tươi, quả mới chín thơm. Nếu đại vương coi mình là người ở tít trên chín tầng mây thì chả nói làm gì. Còn ngài cùng sống với đám cóc ở hang cùng ngõ hẻm, ngài sẽ thấy được hoàn cảnh thực của họ không cần các vị thượng thư tấu trình gì hết. Ngài sẽ thấu hiểu những khát vọng của những con người lam lũ bẩn tưởi ấy để rồi chia sẻ với họ bằng những quyết sách an dân trị quốc. Dân có no đủ, nước mới giầu mạnh, vị thế mới vững vàng. Ngoại xâm muốn nhòm ngó cũng phải vài phần e sợ.
Bây giờ vua mới hiểu ra ngài thầm nghĩ: Hóa ra mọi sự đều có căn nguyên của nó, người có trình độ mới hiểu hết được. Cơn hỏa của vua đã tan biến:
- Ngươi nói đúng lắm. Ta cũng muốn hoà đồng với tất cả song, từ cung điện nguy nga tráng lệ đến cái hang hốc tối tăm bị một cái gì như màn sương ngăn cách khiến ta nhìn đám dân chúng cứ mờ mờ ảo ảo. Từ trước, ta vẫn cứ nghĩ các ngươi, cái đám nhà thơ vô vị ấy là những kẻ chỉ tán chuyện linh tinh bao la bát ngát. Tâm hồn thì treo ở cành cây ngọn liễu. Thì ra các ngươi cũng biết lo cho dân, cho nước và cả trẫm nữa . Thế thì ta còn lo gì. Bay đâu, mang vàng lụa ban thưởng cho các nhà thơ.
Nhận vàng lụa rồi các nho sinh tạ ơn và ngâm nga bài thơ con cóc vui vẻ ra về.
( còn nữa)