Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TÍNH ĐIỆN ẢNH VÀ VAI TRÒ LỊCH SỬ “KÉP” CỦA TIỀU THUYẾT KIẾP NGƯỜI

Vi Thuỳ Linh
Thứ sáu ngày 13 tháng 10 năm 2017 11:58 AM





Kiếp người
- tiểu thuyết quan trọng nhất đời văn của Hữu Ước, phát hành 2 tập từ năm 2016: 8/5 ra mắt tập 1 - Sống (497 trang, in 3 vạn cuốn), 8/11 là tập 2 Lửa (399 trang, in 5 vạn cuốn), đều khổ 16x24cm, kỉ lục ở thời suy giảm văn hóa đọc (NXB Văn học), thực sự là hiện tượng gây chú ý trong giới cầm bút trí thức, nghệ sĩ. Viết kịch bản (KB) phim truyện nhựa, sân khấu từ gần 3 thập kỉ trước, Hữu Ước đã đưa đời sống vào cuộc đời mình, thành phim trên giấy. Cuốn phim đời trầm luân, kịch tính, đa cảm và cám dỗ người xem.

 

BOX: Tọa đàm " Trung tướng- Nhà văn Hữu Ước với văn học nghệ thuật" do GS đạo diễn Hoàng Chương - Tổng giám đốc Trung tâm Bảo tồn Nghiên cứu và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam chủ trì, diễn ra ngày 14/10/2017 tại Công viên Ước (thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, Sóc Sơn, Hà Nội. Hơn 20 bài viết của các tên tuổi lĩnh vực văn chương, sân khấu tham gia sự kiện này (Nhà thơ TS Vũ Duy Thông, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Chiến, Trần Trương, Vi Thùy Linh; TS Lê Thị Bích Hồng, ĐD NSƯT Lê Chức - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NS Xẩm Mai Tuyết Hoa, nhà phê bình Bùi Việt Thắng...), được nhà văn Hữu Ước tập hợp in thành sách dày 150 trang.

Chỉ ai trí tưởng tượng dồi dào và tâm hồn phong nhiêu mới tư duy hình ảnh. Từ bản thảo, mọi câu văn, trang viết gần như hoàn chỉnh, rất hiếm lỗi chính tả. Đáng nể trong lối viết của ông: ông viết tay trong những cuốn sổ dài, dày. Viết đến đâu, cho nhân viên đánh máy đến đấy là hoàn thành, sau đó cứ thế đem in, tức là viết rất chắc, không cần đảo, trộn, sửa chữa nhiều. Mỗi câu, đoạn tả đều khác biệt, không thấy sự lặp quẩn, cùn mòn. Kiếp người như một tấn trò đời. Thời gian ào ạt thác lũ và nghiệt ngã của tạo hóa, hạn định mỗi số phận. Tấn trò đời khởi từ đây.

Trật tự tuyến tính với nhân vật chính xưng tôi, thường thấy trong nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, một lối kết cấu phổ thông, đã quen nhàm trong văn chương Việt Nam. Văn chương thế giới hiện đại không đi theo sự thật theo kiểu miêu tả thật thà, dùng nhiều tính từ, hình dung từ, mà đẩy mạnh về tiết tấu, chuyển động ngay trong thoại, nhịp điệu nhanh, những lát cắt xáo trộn. Sự cách tân này đã tiếp biến từ văn chương sang sân khấu và điện ảnh với lối dựng đưa kịch tính, cao trào xuất hiện ngay từ đầu, không cần chạy đà, lung khởi. Sự mơ hồ, những ảo giác để phản ánh hiện thực, dự đoán tương lai và ám ảnh quá khứ; nỗi bất an của tâm thế nhân loại trong hành tinh nhiều biến động này, là một mạch chủ lưu mà độc giả sành văn chương thế giới ưa thích. Riêng mảng này, người theo đuổi từ sớm, khai triển và khẳng định thành công là Nguyễn Bình Phương, xuất sắc cả trong thơ và văn, thành một hệ thống mang bản ngã riêng. Tới Hữu Ước, người hơn Nguyễn Bình Phương một giáp tuổi đời, nhưng tiểu thuyết xuất hiện sau, sự mơ hồ, ảo giác kia được tung ra như tấm lưới, khi ý nghĩ của Thanh Hữu dùng cho nhớ nhung, khát khao, dằn vặt. Hữu Ước đã phát huy thế mạnh của chất liệu vốn sống. Sau gần 30 năm kể từ khi chịu án tù hy hữu, Hữu Ước “sinh ra” Thanh Hữu, sinh ra một tiểu thuyết, một tác phẩm văn chương sáng giá và đáng giá như Kiếp người. Không đơn giản liên tưởng đến một lực điền chữ nghĩa, độ tráng niên của ông chính ở cảm hứng sống, tính nhân văn dạt dào chuyển hoá trong những phân khúc thời gian nhoè mờ ranh giới. Ông lôi độc giả vào cuộc, khi chữ chữ tủa ra tựa lộc trên cánh đồng, trên mảnh đất phì nhiêu, bởi tâm huyết cật lực của người gieo trồng, vun xới. Thủ pháp xáo trộn và đồng hiện được xử lí nhuyễn, hiệu quả của việc mở chồng hình ảnh và chuyển cảnh được xử lí bởi trình độ dựng phim (montage) tài tình.

Tính điện ảnh là ưu thế nổi bật của Kiếp người. Nó phản ảnh trữ lượng phì nhiêu từ tư duy hình ảnh của nhà văn sở hữu trí nhớ siêu thường, biên độ khái quát và chồng lớp đa tuyến và tâm hồn rộng mở. Ông tâm sự: “Tiểu thuyết chỉ là 1/10 sự thật những gì mà tôi nếm trải”. Không rõ ông sẽ sử dụng 9 phần thực tế kia vào lúc nào, chỉ việc điều tiết khối lượng nhân vật, sự kiện, biến cố qua gần nghìn trang viết cho thấy: khả năng bình định, kiến trúc bề mặt một tiểu thuyết hiện đại như việc tái hiện đời thông qua phóng chiếu của văn hoá và yêu thương, đã thành tâm điểm, động lực ngòi bút. Sức truyền cảm ấy cảm nhận được qua từng câu cuốn hút. Sự trung thực với các sự kiện, dữ liệu, diễn biến không chỉ ở việc các nhân chứng, người trong giới văn chương, báo chí có thể khảo sát, kiểm định, thẩm tra… Bởi Hữu Ước không viết kiểu thật thà, nôm na, nệ thực mà đã quay lại hiện thực thành phim - đời, với tính thời sự vẫn nóng. Đọc ông, thấy tiến trình báo chí Cách mạng Việt Nam thời đổi mới. Nếu có phần giấu nén hơi kĩ, thì đấy là mảng ái tình của Thanh Hữu. Hữu Ước chỉ để lộ mình ở sự đào hoa khi cho Thanh Hữu bị nhiều đàn bà theo đuổi, tấn công, chứ không lộ ra si mê ai. Hỏi ông nhiều lần, ông cứ cười: “Thì thực ra tôi có mối tình lớn nào đâu, ngoài vợ”. Câu trả lời có vẻ “cũ và an toàn” này, tôi không tin. Và đây là điều duy nhất tôi không tin khi xem “Hộ chiếu” của Hữu Ước, nên đã gợi ý, thúc giục ông khai thác ở tập 3. Nhà văn tiết lộ: “Tập 3 chắc chắn có, Thanh Hữu yêu đương dữ dội”.

Mỗi tập đánh máy khổ A4 nặng về khối lượng lẫn suy nghiệm, dự báo, hệ thống tuyến nhân vật, vốn sống. Tình huống, dữ liệu dồn dập thoại rất đời mà không thiếu chất hài hước (humour) - một biểu hiện cuốn hút của văn chương thế giới hiện đại. Có thể khẳng định, Kiếp người là cuốn tiểu thuyết đáng đọc và thuộc hàng đáng kể nhất của nền văn học đương đại Việt Nam 2 thập kỉ qua. Đấy là kiếp của chính nhà văn và các phận người ông gặp, gắn bó, biết và chứng kiến. Không đơn giản là tự truyện xây dựng tuyến tính để công chúng thông thường và đồng nghiệp hiếu kỳ có thể rỉ tai nhau: "Đọc đi, đọc để biết đời Hữu Ước!”.

Không đơn thuần ở kĩ thuật viết điêu luyện, không chỉ ở lượng từ vựng, các biện pháp tu từ mà sự dồi dào của bối cảnh, các không gian. Mọi suy cảm, xúc cảm, lời thoại, xung đột, tâm trạng nhân vật… đều xây dựng, sắp xếp tài tình, tự nhiên bởi tâm thế chủ lưu của tác giả là ánh sáng nhân văn, vươn tới cao thượng nên ngay cả hoàn cảnh tăm tối, ê chề nhất cũng không thấy sự hằn học cay nghiệt, hận thù, uất ức. Hữu Ước đã vượt qua vết đau quá khứ, ám ảnh nhân thân để trở thành nhà văn tầm vóc, đưa đến người đọc và thuyết phục họ; dẫn dắt và đưa họ đến thượng tầng của tinh thần ông, nơi sự yêu thương, cống hiến là lẽ sống. Tôi nhận thấy, tập 2 tiểu thuyết còn cuốn hút hơn, vừa đọc nghiến ngấu từng trang vừa sợ hết, đánh dấu rồi đọc lại.

Sôi động và hấp dẫn hơn tập 1, tập 2 Lửa mở đầu bằng những trang văn khiến người đọc gai người, kết hợp cao tay giữa các biện pháp tu từ với loạt thủ pháp điện ảnh. Tù nhân Thanh Hữu mãn hạn, bước ra khỏi cửa khám Chí Hoà, ngắm bầu trời tự do. Cảm giác, cảm xúc đầu tiên của kẻ nhận tự do sau 3 năm tách biệt, rời xa người thân yêu, môi trường sống và làm việc, là những trang máu chữ, không thủ pháp hư cấu nào có thể thay trải nghiệm ở hoàn cảnh này.

Ông tạo ra hàng chục nhân vật gây ấn tượng, hòa quyện sân khấu đời và phim trường thế gian trên trang giấy - màn ảnh. Và chính Hữu Ước, bằng bản lĩnh sống, cống hiến, đã thuyết phục và thống nhất sự đa thanh của dư luận, thành nhân vật hiếm biệt trong làng văn - báo cuối thế kỷ XX đến bây giờ. Là người khai sinh, Tổng biên tập ANTV từ 2014, Hữu Ước đã viết vài chục kịch bản sân khấu và điện ảnh, gần vạn bài báo và phóng sự. Nền báo chí cách mạng Việt Nam thời đổi mới chẳng thiếu cây bút giỏi, có tài, định danh mình ở một thể loại nào đó, hay gây dựng nên trang mục của những tờ báo có dấu ấn. Hữu Ước tay không xây dựng cơ đồ làm kinh tế báo chí vào hàng đầu bảng, có một không hai. Vô sản, chỉ từ bán báo không quảng cáo, với tirage phát hành lúc cực thịnh đưa An ninh Thế giới (ra đời năm 1996) lên đến gần triệu bản, phát hành sang cả Nga và Séc, chưa ai làm nổi. Ông đã đến vài chục quốc gia, được hưởng thụ nhiều quý hiếm, biệt đãi mà số đông phải mơ, nhận bù đắp của cuộc đời cho 3 năm tù oan trái.

Hữu Ước, với những gì đã bộc lộ và cống hiến, là một "ca" hiếm lạ của nền Báo chí Cách mạng và Văn học Việt Nam thời đổi mới. Con người mang lắm chữ đa này như một khối rubic, đã chứng tỏ tài năng đa dạng trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Nhưng phải đến tiểu thuyết Kiếp người, tôi mới bị chấn động bởi sáng tạo của ông.

Giới văn chương báo chí Việt Nam vốn đông mà chẳng nhiều nhặn nhân tài, những người sòng phẳng dám công nhận, tôn vinh ai đó một cách khách quan và xứng đáng. Thường xuyên căng thẳng, đố kỵ, đàm tiếu, dư luận giả... Vì thế, sức chuyển động của nền văn chương nói riêng, nghệ thuật nói chung bị giảm. Thế nên, giới văn - báo Việt Nam không hợp được thuật ngữ, danh từ mang tính khoa học, sang trọng mà vẫn là "làng". Chuyện làng thì loanh quanh, ồn ào, phức tạp. Trong làng chẳng nhiều người chịu đọc, xem nhau nghiêm túc. Rồi lắm nhiễu loạn và đánh tráo, dễ dãi khen, tung hô, dễ dãi danh hiệu, giá trị. Song không ai trong lực lượng cầm bút viết tiếng Việt, không biết đến Hữu Ước. Người này kẻ khác có khi viết cả đời cũng không được biết đến, không thể định danh. Còn Hữu Ước là một danh từ không thể nhầm, đấy là cái tên mà tôi biết đến 20 năm trước khi chưa vào đại học. Năm 1997, tôi trở thành sinh viên khóa 16 Phân viện Báo chí Tuyên truyền (nay là Học viện), nghe liệt kê tên tuổi thành đạt được các thầy nhắc nhiều như thành tựu của "trường dòng" này - cơ sở đào tạo báo chí chính quy, lâu năm nhất cả nước. Hữu Ước - cái tên được nhắc liên tục - cựu sinh viên Báo chí khóa 2, là Tổng biên tập những tờ báo đình đám, những manchette được vị nể bởi số tirage kỷ lục, niềm ước mơ triền miên của báo bao cấp, là đỉnh cao phấn đấu của những tờ báo coi việc độc giả tự bỏ tiền mua là danh dự sống còn. "Trường dòng" của chúng tôi đào tạo ra nhiều cây bút là Phó/Tổng biên tập, giám đốc các đài truyền hình, lãnh đạo cấp cao, chứ đâu chỉ Hữu Ước. Song đây là người duy nhất làm kinh tế báo chí bằng chính tư duy chuyên môn báo chí, gây dựng cơ đồ vững mạnh bằng những tờ báo, ấn phẩm do ông khai sinh. Bạn cùng lớp với Hữu Ước là thầy giáo của chúng tôi - TS Tạ Ngọc Tấn - GS Báo chí đầu tiên (và duy nhất nhiều năm) của Việt Nam, hiện là phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hữu Ước đã từng có cả tuần solo tranh - văn - thơ - nhạc ở Nhà hát Lớn. Nếu không có cuộc ra mắt Kiếp người - tiểu thuyết đầu tay của ông thì tên của Hữu Ước, truyện kể, giai thoại quanh người nổi tiếng này vẫn khiến kẻ thờ ơ nhất cũng phải tìm đọc, không thể nén tò mò. Những tháng làm việc cuối cùng trên cương vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng, nhà văn Hữu Ước viết tập 1 cuốn sách cuộc đời mình. Bìa nâu sẫm, 498 trang in, xuất bản tháng 4/2015. Viết xong tập 2 Lửa hơn một năm sau khi phát hành tập 1, nhà văn mới làm cuộc ra mắt sách, chủ yếu để gặp bạn bè thân hữu, "những cuộc gặp của thương nhớ".

Hữu Ước cố ý không nói đến tác phẩm "nặng đô" mà ông giới thiệu và chu đáo, hào phóng chuẩn bị những túi quà đựng thơ, sách, tiểu thuyết cho hàng trăm khách. Sẵn nền tảng mấy tờ báo, ANTV là "sân nhà", lại có quan hệ rộng, uy tín hơn 40 năm cầm bút nhưng Hữu Ước không phát huy, PR tác phẩm lên bệ phóng truyền thông. Ở thời mà nhu cầu về cái danh làm những kẻ cao ngạo nhất phải bồn chồn; còn lũ háo danh mãn tính thích kích ứng dư luận nhanh bằng trò đạo - đạo văn thơ, không cần liêm sỉ. Đúng 1 năm sau ngày nghỉ hưu, đã mãn tang vợ - người ông chịu ơn và yêu thương mãi mãi, Hữu Ước mới chịu quảng bá về Kiếp người, không nhằm hòa vào mốt thời thượng. Tôi may mắn được đọc Kiếp người trên bản thảo, bản in vi tính đánh máy từ những trang viết tay của nhà văn. Rất ít lỗi chính tả khi chữ tác giả doãi nét và rất ngoáy nào dễ đọc gì. 5 vạn cuốn, nếu 10 vạn hoặc hơn thì sách sẽ phát hành hết thôi. Hơn 95 triệu dân mà sách văn học của ta đa số chỉ in 1.000 bản/lần. Bởi thế, 5 vạn của lần in đầu tiên là kỷ lục. Không có sự rầm rĩ của báo chí, không cần chiêu trò lôi kéo, tự bản thân Kiếp người là thỏi nam châm lớn. Suốt năm qua, tôi gặp nhiều người tên tuổi trong các giới, hễ nói chuyện về nghệ thuật đều hỏi nhau: "Đã đọc tiểu thuyết Hữu Ước chưa?". Nếu không trả lời hoặc im lặng sẽ bị "mắng" ngay: Sao lại chưa? Không đọc Kiếp người hoặc đọc không thấy hay thì thiểu năng văn học đấy, tìm đọc ngay đi!" Ai may mắn được tặng mà chưa đọc, nghe mắng rồi cưới lỏn lẻn tự thú, lại đổ tại bận rồi hứa rất định đọc ngay. Ít lâu sau gặp, bèn câu đầu khoe ngay: "Đọc rồi, thích lắm!".

Thích, hay, không phải lời khen chung chung thỏa mãn thính giác cho tác giả, cho những "nhà" nông cạn ưa tặng sách để khoe khoang và dễ dãi nhận chuỗi lời khen, lười nhác. Nói về tiểu thuyết của Hữu Ước là sự thích thật, hăm hở thật của người đọc thật. Giữa thế gian đầy rẫy giả này, sự giả nhiều đến mức áp đảo sự thật thì độc giả đích thực sẽ dành thời gian quý báu cho sách tử tế. NSND Hoàng Cúc đọc sâu từng trang viết, cùng tôi mong chờ tác giả đưa thêm từng chương bản thảo, không ngớt lời khen về kỹ thuật dựng tiểu thuyết tài tình, số phận của nhân vật, sự đa dạng trong tình tiết nhân vật và tài hoa trong miêu tả đối thoại của Kiếp người. Bà đã dành nhựa sống những năm xuân sắc, đỉnh cao diễn xuất cống hiến cho sân khấu, điện ảnh.

Tư duy hình ảnh là biểu thị nổi trội của lối viết hiện đại, phản ánh năng lực tưởng tượng của nghệ sỹ. Văn chương hiện đại không chấp nhận lối viết dày đặc tính từ, tu từ cũ mòn và lối diễn ngôn lười biếng. Kiếp người được viết khi tác giả đã qua tuổi "lục thập nhi bất hoặc", trải bao giông bão, thăng trầm, mất mát, khổ đau, vinh quang, danh vọng. Tích tụ cả đời để viết từ máu nước mắt với sức viết xứng danh Anh hùng Lao động. Kiếp người đã, đang và sẽ tiếp tục được săn tìm không chỉ bởi lời đồn: Đây là tác phẩm mà nhà văn kể về chính đời mình. Nó lôi cuốn số đông độc giả với nó, khởi vì tò mò, náo nức. Tôi đã đọc tác phẩm này trong sự khổ nhọc hân hoan. Vốn ham đọc, việc đọc sách thâu đêm là thường nhưng điều ấy đã xa xỉ, đã thành bất khả, kể từ khi tôi làm mẹ. Thiên chức và nghĩa vụ choán của tôi nhiều thời gian, sức lực. Thế nên, cầm tập bản thảo theo thói quen xem từ dưới lên, đọc rút lõi, "ngửi" hơi văn thấy hay mà phải kìm chế, kiểm soát mình đọc vì thời gian eo hẹp, thật éo le. Khả năng thức đêm thì vô tư, nhưng không dám vì lo hôm sau không dậy được sớm cho con ăn, không đủ sức chăm con. Tôi cố khống chế việc đọc và coi việc được tập trung vào những trang văn của Hữu Ước mỗi tối từ 10 - 20 trang là phần thưởng sau một ngày vất vả. Các chương không đặt tên, đánh số theo thứ tự, song không thể nào đoán trước diễn biến. Bất cứ truyện ngắn, tiểu thuyết hay kịch, phim nào khiến người xem đoán hết được nội dung thì còn gì hấp dẫn nữa. Là tiểu thuyết đầu tay, nhưng Hữu Ước đã bộc lộ sự cao nghề rất tự nhiên. Tự nhiên bởi ông là tác giả sân khấu, biên kịch phim, điện ảnh hơn 20 năm trước. Ông tự tin, khoáng hoạt và dào dạt bút lực nhờ đa tài với khối lượng số lượng tác phẩm phong phú, vạm vỡ mà ở vốn sống tràn, chất liệu từ đời thực của bản thân và những gì chứng kiến. Quyền nhân chứng đã khiến ông tạo nên một tác phẩm hấp dẫn cao độ, chi tiết sống động. Thoại lúc triết lý khi "lính tráng", thật hơn sự thật, những miêu tả rất tinh tế và tinh quái, tình huống cuốn nhau liên tiếp, dồn dập các va chạm với lượng nhân vật khổng lồ, mà dù ở vai trò chính, thứ hay rất phụ đều không nhòa nhạt. Có cảm giác nhà văn đã lập sơ đồ và "điều binh" tài tình trong tâm thế tấn công, tự chủ. Chuyện về cuộc đời của phóng viên, nhà báo - nhà văn Thanh Hữu, nhân vật chính được nhà văn gọi là "hắn", đại từ hay dùng cho nhân vật phản diện. Với ký ức chân thành như tấm gương lớn soi thấu tận lòng người, bản chất, căn nguyên, Thanh Hữu là nhân vật cực kỳ đặc biệt. Chàng trai nông thôn vào lính, cầm súng chiến đấu từ Trường Sơn sang Lào và suốt đời là người lính với ý nghĩa tốt đẹp, căn cốt và cháy bỏng nhất của từ này. Thanh Hữu không khi nào bạc nhược, đầu hàng thử thách, hiểm nguy, bẫy hại. Anh lao động, khát khao đóng góp thành quả, tạo nên những dấu mốc không ai làm hoặc không thể làm, bắt chước. Lúc nghèo đói hay khi quyền chức, phong lưu, Thanh Hữu đều hào hiệp, nghĩa tình, sống quân tử, đàng hoàng và thông tuệ. Bị tù 3 năm không đáng, anh không oán hận người đã đẩy anh vào khám Chí Hòa. Anh đủ bản lĩnh và khát vọng để làm lại từ đầu hết trận này đến trận khác, vượt trội và bền sáng. Sự đặc biệt trong số phận của Hữu Ước là hy hữu: ở Việt Nam chưa ai từng bị đi tù mà phấn đấu lên hàm Trung tướng như ông, nuôi dạy hai con ngoan ngoãn, du học châu Âu và trở về là những cán bộ Nhà nước có năng lực. Đời Hữu Ước hơn cả tiểu thuyết và tiểu thuyết này chắc chắn là sách để đời của nhà văn. Rất nhiều người đã ví câu này, rất nhiều nhà văn, nhà thơ, biên kịch đã dùng vốn sống để đưa vào trang viết, xem đó là lợi điểm, lại là hạn chế khi quá lệ thuộc, khai thác nhiều mà tài mỏng sẽ hết vốn. Không nên có sự so sánh nào, nhưng tôi đồng tình với NSND Hoàng Cúc xác nhận: sự cám dỗ khi đọc Kiếp người và tầm vóc của nó trong nền văn học thời kỳ đổi mới không kém gì, thậm chí có mảng còn vượt trội nhiều tiểu thuyết xuất bản hơn hai thập niên qua.

Sức hút và giá trị tác phẩm ngày nay bị tác động nhiều bởi công nghệ lăng xê. Thẳng thắn và trung thực, tôi chưa thấy một cuốn tiểu thuyết nào gây ấn tượng mạnh đến thế trong một thập kỷ nay. Những nghiệm sinh và tâm hồn nghệ sỹ nhạy cảm, đa tình, ắp niềm ham sống đã giúp Hữu Ước lập được nhiều "biên bản" về cuộc đời, về cuộc sống có giá trị tư liệu lịch sử. Giá trị không chỉ với ai muốn tìm hiểu về sự ra đời và phát triển của những ấn phẩm của ngành công an mang dấu ấn Hữu Ước, mà là cẩm nang quý cho người nghiên cứu muốn tìm hiểu về đời sống của người làm chữ. Hữu Ước với sự sành sỏi của nhà báo giỏi nghề, am tường mọi giai đoạn của quy trình làm báo mà còn truyền tỏa hứng say, những kinh nghiệm của nghề quyền lực mà nguy hiểm cho đồng nghiệp, đồng môn lớp sau. Sách có ích cho người cầm bút trẻ nói chung và sinh viên báo chí nói riêng, bởi tác phẩm này của Hữu Ước ngang tầm một công trình, luận án về làm báo, nghề báo chứ không đơn thuần mang tính tự sự. Bởi ông là nhân chứng, quyết liệt để có thành công từ ý chí, thử thách khốc liệt nhất cũng không gục ngã. Tác phẩm là giáo khoa thư về cho những ai thích làm báo lâu dài, có tên tuổi, vị trí trong nghề.

Cá tính quyết định số phận. Hữu Ước đã và tiếp tục dựng được bộ phim Kiếp người về cuộc đời ông, về thời ông sống bằng bút máu, sự quyến rũ của văn Hữu Ước càng gia tăng ở tập 2 và sẽ đẩy lên đỉnh cao khi ông xong tập 3 vào mùa Đông năm nay. Tôi bị khuất phục hoàn toàn với sự nể trọng lớn về trí nhớ, sức viết, nội lực, năng lượng của ông qua dung lượng, bối cảnh - ý tưởng tới những mối dựng (montage), chuyển cảnh tài tình trong cuốn phim đời mà xem đến đâu bị cuốn hút đến đấy. Tôi bị mâu thuẫn trong xúc cảm, vừa muốn đọc ngấu nghiến, vừa "ăn dè" vì sợ hết. Ông đã xây dựng nhân vật quá hấp dẫn. Thanh Hữu là một trong những nhân vật nam hay nhất mà tôi được đọc bao năm qua. Chỉ tiếc, nhân vật này hơi đơn điệu ở mảng ái tình, vì chỉ yêu vợ, hay vì sự đời nghiệt ngã nhiều nên hắn phải căng não thường xuyên, đến mức ngại yêu?

Đọc hết tập 2 Kiếp người, tôi nhận ra sức mạnh nghệ thuật thật ghê gớm và phi giới tính. Khi một ca khúc, bản nhạc, bộ phim, bài thơ giàu sức lay động người xem, dù thưởng thức bằng bản năng cảm tính hay có nghề sành sỏi cũng sẽ có lúc rơi vào bối rối khi bị mê hoặc lẫn lộn. Không thể và không muốn phân định mình yêu chàng/ nàng diễn viên kia, hay yêu nhân vật họ đóng? Và với Kiếp người, tôi tin, không chỉ đàn bà mà đàn ông "chuẩn men" không thể thốt lên thán phục. Tính chịu chơi, quảng giao, đa tài, dũng cảm, dấn thân và mãnh liệt sống, cá tính của Thanh Hữu thật đáng mê. Họ đọc kỹ, hình dung nối nhân vật sang tác giả và có quyền cho mình bí mật tương tư ám ảnh mà không cần công khai xác nhận: "Si tình Thanh Hữu hay mê mệt nhà văn?"

Thời gian đồng hiện 20 năm trước, về tuổi trẻ của tôi ngày bước vào giảng đường đại học năm 1997 hay tuổi 17 lên đường ra trận như nhiều thanh niên thế hệ 5X như nhà văn Hữu Ước (1953). Tuổi 63, ông xuất bản 2 tập của tiểu thuyết đầu tiên và quan trọng của đời văn: Kiếp người - tại Laca, 24 Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tôi và NSND Kịch nói Hoàng Cúc may mắn được tác giả chia sẻ tác phẩm này từ bản thảo. Mỗi tập đánh máy khổ A4 nặng về khối lượng lẫn suy nghiệm, dự báo, hệ thống tuyến nhân vật, vốn sống. Tình huống, dữ liệu dồn dập thoại rất đời mà không thiếu chất hài hước (humour) - một biểu hiện cuốn hút của văn chương thế giới hiện đại Kiếp người chứa bối cảnh xã hội chủ yếu ở miền Bắc Việt Nam trước, sau chiến tranh chống Mỹ, qua thời kì đổi mới cho đến nay, tính đa tầng của tiểu thuyết này là khả năng điều tiết xúc cảm tài tình của việc phân tâm bằng đa giác của góc nhìn không lệ thuộc tâm thế, quan điểm của cái tôi. Điều này tạo nên độ khách quan, trung thực trong việc tạo dựng các không gian, nhân vật. Nếu là nhà sản xuất phim, tôi sẽ mua ngay bản quyền, đề nghị nhà văn chuyển thể tác phẩm này thành kịch bản (KB) điện ảnh và không ngại bỏ công sức, kêu gọi đầu tư dù thời buổi kinh tế nói chung và điện ảnh nói riêng đang gặp nhiều khó khăn… để làm một bộ phim đồ sộ, ít nhất cũng là hai tập, mỗi tập 2 tiếng. Tôi tin chắc cuộc đầu tư này sẽ thắng lợi, nó sẽ không phải phép tính của lời lãi, của thu hồi vốn hay bội thu, mà là độ máu nghề của một fan điện ảnh, nhận ra tính điện ảnh hiển lộ tuyệt vời trên trang chữ.

Kiếp người không khác gì bộ phim trên giấy. Như một nhà quay phim cao nghề, không chỉ giỏi kĩ thuật qua các động tác máy, tạo dựng các cỡ cảnh, vẽ bằng ánh sáng những khuôn hình, tác giả Kiếp người còn là đạo diễn tài ba khi chuyển hóa chương hồi ngồn ngộn chi tiết, tình huống, sự kiện thành xã hội vừa hiện thực vừa gián cách cho người xem nhìn lại được chính mình, quá khứ của mình giữa đời sống hiện tại một cách sống động và tự nhiên. Ông khiến người ta tin những chuyện ấy là thật, thậm chí còn chưa hết sự thật, người xem thấy mình ở trong đó và muốn khám phá đến cùng sự thật về nhân sinh.

Từ bản thảo, mọi câu văn, trang viết đã gần như hoàn chỉnh, rất hiếm lỗi chính tả. Mồ hôi, nước mắt, in lên giấy dấu ấn tháng năm chuỗi nghiệm sinh, đắng cay, thổn thức mà không ngừng lãng mạn và hy vọng. Mỗi giây sống đi qua lại tích hợp về quá khứ, mấy ai nhớ được hết mọi sự kiện của mình. Song kỉ niệm, kí ức là gia tài của tâm hồn. Khi Hữu Ước mở gia tài ấy, tôi được kéo dài tuổi trẻ của mình lần nữa. Triệu triệu hình ảnh được ghi hình bằng tốc độ nghìn hình/giây, được chiếu với tốc độ 24 hình/s, khiến tất cả hiện ra chậm như giọt sương ứa từ từng cánh hoa đang nở, đưa tôi về dĩ vãng, như làm hiện ra Hữu Ước tuổi thanh niên, chàng trai từ Phù Cừ, Hưng Yên dời thôn quê lên đường chiến đấu từ Trường Sơn sang Lào, tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình. Anh lính nghèo ấy thành sinh viên Báo chí khóa 2 trường Tuyên giáo Trung ương cùng lớp với các bạn: Tạ Ngọc Tấn (sau trở thành GS Báo chí đầu tiên của VN) và 30 Tổng Biên tập… Không có gen nghệ sĩ, nhưng tình yêu nghệ thuật lại có Hữu Ước từ niên thiếu. Đây không phải câu chuyện bánh mì và hoa hồng, ngay cả lúc đói ăn, thiếu thốn nhất Hữu Ước vẫn viết văn, ham đọc sách và sáng tác ca khúc.

Hữu Ước, cái tên tôi nhớ từ thời niên thiếu vì thích xem phim từ bé do nghề nghiệp của bố. Hữu Ước là biên kịch phim truyện nhựa Người con gái đất đỏ, ca sĩ Thanh Thúy đóng vai anh hùng Võ Thị Sáu.

Hữu Ước đa tài, tự học viết ca khúc, được nhiều ca sĩ tiếng tăm thể hiện, chưa ai làm liveshow cả tuần tại Nhà hát Lớn như ông. Riêng ca khúc Chúng tôi là nghệ sĩ do 7 NSND thể hiện. 18 tuổi, ông học nhạc lý với nhạc sĩ Lê Đóa chỉ 3 tháng ở Xiêng Khoảng (Lào), đọc thêm các tài liệu trong và ngoài nước, cũng tương tự như vậy với hội họa. Hữu Ước đậm nét nhất là ở văn chương. Khối rubic Hữu Ước xoay mình trong thơ, giàu tính tự sự, lộ sự đa tình, thì tới tiểu thuyết ông lại "giấu mình" để hiện ra một người đàn ông phía tấm gương tráng thủy ngân của trái tim đa cảm và cũng đầy lí trí khi được/chịu lắm đàn bà theo đuổi.

20 năm trước, cái tên Hữu Ước được nhiều thầy cô nhắc đến như một SV ưu tú thành đạt của Phân viện Báo chí ngày ấy - một “trường dòng” số 1 về đào tạo báo chí ở Việt Nam. Danh từ tiêu điểm của cái tên hay được nhấn mạnh thôi thúc tôi đi chiếc Cub 70 đến 100 Yết Kiêu tìm gặp Hữu Ước khi chú là Thượng tá - TBT báo ANTG. Phả khói thuốc lào mù mịt căn phòng 6m2 khởi thủy của cơ ngơi 5 tầng 300m2 mà năm 2000 Hữu Ước gây dựng bằng tiền bán báo. Chú tặng tôi một vỏ ốc biển được làm thành bóng đèn và kỉ yếu Hội viên Hội Nhà văn hiện đại, cuốn sách ấy như lời nhắc nhở tôi lao động cật lực để chính danh bước vào thánh đường văn chương thiêng liêng. 10 năm sau, năm 2007, tôi là hội viên trẻ nhất của Hội. Qua 55 năm, trường Báo chí của chúng tôi đã đào tạo ra hàng vạn nhà báo, số lượng người làm Phó tổng, TBT, giám đốc các đài phát thanh truyền hình nhiều không kể xiết, có cả các ủy viên TƯ Đảng, ủy viên Bộ Chính trị. Song đến giờ, duy nhất chỉ Hữu Ước được phong Anh hùng Lao động (theo quyết định số 975, 29/7/2008 của Chủ tịch nước). Và trong lịch sử 60 năm của Hội Nhà văn Việt Nam, chỉ Hữu Ước là nhà văn đạt đến hàm Trung tướng công an. Hữu Ước không hề sống nhờ oai phong của hàm Trung tướng. Ông được nhiều người quý, bởi hằng sống là nhà văn đích thực. Hơn 5 năm kể từ khi người vợ tần tảo, thủy chung, người ông chịu ơn - nhớ thương mãi mãi, gặp tai nạn giao thông đột ngột qua đời. Không ít phụ nữ muốn đến với ông, ông từ chối hết, không rổ rá cạp lại, chẳng gá nghĩa, đi bước nữa với ai. Ông vẫn sống cùng các con và 2 cháu ngoại trong ngôi nhà tại Quỳnh Mai, nơi vợ chồng ông đã có nhờ chắt chiu sau những lần khốn đốn phải bán cả nhà cho việc in báo, in lịch, kiếm thêm thu nhập cho mình và anh em cùng cơ quan. Hiện nay ngôi nhà Quỳnh Mai là nơi đặt bàn thờ vợ, nhà kỷ niệm của gia đình. Các con ông chuyển sang ở khu Times City. Hai con ông đều ngoan, học giỏi và hiếu thảo. Quý Phương là TS. Báo chí du học Pháp và Hữu Tú là Ths. Khoa học du học Anh. Thầy Vũ Hương - chủ nhiệm lớp Báo 2 ngày nào lại thành thông gia của Hữu Ước, cũng là thầy giáo của tôi và con gái, con rể ông, bạn đồng môn sau khóa tôi.

Bởi tuôn tràn vốn sống, ý tưởng, chất liệu, sự thích thú của độc giả vẫn đòi hỏi thúc giục ông viết tiếp, ở đó chuyên chở tư tưởng của nhà văn kham tải trách nhiệm của nhà văn trước thời đại.

Một người ham học thì học mãi cũng không đủ, học bao nhiêu mặt cũng không thiếu, hết niên khóa này đến niên khóa khác chẳng xuể cho một kiếp nhân sinh tận lực sống. Hữu Ước là người thầy không niên khóa của tôi, ở nghị lực và ý thức lao động, sáng tạo. Hơn hết, nhựa sống nơi ông là thanh xuân không tuổi khiến tôi kinh ngạc và mong muốn mình được một phần như thế, như mong được đọc mãi, không có trang kết tiểu thuyết Kiếp người.

Hai tác phẩm quan trọng nhất trong cuộc đời của Hữu Ước xuất hiện liên tiếp năm 2016, đều chưa từng có. Bộ tiểu thuyết Kiếp người và Công viên văn hoá tâm linh Ước là những công trình mà đến nay, chưa nhà văn nào ở Việt Nam làm được ở tính đồ sộ, quy mô, gây ấn tượng đến thế.

Quặng nước mắt, bi kịch, khổ đau và mất mát nếm trải, với đa số dễ trở thành vùng chất rắn, miền bỏ quên, hay thành một “kích thích tố” cho sự nghiệt ngã, thậm chí hằn học trong nhân sinh quan. Còn với Hữu Ước, lại là miền sinh sôi, phải là sinh sôi thì sau gần 30 năm kể từ khi chịu án tù hy hữu, ông “sinh ra” Thanh Hữu, sinh ra một tiểu thuyết, một tác phẩm văn chương sáng giá và đáng giá như Kiếp người. Nhựa sống, sự sinh sôi ấy bung nở, khiến tôi quên đi tuổi ngoài lục tuần của ông. Lúc cường lực, thanh xuân nhất, tôi cũng không sánh được về bản lĩnh sống và cầm bút của Hữu Ước

Hồi Hữu Ước vừa đi tù ra, giờ nhìn lại nhận mình ngày ấy "chỉ như thằng móc cống" thì các giai nhân hàng đầu như Thu Hà - ngôi sao sân khấu điện ảnh; người đẹp Đền Hùng - pianitst Giáng My, diễn viên Lý Nhã Kỳ, ca sĩ Vy Oanh sau này… đều đem lòng cảm mến, đủ thấy tài và tính đàn ông của Hữu Ước phát sức hút đặc biệt, không phải do địa vị lon hàm, quyền lực và tiền bạc. Độ hấp dẫn ấy vẫn còn, vẫn chưa hề nguôi ngay khi ông đã về hưu. Hữu Ước chịu chơi và chơi đẹp, hào sảng, đa tài, quảng giao, tình nghĩa. Từng chiến đấu ở cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng (Trung Lào), vùng biên giới Việt - Lào, suốt đời ông sống như một người lính, luôn sẵn sàng dấn thân, đối mặt và hi sinh, thuỷ chung, đầy tin tưởng và hi vọng trong lí tưởng tận hiến. Ngày 16/2/2017, ông về Nghệ An tiễn biệt đồng đội cũ - Đại đội trưởng Ba đẹp trai là nhân vật trong tập 1 Sống.

Đặt tên mình cho tên Công viên tâm linh sắp khánh thành, đồng nghĩa với nơi để đến cho ai ước ao sự thanh bình, trung thực, Hữu Ước đưa phần đời thực này vào đoạn kết tiểu thuyết, tập 3 mang tên Lạnh. Sống và viết đồng nhất, Hữu Ước dốc mình cho những tác phẩm dâng hiến cho đời.

Công viên tâm linh phi lợi nhuận này với hàng trăm bức tranh và tượng, bảo tàng của Hữu Ước, hoa và cây xanh rợp một vùng sẽ là một kiến trúc văn hoá đẹp của Thủ đô, điểm đến của nghệ sĩ, công chúng yêu nghệ thuật, những ai coi trọng tâm linh thanh thản, muốn gạt bỏ tham lam, nghiệt ngã của cuộc đời, để hưởng sự tĩnh lặng. Cuối năm nay, ông sẽ đưa mộ phần của người vợ từ làng Hoàng Xá, quê chồng mà 2 người cùng xã Tiên Tiến về đây an nghỉ. “Cuộc đời lắm mệt mỏi, đây là chốn tĩnh tâm để sống tử tế hơn, sống cho ra sống đến phút cuối cùng”. Toàn bộ công trình này được ông đưa vào phần cuối của tập 3, tập kết của bộ tiểu thuyết Kiếp người, khi Thanh Hữu xây chùa, vườn tượng tặng xã hội - một công trình từ khối óc và bàn tay của anh.

Ngày 18/2/2017, ông cho cắm biển Công viên Ước từ đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào 3km, gặp đường rẽ, theo mũi tên lại có biển chỉ dẫn 1km nữa là đến nơi. Khu đất 1,5ha này mua từ chục năm trước và tiến hành làm không gian tâm linh từ 2014. Ở đây, đặt phiến đá trắng đề thơ tặng vợ và phiến khác đề tên công đức, phiến đá khắc bản nhạc bài thơ của chủ nhân. Nhiều ghế đá dành cho khách tham quan. Có suối Giải Oan vì đời nhiều oan ức. Ông muốn và sẽ xây dựng nơi đây thành điểm hẹn - không gian tao đàn nghệ thuật cho nghệ sĩ, công chúng vào tự do.

Tôi quen xem sách từ dưới lên, trước khi bắt đầu chính thức đọc. Trong niềm tin tưởng và hứng khởi với Kiếp người của Hữu Ước, tôi tin không có cái kết dù ở chữ cuối cùng, và chờ đợi đọc ông - một bút lực, biến hoá sâu sắc và đẫm tình nhân thế.

Tôi đang đọc bản thảo tập 3, trong khi nhiều người chờ đợi ông xuất bản tập 3, tập cuối - một bút lực, biến hoá sâu sắc và đẫm tình nhân thế. Tác giả mở chúng ta xem hộ chiếu đời ông khi nó đang còn hạn, đang chờ những dấu visa mới, với số trang không ấn định.

Và cuộc sống của hắn như một mũi tên tẩm dầu lao vun vút để tìm về đích. Cái đích của hắn bây giờ là lên được Tướng”. Câu mở đầu tập 3 Lạnh đã làm nóng độc giả. Tôi được Hữu Ước đưa cho đọc 8 trang đầu tiên của tập cuối này vào giữa tháng 4/2017, 85 trang vào đầu tháng 9/2017. Ông đã lao vào gian khó và những chặng vươn tới của cuộc đời, đúng như mũi tên tẩm dầu, không gì ngăn được. Một số nhà sản xuất và chính nhà văn muốn đưa Kiếp người lên màn ảnh, nhưng điều này khó, bởi một tác phẩm gay cấn với bình diện xã hội rộng, lột tả chân thật và khốc liệt tính cách nhiều nhân vật quan trường. Có thể giải quyết bằng văn học chứ khó xử lý khi làm phim, bởi khó “gói” một tiểu thuyết đồ sộ trong 2 tiếng hay vượt được các vòng duyệt bởi những tế nhị, huý kỵ.

Nói như nữ văn sĩ Pháp George Sand (1804 - 1876), thì ông đã được hạnh phúc, điều hiếm có trên đời: “Chỉ có một thứ hạnh phúc trên đời, yêu và được yêu”. Tập 3 của Kiếp người không phải là phần kết của phim đời Hữu Ước, bởi người giàu năng lượng thanh xuân như ông vẫn còn tràn trề say mê và sức sáng tạo đa dạng. Không phải ai cũng may mắn kinh qua bão lửa mà sống hào hiệp và nhân hậu như thế.


Những phóng viên thiện chiến, những cây bút có nghề, trần mình lăn lộn vào nghề viết đều, dù chính kiến, cá tính nào cũng phải khâm phục sức lao động và tài làm báo của Hữu Ước. Chính bởi khai sinh gây dựng cơ nghiệp báo chí hùng mạnh của ngành Công an nói riêng và cả nước nói chung, mà Hữu Ước sở hữu vốn sống sự từng trải mà mấy ai bì sánh được. Khi viết tiểu thuyết Kiếp người, ông dồi dào trong từng nhân vật, chi tiết. Có nhân vật được xây dựng từ nguyên mẫu, hay từ nhân vật thực có thể chẻ, xẻ thành vài ba nhân vật tiểu thuyết. Tính hấp dẫn của tiểu thuyết ở kịch tính liên tục, lời thoại rất đời và phân tích tâm lý tài tình. Khi G.Market viết Trăm năm cô đơn, văn hào Colombia phải lập sơ đồ nhân vật, phả hệ để quán xuyến, kiểm soát, nuôi và kết số phận nhân vật. Hữu Ước không cần làm thế, ông đã có cả một sơ đồ, cấu trúc mạch lạc - đa tầng trong tâm trí và bằng sức sáng tạo kỳ khôi và đa tài, ông đã làm nên thế giới văn chương, thế giới đời thật, sâu sắc và khó ước đoán, bất ngờ hơn cả cuộc đời với chất triết lý, tư tưởng đạt tầm vóc lớn. Ở đó, không có chỗ của oán thů, hiểm ác, thủ đoạn, tiểu nhân của nhân vật chính cũng như tâm thế của nhà văn. Ở đó, chỉ có tình yêu thương, bao dung, độ lượng. Phải chăng vì thế, vì chỉ lấy 1/10 sự thật để viết tiểu thuyết, nên Kiếp người đậm tính nhân văn, và còn giá trị, tính thời sự, cuốn hút cả khi đọc ở vài chục năm sau, thậm chí hàng thế kỷ.