Chiếc phong bì phản cảm
và sự khuất tất sau một bộ phim
Tuần qua, Lễ kỷ niệm 60 năm Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam là một sự kiện văn hóa sôi động gây sự chú ý lớn của dư luận. Từ buổi Ga la Ngôi sao sân khấu đến các hoạt động Giỗ Tổ và buổi kỷ niệm trọng thể có sự hiện diện của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, sự kiện này cho ta thấy vị trí quan trọng của nghệ thuật sân khấu trong đời sống dân tộc, sức mạnh kỳ diệu của các tài năng sân khấu cũng như sự trân trọng của Đảng nhà nước và nhân dân cho bộ môn nghệ thuật có truyền thống lâu đời và đông đảo công chúng này.
Tuy vậy, trong Lễ kỷ niệm cũng có đôi “tiểu tiết” làm những người tham dự nhất là các hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam rất không hài lòng, thậm chí phản ứng dữ dội.
Trước hết, đó là chuyện những chiếc phong bì phản cảm.
Nguyên là các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm đều thấy trong mỗi túi quà mình được nhận có tới 3 chiếc phong bì, mỗi chiếc có 100.000đ. 1 chiếc là của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Một chiếc của Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam. Một chiếc của Chương trình Ấm tình Nghệ sĩ.
Chiếc phong bì của Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thì không có gì phải bàn. Dù chăng nhiều nhặn gì nhưng Hội có chút ít để chia sẻ tiền tàu xe với các hội viên về dự Lễ cũng là phải lẽ.
Chiếc phong bì thứ 2 thì làm các hội viên xúc động với sự hào hiệp của Giám đốc NSND Thúy Mùi và tập thể Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam. Tại kỳ kỷ niệm này, dù không được một một đồng nào từ ngân sách, nữ NSND thao lược này và Trung tâm đã tự nguyện đứng ra nhận nhiều trọng trách khó khăn giúp Hội như đã tổ chức rất thành công Ga la Ngôi Sao Sân khấu, rồi đảm nhận luôn phần Giỗ Tổ Sân khấu và bữa ăn trưa cho các đại biểu. Thế mà, Trung tâm còn “nhịn miệng đãi khách”, cố gắng góp thêm chút quà cho các đại biểu về vui chung với Hội.
Ngược lại với phong bì của Giám đốc NSND Thúy Mùi, chiếc phong bì thứ 3 của Chương trình Ấm tình nghệ sĩ thì rất phản cảm, gây phản ứng mạnh mẽ của các hội viên. Bởi ai cũng biết Ấm tình Nghệ sĩ là chương tình quyên góp từ thiện của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhằm giúp đỡ các nghệ sĩ sân khấu nghèo, không nơi nương tựa. Được bắt đầu tổ chức hồi tháng 6 vừa qua bằng một chương trình nghệ thuật bán vé khá cao tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội với sự xuất hiện của nhiều ngôi sao sân khấu, ca nhạc và tất cả đều không nhận cat xê. Được biết, tiền bán vé đã thu được hàng trăm triệu đồng, chưa kể tại đêm diễn, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có ủng hộ thêm 100 triệu đồng và NSND Tự Long còn cho biết trong khi ông đi vận động quyên góp cho chương trình, nhiều nhà hảo tâm đã ủng hộ ngay một số tiền không nhỏ mà không kèm điều kiện gì chỉ xin cặp vé đi xem.
Cho đến nay, các hội viên của Hội, trong đó có những người có trách nhiệm cao, cũng không biết cuối cùng, chương trình Ấm tình nghệ sĩ đã thu được bao nhiêu tiền, đã ủng hộ được những nghệ sĩ nghèo khó nào, còn lại được bao nhiêu, nhưng nhiều người cho rằng tự tiện lấy tiền thiện nguyện ấy để bỏ phong bì cho các đại biểu là một sự xúc phạm với các đại biểu vì họ khong phải là đối tượng thụ hưởng quỹ. Nhiều hội viên còn cho rằng, nhân dịp này, Hội nên công khai việc thu chi Quỹ này để tránh việc Hội bị mang tiếng dùng quỹ kêu gọi từ thiện không đúng mục đích hay mưu lợi riêng
Cùng với chiếc phong bì của Chương trình Ấm tình nghệ sĩ, những khuất tất đằng sau bộ phim video “60 năm thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam”, bộ phim chiếu chính thức tại Lễ kỷ niệm, cũng bị không ít hội viên phản ứng.
Thực ra, về nội dung, bộ phim này khá tốt, dù vẫn bị một số nghệ sĩ phàn nàn đây là bộ phim “vợ làm để ca ngợi chồng và một số người thân của chồng”.
Sự phàn nàn ấy có nguyên nhân từ việc đơn vị đứng tên sản xuất bộ phim trên là Trung tâm Điện ảnh Thể thao và Du lịch Việt Nam, nơi bà Vũ Thúy Ten, phu nhân Chủ tịch Lê Tiến Thọ, từng làm Phó Giám đốc và chính bà Ten đứng đầu bảng tên những người thực hiện bộ phim.
Đáng nói hơn, là việc bộ phim “60 năm thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam” đã bê nguyên si hơn 85% bộ phim “Từ Đại hội đến Đại hội” do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sản xuất nhân dịp Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của Hội. Đây là bộ phim do NSND Lê Huy Quang viết kịch bản, đạo diễn Lê Lực đạo diễn, Minh Tuấn, Quang Hòa quay phim, Diệu Linh dựng phim và NSND Trần Nhượng làm Giám đốc sản xuất. Cần phải nói việc bê nguyên si trên không thể coi là việc tham khảo tư liệu của đồng nghiệp mà là copy hoàn toàn gần 30 phút phim từ cấu tứ hình ảnh, lời bình, người đọc lời bình đến âm nhạc, chỉ có thêm hơn 10% hình ảnh tư liệu về hoạt động của Hội từ Đại hội VIII đến nay.
Nếu bộ phim “60 năm thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam” vẫn do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sản xuất thì việc lấy chính sản phẩm của mình thêm bớt đề thành một sản phẩm mới phục vụ thì không có gì đáng nói. Tiếc rằng, “60 năm thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam” là một sản phẩm dịch vụ đứng tên Trung tâm Điện ảnh Thể thao và Du lịch Việt Nam, ngoài tên tác giả kịch bản Lê Huy Quang, phim đã gạt đã bỏ tất cả tên các thành phần làm nên phim như đạo diễn, quay phim, dựng phim, giám đốc sản xuất, nên mới thành chuyện.
Người ta hoàn toàn có thể nói bộ phim “60 năm thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam” do Trung tâm Điện ảnh Thể thao và Du lịch Việt Nam sản xuất là một cú “đạo phim” trắng trợn từ bộ phim “Từ Đại hội đến Đại hội” do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sản xuất.
Có điều, cú “đạo chích” này đã được chính ông Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho phép bởi nghe đâu chính ông đã ký hợp đồng, ký chi tiền sản xuất và duyêt nghiệm thu khi phim “60 năm thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam” do Trung tâm Điện ảnh Thể thao và Du lịch Việt Nam hoàn thành.
Thật ngạc nhiên khi ông Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, vốn là Thứ trưởng bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, người nắm vững mọi luật lệ văn hóa, lại có một sơ xuất sơ đẳng về tác quyền như vậy.
Tuy vậy, một số người ác miệng nói rằng những sơ xuất như vậy đã là “chuyện ngày thường ở huyện” kể từ khi phu nhân Vũ Thúy Ten nghỉ hưu ở Trung tâm Điện ảnh Thể thao và Du lịch Việt Nam về trụ bám cả tám giờ vàng ngọc hàng ngày ngay tại phòng làm việc của Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam để “buông rèm nhiếp chính” cùng chồng.
Người viết bài này không tin lắm những lời này. Chuyện này không phải chuyện đùa. Ông Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam ăn gan trời cũng chẳng dám biến cái hội gần 3000 hội viên này thành nhà riêng của mình để cho vợ mình cái quyền tổng quản.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại: Không có lửa làm sao có khói! Tôi nghĩ, có lẽ, để tránh kẻ xấu tung ra những đồn đoán không hay, ông Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nên nhanh chóng giải quyết những bức xúc trong công tác điều hành hội trong đó có những nghi ngại về Thu chi Chương trình Ấm tình Nghệ sĩ cũng như sự ưu ái quá vô nguyên tắc với Trung tâm Điện ảnh Thể thao và Du lịch Việt Nam trong việc làm phim “60 năm thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam”.