Một thời làm lính
Ngọc Bái
Tôi đã có một thời làm lính
Mấy chục năm biền biệt xa nhà
Niềm kiêu hãnh chất đầy ba lô cóc
Thanh thản cười che lấp hết xót xa
Một chút yêu xin khất trước bao la
Khất trăng sáng để vượt qua rừng thẳm
Thờ cõi người đem mình ra nguyện ngắm
Chút hoa thầm ngây dại cuối đường trưa
Thuyền chưa về xao xác bến lau thưa
Xin lạy ta cơn mưa không ướt áo
Hai đầu võng treo cơn mơ tỉnh táo
Lối tôi về sắc cỏ đã heo may
Sắc cầu vồng hư ảo đến cầm tay
Tôi tiên cảm trước bao nhiêu mộng mị
Xua đuổi hết nỗi đau còn trong ý
Tôi ngã vào mộc mạc những câu ru
Thôi cái thời chiến trận cũng đã qua
Thôi thiếu phụ đừng bao giờ khóc nữa
Khó lòng chết những câu thơ dang dở
Trước cửa thiền gương mặt bỗng trầm tư
Tôi làm lính không có gì đặc biệt
Đi hết thời đất nước có chiến tranh
Không ồn ã bước qua bao miền chết
Chợt giật mình tóc rụng lúc còn xanh.
Yên Bái 8-4-1991
Bài thơ tôi đọc được trên tạp chí VNQĐ số tháng 7 in năm 1991. Có trong tay tạp chí cũng là vì may mắn là LỖI LẦM của Đồng Thị Chúc được BBT đưa in vào trong số này. Xin chưa nói về số phận của LỖI LẦM cũng khá lật đật mới được đăng trên mặt báo, mà tôi chỉ muốn nhắc về những cảm xúc khi đọc bài thơ Một thời làm lính của tác giả Ngọc Bái.
Tác giả Ngọc Bái- người lính một thời kể về mình cứ nhẹ nhàng như không như là đương nhiên mình cần phải làm lính khi đất nước có chiến tranh và không kém phần tự hào “ Niềm kiêu hãnh chất đầy ba lô cóc/ Thanh thản cười che lấp hết xót xa” Trong chiến tranh, tất cả vì giải phóng Tổ Quốc, đánh đuổi giặc ngoại xâm nên người thanh niên càng hiểu rất rõ nghĩa vụ của mình lúc này đã phải gác lại tất cả: tình yêu đôi lứa, những mơ ước xây dựng cuộc sống cho mình..để rồi nhẹ chân bước trên con đường chinh chiến: “Một chút yêu xin khất trước bao la/ Khất trăng sáng để vượt qua rừng thẳm”
Nhưng chiến tranh dài quá “Mấy chục năm biền biệt xa nhà”, người lính khi vào quân ngũ “thanh thản cười” thì giờ đã biết nghĩ về gia đình quê hương: “Thuyền chưa về xao xác bến lau thưa”. Chiến tranh kết thúc người lính trở về quê hương thì đã nhiều đổi khác “Lối tôi về sắc cỏ đã heo may”, nhưng dù sao anh lính có “Mấy chục năm biền biệt xa nhà” ấy đã nhận ra mình quả thật may mắn thoát chết để trở về “Xin lạy tạ cơn mưa không ướt áo”. Phải rồi mưa Trường Sơn trong những ngày đêm hành quân gian khổ nhưng mưa bom bão đạn mới thật kinh hoàng. Cảm nhận được sự may mắn đó nên người lính đã xác định và hài lòng với cuộc sống hiện tại khá đơn giản: “Xua đuổi hết nỗi đau còn trong ý/ Tôi ngã vào mộc mạc những câu ru”. Tự an ủi mình, cũng động viên dỗ dành những hoàn cảnh bị mất mát, thiếu hụt do chiến tranh để lại: “ Thôi cái thời chiến trận cũng đã qua/ Thôi thiếu phụ đừng bao giờ khóc nữa”. Ấy vậy mà vẫn dằn vặt không thể nguôi ngoai: “Khó lòng chết những câu thơ dang dở/ Trước của thiền gương mặt bỗng trầm tư.”.
Anh lính này thật hiền lành, thật chân chất dù “Mấy chục năm biền biệt xa nhà” dù “ Đi hết thời đất nước có chiến tranh”vẫn cho là “không có gì đặc biệt”, ngay cả khi đã “bước qua bao miền chết”. Ấy vậy mà sống trong đời thường với ngần ấy năm người lính ấy như gặp phải một điều gì trắc ẩn không dễ nói ra. Niềm tin ư? Sự hụt hẫng nào đã gây cho người lính thất vọng không dễ lấy lại được? Cái “Niềm kiêu hãnh chất đầy ba lô cóc” khi bắt đầu vào quân ngũ ngày xưa ấy chẳng lẽ giờ đã mất rồi sao?. Đọc câu kết mới cảm ra thật nhói lòng: “Chợt giật mình tóc rụng lúc còn xanh”. Phải rồi hành quân dài trong những năm chiến tranh qua những miền RỪNG THIÊNG NƯỚC ĐỘC nên rụng tóc sinh học là lẽ đương nhiên nhưng ẩn trong đó còn nhiều ý sâu sắc lắm. Một nữ nhi như tôi không đủ trải nghiệm để suy xét mà chỉ cảm nhận được vậy.
Tháng trước đọc trên trang trannhuong.com, tôi được biết tác giả Ngọc Bái đang điều trị xuât huyết não. Đồng Thị Chúc viết lời cảm nhận về Một thời làm lính của ông, coi như gửi lời chia sẻ đến ông, lời chúc ông nhanh bình phục sức khỏe.
Tản Đà spa resort 5-10-2017 Đồng Thị Chúc.