Đề tên thể loại là “tiểu thuyết” thì Mối Chúa hiển nhiên là truyện hư cấu.
Đọc vào truyện thì thấy, đây còn có những nét của sáng tác viễn tưởng, không tưởng nữa!
Ở cái địa phương xảy ra việc thu hồi đất làm sân gôn, chỉ có ông Huyện trưởng thôi, đâu có những Chủ tịch, Bí thư, Trưởng Công an như trong thực tế các địa phương ở nước ta hiện nay?
Đây không phải ký sự hay phóng sự, không phải văn tả thực để đám dư luận viên cao cấp có thể rầy la về sự ám chỉ này nọ.
Theo tôi, tiểu thuyết Mối Chúa không đáng ngại đến mức phải đình chỉ phát hành để thẩm định nội dung như công văn của Cục Xuất bản (ngày 13/9/2917) cho thấy.
Tôi cho rằng nếu cứ để phát hành bình thường, sách Mối Chúa tuy có được chú ý bởi một số thành phần độc giả nhất định, nhưng sẽ không trở thành hiện tượng để được săn lùng mua hay tìm đọc.
Hãy tin rằng lớp công chúng 17-25 tuổi hiện vẫn chủ yếu đang dồn tiền nuôi các dịch giả và tác giả sách ngôn tình (tương tự các gì các già đang góp từng đồng tiền dầu đèn để nuôi béo các thầy chùa!), chưa chắc đã lưu ý đến những sách kể những chuyện như trong Mối Chúa.
Những đại gia đang lo tìm kiếm thêm nhiều đất làm vốn kinh doanh tất sẽ không thích những sách như Mối Chúa, nhưng loại người này ít đọc sách, vả lại họ vốn không tin gì lắm vào sức tác động bằng ngòi bút của những người viết truyện hư cấu. Nếu có chút lo ngại, họ sẽ tính tới những nhà báo, những tòa soạn chú tâm làm và đăng những phóng sự ký sự về những sự kiện có thể gây chấn động.
Những nông dân đang lo mất đất ở đất sản xuất vì các thứ dự án, trong tiềm năng có thể quan tâm những sách như Mối Chúa, nhưng họ sẽ thấy cái họ cần hơn là những ký sự, phóng sự điều tra, vạch mặt chỉ tên những người và thế lực đang đe dọa cuộc sống trực tiếp của họ, hơn là một câu chuyện hiển nhiên là bịa.
Tóm lại, hãy cứ yên tâm đối xử với sách Mối Chúa như truyện hư cấu.