Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÙNG CHUYÊN GIA NGUYỄN TRẦN BẠT BÀN VỀ BIỆT PHỦ

Xuân Ba (thực hiện)
Thứ hai ngày 11 tháng 9 năm 2017 6:08 PM


Xuân Ba (thực hiện)

Muôn mặt xôm tụ của cơ chế thị trường đã ló dạng ra hiện tượng biệt phủ. Một cụm từ hơi bị mới trong tiếng Việt? Một hiện tượng, một thành quả của lộ trình làm giàu, xã hội công bằng văn minh hay biến tướng của nạn tham nhũng và lệch lạc văn hóa Việt? Chúng ta ứng xử với hiện tượng này như thế nào?

Xin mời bạn đọc thử tham chiếu những góc nhìn khác nhau qua cuộc trao đổi thú vị giữa chuyên gia Nguyễn Trần Bạt và nhà báo Xuân Ba về biệt phủ.


Biệt phủ Yên Bái

.

Góc nhìn biệt phủ

Xuân Ba:Thưa anh, dịp 30/4 năm nay (2017), ta vừa có dịp lan man với nhau về tỷ phú Việt bây giờ ta thử bàn về biệt phủ Việt… Anh nghĩ gì về cụm từ mà hình như chưa có trong từ điển tiếng Việt này?

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Vâng, ta đang nói đến biệt phủ. Ở trạng thái ban đầu, “Phủ” hình thành do ảnh hưởng của văn hóa có lẽ trước năm 1945, nó thể hiện sự bề thế của các cương vị. Thời phong kiến, người ta thường nói “lên phủ” quan này, quan kia. Trạng thái thứ hai của “Phủ” hình thành do ảnh hưởng của văn hóa tâm linh. Hai trạng thái này của “Phủ” đều có sự trượt đến những mặt tiêu cực riêng của nó. Hồi trước, khi nghe nói xuất hiện biệt phủ của một nghệ sĩ, tôi đã đến thăm và băn khoăn về tính chất thương mại của nó. Còn ở giai đoạn hiện nay, “Phủ” đã phát triển đến một trạng thái mới do ảnh hưởng của văn hóa lưu manh. “Phủ” đã trượt đến trạng thái lưu manh tổng hợp hoàn chỉnh.

Ở nước ta đã có một số nhà văn khai phá trong việc phê phán thói xấu của người Việt. Tôi nghĩ trong cách làm này cũng cần có sự thận trọng. Cái xấu cũng như cái đẹp, đều thuộc phạm trù thẩm mỹ khá phức tạp, do đó không thể phân tích đơn giản được. Vấn đề biệt phủ mà anh đặt ra nếu chỉ soi xét về góc độ tham nhũng và khoe của thì tầm thường. Thực ra, một cái nhà to ở trên vùng núi, nếu không có mặt tiêu cực của kinh tế thị trường thì nó cũng chẳng đáng giá bao nhiêu. Chính sự kích cầu trong hoạt động kinh doanh bất động sản làm cho nhiều nơi đất đai đội giá lên rất cao, tỉnh thành nào cũng có những khu đắc địa giá hàng trăm triệu một mét vuông. Đấy là trạng thái tiêu cực nhất của kinh tế thị trường ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta. Nếu như trước đây một cái nhà to ở trên vùng núi thì cũng chẳng ai coi là của để mà khoe. Thế nhưng gần đây một loạt địa phương được cung cấp các chứng chỉ nâng cấp lên thành phố, thế là lập tức tất cả các bất động sản quê mùa đều lên sàn. Các bất động sản được nâng khống giá trị lên, trở thành cơn sốt.

.

Bây giờ nhìn ngó biệt phủ với góc độ kinh tế học thì không đi đến đâu. Rất nhiều chuyên gia kinh tế đã nói rồi, nếu chúng ta tiếp tục theo hướng ấy thì vô duyên. Tôi muốn lách vào các khía cạnh khác nhau của đời sống văn hóa của biệt phủ.

Cái khó là chúng ta chưa nhận ra rằng các khuyết tật của dân tộc chúng ta về cơ bản là khuyết tật văn hóa. Hầu như mọi người đều chỉ trích các khuyết tật chính trị và xem chính trị là điểm yếu nhất của mỗi một xã hội. Tôi nghĩ sự phê phán chính trị không có bao nhiêu tác dụng. Đối với dân tộc chúng ta, tham nhũng là đặc điểm văn hóa, không phải đặc điểm chính trị. Một số ý kiến lề trái phân tích tham nhũng là đặc điểm của chế độ xã hội chủ nghĩa tôi không nghĩ thế. Tôi đã xem một cuốn phim cực hay là “Tên lừa đảo siêu hạng” nói về tỷ phú chứng khoán người Mỹ Bernard Madoff. Ông ta bị buộc tội gian lận tài chính tới 50 tỷ đô la. Tham nhũng, ăn cắp của chúng ta đã ăn thua gì, người ta đồn có anh có đến 9 tỷ đô la, nhưng tôi nghĩ là tin đồn thôi, thực tế chúng ta không có bao nhiêu. Đôi khi chúng ta cũng vống lên để khoe nhau một chút. Tâm lý khoe nhau ấy trong cách nhìn của tôi chỉ là tâm lý của những anh nhà quê.

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt

.

Vừa rồi, nếu không có phong trào chống tham nhũng thì không ai mất công đưa các biệt phủ lên báo chí làm gì. Các biệt phủ mà anh vừa nói là hệ quả của “thị dục huyễn ngã”, sự huyễn hoặc bản thân. Liên quan đến vấn đề này, nhà văn Nguyễn Khải đã phản ánh một cách có hệ thống thông qua tiểu thuyết hình như là Tầm nhìn xa. Xa chút nữa là Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng. Họ đã sớm nhìn thấy bệnh phô trương của người Việt. Người chế giễu những thói hư, những thói khoe khoang ấy hay nhất là cụ Nguyễn Công Hoan. Công nhận các cụ Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng… có các ngón giễu hơi bị tài hoa. Tuy nhiên đấy mới chỉ là phê phán các thói xấu lặt vặt mà chưa phát lộ được cái lỗi cơ bản khuyết tật cơ bản của người Việt. Tôi muốn chúng ta cùng nhau đi tìm cội rễ sâu xa của vấn đề này.

Lúc còn trẻ, có lần tôi gặp nhà báo Lâm Võ Hoàng ở nhà một người quen. Tôi có nói một vài ý kiến về chuyện nọ, chuyện kia. Nghe xong anh bảo: cậu không nên mất thì giờ để nói về những thứ đạo đức vặt như vậy. Tôi nghĩ nói về các biệt phủ cũng là dạng đạo đức vặt, bởi những thứ đó sẽ nhanh chóng mất hết giá trị.

Xuân Ba: Mà bây giờ hình như người ta đã nâng biệt phủ lên như là tiêu chí sống sang trọng?

Nguyễn Trần Bạt: Biệt phủ không có giá trị phổ biến, trên thực tế rồi nó sẽ trở thành gánh nặng với những người xây ra nó. Làm thế nào đủ tiền để duy trì trạng thái biệt phủ ấy cho đến đời thứ hai cũng là cả vấn đề. Đời này “kiếm chác” được để xây biệt phủ, nhưng đời sau có tiếp tục “kiếm chác” được để duy trì nó hay không?

Người ta làm như vậy vì mắc phải sự tàn tật trong quan niệm, cách nhìn về sự sang trọng. Khi đất nước chúng ta không nghĩ được đến sự sang trọng đích thực, không ai hướng dẫn một sự sang trọng thật, thì người Việt luôn tuột dốc bần hàn, xo xúi. Người ta sẽ xem cái nhà to quan trọng hơn cái ruột của nó. Tôi nghĩ nhà cửa không quy định sự sang trọng. Không có Pushkin, Dostoyevsky, Tolstoy, Tchaikovsky, Stravinsky, Shostakovich… thì người ta rất ít lý do để nói về những lâu đài. Vâng những lâu đài, những biệt phủ với những chiều kích bắt mắt trong điền trang thái ấp của bá tước này, nhà quý tộc kia thấp thoáng trong tác phẩm của các văn hào Nga. Những tên tuổi, những văn nghệ sĩ tôi vừa nói đã bầu nên toàn bộ sự sang trọng của nước Nga.

Xuân Ba: Ý anh là những tư tưởng nhân bản, những giá trị nhân văn khác trú ngụ trong lâu đài, biệt phủ ấy mới là quan trọng?

Nguyễn Trần Bạt: Vâng! Nếu những biệt phủ nguy nga ấy mà lại chứa toàn người nói ngọng thì tôi với anh đã công toi khi nói về nó. Trông bên ngoài thì có vẻ giống nhau, nhưng những cái nhà được xây bởi những người có học, và những cái nhà được chắp vá từ tiền tham nhũng rất khác nhau về chất.

Xuân Ba: Xin lỗi, ngôi nhà của học giả Nguyễn Trần Bạt nơi chúng ta đang chuyện trò đây cũng là một dạng biệt phủ đấy chứ?

Nguyễn Trần Bạt: Không giấu gì anh, tôi có nhiều nhà, nhưng cái to nhất là nhà này dùng để làm trụ sở công ty. Hai hàng cau trên lối đi thoáng rộng kia đang dẫn lối vào chỗ làm việc cho hơn 100 con người, đại bản doanh chính của Công ty Invest Consult Groupmang thương hiệu Nguyễn Trần Bạt. Còn tôi chỉ cần một cái giường êm, nói như một nhà văn là có cái xó để mà tự do chứ chẳng cần một cái nhà to.

Phê phán biệt phủ thì cũng được, nhưng có lẽ xin kính chuyển anh khác làm. Còn chúng ta, chúng ta nên soi chiếu những khuyết tật về sự không thức tỉnh của các thế hệ đi trước về một số tiêu chuẩn giá trị để nền văn hóa của đất nước từng phải lặn lội mò mẫm trong sự nhầm lẫn.

Xuân Ba: Pháp luật không bắt buộc cán bộ ta phải sống khổ hạnh, họ có quyền được hưởng thụ nếu có thu nhập chính đáng. Nhưng đạo lý hoàn toàn không đơn giản như vậy, người xưa thường quan niệm là có chức quyền thì phải tiên ưu hậu lạc. Liệu quan niệm này đã lạc hậu?

Nguyễn Trần Bạt: Anh nói về quyền ở nhà to, quyền được hưởng sung sướng, hạnh phúc của các cán bộ, tôi không phản đối. Đấy không những là quyền mà còn là lý tưởng. Tuy nhiên, điều cần bàn là tính hợp lý. Hưởng thụ những thứ to lớn quá so với nhu cầu thật là hỏng. Tôi mới xem một cuốn phim trên kênh HBO nói về một gia đình có 5 đứa con. Họ thực thi một lý tưởng sống theo quyển sách Utopia của Plato. Ông chủ gia đình cho vợ con lên ô tô, đưa vào trong rừng và sống theo khuynh hướng ấy. Bọn trẻ con ở trong rừng không đi học trường nào, nhưng ông ấy dạy con giỏi đến mức đứa con cả đỗ 5 trường đại học hàng đầu thế giới, và khi con họ đọ tài với những đứa trẻ khác thì chúng tỏ ra thuộc tất cả các tu chính án của Hiến pháp Hoa Kỳ. Con người hiểu biết khác với con người nói chung làm cho người ta nghĩ rằng mình hiểu biết. Đại bộ phận chúng ta bây giờ là làm cho thiên hạ nghĩ rằng mình hiểu biết chứ không phải chúng ta là kẻ hiểu biết.

Việc trói mình vào một số điều dạy dỗ của tiền nhân chưa chắc đã là công thức tốt. Chúng ta cứ sống, thời gian sẽ giúp chúng ta sửa chữa các khuyết tật nhận thức. Sính biệt phủ là một khuyết tật nhận thức, bởi người ta không tìm thấy sự cân bằng, không tìm thấy lý tưởng sống. Trong khi có những gia đình sống trên một cáimobi-house mà người ta tìm thấy hạnh phúc. Hình như chúng ta máy móc, cho đến bây giờ vẫn thích biệt phủ. Đấy là di chứng của sự nhận thức kém của xã hội. Vì không biết về cái đẹp thật nên người ta mới nghiện biệt phủ.

Nhiều khi chế giễu những chuyện ấy nhưng về mặt chính trị chúng ta quên mất rằng đấy là biểu hiện lâm sàng của sự không có giáo dục. Khi báo chí đưa tin biệt phủ chỗ này, chỗ kia tôi thấy buồn và cả buồn cười nữa. Không hiểu tại sao đã phấn đấu lên đến giám đốc sở hoặc đứng đầu một tỉnh rồi mà người ta vẫn làm nô lệ cho những thứ như vậy. Với sự giác ngộ thẩm mỹ hạng bét như vậy thì họ làm thế nào để lãnh đạo nhân dân?

Xuân Ba: Anh nghĩ gì về quy định số 85 của Bộ Chính trị về việc kiểm tra, giám sát tài sản của hơn 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý. Một bộ phận trong diện này hình như có biệt phủ? Mà cũng lạ, không hiểu sao rất nhiều vị, nói theo khẩu ngữ của Chu Văn Quềnh là khó hoãn được sự sung sướng một chút hay sao mà cứ vội vã thể hiện cứ như đua ngầm với nhau vậy? Mà những biệt phủ cỡ triệu đô như thế, dẫu lương hàm thượng thư thì có mà mồng thất mới tậu nổi! Điều gì khiến họ hành xử dễ dãi và ẩu tả vậy?

Nguyễn Trần Bạt: Nếu biệt phủ chỉ là đối tượng phê phán về mặt đạo đức thì không đủ. Khi con người không được hướng dẫn thì những thứ khoa trương và thiếu thẩm mỹ như vậy vẫn có giá trị kích động những người khác, làm họ sốt ruột muốn có bằng được những cái tương tự và dẫn họ đến chỗ ăn cắp. Bởi với một số người, nếu không ăn cắp thì lấy đâu ra tiền để xây cái nhà to thế.Có ai đó nói câu rất hay đại ý là cuối cùng thì chính cái đẹp cứu rỗi nhân loại. Cái đẹp gắn liền với “tri túc” tức là vừa đủ là hài lòng, thỏa mãn như anh nói. Cái nhà có hoành tráng, lộng lẫy mấy đi nữa cũng không thể làm đẹp cho một kẻ ăn cắp.

.
Biệt phủ của đại gia vàng trên đèo Hải Vân. Ảnh: P.V.

.

Chọn lựa, tôn thờ các tiêu chuẩn khác nhau của vẻ đẹp

Xuân Ba: Hình như trong nhuộm nhoạm à uôm của cơ chế thị trường, biệt phủ đang lóe lên thứ ánh sáng huyễn hoặc, ma quái?

Nguyễn Trần Bạt: Bởi vì người ta tưởng rằng hễ tiền nhiều thì có nhà lớn, mà hễ nhà lớn thì có thể có người lớn ở bên trong. Lev Tolstoy đi tìm cái chết ở bên ngoài điền trang của mình, chết trong một ga xép nhỏ. Suy ra cho cùng, trước khi đến với thượng đế, đến với thiên đường, con người phải đi ra khỏi nhà của mình. Có làm biệt phủ to đến đâu mà đi lạc lối ở ngay cổng nhà mình thì phúc không lớn được hay nói một cách giản dị thì thật là bất hạnh. Làm thế nào để có con người lớn ở trong các ngôi nhà lớn, đó là một vấn đề khổng lồ của xã hội chúng ta. Chúng ta đang tất tả, vất vả trên một lộ trình để phát lộ để tìm ra những con người lớn ấy.

Xuân Ba: Người Việt có câu “quen sợ dạ, lạ sợ quần áo”. Quen sợ dạ là ở với nhau lâu rồi thì nể và sợ suy nghĩ, tấm lòng, kiến thức của nhau. Còn lạ thì dò xét đánh giá nhau qua hình thức bề ngoài. Biệt phủ là một thứ quần áo. Biệt phủ lòe và lừa được ối người?

Nguyễn Trần Bạt: Trước đây người Việt mình thường hay run rẩy trước những cương vị. Bây giờ dần dần đã đỡ. Nhưng oái oăm, giờ lại phát lộ tâm lý sợ tài sản, sợ các đại gia và tỷ phú. Chưa hết, lại ló dạng tiếp thứ căn tính hơi bị lạ là nếu không sợ tài sản thì nảy ra tâm lý chế giễu tài sản. Tức là có một quá trình du canh du cư trong nỗi sợ trước sự hơn của người khác so với mình. Dần dà sự nghiệp đấu tranh chống tham nhũng đang được tiến hành sẽ đưa tất cả mọi thứ về đúng giá trị của nó. Cùng với việc triển khai Nghị quyết trung ương 4 của hai Đại hội, dân mình dần dần cũng không sợ tài sản nữa, bởi vì họ hiểu rằng kích thước của các khối lượng tài sản ấy nhiều khi được tạo ra bởi năng lực ăn cắp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng than phiền về hình ảnh méo mó dị dạng này… Ở đâu ấy nhỉ?

Xuân Ba: Vâng tại phiên họp Chính phủ với lãnh đạo 63 tỉnh, thành gần đây, Thủ tướng đã thẳng thắn về hiện tượng biệt phủ ở Yên Bái “Cán bộ sai thì phải điều tra, kết luận, xử lý. Tôi đã nhắc anh Sáu (ông Phan Văn Sáu - Tổng Thanh tra Chính phủ - XB) là phải kết luận cho được vụ giám đốc sở để dư luận xấu như thế, làm hình ảnh rất xấu cho đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước”. Và mới đây nhất, lần đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành quy định của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó có phẩm chất đạo đức, trung thực, khiêm tốn, chân thành trong sáng, giản dị, bao dung, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Những phẩm chất ấy đều xa lạ với hiện tượng biệt phủ…

Nguyễn Trần Bạt: Vâng, đó là tín hiệu đáng mừng. Song hành với chức năng điều hành, quản trị đất nước, Tổng Bí thư, Thủ tướng dường như vừa ước thúc, quản lý cán bộ vừa đang manh nha, tiên khởi trách nhiệm của những người lãnh đạo trong việc hướng dẫn xã hội tôn thờ các tiêu chuẩn khác nhau của vẻ đẹp. Làm thế nào để tìm ra một cách thức hướng dẫn hay gợi ý để xã hội biết chọn các tiêu chuẩn của vẻ đẹp. Phải cố gắng làm thế nào để các nhà lãnh đạo của chúng ta nói về cái đẹp nhiều hơn và nói một cách có cơ sở khoa học về nó. Đấy chính là cách hướng dẫn. Như cách nhìn về tài sản, di sản chẳng hạn…

Xuân Ba: Anh quan niệm như thế nào về tài sản và di sản? Lộ trình từ tài sản đến di sản sẽ như thế nào?

Nguyễn Trần Bạt: Con đường để có di sản bắt đầu từ việc tạo ra các tài sản trong sạch. Có lần tôi đến Đà Nẵng nói chuyện với giới trí thức, có một quan chức hỏi tôi: Huế và Quảng Nam sống bằng di sản, còn Đà Nẵng không có di sản, anh nghĩ sao? Tôi trả lời anh ấy là các anh sống bằng tài sản, bởi vì di sản chính là tài sản cộng với thời gian. Tôi khuyên các anh ấy cần phải xây dựng như thế nào để tài sản hiện nay của họ có độ bền vững về mặt thẩm mỹ. Ví dụ Đà Nẵng không có nhà hát lớn thì các nghệ sĩ lớn hát ở đâu? Chẳng lẽ một thành phố lớn mà không có nghệ sĩ lớn đến hát. Tôi có đến chơi một thành phố ở Ý, nghe một đêm biểu diễn nghệ thuật hợp xướng do dàn hợp xướng của cảnh sát thành phố biểu diễn. Nghe xong tôi cảm thấy nếu dàn nhạc giao hưởng của Việt Nam mà biểu diễn cỡ như thế chắc còn phải phấn đấu dăm bảy năm.

Xuân Ba: Người ta hình thành văn hóa bằng con đường học hành, nhưng cũng có những người lĩnh hội văn hóa bằng một kênh khác, không cứ gì phải có bằng cấp, học hành. Có những người từ trong máu thịt có những phản xạ thể hiện ra đã là văn hóa, dạng ấy hơi bị hiếm anh Bạt ạ…

Nguyễn Trần Bạt: Tôi đang nghĩ và đã khởi thảo tạm gọi là khái niệm là “Sự hình thành trong im lặng của văn hóa”. Chúng ta sốt ruột biến mình, biến cái mình thành văn hóa ngay, cho nên các món văn hóa của chúng ta hay sống sượng, là thứ dị dạng của phong trào, chiến dịch này khác. Người ta tưởng hai thỏi son có thể biến một cô nhà quê thành tiểu thư. Cái chết là ở chỗ chúng ta sốt ruột. Phải làm thế nào để con người khiêm tốn hơn, con người khuất phục thời gian, con người khuất phục các quy luật tự nhiên để cho tất cả các đặc trưng có chất lượng văn hóa của mình được hình thành một cách tự nhiên và hình thành trong im lặng.

Xuân Ba: Anh Bạt ạ, cái mạch nghĩ của anh khiến tôi chợt nhớ đến thuật ngữ thời thượng “đi tắt đón đầu”. Thế văn hóa có cung cách, có lộ trình ấy không?

Nguyễn Trần Bạt: Văn hóa có đặc thù. Đặc thù ấy là nó không cơ hội để đi tắt, chân tay của nó cũng không mạnh khỏe để đón đầu ai.

Xuân Ba: Chắc anh nhớ tận năm 1925 khi nói chuyện với lớp Thanh niên cách mạng đồng chí hội, Hồ Chí Minh đã thẳng thắn chỉ ra nhiều thói xấu của người Việt như “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, “ném đá giấu tay”, “qua cầu rút ván” v.v… Với độ dài thời gian từ đó đến bây giờ, chúng ta lý giải thế nào khi tính cách Việt vẫn dai dẳng vẫn còn nguyên độ xấu xí và không đủ độ chín? Hay là quyền năng của tạo hóa bắt người Việt phải vất vả như thế?

Nguyễn Trần Bạt: Phần nhiều do giáo dục mà nên. Câu nói của Cụ Hồ có lẽ chả khi nào cũ. Nhưng cái gì cũng phải làm cho đến đầu đến đũa. Khi người ta có quyền thì sẽ có tiền, mà khi có tiền thì tùy trình độ giáo dục mà người ta mang nó ra để mua cái gì đó. Thường người ít học thì mua ngay cái xấu. Xây biệt phủ bằng mọi giá là cái cách tự nguyện mua, rước lấy cái xấu. Cái xấu nhất theo khía cạnh tâm linh chính là sự mất cân đối giữa con người và cái mà nó sử dụng. Cái xe to quá, cái nhà lớn quá làm cho con người bé lại. Con người mà không biết tự tôn trọng mình, không tìm được cho mình sự cân đối với thiên nhiên thì sẽ lọt thỏm và hụt hẫng. Tôi chưa thấy có người Việt Nam nào ở thời hiện đại này (trừ Hồ Chủ Tịch) lớn bằng Nguyễn Trãi và Nguyễn Du nhưng có rất nhiều cái nhà của họ to hơn nhà của Nguyễn Trãi và Nguyễn Du. Tôi thấynhiều người không thức tỉnh được về một tiêu chuẩn rất quan trọng, đó là sự cân đối giữa mình và những thứ mình có. Đầu tiên là tiền. Nhiều người đến hỏi tôi tại sao tham nhũng lắm thế. Tôi trả lời: vì họ không có kinh nghiệm về tiền bạc nên không biết bao nhiêu là đủ. Sự không biết bao nhiêu là đủ đã thúc đẩy một sự ăn cắp không có giới hạn. Và sự ăn cắp không có giới hạn tạo điều kiện để người ta xây những ngôi nhà không có giới hạn hợp lý về mặt thẩm mỹ.

Xuân Ba: Hình như anh đang đề cập đến chuyện sống chậm?

Nguyễn Trần Bạt: Tôi có nói với các đồng nghiệp của mình là tại sao lại phải thành đạt vội, tại sao lại phải khôn vội. Có một câu rất hay không biết của ai: Khi nào sự ngu dốt cũng đảm bảo cho chúng ta hạnh phúc thì sự khôn ngoan trở thành thừa. Con người vì không có kinh nghiệm về hạnh phúc, không biết quý trọng hạnh phúc nên nhiều khi chăm chăm đi tìm những thứ mang bất hạnh đến cho mình mà cứ tưởng thế là khôn ngoan. Cái dễ bị xui đi tìm nhất là quyền lực và tiền bạc.

Biệt phủ ở Kon Tum. Ảnh: H.V.
.

Xuân Ba: Cái đó tất yếu dẫn đến biệt phủ? Khi trú ngụ trong đấy người ta thấy an toàn hơn, sang trọng hơn, sống lâu hơn? Anh đang nói chuyện ngoài năng lực chế giễu ra thì phải biết trân trọng tài sản, bởi vì phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có. Xin anh phân tích thêm chỗ này.

Nguyễn Trần Bạt: Đổ mồ hôi, sôi nước mắt thì chúng ta mới cẩn thận khi xây dựng. Xây dựng cẩn thận những cái mình có chính là chuẩn bị tài sản để sau này thành di sản.

Xuân Ba: Đang tồn tại tâm lý đả đảo, chế diễu những quan chức ở biệt phủ, coi đó là những người xấu?

Nguyễn Trần Bạt: Tôi kể anh nghe chuyện này. Có một vị La hán hỏi Thích Ca: Thưa Đức thế tôn có địa ngục không? Thích Ca bảo có. Nhưng vị La hán vẫn không tin là có địa ngục nên hỏi lại: Thưa Đức thế tôn, có thật là có địa ngục không? Thích Ca vẫn bảo có. Vị La Hán vẫn hoài nghi và hỏi lại lần nữa: Thưa Đức thế tôn, có thật là có địa ngục không? Lần này Thích Ca cười và bảo: địa ngục đang thiêu đốt tâm can nhà ngươi. Chúng ta phải kiểm điểm trong lòng mình xem về mặt đạo đức mình có đố kỵ không. Lên án biệt phủ với một thái độ thiếu khoa học chính là sự đố kỵ và sự đố kỵ nào cũng tệ hại hơn tất cả các thói xấu còn lại. Đố kỵ làm cho con người cứ bé tí mãi.

Tại sao lại cứ mất công đả đảo họ trong khi chính họ đã tự làm xấu mình thông qua việc sở hữu các biệt phủ?

Xuân Ba: Vâng dẫn dụ của anh khiến tôi liên tưởng đến khía cạnh khác của biệt phủ. Đó là hiện tượng dân mình tự bao giờ có tâm lý giàu thì ghét, nghèo thì khinh. Ai đó đã từng diết dóng nhưng không phải là không có lý rằng khó chiều nhất là… người nghèo! Rằng họ có một vài điểm chung là khoái hỏi google, là thích nghe những người na ná như họ, nghĩ nhiều hơn cả một giáo sư đại học và làm ít hơn cả một người mù (ở đây không có ý định xúc phạm những người mù nhưng đúng là không nhìn thấy thì không thể làm nhiều được). Chỉ cần hỏi xem họ có thể làm gì, họ sẽ không thể trả lời được. Thay vì năng nổ, tích cực và thông minh để đạt đến sự giàu có chính đáng, họ lại không làm gì để đạt được nó. Liệu trục trặc ấy có thuyên giảm theo thời gian?

Nguyễn Trần Bạt: Lập luận như thế không đến gần khoa học được. Nếu như các biểu hiện ấy không có cơ may để trở thành một hiện tượng mà chỉ là khuyết tật của một vài cá nhân thì không nên mất thì giờ với nó.

Xuân Ba: Anh nghĩ gì về Trịnh Xuân Thanh? Về cái biệt phủ nào đó mà người ta nhắc loáng thoáng trên đỉnh Tam Đảo?

Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ đấy là một cậu bé tội nghiệp, cậu ấy bị xui ăn cắp, được sử dụng để ăp cắp, được cổ vũ để ăn cắp. Một cậu bé thành đạt nhanh đến mức không cần phải chín chắn nữa. Tôi thấy nhiều bậc cha mẹ thật đáng trách, đã nhầm lẫn khi trao gửi con mình, sử dụng cái thành đạt của nó và nhầm lẫn về khái niệm thành đạt. Bây giờ chúng ta cho con cái đi học ở những trường đại học tốt nhất về mà để cho những người như Phạm Công Danh thuê là con chúng ta lãnh đủ. Trong những chiến trường ấy những kẻ mới vào đều bị tiêu diệt và đều được cấy một thứ gien (gene) liều lĩnh. Cuộc sống là như vậy. Cho nên gia đình nào biết xem trọng việc giữ gìn cho con cái nguyên vẹn về mặt tinh thần thì gia đình ấy có phúc. Càng ngày con người càng cần phải được chăm sóc một cách cẩn thận.

Xuân Ba: Chứ không thể để hoang dã và tự nhiên?

Nguyễn Trần Bạt: Đúng thế. Hoang dã là một khái niệm cân bằng lười biếng. Đối với con người không có sự cân bằng lười biếng mà chỉ có những sự cân bằng nhân tạo có sự giúp sức của nhận thức. Tự nhiên không có sự dễ dãi với con người. Không thể quan niệm trời sinh voi, trời sinh cỏ. Tại sao mọi người lại nghĩ rằng có một lúc nào đó có cuộc sống dễ dàng. Tôi chưa bao giờ nghĩ cuộc sống của tôi là một cuộc sống dễ dàng. Tôi kể anh nghe câu chuyện. Cách đây hơn hai chục năm, mỗi lần vào Sài Gòn, tôi đều đưa hai đứa con đến khách sạn nổi để ăn kem. Giá kem ở đó rất đắt. Nhà tôi bảo sao bố lại hoang phí thế. Tôi trả lời là tôi không dạy con tôi ăn kem mà dạy con tôi không khiếp sợ sự sang trọng. Hiện tượng xã hội phản ứng với biệt phủ hiện nay có liên quan tới tâm lý sợ sự sang trọng.

Chúng ta buộc phải có những thế hệ học hành nghiêm túc, đọc sách nghiêm túc, suy ngẫm nghiêm túc, sống nghiêm túc và phải trả giá thật sự cho các sai lầm của mình. Phải dạy các con mình trả giá cho các sai lầm của nó, rồi dần dần nó sẽ tự làm được những việc từ đơn giản đến phức tạp. Rồi thế nào cũng có ngày chúng sẽ học được những bài học thật. Đừng bao giờ mơ tưởng có một xã hội dễ dãi với chúng ta, đừng bao giờ mơ tưởng có một điều kiện nào đó dễ dãi với người Việt. Đừng bao giờ mơ tưởng có ai đó làm gì đó hộ chúng ta. Người Việt phải tự làm tất cả mọi việc của mình. Người Việt đã phải lầm lũi tiến hành hai cuộc chiến tranh lâu dài đến 50 năm để giành được độc lập dân tộc. Chúng ta đã học những bài học đột phá. Trong khi diễn ra chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ, Truyền hình quân đội đã phỏng vấn tôi tại sao người Mỹ lại để ý đến Việt Nam. Tôi trả lời rằng trong khu vực này, Việt Nam không phải là một nền kinh tế lớn, không có ưu thế gì, nhưng lại là dân tộc duy nhất có năng lực đột phá. Biểu hiện đột phá quan trọng nhất của Việt Nam là chúng ta đã chiến thắng trong các cuộc chiến tranh lâu dài để giành độc lập dân tộc. Con trai lớn của tôi nói với tôi: bố hạnh phúc hơn con vì thời bố có một cuộc chiến tranh, con không có. Tôi bảo, bố mừng vì như thế là con đã nhận thức được giá trị của cuộc sống. Tôi là người đi qua một cách rất cặn kẽ cuộc chiến tranh chống Mỹ, đi như một người lính thật sự. Tôi là pháo thủ cối 82 ly và là pháo thủ số 1. Tôi rất tự hào về quãng thời gian ấy vì tôi đã làm một người lính thật sự. Làm lính thì phải tự rèn luyện, vác trên vai một balô 50 viên gạch để chuẩn bị đi B. Lúc đó mọi người lính đều phải rèn luyện để đi B. Chúng tôi vác trên vai cái ba lô gạch, đi vào làng xóm, ra bờ biển, đi lên núi, đi đến nhiều địa hình đặc trưng để rèn luyện. Nếu không rèn luyện thì không leo núi được, không nhanh nhẹn được. Trên đường đi rất dễ chết, để chống lại khả năng chết thì phải biết chạy.

Ở khu vực này, tôi chợt nghĩ đến Khổng Tử. Nguyên lý của Khổng Tử có 8 chữ: “Cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, chúng ta thường chỉ dùng 4 chữ “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, còn giai đoạn đầu quan trọng hơn cho nhận thức thì chúng ta bỏ. Tại vì chúng ta không dạy con người rèn luyện, chúng ta dạy đi tắt đón đầu, tức là dạy nó trở thành một kẻ cơ hội ngay từ khi mới lớn thì làm sao nó nên người được.

Xuân Ba: Đấy là sự láu cá vặt của người Việt và được cho là đồng nghĩa với thông minh?

Nguyễn Trần Bạt: Cả thế giới đều khôn vặt. Nếu không có người khôn vặt thì làm sao William Makepeace Thackeray viết được “Hội chợ phù hoa”. Không có thói khôn vặt của người Pháp thì làm sao Honoré de Balzac viết được “Tấn trò đời”. Khôn vặt là bệnh của cả nhân loại, còn ca ngợi sự khôn vặt là lỗi trí tuệ. Cho nên báo chí phải khẳng định cho xã hội nhu cầu rèn luyện con người một cách nghiêm túc. Không thể đi tắt để trở thành con người được. Muốn trở thành con người thì phải đi đường quang.

Biệt phủ của ông Nguyễn Sỹ Kỷ ở Đắk Lắk. Ảnh: P.V.

.

Những kẻ thành đạt phải có lý do

Xuân Ba: Vọng. Văn. Vấn. Thiết (Nghe, Hỏi, Xem, Bắt mạch) Xin mời lương y Nguyễn Trần Bạt chẩn tiếp cái mạch biệt phủ?Thấp thoáng đâu đó trong các biệt phủ là những người thành đạt?

Nguyễn Trần Bạt : Tôi vốn suy nghĩ, đánh giá một cách rất cẩn trọng đối với những sự thành đạt. Bởi vì tôi biết chắc chắn trên đời này, những kẻ thành đạt phải có lý do của nó, không ai ngẫu hứng mà thành đạt. Thành đạt là kết của một cái gì đó, nếu không hun đúc bằng cha bằng mẹ thì cũng bằng trời đất, hoặc không hun đúc bằng trời đất thì bằng chính mình, thế nào nó cũng có cái gì đó.

Xuân Ba: Nhưng không thiếu những trường hợp may mắn ?

May mắn là do Thượng đế cho. Con người vốn dĩ ngốc nghếch nên có những khi tưởng rằng cái mình có do rèn luyện quan trọng hơn cái may mắn.

Do không nhận thức được cho nên họ không biết quý cái may mắn mà cha ông, trời đất hào phóng ban tặng cho mình. Cái lãng phí lớn nhất của các quan tham không phải là lãng phí tài sản mà chính là lãng phí sự may mắn mà trời đất ban phát cho họ.

Xuân Ba: Có nên coi biệt phủ là thứ cảnh báo?

Nguyễn Trần Bạt: Trong dân gian từ xa xưa, người ta vẫn nói về những dị tai, về những cảnh báo của trời đất, chẳng hạn như nước sông cạn, đường xá núi non nứt toác… cảnh báo như thế thì vua chúa mới nghe được. Những kẻ hiểu biết mượn các hiện tượng của thiên nhiên để gửi thông điệp cho các nhà lãnh đạo. Đó là dạng cảnh báo rất nhân văn. Các trí thức ở mọi thời đại đều có chung một ý thức cảnh báo sớm và mách bảo yếu tố nào có thể ngăn được tai họa. Nhưng điều cốt lõi và yếu tố phổ biến nhất để ngăn chặn mọi tai họa phải chính là nhà cầm quyền. Ở thời điểm mà chúng ta đang sống, yếu tố phổ biến có năng lực ngăn chặn các tai họa phải trĩu lên vai Đảng và Nhà nước. Nhà nước có nghĩa vụ lắng nghe mọi thông điệp của nhân loại và xã hội để thấy trước những nhiệm vụ ngăn chặn tai họa. Bởi vì không ai có khả năng ấy ngoài nhà nước, không ai có quyền nói trước ngoài nhà lãnh đạo.Ngăn chặn các tai họa là nhiệm vụ chính trị cơ bản đầu tiên của nhà cầm quyền.

Xuân Ba: Người ta nói người Việt mình liên miên các cuộc chiến tranh vệ quốc nên cái logic trận mạc dạy cho con người ta phải chớp thời cơ, bây giờ lại máy móc mang cung cách ấy vào việc làm ăn và quản trị nên đã vô tình nối giáo cho lưu manh với tham nhũng?

Nguyễn Trần Bạt: Tình trạng lưu manh hóa của số đông hoặc một nhóm xã hội có thể dẫn đến chính biến. Trạng thái tham nhũng đến mức như thế này có phải là biểu hiện biện chứng của sự lưu manh hóa? Cho nên sự cảnh giác chính trị trước hiện tượng tham nhũng là một sự cảnh giác buộc phải có. Chúng ta phải nhìn một cách lâm sàng hiện tượng tham nhũng là biệt phủ để cảnh báo Đảng ta về những rủi ro có thể có.

Tôi không hiểu nhiều quan chức lẫn đại gia cứ cố mà xây biệt phủ trên núi hoặc những nơi được coi là đất vàng là đắc địa những mom sông đầu gềnh bét ra là hậu sơn tiền thủy… để làm gì? Các cụ ngày xưa khôn ngoan hơn nhiều, họ đầu tư xây chùa. Anh cứ đến những chùa xung quanh Hà Nội sẽ thấy ngay các vị sư trụ trì ở các chùa ấy chính là con cháu của những người đã bỏ tiền ra mua đất xây chùa từ xa xưa. Xây biệt phủ như bây giờ cứ như là thể hiện uy quyền của một cá nhân bằng các phương tiện ăn cắp. Gần đây tôi có bộc bạch với báo chí hai ý. Thứ nhất là tất cả các chiến lợi phẩm của quá trình tham nhũng đã dần dần phơi lộ dưới ánh sáng của nghị quyết trung ương 4 khóa XI và khóa XII. Tất cả các tài sản đồ sộ ấy đang trở nên bất tiện cho kẻ tham nhũng vì nó là bằng chứng ăn cắp. Và thứ hai là vật chất là tài chánh là phải sạch. Nhưng sự sạch sẽ đã bắt đầu hiếm hoi. Mật độ biệt phủ chính là mật độ, tần suất của sự bẩn đã có mặt đâu đó ở 64 tỉnh thành.

Rất nhiều người cả đời hì hụi tất tả nhưng lầm lẫn giá trị của tiền nên mới cố để ngoi thành tỷ phú đô la. Họ làm kỳ được phép cộng một cách bẩn tưởi, ẩu tả. Không hiểu giá trị của tiền cho nên lấy nhiều quá, nhiều hơn mức cần thiết để cho hai, ba đời người sống. Cần nghiên cứu vấn đề này một cách cặn kẽ để ngăn chặn các rủi ro mà thân phận của một con người có thể gặp phải. Suy ra cho cùng, sống được là phải lo được những việc to lớn. Không có cái gì liên quan đến cuộc sống của một con người mà bé mọn. Chúng ta hay nói về các sự nghiệp cao quý, theo tôi sự nghiệp cao quý nhất là làm cho con người nắm được logic để đảm bảo cho nó sống được. Nắm được điều đó chính là nắm được lẽ quan trọng nhất của một kiếp nhân sinh.

Xuân Ba: Trong việc khai lý lịch, chuyên gia Nguyễn Trần Bạt có ghi chữ không trong mục có theo tôn giáo nào không nhỉ?

Nguyễn Trần Bạt: Tôi không theo tôn giáo nào, nhưng tôi tin vào sự thiêng liêng của cuộc sống, tin vào những lực lượng siêu nhiên, mặc dù tôi là tín đồ của khoa học theo nghĩa rộng. Tôi rất thích những nhà khoa học như Bertrand Russell, Stephen Hawking… Tôi rất thích toán. Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn giở toán giải tích ra làm để không quên. Tôi duy trì các năng lực tối thiểu của con người, từ đấy biến nó thành phương tiện để suy đoán trong những lúc cần thiết. Quên toán học, quên vật lý, quên văn học là lãng quên những thứ tối thiểu giúp con người suy đoán. Con người xem suy đoán như những hoạt động hàng ngày thì sẽ không thoái hóa, không thoái hóa cả về mặt đạo đức. Khi nào anh lao động thật, anh sẽ tìm ra chân lý dù là chân lý có tính chất sinh hoạt. Khi con người tập sự lao động một cần mẫn ngay cả trong những sự suy đoán thông thường của mình tức là con người tu thân. Vâng, thường trực trạng thái cân bằng không thoái hóa là một thứ minh triết của tôn giáo vậy!

Xuân Ba: Xin cảm ơn chuyên gia Nguyễn Trần Bạt về cuộc trao đổi thú vị này.

Khi báo chí đưa tin biệt phủ chỗ, này, chỗ kia tôi thấy buồn và cả buồn cười nữa. Không hiểu tại sao đã phấn đấu lên đến giám đốc sở hoặc đứng đầu một tỉnh rồi mà người ta vẫn làm nô lệ cho những thứ như vậy.

Lên án biệt phủ với một thái độ thiếu khoa học chính là sự đố kỵ và sự đố kỵ nào cũng tệ hại hơn tất cả các thói xấu còn lại. Đố kỵ làm cho con người cứ bé tí mãi.

Tiền Phong