Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BƯỚC LÃNG DU CỦA MỘT NHÀ VĂN HÀO HOA

Nhà văn Phạm Ngọc Chiểu
Chủ nhật ngày 10 tháng 9 năm 2017 5:30 PM




Ngót bốn mươi năm trước, ông- nhà văn Hà Phạm Phú- là cây bút truyện ngắn vào hàng đếm được trên Văn đàn. Bởi ngay lần đầu tiên xuất hiện trên Tạp chí Văn nghệ quân đội với truyện ngắn “Phía trước”, ông ẵm luôn Giải nhì của tạp chí danh tiếng này. Bốn năm sau, ông đàng hoàng trình làng Văn tập truyện ngắn đầu tay “Sĩ quan trung đoàn”. Giữa những năm 1980 của thế kỉ trước, được Nhà xuất bản cho một mình đứng tên cả một tập truyện là ước mơ của bao người cầm bút mà nhiều người không đạt được. Sau sự khai thông đường văn suôn sẻ ấy, liền trong bẩy năm, ông chứng tỏ nội lực sáng tạo của mình qua nhiều tác phẩm gửi bạn viết, bạn đọc. Ông góp thơ in cùng bạn bè trong “Hát về nguồn”, “Hương nắng- tiếng chim”, “Đắng chát, ngọt ngào”, sau đó quay lại văn xuôi, in ba cuốn sách “Dốc Yên ngựa” (Truyện vừa, 1988), “Em phải sống” (Tiểu thuyết, 1990), “Lữ quán” (Tiểu thuyết 1992). Những năm tiếp theo, ông vẫn nhẩn nha viết và đều đặn in, dù bước chân lãng tử đưa ông qua mấy chặng đường đời, từ Báo Quân đội nhân dân sang Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Văn hóa, về làm Chánh văn phòng Hội nhà văn việt Nam, rồi Giám đốc Hãng phim của Hội cho đến ngày cầm sổ nghỉ theo chế độ. Nhẩm ra, ông đã in thêm sáu đầu sách thuộc các thể loại văn xuôi: “Bông hồng đen” (Tập truyện ngắn, 1995), “Chuyện người làng Hạ Đan” (Tập truyện ngắn, 1999), “Chiếc chìa khóa” (Tập truyện ngắn, 2004), “Vòng đời” (Tản văn, 2007), “Trưng Trắc”(Tiểu thuyết, 2011), “Cánh cò trắng trên sông Năng” (Tập truyện ngắn, 2014). Còn phải kể thêm hai đầu sách ông dịch Văn học Trung Quốc: “Chuyện người vợ góa” (2004), “Đóng vai người tình” (2004). Và hai thi phẩm “Cỏ yêu”, “Trăng khuyết” mà ông đưa in vào các năm 1991 và 2004. Điều đáng lưu ý là, ông đã thử qua hầu hết các thể loại văn chương, nhưng có vẻ ông ưa thích thể loại truyện ngắn nên ông viết nhiều, in nhiều văn phẩm thể loại đó. Đầu sách mới nhất của ông- “Chuyến tầu sông cuối cùng”- gửi đến bạn đọc vào mùa thu năm nay, cũng thuộc thể loại này.

Ông muốn gửi đến bạn đọc những thông điệp gì qua tập truyện ngắn thứ sáu của mình? “Bá Vương biệt Cơ”, truyện ngắn đầu tiên của “Chuyến tầu sông cuối cùng” góp thêm một tiếng chuông cảnh báo sự suy thoái đạo đức của một đội ngũ quan chức hiện nay. Thói vung tay tiêu tiền “Chùa” vào các cuộc nhậu nhẹt vô tội vạ của đám quan chức, người đọc thấy không ít trên các trang báo, nhưng “Bá Vương biệt Cơ” vẫn khiến người đọc giật mình. Giật mình, bởi sự ăn chơi của những “công bộc của dân” đã đạt đến độ hưởng thụ của các bậc đế vương thuở xưa. Mấy ông “công bộc” trong truyện, nghe giới thiệu có món lạ, liền háo hứng đòi thưởng thức. Món lạ có tên là “Bá Vương biệt Cơ” ấy là món hầm nhừ nguyên con hai cá thể ba ba và gà mái. Cái lạ của món ăn là qui trình chế biến mang nhãn mác “China” đầy kì bí. Đó là cách thức chưng cất làm sạch con ba ba do người Tầu nghĩ ra, và con ba ba trong thực đơn phải là ba ba hoang dã, sống ở đầm Chín chín ngách. Bởi thế nên cái giá của món ăn mới “tối thiểu mười triệu đồng” (!) Người đọc truyện càng đọc càng giật mình kinh ngạc không chỉ bởi cái thú ăn chơi của đám “công bộc của dân” trong truyện, mà còn bởi thấy lũ quan chức hư hỏng này đã có tầng có lớp dầy dặn quá rồi. Một Bí thư huyện ủy vừa trúng nhiệm kì thứ hai, một Chủ tịch huyện, một Giám đốc sở Tài chính của tỉnh, thêm vị chuyên viên ở Văn phòng Chính phủ tụ họp nhau để chuẩn bị cho cuộc gặp Thường trực Tỉnh ủy “báo cáo đề án qui hoạch phát triển năm năm, tầm nhìn ba mươi năm của huyện vùng sâu, vùng xa nghèo nhất tỉnh.” Đám yếu nhân ấy nhờ tay Trưởng phòng ở Sở Kế hoạch- Đầu tư, “một tay vẽ nên cả loạt dự án của tỉnh” dẫn dắt thú ăn chơi và chính hắn giới thiệu món ăn mang nhãn hiệu “Tầu” “Bá Vương biệt Cơ” lạ lẫm đó. Đọc hết truyện mà thờ thẫn cả người lúc lâu. Khi nỗi buồn lo vơi đi, mới thấy ngòi bút truyện ngắn của ông Hà Phạm Phú thật đáng nể. Vấn đề của truyện đâu có gì mới, nếu không muốn nói đã quá quen trên văn đàn và báo chí rồi, mà truyện vẫn lôi cuốn được người đọc, vẫn khiến người đọc đọc xong thì chìm vào buồn lặng. Đấy chính là yếu tố lạ đẫm chất “Tầu” của truyện ta vừa đọc.

Cái lạ đẫm chất “Tầu” của “Bá Vương biệt Cơ” còn hiện diện trong truyện “Thương nhân người Hoa”. Ngòi bút nhà văn họ Hà vẽ chân dung cự phú Lưu Kì Đông, qua giọng văn kể chuyện nghe cổ cổ của thời “Thượng kinh kí sự” nước ta và thời “Tam quốc diễn nghĩa” hay “Thủy hử” bên “Tầu”, thật quá hữu dụng, đã hiển hiện trước mắt người đọc một “Chú Khách” (tên gọi quen thuộc dân ta vẫn gọi người Hoa sang nước ta làm ăn thời trước) với những đặc tính không thể trộn lẫn. Một Lưu Kì Đông hết sức nhẫn nhịn thuở cam chịu làm chân giúp việc để học nghề. Một Lưu Kì Đông khôn ngoan lọc lõi thi đã thành một con buôn, có lối sống khác người. Lão ở phòng riêng mà đến vợ và 10 đứa con không được bước chân vào, và khi hồi hương thì để cả vợ và các con ở lại chứ không cho theo về cố quốc để biết quê nội ra sao. Rồi, cái mẹo cất giấu vàng bạc vào cán ô, mẹo nhẫn nại mở quán chữa ô, đổi ô để lấy lại bằng được cái ô quí giá, thì đúng là chỉ có “Chú Khách” Lưu Kì Đông mới nghĩ ra, mới thực hiện được. Như vậy, truyện “Thương nhân người Hoa” đâu chỉ kể chuyện một Lưu Kì Đông cụ thể, mà truyện đã toát lên một chân dung to lớn hơn nhiều, và đấy chính là thành công kiểu “ý tại ngôn ngoại” rất đáng chú ý của truyện ngắn này.

Tôi đã đọc một mạch các truyện “Tiên An nhất kiếm”, “Chùa Kim Liên”, “Thiền sư Hạnh Đức”, “Hắc Kim Ô”, “Phạm Ông và tiều phu”, “Thuyền trăng” và “Duyên chè”. Đọc say mê và nhớ lại những đêm đã xa lắm, thuở những năm 59, 60 của thế kỉ trước, nằm ghé sách bên ngọn đèn dầu đọc bộ tiểu thuyết “Trần- Nguyên chiến kỉ” viết về ba lần đánh quân Nguyên của vua tôi nhà Trần mà tác gia là cụ Đặng Xuân Viện, thân phụ cố TBT Trường Chinh, người đã viết gần hai mươi bộ sách có tiếng. Cái lạ khi đọc những truyện này là, ta đang đọc đấy mà lại như đang được nghe một giọng trầm đầy ma mị kể ta nghe những chuyện xẩy ra ở thời đã xa lắm. Đó là chuyện giữa hai nhà sư Phương trượng Tuệ Trí và thiền sư Hạnh Đức đang trụ tại ngôi chùa Kim Liên. Mối quan hệ của hai nhà tu hành cùng là đệ tử nhà Phật, tưởng thanh sạch chẳng vương víu chút bụi trần, nào ngờ vẫn tiềm ẩn sâu xa mối tị hiềm danh lợi của người trần mắt thịt (Thiền sư Hạnh Đức). Hiện lên trước mắt ta chuyến vi hành của nhà vua cuối đời Trần lên chùa Kim Liên trên núi Tử Yên, chuyến đi ẩn chứa bao chuyện về nhân tình thế thái, về Thiền phái Trúc Lâm, trong truyện T“Chùa Kim Liên”. Ta như lạc về một thời rất xa, thời của giang hồ kiếm khách (giống như thời các võ lâm hảo hán vẫy vùng đi mây về gió trong các tiểu thuyết của Kim Dung), trong loạt truyện “Tiên An nhất kiếm”, “Hắc Kim Ô”, “Phạm Ông và tiều phu”, “Duyên chè”. Dừng lại ít phút cho đầu óc bứt ra khỏi trạng thái hồi hộp, lo lắng dõi theo các pha săn đuổi, đấu võ của mấy truyện trên đây, tâm hồn ta sẽ nhẹ nhõm, lâng lâng ý vị khi đọc hai truyện “Diều” và “Thuyền trăng”. Lấy việc làm những con diều và bộ sáo, cùng với việc thả diều và bán diều làm nền, thiên truyện “Diều” gợi mở nhiều chuyện sống ở đời. Một truyện không có cốt truyện để kể lại, mà lạ và hay. “Thuyền trăng” cũng cùng hơi hướng như “Diều”, chỉ là chuyện anh trai đi tìm người em thất lạc, mà đọc thật cuốn hút.

Như vậy, gấp sách lại, ngẫm ra: Cả cuốn sách của Hà tiên sinh có 13 truyện, thì chí có ba truyện “Hai người bạn”, “Thủ tiết” và “Chuyến tầu sông cuối cùng” là viết theo kiểu văn chương thời nay, từ cốt truyện, dẫn truyện đến cách viết lời thoại (mà không, các lời thoại cũng viết theo lối cổ, không theo văn phạm Pháp viết chữ La tinh nữa). Ngẫm ra điều này, tôi mỉm cười ngắm chân dung tác giả cuốn sách, trong đầu chợt lóe ra những ngạc nhiên. Quái, năm nay đã bẩy mươi lăm tuổi (ta) mà gương mặt Hà Phạm Phú vẫn toát ra vẻ hào hoa tươi trẻ thế nhỉ? Thần thái quí hiếm ấy từ gương mặt? từ đôi mắt? từ nụ cười? hay cả từ mái tóc? Không, tất cả từng thứ ấy trời cho cộng lại, làm nên. Và, có phải cái khí chất hào hoa tươi trẻ đó thúc giục ngòi bút viết truyện của ông không muốn mãi viết theo một cách thức đã thành nếp quen mà ông và mọi người bấy lâu nay vẫn tuân theo khi cầm bút? Ông muốn tìm cho mình cách viết khác. Cách vào truyện nhanh và thiết thực, không rườm rà. Kể phải ung dung, thanh thản, giữ sự chủ động, điềm tĩnh. Thoại sao cho chắt lọc, tự nhiên như người đời vẫn nói với nhau, không cần ngoặc kép, chẳng phải gạch đầu dòng. Giọng văn, câu văn phải đúng thời, thời nào văn nấy. Viết truyện lịch sử mà lấy ngôn ngữ thời nay để viết thì hỏng. “Lại nhớ sư tổ Trúc Lâm khi truyền y bát cho Pháp Loa có dạy, các sự việc tương tác Nhân- Quả trùng trùng duyên khởi. Nhân cũng còn gọi là Duyên hay Nghiệp, và một khi đã gieo Duyên hay Nghiệp thì ắt sẽ có Quả. Nhưng Duyên có thuận và có nghịch, ứng với thuận Duyên là Thiện Nghiệp, nghịch duyên là Ác Nghiệp. Từ Duyên đến Quả là một lí trình dài…” Đấy là một đoạn Luận, và phải viết thế (Truyện “Chùa Kim Liên”). Còn Tả? “Trăng trong. Gió biển lồng lộng. Chân sóng lấp lánh ánh lân tinh, tạo ra một thế giới kì ảo. Y hét to, tung nhị- thạch- xích lên cao. Nhị- thạch- xích biến thành con giao long quẫy lượn trên không trung. Bầu trời trong sáng như có ánh chớp rạch ngang. Những bắp cơ trên ngực, trên tay y cuộn lên như đàn giao long con…” (Truyện “Tiên An nhất kiếm”). Viết vậy được chưa? Tôi ngắm nụ cười rạng rỡ trong tấm ảnh khi vừa đọc xong thiên truyện, và cứ hình dung ra một nhà văn Hà Phạm Phú đang ngồi trước máy tính, lúc chau mày tự hỏi và có lúc gật đầu hài lòng khi viết những truyện ngắn đậm chất kiếm hiệp và dã sử tôi vừa đọc xong. Bỗng nhớ ra, không phải bây giờ, mà từ đầu những năm 90 thế kỉ trước ông đã phóng bút viết tiểu thuyết “Lữ quán” theo cách thức này và thành công, tạo được sức hấp dẫn người đọc khiến báo chí phải lên tiếng. Năm 2011, ông trở lại cách viết “Lữ quán” để viết tiểu thuyết dã sử “Trưng Trắc”, không giống cách viết dã sử của các bạn nghề. Có thể coi đó là hai cuộc lãng du về bút pháp mang tính thử nghiệm của nhà văn họ Hà khi ông viết tiểu thuyết, để ông vững tin viết loạt truyện ngắn theo cách thức này trong “Chuyến tầu sông cuối cùng” hôm nay, tạo nên hương vị lạ và sức hấp dẫn riêng cho hơn 200 trang truyện mới của ông.

Xin chúc mừng những cuộc lãng du bút pháp ấn tượng của nhà văn.

Khương Đình, Hà Nội tháng 6/ 2017

P.N.C