Nhưng người dân từ chối. Họ muốn mời ông Chung đến đối thoại ở nhà văn hóa thôn Hoành. Ông Chung và đoàn công tác đợi ở huyện. Còn người dân thì tập trung ở nhà văn hóa thôn đợi ông.
Cả 2 đều ngóng nhau, và tôi tin đó là một sự chờ đợi chân thành. Nhưng cuối cùng thì không có cuộc gặp nào diễn ra cả, trong ngày hôm qua.
Chủ tịch thành phố từng là một người nổi tiếng vì các cuộc thương thuyết, đàm phán trong giải cứu con tin. Năm 2014, vụ thương thuyết tại nhà E6 tập thể Thanh Xuân Bắc – Hà Nội, kẻ khống chế con tin sau khi nghe ông Chung thuyết phục, đã buông hung khí, đầu hàng. Trước đó nữa, tháng 11 năm 2013, ông Chung tổ chức giải cứu thành công cháu bé bị một kẻ phê ma túy bắt cóc từ bệnh viện Nhi Trung ương. Đó chỉ là hai vụ tiêu biểu.
Thời đó, ông còn công tác ở CATP Hà Nội. Và suy cho cùng, các cuộc thương thuyết với tội phạm, thì ngoài khôn khéo ra, còn được phép có sự quyết liệt. Nghĩa là tình huống xấu nhất, thì có thể sử dụng vũ lực.
Nhưng ngày hôm nay, ở Mỹ Đức, người dân thôn Hoành có phải là “đối tượng” không? Hay nói cách khác, có phải tất cả họ đều là “đối tượng” không? Và mặc dù còn nhiều con tin đang bị giữ trong thôn, thì phương án sử dụng vũ lực là không thể.
Điều ấy, ông Chung đã khẳng định vào tối qua, ông bác bỏ các tin đồn gây hoang mang trong cuộc họp với lãnh đạo xã. Chủ tịch Hà Nội một lần nữa đề nghị bà con nhân dân xã Đồng Tâm thả toàn bộ những người bị bắt giữ. Ông khẳng định: “Nhà nước luôn tôn trọng người dân và sẽ không có việc tấn công, giải cứu”. Tuy nhiên, vị Chủ tịch cũng chia sẻ "việc gì cũng có giới hạn". Giới hạn ở đây là gì? Và thế nào hay khi nào là vượt qua giới hạn?
Đó hẳn nhiên không phải là một lời đe dọa. Nhưng chắc chắn là một lời cảnh báo.
Sự dằng dai như hiện nay, với một số lượng không nhỏ con tin bị bắt giữ trái phép, đang dần dần đẩy mọi việc đi quá giới hạn. Không thể để con tin bị giam giữ trái phép hàng tháng trời. Cũng không thể để một làng xóm biến thành khu tự trị, thách thức pháp luật và chính quyền. Quốc có quốc pháp, và bây giờ không còn là thời phép vua thua lệ làng.
Nhưng mà ở phía bên kia “chiến tuyến”, đa phần là những người nông dân.
Những nông dân đang hoang mang, thậm chí sợ hãi. Họ ý thức được rằng mình đã đi quá xa. Hôm qua, một lão cao niên trong thôn Hoành thừa nhận rằng bà con trong thôn đã nhận thức được việc bắt giữ người thi hành công vụ là sai trái.
Vậy nên, người dân Đồng Tâm muốn thấy một vị lãnh đạo, chỉ với chiếc sơ mi trắng và quần âu, vào tận thôn Hoành để đối thoại với họ.
Quyết định không vào thôn của đoàn công tác, suy cho cùng cũng là hợp lý. Nhưng nó cho thấy, niềm tin giữa đôi bên chưa đủ.
Nhưng trong những chuyện như thế này, người dân không tin quan là thường. Làm quan, khổ nỗi bắt buộc phải tin dân. Bởi vì người ta không thể cứ nghi kỵ dân. Mà ngược lại, bằng lòng tin, người ta có thể thu phục lòng tin của hàng nghìn, hàng vạn người.
Bên kia những ụ đất, gậy gộc, đống đá, là lũy tre làng. Cái liềm vung lên thì là hung khí, cúi xuống thì là nông cụ. Người dân Đồng Tâm tâm sự, họ đã đuổi cả những kẻ mà họ gọi là “bọn phản động chống Đảng” đi, không hợp tác khi được đề nghị. Vậy thì chính quyền hãy tin ở dân. Giờ cần người giúp họ và giúp chính mình thoát khỏi thế bế tắc này.
Đây là cơ hội vàng để gỡ nút thắt. Chuyện đúng sai, chuyện xử lý giải quyết hậu quả, cứ hạ nhiệt đi rồi mới nói tiếp được. Giờ cái cần tháo ngòi nhất là đưa những cán bộ công quyền đang bị giữ ở thôn Hoành ra ngoài.
Bất kỳ ai - dù là lãnh đạo thành phố hay các đại biểu dân cử - chịu trách nhiệm đứng ra làm người thương thuyết trong vụ này, sẽ là người gỡ ngòi. Và người đó, cần một sự dũng cảm.
Không phải dũng cảm chỉ với người dân mà còn dũng cảm với cả hệ thống sau lưng mình.
Gia Hiền