Đọc “Vùng trời thủng” của Kiều Vượng
QUANG VŨ
Chắc chắn khi đọc tiêu đề bài viết này sẽ có không ít người nghĩ: Xưa rồi! Tiểu thuyết “Vùng trời thủng” ra đời đã gần 30 năm, mà nay mới đọc, mới thể hiện cảm nhận. Có lẩm cẩm không? Vâng! Xin thông cảm và thứ lỗi! Tôi đã làm việc hơn ba mươi năm trong ngành Giao thông vận tải. Chính vì thiếu thốn, khó khăn gian khổ và áp lực quá lớn của một ngành đặc thù mà những người ham đọc sách rất ít có cơ hội, điều kiện để đọc. Có chút thời gian chúng tôi chỉ cố tìm kiếm những tác phẩm gây xôn xao dư luận, được nhiều người chú ý. Sự quan tâm của chúng tôi không phải tác phẩm được giải này giải nọ mà là: Vấn đề tác phẩm đề cập có phải là vấn đề nhân sinh, tư tưởng, lẽ sống, động lực sống, tình cảm, tình yêu thương muôn thuở của con người mà họ đã từng sống, trải nghiệm, khao khát, ước muốn hay không?
Cho đến gần đây khi được về nghỉ chế độ, tôi mới tìm và đọc những tác phẩm viết về giao thông vận tải, một ngành mà tôi đã gắn bó cả cuộc đời. Thật hợp ý khi tôi mượn được tiểu thuyết: “Vùng trời thủng” của nhà văn Kiều Vượng (Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành 2003). Có sách là đọc ngay, đọc kỹ.
Nhưng sau khi đọc xong tác phẩm, tôi cảm thấy có gì đó không ổn. Nhìn chung tác phẩm có hiện thực, có chất liệu đời sống, có tổ chức, có tập thể lao động. Tác giả đã xây dựng được một số nhân vật có lòng tự trọng cao, có tình yêu thương đồng đội, biết sẻ chia, thông cảm trong khó khăn, thiếu thốn, có trách nhiệm, tận tụy với công việc, có sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai...
Tuy nhiên, tác phẩm lại có cách nhìn nhận vấn để, lý giải và dẫn dắt bởi tư tưởng, suy nghĩ, ý thức, thấu hiểu không giống với tư tưởng, suy nghĩ, lẽ sống, ý thức, tình cảm của hầu hết những con người được sống trong hòa bình, dân chủ, độc lập tự do. Để xem xét thêm tôi cố công tìm hiểu một số bài viết về “Vùng trời thủng”. Tác phẩm xuất bản đã lâu, báo và tạp chí đã vào kho lưu trữ, chỉ còn cách là tìm trên các trang mạng chính thống. Có hai bài viết về “Vùng trời thủng”. Hai bài này cũng mới chỉ ở mức “nhìn nhận bề nổi”. Bài thứ nhất của Hỏa Diệu Thúy trên trang “Tonvinhvanhoadoc.vn” có tiêu đề “Bản tráng ca thanh niên xung phong”. Viết sau khi “Vùng trời thủng” nhận giải thưởng văn học Sông Mê Kông (9/2012). Bài viết có 1.335 lượt người đọc. Bài thứ hai của Hoàng Thị Anh trên báo Thanh hóa điện tử thứ 5 ngày 20 tháng 10 năm 2016 có tiêu đề “Vùng trời thủng Bản tráng ca Thanh niên xung phong”. Không thấy ghi lượt người đọc. Đánh giá về tác phẩm của hai bài viết gần giống nhau, ngoài việc ca ngợi, tôn vinh việc làm của những người thanh niên tình nguyện phá núi mở đường còn “ca ngợi, thán phục” tác giả “Vùng trời thủng”.
Tôi không làm công tác văn hóa tư tưởng, không phải nhà quản lý văn hóa, văn nghệ, cũng không làm công việc nghiên cứu lý luận phê bình hay biên tập văn học mà chỉ là người đọc sách. Nhưng tôi cũng xin được nói ra những nhìn nhận của riêng mình về những điều không ổn mà theo tôi đó là những đám “mây đen” trong “Vùng trời thủng”.
- “Vùng trời thủng” ngợi ca sức chịu đựng bền bỉ của con người, nỗ lực của mỗi cá nhân, thành quả lớn lao mà họ mang lại, nhưng động cơ và nguyên nhân để làm việc và có được những điều đó lại không từ một nền tảng tư tưởng tốt đẹp mà mang tính tự phát, bản năng, cam chịu:
Như chúng ta biết, sau khi đất nước thống nhất 1975. Cả nước bắt tay vào công cuộc xây dựng với biết bao nhiêu khó khăn thiếu thốn ở tất cả mọi ngành, mọi nghề, mọi nơi. Hàng loạt mục tiêu, kế hoạch được đặt ra. Những công trường, nhà máy, công ty, ban, ngành được thành lập để thực hiện các mục tiêu, kế hoạch ấy. Rất nhiều những con người, tập thể lao động xã hội chủ nghĩa đã được xây dựng, hình thành. Họ đã ý thức được vinh dự và trách nhiệm lớn lao. Đó là những “Con người mới xã hội chủ nghĩa”, những “Thanh niên ba xung kích làm chủ tập thể”. Thế mà Kiều nhân vật chính (Cán bộ chủ chốt - Con người mới xã hội chủ nghĩa, nhân vật liên kết mạch truyện) lại phát biểu như thế này:“Chuyện chính trị hay chuyện ở tỉnh em nghe cũng như chuyện ngoài đường ngoài chợ cả thôi. Anh nói với em làm gì những chuyện ấy”. (Trang 194 – “Vùng trời thủng” N.X.B Thanh niên 2003). “Nhân vật tôi” thờ ơ hay mỉa mai? Chỉ trích hay đánh giá, nhận định chính trị? Chuyện chính trị là tư tưởng, là lập trường, là lý tưởng, là lẽ sống, là ý chí cách mạng, là nhận thức về chủ trương đường lối của mỗi cá nhân, của cả một dân tộc dưới sự lãnh đạo của một tổ chức cầm quyền. Con người phải hy sinh biết bao mồ hôi, trí tuệ, xương máu mới giành được độc lập tự do, đạt được thành quả, sao lại “cũng như chuyện ngoài đường ngoài chợ” ?
Giữa thời kỳ mà phong trào “Thanh niên ba xung kích làm chủ tập thể” phát triển rầm rộ, mạnh mẽ trên khắp cả nước từ Trung ương đến địa phương mà ca thán: “Mà làm việc thời này mình có quyền gì với chính bản thân mình đâu” (Trang 194 - sách đã dẫn). “Thời này” là thời nào mà không có quyền với bản thân? Đây là vấn đề nhân quyền. Rất nhạy cảm! Tinh thần làm chủ tập thể, làm chủ bản thân ở đâu? Tác giả có biết trong thời kỳ ấy Đơn vị Thanh niên tình nguyện mở đường mà tác giả lấy đó làm bối cảnh để viết là một trong nhiều Cơ sở Đoàn đã được Trung Ương Đoàn T.N.C.S Hồ Chí Minh tặng cờ thi đua “Thanh niên ba xung kích làm chủ tập thể” hay không?
Một tập thể lao động toàn là đoàn viên T.N.C.S Hồ Chí Minh mà giễu cợt những nốt ghẻ trên thân thể người con gái là “Hoa cách mạng” – (Tối nay nội bất xuất...Tất cả mọi người trong tiểu đội đều phải xử lý “Hoa cách mạng”) và tiếp (Cách mạng cách miếc cái ma tây chi. Cứ nói là bôi thuốc ghẻ cho xong) (Trang 88 - sách đã dẫn). Cách mạng ở đây, dù là cách mạng chung chung hay một cuộc cách mạng cụ thể thì khi đọc lên ta thấy lộ rõ ý mỉa mai, giễu cợt và biểu hiện phản cảm, thiếu văn hóa. Cách mạng là những gì thay cũ, đổi mới mang lại những văn minh, tiến bộ, tốt đẹp, hạnh phúc cho đời sống, cho hàng triệu con người, rất đáng ca ngợi, lưu vào sử sách. “Hoa Cách mạng” là những nốt ghẻ nên kết quả của việc xử lý hoa cách mạng là những cô gái đã nhiễm độc thuốc ghẻ mà chết, mà mang bệnh...
“Nền tảng tư tưởng” của những Đoàn viên thanh niên Cộng sản chịu đựng gian khổ, thậm chí hy sinh tính mạng, làm nên những thành quả xây dựng lớn lao, mở thông 112km đường biên giới hữu nghị Việt - Lào chẳng lẽ lại là như thế ?
- “Vùng trời thủng” có cái nhìn cực đoan, phiến diện, ai oán, đổ lỗi cho công tác tổ chức, cao ngạo cá nhân, không có tính nhân văn đi ngược lại giáo dục về tình người, tình yêu thương cảm thông:
Tác giả lại vẫn cho “nhân vật tôi” , một cán bộ chủ chốt quy kết, ai oán: “Tôi biết mọi tai họa sẽ dồn lên đầu lớp tận cùng là người lao động. Ở vùng đất tôi sinh ra, quả thật chưa có lần thay đổi tổ chức nào lại làm lớp người tận cùng được sung sướng hơn lên” (Trang 201 - sách đã dẫn). Rồi lên giọng cao ngạo “Tôi chỉ nghĩ về tổ chức từ tỉnh, họ thay ê kíp để làm được cái tích sự gì mà dẫn những người tận cùng chúng tôi nơi cuối đất cùng trời này cũng phải lún vào con đường cùng đến vậy”(Trang 208 - sách đã dẫn). Thử hỏi thay đổi tổ chức là chủ trương, đường lối, là trọng trách, là biện pháp của tổ chức nào, của ai? “Nhân vật tôi” là ai, ở cương vị nào mà dám quả quyết như vậy? Đảng bộ và nhân dân cả tỉnh ngồi yên hết sao mà để cho “những người tận cùng” ở đây “lún vào con đường cùng đến vậy”?
Và “ai oán” tiếp: “Có phải chỉ tại con người chúng ta thương nhau quá nên mới ra cảnh cơ cực cho nhau” (Trang 254 - sách đã dẫn). Lời “ai oán” này liệu có thực hay mỉa mai, chỉ trích? Mà dù có thực hay mỉa mai đi nữa thì chúng ta có độc lập, tự do, hạnh phúc, có tình yêu thương con cháu “Lạc Hồng”. Tình thương ấy được giáo dục, chăm chút qua hàng nghìn năm lịch sử, qua biết bao đời, bao thế hệ sao tình thương ấy bị nhân vật của tác giả ngờ vực là nguyên nhân của cơ cực, là tội đồ, tội lỗi?
- “Vùng trời thủng” tụng ca đơn điệu, lộ liễu nhân vật “tôi” nhân vật chính (Kiều) liên kết mạch truyện. “Thương vay khóc mướn”, đặc tính của con người cơ hội:
Đọc hết “Vùng trời thủng” ta chỉ thấy tác giả tụng ca nhân vật chính rất lộ liễu. Dùng các kiểu để tô vẽ “cái tôi” lên với tất cả những cái tốt đẹp của con người và bêu riếu, hạ bệ đồng nghiệp, cấp trên. Nhân vật “ngửa mặt kêu Thượng đế” cho rơi nước mắt: “Ôi Thượng đế! Thượng đế đã sinh ra kiếp người sao lại để quá nhiều kẻ ác cứ nhởn nhơ tồn tại. Họ tồn tại để trả thù chính con người đã và đang phải gánh chịu bao khổ ải ở trần gian.”(Trang 208 - sách đã dẫn). Tiếng kêu van Thượng đế thật hay giả? Đại thi hào Nguyễn Du cũng mới chỉ “đau đớn thay” cho một nửa nhân loại, còn ở đây “nhân vật tôi” kêu cho cả kiếp người. Sau khi hòa bình lập lại, rồi tiếp đến thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, mọi người cùng nhau xây dựng, bảo vệ cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc. Còn đâu mà “quá nhiều kẻ ác”, còn đâu “trả thù con người khổ ải” mà nhân vật “tôi” “giỏ nước mắt ngược...” Đọc lên, ta cảm nhận tiếng kêu Thượng đế, cái “tình thương con người” kiểu ấy chỉ là “thương vay, khóc mướn” mà thôi. Tô vẽ cho mình để hạ bệ phẩm chất của người khác. Và loanh quanh vẫn chỉ là “lo lắng, day dứt, trằn trọc thâu đêm, nghẹn ngào nước mắt, tìm đến nghĩa trang...” những chiêu tô vẽ sáo mòn của người cơ hội và không có gì lạ.
“Vùng trời thủng” mưa mù dày đặc nên không dễ nhận ra “mây đen”. Thiên nhiên hoang dã, khắc nghiệt đã làm cho con người phải chịu đựng đến cùng cực, đến ghê rợn thiếu thốn, mất mát để thực hiện ước mơ. Đó là những bất khả kháng, những rủi ro đau đớn mà khát vọng của những người khai phá mở cõi dù trí tuệ đến mấy, cố gắng đến mấy, dù vắt kiệt sức lực bao nhiêu vẫn không thể tránh khỏi. Công sức, trí tuệ, gian khổ, mất mát, đau thương càng nhiều thì giá trị của thành quả của hạnh phúc càng lớn lao. Nhưng nếu nhìn nhận lý giải vấn đề như nhân vật Kiều, có lẽ khi mọi người mừng rơi nước mắt hạnh phúc vì con đường ước mơ đã biến thành sự thật thì Kiều vẫn một mình với đám “mây đen”...
Thanh Hóa, mùa mưa phùn 2017
Q.V