Theo tôi, Nhà nước cũng nên bổ sung thêm việc xét trao giải thưởng đối với các công trình của GS.TS Luật sư Nguyễn Mạnh Tường; GS – Nhà văn Trương Tửu; Họa sĩ Bùi Trang Chước . Điều này vừa làm danh giá cho giải thưởng và tăng thêm uy tín của Nhà nước đối với trong nước và thế giới.
GIẢI THƯỞNG VÀ VĂN CHƯƠNG ĐANG DÌU NHAU BƯỚC XUỐNG
Khi manh nha biết danh sách các tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017, tôi đã viết: “GIẢI THƯỞNG VÀ VĂN CHƯƠNG ĐANG DÌU NHAU BƯỚC XUỐNG”. Nay Chính phủ đã chính thức công bố danh sách tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017, tôi thấy có mấy điểm như sau.
Đầu tiên, phải nhắc lại câu kết tôi đã viết trong bài nêu trên: “Quả thật, lúc này tôi cũng không hiểu Văn chương làm danh giá cho Giải thưởng hay Giải thưởng làm danh giá cho Văn chương nữa. Có lẽ cả hai đang dìu nhau bước xuống”.
Bởi vì, nhìn vào danh sách các tác giả được trao giải thưởng thì tác phẩm của họ không tiêu biểu cho văn chương, nói rằng “vơ bèo vạt tép” hoặc “hết nạc vạc đến xương” đều không có gì là thái quá. Đã hết rồi thời của những tác phẩm đỉnh cao để “so bó đũa chọn cột cờ”. Những tác phẩm của các tác giả bạn đọc nghe đến đều lạ lẫm như trên… Sao Hỏa.
Thứ hai, tôi giở lại Nhật ký ngày 27-11-2010 khi trò chuyện cùng Họa sĩ Trần Duy (1920 – 2014), tại nhà riêng trong ngõ phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Hôm đó, sáng trời hơi lạnh. 9h tôi đến. Họa sĩ đang ăn sáng. Cô Thao, người giúp việc của ông dẫn tôi vào, ông chợt nhớ ra là có hẹn trước: “À, mình suýt quên (^-^), đến đúng hẹn thế!”.
Khi tôi nhắc tới việc năm 2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định trao/ truy tặng Giải thưởng Nhà nước cho các tác phẩm của nhà thơ Hoàng Cầm (1922 – 2010), Trần Dần (1926 – 1997), Lê Đạt (1929 – 2008), Phùng Quán (1932 – 1995), Họa sĩ Trần Duy nhận xét: “Lúc người ta sống thì không. Lúc chết thì cái đó là anh làm cho người sống chứ không phải anh làm cho người chết. Đó là cái thứ vớt vát”.
Họa sĩ Trần Duy cho rằng việc bình xét, đánh giá tác phẩm nghệ thuật không công bằng, không khoa học. “Tất cả những cái gì của mình làm là bằng trực tính, bằng trực cảm, bằng cảm tính... và không có khoa học… Tôi lấy ví dụ, hội họa, ông Tr.Đ.Th (nguyên Hiệu trưởng ĐH MT) là người vẽ rất xấu, vẽ rất tồi; ông H.V.Th (nguyên Bí thư Đảng đoàn Hội MT VN) là cái người vẽ rất tồi (^-^)”.
Nhưng mà những người đó, theo Họa sĩ Trần Duy cho biết, họ lại có tiếng nói của những người phán xét những người sau. Ông bình luận rằng: Người lãnh đạo nghe tư vấn lệch lạc, vì thế mà sự nghiệp của người xứng đáng lại không được tôn vinh.
NHIỀU NỖI… SỮNG SỜ
Điều này chúng ta đã thấy khi trong danh sách Giải thưởng Hồ Chí Minh ngành Văn học đã không có tên Nhà thơ Thu Bồn (1935 – 2003) và Nhà thơ Xuân Quỳnh (1942 – 1988). Mới đây, trong lĩnh vực Âm nhạc, dư luận và gia đình lại thêm sững sờ khi Nhạc sĩ - NSND Đinh Ngọc Liên (1911 – 1990), một trong những người sáng lập ra Hội Nhạc sĩ Việt Nam, là tác giả của nhiều tác phẩm khí nhạc kinh điển cũng bị loại khỏi danh sách ở Hội đồng cấp cao nhất.
Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hồ sơ của Nhạc sĩ - NSND Đinh Ngọc Liên đã vượt qua 3 vòng xét duyệt, đủ các hồ sơ và đứng đầu danh sách đề nghị với 100% số phiếu bầu của Hội đồng xét duyệt nhưng lại không có tên trong danh sách nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh vừa công bố.
Tác giả Đào Bích – Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã viết: “Nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên là một trong những bậc lão thành của nền âm nhạc Việt Nam. “Không thể đo đếm hết những đóng góp của ông đối với cuộc kháng chiến và âm nhạc cách mạng dân tộc. Cả cuộc đời ông dành trọn cho những sáng tác và phát triển khí nhạc”. Điều này làm tôi nhớ đến Họa sĩ Bùi Trang Chước (1915 – 1992), tác giả Quốc huy Việt Nam. Cho đến nay, ông cũng chưa hề nhận được một sự đánh giá đúng mức nào của Nhà nước đối với những cống hiến mà ông đã dành cả đời đóng góp: Sáng tác Quốc huy, vẽ tem bưu chính đầu tiên, vẽ tiền – những mấu giấy bạc đầu tiên của Bộ Tài chính cũng như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…
Cũng như gia đình Nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên, chưa bao giờ gia đình Họa sĩ Bùi Trang Chước đòi hỏi “bản quyền” các tác phẩm của cha ông họ đến bây giờ vẫn được Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội sử dụng (như Biểu tượng Tổng LĐLĐ Việt Nam, mẫu Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập…) mà chỉ lấy đó làm niềm tự hào của gia đình.
CÓ AI ĐẶT BƯỚM LÊN VAI BAO GIỜ ?
Một điểm cũng đáng lưu ý là, nhìn vào danh sách các tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017, những ai đã từng theo dõi sự kiện này hẳn chưa quên có những tác giả bị tố cáo “cầm nhầm” công trình của người khác ở lần xét giải trước đây (Tôi xin phép không nêu đích danh. Vào năm trước đây, các vị kiện tụng nhau om sòm như chợ vỡ).
Ở một mặt khác, sơ bộ mà tính, đã có đến 30 tác giả trượt Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017 cấp Nhà nước. Nhiều tác giả đáng bị đánh trượt vì tác phẩm không xứng đáng. Nhìn vào việc xét giải thưởng, như tiêu chí là đánh giá tác phẩm. Vậy thì, các tác phẩm phải xứng đáng với giải thưởng, nói như người xưa, y phục phải xứng kỳ đức. Câu chuyện “hết nạc vạc đến xương”, cứ trao giải thưởng mà không tôn trọng quy chế sẽ dẫn đến việc làm mất đi danh giá của giải thưởng, như dân gian có câu rằng “Còn nhiều cái thẻ đeo sai/ Có ai đặt bướm lên vai bao giờ”?
“Y PHỤC XỨNG KỲ ĐỨC”
Như trên tôi đã nói, các tác phẩm phải xứng đáng với giải thưởng. Vẫn còn những tác giả, tác phẩm Nhà nước đã lãng quên họ. Xin nêu ví dụ như GS.TS Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909 – 1997) với các công trình nghiên cứu về Văn học Hy Lạp – La Mã (Eschyle và bi kịch cổ đại Hy Lạp; Virgile và anh hùng ca La tinh; Oresteia, bộ ba vở kịch cổ đại Hy Lạp - dịch) Giáo dục học (Lý luận Giáo dục châu Âu thế kỷ XVI, XVII, XVIII, từ Erasme tới Rousseau); GS – Nhà văn Trương Tửu (1913 – 1999) với các công trình nghiên cứu về Văn học (Văn nghệ bình dân Việt Nam; Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du; Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam)…
Thủ tướng Chính phủ vừa qua đã có văn bản yêu cầu Bộ VH-TT&DL báo cáo giải trình về trường hợp Nhà thơ Thu Bồn và Nhà thơ Xuân Quỳnh, theo tôi, Nhà nước cũng nên bổ sung thêm việc xét trao giải thưởng đối với các công trình của GS.TS Luật sư Nguyễn Mạnh Tường; GS – Nhà văn Trương Tửu; Họa sĩ Bùi Trang Chước . Điều này vừa làm danh giá cho giải thưởng và tăng thêm uy tín của Nhà nước đối với trong nước và thế giới. Chúng ta hãy nhìn vào việc xét trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II năm 2000, trong đó có cố GS Triết học Trần Đức Thảo (1917 – 1993) và cố GS Hoàng Xuân Hãn (1908 – 1996). Đặc biệt, hãy nhìn thật sâu sắc về Giải thưởng Hồ Chí Minh truy tặng cố GS Hoàng Xuân Hãn năm 2000 – nó đã vượt ngoài câu chuyện của một giải thưởng./.