Trường ca Việt Nam thế kỉ XX phát triển rộng mở và mạnh mẽ, nhất là thời kì đổi mới (sau 1986) đến nay. Các nhà nghiên cứu thường gọi giai đoạn này là Đợt sóng trường ca lần thứ hai. Cũng bắt đầu từ đây trở đi, trường ca Việt Nam bước hẳn sang một giai đoạn mới, giai đoạn tìm tòi, biến đổi ở cả hai phương diện: nội dung và hình thức nghệ thuật.
Trường ca trước 1975 kéo dài đến 1986( Đợt sóng trường ca lần một), mang đậm dấu ấn sử thi và tự sự. Âm hưởng chủ đạo trường ca giai đoạn này là ngợi ca, tôn vinh cuộc chiến tranh của dân tộc ( Một nền thơ tràn trề niềm tin và hy vọng chắc nịch- chữ dùng của giáo sư Trần Đình Sử). Cách nhìn của các tác giả thường một chiều, đứng hẳn về (Bên thắng cuộc), quan hệ giới tuyến rạch ròi giữa ta và địch: “Ôi nhân dân, tấm lá chắn diệu kì/ Người biết nhận về mình mọi vết xăm cho căn hầm nguyên vẹn” (Đường tới thành phố - Hữu Thỉnh), những người lính vô danh chiến đấu kiên cường, sẵn sàng hi sinh vì tổ quốc: “Người lính nằm đợi thù/Thời gian dồn thuốc nổ/ Đêm nhập cùng màu áo/ Áo nhập cùng đêm khuya/ Họ đã sống những đêm ròng ghê gớm/ Ném thủ pháo, chôn mìn, nổ súng/ Lửa tóe lên từ ngực áo mưa dầm/ Họ nằm bên xác người đã khuất/ Nước mắt lưng tròng nối bước xung phong” (Nguyễn Đức Mậu), “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?” (Những người đi tới biển – Thanh Thảo)...
Sau năm 1975, cùng với những biến động lớn lao của lịch sử- xã hội; sự nhất thể hóa các dòng văn học trong nước và đặc biệt là sự tương tác, ảnh hưởng trực tiếp của văn học thế giới, đã tạo ra một cột mốc cho nền văn học trong nước. Có thể nói, đây là thời kỳ có nhiều chuyển động mạnh mẽ trong các sáng tác, là thời kì lên ngôi của cái tôi cá nhân, cá thể, cái tôi bản thể. Bởi vậy, hiện thực được các tác giả tập trung khai thác là mảng hiện thực của thân phận cá nhân con người, của chiều sâu tâm linh, chiều sâu suy tưởng... Chiến tranh đi qua, với độ lùi thời gian nhất định, trường ca giai đoạn này có điều kiện nhìn nhận, suy tưởng về những gì đã xẩy ra ở nhiều góc độ khác nhau một cách sâu sắc hơn, nhân văn hơn. Đó là hiện thực đã được nới rộng biên độ với dư âm bộn bề của cuộc sống, thân phận con người, đi sâu vào thế giới nội cảm của con người qua những chiêm nghiệm, suy tư, băn khoăn, trăn trở về quá khứ, những chuyện hôm nay và cả chuyện tương lai... Nhận định về vấn đề này, Thanh Thảo trong “Đứng trên chính đôi chân mình” đã viết: “Và phải nói, từ Trầm tích của Hoàng Trần Cương, tới Đổ bóng xuống mặt trời và nhất là Ngày đang mở sáng của Trần Anh Thái, người ta được đọc chiến tranh ở cự ly gần hơn, và hiểu được tâm trạng, tâm tình của người lính trận sau mỗi trận đánh hơn. Họ cảm nhận chiến tranh ở mức không thể sát sạt hơn. Chính cái xáp mặt với chiến tranh, cái nhìn và cách nghĩ trầm tĩnh hơn sau khi đã ra khỏi cuộc chiến một thời gian dài, có độ lùi sâu hơn, đã khiến cho trường ca của họ mang một dáng vẻ riêng, đóng góp vào kho tàng những tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam”.
Là một gương mặt tiêu biểu của trường ca Việt Nam hiện đại, Trần Anh Thái với bộ bốn trường ca “Đổ bóng xuống mặt trời” (1999) “Trên đường” (2004), “Ngày đang mở sáng” (2007), “Mỗi loài hoa một mặt trời” (2015) đã làm mới diện mạo trường ca Việt Nam, đặc biệt là trong cái nhìn về chiến tranh. Chiến tranh được nhìn từ góc độ người trong cuộc, trên hết là chiến tranh nhìn từ tính người.
Trong cuộc tọa đàm “Trường ca Trần Anh Thái” PGS.TS Lưu Khánh Thơ nhận định “Mỗi trường ca của Trần Anh Thái có nghệ thuật thể hiện riêng, nhưng cả ba trường ca thì có chủ đích. Cách phản ánh chiến tranh vẫn như một cảm hứng ám ảnh chủ đạo […] Tác giả không nói trực diện đến chiến tranh, không tranh luận chính nghĩa hay phi nghĩa mà nói về bi kịch của một dân tộc”. Cái nhìn của tác giả là cái nhìn nhân bản, chân thực, trực diện vào cuộc chiến: “Xác quân thù xác bạn gục vào nhau” “ Kẻ thất trận dưới chân đồi lê bước/ Kéo hoàng hôn rã rời/ Kẻ thắng trận hai tay ôm mặt khóc/ Thương tích tạc vào gió thổi ngàn sau...”.
Lấy tính người làm tiêu điểm nhìn nhận xuyên suốt cuộc chiến, Trần Anh Thái ở một góc nhìn khác, không phân biệt chiến tuyến ta/địch, kẻ thù/đồng đội để đánh giá hay nhận xét. Mà bằng cảm quan sâu sắc hơn, nhân văn hơn ,Trần Anh Thái nhìn cuộc chiến bằng cái nhìn nhân bản, cái nhìn giữa con người với con người. Chính yếu tố đó đã làm trường ca ông vượt qua biên giới của một quốc gia vươn đến tầm nhân loại.
Cũng vì lí do trên, khi tiếp nhận trường ca Trần Anh Thái, chúng tôi sẽ khai thác nó trên bình diện chiến tranh – nhìn từ tính người.
1. Chiến tranh dưới góc nhìn người trong cuộc
Những trường ca trước đây, khi đề cập đến con người, thường người ta hay nói đến những người anh hùng với giọng điệu ngợi ca vang vọng. Kết thúc chiến tranh, giai đoạn 1975 – 1986, mặc dù đã có sự biến chuyển, nhưng hình tượng trung tâm vẫn là những con người vĩ đại, giọng ngợi ca tôn vinh vẫn là chủ lưu: “Cả thế hệ xoay vần đánh giặc/ Mặc quần đùi khiêng pháo lội qua sông…/Cuộc sống ở đây vẫn cuộc sống bình thường/ Cái lạ nhất là không thấy gì cả” (Dấu chân người lính – Thanh Thảo), thái độ căm thù giặc tột cùng: “Ta căm giận ngàn đời chúng mày, giặc Mỹ/ Ta đau buồn đất nước hiểu ta không?” (Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm).
Sau thời kỳ đổi mới năm 1986, đến với trường ca, Trần Anh Thái đã có một cuộc đổi mới và cách tân mạnh mẽ cái nhìn về con người, về chiến tranh. Chiến tranh trong cách nhìn của ông, được triển khai trên tất cả các bình diện: nỗi khổ đau và niềm hạnh phúc tột cùng, tổn thất và những hy sinh, mất mát, những bi thương cùng thân phận cá nhân,… Đặc biệt, vấn đề nhân bản, quan tâm đến số phận, đời tư của những phận người nhỏ bé trở thành tiêu điểm chính trong trường ca của ông. Tác giả không chỉ ngợi ca những chiến công, sự anh dũng của người lính mà còn lật mở những góc khuất, góc tối, sự khốc liệt của chiến tranh: máu, chết chóc và những nấm mồ côi cút khói hương “ Hương khói ngẩn ngơ trên nấm đất không người” “ Mỗi xác người, mỗi thân cây, một vùng rừng bia mộ...”, để đi tìm sự thật, ẩn sâu trong tâm hồn họ. Cùng nói về thân phận con người, về những mất mát đau thương mà con người phải gánh chịu trong suốt cuộc chiến dai dẳng, đằng đẵng, nhưng ở trường ca Trần Anh Thái là một sự khác biệt hoàn toàn so với các trường ca trước đó. Là người lính, trực tiếp tham dự vào cuộc chiến, đã từng vào sinh ra tử, chứng kiến những “ Xác chết chồng xác chết tiễn đưa nhau”, Trần Anh Thái hơn ai hết thấu hiểu chiến tranh chính là thủ phạm của tội ác hủy diệt, nguồn gốc của mọi nỗi bất hạnh và khổ đau, của bóng tối và vực thẳm... Vì lẽ đó, cái nhìn của ông được bao quát ở cả chiều rộng lẫn chiều sâu, ở cả trước, trong và hậu chiến.
Trước khi bước vào cuộc chiến, cũng như bao người lính nông dân khác “ Người lính nông dân dấn thân trận mạc”, mang trong mình sự hồn nhiên trong sáng, tràn đầy nhiệt huyết và hi vọng của tuổi trẻ: “Tuổi mười bảy mộng mơ trích máu cổ tay dạt vào cuộc chiến/ Giấc mơ đi làm Người/ Đất nước như vầng trăng đầu thu ru mình bên bể biếc”. Nhưng khi sáp mặt với cuộc chiến, anh lính nông dân mới ngỡ ngàng nhận ra sự tàn khốc của chiến tranh: “Chiến tranh cắt ngang máu chảy ròng ròng/ Mấy đứa cùng làng cùng tuổi mặt như hoa/ Vừa chợp mắt bom dội mù bốn phía/ Sáng mở mắt đứa mất nửa người đứa sót vài mảnh thịt/ Mặt đất khét mùi máu cháy thuốc bom”. Thực tế kinh hoàng đó sập xuống trước mắt người lính trẻ. Một hiện thực chỉ thấy “máu chảy ròng ròng” “đất khét mùi máu” “Chiến tranh vỡ trong mơ...”. Lí tưởng và hiện thực, mơ mộng và thực tại, đâu là ánh trời soi sáng? Những người lính nông dân tuổi mười bảy ngây thơ, đầy nhiệt huyết phải đối mặt với thực tế khốc liệt: chiến tranh và cái chết. Chưa và không kịp chuẩn bị về tinh thần, người lính bỡ ngỡ lao vào cuộc chiến. Cái mà anh ta nhận được, chỉ là: “Như không thấy gì/ Như không tồn tại/ Như không có bạn/ Như không có người/ Em bé Tà Ôi/ Bóng nhờ mặt đất”. Chiến tranh chỉ là máu và máu, nước mắt và xác người: “Đất đồi phơi xác bạn xác thù”, “Tôi nghe lạnh giữa hai bờ cuộc chiến/ Cái chết nối hàng/ Cái chết tiễn đưa nhau”, “Chiến tranh đi qua dọc con đường đầy hoa tươi và vòng tang trắng. Nắng tháng năm nhòa gương mặt thời gian. Ai đó nấc lên, tiếng gió xiết gào. Tiếng gió tận cùng giật đứt nhọc nhằn trong vòng xoáy bủa vây. Nỗi cô đơn nảy mầm khi ánh ngày tỏa sáng. Khúc ru ca vang xa trong máu và đêm tối. Mây trời vần vũ. Tiếng rầm rì ban mai, lời nguyện cầu tan dần về phía hoàng hôn. Nơi tất cả các vì sao đang thức trong những ngôi nhà phía làng không ngủ”. Người lính bước đầu nhận ra sự vô nghĩa của chiến tranh. Chiến tranh là cuộc chém giết giữa đồng loại và đồng loại, mà kết cục là tàn sát lẫn nhau “Những cái chết mơ hồ/ Những cái chết chẳng thể nào cất lên tiếng nói!/ Những cái chết muôn đời thua cuộc/ Trong trò chơi tạo hóa đặt bày!...”.
Hơn thế, người lính trong trường ca Trần Anh Thái còn hiện lên rất con người ở khía cạnh đời thường. Họ sinh ra không phải là những thánh nhân. Họ là con người cụ thể, nên tất cả những gì thuộc về con người đều thuộc về họ. Họ cũng có những giây phút hạnh phúc và nỗi khổ đau sâu sắc, cũng đầy âu lo, xao xuyến và không ít khi yếu mềm run rẩy. Nhưng không phải là yếu mềm run rẩy trước kẻ thù, mà là yếu mềm run rẩy trước giây phút biệt ly với gia đình, người yêu, nơi chôn nhau cắt rốn. Ở cách nhìn này, chúng tôi đồng quan điểm với cố nhà thơ Dương Kiều Minh khi ông dứt khoát rằng: “Ngày đang mở sáng của Trần Anh Thái là bản giao hưởng gồm nhiều chương khúc, với một loạt các hình tượng, ẩn dụ mang tính tượng trưng (...). Một trường đoạn về tình yêu với giai điệu, tiết tấu và hình tượng da diết, quặn xiết đến “ ngạt thở” trong vẻ đẹp lộng lẫy mang tính sử thi: “ Lời từ biệt cuối cùng/ Trăng đã lặn/ Em thả tóc mơ hồ/ Hương bay xao động/ Mùa thu ngời mắt em/ Về đi em/ Mưa sắp đổ xuống Đông Hoàng/ Biển Đồng Châu sấm chớp/ Đừng lần lữa/ Sau giây phút bặt im đột ngột này/ Đêm gào thét/ Ai tới đỡ em lên/ Dìu em qua sợ hãi đêm dài/ Hãy dũng cảm bước đi/ Biển trước mặt con đường đêm tối/ Chia tay ra trùng khơi/ Chiếc khăn tay này/ Đàn chim đang bay/ Em hãy thả chúng lên / Và đừng e ngại.../ Mưa đã đến/ Người kéo chài giong buồm chèo thuyền về bến/ Cỏ dưới chân ướt sũng cả rồi/ Hòn đá nơi ta ngồi lún sâu trong cát/ Biển mặn trời đêm/ Về đi em/ Anh phải đi trước khi trời sáng/ Để không ai biết anh khụy ngã/ Cái khoảng trống này/ Cỏ sẽ xanh...” đó là một cuộc chia ly hùng tráng có một không hai trong lịch sử thi ca Việt Nam và thế kỷ XX. Phải từ cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại của dân tộc mới có thể sản sinh ra cuộc chia ly hùng vĩ này. Cuộc chia ly của lứa đôi diễn ra trong một cảnh tượng lớn, hội tụ đầy đủ các biểu tượng của thiên nhiên bí ẩn và kỳ vĩ (...) . Nó làm chấn động người đọc bởi khối tình với nước non trong suốt và đỏ chói như những khối hồng ngọc được vớt lên từ đáy đại dương...”.
Không những thế, người lính trong trường ca Trần Anh Thái còn mang trong mình bao nỗi day dứt, băn khoăn; những bối rối và hoài nghi. Ông luôn đặt ra những câu hỏi về con đường đi tới tương lai: “Sau cái chết dai dẳng hãi hùng này/ Có rạng một vòm trời khác”. Cảm nhận về chiến tranh của Trần Anh Thái không hào hùng, không oanh liệt thi vị tràn ngập không khí hoan ca. Ông không ngợi ca tôn vinh chung chung, mà luôn chất chứa những suy tư, hoài nghi; những dằn vặt, lo âu trong sự trầm sâu của suy tưởng. Đọc ông, có cảm giác ở con người ông luôn chìm đắm trong nỗi bất an, day trở; đau đáu trong nỗi buồn đau nhân thế.
Hiện thực tàn khốc, máu, bom đạn, cái chết chồng lên cái chết, khiến con người không thể không luôn truy vấn: “Ai hoan ca, mỗi ngày gióng lên điệu kkèn trên mỗi xác người”. Câu hỏi vang lên ai oán, xót xa. Hỏi đấy mà dường như không thể nào có câu trả lời. Bởi “Chiến tranh không có con đường thứ ba”. Hoặc sống hoặc chết, chỉ có thể có một trong hai lựa chọn. Bản năng sinh tồn không cho phép chọn con đường chết. Bởi vậy, ai cũng ra sức tự cứu lấy chính mình, mà trước hết là phải sống, bằng mọi gía được sống. Nhưng dù sống hay chết, dù thắng hay thua thì chiến tranh cũng là vô nghĩa, là chỉ mang lại nỗi đau thế kỷ, tạc vào gió thổi ngàn sau: “Nhân loại buồn đau trong mọi cuộc chiến tranh”.
Bước ra khỏi chiến tranh, là người trong cuộc, người lính nhận thức chiến tranh một cách sâu sắc, toàn diện hơn: “Ngày ấy chúng ta đi ước vọng tràn trề/ Khát tự do như khát khô trên sa mạc/ Tuổi mười bảy mơ hồ trung thực/ Ước một khoảng trời bình yên che chở mẹ ta/ Bông hoa cúc dại cánh đồng ngày ấy nở vàng hoa/ Tia nắng nhẹ miên man hương đất...”.
Mục đích của người lính tuổi mười bảy trong ngần, tinh khiết và thật bình dị: “Ước một khoảng trời bình yên che chở mẹ ta”. Khát vọng của họ không phải những vinh quang, bổng lộc; những huân, huy chương, không phải những lời tán dương, tụng ca và thậm chí đôi khi, mọi vinh quang cũng trở thành ngớ ngẩn: “ Đôi lúc ông ngồi một mình lẩn thẩn đếm huân chương trong chiếc ba lô còn hoem vết máu/ Những gì hiện hình những gì xa khuất/ Ông cho vào túi áo thi thoảng lấy ra xem/ Bao vì sao tỏa sáng huy hoàng và bao vì sao vụt tắt”. Cái họ mơ ước thật giản đơn mà tràn đầy yêu thương. Ứớc có thể mang lại cho người mẹ một khoảng trời bình yên, không bom đạn, không chiến tranh, không còn đầu rơi máu chảy... Có gì đó trong sâu thẳm con người nhà thơ như là sự đau đớn tột cùng, như là nỗi xót xa buốt nhói, nhưng tuyệt nhiên đó không phải là ân hận, hối tiếc, bởi như chính tác giả, một người lính – người trong cuộc khẳng định “Chúng ta đi trong tình yêu niềm hoan ca có thật/ Không do dự chần chừ không toan tính/ Số phận nhọc nhằn năm tháng thương đau”.
Trở về với cuộc sống đời thường, người lính lại chứng kiến bao cảnh tang tóc, đau thương: “Hàng xóm khăn tang nép phía góc đường […] Hàng xóm mái nhà sương rơi ướt đẫm/ Bão không về sao áo gối nhàu ra/ Hoa vô cớ rụng giữa ngày chẳng gió? Trăng sáng chi vằng vặc chỗ không người”. Nếu chiến tranh, vết thương hiện hình thành màu đỏ của máu, thì hòa bình vết thương ấy phủ kín bằng màu trắng của khăn tang, của những gương mặt u buồn và tuyệt vọng.
Nỗi ám ảnh chiến tranh là quá lớn, không những không tìm được sự bình an, thanh thản trong tâm hồn, mà những di tích của chiến tranh vẫn hằng ngày, hằng đêm dày vò, dằn vặt người lính. Nỗi ám ảnh hiện hình trong những giấc mơ: “Đêm đêm/ Giấc ngủ ru về kí ức/ Nghĩa trang bên bờ sông Vệ/ Trắng chùm hoa dại nở quên”. Không chỉ ám ánh những người trực tiếp tham gia cuộc chiến mà ngay cả người mẹ, người chị, người vợ kí ức về chiến tranh vẫn mãi không thể nguôi ngoai. Họ không thể trở về cuộc sống đời thường: “Anh hãy chỉ cho em con đường thoát khỏi những cơn mơ/ Tiếng người đang réo gọi!/ Cuộc đời thật chờ em phía trước/ Đứa con trai của em, căn nhà của em, nơi chôn rau cắt rốn/ Và cả chiếc ba lô đựng đầy kí ức cuộc chiến tranh”.
Cái nhìn về chiến tranh không đơn giản, một chiều. Trong các trường ca trước Trần Anh Thái, các tác giả thường thông qua chiến tranh để thấy được cái vĩ đại, sự quật cường của dân tộc. Còn với Trần Anh Thái, chiến tranh được nhìn từ tính người. Ông quan tâm đến những kiếp người nhỏ nhoi yến thế, đến thân phận cá nhân thấm đẫm nỗi đau, ưu tư. Hiện thực đầm đìa máu và nước mắt được kẻ trong cuộc phơi bày. Không còn là giọng điệu ngợi ca tôn vinh chiếm chủ đạo như trường ca ở các giai đoạn trước. Bằng cảm quan của một người trực tiếp dấn thân trong cuộc chiến, đi qua những năm tháng mất mát đau thương, Trần Anh Thái khám phá ra những gương mặt khác của chiến tranh mà bấy lâu nay vẫn còn khuất lấp. Hoặc chúng ta chưa nhìn ra, hoặc cố tình chối bỏ. Chiến tranh dưới góc nhìn của Trần Anh Thái, là những nỗi đau, là những mất mát, hy sinh không gì có thể bù đắp của con người cá nhân và những đau đớn suy tư, trăn trở về thân phận con người. Quan tâm đến số phận, đời tư, cảm quan nhân văn, các giá trị nhân bản và tính tư tưởng, chính là điểm khác biệt trong trường ca Trần Anh Thái.
2. Cái nhìn nhân bản với con người
Con người luôn là vấn đề trung tâm của mọi nền văn học. Mỗi tác phẩm luôn thể hiện sự chiêm nghiệm, suy ngẫm, lí giải của tác giả về chủ thể thế giới. Trong hành trình miệt mài của mình, Trần Anh Thái không ngừng truy vấn, tìm kiếm, phát hiện và lí giải bản chất Người.
Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm, Thi Hoàng,… trong các trường ca của mình cũng là hành trình khám phá về con người, hình ảnh nhân dân, dân tộc hiện lên thật kì vĩ, lớn lao: “Giặc đến/ Người ốm chống giường, chống phản đứng lên/ Trẻ con vơ tro, vơ cát đứng lên/ Người đang ăn thì cầm lấy đũa/ Người đi gặt thì cầm lấy chuôi liềm/ Không quay mặt chẳng bao giờ tiếc máu” (Đường tới thành phố - Hữu Thỉnh). Người mẹ trong “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm, hiện lên vô cùng cao cả, tấm lòng bao la như dòng sông Hồng: “Mẹ phà vào con nồng nàn mùi sữa/ Của những đồng xa nguyên vẹn như mùa/…Nhưng đêm đêm con trở về thân thuộc/ Ngủ trên cánh tay mẹ hiền từ cay đắng nuôi con/ Trong tháng năm chớp bể mưa nguồn”.
Không hô hào, ồn ào, khoa trương,Trần Anh Thái âm thầm chìm đắm trong cõi người. Các trường ca của ông luôn là những suy tư sâu sắc, day dứt, ám ảnh về phận người. Những trang viết của ông chính là hành trình đi tìm và giải mã tính người trong chiến tranh. Từ số phận của cộng đồng, dân tộc: hình ảnh của tổ tiên, ông cha “Mảnh đất linh hồn ông cha/ Đêm chợt vọng bốn chiều người lầm lũi úp mặt vào bờ ruộng”; “Dòng người lẫm lũi đi/ Mắt sáng trong veo/ Nụ cười xiêu dại”. Tiếp đến là những con người đại diện cho dân tộc Việt: người dân cày “Người thợ cày nhâm nhi giọt máu của mình/ Chảy qua cánh đồng biển sâu lam lũ”, ngư dân “Ngoài kia trôi dạt con thuyền/ Người bị ruồng bỏ ở chính mảnh đất của mình”. Hình ảnh những người lao động, những số phận mang tính biểu tượng được khắc họa chân thực. Họ luôn phải đối mặt với những khó khăn chất chồng. Nhưng ở họ ngời lên vẻ đẹp- một vẻ đẹp nội tâm trầm buồn, bình dị, lam lũ nhưng thuần khiết, trong sáng; nhiều khi rực rỡ, huyền ảo: “Người đánh cá già mải mê rũ sương tìm bình minh trên mắt lưới”. Con người bình thường được thăng hoa bởi trí tưởng tượng phong phú, tràn ngập ánh sáng mê hoặc và tươi mới, làm cho hình ảnh nhọc nhằn, lam lũ ngay lập tức được hình dung ở một chiều kích khác- chiều kích xoa dịu và nâng đỡ nỗi đau...
Đây nữa, những thân phận người nhỏ bé, người mẹ “Mẹ ra đi trong đêm/ Sương khuya mò bóng”, người cha “Cha ngã vào bầm đêm sương muối”, người chị “Chị tôi lẫn vào trời vào đất/ Chị mỗi ngày bước mỏi, bàn chân héo hắt cánh đồng”; “Vì sao nước mắt chị tôi rơi/ Chiến tranh hốc hác mặt người/ Những vì sao mập mờ sáng tối”.
Với hình tượng trung tâm là thân phận người, họ được khai thác từ phương diện của con người cá nhân, với những lí giải vô cùng chân thực, sâu sắc. Họ, những con người vất vả, lam lũ, không chỉ đối mặt với khó khăn trong chiến tranh mà còn phải đối đầu ngay cả khi đất nước đã hòa bình. Dưới cái nhìn của Trần Anh Thái người đọc có thể chạm vào những vỉa tầng sâu thẳm nhất, riêng tư nhất của cõi người bí ẩn.
Không giống như các tác giả giai đoạn trước, thường thông qua những biến cố lịch sử để khái quát lên lịch sử dân tộc, số phận nhân dân. Ngược lại, trong trường ca Trần Anh Thái, số phận, bi kịch cá nhân luôn tồn tại song hành với lịch sử. Thông qua số phận của những con người nhỏ bé, những bi kịch, bất hạnh mà họ phải trải, người đọc sẽ thấy được dáng vẻ, bóng hình của dân tộc, của thời đại.
Không chỉ nhân bản trong cách nhìn với những con người cùng chung dòng máu , mà ngay cả với những kẻ đi xâm lược, kẻ thù, cái nhìn của Trần Anh Thái cũng hết sức nhân văn, nhân bản. Nếu trước đó, các cây bút trường ca lớn như Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Thu Bồn… khi viết về những thân phận trong chiến tranh vẫn phân chia thành hai chiến tuyến ta/địch, tốt/xấu, đúng/sai:
“Quân thù kia ơi! Một bầy man rợ/ Bay đừng hòng khuất phục đời ta/Bay định đốt ta thành hòn than quỳ lạy/ Trong ánh lửa hồng ta xuất hiện một vòng hoa” (Bài ca chim Chơrao – Thu Bồn).
Khác với cách nhìn phiến diện trên, là một người lính thực thụ, chứng kiến và tham gia những trận đánh ác liệt nhất, nhưng cái nhìn của Trần Anh Thái không hề hằn học, không thù địch, không oán thán hận thù, mà là một cái nhìn đầy bao dung, chia sẻ, cảm thương với những phận người bên kia chiến tuyến:
“Đất đồi phơi xác bạn xác thù”; “Tôi nghe lạnh giữa hai bờ cuộc chiến/ Cái chết nối hàng/ Cái chết tiễn đưa nhau”; “Cái chết/ Bom vùi lấp mặt/Mặt trời lấp mặt/ Xác quân thù xác bạn gục vào nhau/ Kẻ thất trận dưới chân đồi lê bước/ Kéo hoàng hôn rã rời/ Kẻ thắng trận hai tay ôm mặt khóc/ Thương tích tạc vào gió thổi ngàn sau”.
Không là những khúc hoan ca say sưa chiến thắng, không toan tính, thù hằn giai cấp. Vượt lên trên tất cả, điều mà Trần Anh Thái hướng đến là truy vấn, lý giải về thân phận con người, về sự vô nghĩa của chiến tranh. Bởi cái mà con người cần, nhân loại cần: “Nhân loại khát ánh trời dịu thơm buổi sớm/ Nhân loại đau buồn trong mọi cuộc chiến tranh!”. Nhưng hơn hết là cái nhìn đầy nhân tính, nhân bản của ông. Con người ở đây không phải “quân thù”, “bầy man rợ”, “thằng ngụy” mà là nhân loại, là Người viết hoa với ý nghĩa “ Tên họ cao hơn mọi tôn giáo lễ nghi” . Dù là kẻ thắng trận hay thua trận, dù là ta hay địch, nhưng khi chiến tranh kết thúc, tiếng đạn bom thôi gầm rú, thì họ - những người trong cuộc chiến, hơn ai hết, chính là những người thấu hiểu sâu sắc nhất bộ mặt thật và những khoảng tối của chiến tranh. Cái duy nhất mà chiến tranh để lại, chính là những thương tích cả về thể xác lẫn tâm hồn “tạc vào gió thổi ngàn sau”.
Ở khía cạnh vị nhân sinh, có thể khẳng định chắc chắn rằng, trên văn đàn Việt Nam, viết về phía bên kia chiến tuyến với một cái nhìn trân trọng, thiêng liêng, đầy nỗi cảm thương chia sẻ, thì chỉ đến Trần Anh Thái mới thực sự xuất hiện. Đứng trước nấm mồ của những người từng là kẻ thù trong qúa khứ, tâm hồn nhà thơ trong ông run lên những câu hỏi nhói buốt, ứa nghẹn với những day dứt, cảm thương tưởng như không gì có thể bù đắp được: “Chiếc giếng cạn ngày xưa/ Giờ là nấm mồ chín người lính ngụy”, “ Những cái chết vô danh không tên không địa chỉ/ Mẹ các anh ở đâu?/ Em gái các anh đâu?/ Cơn gió trống hàng cây run rẩy”... Đó là gì? Nếu không phải là một trái tim lớn, một tầm nhìn sâu rộng, một tư tưởng nhân văn sâu sắc, thật cao đẹp khi trở lại chiến trường xưa, đứng trước nấm mồ của đối phương, thì làm sao ông có thể viết lên những câu thơ bật ra từ gan ruột: “Tôi thắp một nén hương/ Tàn nhang quẩn một vòng tròn trống”. Phải mất một thời gian dài, những người lính “ bên kia”, vốn bị coi là kẻ thù, là bầy man rợ mới được lấy lại tư cách làm Người của mình. Hành động đó, nghĩa cử đó không chỉ khẳng định tư cách con người của những người đã ngã xuống (ta/địch), mà nó còn cho thấy cái nhìn nhân bản, đầy tình người của Trần Anh Thái. Tư tưởng về con người của ông đã vượt khỏi những hạn định của ranh giới dân tộc để vươn tới nhân loại.
Có thể nói, từ trước đến nay chưa có trường ca nào mà nỗi ám ảnh về con người lại day dứt thường trực như trong trường ca Trần Anh Thái. Mỗi phận người, mỗi cá nhân đều hiện lên với một vẻ rất riêng, trầm tư, sâu lắng với tất cả những bối rối, băn khoăn, âu lo, dằn vặt và bộn bề ưu tư như thế. Trần Anh Thái nâng niu từng cá nhân, trân trọng từng con Người. Đối với ông, không có ta/địch, không có đồng đội/kẻ thù, mà chỉ có những thân phận người mỏng manh yếu đuối với những bi kịch, khổ đau và bất hạnh của họ. Đó là cái nhìn vô cùng nhân bản của Trần Anh Thái. “Những bi kịch cá nhân luôn tồn tại song hành cùng bi kịch của lịch sử và thông qua những số phận ấy, người ta thấy hiện lên dáng vẻ, bóng hình của dân tộc, của thời đại, của nhân loại nói chung trong hành trình tồn sinh và không ngừng khai sáng, trong sự vận động từ tăm tối, khổ nhọc, đau thương vươn tới ánh sáng của sự sống, tự do và hi vọng” (Ts. Đỗ Thu Thủy).
Nghiên cứu về trường ca Trần Anh Thái, theo chúng tôi, nổi lên những vấn đề cần nhấn mạnh sau:
Các trường ca của ông, trước hết mang giá trị nhân bản cao và có tính tư tưởng sâu sắc. Trong tất cả các trường ca, Trần Anh Thái luôn trân trọng, nâng niu từng thân phận người. Ông đã chạm tới những tầng vỉa sâu nhất của cõi người: đó là những ưu tư, lo toan, bất định, hoài nghi về cuộc sống, về tương lai. Những con người, phận người mỏng manh, yếu đuối đó dù họ là ai, sinh ra ở bất cứ đâu với ông đều như nhau, có quyền bình đẳng ở mọi nơi, mọi chỗ: “Về cái chết của sinh linh những người vô tội/ Tên họ cao hơn mọi tôn giáo lễ nghi!”, và ông cũng khẳng định mỗi con người là một giá trị riêng biệt, không thể thay thế: “Mỗi loài hoa có một mặt trời”.
Từ tư tưởng này, Trần Anh Thái đã viết lên những trường ca có giá trị cao. Những giá trị này hiện lên qua những “ trường đoạn, những câu thơ xuất thần như những lời thì thầm từ vô thức, chất chứa bao đớn đau run rẩy, thành kính và ngưỡng mộ trong thẳm sâu tâm thức nhà thơ”, mà chúng tôi nhiều lần nhắc đến ở những phân tích trên: “Mặt trời lấp mặt/ Xác quân thù xác bạn gục vào nhau”, “ Kẻ thất trận dưới chân đồi lê bước/ Kéo hoàng hôn rã rời/ Kẻ thắng trận hai tay ôm mặt khóc/ Thương tích tạc vào gió thổi ngàn sau” “ Nhập nhoạng người/ Nhập nhoạng trắng/Những thân hình bó trắng/ Xác chết chồng xác chết đợi ngày mai” hoặc “ Bóng người dìu nhau bết máu, màn đêm lặng phắc bãi chiến trường, gió khô mặt đất...Những xác chết ngổn ngang hình hài méo mó. Từng dúm xương chắp vá vô tình đêm tối mò tìm”, “Đất đồi phơi xác bạn xác thù/ Tiếng chim dại lửng lơ sườn núi” “ Người lính nông dân dấn thân trận mạc/ Sống có tên mình khi chết bỗng vô danh...”...
Nhà phê bình In ra sa ra cho rằng, đây là hình ảnh kinh hoàng nhất, bi tráng nhất và nhân bản nhất. Ông ví tâm trạng của tác giả trường ca giống như tâm trạng của chiến binh Arjuna xưa trong kinh Bhagavad-Gita, khi đứng nhìn hàng vạn xác đồng đội, bạn bè, người thân chết trận. Đó là cái nhìn đã hoát ngộ đạo lý tối thượng của cuộc sống. Nhà phê bình Đỗ Minh Tuấn coi tất cả những hình ảnh thi vị hay ghê rợn trong mỗi khúc, đoạn của trường ca Ngày đang mở sáng đều bập bềnh trôi trên dòng ký ức cộng đồng ngàn năm thăm thẳm, như trôi từ đáy thẳm hư vô, tạo nên một cảnh quan thi ca đầy ấn tượng. Những không gian rộng lớn, những cõi phi thời gian, phi lịch sử và vô địa chỉ rất khoáng đạt, xa xăm đầy tinh thần tôn giáo, tâm linh. Không gian trong trường ca Trần Anh Thái là không gian siêu thực và ấn tượng trong tranh của Đa- ly với những cảnh quan tôn giáo vừa kỳ bí thâm u, vừa hùng vĩ và rực rỡ. Ông quả quyết: Bằng cái nhìn toàn khối siêu thoát, cái nhìn của loài chim. Từ điểm nhìn của vũ trụ và vĩnh cửu nhìn xuống nhân gian, tác giả trường ca thấy cái bi thảm của cõi người, của chiến tranh, toàn là “Tiếng đạn rơi/ Dội vào lặng câm/ Dội tầng đất sâu/ Dội cõi vô cùng”, là cái chết réo gào cái chết, tất cả đều chết, tất cả đều là đồng loại, hiện lên thật rõ nét như cảnh tượng trong tranh Gecnica của Picasso...
Chúng tôi cũng cho rằng, những trường đoạn, những câu thơ trích dẫn ở trên không chỉ là những câu thơ hay mà thực sự là những câu thơ lớn, mang vóc dáng nhân loại. Bởi vì, những trường đoạn, những câu thơ như thế có khả năng thuyết phục ngay lập tức. Nó làm thay đổi nhận thức tư tưởng, làm xao xuyến tâm hồn, tâm tư ,tình cảm của người đọc. Nó khơi gợi một cách nhìn khác về chiến tranh, có khả năng thúc đẩy con người đi tìm một lời giải đáp khác, một lựa chọn khác, một con đường khác, chứ không phải là con đường đi đến chiến tranh. Nó còn là một lời cảnh báo, một thức tỉnh cho tương lai con người. Đông thời nó chính là nhân chứng bất di bất dịch, không thể dập xóa của cuộc chiến tranh khốc liệt, đằng đẵng hơn hai mươi năm trên đất nước ta...
Nghiên cứu về trường ca Trần Anh Thái, chúng tôi cũng không bỏ qua những đóng góp thẩm mỹ, các thủ pháp nghệ thuật và sự độc đáo trong cách thể hiện của ông. Đặc biệt là khả năng sử dụng ngôn ngữ đầy sáng tạo, chắt lọc, dồn nén mà bùng nổ mạnh mẽ, rất mới mẻ. Ví dụ : “Mẹ ra đi trong đêm/ Sương khuya mò bóng”. Mẹ đi đâu? Mẹ đi mò cua bắt ốc tìm kế sinh nhai. Chúng ta liên tưởng ngay tới thân phận của kiếp cò, kiếp vạc đi kiếm ăn đêm. Nhưng mẹ mò được gì? Không được gì cả mà chỉ mò được mỗi bóng mình. Nghĩa là không được gì cả. Ta hãy tưởng tượng, giữa đêm hôm khuya khoắt hắt hưu, cả một bầu trời đêm sập xuống tấm thân già yếu của mẹ, sương khuya buốt nhói bao phủ bốn phía, bóng mẹ gầy còm, heo hắt, lầm lũi kiếm ăn giữa đồng không mông quạnh. Hình ảnh này cho ta thấy một người mẹ đang phải gồng mình lên gánh chịu nỗi khổ nhọc to lớn biết chừng nào. Câu thơ làm ta kinh ngạc. Kinh ngạc vì nỗi khổ đó quá lớn, ngoài sức tưởng tượng của ta, không gì có thể so sánh, không gì có thể bù đắp. Sự hy sinh và sức chịu đựng ghê gớm của người mẹ làm lay động, thức tỉnh trái tim ta... Chỉ có hai câu thơ với chín từ, tác đã gọi ra đúng bản chất về nỗi thống khổ tận cùng của bà mẹ trong chiến tranh. Câu thơ có độ sâu hun hút trong cõi thẳm kiếp người, khó có câu thơ nào có sức nặng hơn thế khi nói về nỗi thống khổ của người mẹ trong chiến tranh...Trong các trường ca của Trần Anh Thái tràn ngập những câu thơ kiểu như thế: “ Cha vác kheo đi dưới mặt trời/ Bóng gẫy trên mặt sóng”“ “ Bàn tay héo gió” “ Gốc đa già bật rễ đổ đêm” “ Ngày tháng kéo nỗi buồn thả xuống” “ Nụ cười bươm tả” “ Nụ cười xiêu dại” “ Rêu đá khói buồn” “ Giấc mơ vượt mắt” “ Bóng người ngày đổ” “ Khát bàn tay lạnh” “ Người ngồi thật lâu/ Gầy buồn thế kỷ” “ Ba lô sập mắt” “ Dốc người dựng ngược” “ Em bé Tà ôi/ Bóng nhờ mặt đất” “Máu khô đường mòn” “ Hạt rơi héo đất” “ Nước mắt giấu đêm” “ Hình người gẫy khúc””Lửa ở nơi chưa có con đường”...
Trong các trường ca của mình, Trần Anh Thái đã thể hiện một quan niệm nghệ thuật nhất quán và xuyên suốt: Sáng tác là Trên đường đi tìm, phát hiện tính người trong con người. Trong hành trình này, Trần Anh Thái luôn có cái nhìn phản biện, lật xới mọi vấn đề và luôn truy vấn. Những tư tưởng của ông đều bắt nguồn từ hiện thực rốt ráothấm đẫm cảm xúc của tác giả. Ông lựa chọn những chi tiết đắt, đầy chất thơ và có chiều sâu dồn nén, tạo ra thẩm mỹ mới lôi cuốn người đọc. Ngoại trừ trường ca Đổ bóng xuống mặt trời, các trường ca khác như Ngày đang mở sáng, Trên đường, Mỗi loài hoa một mặt trời đều không theo tuyến tính thời gian mà đồng hiẹn ở nhiều chương, đoạn. Trần Anh Thái không ồn ào khoa trương hình thức, mà lặng lẽ chìm sâu vào thế thế giới nội cảm. Bằng một giọng điệu chủ âm trầm lắng xót thương đến se thắt, quặn xiết trong từng câu chữ bởi tính chân thực của cuộc sống, bởi nỗi ám ảnh khôn nguôi về thân phận con người...
Để kết thúc bài viết này, không gì tốt hơn bằng việc nhắc lại chính quan niệm của Trần Anh Thái về thơ, tại Liên hoan thơ thế giới Xơ-un ( Hàn Quốc) năm 2010: “ Thơ ca bật ra từ nội tâm thăm thẳm của niềm vui sướng tận cùng và nỗi bất hạnh lắng sâu. Chính trong lúc tận cùng ấy, thơ tới được giới hạn của sự tĩnh tại. Và chỉ ở giới hạn này nó mới có được trạng thái trong suốt thuần khiết. Gần đến được với trạng thái trong sáng thuần khiết nguyên khởi mà con người từng có. Tôi rất thích một bầu trời mùa thu trong vắt không hề có một gợn mây, không phải vì nó đẹp mà vì, khi nhìn bầu trời ở trạng thái ấy, nó mới cho ta cảm giác một bầu trời thấu suốt, thật cao, thật sâu và mênh mang, như nó vốn là thế. Còn hôm nào có nhiều mây u ám, lại cho ta cảm giác bầu trời chật hẹp, thấp, bé không rõ ràng. Điều này có một liên hệ nào đó với việc khám phá thế giới bên trong của nhà thơ. Bởi khi ở trạng thái trong sáng thuần khiết, thơ ca có khả năng biểu hiện một cách chính xác bản chất sự vật. Nó không vướng víu, bận tâm bởi mọi tham vọng và hệ lụy. Nó vượt lên những chật chội và buồn thảm của mọi cám dỗ với chỉ một khát vọng: Trút bỏ nỗi đau, bước ra khỏi lầm lạc, khổ đau, Trên đường tìm kiếm hạnh phúc, tìm kiếm cái đẹp...”.
Bài đã in trên Tạp chí: Nhà Văn và tác phẩm Hội nhà văn Việt Nam