Mỗi vì sao một nhà ga
Hành trình vô tận
Không bán vé mà khách đi vắng hết
Ai cùng ta ga đầu?
Ai theo ta tiếp những ga sau
Ai trò chuyện tương sinh – tương khắc?
Ai yêu thương chân thật?
Đêm chẳng ra đêm
Ngày chẳng thành ngày
Lúc chậm lúc nhanh
Lúc dừng lúc chạy
Ngó chân trời xa xa
Ta chợt ngộ ga nào mà chẳng thế
Cứ đi rồi sẽ tới nơi mình!!!
Lời bình của Nguyễn Minh Sơn
Từ những năm 40 của thế kỷ XX, những con tàu, những sân ga đã trở thành một hình tượng khá quen thuộc trong nền văn học Việt Nam, có mặt trong cả thơ, văn và nhạc. Nó như một biểu tượng của sự chia ly, xa cách, đợi chờ! Sân ga con tàu như một sự chuyển luân, thay đổi từ hình tượng bến nước con đò trong nền văn học dân gian đã gắn chặt trong tâm thức biết bao thế hệ người Việt Nam. Ca dao xưa từng ẩn dụ: “Thuyền về có nhớ bến chăng?/ Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền!...”. Đến Nguyễn Bính, thì “Mọi cuộc chia lìa khởi từ đây! Cây đàn sum họp đứt từng dây!...”; Gần đây nữa, như Đặng Vương Hưng: “Ngày chúng mình chia tay nhau/ Anh mang nỗi nhớ lên tàu đi xa…”v.v… và v.v… Xuất nguyên từ cái nền cảm quan đã quen thuộc về con tàu và sân ga vốn là sự chia ly, chờ đợi ấy nên khi đọc “Tàu đi” của nhà thơ Võ Sa Hà, ta không khỏi ngỡ ngàng, xáo động.
Không hề có bóng dáng một nhà ga, một sân ga nào cụ thể, dù chỉ là thấp thoáng! Bài thơ mở ra với những nhà ga ở cõi hư vô, cõi vô cùng của vũ trụ bao la! Những nhà ga ấy từ muôn thuở vẫn đau đáu ánh đèn như một định hướng, một đích đến cho những con tàu đang miệt mài trong hành trình của mình:
Mỗi vì sao một nhà ga
Hành trình vô tận
Không bán vé mà khách đi vắng ngắt!
Đó là con tàu đặc biệt, con tàu độc hành với một vị hành khách đơn côi, không có bạn đường! “Ai cùng ta ga đầu?” Không có ai! Chẳng có ai! Dù không bán vé mà con tàu vẫn không có người khách thứ hai! Thế là, ngay từ ga đầu tiên, ngay từ nơi xuất phát thì con tàu đã là duy nhất! Vị khách cũng là duy nhất! Hai cái duy nhất cùng tồn tại giữa mông lung dày đặc những vì sao – những ánh đèn nhà ga như vẫn mãi thức chờ những con tàu đang trong hành trình đi về nơi vô tận! Những con tàu như thế cực hiếm có bạn đường! Tàu không bán vé nhưng không hẳn là đi miễn phí! Chỉ là giá vé cũng vô tận vô cùng. Có khi giá vé chỉ 1 xu, thậm chí là nửa xu. Nhưng cũng có khi là cả cuộc đời! Nào ai muốn, ai dám dấn thân?!
Không bán vé mà khách đi vắng ngắt
Ai cùng ta ga đầu?
Một sự trống trải hoang vu đến ganà như vô thức! Nhưng, trên chuyến tàu đọc hành ấy, vị khách độc hành vẫn không thôi nuôi dưỡng niềm hy vọng, rằng biết đâu đấy, đến một sân ga, một trạm dừng nào đó sẽ bất ngờ có thêm một vài vị khách lên tàu!
Ai theo ta tiếp những ga sau?
Ai trò chuyện tương sinh – tương khắc?
Ai yêu thương chân thật?
Ai? Ai? Ai?... Câu hỏi vô xưng giống như một mũi khoan tay từng nấc, từng vòng xiết vào lõi mộc! Câu hỏi vắt chéo bầu trời! Tự đặt câu hỏi để tự vật vã tìm lời giải đáp, để giữ lại niềm hy vọng, dẫu có mong manh! Sẽ có ai đó lên tàu ở những ga sau (?!) có thêm hành khách là “TA” có bạn đường, là có người trên con tàu vô song ấy ắt hẳn phải là những người rất – rất ý hợp tâm đầu! Phải chung một nhịp đập trái tim! Nói gọn lại, thì đó phải là người của sự Tâm Giao, của yêu thương chân thật!
Đến khổ thứ ba, thoạt xướng lên, người đọc dễ lầm tưởng đây là đoạn tác giả mô phỏng về quá trình vận hành của con tàu: Chạy suốt thời gian bất kể ngày đêm:
Đêm chẳng ra đêm
Ngày chẳng thành ngày
Lúc chậm lúc nhanh
Lúc dừng lúc chạy…
Nhưng, đến khổ thứ ba câu kết, người đọc sẽ phải thốt lên một tiếng “À!!!” của sự giác ngộ:
Ngó chân trời xa xa
Ta chợt ngộ ga nào mà chẳng thấy
Cứ đi rồi sẽ tới nơi mình!!!
À… hóa ra… đây không phải một chuyến tàu bình thường không phải một con tàu bình thường như biết bao con tàu mà ta vẫn gặp, vẫn nhìn thấy chiếc đầu máy nặng nề kéo theo những toa chở hành khách hú còi chạy ken két trên đường ray thép! Con tàu trong bài thơ “Tàu đi” của Võ Sa Hà là con tàu CUỘC ĐỜI! Con tàu chỉ vận hành một chuyến đi duy nhất – HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ và KHẲNG ĐỊNH BẢN NGÃ CỦA CHÍNH MÌNH!
Mỗi người có một số phận riêng! Trên con tầu số phận ấy, hãy cứ đi theo ĐỊNH MỆNH CỦA CHÍNH MÌNH!
Trại Sáng tác VH – NT các DTTS Việt Nam
Thành phố Vũng Tàu, tháng 11 năm 2016
Nguyễn Minh Sơn