Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TÌM HIỂU VŨ TRỤ QUAN TRONG "THẦN KHÚC" CỦA DANTE

Quang Minh
Thứ tư ngày 4 tháng 1 năm 2017 9:32 AM




Thần Khúc của Dante là một trong những bản trường ca vĩ đại nhất của thế giới, đứng ngang hàng với Iliad của Homer, Thiên đường đã mất của Milton, hay Đấng cứu thế của Klopstock. Nó đưa người đọc đến với một vũ trụ quan đầy sức tưởng tượng và tính ẩn dụ, để tìm cách trả lời cho câu hỏi mà nhân loại vẫn luôn tìm kiếm: “Chết rồi thì sẽ đi về đâu?”
.
Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Lời tựa
Tranh vẽ Dante đang cầm tác phẩm Thần khúc, mở ra ở phần Thiên đường, khoảng 1530, họa sĩ Agnolo Bronzino

Thần khúc được xếp vào hàng những bản trường ca ưu việt của nền văn học Ý cũng như của thế giới, sánh ngang với Iliad của Homer, Thiên đường đã mất của Milton, hay Đấng cứu thế của Klopstock. Tác phẩm được chia làm ba phần: Hỏa ngục (Inferno), Luyện ngục (Purgatorio) và Thiên đường (Paradiso), mỗi phần có 33 khúc, thêm một khúc khai mở là vừa tròn 100. Với Thần khúc, Dante đã thể hiện cho người xem một vũ trụ quan to lớn được truyền tải thông qua tín ngưỡng đối với Chư Thần. Trong loạt bài này, Trí Thức VN xin được cùng độc giả khám phá vũ trụ quan trong “Thần Khúc” của Dante.

Lời tựa

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Lời tựa
Tranh vẽ Dante đang cầm tác phẩm Thần khúc, và cảnh báo con người về những gì mà họ sẽ gặp phải tại Địa ngục, 1465, họa sĩ Domenico di Michelino

Thần khúc (tiếng Ý: Divina Commedia) là một trường ca của nhà thơ Ý thời Trung cổ Dante Alighieri (1265-1321). Tác phẩm được sáng tác trong thời gian Dante bị trục xuất khỏi quê hương Florence, từ khoảng năm 1308 đến năm 1320. Nó được hoàn thành chỉ một năm trước ngày ông qua đời.

.

Thần khúc được xếp vào hàng những bản trường ca ưu việt của nền văn học Ý cũng như của thế giới, sánh ngang với Iliad của Homer, Thiên đường đã mất của Milton, hay Đấng cứu thế của Klopstock. Tác phẩm được chia làm ba phần: Hỏa ngục(Inferno), Luyện ngục (Purgatorio) và Thiên đường (Paradiso) (Được dịch là: Địa ngục, Tĩnh thổ và Thiên đường trong bản dịch của dịch giả Nguyễn Văn Hoàn), mỗi phần có 33 khúc, thêm một khúc khai mở là vừa tròn 100. Với Thần khúc, Dante đã thể hiện cho người xem một vũ trụ quan to lớn được truyền tải thông qua tín ngưỡng đối với Chư Thần.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Lời tựa
Một trang trong tác phẩm Thần khúc được xuất bản sau này

Có một câu chuyện cũng rất đặc biệt về Thần khúc như thế này. Ngay sau khi Dante hoàn thành tác phẩm của mình, ông phải đứng ra để giải quyết một vụ việc nghiêm trọng xảy ra giữa Venice và Ravenna. Trước khi rời đi, Dante đã cất giữ 13 khúc thơ cuối cùng của mình bên trong một chiếc tủ ly vì chưa có thời gian sao lại chúng cho hoàn chỉnh. Ông hẳn đã rất mãn nguyện khi hoàn thành được tác phẩm lớn của cuộc đời…

Giải quyết được mâu thuẫn chính trị giữa Venice và Ravenna, Dante trở về. Tuy nhiên, ông bị nhiễm sốt rét trong chuyến đi và qua đời vào sớm ngày 14 tháng 9 năm 1321, trong khi chưa kịp nói với ai về những khúc thơ cuối cùng của mình. Sau đám tang cha, hai người con Dante là Pietro và Jacopo đã giúp sắp xếp những vần thơ của Dante theo thứ tự. Họ phát hiện ra rằng 13 khúc thơ của phầnParadiso (Thiên đường) bị thất lạc.

Xem thêm: 3 câu đố của công chúa Turandot trong tập truyện cổ “Ngàn lẻ một ngày”

Pietro và Jacopo đã dò hỏi khắp nơi, lần theo thói quen gửi thơ của Dante tới quý tộc Can Grande della Scala, nhưng tất cả đều vô ích. Các bạn bè đã khuyến khích hai con Dante tự hoàn thành nốt tác phẩm của cha, nhưng Pietro và Jacopo biết rằng đó là một điều nằm ngoài tầm với của họ, dù họ đã rất quen thuộc với tác phẩm Thần khúc.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Lời tựa
Tranh minh họa cho cảnh Dante và Beatrice nói chuyện với Piccarda và Constance trên Thiên đường, 1817-1827, họa sĩ Philipp Veit

Sau 8 tháng truy tầm, một đêm nọ, Jacopo bỗng nhiên nằm mộng thấy cha mặc áo trắng, xuất hiện trong ánh hào quang. Anh vội hỏi cha về Thần khúc, và Dante đã chỉ dẫn cho con nơi cất giữ 13 khúc thơ cuối cùng. Sau giấc mơ đó, trước sự chứng kiến của một vị luật sư làm chứng, Jacopo tìm được phần còn lại của Paradiso (Thiên đường) tại chiếc tủ ly đặt ngầm trong tường.

Vậy là nhân loại đã không mất đi một bản trường ca vĩ đại.

Mời độc giả đón xem loạt bài “Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante” và cùng Trí Thức VN chiêm ngưỡng vũ trụ quan trong tín ngưỡng phương Tây qua Thần khúc của Dante, một bản trường ca về thế giới được Chư Thần sáng tạo.

Thảm thương nhất là những kẻ phải ở ngoài địa ngục!

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Lời tựa
Tranh vẽ Dante đang cầm tác phẩm Thần khúc, và cảnh báo con người về những gì mà họ sẽ gặp phải tại Địa ngục, 1465, họa sĩ Domenico di Michelino

Xem thêm: Vũ trụ trong “Thần Khúc” của Dante – Lời tựa

Thần Khúc bắt đầu bằng cảnh Dante bị lạc trong một khu rừng tăm tối khi ông đã đi được nửa quãng đường đời, cũng mang nghĩa ẩn dụ là ông đã bị sa vào những toan tính và dục vọng ở nơi trần thế:

Đến nửa đường đời,
Tôi thấy mình lạc trong rừng tối:
Lạc mất đường chính đạo!
Ôi, nói sao cho hết bao điều cay đắng,
Rừng hoang vu, hiểm trở, trập trùng…

Dante cảm thấy mình như một người kiệt sức vừa mới thoát lên bờ từ biển cả mênh mông. Tuy nhiên ông đã tìm được hy vọng với một “tình yêu thần thánh”:

Đó là lúc bình minh vừa rạng
Mặt trời lên giữa các vì sao,
Và tình yêu thần thánh.
Khơi dậy bao điều tốt đẹp,
Như cho lòng tôi hy vọng

Dường như Dante đang nói tới Beatrice, người con gái mà ông chỉ gặp có hai lần, một lần khi cả ông và nàng còn nhỏ, và lần còn lại là 9 năm sau, khi Beatrice đang đi trên một con đường của Florence. Nàng nhận ra Dante và quay qua chào ông. Chỉ hai lần gặp mặt ngắn ngủi nhưng Dante đã nảy sinh một “tình yêu thần thánh” với Beatrice, một tình yêu mà ông không thể diễn tả bằng lời. Một tình yêu không giống với tình yêu trần tục nào khác…

Trong những khổ đầu của một tác phẩm khác là “La Vita Nuova”, Dante đã mô tả lại một giấc mơ trong đó ông gặp Chúa trời, Ngài đang bồng Beatrice đang ngủ và nói chuyện với ông, khai thị cho ông. Chính vì thế, tình yêu của Dante với nàng Beatrice là một sự ngưỡng mộ, tình yêu những điều thánh thiện, chứ không phải là tình cảm bình thường giữa hai người khác giới.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Thảm thương nhất là những kẻ phải ở ngoài địa ngục!
Dante tình cờ gặp nàng Beatrice tại Ponte Santa Trinita, 1883, Họa sĩ Henry Holiday

Tuy nhiên, 8 năm sau cái lần gặp gỡ thứ hai đó, Beatrice mất. Dante lại tiếp tục lạc lối trong cõi đời, và nhà thơ mô tả điều đó bằng ba hình ảnh ẩn dụ: một con sư tử, một con báo, và một con sói cái, ba con vật đã xuất hiện và đuổi theo Dante trong rừng rậm. Ông hoảng sợ, nhưng không chạy trốn được, và cũng không tìm được một “con đường đúng đắn”. Những cám dỗ và tội lỗi thế gian đã khiến Dante tự đánh mất chính mình:

Như một kẻ máu mê thèm thắng bạc,
Nhưng lại gặp hồi đen thua sạch,
Chỉ còn biết đau khổ than vãn!
Con thú kia cũng khiến tôi như vậy,
Nó đến để tấn công tôi,
Đẩy tôi lùi về phía tối ánh mặt trời.

Trong khi chìm vào nơi sâu thẳm của tội lỗi ấy, Dante đã may mắn gặp được một linh hồn cứu giúp ông, đó là nhà thơ cổ La Mã Virgil, tác giả của trường ca Aeneid. Virgil là người đã có ảnh hưởng rất lớn tới thơ ca của Dante, và được Dante coi như một vị thầy chưa từng gặp mặt.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Thảm thương nhất là những kẻ phải ở ngoài địa ngục!
Virgil cứu thoát Dante, 1859, Họa sĩ Jean Baptiste Camille Corot

Virgil nói rằng nàng Beatrice, vốn tuân theo sự chỉ dẫn của Đức mẹ Mary, đã phái Virgil tới để cứu thoát Dante và dẫn ông vào một cuộc hành trình trong thế giới của các linh hồn. Virgil hé lộ:

Hãy đi theo ta – ta sẽ là người hướng đạo
Dẫn ngươi đi khỏi nơi đây, tới chốn vĩnh hằng!
Ngươi sẽ nghe những tiếng kêu tuyệt vọng,
Sẽ thấy những âm hồn đau đớn,
Khóc than vì phải chết lần thứ hai!
Ngươi sẽ thấy cả những người an tâm trong lửa ngục,
Vì hy vọng một ngày mai
Được sống giữa những người hằng phúc.

Ở đây có một ẩn đố, cũng là một chi tiết mà hiếm người để ý. Trong văn hóa phương Tây, luân hồi dường như là một đề tài ít người biết. Nhưng thực chất, luân hồi đã từng được một số tu sĩ phương Tây cổ xưa truyền bá. Chỉ là khái niệm luân hồi không được Nhà thờ Cơ đốc công nhận và bị gạt bỏ. Cần nói thêm rằng, Cơ Đốc giáo chỉ tin vào sự phục sinh của một linh hồn, từ chốn trần gian trở thành một linh hồn thánh khiết được cứu rỗi – Nghĩa là sau khi người ta chết đi, thì một là lên Thiên đàng, hai là xuống địa ngục, có vậy thôi. Nhưng qua những vần thơ, Virgil lại tiết lộ một chi tiết rằng:

Ngươi sẽ thấy cả những người an tâm trong lửa ngục,
Vì hy vọng một ngày mai
Được sống giữa những người hằng phúc.

Khi đọc đến dòng này, hẳn sẽ có người liên tưởng tới những gì được giảng trong Phật giáo phương Đông: Những linh hồn phải hoàn trả tội lỗi nơi địa ngục thông qua các hình phạt đau đớn khôn tả. Nhưng khi tội lỗi đã được hoàn trả xong rồi, thì họ lại có cơ hội làm người. Và trong khi làm người, họ lại có cơ hội được cứu rỗi. Với những linh hồn đó, họ vẫn còn “hy vọng” được “sống giữa những người hằng phúc”. Đây quả là một ẩn đố chỉ được hóa giải khi kết nối hai nền văn hóa Đông Tây, vì vốn các tín đồ Cơ Đốc giáo hiện nay không tin rằng luân hồi có tồn tại.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Thảm thương nhất là những kẻ phải ở ngoài địa ngục!
Dante và Virgil trong Địa Ngục, 1855, Họa sĩ Rafael Flores

Quay trở lại câu chuyện của Dante, ông được linh hồn của Virgil dẫn bước tới một cánh cổng, nơi được chạm khắc 9 dòng chữ sau:

Qua khỏi đây là xứ thảm sầu,
Qua khỏi đây là đau thương vĩnh viễn!
Qua khỏi đây là thế giới của bọn người vô vọng!
Công lý Tạo hoá, quyền uy Thánh Thần,
Đã tạo ra Ta,
Trí tuệ tuyệt vời cùng Tình yêu thứ nhất.
Trước Ta chưa có gì được tạo lập,
Chưa có gì vĩnh cửu; còn Ta, Ta tồn tại vĩnh hằng.
Hỡi chúng sinh, khi bước vào đây, hãy vứt lại mọi niềm hy vọng!

Đó chính là cánh cổng địa ngục. Và tại đây, trước khi bước vào địa ngục, Dante đã nghe thấy được một điều khiến ông ấn tượng mạnh mẽ:

Đó đây, tiếng thở dài, tiếng kêu khóc gào rống,
Ầm ầm trong không gian chẳng một vì sao,
Mới thoạt nghe, nước mắt tôi đã tuôn trào!
Những ngôn ngữ khác nhau, những thổ âm khủng khiếp,
Những ngôn từ đau đớn, những ngữ điệu điên khùng,
Những tiếng quát to, khàn khàn và tiếng bàn tay…

Dante hỏi Virgil rằng đó là thứ gì mà khiến ông trào nước mắt, và Virgil đã trả lời như sau:

Tình cảnh đớn đau này,
Dành cho những linh hồn nhàm chán,
Sống không hèn nhưng chẳng dám khen, chê.
Chúng hòa theo bản đồng ca của đám thiên thần,
Không phản Chúa, nhưng cũng chẳng trung với Chúa,
Chỉ vì mình, chỉ vì chúng mà thôi!
Thiên đình tống chúng đi, để Thượng giới khỏi giảm phần tươi đẹp,
Địa ngục thẳm sâu cũng chẳng thèm nhận chúng,
Vì sợ đám tội đồ lại có cớ để vênh vang!

Nếu ai đã từng được tiếp xúc với trường ca “Thiên đường đã mất” của Milton thì đều biết về một trận chiến trên Thiên đàng, giữa một bên là kẻ từng là Tổng lãnh Thiên thần Lucifer dẫn đầu các Thiên thần nổi loạn và một bên là Tổng lãnh Thiên thần Michael dẫn đầu các Thiên thần tuân theo sự dẫn dắt của Chúa trời. Kết thúc trận chiến, Lucifer (bấy giờ đã bị đổi tên thành quỷ Satan) và tất cả các Thiên thần theo y bị đuổi khỏi Thiên đàng như là một sự trừng phạt đối với cuộc nổi dậy của chúng. “Thiên đường đã mất” của Milton đã miêu tả một cách sinh động trận chiến này.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Thảm thương nhất là những kẻ phải ở ngoài địa ngục!
Sự thua trận của những Thiên thần sa ngã, 1562, Họa sĩ Pieter Bruegel

Xem thêm: Tìm hiểu nghệ thuật Phục Hưng – Kỳ VII: Chúa Jesus vượt qua cám dỗ của ác quỷ

Lại nói tiếp về sự phán xử các Thiên thần, trong khi những Thiên thần tuân theo Chúa được ở lại, và những kẻ phản Chúa bị đuổi khỏi chốn Thiên đàng, thì Virgil tập trung vào nhóm Thiên thần thứ ba – Những kẻ “sống không hèn nhưng chẳng dám khen, chê”. Điều đáng nói ở đây là việc Virgil đã nhấn mạnh với Dante rằng, thảm thương nhất không phải là các linh hồn đang ở trong địa ngục, mà là những kẻ đang ở ngoài địa ngục. Tại sao lại như thế?

Ta sẽ nói với con rất vắn tắt.
Đến cái chết, chúng cũng không còn hy vọng,
Chỉ sống tiếp cuộc đời mù loà thấp kém,
Nên ước ao bất kỳ số phận nào!

Đọc đến đây, người ta không thể không đặt câu hỏi: Tại sao những Thiên thần không làm điều ác lại nhận lấy một kết cục đáng sợ đến như vậy? Lại trở thành những linh hồn lang thang không có chốn trở về? Ngoài ra chúng ta còn cảm giác rằng dường như nó không có gì đáng sợ lắm so với những hình phạt ở chốn địa ngục. Chẳng phải trước cửa địa ngục có đề dòng chữ “Hỡi chúng sinh, khi bước vào đây, hãy vứt lại mọi niềm hy vọng!” sao?


Các Thiên thần phản Chúa bị trục xuất, 1450 – 1516, Họa sĩ Hieronymus Bosch

Để lý giải điều này, có lẽ người ta lại phải quay về tín ngưỡng phương Đông một chút. Thật ra các linh hồn trong địa ngục chẳng phải vẫn còn một tia hy vọng sao? Đó là hoàn trả hết tội lỗi thì lại được đầu thai làm người, lại được có lại hy vọng. Chẳng qua thời gian hoàn trả tội lỗi của họ dường như dài đến vô vọng mà thôi. Nhưng Virgil chẳng phải đã nói rằng:

Ngươi sẽ thấy cả những người an tâm trong lửa ngục,
Vì hy vọng một ngày mai
Được sống giữa những người hằng phúc.

Vậy như thế nào mới là hết hy vọng? Trong Phật giáo phương Đông có nói đến những kẻ bất ngờ chết trước khi số mệnh kết thúc sẽ cô hồn dã quỷ không có lối về, những kẻ không được ăn uống, sống trong vô vọng, cần được các thầy tu làm lễ siêu độ, giúp họ có nơi chốn để về, cũng tức là quay lại vòng luân hồi và tiếp tục có “một tia hy vọng”được giải thoát.

Chính là như vậy! Những Thiên thần bàng quan trước trận chiến trên Thiên đàng đã phải đối mặt với một hình phạt to lớn: “Không còn hy vọng!”. Họ “ước ao bất kỳ số phận nào!” bởi vì bất kỳ số phận nào, dù là trong những hình phạt thảm khốc chốn địa ngục thì vẫn còn có một tia cơ duyên được giải thoát. Một linh hồn không còn hy vọng là một linh hồn đau khổ nhất – Đó là các Thiên thần đã bàng quan trước cái ác.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Thảm thương nhất là những kẻ phải ở ngoài địa ngục!
Thảm thương nhất là những kẻ không còn hy vọng – Họ chạy theo một lá cờ ở phía sau lưng Dante. Tranh minh họa cho khúc thứ 3 trong Thần Khúc , 1587, Họa sĩ Stradanus

Ngoài các linh hồn đã từng là Thiên thần đó ra, Dante còn nhìn thấy một nhóm những kẻ tương tự, sống mà chỉ biết nghĩ tới mình, không dám lên tiếng trước tội lỗi xảy ra, những kẻ này cũng không được phép bước vào địa ngục. Cả hai nhóm này đều chịu sự trừng phạt khủng khiếp vô tận, đó là ra sức chạy theo một lá cờ, tượng trưng cho sự ích kỷ của bản thân:

Tôi nhìn quanh và thấy một lá cờ,
Vừa quay tròn, vừa lướt chạy cực nhanh,
Hình như chẳng bao giờ nghỉ.
Cuốn theo sau một đoàn người dằng dặc,
Đông đến mức tôi không thể nào tin được,

Kèm theo đó là sự báo ứng không ngừng nghỉ, và tuyệt đối không còn hy vọng:

Đây đúng là lũ người tệ mạt,
Cả Chúa Trời lẫn địch thủ đều khinh!
Lũ khốn này chưa bao giờ dám sống,
Chúng trần truồng và bị quấy nhiễu liên hồi,
Bởi lũ ruồi và ong vò vẽ.
Mặt chúng bị rạch ngang rạch dọc,
Máu hoà nước mắt, ròng ròng chảy xuống chân,
Nơi dòi bọ thối tha đang chờ uống!

Qua số phận của nhóm Thiên thần sa ngã và các linh hồn này, có lẽ Virgil, hay Dante, hay cũng rất có thể là Chúa trời và các Thiên thần chân chính, đã thông qua Dante mà nhắn nhủ tới thế nhân một bài học sâu sắc nhất, một bài học mà nhân loại ngày nay vẫn đang quằn quại để hiểu được:

Kẻ làm ác thì tất nhiên sẽ chịu ác báo, nhưng kẻ đứng ngoài chưa chắc đã là người vô tội. Những kẻ ích kỷ, làm ngơ trước cái ác, bàng quan trước cái ác, sẽ phải chịu ác báo, sẽ phải trả giá. Và đôi khi sẽ phải trả bằng thứ quý giá nhất của sinh mệnh bản thân mình – Hy Vọng!

Chú thích: Bài viết sử dụng bản dịch Thần Khúc tiếng Việt của dịch giả Nguyễn Văn Hoàn.

Hỏa ngục – Ẩn đố tại U Minh

Tiếp nối kỳ I, sau khi Dante nhìn thấy những linh hồn thảm thương nhất không được địa ngục hay thiên đàng đón nhận, ông cùng thầy Virgil dừng chân bên bờ sông Acheron, nơi họ phải vượt sông trước khi tiến vào Hỏa ngục (Địa ngục). Tại đây, họ gặp người lái đò Charon, nhân vật huyền thoại trong Thần thoại Hy Lạp, là người duy nhất phụ trách việc đón đưa những linh hồn vào chốn Địa ngục.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ II: Hỏa ngục - Ẩn đố tại U Minh
Bức “Charon Conveying the Souls of the Dead across the Styx”, 1860, mô tả cảnh Dante và Virgil nhìn thấy Charon đang đứng trên đò đưa linh hồn qua sông, Họa sĩ: Konstantin Petrovich

Charon không muốn chở Dante qua sông vì Dante vẫn là người còn trên dương thế. Người lái đò tìm cớ thoái thác:

Hãy tìm đường khác, tìm bến khác,
Cũng mé sông này, nhưng không phải nơi đây,
Hai người cần đò nhẹ để sang sông

Tuy nhiên, nhà thơ Virgil đã giúp Dante bằng cách nói với Charon rằng: “Vuolsi così colà dove si puote”. Đây đã trở thành một câu nói rất nổi tiếng trong tiếng Ý, mang hàm nghĩa là việc Dante tới thăm Địa ngục là ý chí của bậc phi phàm, là ý chỉ của Thần linh. Chính vì vậy, lão Charon đã đồng ý cho Dante được qua sông.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ II: Hỏa ngục - Ẩn đố tại U Minh
Bức “Charon carries souls across the river Styx” mô tả cảnh Charon đang đưa những linh hồn vượt sông Acheron (hay còn gọi là Styx), phía sau bên phải là Dante và Virgil, trên bầu trời có một ánh chớp đỏ, biểu trưng cho ánh chớp đã khiến Dante bất tỉnh, Họa sĩ: Alexander Litovchenko

Đáng tiếc là hành trình vượt con sông Acheron ngăn cách Địa ngục và thế gian đã không được Dante kể lại do ông bất ngờ bị ngất khi đang trò chuyện với Virgil ở trên đò:

Thầy vừa dứt lời thì cánh đồng đen tối,
Bỗng rung lên dữ dội,
Toàn thân tôi ướt đẫm mồ hôi!
Mặt đất liền đùng đùng nổi gió,
Một chớp đỏ rạch ngang trời,
Khiến tôi không còn cảm giác,
Đổ sụp xuống như người mê ngủ

Dante tỉnh dậy và thấy rằng mình đã qua khỏi sông Acheron, và Virgil dẫn đường cho ông tiến vào Địa ngục tầng thứ nhất: U Minh, nơi chính Virgil đang cư ngụ. Đây là nơi sinh sống của những người ngoại đạo chưa được rửa tội, tuy họ gìn giữ được đức hạnh của mình nhưng chưa tin theo Chúa trời.

Chính vì không có tín ngưỡng, nên những người ngoại đạo phải sống tại đây, trong một lâu đài có bảy cửa, tượng trưng cho bảy đức hạnh. Mặc dù họ không phải chịu đựng hình phạt nào, nhưng họ cũng không được nhìn thấy sự diệu kỳ của thế giới Thần tiên.

Xem thêm Kỳ I: Thảm thương nhất là những kẻ phải ở ngoài địa ngục!

Tuy nhiên, màn hỏi đáp tiếp theo của Dante và Virgil lại là một ẩn đố khác. Dante hỏi:

Tôi hỏi thêm vì muốn được yên lòng,
Về Đức Tin đã thắng mọi sai lầm.
“Thế không một ai được thoát khỏi nơi đây,
Vì công tích, vì người khác, hay vì được ban phúc?”

Và Virgil trả lời:

Thầy hiểu ngay những lời tôi kín đáo,
Và trả lời: “Cõi này ta đã tới, cũng chưa lâu,
Ta đã thấy đến đây một bậc kỳ vĩ,
Vòng hào quang chói lọi quanh đầu!
Ngài đã đưa khỏi bóng đêm anh hồn thủy tổ,
Anh hồn của con trai Aben và cả Nôê,
Của Môixê, vị luật gia hiếu thuận.
Cụ Abờraham, trưởng lão và vua Đavít,
Và Ítxraen, cha của ông cùng các con,
Cả nàng Rakenlê mà Ngài ưu ái.
Nhiều người khác cũng được Ngài ban phước,
Ta muốn con hiểu rằng trước họ,
Chưa hề một ai từng được gia ân”.

Khi đọc những dòng thơ này, chúng ta có thể sẽ cảm thấy thắc mắc, tại sao Dante lại hỏi những lời đó? Chẳng phải những kẻ ngoại đạo, không tin theo Kitô giáo thì không được phép nhìn thấy thế giới Thần linh sao? Câu trả lời của Virgil về những “ngoại lệ”lại càng làm người ta khó hiểu.

Thực ra, trong tín ngưỡng của phương Đông lẫn phương Tây, luôn có một dạng người được gọi là “không tu Đạo mà đã ở trong Đạo”, có nghĩa là mặc dù họ không có tín ngưỡng, nhưng vì luôn sống không vụ lợi, luôn vì người khác, luôn giữ vững tâm của mình, nên cuối đời họ vẫn “thành Đạo”. Hơn nữa, phương Tây không chỉ có mình Kitô giáo, mà còn rất nhiều tín ngưỡng Thần linh khác, đều tin vào một đấng tối cao là Chúa trời. Chính vì thế, Dante mới hỏi lại Virgil một cách nghi ngờ. Và Virgil đã nói với Dante rằng ông thấy Noah, Moses, Abraham, David, và Rachel, và một số người khác nữa đã được một vị Thần dẫn lên Thiên đường.
.
Tìm hiểu nghệ thuật Phục Hưng – Kỳ VI: Truyền thuyết Moses rẽ nước Biển Đỏ
Bức “The Crossing of the Red Sea”, 1481, mô tả cảnh đội quân đuổi theo Moses chìm trong biển đỏ, Moses cũng là một nhà tiên tri trong tín ngưỡng phương Tây, Họa sĩ: Biagio d’Antonio

Thật ra, người đi theo tôn giáo thì chưa chắc đã được lên thiên đường, người không vào tôn giáo thì chưa hẳn là sẽ xuống địa ngục. Nói cho cùng, tôn giáo chỉ là tôn giáo, là một hình thức bề ngoài của tín ngưỡng. Tín ngưỡng chính là niềm tin vào Thần, niềm tin vào những giá trị mà Thần truyền cho con người, chính là đạo đức, niềm hy vọng, sự vị tha, tấm lòng bao dung không ích kỷ. Những con người đức độ, những bậc thánh nhân, dù không tuân theo tôn giáo, nhưng chính là đã hành xử tuân theo các giá trị “Thần truyền”. Vậy thì tất nhiên họ cũng xứng được Thần linh dẫn lối. Người coi tôn giáo như một lớp vỏ bọc bảo vệ những thói xấu của bản thân thì không thể được coi là một “tín đồ” đích thực. Đó chính là lời giải cho ẩn đố tại U Minh.

Xem thêm: Tìm hiểu nghệ thuật Phục Hưng – Kỳ XI: Bí ẩn dự ngôn về cái chết ở chốn thiên đường

Quay lại chuyến du hành tại tầng U Minh, Dante đã được gặp những nhà thơ cổ vĩ đại, đó là Homer, Horace, Ovid, và Lucan. Cùng với Virgil, họ là những bậc thầy thi ca trong lịch sử.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ II: Hỏa ngục - Ẩn đố tại U Minh
Bức “Dante al Limbo” mô tả cảnh Dante và Virgil gặp Homer, Horace, Ovid và Lucan, trước 1850, Họa sĩ: Nicola Consoni

Dante đã vinh dự được họ công nhận, trở thành người thứ 6 trong nhóm.

Trước mắt tôi một tao đàn tuyệt mỹ,
Vị chúa tể với bài ca bất tử,
Như phượng hoàng bay lượn trên cao.
Họ trò chuyện cùng nhau giây lát,
Rồi quay về phía tôi làm dấu hiệu cúi chào,
Và Thầy tôi mỉm cười sung sướng.
Họ ban cho tôi một vinh dự lớn lao:
Được đứng trong Tao đàn của họ,
Làm người thứ sáu trong đám hiền giả đó

Sáu người cùng nhau đi tiếp, và Dante đã chứng kiến các nhân vật quen thuộc trong cuộc chiến thành Troy như Electra, Hector, Aeneas, chứng kiến Julius Caesar trong bộ chiến phục, chứng kiến nữ hoàng Camilla và Penthesilea của rừng Amazon, chứng kiến Saladin thống lãnh quân đội Hồi giáo.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ II: Hỏa ngục - Ẩn đố tại U Minh
Bức “The Parnassus”, 1511, mô tả bốn khía cạnh trí tuệ lớn của nhân loại là triết học, tín ngưỡng, thi ca và luật pháp, phía bên trái bức họa chúng ta có thể tìm thấy Dante đang ngồi cạnh Homer, Họa sĩ: Raphael

Dante cũng có cơ hội được gặp những nhà triết học nổi tiếng như Aristotle, Socrates và Plato, cũng như Democritus, Anaxagoras, Thales, Empedocles, và Heraclitus, v.v., những nhà hình học là Euclid và Ptolemy, những thầy thuốc như Hippocrates và Galen, v.v.

Có thể nói, U Minh là nơi quy tụ của những con người nổi tiếng trong lịch sử nhân loại.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ II: Hỏa ngục - Ẩn đố tại U Minh
Tranh minh họa cảnh Dante gặp gỡ những nhân vật lịch sử nổi tiếng ở chốn U Minh

Hết U Minh, Dante được Virgil dẫn lối đi tới tầng thứ 2 của Địa ngục…

Nhà hiền triết dẫn đường đưa tôi theo hướng khác,
Ra khỏi chốn lặng yên, nơi không khí không xao động,
Đến một nơi không còn ánh sáng…

Hỏa ngục – Lời cảnh tỉnh tại tầng Nhục dục

Tiếp nối kỳ II, sau khi Dante tới thăm U Minh, nơi quy tụ của những con người nổi tiếng trong lịch sử nhân loại, ông được Virgil dẫn lối tới tầng thứ 2 của Địa ngục là Nhục dục. Có thể nói, Địa ngục thực sự bắt đầu từ tầng thứ 2, bởi vì trước khi bước vào đây, Dante được chứng kiến Minos, vị vua xứ Crete, con của thần Zeus và Europa:

Từ tầng một xuống tầng hai,
Không gian hẹp dần, nhưng nỗi đau càng lớn!
Càng nhiều hơn tiếng rền rĩ khóc than!
Minốt đứng đó, nghiến răng khủng khiếp,
Khảo tội từng người mới tới,
Phán xét, rồi đuổi đi, theo số vòng roi xoay tít!
Xin nói rõ: khi một linh hồn khốn khổ,
Đến trình diện và cung khai tất cả,
Thì vị chuyên gia về tội trạng
Cân nhắc chỗ giam thích đáng,
Xoay roi mấy vòng,
Để chỉ định số tầng Địa ngục!

Trong thần thoại Hy Lạp, sau khi chết đi, nhà vua Minos trở thành kẻ phán xét linh hồn người chết tại Địa ngục. Nhân vật Minos mang khá nhiều điểm tương đồng với Diêm vương trong tín ngưỡng phương Đông, cả hai đều đóng vai trò như một vị quan tòa có thể phân rõ tội trạng của những linh hồn tới Địa ngục.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Hỏa ngục - Kỳ III: Hỏa ngục - Lời cảnh tỉnh tại tầng Nhục dục
Vua Minos đang phán xử các linh hồn (Ảnh: Wikipedia)

Minos tỏ vẻ ngạc nhiên về việc Dante có mặt tại Địa ngục và thốt lên: “Ô, sao ngươi cũng tới đây, nhà khách thập phương đau khổ?”. Ông ta thậm chí đã sững sờ đến nỗi quên cả phận sự phán xét linh hồn của mình. Lúc này, Virgil lên tiếng nói với Minos rằng sự có mặt của Dante là do đấng “quyền uy” quyết định và khuyên Minos không cần phải gặng hỏi làm gì.

Trong khi Minos và Virgil đối thoại, Dante bắt đầu hướng sự chú ý tới những tiếng rền rĩ khóc than bên trong những luồng gió ngược chiều:
.

Bây giờ tôi mới nhận thấy mọi cảnh khổ đau,
Tôi đã tới và đã được nghe,
Muôn vàn tiếng khóc than ùa tới!
Nơi đây, mọi ánh sáng đều tắt ngấm,
Chỉ nghe tiếng gầm rít như biển đang bão tố,
Giằng xé nhau những luồng gió ngược chiều!
Trận cuồng phong như không bao giờ dứt!
Cuốn các âm hồn theo cơn điên của nó,
Bị vần xoay, bị va đập, bị quấy rầy!

Những cơn cuồng phong đó cuốn các linh hồn lên không như những “đàn sếu” dài dằng dặc, khiến cho họ bị giày vò không chút nghỉ ngơi. Thấy cảnh tượng đau lòng đó, Dante đã hỏi thầy Virgil lý do, và nhận được lời hồi đáp:

Người đầu tiên trong số người con muốn biết,
Bây giờ Thầy tôi cất tiếng – Là một nữ hoàng,
Xưa từng cai trị nhiều bộ tộc.
Bà ta là người quỷ quyệt,
Đã biến thói dâm ô thành luật pháp,
Mong thoát khỏi mọi lời đàm tiếu.
Đó là Xêmiramít mà người ta biết được,
Là hoàng hậu kế vị Ninô,
Cai quản đô thành mà quốc vương từng cai trị.
Kế đến là người phụ nữ đã vì tình mà tự sát,
Phản lại nắm xương tàn của chồng cũ Xikêô,
Rồi Cờlêôpát, nữ hoàng dâm đãng,
Còn kia là Elêna, vì nàng,
Đã nổ ra cả một thời thê thảm,
Kia là Akinlê vĩ đại, cuối cùng đã chiến đấu với Tînh yêu!
Người thấy Parítxơ, Tơrítxtanô và hơn nghìn người khác
Thầy kể tên và lấy tay chỉ trỏ,
Những linh hồn mà Ái tình đã loại khỏi trần gian!

Lúc này Dante mới vỡ lẽ, rằng tầng thứ 2 của Địa ngục là nơi giam giữ những linh hồn từng bị chi phối bởi dục vọng. Những kẻ đã phạm tội lỗi đó sẽ bị cuồng phong vĩnh hằng giày vò đến thảm thương. Những trận cuồng phong không dứt này tượng trưng cho sự ham muốn mất kiểm soát, đã lôi kéo người ta khỏi con đường ngay thẳng.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Hỏa ngục - Kỳ III: Hỏa ngục - Lời cảnh tỉnh tại tầng Nhục dục
Dante nhìn thấy các linh hồn bị cuốn đi trong những cơn cuồng phong không bao giờ dứt (Ảnh: Wikipedia)

Vậy tội lỗi nhục dục đó là gì? Hãy cùng điểm qua một số người mà Dante nhắc tới:

  • Semiramis: Semiramis là một nữ hoàng đầy quyền lực, người đã lên ngôi trong 42 năm sau cái chết của vua Ninus, và đã chinh phục hầu hết châu Á. Semiramis say đắm vẻ bề ngoài cường tráng của nhà vua Ara xứ Armenia, và xin được về làm vợ ông ta. Tuy nhiên vua Ara không đồng ý. Chính vì vậy, Semiramis đã tấn công Armenia và giết chết Ara.
Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Hỏa ngục - Kỳ III: Hỏa ngục - Lời cảnh tỉnh tại tầng Nhục dục
Semiramis vẫn say đắm ngắm nhìn xác Ara (Ảnh: Wikipedia)
  • Cleopatra: Vị nữ hoàng cực kỳ nổi tiếng của Ai Cập này cũng đồng thời nổi tiếng với một lối sống buông thả phóng đãng. Ngoài ra, cuộc tình với những nhân vật quyền lực đã có vợ con của đế chế La Mã như Julius Caesar hay Mark Antony đã khiến người dân La Mã khó có thể chấp nhận bà.
Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Hỏa ngục - Kỳ III: Hỏa ngục - Lời cảnh tỉnh tại tầng Nhục dục
Cleopatra lợi dụng sự quyền rũ của mình để dụ dỗ Caesar (Ảnh: Wikipedia)
  • Helen và Paris: Trong thần thoại Hy Lạp, Helen là người phụ nữ đã gây ra cuộc chiến Trojan kéo dài 10 năm, gây ra biết bao đau thương cho con người và các á thần. Theo đó, Helen đã phản bội chồng mình là Menelaus để đi theo hoàng tử Paris, gây ra cuộc chiến Trojan nổi tiếng trong sử thi Illiad và Odyssey.
Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Hỏa ngục - Kỳ III: Hỏa ngục - Lời cảnh tỉnh tại tầng Nhục dục
Helen phản bội chồng đi theo Paris (Ảnh: Wikipedia)
  • Achilles: Achilles là một nhân vật hùng mạnh cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến Trojan. Người anh hùng tới để công phá Troy, nhưng đến cuối cùng lại hãm vào mối quan hệ bất chính với Polyxena, con gái vua Priam của thành Troy. Achilles cũng đã tiết lộ với Polyxena bí mật sinh tử của mình nơi gót chân, và chính điều đó đã dẫn đến cái chết của người anh hùng.
Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Hỏa ngục - Kỳ III: Hỏa ngục - Lời cảnh tỉnh tại tầng Nhục dục
Điểm yếu chí mạng của Archilles là gót chân, nơi mẹ cầm chàng nhúng xuống dòng sông địa ngục (Ảnh: Wikipedia)
  • Tristan: Là một hiệp sĩ bàn tròn, Tristan được giao nhiệm vụ với xứ Ireland đón nàng Iseult về làm vợ của nhà vua Mark xứ Cornwall. Tuy nhiên trên đường đi, Tristan lại lâm vào mối tình với nàng Iseult. Dù sau này, họ chưa phạm phải tội lỗi về mặt xác thịt, nhưng là một hiệp sĩ, Tristan đã phản bội lại sự tín nhiệm của vua Mark.
Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Hỏa ngục - Kỳ III: Hỏa ngục - Lời cảnh tỉnh tại tầng Nhục dục
Tristan và Iseult phản bội vua Mark (Ảnh: Wikipedia)
  • Dido: Dido là vợ của Sychaeus, người đã bị vua Pygmalion bí mật giết hại vì tin đồn về sự giàu có của ông. Là một người rất yêu vợ, Sychaeus đã báo mộng cho Dido biết sự thật cái chết của mình, và chỉ dẫn cho Dido nơi ông cất giữ tài sản. Dido trốn chạy khỏi Tyre, tuy nhiên trong quá trình đó cô lại đem lòng yêu Aeneas. Điều đó đã dẫn đến cái chết bi thảm của Dido sau khi cô biết tin mình bị Aeneas phản bội.
Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Hỏa ngục - Kỳ III: Hỏa ngục - Lời cảnh tỉnh tại tầng Nhục dục
Cái chết thảm khốc của nàng Dido sau khi biết mình bị phản bội (Ảnh: Wikipedia)

Như vậy theo Thần khúc của Dante thì người ta phạm phải tội lỗi nhục dục khi không làm chủ nổi mình mà làm điều sai trái, hoặc phản bội vợ/chồng, hay lôi kéo người khác phản bội vợ/chồng, hay thậm chí là cả việc phản bội người vợ/chồng đã khuất. Có thể nói, những tiêu chuẩn đạo đức được đề cập tới tại phương Tây cũng khá tương đồng với văn hóa truyền thống phương Đông thời xưa.

Thật ra hôn nhân trong văn hóa truyền thống của nhân loại không chỉ giản đơn là một sự ước hẹn lứa đôi mà còn là lời thệ ước với chư Thần. Tại phương Tây, người ta làm lễ thành hôn tại nhà thờ với ẩn ý rằng sự kết hợp đó được Chúa trời chứng giám. Tại phương Đông, trong tam bái thì bái thứ nhất chính là bái thiên địa, hàm nghĩa rằng hôn nhân là một lời thề trước Trời đất. Chính vì thế, trong tín ngưỡng truyền thống, việc người ta phản bội lời thệ ước đó được coi là một tội lỗi nghiêm trọng, và những kẻ đồng lõa hay xúi giục cũng không tránh khỏi bị phán xét.

Có một nét đẹp trong hôn nhân gọi là tu khẩu
Dù là văn hóa phương Đông hay phương Tây, hôn nhân đều mang một ý nghĩa thiêng liêng vô cùng

Ngoài những người nói trên, Dante còn dành riêng một đoạn thơ để nàng Francesca kể về câu chuyện giữa nàng và Paolo. Theo đó, Francesca đã được gả cho Giovanni Malatesta vì mục đích hàn gắn mâu thuẫn giữa hai dòng họ. Tuy nhiên, Francesca lại yêu em trai của Giovanni là Paolo, một người đã có vợ. Francesca kể rằng nàng và Paolo đã bị ảnh hưởng bởi câu chuyện ngoại tình giữa Lancelot và Guinevere mà gây ra tội lỗi:

Một hôm cùng đọc truyện Lansialốttô,
Biết ái tình đã chiếm đoạt ra sao chàng tuổi trẻ,
Chỉ có hai chúng tôi và không có gì đáng ngại…
Nhiều lần cuốn truyện khiến chúng tôi ngước lên,
Mắt trong mắt, và cả hai cùng tái mặt!
Chỉ một điểm thôi: cả hai cùng khuất phục!
Đọc đến chỗ khoé miệng cười ham muốn
Nhận được nụ hôn của người tình yêu quý,
Từ đó không bao giờ chàng xa lìa tôi nữa!
Cái miệng hôn tôi, cực kỳ run rẩy,
Galêốttô là cuốn sách và ai đã viết ra,
Từ ngày ấy chúng tôi không dám đọc gì thêm!

Francesca đã bình luận về cuốn truyện “Lancelot du Lac” nguyên văn tiếng Ý là“Galeotto fu ‘l libro e chi lo scrisse”. Từ Galeotto có nghĩa là kẻ xúi giục, mang hàm nghĩa rằng, đó là một cuốn sách khiến người ta bị hãm vào dục vọng.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Hỏa ngục - Kỳ III: Hỏa ngục - Lời cảnh tỉnh tại tầng Nhục dục
Câu chuyện ngoại tình giữa Lancelot và Guinevere được kể lại trong “Lancelot du Lac” (Ảnh: Wikipedia)

Như vậy là thông qua Thần khúc, Dante đã không chỉ lên án những kẻ không biết giữ lấy mình, mà còn lên án cả những cuốn sách tình cảm “lãng mạn” đã hủy hoại tiêu chuẩn đạo đức của con người ta một cách không tự biết. Điều đó thật sự còn đúng cho đến thời điểm hiện tại, khi mà sách báo và phim ảnh tràn đầy những cảnh chăn gối, khơi gợi dục vọng, làm cho người xem vô tình hạ thấp thước đo đạo đức của bản thân.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Hỏa ngục - Kỳ III: Hỏa ngục - Lời cảnh tỉnh tại tầng Nhục dục
Francesca và Paolo ngoại tình, rồi bị chồng Francesca phát hiện (Ảnh: Wikipedia)

Chỉ vì “Lancelot du Lac” mà rơi vào tội lỗi nặng nề, cả Francesca và Paolo đều hối hận đến khôn tả:

Trong lúc người này kể,
Người kia nức nở khóc hoài!

Còn nhà thơ Dante, cảm thương cho số phận của những kẻ không thể vượt qua nhục dục, đã quặn lòng ngã quỵ xuống, kết thúc Khúc thứ V trong Thần khúc, đóng lại những đau thương ở tầng Nhục dục:

Còn tôi, lòng quặn đau muốn chết,
Ngã quỵ xuống như một thây ma

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Hỏa ngục - Kỳ III: Hỏa ngục - Lời cảnh tỉnh tại tầng Nhục dục
Dante đau lòng ngất đi sau khi nghe câu chuyện của Francesca (Ảnh: Wikipedia)

(Còn tiếp)

Quang Minh
Nguồn: vandannguyennguyenbay