Trong đời sống mỗi con người, ít nhiều, ai cũng gặp những điều may mắn. Với nhà văn Nguyễn Phan Hách, thì việc bài thơ “Làng quan họ” của anh được nhà thơ-nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc, là sự may mắn quá lớn, đã nâng sự nổi tiếng của anh lên gấp bội lần. Sự ra đời về ca khúc này, cũng hết sức tình cờ. Ấy là một bữa, Nguyễn Trọng Tạo ghé qua Nhà xuất bản Hội nhà văn, Nguyễn Phan Hách đưa bài thơ “Làng quan họ” của mình nhờ phổ nhạc giúp. Bài thơ được chép trên tờ giấy học sinh, Nguyễn Trọng Tạo liền gập đút túi quần, rồi quên béng luôn. Cho tới lúc đem quần áo đi giặt, vô tình nhặt tờ giấy có bài thơ ra đọc, thì đúng lúc ấy, loa đài công cộng phát lên mấy làn quan họ, Nguyễn Trọng Tạo như nhập đồng, lấy bút kẻ soàn soạt những khuông nhạc ra mặt sau tờ giấy, rồi những nốt nhạc dồn dập nhảy múa trên các khuông nhạc đó. Sự thăng hoa, khiến Nguyễn Trọng Tạo viết một mạch xong ca khúc, quên cả bữa cơm chiều. Chả bao lâu, ca khúc này được phát trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam. Rồi như sự cộng hưởng dồn dập, ca khúc “Làng quan họ” sớm trở thành bài hát phổ cập trong công chúng. Khi Đài phát thanh truyền hình tỉnh Bắc Ninh lấy ca khúc này làm nhạc hiệu đầu ngày của chương trình phát sóng, thì Nguyễn Phan Hách càng trở nên nổi tiếng. Sự nổi tiếng ghê gớm nhờ ca khúc này, làm nhiều người và cả bản thân tôi có lúc phát ghen với anh. Đời thưở nào, mỗi dịp cùng anh về quê Bắc Ninh, đến bất kể trường học hay cơ quan nào, giới thiệu đây là nhà thơ Nguyễn Phan Hách, ấy là bao cô gái xinh đẹp phải thốt lên “Ôi tác giả Làng quan họ đấy à?”. Không chỉ nam thanh nữ tú, mà tôi thấy mấy ông lãnh đạo ngôi bậc trong tỉnh, cũng phải xuýt xoa, vồn vã thán phục. Có ông từng giữ vị trí lãnh đạo cao nhất tỉnh Hà Bắc (thời sát nhập hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang) vốn có con mắt coi thường mấy anh cán bộ quèn ở Ty văn hóa, nhưng khi nghe ca khúc “Làng quan họ” này, mê quá, phục quá, đã phải mời Nguyễn Phan Hách về công đường tỉnh, tiếp xúc một buổi riêng, long trọng như tiếp một ông cấp cao trung ương về chỉ đạo tỉnh. Thì ra, ở đời, sự nổi tiếng cũng là cái số. Chứ như riêng bài thơ này, chưa phải đã ghê gớm gì. Nó được viết ra như những bài thơ khác của anh, rồi đem in trên tờ tạp chí tỉnh. Rồi gửi về báo Văn Nghệ, hồi hộp chờ đợi có được in hay không. Rồi tháng 5 năm 1981, chọn in trong tập thơ “Người quen của em” do Hội văn học nghệ thuật Hà Bắc xuất bản. Dạo ấy, in được tập thơ như thế, đã là sung sướng và oách lắm rồi. Bài thơ “Làng quan họ” cũng có nguy cơ nhòe trong mấy chục bài thơ in ở tập thơ giấy thô đen nhẻm thời bao cấp. Sự lãng quên, vô tăm tích là tất yếu của nghiệp sáng tạo. Tác phẩm nghệ thuật, nó như con người, có số phận riêng của nó. Tôi hình dung, nếu bữa giặt quần áo ấy, Nguyễn Trọng Tạo vô tình vứt đi bài thơ chép trên giấy đã nát nhàu ở túi quần, thì ca khúc “Làng quan họ” có duyên ra đời không? Phải thừa nhận, bài thơ “Làng quan họ” được Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc, đã là sự đổi đời trong nghiệp chữ nghĩa của Nguyễn Phan Hách. Rất nhiều người chưa đọc hàng trăm bài thơ, hàng chục cuốn truyện anh viết ra, nhưng chỉ với ca khúc này, anh đã thực sự được họ tin yêu và mến mộ.
Trước bài thơ “Làng quan họ”, Nguyễn Phan Hách có cuộc sống cũng chẳng được suôn sẻ gì. Từ một cậu trai làng bên kia sông Đuống, học hành trường làng dở dang, rồi theo học Trường trung cấp sư phạm tỉnh, rồi được phân bổ lên một huyện miền núi dạy học. Cái xã Phương Sơn, Mai Siu huyện Lục Nam ngày ấy như quanh năm ngủ trong khói bếp và mây mù. Đời sống anh giáo miền núi ngày ấy có đẹp và thơ thới đấy, nhưng nghèo và buồn tẻ. Nghèo khổ về vật chất thì còn chịu được, chứ nghèo khổ về tinh thần thì thật ghê gớm. Cái làng quê nhỏ bé gần núi Thiên Thai của anh thì xa quá. Chả nhẽ bỏ nghề, về làng, theo mọi người gánh quang thúng đi buôn cá con? Mão Điền quê anh, vốn là làng hiếu học, người dân đa phần cắm mặt với đồng lúa năm đôi vụ và lấy nghề buôn cá con làm kế mưu sinh. Tuổi thơ của anh đã khốn khó vì gia đình bị quy kết thành phần địa chủ. (Khi sửa sai, gia đình anh được xuống thành phần. Người bố của anh, con nhà địa chủ, lại được bà con làng xóm tín nhiệm bầu làm phó chủ nhiệm hợp tác xã gần hai mươi năm liền). Lòng hiếu học sớm nảy nở trong anh. Cái cảnh tượng cậu bé con cùng gia đình bị xua đuổi khỏi ngôi nhà ngói năm gian và mấy ao chuôm nuôi cá con, có cái bút máy do người bố mua cho, cũng không dám đem theo, vì sợ liên lụy. Cái bút máy A-lơ-vơ bơm mực được cho vào gióng tre, cài vào khe gạch cổng nhà, luôn ám ảnh cu cậu. Rồi một buổi trưa vắng người, cậu đánh liều lẻn về bới khe gạch cổng nhà, lấy cái bút giấu trong gióng tre, quyết không cho người khác tịch thu của mình. Cây bút máy và niềm ham viết từ đó. Những bài thơ đầu tiên, vụng dại cùng nét chữ run rảy trên quyển vở học trò, là được viết ra từ cây bút đó. Nguyễn Phan Hách kể rằng, năm mười ba tuổi, anh đã có đoản văn in trên báo Văn Học (tiền thân của báo Văn Nghệ). Tôi chả hỏi anh ngày ấy viết gì, vì thừa biết đó là những câu chữ còn ngây ngô của cậu học trò tập viết như thưở ban đầu của lũ chúng tôi mà thôi. Nhưng tôi tin niềm đam mê chữ nghĩa đã thôi thúc, đã cho anh niềm tin yêu tươi đẹp đi trên con đường viết lách vốn cay nghiệt và trập trùng gian khó này.
Việc được điều động từ một anh giáo trường miền núi về Ty văn hóa, đã
tạo sự hưng phấn và cho anh những chuyến đi thực tế. Được đi qua nhiều mảnh đất, được gặp gỡ nhiều con người với nhiều số phận trớ trêu ở nhiều môi trường phong phú. Vốn thực tế ngày thêm ngồn ngộn. Những trang viết đã tung hoành và sâu lắng hơn. Sau kỳ về Hà Nội học khóa ba (1966), Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ của Hội nhà văn tổ chức, Nguyễn Phan Hách càng xác định rõ hướng đi của mình. Mảng nông thôn, bao số phận con người sống vật vã sau lũy tre làng, bao phong trào sản xuất nông nghiệp thay đổi qua mỗi thời kỳ, có giải phóng và cải thiện được đời sống người nông dân? Bao lề lối ma chay cưới xin, bao hương ước, tập tục cổ hủ đã kìm hãm, đày dọa người nông dân ra sao? Cái làng quê bên bờ sông Đuống của anh, bao năm xa, khi trở về, chả thấy thay đổi là bao. Vẫn cảnh lao động vất vả ngoài đồng, vẫn những dáng người liêu xiêu trên chặng đường gánh gồng quang thúng đi tứ xứ buôn bán cá con. Con người vẫn bần cùng và nhem nhuốc. Bao bi kịch cho con người bị tù túng sau lũy tre làng. Bao khát vọng của lớp trẻ quê, muốn thoát khỏi sự giam cầm cổ hủ của làng quê, mà chưa thoát được. Mỗi bận về quê, đươc nghe, được chứng kiến bao cảnh ngộ, bao bi kịch của người nông dân, khi trở về công sở, đêm đêm, Nguyễn Phan Hách lại chong đèn ngồi viết. Cây bút viết như chạy theo cảm xúc rối bời, như bị dày vò, xô đẩy, hối thúc của bao số phận trói buộc trong làng quê nhỏ bé. Một loạt truyện ngắn phản ánh về nông thôn của anh ra đời từ đó. Anh thành một hiện tượng của các cây bút viết về nông thôn một thời. Rồi hàng loạt bài báo ca ngợi những trang viết về nông thôn của anh, tạo thuận tiện cho việc giữa năm 1973, anh được chuyển từ Hà Bắc, về làm việc tại báo Văn Nghệ.
Nghĩ lại chặng đường viết văn của mình, Nguyễn Phan Hách tự thú, chỉ tới khi được về làm việc ở báo Văn Nghệ, anh mới vỡ lẽ ra bao điều về nghiệp viết. Được gặp gỡ, tiếp xúc hàng ngày với các nhà văn bậc lão trượng trong nghề, Nguyễn Phan Hách càng thấy mình bé nhỏ, càng phải cố gắng. Ngày ấy, đang thời trai trẻ, ăn cơm tập thể, ngủ bàn làm việc, gia đình ở xa, nên tất cả thời gian và tâm sức, dành cho việc đọc và viết. Anh tự thấy mình là người được học ít, nhưng may mắn, là anh có khả năng đọc nhanh, đọc nhiều, biết quan sát và biết nhìn ra cái đẹp quanh mình. Từ chân loong toong ở tổ thư ký, rồi được sang làm biên tập tổ thơ của báo Văn Nghệ. Những năm ấy, việc biên tập và in bài trên báo vô cùng trong sáng, hễ thấy bài nào xứng đáng in được là in. Sự vô tư ấy, sau này, khi tình cờ gặp anh, nhà thơ Hoàng Việt Hằng cứ xoắn xuýt cảm ơn anh đã in bài thơ đầu tiên của chị trên báo Văn Nghệ. Nguyễn Phan Hách chỉ biết cười khì, phân trần, nào riêng mình đâu, cả báo độ ấy đều thế, hễ thấy bài chất lượng là in. Thời vô tư đến vậy!
Năm năm làm việc ở báo Văn Nghệ, đến 1978, anh lại được chuyển sang Nhà xuất bản Tác phẩm mới (tiền thân của Nhà xuất bản Hội nhà văn bây giờ). Đấy là thời nhà xuất bản rất danh giá, chuyên in những tác phẩm văn học tiêu biểu trong nước và nước ngoài. Nhiều nhà văn cự phách mà anh kính nể in sách ở đấy, như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu...Rồi anh được Ban giám đốc cử làm thường trực tổ sáng tác văn xuôi. Thấy con đường tiến thân của anh thuận tiện, suôn sẻ, mấy anh em viết lách quê Kinh Bắc thường gặp nhau, chúc mừng anh. Nguyễn Phan Hách lại cười khì. Suôn sẻ gì đâu, ở nhà xuất bản toàn những tay đình đám, như Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Lê Minh Khuê, Ý Nhi, Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên n… ngoài giờ biên tập, họ còn mải viết lách cho riêng họ, chứ phải nợ gánh cái chức tổ trưởng như mình à! Cứ cười khì vậy thôi, chứ việc quản lý, anh là người quyết đáp. Đã mấy lần cùng anh dong duổi xa Hà Nội, trên xe, qua điện thoại, thấy anh điều khiển công việc ở nhà rất nguyên tắc, rành mạch. Việc làm xuất bản thời cơ chế thị trường vô cùng phức tạp. Nên in cuốn nào, số lượng in bao nhiêu, in thời điểm nào? Anh luôn đưa ra ý kiến tiên quyết. Nói theo ngôn ngữ cánh xuất bản, phải biết “ngửi” thấy cuốn nào hay, cuốn nào có lãi. Nhất là, phải biết “ngửi” tinh, để loại ra những cuốn có vấn đề nhạy cảm, kẻo nhà xuất bản bị đóng cửa tức thì. Nhờ có con mắt tinh tường này, chả thế khi về hưu, lại có một nhà xuất bản uy tín mời đón anh về làm tổng biên tập.
Trong quá trình thường trực tổ sáng tác văn xuôi ở nhà xuất bản Hội nhà văn, Nguyễn Phan Hách đã góp công để ba cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”, “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, “Bến không chồng” ra đời. Ba cuốn tiểu thuyết này (trước nữa là cuốn “Thời xa vắng” của Lê Lựu), đến nay, vẫn được đánh giá là những cuốn sách tiêu biểu của văn học thời kỳ đổi mới, góp phần tôn vinh thương hiệu của nhà xuất bản. Năm 1996, Nguyễn Phan Hách được bầu làm phó giám đốc, năm 2000, làm giám đốc nhà xuất bản Hội nhà văn.
Với một con người bình thường, thì đảm nhiệm những chức tước như thế, cũng là mãn nguyện rồi. Nhưng tư cách một nhà văn, nếu chỉ sống nhờ mấy cái chức vụ ấy, thì buồn quá. May cho Nguyễn Phan Hách, ngoài phần lo tổ chức xuất bản nhiều sách hay, sách đúng và kiếm nhiều lợi nhuận cho nhà xuất bản, anh vẫn say mê, bền bỉ sáng tác. Năm 2008, khi cầm quyết định về hưu, cũng là lúc anh trình làng tiểu thuyết “Cuồng phong” tặng bạn bè. Cuốn tiểu thuyết gần nghìn trang, đã khái quát xã hội Việt Nam trong một chặng đường dài của cách mạng. Số phận nhân vật trong cuốn sách, gắn liền số phận dân tộc với những năm đầy buồn vui. Cuốn sách ra đời, người khen thì khen hết mực, người chê thì cũng chê hết nhẽ. Mọi giá trị của tác phẩm nghệ thuật, chỉ có thời gian là người kiểm chứng công minh nhất. Đến nay, cuốn sách đã được tái bản năm lần, chưa kể rất nhiều bản in lậu của một số nhà sách.
Nhìn lại số đầu sách trên hai chục cuốn đã xuất bản, có lúc anh không ngờ mình đã làm được nhiều việc đến thế. Ngày đầu bước vào nghiệp văn chương, thơ là nỗi đam mê, ám ảnh anh. Nhưng rồi càng viết, anh càng thấy thơ không tải hết nỗi niềm day dứt của mình trước cuộc sống. Anh quay sang viết văn. Ngoài các tập thơ (Người quen của em,Vô tình, Những ngôi sao tuổi thơ, Hạt bụi), anh còn có bài thơ “Hoa sữa” in trên tờ thiếp, mà lớp trẻ, nhất là lứa học sinh, sinh viên thường chuyền tay nhau đọc. Ngoài chuc tập truyện ngắn, truyện vừa, Nguyễn Phan Hách đã xuất bản bốn tiểu thuyết (Tan mây, Mê cung, Người đàn bà buồn, Cuồng phong). Anh khao khát viết những cuốn tiểu thuyết đồ sộ có sức ôm chứa chuỗi dài thời cuộc tao loạn đầy thăng trầm của dân tộc. Anh là người có vốn sống phong phú và đa dạng về những con người sống ở làng quê. Anh rất hiểu cái vật lộn, giằng xé, cái kìm hãm, tù túng của những con người sống trong lũy tre làng. Nhưng lạ thay, văn anh viết về họ, lại thường thấy vẻ đẹp bình lặng, ít thấy sự dữ dằn, khốc liệt. Có người nói, cuộc sống vốn khốn khổ rồi, biết nhìn ra cái đẹp mới khó, chứ viết thêm về cái khốn khó thì ích gì? Phải chăng quan niệm sáng tạo của anh là vậy? Hay anh né tránh thực tế tàn bạo, phũ phàng? Tiểu thuyết “Cuồng phong” của anh, như đã bù lại những thiếu hụt này ở những tập sách trước.
*
Vì cùng cảnh ngộ bỏ quê Kinh Bắc ra Hà Nội làm ăn sinh sống, Nguyễn Phan Hách và tôi cùng phải đối mặt với một số việc đời thường, nên chúng tôi hay có dịp gặp gỡ. Bây giờ, con cái anh đã khương trưởng và thành đạt, chứ ngày đầu gồng gánh vợ con ở quê ra, đến là liêu xiêu. May mà ngày ấy, niềm đam mê văn chương quá lớn, nên chả ai quan tâm đến cái khổ của đời thường. Những vẻ đẹp, sự sang trọng, cao cả của văn chương, đã kéo chúng tôi vượt qua bao vất vả và thiếu thốn. Quên sao được những năm tháng ấy. Có những buổi chiều, không thể đọc và viết được, anh và tôi không biết làm gì ngoài việc đi lang thang phố xá. Nom mọi gia đình sum họp đầm ấm cuối ngày, chúng tôi chạnh lòng với cảnh sống không nhà cửa, đêm đêm ngủ vạ vật trên bàn làm việc của mình. Rồi Nguyễn Phan Hách quyết đi tìm mua một căn nhà nho nhỏ. Việc tôi mua được căn buồng chưa đầy sáu mét vuông tầng hai của ngôi nhà số 6 phố Nguyễn Cao, cũng là nhờ Nguyễn Phan Hách. Chả là khi ấy, anh đã đặt tiền mua căn buồng này, nhưng chê chật, nên nhường tôi.Với tôi khi ấy, đó là niềm vui quá lớn, vì kết thúc cảnh ngủ bàn cơ quan. Điều sung sướng hơn, tiền mua căn buồng ấy, là nhờ nhuận bút cuốn truyện dài đầu tay “Miền đất đợi chờ” của tôi, do Nhà xuất bản Thanh Niên xuất bản, người biên tập là nhà thơ Võ Văn Trực. Cũng muốn nói thêm, cuốn sách nộp lưu chiểu tháng 6 năm 1978, in số lượng 15.850 cuốn, được hưởng nhuận bút thừa tiền mua căn buồng đó, ngoài ra còn đủ tiền ăn thịt chó nhòe đãi bè bạn. Căn buồng chưa đầy sáu mét vuông, không đồ đạc, quanh tường là những giá sách chất đầy, tuy chật hẹp, nhưng luôn đông bạn văn chương ghé chơi. Cũng bao bản thảo của tôi ra đời từ căn buồng ấy. Nhớ căn buồng ấy, tôi lại nhớ không khí văn chương ngày ấy rất đẹp. Nguyễn Phan Hách chép miệng, bảo rằng, đấy là thời người viết rất được coi trọng. Nhuận bút cuốn sách nào bây giờ mua nổi căn buồng sáu mét vuông ở phố chính như vậy?
*
Một ngày xuân, nhớ quê, Nguyễn Phan Hách rủ mấy anh em chúng tôi về chơi. Tôi nhớ hôm ấy có nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đi cùng. Tháng giêng mùa hát hội/Áo nâu ướp hương trầm/Nón thúng quai thao rủ/Buông dài nếp sống thâm. Đấy là làng xóm trong thơ anh thôi, chứ thực tế tôi thấy thôn xóm như đang bươn bả với cuộc mưu sinh. Mấy anh em ngồi ngay bên gốc nhãn góc vườn, ngắm những vạt nắng trên vòm cây lao xao, cùng chiêm nghiệm sức sống của làng quê đang thời chuyển hóa. Nếp nhà ngói của cha ông mà anh được thừa tự, tuy là nhà năm gian, nhưng cột kèo nhỏ bé, mốc thếch. Vạt ngói mái sau đã xô dạt. Cái ngôi nhà mà một thời bị trưng thu, vì thành phần địa chủ, nay bỏ trống. Mảnh ao góc vườn quanh bờ cỏ dại, một thưở gột cá con, nay sen súng mọc tơi bời. Tôi chợt nhận ra sự hoang vắng, cô liêu thoáng hiện trên khuôn mặt Nguyễn Phan Hách. Biết làm sao được, ngôi nhà cũ càng, mảnh ao bé nhỏ, cái ngõ quanh quanh chỉ còn là kỷ niệm, không thể níu kéo anh ở lại. Nghiệp chữ nghĩa, chí tang bồng, chả biết công danh thành bại đến đâu, nhưng khát vọng mộng mơ đã mở ra bao chân trời mới, đã đẩy anh đi khỏi chốn cố hương. Nhưng tôi tin, trong những câu chữ Nguyễn Phan Hách viết ra, thấp thoáng có hồn cốt từ ngôi nhà nhỏ bé cũ càng, cái bờ ao cỏ mọc hoang vắng và con ngõ nhỏ quanh quanh...
Tháng 6-2016
Ảnh: Nguyễn Phan Hách, Nguyễn Trọng Tạo, Vũ Từ Trang (trái sang)