Năm 2015 cả nước ta đã long trọng kỷ niệm 250 năm sinh Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, danh nhân văn hóa được UNESCO vinh danh toàn thế giới cùng với 107 nhân vật nổi tiếng khác. Đây là lần thứ hai Nguyễn Du được nhận vinh dự này. (Lần thứ nhất, vào 1965 Hội đồng Hòa bình thế giới cũng đã tổ chức vinh danh cụ nhân kỷ niệm 200 năm sinh.)
Hai lần kỷ niệm năm sinh là hai lần Nguyễn Du bước ra đại lộ văn minh nhân loại, đem lại niềm tự hào cho non sông Việt, dân tộc Việt, văn chương và ngôn ngữ Việt.
Tuy nhiên, theo lệ tục Việt thì ngày mất thường tính theo âm lịch mới là ngày lễ trọng đối với các bậc tiền nhân. Ngày đó trong gia đình, gia tộc, bà con, bạn bè thường đi thăm mộ, đến nhà thờ thắp hương tưởng nhớ người đã khuất. Đây là một việc làm đầy tính nhân văn theo nguồn mạch của tình cảm uống nước nhớ nguồn, sống tết, chết giỗ trong tâm thức người Việt. Ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du là 10/8 năm Canh Thìn (16/9/1820). Vào ngày đó hàng năm, gia tộc Nguyễn Tiên Điền đều tổ chức cúng giỗ. Khi hình thành Khu lưu niệm Nguyễn Du ở huyện Nghi Xuân, các kỳ giỗ đều được tiến hành có sự kết hợp giữa gia tộc Nguyễn Tiên Điền với đại diện chính quyền. Trong gần 200 năm sau ngày mất của Nguyễn Du, chúng ta mới ghi nhận một lễ giỗ lớn có tiếng vang cả nước là lần giỗ vào ngày 10/8 Canh Tý (8/9/1924) do Hội Khai trí Tiến Đức tổ chức tại Hà Nội. Trong ngày giỗ ấy, có bài giới thiệu tiểu sử Nguyễn Du do Trần Trọng Kim đọc, diễn văn bằng hai thứ tiếng Việt-Pháp của Phạm Quỳnh, một bài văn bia do Bùi Kỷ soạn và một màn biểu diễn hát nói của Nguyễn Đôn Phục. Đến nay tấm bia vẫn còn được bảo quản trong một khu vực khiêm tốn ở đường Hàng Trống ngay sát Hồ Gươm; còn bài diễn văn của Phạm Quỳnh với câu nói nổi tiếng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn” vẫn nguyên vẹn tính thời sự và có một sức sống mãnh liệt.
Năm 2016 là lần giỗ thứ 196 năm ngày mất của cụ Nguyễn Du, Hội Kiều học Việt Nam cùng UBND tỉnh Hà Tĩnh đã kết hợp làm một lễ tưởng niệm long trọng. Nếu xét ở tầm cả nước thì đây là lần giỗ thứ 2 sau lần giỗ của Hội Khai trí tiến đức năm 1924. Lần giỗ này diễn ra trong một bối cảnh khá đặc biệt: Hội Kiều học Việt Nam đang chuẩn bị Đại hội lần II (vào tháng 11/2016) hướng tới kỷ niệm 200 mất của Nguyễn Du vào năm 2020; còn cả tỉnh Hà Tĩnh đang tích cực khắc phục những hậu quả về môi trường biển, để ổn định và tiếp tục phát triển mọi mặt. Cái đích của hoạt động văn hóa này là phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống văn hóa quê hương, xây dựng niềm tin, tạo dựng một môi trường tinh thần lành mạnh.
Lần giỗ này, ngày 10/8 Bính Thân (10/9/2016) được tổ chức tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du tại Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, chính quê của Đại thi hào. Đoàn của Hội Kiều học Việt Nam có các vị: GS Nguyễn Đình Chú, GS. Trần Đình Sử, nhà thư pháp Thế Anh, các nhà Kiều học Nguyễn Khắc Bảo, Nguyễn Khắc Phi, Bùi Thiết, Phùng Văn Tính, Hoàng Khôi, Hoàng Xuân Khóa, Ánh Tuyết, Phương Văn, Trần Đình Tuấn, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Duy Linh, Tiến Minh do Giáo sư Phong Lê dẫn đầu. Lãnh đạo Hà Tĩnh có đồng chí Lê Đình Sơn, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Đặng Quốc Vinh, phó Chủ tịch tỉnh, cùng các vị đại diện HĐND tỉnh, Chủ tịch, Bí thư huyện Nghi Xuân, Sở VHTTDL, Hội văn học nghệ thuật, đại diện dòng họ Nguyễn Tiên Điền, Bảo tàng Nguyễn Du và đông đảo bà con Nghệ An, Hà Tĩnh cũng có mặt.
Từ 8 giờ 30 sáng, tại Khu mộ Nguyễn Du đã có nhiều đoàn đại biểu của tỉnh Hà Tĩnh, của Hội Kiều học Việt Nam, của ĐHSP Vinh, bà con cả Nghệ An và Hà Tĩnh đều dâng hương, hoa, dâng rượu, thành kính chiêm bái. Lễ giỗ chính được tổ chức tại nhà thờ Nguyễn Du với lời giới thiệu của ông Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân. Sau lễ dâng hương với sự có mặt của đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các sở ban ngành, dòng họ Nguyễn và đoàn đại biểu Hội Kiều học Việt Nam là nghi thức đọc văn tế. Không khí trang nghiêm và linh thiêng hơn khi nhà giáo Vũ Ngọc Khôi người quê Nghi Xuân trong trang phục cổ truyền tuyên đọc bài văn tế Nguyễn Du do nhà thơ Hoài Yên soạn theo nhịp trống trầm hùng. Bài văn tế được hóa ngay sau khi đọc xong đúng vào lúc lư hương đặt giữa sân nhà thờ cũng hóa cháy bùng bùng. Có lẽ vong linh cụ Nguyễn đã chứng cho lòng thành của con cháu.
Bài văn tế được mở đầu bằng câu:
Mây Hồng Lĩnh khi tan khi hợp/thiết tha câu hữu cảm tất thông.
Nước Lam giang lúc đục lúc trong/ khẩn khoản chữ hữu cầu tất ứng.
Tiếp đó tái hiện lại hình ảnh Nguyễn Du với những đặc điểm tâm lý, khí chất vận mệnh và những trăn trở trong cuộc đời Người để có được tác phẩm bất hủ:
Đọc sách cổ, gặp Kim Vân Kiều truyện, cả tình cả ý tương liên
Múa bút thần, viết Đoạn trường tân thanh, chữ mệnh chữ tài tương đố
Giấc đoạn trường, giọt máu chảy đầu ngọn bút, con mắt trông sáu cõi sâu xa
Khúc bạc mệnh, nước mắt thấm trên tờ hoa, tấm lòng nghĩ tới ngàn đời gắn bó
Thơ dự vào hàng ngũ tuyệt, văn tài nhả ngọc phun châu
Nôm đứng ở bảng đầu tiên, diệu nghệ thêu hoa dệt gấm…
Và đi tới đoạn kết thúc xúc động:
Một đời vinh hiển ngàn thâu
Phải đâu một nấm cỏ khâu xanh rì
Lời tri ân Nguyễn Du do ông Đặng Quốc Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đọc một lần nữa ngợi ca những giá trị văn chương, giá trị văn hóa tinh thần nhân ái, nhân văn mà Nguyễn Du đã để lại cho đời sau với những nguyện ước, mong muốn cùng người dân Hà Tĩnh xây dựng quê hương.
Tiếp đó là phát biểu của giáo sư Phong Lê, Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam, một lần nữa khẳng định lại giá trị Truyện Kiều bằng những dòng tuyệt bút của nhà nho Mộng Liên đường chủ nhân nói về “con mắt trông suốt sáu cõi và tấm lòng nghĩ tới ngàn đời” của Nguyễn Du và lời học giả Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Giáo sư Phong Lê cũng bình luận ý kiến của bà Katherinne Muleh - Trưởng đại diện UNESCO ở Việt Nam trong lễ kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du là đã gắn Nguyễn Du với những giá trị nhân loại mang tính thời đại, như khát vọng hòa bình, chủ nghĩa nhân văn, quyền con người, giá trị gia đình, yêu cầu bình đẳng giới và truyền thống văn hóa Việt. Ông cũng nhắc lại những câu lẩy Kiều mà các vị tổng thống, phó tổng thống Mỹ đọc trong các cuộc gặp gỡ nguyên thủ Việt Mỹ để một lần nữa đọc lại câu thơ Nguyễn Du: Của tin gọi một chút này làm ghi với mong muốn: “Hơn bất cứ lúc nào, lúc này chính là lúc chúng ta phải lấy lại, hoặc xây dựng cho được lòng tin, để có của tin: tin ở chân lý, ở lẽ phải, ở cái thật, ở sự thật, ở thiện tâm, ở sự tử tế, ở ý chí vượt lên, và chiến thắng những gì là trái, là ngược lại những giá trị cao quý và thiêng liêng mà Tổ quốc ta, nhân dân ta, hệ thống chính trị ta quyết tâm gìn giữ, vốn đã được kết tinh với sức hút và sức toả tuyệt vời của nó nơi Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều bất hủ.
Nhà thư pháp Thế Anh 91 tuổi đã thay mặt Hội Kiều học Việt Nam tặng bảo tàng Nguyễn Du bức thư pháp có bốn câu thơ Tố Hữu được chuyển thành chữ Nôm: “Tiếng thơ ai động đất trời/ Nghe như non nước vọng lời ngàn thu/Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du/ Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”. Tiếng thơ, lời non nước, tiếng thương, tiếng mẹ ru qua mấy câu thơ Tố Hữu trên bức thư pháp quả là một lời nhắn nhủ đầy ý nghĩa để kết thúc trọn vẹn lễ giỗ 196 năm ngày mất của Đại thi hào dân tộc trước lời cảm tạ chân tình và thành ý của gia tộc Nguyễn Tiên Điền do ông Nguyễn Ban, hậu duệ đời thứ 7 của Nguyễn Du khi tiễn biệt quan khách.
Với Danh nhân văn hóa như Nguyễn Du, đây còn là một ngày thiêng trong tâm linh người Việt, một sinh hoạt mang tầm văn hóa Việt. Chẳng thế mà suốt trong cả buỗi lễ, không gian Nghi Xuân rất ấm áp tình người, trời đất mát mẻ giao hòa. Nhưng khi hóa văn thì lư hương cũng bốc hỏa và chiều tối hôm đó, cả ngày sau đó là Hà Tĩnh có một trận mưa lớn, “một trận mưa nhuần rửa núi sông” (thơ Nguyễn Trãi). Tấm lòng của hậu thế đã được tiền nhân chứng giám!.
Hà Tĩnh, tháng 9/2016
Viết sau ngày giỗ thứ 196 Nguyễn Du
H.K