Chuyện mổ nhầm chân nọ sang chân kia là hy hữu nhưng ở Việt Nam đây không phải là lần đầu. Mời quý vị cùng nghe cuộc trò chuyện giả tưởng với cái chân phải bị mổ nhầm của bệnh nhân.
Chào chân lành, bạn vẫn ổn chứ?
Tôi bây giờ cũng thành chân què rồi, còn lành đâu nữa mà lành, anh cứ gọi tôi là chân phải để phân biệt với chân trái, người bạn sinh đôi cũng vừa mới bị mổ của tôi.
Bây giờ, bạn cảm thấy thế nào?
Tôi cảm thấy mình được người ta đem ra làm minh chứng như câu tục ngữ “Lợn lành chữa thành lợn què”.
Bạn nghĩ sao về việc bác sĩ đã mổ nhầm cho mình?
Ừ thì cũng phải thông cảm cho các bác sĩ chứ! Họ cũng chịu rất nhiều áp lực, hết bệnh viện công ở trung ương lại ở phòng khám tư, chưa kể còn các bệnh viện tỉnh mời. Tôi nghĩ, nhiều lúc họ phải chạy sô phẫu thuật cũng giống như người ta chạy sô đi mổ gà, mổ vịt thuê cho các đám cưới, đám hỏi ấy chứ!
Vậy, bạn có nghĩ rằng ông chủ mình vẫn còn may?
Đúng vậy, tuy hai chân chính đều bị mổ, nhưng chân phụ của chủ nhân tôi thì vẫn còn nguyên vẹn, không dính mổ nhầm. Thế là cũng phúc bảy mươi đời ông ấy rồi!
Và không phải chịu cảnh đau lòng phải cưa đi như bạn chân phải của thiếu nữ trên Đắk Lắk dạo trước?
Đúng vậy, nhưng đó không phải là mổ nhầm, mà là do mổ chậm, anh nhé!
Nhưng cùng có nguyên nhân là bác sĩ tắc trách?
Đúng thế, nếu không tắc trách thì họ phải giở xem bệnh án của chủ nhân tôi chứ, sao lại vô cớ mổ tôi (chân phải) chỉ là người anh em song sinh đi cùng.
Thế sao lúc họ sắp mổ nhầm bạn, bạn không lên tiếng?
Anh buồn cười thật, tôi là chân chứ có phải là miệng đâu mà nói được, ngay như cuộc trò chuyện với anh đây tôi cũng phải sử dụng bàn phím bằng 5 ngón của mình!
Vậy, chính chủ nhân của bạn là người đã thông báo cho bác sĩ việc mổ nhầm?
Đúng thế, sau khi thuốc tê hết hiệu nghiệm, ông ấy tỉnh dậy và thông báo với bác sĩ là đã mổ nhầm sang tôi (chân phải) không bị đau.
Nghe nói, bác sĩ mổ cho anh có chuyên môn rất giỏi?
Ử, tôi có nghe lãnh đạo viện nói vậy, chứ tôi có chuyên môn đâu mà dám đánh giá chuyên môn của họ. Tuy nhiên, tôi nghĩ dù có chuyên môn giỏi mà làm việc cẩu thả, tùy tiện thì cũng có khi gây đại họa.
Và với việc bị mổ nhầm này, bạn cũng có ảnh hưởng ít nhiều?
Thì trên tôi đã nói rồi, hiện tại từ chân lành hóa thành chân què. Chính vị đại diện của bệnh viện đó cũng thừa nhận là, có ảnh hưởng nhất định tới chức năng của tôi (chân phải).
Nghe nói, sau khi bạn bị mổ nhầm, người nhà chủ nhân của bạn được bệnh viện yêu cầu đóng thêm tiền thì người anh em chân trái của bạn mới được mổ?
Đúng vậy, việc đó đã làm cho chủ nhân và người nhà chủ nhân của tôi rất bức xúc, anh có thể lên báo Tuổi Trẻ hoặc báo Lao Động mà xem.
Nhưng trên vài báo khác, tôi lại thấy chủ nhân cảu bạn và người nhà của họ rất cảm thông và còn xin giảm nhẹ hình thức kỉ luật cho bác sĩ đã mổ nhầm cho bạn?
Ừ thì cái này cũng đúng, vì sau đó, bệnh viện đã có buổi làm việc rất ổn thỏa với gia đình chủ nhân tôi. Họ đã xin lỗi và cam kết sẽ miễn toàn bộ viện phí cho chủ nhân tôi, rồi cả theo dõi tình trạng sức khỏe của ông ấy sau này.
Nghe nói, ở nước ta, chủ nhân của bạn không phải là trường hợp đầu tiên bị mổ nhầm chân ?
Đúng thế, chủ nhân tôi là người thứ ba sau cháu Hào, bà Phấn đã bị mổ nhầm chân nọ sang chân kia trước đó.
Bạn cũng tìm hiểu lịch sử mổ nhầm chân kĩ nhỉ?
Thì anh bảo, tôi (chân phải) và anh chân trái đều bị mổ cả, chả đi đâu được, nằm viện đâm ra cũng chán nên lên mạng thì thấy có báo người ta đã tổng hợp rồi. Thôi thì cũng được an ủi một phần vì đã có 2 người bạn vong niên cùng cảnh ngộ.
Vậy, bạn có lời nhắn nhủ gì đến các bác sĩ phẫu thuật?
Mổ người liên quan đến sức khỏe, tính mạng, thậm chí liên quan đến tương lai, hạnh phúc của bệnh nhân, không dễ dàng như mổ gà, mổ vịt nên tôi mong rằng các bác sĩ phẫu thuật phải tuân thủ tuyệt đối các quy định của chuyên môn, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc như tôi và các bạn đồng cảnh.
Xin cảm ơn bạn, chúc bạn “chân cứng đá mềm”.