Trang chủ » Truyện

TRUYỀN THUYẾT CỦA LÀNG

Trần Nhương
Thứ năm ngày 20 tháng 10 năm 2016 5:54 AM




Truyện ngắn




Làng Bèo nằm ven kinh kỳ. Làng thuần nông có làm thêm canh cửi. Bà con nơi đây thật thà như đếm, có sao nói vậy. Không biết nói dối nên như cái bánh lúc nào cũng bày ra gan ruột cho thiên hạ thấy. Không biết nói dối nên chuyện nhà ai cũng công khai cả làng. Bà con không phải ý tứ, lươn lẹo, đề phòng nên sống hồn nhiên vô tư như cây lúa củ khoai.

Rồi đến một ngày nhà vua cắm đất làng Bèo để xây cung điện nghỉ dưỡng. Làng Bèo bỗng dưng thành nơi đô hội. Con dân làng Bèo được hưởng ân sủng của nhà vua người được tuyển vào cung làm vườn, gái trẻ được tuyển vào cung hầu hạ. Mỗi lần nhà vua từ kinh kỳ về nghỉ dưỡng là quân lính, võng lọng đầy đường làm rung chuyển cả làng.

Một hôm nhà vua đi thị sát quanh làng. Nhà vua gặp một cụ già tên Xước. Ông cụ cúi rạp không dám nhìn long nhan sợ mang tội khi quân. Nhà vua cho lính mời cụ đứng dậy. Nhà vua hỏi:

- Này già kia, dưới sự trị vì của ta dân làng có được ấm no bình an không?

Quen tính nói thật, cụ Xước cung kính thưa:

- Thưa bệ hạ, dân làng chúng con nghèo khổ quá. Có ít đất thì quan huyện, quan tỉnh chiếm hết, chỗ thì làm sân đua ngựa, chỗ thì xây cao lâu nên chả có ruộng để mà cày cấy. Không có ruộng thì sinh ra nhàn cư, nhàn cư sinh ra trộm cắp, cờ bạc, đĩ điếm .

Nhà vua tím mặt. Ngài gọi lính nọc ông cụ Xước ra giữa đường đánh cho năm mươi roi.

Ông cụ Xước già yếu lại đói ăn nên mới đánh mười roi đã bất tỉnh nhân sự.

Lại một lần khác nhà vua đi dạo. Nghe tiếng hát chầu văn véo von dưới ruộng dâu hay quá, nhà vua sai lính gọi mấy cô gái lên ra mắt nhà vua. Hai cô gái trẻ đẹp, đẻ sinh đôi nhà bà Hoẻn khúm núm gỡ ống quần đang xắn ngang đùi rồi cúi rạp lậy nhà vua. Nhà vua kịp nhìn những cặp đùi trắng nõn, tròn lẵn vương đôi chiếc lá dâu non. Nhà vua hỏi cô bên trái:

- Nhà ngươi năm nay bao nhiêu xuân xanh ?

- Dạ thưa bệ hạ con 23 tuổi ạ.

Nhà vua hỏi cô bên phải cũng câu hỏi đó:

- Dạ thưa con năm nay 17 tuổi ạ.

Nhà vua gật đầu, sai lính ghi tên và đón cô 17 tuổi vào long cung hầu hạ.

Dần dần thì dân làng Bèo cũng vỡ ra một điều là nói lời hay hợp lòng vua thì được nhiểu bổng lộc mà không bị đòn vọt.

Năm ấy làng Bèo xẩy ra một vụ cướp lớn. Bọn cướp tràn vào làng đang đêm lúc mọi người ngon giấc. Chúng cướp rất nhiều của cải, bắt theo cả mấy cô gái tuổi mười tám đôi mươi. Thực ra mấy cô này do hết ruộng nên tìm vào kinh kỳ làm cô đầu nay thấy bọn cướp đến liền chạy theo chúng mong được đổi đời. Trai tráng cả làng biến đâu mất tăm. Duy chỉ có anh Nhiêu trương tuần chống cự liền bị chúng đánh chết. Mấy cô gái trẻ chạy theo bọn cướp bị chúng hãm hiếp thân tàn ma dại sau mấy ngày thì chúng đuổi về làng.

Làng Bèo đã nghèo lại qua trận cướp càng nghèo hơn. Sau trận cướp độ nửa tháng thì nhà vua lại trở lại làng Bèo nghỉ dưỡng. Nhà vua thương dân nên vi hành xem sự thể ra sao. Hôm ấy không biết duyên do thế nào nhà vua lại gặp cụ Xước. Lẽ ra đã bị trận đòn lần trước cụ phải lủi ngay, ấy vậy mà cụ lại tìm cách để nhà vua nhìn thấy. Quả nhiên thánh thượng vời cụ Xước đến hỏi chuyện. Cụ Xước tâu với nhà vua rằng bọn cướp vào làng đã bị tuần đinh, trai tráng đánh trả quyết liệt, bảo vệ được làng Bèo không hề hấn gì. Có mấy cô gái noi gương tiết liệt của Bà Trưng, Bà Triệu nên cầm đòn càn lăn xả vào đánh cho bọn cướp tơi bời.

- Thưa Thánh thượng có anh trương tuần tên Nhiêu đã gan dạ chặn đường bọn cướp, nhưng do thân cô thế cô nên bị chúng bắt và đánh cho đến chết. Trước khi nhắm mắt anh Nhiêu còn chấp tay vái vọng Thánh thượng và hô lớn “Thánh thượng vạn tuế, vạn vạn tuế” đấy ạ.

Nhà vua vui mừng, long nhan của ngài rạng rỡ như vầng nhật nguyệt. Nhà vua gọi quan phò tá truyền rằng:

- Thưởng ngay cho ông già này 7 lạng bạc. Cắt cho gia đình anh Nhiêu 2 mẫu ruộng để vợ con anh ta cày cấy sinh nhai, hương khói thờ chồng. Còn mấy cô gái trẫm phong cho là “Nữ liệt làng Bèo”.

Cụ Xước định chỉ tâu với đức vua chuyện thật của anh Nhiêu nhưng không hiểu lú lẫn thế nào cụ lại bịa ra mấy cô gái cô đầu xông vào đánh đuổi bọn cướp. Có lẽ vì nhà vua thích con dân của mình toàn những người gan dạ, đức độ nên nói dối một chút cho đẹp lòng Ngài.

Lại một năm khác làng Bèo bị cơn đại hồng thủy lụt lội trắng băng cả làng xóm, đồng ruộng. Chỉ riêng nơi cung vua là nước không leo lên được. Làng Bèo còn ít ruộng lúa vừa ngậm đòng thì ngâm nước thối hết. Dân làng Bèo đói đến nỗi ăn cả củ chuối, ăn cháo cám, ăn cả thịt trâu chết chương phềnh trôi vào làng. Hai tháng sau khi nước rút, nhà vua về làng, trên đường xa giá gặp một bà cụ tay bị tay gậy đi ăn xin. Ngài cho dừng xe lại hỏi:

- Bà lão đi đâu mà trông lếch thếch, khổ sở thế kia ? Mùa màng quê ta năm nay thế nào ?

Bà lão ăn mày quỳ sụp xuống thưa:

- Chúng con đi sang xóm bên gặp con cháu để giảng giải cho chúng về đức độ của thánh thượng thương dân, vì dân đấy ạ. Còn mùa màng thì nhờ hồng phúc của đức vua nên mưa thuận gió hòa thóc lúa đầy nhà.

- Mùa màng ấm no sao nhà ngươi lại gày gò, xanh xao làm vậy ?

- Dạ, chúng con quanh năm suốt tháng nhớ ơn thánh thượng nên đêm không ngủ tơ tưởng, cầu trời khấn phật phù hộ cho triều đình bền vững như sông như núi, chắc là vì thế mà chúng con hao tổn hình hài.

Nhà vua vui mừng sai lính thưởng cho bà già ăn mày 3 lạng bạc.

Cứ thế, cứ thế làng Bèo chân thật xưa kia nay là làng nổi tiếng nói dối trong vùng. Cả làng đua nhau nói dối như ranh. Một lần, hai lần rồi thành quen, nói dối từ lý trưởng đến tuần đinh, từ ông già bà cả đến trẻ con nứt mắt. Dân kinh kỳ kẻ chợ gọi làng Bèo bằng cái tên mới : làng Béo Rồi, nói lái của từ dối Bèo...

Đại Lải, 10-3-2009