Tôi ngồi trong một khu ẩm thực ở Singapore, một đường phố khá phổ biến tại quần đảo này, tọa lạc trên góc phố Joo Chiat Road với nhiều quầy thực phẩm nhỏ, giá rẻ, khu dịch vụ nổi bật với văn hóa ẩm thực đa sắc tộc nằm dọc theo các bức tường bên trong.
Hai gian hàng mở cửa hướng về phía mặt phố, với những chiếc bàn nhựa màu đỏ tươi ghế ngồi cũng bằng nhựa màu vàng cam có vương chút dầu mỡ và bụi bậm. Nơi đây bia lạnh Tiger được vòi xả vào những chiếc cốc lớn sủi ngầu bọt. Đây cũng là nơi người ta chuộng ngồi bên nhau vào mỗi buổi chiều muộn, uống bia và cùng tản mạn chuyện cuộc sống, ngắm nhìn “thế giới” chuyển động trên hè phố trước mặt. Cũng chính là nơi lý tưởng với tôi. Cái cách “hướng ngoại” này ở Hà Nội vợ thường ca cẩm “anh chỉ thích cơm hàng cháo chợ...”.
Lúc đó khoảng 5 giờ chiều sau giờ tan tầm, mọi người bắt đầu bước vào quầy ăn uống. Với một ly bia tôi ngồi một mình bên chiếc bàn nhựa cập kênh, chăm chú ngắm nhìn dòng người và xe cộ lại qua. Một số dừng lại trò chuyện với những người đang dùng đồ ăn nhẹ hoặc đang uống bia hay café. Dường như mọi người bước chậm lại, trầm lắng hẳn trước thời điểm hoàng hôn của một ngày nắng nóng. Tôi chụp một vài tấm hình về khung cảnh nơi đây, thì một người đàn ông đứng tuổi vẫy tay và hỏi “Đến từ đâu?” Anh tươi cười có vẻ thích chuyện trò, mời tôi ngồi cùng bàn. Người dân Singapore nói tiếng Anh. Tôi ngượng vì vốn Anh ngữ của mình. Tất nhiên phải dùng cả ngôn ngữ hình thể. “Không sao cả, tôi hiểu, nhà báo kiêm nhà văn. Nghề hay đấy!” - người đàn ông ấy nói. Trong giây lát mà đã nên thân. Anh gọi thêm một cốc bia và chia mỗi người một nửa “Chia ngọt sẻ bùi”- anh nói thế và cười toe toét giới thiệu tên mình là David, mặc dù gương mặt anh rất Trung Hoa môi mỏng mắt một mí mang chiếc kính gọng kim loại vói đôi mắt kính tròn xoe như hai lát chanh sắt mỏng. Tôi tin đó là tên thật bởi đây chính là Sigapore. Anh kể anh là một kế toán đã nghỉ hưu và hằng ngày đều uống bia tại khu ẩm thực này. Rõ ràng đây là khu ẩm thực của những người lớn tuổi sống quanh đó không phân biệt dân bản địa hay người ngoại quốc, giống như nơi mọi người đến hằng ngày để gặp những gương mặt quen thuộc và nghe những tin tức quen thuộc. Suốt cuộc nói chuyện nhiều người đi ngang qua bàn chúng tôi đều mỉm cười gật đầu hay nói lời chào tới David. Tôi hỏi về gia tộc anh, đây là chủ đề khá phổ biến trong các cuộc nói chuyện tại Singapore, thành phố tự trị của những người nhập cư từ một góc tam giác châu Á hoặc một nơi nào khác. David là người gốc Trung Quốc, nhưng đến đây từ rất lâu rồi, nên không biết bất kỳ điều gì về Trung Quốc kể cả tiếng Trung. Cha mẹ anh đã không dạy anh. David sinh ra và lớn lên trong một đất nước đầy rẫy những căng thẳng sắc tộc. Để giải quyết vấn đề này người ta đã xây dựng một bản sắc Singapore mới, và người dân được khuyến khích nói tiếng Anh. Đây là một bước tiến tới sự công bằng, bởi tiếng Anh được nhìn nhận là một ngoại ngữ với tất cả những người dẫu đến từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Ả Rập hay Ấn Độ. Đây chính là chính sách “không thiên vị” đối với bất cứ nhóm ngôn ngữ riêng biệt nào. Ảnh hưởng của chính sách này là đã đào tạo nên một thế hệ mới tại Singapore, những người không hứng thú và không có nhu cầu học ngôn ngữ của dân tộc mình. Tuy nhiên hiện nay thì khác, nói tiếng Trung là vô cùng quan trọng - David nói - hai đứa trẻ nhà anh đều nói tiếng Trung lưu loát. “Tại sao có thể xảy ra chuyện ấy nếu như anh không trò chuyện với chúng bằng tiếng Trung ở nhà?”. “Chúng được học ở trường”. Bây giờ mọi người đều học Trung văn ở trường học mặc dù Anh ngữ vẫn là ngôn ngữ chính. Nhưng với sự phát triển thương mại và toàn cầu hóa, Singapore đã khuyến khích một môi trường đa ngôn ngữ quốc tế. Kết quả là giới trẻ Singapore là một trong số những người thành thạo ngoại ngữ nhất trên thế giới. Sự pha trộn ngôn ngữ của Singapore đã từng bị coi là một tổn hại xã hội. Nhưng hiện nay đó lại là một trong những tài sản lớn nhất của quốc gia. Singapore không chỉ là điểm gặp gỡ lịch sử của người Trung Hoa, Malay, Indo, Ấn Độ, và Ả Rập, còn là nơi sinh sống của một số ít người u châu nồng nhiệt nữa.
Nhưng vì sao người nước ngoài lại đắm đuối Singapore. Hãy tượng tượng một thành phố với xe lao nhanh trên đại lộ có cây xanh, thành phố sạch “như lau như ly”, với bốn sắc dân chính Trung Quốc, Malay, Ấn Độ, và người lai Á- u, cùng chung sống trong sự bao dung ấm cúng, cộng thêm một cộng đồng người nước ngoài mà họ sống và nuôi dạy con cái mà không phải lo tội phạm, hoặc sự bất nhã nhỏ nào. Những công viên, bảo tàng, nơi trưng bày nghệ thuật và các biểu tượng kiến trúc của Singapore đều ở đẳng cấp thế giới.
Trước nhất là đối với đối tượng lao động có trình độ cao. Có một lý do (thực tế là có rất nhiều) vì sao Singapore lại được xếp hạng cao trong những lần khảo sát là nơi để sống và làm việc. Nói tới Singapore là nói tới sự tiện nghi. Một người nước ngoài có tuổi làm việc ở Singapore nói rằng đây là nơi tuyệt vời để làm việc hướng tới khu vực châu Á. Nhưng mọi xã hội có các điều kiện kể như lý tưởng luôn luôn có mặt trái của nó. Gía cả sinh hoạt ở Singapore vẫn cứ tăng vọt đặc biệt khi so sánh với láng giềng Indonesia và Malaysia. Vào năm 2015 số liệu mới nhất của The Economist Intelligence Unit Singapore, thì Singapore là thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Gần đây xuất hiện nhiều việc ghét bỏ người nước ngoài. Trong số 5,6 triệu dân, thì 1,32 triệu là lao động nước ngoài (theo số liệu thống kê của Chính phủ Singapore). Năm 2014 ước tính mới đây trên trang mạng Expatarrival.com và các trang khác cho hay con số người nước ngoài khoảng 600.000, đây là nói về những người trong cương vị quản lý và chuyên gia có trình độ cao hơn, thu nhập cao hơn nhiều và thường vào theo “Visa tuyển dụng” công ty bảo trợ.
Một luật mới yêu cầu chủ doanh nghiệp phải tìm lao động địa phương trong hai tuần rồi mới được mời tới những người nước ngoài đối với các vị trí dưới 8.760 USD/tháng, hoặc thấp hơn.
Tuy vậy Singapore vẫn là nơi thu hút tài năng nước ngoài, đặc biệt là về tiếp thị, tài chính và công nghệ thông tin. Thông tin liên lạc, vận tải biển, cơ khí và quảng cáo tất cả vẫn tiếp tục cần đến những người ở phân khúc đòi hỏi cao. Những tập đoàn có tiếng có mặt ở khắp thành phố, kể cả Microsoft, American Express, Bain & Co, Gunvor Group, Capital Land, DBS Bank, BBDO, McCann-Erickson and Edelman. Về truyền thông, Singapore là đầu mối ở Đông Nam Á của hầu hết các tên tuổi quen thuộc trong thế giới truyền thông như BBC, ESPN, the Discovery Channel, Asian Food Channel.
Tiền lương nhìn chung là cao. Theo số liệu Khảo Sát Cho Người Ngoại Quốc 2014 của HSBC, thì 45% hoặc gần một nửa người nước ngoài được trả lương hơn 183.295 USD một năm. Cũng theo khảo sát trên thì 62% số người nói rằng thu nhập còn lại sau thuế là cao hơn so với thu nhập nếu làm việc ở nước họ. Tiền thuê nhà, tiền rượu, tiền xe hơi, mọi thứ cho người nước ngoài đều tăng giá. Nhưng thực trạng giá lớn nhất là ở chính những lĩnh vực mà người nước ngoài cảm thấy bị ảnh hưởng nhất, đó là giá nhà ở, trường học quốc tế, chăm sóc y tế và chi phí cho hàng xa xỉ như rượu ngon.
Tiếng Anh được dùng rộng rãi. Chỉ cần bạn có được giấy đồng ý thuê làm việc, được gọi giấy phép hay là visa làm việc, thì mọi thủ tục cơ bản như tài khoản của ngân hàng, thẻ tín dụng, dịch vụ truyền hình cáp và internet sẽ đi theo nhanh chóng.
Thành phố được cho là đặc biệt an toàn ở mọi cấp độ. Không phải lo ngại về an toàn nước uống hoặc an toàn cho trẻ em chơi đùa ngoài nhà hoặc đi chơi một mình ở ngoài phố. Một phần của sức hấp dẫn lớn của Singapore là nó vẫn còn là một thiên đường thuế. Theo tất cả các quy định thì thuế là hợp lý, bạn sẽ không phải đóng thuế nếu một năm bạn ở dưới 183 ngày trên đất này. Nếu không thì bạn đóng thuế tối đa là 20% ở mức thu nhập cao nhất. Tất nhiên đây là cái lợi được bù đắp, chi phí cao nhưng thuế lại thấp hơn nhiều so với nơi khác.
Singapore vẫn có truyền thống thích đón nhận người nước ngoài có tài để thúc đẩy nền kinh tế của mình. Thay vì chỉ có đơn thuần một “visa công việc”, quan điểm tiếp cận của Singapore được tinh giản thành một hệ thống giấy phép thông hành mềm dẻo gồm các thể loại thuê việc được phân hạng. Thậm chí “nghệ sĩ biểu diễn” cũng có thể loại riêng của mình.
Còn đối với những “con nghiện du lịch khám phá” thì đắm đuối Singapore càng hiển nhiên, bởi nó quyến rũ đến mê mẩn: Lạ lẫm, bất ngờ, hoàn thiện, đẹp lung linh. Có nhiều quốc gia khác trong một Singapore. Sự thống nhất bền vững của quốc gia hợp cư đa sắc tộc này, là nhờ ý tưởng của vị Thủ tướng đầu tiên Lý Quang Diệu. Ông cho dùng tiếng Anh làm “quốc ngữ” cho tất cả, song vẫn quan tâm tối đa đến bản sắc mỗi sắc tộc. Có thể điểm qua một số khu vực.
Phố Tàu (China Town). Khu Phố Tàu là địa điểm du lịch khá nổi tiếng của Singapore mà bạn không thể bỏ qua. Đến đây bạn tha hồ thưởng thức các món ăn Trung Hoa phong phú và ngắm nhìn những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Phố Tàu được phân chia làm 4 khu phố chính: Kreta Ayer, Telok Ayer, Tanjong Pagar và Bukit Pasoh với những nét đặc trưng riêng của mình. Chợ đêm Phố Tàu cũng là địa điểm để bạn khám phá nét độc đáo trong văn hóa người Hoa. Chợ đêm bày bán các mặt hàng truyền thống cũng như hiện đại, nhưng dường như ta vẫn cảm nhận được những nét truyền thống. Bước vào chợ đêm, màu đỏ - màu được người dân Phố Tàu coi là màu của sự may mắn, thịnh vượng - tràn ngập khắp nơi, từ những bộ trang phục cho đến những chiếc đèn lồng đủ hình đủ dạng. Ngắm những hoa văn trang trí của các món đồ thủ công tinh xảo ta tưởng mình như đang lạc vào thế giới Trung Hoa cổ xưa cùng cô gái bán hàng đẹp như Tây Thi nước Ngô và Lâm Đại Ngọc trong Hồng Lâu Mộng. Ta cũng có thể thưởng thức các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc sắc như kinh kịch ngay trên đường phố chợ đêm. Những món ăn được nhiều du khách yêu thích ở Phố Tàu là: cháo ếch, vịt quay Bắc Kinh, Đông Pha nhục, cua sốt, cá đuối nướng, bánh ngàn tầng …
Tiểu Ấn (Little India). Đến với Tiểu Ấn - trung tâm tín ngưỡng và kinh tế của cộng đồng người Ấn tại Singapore - ta sẽ được khám phá những điều mới lạ về người gốc Ấn ở Singapore. Với những du khách yêu thích ẩm thực Ấn Độ thì khu Tiểu Ấn chính là nơi lý tưởng có thể tìm thấy những món ăn mang đậm phong cách bản địa. Bên cạnh đó, Tekka còn là thiên đường của các loại gia vị và hương liệu như tiêu, hồi, bạch đậu khấu, quế, cà ri… tất cả hòa quyện lại tạo thành hương vị rất riêng khiến chưa bước chân vào chợ du khách đã có thể cảm nhận được. Tại đây bạn có cơ hội thưởng thức rất nhiều món cà ri khác nhau như cơm cà ri gà, cà ri thịt cừu, món Murtabak - món ăn nhồi thịt ăn kèm với cà ri và những món chay, hải sản tươi sống… tất cả đều được giữ nguyên hương vị chính gốc do chính tay người Ấn làm nhưng là ở Littel India.
Phố Ả Rập (Arab Steet). Tuy nằm xa khu vực Trung Đông hiện đang nóng bỏng nhưng người dân Singapore có thể dùng bữa tối giống người Iraq tại Baghdad hay thưởng thức café giống như dân Afghanistan tại thành phố Kandahar. Trong giới thanh niên hiện đang có xu hướng thích ngồi quán ở khu phố lịch sử Arab Street được trang hoàng theo phong cách Trung Đông và truyền thống Hồi giáo. Quán Samar cùng một số quán khác tại phố Arab Street và những con đường nhỏ gần khu vực này ở Singapore được trang hoàng bằng đèn treo kiểu Morocco và thực đơn mang khẩu vị Trung Đông với những lời chú giải ngắn gọn về xuất xứ từng món ăn. Để thực khách có thêm cảm giác đang ở Trung Đông, nhiều góc quán có trải thảm để thực khách có thể nằm dài ra sàn vừa uống nước vừa hút tẩu thuốc hookah truyền thống. Cô Eleanor Tan, một viên chức Singapore 26 tuổi, thường hẹn bạn bè ở quán này, nói: “Tôi cảm thấy như mình đang ở một thị trấn Ả Rập nào đó, giống như mình là Aladdin”. Khu phố Arab Street từ thế kỷ 19 là trạm dừng chân đầu tiên của thương nhân Trung Đông đến Singapore, và lâu nay là nơi bán thảm, hàng dệt và nữ trang nhập từ Trung Đông. Chủ quán Samar Heikel Bafana giải thích rằng từ Samar theo tiếng Ả Rập có nghĩa là “đối thoại ban đêm” và nói rằng Arab Street có sức hút lôi kéo mọi người đến với văn hóa Ả Rập. Ngoài quán ăn kiểu như Samar, nhiều cửa hiệu sang trọng khác làm tăng thêm sức quyến rũ cho khu phố này. Mohamad Nasi, một chủ hiệu quần áo cũ gốc Ả Rập mới dời cửa hiệu đến khu vực này được 6 tháng, nhận định: “Nơi đây giờ đã trở nên của mọi người”.
Làng Hà Lan (Holland village). Trái với sự nhộn nhịp, ồn ào của khu Tiểu Ấn hay khu phố Tàu, làng Hà Lan lại mang một không khí nhẹ nhàng, rất hợp để bạn cùng người thân hay bạn bè đến đây tìm cảm giác yên bình trong những ngày nghỉ. Bạn có thể ngồi ở những quán ngoài trời hay tầng thượng của quán, nhấm nháp một tách café ngon cùng miếng bánh ngọt thơm lừng, cảm nhận bầu không khí trong lành và thoải mái nhìn dòng người qua lại trên đường, bỏ lại tất cả những mệt nhọc của cuộc sống lại sau lưng.
Tiong Bahru (khu dân cư lâu đời). Đây là một điểm khá mới lạ với nhiều du khách khi du lịch Singapore, tuy nhiên với những du khách yêu thích kiểu “sống chậm” thì nơi đây là địa điểm lý tưởng. Tiong Bahru là khu dân cư lâu đời nhất Singapore với những đường phố yên bình và những người dân luôn khoan thai, nhàn nhã trong cuộc sống hằng ngày. Du khách có thể lơ đãng dạo chơi ngắm cảnh rồi ghé vào một tiệm bánh ấm cúng, quán café nghệ thuật hay tiệm sách nho nhỏ nơi góc phố hoặc hai bên đường, dừng chân thưởng thức một chút những trải nghiệm của cảm giác sống chậm. Cách sắp xếp, bố trí của những cửa hàng này luôn nhẹ nhàng và mang đầy tính nghệ thuật, khơi gợi nét lãng mạn, thanh nhã trong lòng du khách.
Du lịch Singapore với những khu phố đặc trưng mang nét tinh hoa văn hóa của các dân tộc bản địa luôn là điểm đến hấp dẫn trong lựa chọn của chúng ta.
*
Đảo quốc Sư Tử là thế nào, hãy đến Bảo tàng Sáp. Nói cách khác, Images of Singapore là một bảo tàng sáp lịch sử. Nhưng khác với những bảo tàng thường thấy, nơi này không nặng nề không khí lịch sử hay chính trị, không có những lời diễn thuyết khô khan cứng nhắc, không khiến người trẻ tuổi phải ngáp ngắn ngáp dài. Dù già hay trẻ, yêu thích lịch sử hay không, chắc chắn bạn sẽ có một cuộc hành trình đi ngược thời gian vô cùng thoải mái và thú vị khi tìm hiểu lịch sử Singapore.
Đầu tiên khách tham quan được dẫn vào một căn phòng với những chiếc ghế gỗ, thùng gỗ, cánh buồm… Cách bày trí căn phòng đem lại cho bạn một cảm giác gần gũi và thân thiện. Bạn sẽ cảm thấy như vừa bước lên một con tàu xưa cũ để bắt đầu hành trình đi ngược thời gian.
Điểm nhấn tại căn phòng này chính là 4 bức chân dung “động đậy”. Khi vẫn đang thắc mắc “4 người đàn ông này là ai” thì bạn sẽ phải giật mình khi “họ” bỗng dưng nói. Thì ra đây chính là 4 người đại diện cho các sắc tộc chính ở Singapore: Trung Quốc, Malaysia, Anh, Ấn Độ. Những người đại diện cho các sắc tộc chính ở Singapore thay nhau kể lại lịch sử của đất nước này. “Họ” đóng vai trò người dẫn chuyện, thay nhau kể lại lịch sử hình thành Đảo quốc Singapore, về ngành hàng hải cực thịnh của đất nước, và cho bạn nghe những khát vọng mà họ đã mang đến vùng đất mới.
Rời phòng chiếu phim, bạn sẽ bước vào một đường hầm hoang sơ văng vẳng tiếng chim kêu thú gọi. Tôi gọi đây là đường hầm tìm về lịch sử. Đường hầm này dẫn bạn đến phần chính của Images of Singapore. Tại đây, bạn sẽ phải ngỡ ngàng trước công nghệ tạo hình sáp của họ. Những bức tượng có màu sắc, kích cỡ, trang phục và thần thái hành động như người thật, khiến người xem đôi lúc phải rợn người vì không thể phân biệt đâu là người, đâu là tượng.
Là một đảo quốc đa sắc tộc, nhưng những người dân Singapore đều ý thức được rằng họ đang sống chung trên một đất nước, nên luôn hòa quyện, chia sẻ, bổ sung cho nhau và cùng nhau phát triển, tạo thành một nền văn hóa Singapore độc đáo và một nền kinh tế Singapore thịnh vượng. Những bức tượng sáp được đặt vào những tiểu cảnh đầy sống động, khắc họa cuộc sống và nét sinh hoạt của các sắc tộc trên đất nước này từ xưa đến nay: Trang nghiêm một lễ cưới, sum vầy một đêm trung thu, ấm cúng một bữa cơm, vui vầy một ngày Tết, u sầu một lễ tang, căng thẳng một ván cờ, linh thiêng một đền thờ… Mỗi bước đi là mỗi bước khám phá lịch sử, phong tục, tập quán và lễ nghi của các dân tộc sống trên đất nước Singapore. Thật sự quá bất ngờ và thích thú, tôi chưa bao giờ đến một bảo tàng lịch sử nào vừa nhân văn lại vừa hiện thực đến thế.
Điều đáng nói là, những người tạo nên Images of Singapore lại không hề xem nơi đây là nguồn thu lợi nhuận, họ dùng phần lớn số tiền thu được để thường xuyên trùng tu, tôn tạo và thay đổi tiểu cảnh để tránh sự nhàm chán cho du khách. Rời khỏi Images of Singapore tôi gần như đã hiểu phần nào lịch sử của đất nước này mặc dù không hề cố công tìm hiểu. Qua đó, cũng vô cùng nể phục sự tinh tế và tài tình của người dân Đảo quốc Sư tử.
Biểu tượng mà ai đến Singapore cũng không thể không thăm ngắm, là Tượng Ngư Sư Merlion. Tượng Merlion được thiết kế vào năm 1964 bởi ông Fraser Brunner, thành viên của Ủy ban lưu niệm và là người quản lý Bể Cá Van Kleef. Đầu sư tử tượng trưng cho con sư tử mà Hoàng tử Sang Nila Utama phát hiện khi ông quay trở lại để khám phá Singapura vào thế kỷ XI sau Công nguyên, như được ghi chép trong “Biên niên sử Malay”. Đuôi cá của Merlion tượng trưng cho thành phố biển cổ xưa Temasek (trong tiếng Java có nghĩa là "biển"), tên gọi của Singapore trước khi Hoàng tử đặt tên mới là "Singapura" (có nghĩa là Thành phố (Pura) Sư tử (Singa) trong tiếng Phạn), và biểu thị cho sự khởi đầu khiêm tốn của Singapore từ một làng chài ven biển. Bức tượng này có chiều cao 8,6 mét và trọng lượng hơn 70 tấn. Tác phẩm này nhanh chóng trở thành biểu tượng của Singapore trên khắp thế giới. Tượng Ngư Sư Merlion đầu tiên được đặt tại công viên Merlion bên cạnh cầu Esplanade, tượng Merlion lớn và nhỏ đã trở thành một địa điểm du lịch tham quan hấp dẫn. Buổi lễ khánh thành tượng diễn ra vào ngày 15 tháng 12 năm 1972, với sự chủ trì của Ngài Lý Quang Diệu, Thủ tướng Singapore lúc bấy giờ. Ngày nay, tượng Merlion được chuyển đến một nơi mới cách nơi cũ 120 mét, bên cạnh hộp đêm One Fullerton.
Tượng Merlion được đúc bằng xi măng fondue. Bức tượng Merlion thứ hai có kích thước nhỏ hơn với chiều cao 2 mét và nặng 3 tấn, cũng đúc bằng xi măng fondue, lớp áo bên ngoài được làm từ những chiếc dĩa bằng sứ và đôi mắt của Merlion là hai tách trà nhỏ màu đỏ.
Singapore được coi là Quốc đảo xanh, là quốc gia sạch đẹp nhất thế giới với môi trường trong lành và thảm thực vật phong phú, nên Đảo Sentosa ở Singapore từ lâu là điểm nghỉ dưỡng lý tưởng cho bất kỳ ai đến với Singapore. Nơi đây có sự kết hợp hài hòa thông minh giữa thiên nhiên và nhiều loại hình giải trí khác nhau cùng hàng loạt các sinh - động vật biển phong phú. Ai đến đây cũng phải ngạc nhiên và muốn hòa mình ngay với thế giới nước hoành tráng như một góc đại dương thu nhỏ, có những rạn san hô đủ màu khoe sắc, động vật biển sinh sống tự nhiên vô cùng độc đáo. Du khách có thể khám phá một phần thiên đường của riêng mình trong số nhiều điểm tham quan hấp dẫn - lịch sử và văn hóa sống động, các chương trình giải trí kéo dài, cây cối sum suê, những khu vườn được cắt tỉa nghệ thuật, những vòi nước nhảy múa và hai sân golf 18 lỗ tiêu chuẩn quốc tế với những cảnh quan tuyệt đẹp.
Nếu nói mức độ sống động thì phải kể tới Vườn chim Jurong. Với hơn 9.000 người bạn lông vũ thuộc hơn 600 loài, vườn chim Jurong là công viên chim lớn nhất và ấn tượng nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Bay lượn, đập cánh, vỗ cánh, bay lơ lửng trên cao và hát...ca.
Để có thể quan sát công viên ở mọi góc độ, trước khi tản bộ dạo quanh công viên, hãy tham gia vào chuyến xe panorail hiện đại vòng quanh vườn chim. Vườn chim Jurong trải rộng trên diện tích 20 héc-ta, nằm ngay dốc phía Tây của ngọn đồi Jurong xinh đẹp, được xây dựng từ năm 1968 với tổng chi phí đầu tư là 3.500.000USD. Cả khu vườn là một công viên với những hồ nước trong vắt, những thác nước ầm ào, những thảm cỏ xanh rì, những vườn hoa rực rỡ sắc màu, những khu rừng um tùm lá. Thế giới loài chim nơi đây rất đa dạng với nhiều chủng lọai phong phú: hoàng hạc, trĩ, gà lôi, cò, bồ nông, vẹt, sáo, két, thiên nga,… Chúng sống trên cây, dưới mặt đất, trong chuồng, trên những mỏm đá giữa hồ, hay bơi lội thành từng đàn, nhởn nhơ, nhàn tản và vô lo. Có những loài chim chỉ mang một màu sắc đặc trưng riêng biệt như hồng hạc màu hồng, hoàng hạc màu vàng, thiên nga trắng muốt, két xanh, quạ đen tuyền. Nhiều loài khác là sự pha trộn nhiều màu sắc hài hòa và sinh động như công, trĩ, vẹt, hoàng anh…
Cả không gian bao la của khu vườn được các nhà thiết kế mô phỏng y hệt môi trường thiên nhiên, nơi những loài chim đã từng sinh sống. Khu vực Waterfall, với những con suối róc rách, những thác nước trắng xóa, là chỗ cư trú của 1.500 chú chim châu Phi. Chuồng chim Đông Nam Á với những cơn bão nhiệt đới nhân tạo được dành cho những con chim xứ nóng. Riêng loài cú hiền lành được sống trong những “địa đạo” có tên là “Vương quốc của bóng tối”, nơi chúng mở to những đôi mắt tròn xoe, bình thản ngắm nhìn du khách.
Lãnh địa của những chú chim cánh cụt ngộ nghĩnh là hồ Penguin Parade. “Nhà” của chúng được làm bằng kính, nơi nhiệt độ luôn dưới 0 độ, để những lớp băng không bao giờ tan. Mặc kệ những đoàn người nối đuôi nhau đi qua trước mắt, ngắm nghía, chỉ trỏ, trầm trồ, chúng vẫn thoải mái đùa giỡn, đánh nhau, chọc phá nhau một cách vô tư. Những con chim mẹ thỉnh thỏang lại đưa “cánh tay” cụt trìu mến xoa xoa vai con. Rõ ràng chúng cảm thấy hạnh phúc và bình an trên mảnh đất này. Trên mặt hồ trong xanh, từng cặp thiên nga trắng muốt đang bơi, thỉnh thoảng lại cọ mỏ vào nhau một cách âu yếm.
Cách đó không xa là đàn chim hồng hạc với màu hồng phớt trang nhã, nổi bật trên nền xanh của cây cỏ. Những cái cổ dài của chúng hoặc kiêu hãnh ngẩng cao, hoặc cong cong như một dấu hỏi. Chúng chọc ghẹo, cãi cọ, chuyện trò với nhau bằng thứ âm thanh ồn ào vui nhộn. Sau khi lang thang khắp nơi, du khách thường tập trung tại “Nhà hát trung tâm” để xem chương trình biểu diễn đặc sắc mà diễn viên chính là những cư dân của vườn chim.
Liveshow bắt đầu khi tiếng nhạc rộn rã cất lên. Mở đầu là màn chào hỏi của chủ nhà - những đàn chim. Trên cao là các loài chim bay: bồ câu trắng, két xanh, vẹt đỏ…Dưới đất là những chú vịt bầu lạch bạch, vừa đi vừa cạp cạp, những cô gà mái quác quác, đàn quạ quà quà… Một đàn hoàng hạc đông đúc lúp xúp nối đuôi nhau chạy ra, xếp thành hàng, bắt đầu trình diễn vũ điệu flamenco uyển chuyển. Khi nhạc chuyển nhanh sang điệu samba, một đàn chim khác ào ra nhảy múa, vui nhộn và sống động. Trận đấu bóng bàn của 2 chú chim chích trắng phau cũng rất thú vị. Trận đấu diễn ra căng thẳng dưới sự giám sát chặt chẽ của MC kiêm trọng tài. Kẻ thắng được hoan hô nhiệt liệt mà kẻ thua cũng chẳng tỏ vẻ gì buồn bã.
Tiếp đó, từ trên chòi cao, một chú vẹt màu sắc rực rỡ lao ra, bay quanh hội trường nhiều vòng, chào khán giả. Một nhân viên cầm cái vòng tròn dán giấy màu đưa lên cao, gọi to tên chú. Vẹt ta hồ hởi lao tới, dùng mỏ đâm thủng lớp giấy, bay vèo qua. Được khán giả vỗ tay nhiệt liệt, chú tỏ ra khoái chí lắm, gật gật đầu cảm ơn bằng những tiếng líu ríu.
Theo gợi ý của MC, nhiều khán giả giơ lên những tờ đô-la Sing. Chú nhanh chóng bay tới, ngậm tờ tiền đem về trao cho chủ. Người này bỏ tiền vào thùng quyên góp. Bằng cách này, vườn chim Jurong luôn nhận được số tiền ủng hộ không nhỏ. Show diễn của nàng két xanh tên Vicky khá ấn tượng. Vừa xuất hiện, nàng đã léo nhéo: “Hello! How are you?”. Rồi Vicky trổ tài đếm từ 1 đến 10, hát bài Happy Birthday bằng ba thứ tiếng: Anh, Pháp và Hoa. Giọng nàng thánh thót, trầm bổng và uốn éo như một ca sĩ opera chính hiệu. Cuối cùng, nàng lảnh lót “bye bye”, chia tay mọi người…
Trong Bảo tàng Sáp có một nhân vật được đánh giá là yếu nhân mở đầu một thời kỳ lịch sử quan trọng cho Singapore, đó là Ngài Stamford Raffles. Stamford Raffles được cho là người tìm ra vùng đất Singapore ngày nay. Bức tượng toàn thân của ông được đặt bên bờ sông Singapore. Đây là nơi ông đặt chân khi lần đầu đến vùng đất này vào năm 1819, và với tầm nhìn xa ông đã biến một làng chài thành một thương cảng. 100 năm sau nơi đây trở thành Trung tâm giao thương chính của Singapore. Vùng đất Singapore xưa tiếp tục trở thành một đất nước hiện đại như ngày nay. Tại đây ta có thể đi thuyền dọc sông Singapore đến Công viên Hải Sư chiêm ngưỡng các tòa nhà di sản xưa cùng các cao ốc hiện đại dọc hai bờ sông. Bên kia là bến tàu Boat Quay cùng với Clark Quay là những nơi giải trí về đêm nhộn nhịp với nhà hàng quán ăn ngoài trời và các quán rượu. Có một khách sạn nổi tiếng nhất ở Singapore, nơi có một bề dày lịch sử thuộc địa phong phú, được đặt theo tên của người sáng lập ra đất nước Sigapore - Ngài Stamford Raffles. Nơi đây từng là nơi ở của một thương gia Ả Rập giàu có tên là Mohammed Alsagoff. Khu nhà sau đó trở thành phần sở hữu của một doanh nghiệp kinh doanh nhà nghỉ và khách sạn thời thuộc địa nổi tiếng của anh em nhà Sarkies.
*
Những gì tôi viết về Quốc đảo Singapore, thì không còn phải tranh luận về cái “tít” cho bài báo của một nhà báo Anh, là “Vì sao người nước ngoài đắm đuối Singapore”. Du lịch Singapore phải có khả năng tài chính. Hiển nhiên rồi, đến một quốc gia đắt đỏ nhất thế giới cơ mà. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ du lịch Việt Nam đã xây dựng những “Tour Giá Rẻ”. Vẫn chưa phải là giải pháp cho những ai có thu nhập thấp ví như học sinh sinh viên chẳng hạn, mà lại muốn đến Đảo quốc Sư Tử. Một “phượt thủ” viết trên Facebook hiến kế kinh nghiệm của mình theo kiểu “Du lịch bụi” rất hiệu quả, rằng: “Phượt thủ” đó đã đến Singapore không để ghé qua những danh lam thắng cảnh, những địa điểm du lịch nổi tiếng đã được báo chí khai thác quá nhiều. “Phượt thủ” đó thích lang thang Singapore theo một kiểu rất đời thường, với cái nhìn của một kẻ tò mò và háo hức về một đất nước đáng ngưỡng mộ từ những điều nhỏ bé. Du lịch Singapore theo một kiểu “lang thang” ngõ ngách, "ăn bờ ngủ bụi" với một “túi tiền nhẹ tênh”, những kinh nghiệm "ngon bổ rẻ", chắc chắn sẽ giúp ích cho những ai sắp chọn Singapore làm điểm đến trong mùa hè này. Chú thích: Nhớ vào các trang web nghiên cứu thông tin các bước chuẩn bị và lên kế hoạch chi tiết đấy nhé.
( 5.560 từ )