Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KHU ĐỊA ĐẠO CỦ CHI CẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG PHỤC VỤ DU KHÁCH...

Đinh Kỳ Thanh
Thứ bẩy ngày 3 tháng 4 năm 2010 6:08 AM
 Đóng cửa bảo nhau :

  T ết Canh Dần này tôi được các con cháu từ nước ngoài về mời cùng đi thăm lại khu di tích địa đạo Củ Chi ở bến Dược ( xã Phú Mỹ Hưng ), một nơi tôi đã tới vài lần trong hơn chục năm về trước. Đoàn chúng tôi chọn ngày mồng 4 Tết để đi bởi mồng 5 chúng tôi còn hy vọng được tham dự cuộc họp mặt kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa…
  Xe chạy bon bon trên quốc lộ 22 nay được mở rộng thênh thang và tráng nhựa láng mượt làm cho các con cháu tôi ồ lên thích thú. Qua cấu vượt An Sương, cầu vượt Củ Chi…các cháu càng tin đất nước mình ngày nay đổi mới thật rồi, bởi cơ sở hạ tầng tiến bộ nhiều, nhà cửa của dân xây cất cũng đã khang trang to đẹp nhiều hơn trước. Tới khu di tích địa đạo Bến Dược, nhìn quy mô mở rộng lớn lao, to đẹp hơn xưa thật nhiều, cách thức phục vụ cũng chuyên nghiệp, quy củ, chu đáo hơn, lòng tôi càng thấy vui hơn. Rõ ràng là do được lãnh đạo thành phố quan tâm, ngành văn hóa thông tin và chính quyền địa phương đã tạo cho khu di tích này có được một diện mạo mới có sức cuốn hút lớn.
 Sau khi mua vé vào cửa,các con cháu tôi thích thú đòi vào xem ngay khu lưu giữ hệ thống địa đạo nổi danh toàn cầu. Các hướng dẫn viên biết nhóm chúng tôi hầu hết là người nước ngoài hoặc người gốc Việt định cư ở nước ngoài không rành tiếng Việt nên đã sắp xếp cho đi chung đoàn với các bạn Trung quốc, Hàn quốc, Nhật Bản và Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ…có hướng dẫn viên biết nói tiếng Anh. Cả đoàn hơn ba mươi người được mời vào lán coi phim giới thiệu về khu địa đạo bến Dược và cuộc sống trong vùng giải phóng ngày xưa…với giọng nữ thuyết minh bằng Anh ngữ phát âm theo giọng Sài Gòn - Nam Bộ. Các vị khách rất thích thú coi hình ảnh đời sống kháng chiến của miền Đông “gian lao và anh dũng” ngày xưa nhưng hơi buồn vì nghe không được những lời dẫn trong phim bởi giọng nữ trong phim phát âm Anh ngữ không chuẩn…Nhóm người Anh từ London qua còn quay lại hỏi tôi : họ nói tiếng chi vậy, có đôi từ giống tiếng Anh song khó nghe quá !
  Các du khách muốn có những hiểu biết khái quát về vùng căn cứ địa cách mạng Củ Chi, về hệ thống địa đạo bến Dược…với những tư liệu thống kê chính xác, những thông số căn bản như tổng diện tích vùng căn cứ địa cách mạng cũ, tổng số dân cư, các cơ quan đầu não của lực lượng cách mạng (thuộc đặc khu Sài Gòn – Gia Định cũ) bao gồm những cơ quan nào từng ém quân tại đất này, quân số của lực lượng vũ trang Việt Nam gồm cả quân chính quy, quân địa phương và du kích có bao nhiêu người, phải đối phó với bao nhiêu lính Mỹ và lính Việt Nam cộng hòa, tổng số bom đạn quân địch đã trút xuống đất này trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ ước tính là bao nhiêu, số thương vong của cả hai phía là bao nhiêu…song chẳng hề được đáp ứng. Họ nói thẳng với tôi : giá như các ông có một số bản đồ giới thiệu và một số bảng biểu thống kê treo nơi đây thì hay biết mấy ! Cho coi phim kiểu này thật giống phim câm, chẳng có ấn tượng là bao!
    Sau khi đi một vòng tham quan các điểm tiêu biểu của hệ thống địa đạo còn sót lại, các du khách lại càng thắc mắc : vì sao người Pháp rồi người Mỹ lại phải lo càn quét đánh phá dã man vùng đất này, ví sao người dân Củ Chi lại phải xây dựng hệ thống địa đạo công phu như thế để ẩn nấp và chiến đấu chống lại. Không một ai trong số những hướng dẫn viên nói cho họ hay vị trí quan trọng của vùng Phú Mỹ Hưng là nơi đóng quân của các cơ quan đầu não của lực lượng cách mạng Sài Gòn – Gia định cũ, và bến Dược là điểm nút cuối cùng ở phía Nam của con đường mòn huyền thoại mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, con đường huyết mạch chạy dọc Trường Sơn nhằm vận chuyển các thứ lương thực, vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho lực lượng cách mạng phía Nam lúc đó đang phải đương đầu với lực lượng địch quá ư hùng hậu…Du khách còn buồn hơn vì không biết hệ thống địa đạo này được xây dựng trong bao lâu, có ở những nơi nào trên đất Củ Chi, hoặc ở những địa phương nào trên đất Việt, các địa đạo đó ngày nay còn sót lại bao nhiêu, có được giữ gìn bảo vệ tốt không ….
   Khi đưa du khách đi thăm khu vực tái hiện lại một làng trong vùng giải phóng cũ, các du khách đã mường tượng được phần nào cuộc sống sản xuất và chiến đấu gian khổ và ngoan cường của người dân Việt Nam, biết được cách thức làm ra lương thực, vũ khí tự tạo…cùng cách tổ chức đời sống, hệ thống bố phòng với hầm trú ẩn tránh bom pháo, các công sự chiến đấu, các hầm bí mật, hệ thống hầm chông, bẫy chông…
   Tuy nhiên do cách nói thuần Việt và cách chuyển ngữ qua tiếng Anh không trúng với cách diễn đạt của người phương tây nên du khách càng khó nắm bắt nội dung lời giới thiệu. Ví như cuộc sống của người dân vùng giải phóng cũ phải luôn luôn năng động, sáng tạo, linh hoạt và đảm lược…thì dân ta nói là họ “luôn luôn sẵn sàng tay cày tay súng”, người ta đã dịch đại rất máy móc là “dân Việt Nam luôn luôn một tay cầm cày, một tay cầm súng” khiến các bạn phương tây lắc đầu không biết vậy thì người dân Việt sẽ phải xoay trở thế nào, làm sao có thể cày ruộng ngon lành được hoặc bắn kẻ thù trúng được. Lẽ ra cần dịch thoát hơn là người dân Việt vùng giải phóng vừa sản xuất giỏi, vừa đánh giặc rất tài.
   Còn nữa, một điều tế nhị cần tránh khi nói về tinh thần lạc quan tin tưởng của dân ta với khí thế “thừa thắng xông lên”, “thế ta là thế đứng trên đầu thù”…Khi dịch qua tiếng Anh quá lệ thuộc cách diễn đạt gốc, các du khách tỏ vẻ bất mãn, cho là dân ta cao ngạo, vô văn hóa…bởi có ai lại cưỡi lên đầu hoặc đạp trên đầu người khác, cho dù người đó là kẻ thù xâm lược.
   Các du khách khi biết tôi là một nhà báo kháng chiến từng sống và chiến đấu qua hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ đều đã góp ý kiến chân thành là ngành bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh nên chú ý đầu tư xây dựng một phòng trưng bầy tổng hợp các tư liệu liên quan tới hệ thống địa đạo Cú Chi với đầy đủ các hình ảnh số liệu căn bản như đã nói ở trên. Phòng nhỏ này đặt ngay tại phòng chiếu phim cũng được nhằm tạo cho du khách những hiểu biết căn bản trước khi thăm các khúc địa đạo còn sót lại.
      Riêng bộ phim giới thiệu cuộc sống vùng giải phóng cũ thì nên làm lại với kịch bản có nhiều tư liệu, số liệu thống kê phong phú hơn, có lời thuyết minh “mềm mại và tế nhị” hơn. Còn lời thuyết minh trong phim thì nên nhờ một người nước ngoài nào rành tiếng Việt chuyển ngữ qua tiếng Anh và đọc dùm cho du khách tiếp thu dễ dàng chớ không phải chỉ nghe được bập bõm và cứ phải đoán chừng như với bộ phim hiện tại. Cũng trong lời thuyết minh của các hướng dẫn viên xin hãy bỏ bớt những câu chữ nặng nề như “bè lũ đế quốc Mỹ phản động, tàn ác dã man…cùng bọn tay sai bán nước ngụy quân và ngụy quyền Sài Gòn cũ…” rất không phù hợp với tinh thần “xóa bỏ hận thù, gác lại quá khứ, mở rộng cửa hòa nhập với thế giới, sẵn sàng dang tay làm bạn cùng các dân tộc…” ở nước ta hiện tại và đã được các vị lãnh đạo Đảng và chính quyền của chúng ta thường hùng hồn khẳng định./.
 TP. HCM ngày 15/3/2010
              Đ.K.T.