Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KỶ NIỆM CUỐI CÙNG VỚI LÝ BIÊN CƯƠNG

Khiếu Quang Bảo
Thứ sáu ngày 2 tháng 4 năm 2010 6:29 PM
        Mặc dù nhiều tháng liền Lý Biên Cương nằm điều trị ở bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội, bệnh tình ngày thêm trầm trọng, hôn mê liên miên phải thở máy, vậy mà tôi vẫn rơi vào trạng thái lặng hụt khi con gái anh báo tin anh đã trút hơi thở cuối cùng lúc 6 giờ sáng ngày 22 tháng 3 năm 2010. Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức lễ tang cho anh.
       Ở xa nhau đã ba chục năm, trước đó có chục năm công tác cùng một ban ở cùng một tờ báo, nhà ở kề liền tường, kỷ niệm vui buồn chất dày gắn bó tới cả hai người vợ và các con, hằn sâu trong ký ức. Vậy mà giờ đây, phải vĩnh biệt nhau.
       Có thể nói suốt cuộc đời, nhà văn Lý Biên Cương gắn bó với vùng mỏ Quảng Ninh. Cuối tháng tư năm ngoái, anh gửi qua đường bưu điện lên Hà Nội tặng tôi Tuyển truyện viết về than có tựa đề “Lý Biên Cương – Đêm ấy vùng than ai thức” Nxb Văn Học ấn hành. Sách dày tới 840 trang khổ 17x24 bìa cứng, to và dày cộm, gồm 46 truyện. Cương nói, khi chọn in vào tuyển mới ngớ ra mình viết về người thợ mỏ sao được nhiều thế.
       Đời văn nghiệp của Lý Biên Cương bắt đầu từ những năm 60 thế kỷ trước. Vừa làm báo vừa viết văn. Anh lặng lẽ và nhẹ nhàng viết như chẳng vất vả gì. Có lẽ bút lực thời trai trẻ sung mãn. Tưởng là vậy, nhưng khi vào tuổi trung anh vẫn viết khỏe như trước đó. Một buổi sáng, đến cơ quan, Cương khoe tối qua anh ngủ chiêm bao một cốt truyện trọn vẹn với cái tên “Mùa lũ”. Tưởng tếu táo, nhưng ngày hôm sau nữa, anh đưa tôi đọc cái truyện “Mùa lũ” mà anh nói anh chỉ có việc chép lại giấc chiêm bao đó thôi. Mà lại là một truyện hay. Lý Biên Cương có một tố chất kỳ lạ. Anh xây dựng cốt truyện, triển khai tình tiết, viết nháp, đều ở trong đầu, chín rồi thì ngồi vào bàn viết một mạch không nháp ra giấy. Đó là bản thảo chính. Chữ anh đẹp như chữ nhà giáo. Họa hoằn mới có chỗ anh câu ra lề bổ sung một vài tu từ nào đó.
       Không kể các đầu sách đã in trước, những Giải thưởng văn học quốc gia, Giải thưởng văn học ngành, Giải thưởng văn học địa phương anh được trao tặng, chỉ từ năm 1996 đến năm 2006 – mười năm – Lý Biên Cương đã có 8 tuyển tập đồ sộ do các Nhà xuất bản quốc gia ấn hành. 1. Truyện ngắn Lý Biên Cương (Nxb Văn Học-1996). 2. Truyện ngắn chọn lọc Lý Biên Cương (Nxb Công an Nhân dân-1997). 3. Truyện vừa chọn lọc Lý Biên Cương (Nxb Công an Nhân dân-1998). 4. Lý Biên Cương, Tuyển tập truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết (Nxb Văn Học-2003). 5. Tuyển tập truyện ngắn Lý Biên Cương “Tập sách vàng” “Ngọn đèn đông bắc biển” (Nxb Kim Đồng-2004). 6. Tiểu thuyết “Phù du” trong bộ sách “Tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới” (Nxb Hội Nhà văn-2004). 7. Mười hai truyện ngắn trong bộ sách “Văn học Việt Nam Thế kỷ XX” (Nxb Văn Học-2005). 8. Lý Biên Cương tiểu thuyết (Nxb Công an Nhân dân-2006).
       Lý Biên Cương được chuyển lên bệnh viện Hà Nội điều trị từ tháng tư năm ngoái. Cậu con rể Cương đèo bố từ ngõ phố tận dưới Minh Khai lên phố Lý Quốc Sư vào buổi tối tới nhà tôi thăm. Tôi ngỡ ngàng thấy anh chống gậy. Chân phù sưng. Con rể anh nói “chúng con cảm phục tình bạn của các cụ”. Một bữa trưa tôi và nhà báo Doãn Minh mời anh ăn tiệm. Hỏi “Có kiêng gì không?”. “Còn bao lâu nữa mà kiêng!”. Mấy tháng ở Bệnh viện Hữu Nghị, tôi đến thăm anh thường xuyên. Cả bạn bè cũ từng ở vùng mỏ. Tháng đầu, còn đi lại, ra hành lang ngồi chuyện trò, còn đùa vui chuyện xưa cũ, còn cười rũ ra với nhau về những giai thoại. Cương hỏi viết lách được gì. Tôi khoe sắp đưa vào xuất bản tập truyện ngắn. Cương bảo đưa anh đọc. Tôi ngăn. Cương nói anh muốn đọc tôi. Và có thể viết cho tôi một bài giới thiệu trước khi ra sách: “Biết đâu đó lại là kỷ niệm cuối cùng với nhau”. Một tiếng thở cay xống mũi. Tôi muốn nhưng lòng e ngại. Một tuần sau Cương trao lại tôi tập bản thảo kèm bài viết với cái tít cảm động đến não lòng “Đọc văn bạn trên giường bệnh”. Tôi siết chặt tay Cương. Anh giục tôi đọc ngay. Ôi! Thân xác anh bệnh mà cái đầu mẫn tuệ. Ý tứ ngôn từ anh dùng như được chắt chiết. Tôi đề nghị Nhà xuất bản đặt bài viết của anh ở vị trí tựa sách, chỉ xóa đi cụm từ “trên giường bệnh”. Xót xa quá. Rồi bệnh tình anh ngày một nặng. Đến thăm, anh hỏi “Sách bao giờ ra”. “Một tháng nữa”. “Không biết có kịp để mình đọc không”. Lòng tôi quặn đau. Sách in ra tôi mang ngay vào bệnh viện. Thì người ta đã chuyển anh về bệnh viện tỉnh Quảng Ninh. Suốt nửa tháng điện thoại bàn và điện thoại cầm tay nơi anh không mở. Tôi tiếp tục gọi. Máy đã mở. Con trai anh nói đã đưa Cương trở lại Hà Nội cấp cứu ở Bệnh viện Hữu Nghị. Vội vào thăm, anh nằm thượt, gầy tọp. Lỗ mũi phải đặt thường trực một đường “sông” để bơm cháo nghiền nát thay ăn bằng miệng. Bài tiết cũng đặt “sông”. Nói, anh nghe khó khăn, khẽ gật đầu, ra chiều hiểu. Tôi giơ cuốn sách để anh ngắm chứ không thể đọc. Anh khẽ gật đầu. Tôi nắm bàn tay khô khốc của anh. Anh nắm lại chặt hơn mà ngón run lẩy bẩy. Tôi độc thoại chuyện tôi dõi tìm anh mà anh biến mất tăm. Môi anh mấp máy muốn nói điều gì lắm mà không nói được.Tay anh siết chặt thêm, run run. Một giọt nước trào ra từ khóe mắt anh chảy dòng xuống gối. Lòng tôi thắt lại. Cương ơi! Có lẽ nào ta lại vĩnh viễn xa nhau? Có lẽ nào cái bài Cương viết cho cuốn sách của mình lại ứng nghiệm với lời Cương tiên lượng “kỷ niệm cuối cùng”?.
       Và đã là sự thật. Sự thật đau lòng. Những gì có với Lý Biên Cương nằm sâu trong ký ức một thời của tôi, về một nhà văn lao động nhẫn nại không mệt mỏi cho đời sống văn học nước nhà.
   Hà Nội, đêm 22-3-2010