Nhà thơ Thái Thăng Long bước sang tuổi “lục thập hoa giáp” (60 tuổi) và đã có 40 năm cầm bút với “rất nhiều Hà Nội” trong thơ…
Dĩ nhiên, chỉ có một Hà Nội ngoài đời, song có “rất nhiều Hà Nội” trong thơ Thái Thăng Long, với những con phố đèn vàng, tiếng tàu điện và mùi hoa sữa từ thuở bé, chưa tan: Tàu điện đợi em lên phố / Tàu điện đợi mẹ ghé qua / Thụy Khê đêm đông vẫn ngủ / Leng keng mãi trong tim ta / Leng keng mãi trong hồn ta… Âm thanh đó vang lên từ: Phố ta ở / Có cây bàng già trăm tuổi / Lá vàng quanh năm không đổi (…) Con phố ta về / Mà cây không nói. Đến tác phẩm mới nhất của mình: Đồng hành thế kỷ, in năm 2009, ông nhắc Hà Nội qua nhiều bài, như Nợ phố phường: Một tiếng tàu điện nôn nao đêm vắng / Một mùi thơm hoa sữa chẳng cầm lòng / Ta không giữ nổi nước mặt hồ tựa gương/ Ta không giữ nổi hàng cây của mình / Đấy là hàng cây tuổi thơ bé bỏng. Cũng đúng thôi, vì Thái Thăng Long sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, nên có lúc ngẩng lên trời, ông nhớ: Mưa phấn rây làm tóc em trắng xóa, nhìn xuống đất, ông nhớ từng viên gạch cũ: cũ trong gốc cây một trăm tuổi đứng bên đường / cũ tình ánh mắt / yêu thương / cũ từng cảm xúc / cũ từng ngọn cỏ rét mướt sương sa. Điều đáng nói, “cái cũ” được Thái Thăng Long diễn đạt theo giọng thơ mới : cũ trong hồn / mà ta thèm cái cũ (…) thời gian / thời gian như lửa / phố cũ / nghìn năm vẫn cũ / nghìn năm mà vẫn yêu thương (Phố cũ)…
Điều dễ thấy nữa, thời gian với con số trăm năm, nghìn năm in rất đậm trong thơ ông: Mưa phấn không thể nào ta thấy / Gương mặt người cái đẹp của nghìn năm (Thơ cho người), hoặc: Có một Hà Nội nghìn năm đã khác / Vẫn thấy Nguyễn lên kinh thành / Áo vải giữa đêm đông (Nguyễn Trãi lên kinh thành) và: Nghìn năm / Là thuở thi nhân đầy nước mắt / Là tiếng đàn cừu réo rắt / Là tiếng hạc đêm / Là ánh trăng mờ (Ta viết cho nghìn năm). Rất nhiều ý tưởng về con số nghìn năm trong tập thơ mới nhất nói trên, như Sắc đẹp nghìn năm vẫn trẻ (Thuyền tình), Cuộc sống nhỏ nhoi / Sự sống lại vô cùng (…) Dồn dập nghìn năm con sóng vỗ (Mở cửa đi thời gian). Ông nhắc đi nhắc lại hai chữ “nghìn năm” trong thơ, khởi đầu từ vương triều Lý: Rồng bay lên một vùng xa thẳm / Núi non tiễn người bỗng vắng / Kinh đô nghìn năm lại đợi người về. Đợi ai ? Ông đợi một “bóng thiền sư giữa hoa đào sắc đỏ” - Đến ngày nay và mai sau nữa: Nghìn năm cứ nhân như thế / Khát khao cũng nhân như thế (Số nhân). Gặp ông, trao đổi và được biết ông thường viết về Hà Nội với góc độ của người đi xa. Hai chữ “đi xa” ở đây bao hàm hai ý nghĩa. Một là, đi xa khỏi quê nhà, vào Nam sinh sống. Hai là, đi xa và “đi lạc trong chính thế hệ mình” như ông nói. Vậy “đi xa khỏi thế hệ mình” là đi tới đâu ? Ông đáp đại ý là ông “đi khá xa về quan niệm sáng tác” so với những người cùng trang, cùng lứa với ông. Nghe vậy, chúng tôi hỏi ông có thể cho biết quan niệm của ông về thơ và “thơ hiện đại” ? Thái Thăng Long trả lời:
- Theo tôi, thơ hay phải để cho mọi người hiểu được, có sức thuyết phục lay động lòng người – thì thơ như thế mới “hiện đại”. Còn như chỉ mượn hình thức “hiện đại” mà không có sức thuyết phục, không hay, khó để người đọc cảm nhận – thì đó là thơ “vô cảm”. Bao nhiêu bài thơ hay đã qua thời gian mà vẫn hiện đại như những câu thơ bất hủ của Nguyễn Du cứ vận vào mình, vào đời, hết thế hệ này đến thế hệ khác - chẳng bao giờ bị lỗi thời, như thế là “hiện đại” chứ còn gì nữa! Hiện đại là một khái niệm do thời gian đem lại theo khoảng cách của quá khứ với hiện tại, lại còn có thể hiểu là một hình thức thể hiện mới mang yếu tố cách tân so với các trào lưu sáng tác cũ. Nhưng nói gì thì nói, suy cho cùng, bên cạnh các hình thức thể hiện khác nhau theo từng thời, thì tình yêu và cảm xúc chân thật vẫn cứ muôn đời không cũ, sẽ mãi mãi mang lại những bài thơ rung động lòng người. Còn như quan niệm thơ “hiện đại” là rời hẳn cái cũ, để viết ra đọc không ai hiểu cả, thì đó chỉ là câu chữ không có hồn. Thơ hay là nói được, thể hiện được khát vọng của con người, của nhân dân… Tôi vẫn cứ tâm đắc rằng: nhiều câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, giai điệu đã hay, mà ca từ còn đầy những giải bày bay bướm về triết lý sống, đượm tình người nữa. Thơ hay cũng thế, mang triết lý rừng rực lửa trái tim của đời sống cuồn cuộn, sự khao khát vô bờ, vào trong câu chữ…
- Cảm nhận của ông về đời sống văn học hiện nay trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập?
- Đã rất nhiều lần tôi suy nghĩ về câu hỏi tương tự và thấy rằng văn chương Việt Nam của chúng ta hiện nay vẫn là thứ văn chương “tiểu ngạch”. Tác phẩm nào “được giải thưởng” thế là Hội cho là hay. Suốt cả một thời gian chúng ta ít nói về thân phận, con người, về dân tộc mình đau khổ, chỉ dám nói điều vu vơ, cứng nhắc, thường được gọi là văn chương “minh họa”. Tôi đọc lại những bài thơ ngô nghê, giản đơn thời trước của nhiều nhà thơ, sao buồn thế. Nay văn học nước ta khi giao lưu với thế giới, phải mang được tiếng nói tư tưởng của dân tộc, của con người, thì mới hòng hội nhập mà không mất mình. Những điều liên quan đến đời sống văn học và thi ca tôi đã viết rõ trong lời tựa cuốn Đồng hành thế kỷ mới in mà có lẽ cũng cần nhắc lại nơi đây thay câu trả lời, rằng: Mọi thứ đều phù du, mọi thứ theo thời gian mà tàn lụi. Nhưng phần còn lại của cuộc đời lại là thi ca. Một dân tộc trân trọng thi ca là một dân tộc đáng kính. Một tâm hồn yêu thi ca thì cái thiện luôn chiến thắng. Thi ca là ẩn dụ, là tưởng tượng… Đôi lúc thi ca dự báo, tiền định cái kiếp người buồn vui năm tháng. Viết bao nhiêu cũng chưa đủ, yêu bao nhiêu cũng chưa vừa. Tôi yêu những gì tôi đã viết, viết tặng người thân, bạn bè và những nỗi buồn nhân thế mà tôi thấy hằng ngày. Tôi đồng hành cùng thế kỷ, để chiêm nghiệm, để “trả” cái phần nợ của mình với đất nước, quê hương yêu dấu. Tôi nghĩ hãy cứ sống thật, viết thật từ trái tim…
- Cám ơn ông.
G.H
BOX
Nhà thơ Thái Thăng Long (tên¬¬¬ thật Thái Gia Trí), sinh ngày 20.8.1950, quê quán: Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội. Hiện là Trưởng văn phòng đại diện NXB Thanh Niên ở TP. HCM. Đã xuất bản: Ám ảnh (1990); Chiều phủ Tây Hồ (1994); Gió rừng Sác (trường ca thơ, 1995); Thời gian huyền thoại (2000), Đồng hành thế kỷ (2009).
BOX
Tôi đã đọc đi đọc lại Đồng hành thế kỷ nhiều lần, vẫn không thể nào tìm ra những câu thơ đèm đẹp vốn thường làm trang sức cho những nhà thơ thành danh. Thái Thăng Long sốt ruột “liệu ai còn nhớ những gương mặt / làm mòn mỏi thời gian / những gương mặt làm dòng sông trong vẩn đục” khi muốn đi tìm những lời thơ cao cả, những câu hát hồn nhiên…
Lê Thiếu Nhơn
BOX
MONG MANH
Thơ Thái Thăng Long
Đổ xuống vai người
Là mong manh mùa thay lá.
Đổ xuống vai người
Ngày hạ cồn cào cô đơn.
Đổ xuống vai người
Cơn bão chiến tranh triền miên lịch sử.
Núi lô xô
Rừng mờ sương phủ
Vẫn mong manh như sợi chỉ cầm tay…
.
Đổ xuống vai người
Trầm luân nghèo khó
Lịch sử là điều cám dỗ!
Dẫu có lừa ta, mùa thay lá vẫn còn.
Mong manh tháng năm
Trốn trong bé nhỏ
Nước mắt đời người
Chan đầy đau khổ
Mong manh mà vẫn mong manh…
BOX
CHIỀU NGHÌN NĂM TRONG MẮT…
Thơ Thái Thăng Long
Chiều nghìn năm trong mắt
Bừng nở một cánh hoa
Gió nghìn năm phiêu lãng
Quay về bên mái nhà
Núi nghìn năm vẫn núi
Rừng nghìn năm sương dày
Tiền kiếp ai trở lại ?
Áo Hoàng bào về đây.
Chiều nghìn năm trong mắt
Mây bay, mây trắng bay
Vẫn hồn sông thuở ấy
Vẫn biển kia sóng đầy.
Người mong người mãi đợi
Nghìn năm sáng con đường…
Rồng bay lên trời rộng
Bóng người trong đêm sương.
Ta đợi nghìn năm ấy
Cháy chiều trong mắt ai?
Ta đợi nghìn năm ấy
Quên đi những đêm dài…
T.T.L
Ảnh của Giao Hưởng :