Viết trong ngày Cá Tháng Tư
Có một nhà văn nọ đã luống tuổi, viết rất nhiều tác phẩm mà chưa cái nào vừa ý, vì chúng chẳng tạo được tiếng vang gì trên văn đàn. Buồn quá. Bạn hữu phê bình rằng thì là mà ông viết thiếu thực tế quá nên tác phẩm không đi vào đời sống được. Vì dụ, viết về nỗi đau khổ Một ngày tù nghìn thu ở ngoài của người phạm tội thì ông phải có thực tế ở trong trại giam, mới viết được.
- Làm thế nào để vào sống trong trại giam bây giờ?
- Thì cứ tạo ra một vụ phạm pháp hình sự nào đấy để công an bắt là vào ngay thôi, có gì khó khăn.
Ông nhà văn bóp trán suy tư.
Tối hôm ấy, ông đóng vai một tên ăn trộm vào nhà một người giàu có, giả vờ hớ hênh để chủ nhà bắt được với hy vọng đưa mình lên nộp cho công an. Chủ nhà thấy ông trong dáng một tên ăn trộm, biết ngay là ông ta đóng giả, bèn nói :
- Tôi biết tỏng ông rồi. Ông vào đây với mục đích không phải ăn trộm, đúng không?
- Tôi khổ quá, thua cá độ mất cả tỷ bạc, bí quá hóa liều, mong ông đưa tôi lên công an cho sớm.
Chủ nhà cười :
- Thấy hoàn cảnh của ông, tôi thương quá. Vậy tôi cho ông một tỷ để ông trả nợ cá độ nhé?
- Ông nhà văn phát hoảng :
- Thôi, cảm ơn ông, tôi không nhận đâu. Nếu thương tôi thiệt tình thì ông cứ đưa tôi lên công an với số tiền này gọi là tang vật, xin ông hãy giúp tôi.
Ông chủ nhà không chịu, sai vợ lấy tiền đưa cho ông nhà văn.
Nhà văn bất đắc dĩ phải cầm tiền mà không thèm nói lời cảm ơn ông chủ nhà, đi thẳng.
Ra đến đường cái quan, ông nhà văn vứt luôn bọc tiền tỉ xuống một gốc cây ven đường.
Về nhà, bóp đầu suy nghĩ mãi, ông nhà văn liền thực hiện một phi vụ khác.
Ông lấy con dao Thái lan sắc lẻm đi lững thững ra đường, kêu một chiếc taxi.
Lên xe, ông bảo tài xế chạy lòng vòng quanh thành phố rồi bất ngờ rút dao ra kề vào cổ cậu tài xế, kêu đưa tiền ngay.
Lạ lùng, cậu tài xế không tỏ ra sợ hãi, lại nhoẻn miệng cười :
- Tôi biết ông không phải là người cướp của giết người. Thôi, ông cất dao đi, cần gì ông cứ nói xem tôi có thể giúp ông được không?
- Tôi muốn anh trói tôi lại rồi đưa lên công an tố cáo tôi cướp tài sản của anh, được không?
- Cái gì thì tôi giúp ông được, chứ việc này thì tôi chịu.
Cái ước muốn của ông nhà văn, vì thế mà không thành.
Về nhà, suy nghĩ mãi, ông nhà văn bèn nảy ra một kế. Sau bữa cơm chiều, ông mời vợ ra salon uống nước rồi trịnh trọng thưa chuyện :
- Mình ạ, anh viết văn cả chục năm nay mà chưa thành danh. Bây giờ anh muốn viết một cuốn tiểu thuyết, nhân vật chính là một người phạm tội, bị tù giam, nhưng anh lại không có thực tế của đời sống trong tù thế nào. Mình giúp anh nhé?
- Giúp anh thế nào?
- Mình hãy giam anh vào trong nhà kho phía sau nhà mình như là giam anh thật.
Vợ ông nhà văn tròn mắt :
- Nhưng em lại không biết được chế độ giam giữ thế nào thì làm sao mà giống như thật.
- Mình cứ giam anh vào trong nhà kho, khóa cửa lại, mỗi ngày cho anh ăn một bữa thôi. Thỉnh thoảng vào ban đêm, mình mở cửa rồi vào hỏi cung anh như là điều tra viên hỏi bị can ấy là được.
Nể chồng van vỉ mãi, bà vợ mới đồng ý.
Thế là ông nhà văn có thực tế để sáng tác.
*
Ai ngờ, tác phẩm Một người tù của ông nhà văn nọ được giải Noben văn chương.
Thế là từ đó, tiếng tăm ông ta nổi khắp thế giới, được mời đi nhiều nước để nói về kinh nghiệm sáng tác cho các nhà văn trẻ.