Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ TUYỂN CHỌN THƠ TRẦN ĐÌNH THU: THƠ DỞ MÀ XẾP VỚI THƠ HAY LÀ CÓ TỘI VỚI BẠN YÊU THƠ

Nguyễn Một thực hiện
Thứ sáu ngày 12 tháng 2 năm 2010 12:16 PM
 
Giữa năm 2009, nhà báo Trần Đình Thu, người viết nhiều cuốn sách nghiên cứu hấp dẫn như Bùi Giáng – thi sĩ kỳ dị, Giải mã nghi án văn học T.T.Kh…  lập trang web binhchonthohay.com để tìm kiếm thơ hay Việt Nam. Cuộc trao đổi thú vị sau đây về quan điểm chọn thơ giữa nhà văn Nguyễn Một và nhà nghiên cứu Trần Đình Thu được gửi riêng cho trannhuong.com.
 
Nguyễn Một:  Tôi để ý thấy trên web binhchonthohay.com thiếu vắng rất nhiều bài thơ nổi tiếng một thời của Nguyễn Duy, của Phạm Tiến Duật… Tại sao vậy?
Trần Đình Thu: Đúng là một số bài thơ có tiếng của các tác giả này không được tôi chọn. Lý do là vì nó không phù hợp với tiêu chí của tôi đưa ra ngay trong trang web.
Nguyễn Một: Tôi cũng có thấy mấy dòng tiêu chí vắn tắt ông đưa ra nhưng bây giờ tôi muốn ông phân tích sâu hơn để chứng minh cho việc chọn thơ của ông.
Trần Đình Thu: Nền tảng chung thì không có gì mới. Nhiều nhà văn chúng ta từ lâu rồi đã nhận thấy có một dòng văn học minh họa trong bức tranh toàn cảnh của văn học Việt Nam. Trong tiểu luận “Con đường sáng tạo của nhà văn Việt Nam” tôi gọi đó là tác phẩm tuyên truyền cổ động. Nó có giá trị động viên quần chúng, động viên bộ đội xây dựng và bảo vệ đất nước nhưng nó không có giá trị văn học.
Khi xây dựng tiêu chí bình chọn thơ hay, tôi cũng xuất phát từ nền tảng lý luận cơ bản đó. Nhưng tiêu chí thì đòi hỏi anh phải diễn tả cô đọng bằng một vài câu văn, vì tiêu chí chính là quy phạm.
Lâu nay chúng ta mới đưa khái niệm về văn học minh họa chứ chưa ai định nghĩa thế nào là một “tác phẩm minh họa”, thế nào là một “tác phẩm không minh họa”?
Nên tôi phải tìm cách định nghĩa để áp dụng cho việc chọn thơ.  Tôi cho rằng, “thơ không minh họa” là thơ được viết ra từ cảm xúc chân thành của cá nhân mình đối với cuộc sống, không viết nhằm mục đích chính trị hoặc tuyên truyền cổ động...
Nguyễn Một: Như vậy “cảm xúc chân thành của cá nhân” là yếu tố quyết định của một tác phẩm “thơ không minh họa”? 
Trần Đình Thu: Đúng vậy. Đối với thơ, thì cái chân thành của cá nhân nó quyết định hết. Nó cực kỳ quan trọng. Tôi lấy thí dụ với hai bài thơ viết về chiến tranh. Một là bài Tây Tiến của Quang Dũng, bài kia là Tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Bài của Quang Dũng chứa đựng đầy đủ tâm tư của người lính nơi trận mạc. Người lính ra trận để chiến đấu bảo vệ tổ quốc nhưng sự ác liệt của cuộc chiến cũng gieo vào lòng họ bao nỗi niềm.  Đó là cảm xúc chân thành. Họ không cố vui, cố reo hò mà nói thật lòng mình: “Tây Tiến người đi không hẹn ước/Đường lên thăm thẳm một chia phôi”. Nó không phải là sự phản chiến mà là sự chân thành. Khác với người lính của Phạm Tiến Duật, cố giấu nỗi buồn bằng niềm vui gắng gượng: “Không có kính, ừ thì ướt áo/Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời/Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa/Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi”.  Đó là lối phát biểu tuyên truyền cổ động thôi.
Nguyễn Một: Ông nói cũng có lý. Nhưng làm thế nào để nhận ra “cảm xúc chân thành của cá nhân” trong một bài thơ? Cái này tôi thấy có vẻ trừu tượng ông à!
Trần Đình Thu: Sự giả tạo trong đời sống còn dễ nhận ra,  huống chi là giả tạo ở trong thơ. Tôi lấy thí dụ câu thơ trong bài Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây của Phạm Tiến Duật mà nhiều người đã từng phân tích: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Trời ơi, từ cổ chí kim có con đường ra trận nào mà người lính thấy là “đẹp lắm” đâu!
Nguyễn Một: Ngoài vấn đề này ra, ông có xem xét thêm yếu tố nào trong quá trình chọn lựa thơ?
Trần Đình Thu: Nhiều bài thơ được trao giải từ ngày xưa, rất nổi tiếng nhưng thơ ngô nghê vụng về, cần phải loại bỏ. Tôi lấy thí dụ như bài Tre Việt Nam của Nguyễn Duy:
Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chất dồn lâu hóa nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù
Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành 
Thơ này chỉ ngang tầm học sinh trung học làm bài tập làm văn thôi. Thơ này mà đưa vào danh mục thơ hay Việt Nam, đứng ngang hàng với Tây Tiến của Quang Dũng thì đúng là có tội với bạn yêu thơ.
Nguyễn Một: Ông cho vài đánh giá về những bài thơ được chọn trong web của ông. Chẳng hạn danh mục của ông khác với danh mục của những cuộc bình chọn khác như thế nào?
Trần Đình Thu: Danh mục của tôi chỉ trùng với danh mục do Nhà xuất bản Giáo Dục kết hợp với Trung tâm văn hóa doanh nhân của ông Lê Lựu bình chọn chừng 15 phần trăm thôi. Ngược lại, tôi đưa vào nhiều bài thơ bị “xóa sổ” lâu nay.
Nguyễn Một: Năm ngoái, ông Vũ Quần Phương, thay mặt Hội nhà văn Việt Nam, công bố tiêu chí tuyển chọn thơ hay đối với “Tuyển thơ Việt Nam thế kỷ 20” như thế này: Phải căn cứ vào hai đặc điểm của thơ Việt Nam thế kỷ XX là chủ nghĩa yêu nước và có những đổi mới về nghệ thuật thi pháp kể từ thơ mới 1930-1945 trở đi”. Ông nghĩ thế nào? 
Trần Đình Thu: Ông ấy là nhà thơ mà phát biểu như vậy sao? Yêu nước là yêu nước, thơ là thơ.  Yêu nước thuộc phạm trù đạo đức công dân, thơ thuộc phạm trù văn hóa nghệ thuật. Đây là một phát biểu vô trách nhiệm với nền văn học nước nhà. Tôi hết sức đau lòng khi nghe những phát biểu như vậy.
Hồi xưa, chúng ta đã phải cố gắng biết bao nhiêu để đưa những bài thơ như Tây Tiến của Quang Dũng, Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử… trở lại văn đàn. Giờ đây ông ấy muốn quay ngược trở lại tiến trình ấy à?
Nguyễn Một: Hi hi biết làm sao được. Người ta có quyền mà.