Trang chủ » Truyện

CÔ EM VỢ HỔ CON

Trần Ngọc Dương
Thứ sáu ngày 19 tháng 2 năm 2010 10:48 AM

Truyện ngắn
 
Hơ Ly đưa cả gia đình chúng tôi lên Tây Nguyên, đến nơi Hơ Mai và Hổ Con nằm yên nghỉ. Mọi người ở đây tôn vinh cả hai là phúc thần của buôn làng, họ đã dựng đền, tạc tượng. Còn tôi, một kẻ trong cuộc xin kể câu chuyện về cô em vợ Hổ Con với ước vọng: tìm được sự thanh thản cho chính mình.
 
***
Đã thành thông lệ, bao giờ phòng tôi cũng tổ chức  buổi họp cuối năm thật chu đáo. Cuộc gặp mặt được tiến hành với phương châm xả hơi vui vẻ là chính, việc chuyên môn không bàn đến. Các thành viên trong phòng có dịp nói cười, trêu chọc nhau thả phanh. Rượu bia được bật, mọi người nâng cốc vung lời chúc tụng. Thời gian trôi qua thật nhanh, nhưng rồi cũng đến lúc chúng tôi chạm cốc lần cuối, chúc nhau ăn một cái tết vui vẻ. Tôi ra về với trạng thái lâng lâng, tới nhà thấy có mình em đang lúi húi cắm hoa, tôi xà đến:
- Lọ hoa đẹp ghê.
Em ảy ra:
- Chỉ giỏi nịnh! Khiếp, toàn hơi rượu. Đã gọi điện hứa với mẹ con em về đúng giờ vậy mà còn đi nhậu.
- Giám đốc mang rượu đến phòng chúc, mình từ chối sao tiện.
- Không phải thanh minh nữa, bình nước nóng đã bật điện, anh tắm đi.
Sáu tháng nay mới được hưởng sự chăm sóc của vợ, mặc bộ đồ em ủi thơm phức tôi tỉnh hẳn rượu. Sự mệt mỏi căng thẳng của những ngày cuối năm biến mất. Tôi giục em:
- Anh đói quá! Em dọn cơm, anh lên gác gọi con.
- Anh chịu khó chờ một lát, đợi chị em con Hoa đi siêu thị về cả nhà cùng ăn.
Tôi ngớ ra:
- Anh đang say, hay em nói nhầm? Sao lại chị em con Hoa?
- À! Em đón Hơ Ly cô bác sĩ ở chung phòng, học cùng lớp về ăn tết với gia đình mình. Chuyên gia nước ngoài giảng bài có khác, chiều qua còn lên lớp, sáng mùng bốn tết  phải có mặt. Quê Hơ Ly ở tận Tây Nguyên không về được, ký túc xá còn lại một mình. Con Hoa từ hôm biết có chị Hơ Ly cứ bám riết lấy. Con bảo nếu Hơ Ly đón xuân Hà Nội, nó cũng ở lại luôn.
Chẳng nhẽ tôi trở thành người thừa trong  nhà, quyết định mời người lạ về ăn tết chẳng ai hỏi lấy một câu. Con gái học Đại học, vợ được cử đi bồi dưỡng thêm nghiệp vụ. Sáu tháng nay cả nhà mới xum họp, có người ngoài mất cả tự nhiên. Thấy tôi im lặng bỏ vào phòng trong, em đi theo. Em nhỏ nhẹ:
- Em định anh gặp Hơ Ly rồi mới nói. Nhưng bây giờ phải cho anh biết sự thực trước khi các con về. Anh bình tĩnh nhìn kĩ hộ em tấm hình này.
Tôi sửng sốt:
- Con hổ đeo khuyên tai của Hơ Mai đây! Đứa bé naò ngồi trên lưng nó? Em kiếm đâu ra tấm ảnh này?
- Anh không nhầm! Bức ảnh chụp nhân dịp kỉ niệm sinh nhật lần thứ ba của Hơ Ly. Ngày chúng mình gặp nhau bên Đức, anh kể cho em nghe tất cả. Anh không giấu, em tin và trân trọng mối tình của hai người. Em không thể nào quên được hình ảnh anh, Hơ Mai nhìn nhau qua đầu con hổ; Cảnh hai người nằm ngủ đầu gối lên lưng nó trước cửa dinh Độc Lập. Nhờ đó, khi thấy tấm ảnh  em nhận ngay ra con hổ. Anh nói với em về lễ hội Ning Nông của Tây Nguyên. Mọi đứa trẻ hình thành trong đêm đó là con của Giàng. Không ai có quyền tra hỏi bố của đứa bé. Nghe Hơ Ly kể chuyện về gia đình mình, em khẳng định - Hơ Ly mang dòng máu của anh. Em không ghen với quá khứ, nhưng cả hai chúng ta mắc một lỗi lầm không thể tha thứ được. Khi về nước, chưa một lần đến nơi Hơ Mai ngã xuống thắp cho chị ấy một nén nhang. Cả anh và em có tội với Hơ Ly, để con bơ vơ một mình. Đã đành con được sự ưu đãi của xã hội, được học hành đến nơi, đến chốn. Nhưng anh, chính anh vẫn là kẻ vô trách nhiệm. Còn em, người ăn cắp tình cha con của nó. Nếu không vì em, nhất định anh trở về nơi đó, sẽ gặp Hơ Ly. Tất cả tại em, tại em tất cả! - Em nghẹn ngào nói tiếp - Em mời Hơ Ly về đây cho bố con anh gặp nhau. Nếu Hơ Ly tha thứ  cho chúng ta, nhận bố. Em mới tìm được sự thanh thản. Đó chính là lý do em không hỏi ý kiến của anh đã mời Hơ Ly về ăn tết.
Đêm hội Ning Nông, đêm chia tay Hơ Mai đi học nước ngoài, tôi hẹn với em ngày trở lại. Không ngờ điều bí mật em nói để giành cho ngày gặp mặt lại là Hơ Ly. Tôi cứ đinh ninh chỉ đến lúc gặp Hơ Mai ở thế giới bên kia mới biết được điều em chưa nói.
 
***
...Ngày ấy, khi bạn bè trong lớp bàn tán về chiến công của cô gái Tây Nguyên và con hổ đeo khuyên tai. Có nhiều người cho rằng: Câu chuyện được hư cấu. Tôi không tham gia, lặng lẽ lấy tờ báo trong nước mới gửi sang ngấu nghiến đọc. Trời! Cầu mong lũ bạn đúng.
Tôi lao ra khỏi ký túc xá giữa lúc tuyết rơi, vãy một chiếc tắc xi. Người tài xế hỏi : Đi đâu?” Dúi vào tay anh ta một nắm tiền: Đi hết chỗ này!” Chiếc xe chạy vòng vèo những đâu tôi chẳng quan tâm. Theo đồng hồ báo anh đã đi hết tiền”.
Xuống xe, bước về phía trước không chủ định, viên cảnh sát bồng súng đảy tôi quay lại.  Bức tường Béc Lin trước mặt, Tây Đức ở phía bên kia.
Quay lại, lang thang vô định, thân thể rã rời tôi ngồi dựa lưng vào cây cột điện ven đường. Không biết bao lâu, tuyết rơi trắng người. Em chạy xô vào tôi ngã sõng xoài. Tôi rùng mình nâng em dậy. Em kêu lên : Cứu  với, tôi bị bọn côn đồ đuổi bắt”. Ba thằng “đầu trọc” đứng dàn hình cánh cung, đường phố vắng lặng không một bóng người. Tôi yêu cầu : Các anh để cho cô gái này yên.”
Chúng nhìn tôi, nhìn nhau phá lên cười: Thằng mọi, mày muốn yên coi như không thấy gì, mặc chúng tao”.
Tên đứng giữa tiến lên, giơ tay đảy tôi sang bên túm em. Đúng cái khoảng khắc đó tôi vung tay, y chui đầu vào đống tuyết. Những đứa còn lại rút dao đồng loạt xô tới. Hai con bò tranh nhau húc một tấm vải đỏ. Tôi nhảy lùi lại, chúng xô vào nhau. Một cú đá liên hoàn, cả hai nằm đè lên đứa thứ nhất : “Tôi không muốn đánh nhau, các anh đi đi .” Quay về phía em đang run rảy: Còn cô định về đâu?”
Em hét lên: Cẩn thận”. Lưỡi  dao bấm lạnh buốt cắm vào lưng. Tôi quay lại, vung tờ báo cuộn tròn như cái gậy bước tới. Lũ côn đồ nhìn nhau lồm cồm bỏ chạy. Em xô tới: Anh đừng cử động, để em xem vết thương”. Chiếc áo lông đã cứu tôi, mũi dao được rút, máu xối ra. Em ép khăn mùi xoa, lấy chiếc khăn quàng băng cho tôi: Ký túc xá của em gần đây, khuya rồi anh đừng đi đâu nữa, về phòng em tạm nghỉ”. Tôi đi theo , kể  em nghe tất cả mọi chuyện buồn vui  xảy ra trong cuộc đời ...

* **
...Sườn con hổ mẹ bị mảnh pháo xuyên thủng, nó cố gắng lết đến đây sinh con xong kiệt sức mà chết. Thấy con hổ con nhay nhay đầu vú mẹ, tôi bế lên lấy thanh lương khô còn lại bóp nát hoà với nước cho ăn. No nê, nó rúc đầu vào ngực tôi tìm hơi ấm ngủ ngon lành. Thôi mày đi với tao cho có bạn. Bỏ con hổ con vào túi mìn mo đeo lủng lẳng trước ngực, tôi  xuôi theo dòng suối. Ở tận cùng của dãy Trường  Sơn, con suối nào cũng đổ ra đầu nguồn sông Bé. Sóc Bom Bo mới ở sát ven sông, từ đây tôi có thể trở về đơn vị một cách dễ dàng.
Suối rộng dần ra, đã có dấu vết của con người. Đây rồi, một lối mòn xuống suối. Tôi bám cây, leo lên quan sát. Mu bàn tay nhói đau, con rắn quăng mình xuống bụi cây trước mặt. Tôi vội dứt quai mũ tai bèo, nghiến răng buộc chặt cổ tay, lấy  dao găm rạch mạnh vào chỗ bị cắn. Mắt hoa lên, tôi buông dao ngã vật xuống không biết gì nữa.
Ai đó cạy mồm đổ vào thứ nước đăng đắng, tôi mở mắt cố nhớ lại những gì  xaỷ ra. Một cô gái ăn mặc rách rưới không nhận được sắc phục của dân tộc nào. Thấy tôi tỉnh lại, cô reo lên:
- Giải phóng sống rồi! - Cô chỉ vào con hổ - Nhờ  nó kịp thời liếm vào chỗ bị cắn, nọc độc bớt đi  mới cứu được, mình đến muộn mà. Giải phóng mệt hung, chưa đi được đâu! Mai mình chỉ lối cho.
Theo về nơi ở tôi sững sờ trước cái hang nhỏ của cô. Một cô gái chưa đủ tuổi thành niên ở giữa rừng già. Cô cho tôi hay: Từ nhỏ, cô thường theo mẹ vào rừng kiếm cây thuốc. Nhiều người ốm cúng không đỡ, uống cái lá cây của mẹ con cô khỏi. Lần ấy máy bay thả chất độc phía đầu nguồn, cá chết trắng suối, dân làng vớt ăn bị đau bụng đi lỏng hàng loạt, uống lá cây không cầm. Người Mĩ đến tiêm thuốc khỏi, dân làng theo về khu tập trung quanh thị trấn. Thầy cúng bảo mẹ con cô là “ma lai”, phải giết cúng giàng trước khi rời làng. Mẹ cô bị dìm xuống suối cho đến chết. Một người dân chịu ơn cứu mạng lén cởi trói , cô chạy vào rừng...
Hơ Mai! Tôi đã gép các chữ trong từ “ma lai” thành tên gọi. Đơn vị đồng ý tiếp nhận, em thành đồng đội của tôi. Thấy em quyến luyến con hổ tôi ngỏ lời trao tặng. Hơ Mai thích thú :
- Mình được giải phóng đặt tên, giờ lại cho hổ con.
Hơ Mai tháo một bên khuyên tai bằng bạc đeo cho con hổ:
- Từ nay nó là em mình.
Chúng tôi ăn cái gì, hổ con ăn thứ đó. Theo năm tháng, nó lớn bổng lên thành một chị hổ oai vệ.
Một lân trực thăng đổ quân càn, bọn thám báo dắt theo cả chó. Đơn vị đi làm nhiệm vụ vắng, ở nhà chỉ còn số ít chiến sĩ quân y, cảnh vệ và anh em thương bệnh binh. Chúng tôi chẳng sợ cuộc chiến đấu không cân sức. Nhưng nhiệm vụ chủ yếu bây giờ phải giữ bí mật cứ, bảo vệ được thương bệnh binh. Lũ béc giê đang chồm lên sủa ông ổng, chợt cụp đuôi im lặng quay đầu chạy lôi theo cả bọn lính. Chúng xôn xao:
- Cẩn thận cọp, rút thôi.
- Có hổ làm sao  người ở được!
Chúng tôi nhìn nhau thở phào thầm cám ơn hổ con.
Sài Gòn giải phóng, người dân đô thành ngạc nhiên thấy hổ con đi trước chúng tôi như một con chó. Có một điều đặc biệt hễ tôi và Hơ Mai đứng bên nhau, nó lại len vào giữa. Đấy em xem, chúng tôi chẳng có bức ảnh nào chụp riêng với nhau.
Khi tôi đi học nước ngoài, địa phương xin Hơ Mai trở lại. Vùng đất mới giải phóng rất cần những người như Hơ Mai.
Tôi đưa cho em tờ báo:
- Tin về Hơ Mai tôi  mới nhận được.
 “...Hơ mai mút sạch rớt rãi trong mồm đứa trẻ sơ sinh, nó tím ngắt nín lặng. Cô cầm chân dốc ngược phát mạnh vào mông. Đến mãi cái thứ ba nó mới oà lên khóc. Mọi người trong hang ồ lên:
- Giàng ơi! Nó sống rồi .
Sản phụ đưa chiếc áo đắp trên người cho cô:
- Chị quấn giúp tôi.
- Chị để dùng kẻo lạnh, ủ cháu tạm trong áo khoác của tôi vậy -Quay sang đứa con gái lớn của sản phụ - Cháu chịu khó xuống gốc cây kơ nia lấy gùi hộ cô. Trong đó có vải, gạo muối và cả thuốc men nữa. Lúc nãy vội quá cô không mang lên kịp.
Cô bé đi khỏi hang, Hơ Mai đung đưa đứa nhỏ:
- Bố mày mừng nhé.
Sản phụ nhổm dậy:
- Chị phải đi ngay, chồng tôi là trung tá Fun rô! Ông ấy gặp chị bắn ngay đấy.
- Không kịp đâu Hơ Mai, mày làm đội ngũ tao tan rã, mọi người bỏ đi hết. Giờ tao giết mày.
- Xin chúc mừng ông có thêm cậu con trai rất kháu. Vợ đẻ lần hai  chẳng chịu chuẩn bị gì. Tôi vừa bảo cháu lớn đi lấy các thứ để ở dưới gùi.
- Giàng ơi! Tao đã gài lựu đạn ...
Không nghe hết câu Hơ Mai bật dậy lao ra khỏi hang, hổ con nép mình trong góc hang  chồm theo. May cho tên Fun rô chưa giở trò gì. Hổ con lao vụt lên chặn đường cô bé. Không kịp nữa rồi, một tiếng bép vang lên. Hơ Mai kéo em bé  ngã nằm đè lên. Lựu đạn nổ, Hơ Mai hy sinh, hổ con văng sang bên, đau đớn nó gầm lên dữ dội rồi vọt vào rừng.
Dân làng dựng nhà mồ cho Hơ Mai theo đúng phong tục tổ tiên. Sáng sau lúc mang cơm cúng, người ta thấy hổ con nằm phủ phục chết trước mồ Hơ Mai. Nó nằm đó như canh gác giấc ngủ cho cô chủ. Cho đến chết nó chẳng chịu rời xa cô.
Bọn lính Fun rô bảo nhau  :
- Nếu cứ ở mãi núi rừng sống như loài cầm thú, phá hoại sự yên bình của mọi người, sống không tình nghĩa bằng hổ con. Mình đâu  phải  con người...”
 
***
...Ngày ấy khi  biết tôi không có ý định về nước, em nói:
- Quê hương còn đẹp lắm anh ạ!
- Tôi về đâu bây giờ? Có còn ai chờ đợi ở quê nhà đâu!
- Em muốn anh đưa em trở về quê mẹ.
- Anh sợ làm phiền em trong quãng đời còn lại.
Ngày đầu tiên về chung sống, em bắt tôi phải lập bàn thờ Hơ Mai. Bức ảnh thờ được cắt từ tờ báo năm nào.
- Bố mẹ dọn ban thờ của má Hơ Mai à!
Chúng tôi giật mình quay lại, hai đứa con tôi đang đứng cạnh nhau. Hơ Ly nhìn chúng tôi ngạc nhiên:
- Hai bác thờ má cháu.
Thấy tôi im lặng, em đỡ lời:
- Bác cúng má cháu hơn hai mươi năm rồi!
Hoa khoe với Hơ Ly:
- Năm nào bố mẹ em cũng làm cơm cúng má Hơ Mai. Chị  em mình vào thắp nhang cho má đi.