Trang chủ » Truyện

N H À S Ư U T Ậ P

Nghiêm Huyền Vũ
Thứ ba ngày 23 tháng 2 năm 2010 1:45 PM
 
         Truyện ngắn
 Từ khi đổi nghiệp nhà binh ra làm quan văn hắn đổi luôn thú chơi. Trước đó hắn là người sưu tập ly chén. Theo triết lý của hắn, sưu tập thật nhiều ly chén là biểu hiện lòng khát khao thành kính, chờ đợi và sẵn sàng đón nhận tài lộc rót xuống. Trong bộ sưu tập của hắn đã có một vài thứ đồ cổ. Cổ nhất là bộ chén Tống. Chén hình trụ, đáy phẳng, hoạ tiết màu xanh, vẽ mấy văn nhân đàm đạo, đấu cờ dưới bóng cổ tùng. Thành chén mỏng tang, có thể thấy màu tối của lớp nước khi trong chén có trà hoặc thấy được bóng ngón tay khi hắn lau chén. Dưới trôn chén có hai chữ nho: nội phủ. Hắn tự hào lắm vì mấy thứ đồ cổ đó. Còn món đồ tân thời nhất là bộ ly pha-lê Tiệp. Ly dùng để uống uýt-ky, đáy dày vách đứng, được mài cắt thủ công. Hắn vẫn hằng mơ ước đến một ngày hắn được “vô tư” rót thứ rươụ màu vàng nâu vào những chiếc ly yêu quý này để thoả thuê ngắm nhìn cái chất lỏng kỳ diệu trở nên lấp loáng sau những vết cắt tài hoa tán xạ ánh sáng. Rồi hắn sẽ đưa lên miệng, ngửa ngửa đầu, nghiêng nghiêng ly cho rươụ chảy từ từ lên môi trong khi bờ bên kia của miệng ly trùm lên cái mũi nhỏ thó của hắn đang hít hít lấy mùi hương nồng nàn say đắm...
 Thế mà rồi đến một ngày, hắn gói ghém bộ sưu tập tao nhã ấy lại, xếp vào hòm để nhường chỗ cho bộ sưu tập mới, chỉ để lại bộ ly pha-lê thực dụng. Thế mới biết niềm say mê cũng là do thời thế tạo ra chứ không riêng gì anh hùng.
 Số là sau khi chuyển ngành chạy hưu thành công, hắn nhiễm nhiên trở thành sếp sòng của một ngành chữ nghĩa. Chữ nghĩa vốn như rừng, như thảo nguyên, như sa mạc... rộng dài vô bờ bến, thoáng đãng và tự do. Nhưng người ta không thể không quản lý những cánh rừng, những đồng cỏ, những bãi bờ... Phải chia lô, chia thửa rồi cử người canh gác. Và hắn được cử quản lý bọn người canh gác ấy. Ở ta, không hiểu vì một lẽ gì, người gác rừng, thay vì chăm sóc bảo vệ cây thì lại chặt trộm cây, người canh đồng cỏ thì chăn thả gia súc của riêng mình trên cánh đồng chung, người trông coi bãi bờ thì đào cát sỏi đem bán... Các tay ấy, ngoài việc làm cho đại cục rối mù cả lên, lại kèn cựa, lại so kè, phá bĩnh lẫn nhau nên công việc của hắn khá phức tạp. Hắn muốn bắt chúng phải thuần phục, phải tạo ra một không khí bình ổn cho dù là giả tạo, ít nhất là trong suốt nhiệm kỳ của hắn.
 Hắn đã làm gì? Hắn doạ! Hắn ngẫm từ mình mà ra. Suốt đời hắn sợ, co dúm co dó người lại, đi cũng không dám đi thẳng, nhìn cũng không dám nhìn thẳng, phải lựa ý cấp trên, kiếm được mười đồng thì cung tiến mất năm sáu  nên mới có được địa vị hôm nay. Cho nên khi đã có dưới quyền một lũ thuộc cấp hắn cũng phải làm sao cho hoàn vốn chứ. Thế là hắn hù doạ thật lực. Khi thì gọi điện thoại, khi thì rỉ tai tung tin, khi thì gọi đích danh từng đứa lên “làm việc”... Không bao giờ để cho chúng nó yên. Bọn thuộc quyền cũng chẳng lạ gì các miếng võ của hắn nhưng chúng làm ra vẻ không biết, làm ra vẻ sợ, dạ dạ, vâng vâng rồi thí cho hắn chút quà cho êm chuyện. Mà chúng nó cũng có sợ thật, sợ bị sa thải, giữa đường rút ghế, mất cái chỗ đục khoét .Cho nên mới có tình trạng bên ngoài thì bình lặng mà bên trong thì như nồi canh hẹ. Hắn mặc kệ, cứ lẳng lặng thu về, cứ lẳng lặng cống nạp, mặc cho rừng bị phá trụi, đồng cỏ cháy khô, bờ bãi xói mòn...
 Thường lũ thuộc cấp đến nhà hắn vào ban tối, vào ngày nghỉ, vào dịp sinh nhật, lễ tết. Túi quà nào tối thiểu cũng có cái phong bì và chai rượu, hai vật phẩm chính. Đêm đêm vợ chồng hắn đóng chặt cửa, tỉ mẩn kiểm kê quà biếu. Tiền là thứ nhỏ gọn, thuận tiện cho việc tiếp nhận và cất giữ nhất. Những tờ pô-li-me màu xanh còn mới cứng sột soạt trong tay đem đến cảm giác ngây ngất. Vợ hắn đếm nhoay nhoáy và chỉ dừng tay khi đến một con số chẵn. Chao ôi, bọn dân đen nhặt từng xu thì đến bao giờ mới được cầm một tờ giấy bạc cao quý này! Hắn thở dài và thương cho lũ lầm than, cái gốc của quốc gia, những kẻ hắn nguyện suốt đời phục vụ. Những xấp tiền được buộc bằng giây chun, xếp thành từng chồng trong két sắt. Đêm đêm chợt nhớ, hắn lọ mọ bật đèn, xoay ngược, xoay xuôi ổ khoá theo mật mã, mở két rồi âu yếm bế lấy một chồng mà vuốt ve âu yếm. Ngày mai là phải xa chúng nó rồi. Một phần cống nạp, phần còn lại phải đổi ra những tờ cô-tông ngoại, phải chuyển vào nhà băng, phải mua vàng miếng... các “em” ấy đành phải ra đi.
 Hắn yêu những tập tiền không chỉ bằng tình yêu thô sơ, nguyên thuỷ mà còn bằng tình yêu của nhà sưu tập! Tiếc thay về mặt thể loại, tiền ngân hàng đời mới hơi bị đơn điệu, chỉ trong khoảng chục mệnh giá. Với lại, chẳng ai người ta bày những tập giấy bạc vào trong các tủ kính rồi giương mục kỉnh lên mà ngắm hằng ngày, như thế không thật tao nhã.
 Còn rượu thì lại khác! Trên thế giới hiện nay có hàng ngàn hãng rượu. Ở ta, hàng nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch, hàng xách tay, hàng đóng chai trong nước, hàng nhái, hàng dởm... thôi thì đủ loại. Tuy là đứng vị trí thứ hai, sau bao thơ, nhưng bọn biếu xén biết hắn là bợm nhậu nên rất quan tâm đến món này. Hắn bợm nhậu thật nhưng ở nhà hắn chẳng dại gì mở chai rượu bạc triệu ra mà nhấm nháp. Hắn chỉ xơi quốc lủi, quá lắm thì ngâm thêm thang thuốc bắc, bốc ở nhà người quen trên phố Lãn Ông (tuy nhiên, loại rượu thuốc này cũng có màu nâu sẫm, hắn vẫn rót vào chiếc ly pha-lê đắt tiền kia và thưởng thức theo kiểu uống uýt-ki). Những loại ngoại hoá đắt tiền, nhận xong vợ hắn bao giờ cũng giấu biến. Những thứ này hắn đã gợi ý thuộc cấp thiết đãi ở khắp các nhà hàng sang trọng trong thành phố chán vạn lần rồi. Vì thế trong kho nhà hắn xếp đầy các loại chai. Chai to, chai nhỏ, chai cao, chai thấp, chai cổ ngỏng, chai cổ rụt, be, nậm, hồ lô... chai thuỷ tinh, chai gốm sứ, chai kim loại, thùng gỗ sồi... chai hình trụ, hình lục lăng, hình tam gíac, tứ giác... Chai trong suốt, chai mờ, chai sần sùi, chai tổ ong... Còn nhãn mác thì đủ loại, ghi rõ tuổi rượu từ mươi, mười lăm đến rất nhiều năm. Thật là muôn hình muôn vẻ, không sao kể xiết. Còn ruột thì sao? Bình cũ rượi mới, bình mới rượu cũ cùng với bình cũ rượu cũ, bình mới rượu mới lẫn lộn bình không cũ không mới, rượu không mới không cũ... Cô-nhắc Pháp, uýt-ky Xì-cốt, vốt-ca Nga, sâm-banh Mỹ, vang Chi-lê, Nam Phi... hội tụ tinh hoa năm châu bốn biển.
 Một lần, đang đêm hắn mò vào nhà kho. Không ngủ được, hắn lần mò, sờ soạng trong trí nhớ những gương mặt thuộc cấp. Tìm xem trong đội hình có chú nào chưa đến nhà cống nạp không. Sau khi tìm ra một vài con quạ trắng, hắn thấy khó chịu trong người. Bọn này láo, hắn chẳng đã thông báo qua điện thoại rằng hắn không thật yên tâm về hoạt động của các lô, các thửa này, hắn muốn gặp trực tiếp nghe báo cáo, thế mà mấy tay gác xách không thấy bò lên. Chắc chúng nó nhận phải lô đất cằn, làm không ra ăn, sợ xấu mặt, không dám tay không lên gặp “sếp”. Không làm đủ ăn thì phải nhịn ăn, nhịn mặc chứ bắt “sếp” phải nhịn theo à? Không nhìn gương thằng Đãi mà làm, về nhận thửa đất mới phục hoá mà nó đã lên tìm “sếp” ngay, lễ mễ xách theo cái túi. Vài hôm lại thấy đến một lần, thế người ta mới chỉ bảo cho mà nên người chứ... Biết nằm tiếp thì chỉ tổ đau xương chứ chẳng ích gì, nghĩ đến các loại túi lũ thuộc cấp vẫn xách đến, hắn vùng dậy.
 Những phát kiến lớn thường đến bất ngờ, cả khi trong lòng người không thật thư thái. Hắn bật đèn lên và không khỏi ngạc nhiên trước một rừng chai. Nếu là nhà thơ, cầm chắc là hắn đã bắt được một câu thơ nào đó, tỷ dụ như Ta nghĩ về đời mình khi đứng trước một rừng chai chẳng hạn. Nhưng hắn không là nhà thơ, hắn xuất thân “ní nuận” nay lại là nhà sưu tập ly chén. Thế thì sao? Nhà gì mà chẳng là nhà, vấn đề là có gặp được thời điểm khai mở hay không. Và hắn đã gặp. Ở chính cái thời điểm kiểm kê tài sản đột xuất đó, trong đầu hắn loé lên ý nghĩ là tại sao ta không sưu tập rượu ngon đóng chai thay vì sưu tập ly chén? Cái thời đủ đầy chẳng đã đến rồi sao? Kế hoạch lập bộ sưu tập mới của hắn đã được bắt đầu từ ý nghĩ bất chợt đó. Nhiều ý nghĩ bất chợt về sau trở nên nổi tiếng nhưng thực ra cũng chỉ là sự phát hiện những gì đã từ lâu tồn tại mà thôi. Trước khi ông Niu- tơn bị quả táo rơi xuống đầu thì vạn vật đã hấp dẫn nhau rồi, nếu không hấp dẫn nhau thì quả táo đã bay lên trời, hoặc quá lắm là bay ngang chứ chẳng thèm rơi xuống đất. Ông ấy chỉ phát biểu thành lời rồi sau đó viết ra một cái công thức mà thôi. Hắn và rượu cũng thế, không yêu nhau thì hắn đã bán hết từ bảy mươi đời, tám mươi kiếp rồi chứ chẳng chờ đến khi có ý định làm cái collection. Với lại, sưu tập ly chén không thôi thì chỉ là sự chờ đợi mỏi mòn? Không có rượu thì ly chén có mà vứt đi, còn văn vẻ gì nữa?
 Thế là hắn gọi thợ về đo nhà, đóng tủ. Thế là hắn gói gém bộ sưu tập cũ lại và trưng lên bộ mới. Mỗi loại rượu hắn để lại một phiên bản còn những chai trùng lặp hắn gọi các tay buôn rượu đến bán hết. Hắn bật đèn mắt trâu ha-lô-gien cấy trên đỉnh và trong vách tủ sáng trưng lên và đi duyệt lần lượt từng tủ kính một. Sắp chỗ này, chỉnh chỗ kia, xoay từng chai sao cho cái mác rượu luôn đập vào nắt người xem nhưng không che đi màu nâu vàng, nâu đen lấp loáng của các thứ chất lỏng quý giá và sang trọng bên trong. Nhà sưu tập vốn có trong hắn đã tìm lại niềm hứng khởi ở một lĩnh vực mới, hắn rất vui vì điều đó.
 Hắn sống trong tuần trăng mật với bộ sưu tập mới lấp loáng ánh đèn và luôn luôn làm phong phú nó về số lượng và chất lượng. Lũ thuộc cấp đến nhà, hắn giới thiệu từng loại rượu quý và không quên vô tình “bật mí” danh tính kẻ cống nạp (để chúng nó còn ganh nhau, cạnh tranh lành mạnh mà lỵ!). Khách khứa đến thăm ai cũng thán phục, không biết hắn tích cóp từ bao giờ mà có bộ sưu tập to thế. Hắn bảo tớ không hay rượu, có ai cho thì giữ lại làm kỷ niệm. Mỗi khi nhìn ngắm chai rượu, tớ lại nhớ đến một khuôn mặt thân quen, chứ mở ra uống thì chẳng khác gì uống gương mặt anh em như ông Xuân Sách  ông ấy từng viết, thế đấy!
 Mãi cho đến cái hôm TV đưa tin phiên tòa xét xử vụ Dự án 1122 hắn mới giật mình. Thấy những gương mặt vốn rất thân quen với hắn, thẫn thờ, thất sắc khi Toà tuyên án, hắn lấm lét ngoái lại nhìn bộ sưu tập. Trong những tủ kính không bật đèn, chai rượu nào cũng phản xạ loang loáng ánh huỳnh quang của cái màn hình. Hắn vội tắt TV rồi lần theo mép ghế đến bên các tủ rượu. Trong ánh sáng đèn lờ mờ hắt từ ngoài phố vào, hắn thấy chai rượu nào cũng nhễ nhại như là mồ hôi, nước mắt. Hắn bỗng giật mình, trên cái đợt ngang mặt, chai XO hình tròn trong góc đang hằm hằm nhìn hắn. Hắn lùi lại và chợt nhận ra đúng gương mặt thằng Đãi. Sao mặt mũi thằng này vốn hiền lành, nhẫn nhục mà hôm nay trông cô hồn thế nhỉ? Hắn liếc sang bên cạnh thấy một quả chuỳ màu xanh (thực ra đây là chai Chivas 25 năm, vỏ sứ, niềm kiêu hãnh của bộ sưu tập). Hắn nghiêng nghiêng nhìn, quả chuỳ cũng nghiêng nghiêng. Hắn lắc lắc đầu, quả chuỳ cũng lắc lắc như đang chực đập vào mặt hắn. Thần hồn nát thần tính, hắn hét lên và lao ra cái bảng công-tắc đèn.
 Khi đèn được bật sáng các tủ rượu mới chịu đứng vào chỗ cũ. Mồ hôi toát ra ướt đẫm cái trán hói, ướt đẫm lưng áo, hắn gương mắt, há mồm nhìn vào từng cái đợt của mấy cái tủ. Chỉ thấy những chai rượu đứng yên, lấp loáng ánh đèn. Lạ thật, không còn thấy mặt thằng Đãi với mấy thằng đồng phạm đâu nữa. Hắn vừa thở hổn hển vừa lẩm bẩm: Chắc công an đã điệu hết chúng nó về trại rồi !
        22  tháng 1 - 2010
         NHV.