Trang chủ » Truyện

ĐẠO TRÀ

Đắc Trung
Thứ sáu ngày 22 tháng 1 năm 2010 3:41 PM
 
Truyện 
                                                                  
   Thày tôi đặt lên mặt chõng chiếc điếu bát,trang trí hoa văn rất đẹp. Xe điếu bằng cành trúc có nhiều đốt uốn cong hình con rồng. Chiếc đèn hoa kỳ vặn nhỏ hạt đỗ. Bộ đồ trà cổ cũng rất đẹp. Bộ đồ trà này là của cụ Tú Như mãi ngoài Đại Đê gửi vào tặng thày tôi năm trước nhân dịp thày tôi thọ bẩy mươi tuổi. Bộ đồ trà do người Tầu làm,hàng Giang Tây chính hiệu.Dáng thanh,thành mỏng,men trắng bóng. Từ ấm tới quân,rồi chén và cả đĩa nữa,chiếc nào cũng đề hai câu thơ của Văn Thiên Tường đời nhà Tống (Trung Quốc): “ Sơn bất tại cao hữu tiên tắc danh. Thuỷ bất tại thâm phục long tắc linh". Nét bút thật tài hoa,như bức hoạ thư theo phong cách thuỷ mặc. Thày tôi dịch nghĩa ra rằng: Núi không cần cao,nếu mà có tiên ở thì tự nhiên sẽ nổi danh. Nước không cần sâu,nếu mà có rồng phục thì tự nhiên sẽ thiêng. Xem ra thày tôi tâm đắc với câu này lắm.
   Thày tôi lấy miếng vải vuông nho nhỏ,rất trắng,cẩn thận lau từng chiếc chén,chốc chốc lại ngóng ra cổng có ý mong cụ Tú Chi bên Xóm Đoài sang. Cụ Tú Chi là bạn học với thày tôi từ thuở bé. Lớn lên cùng lều chõng đi thi. Cùng đỗ tú tài một khoá. Cùng ghét cảnh làm quan mà chọn nghề dạy học lập thân. Tính tình hai cụ đều điềm đạm khảng khái nên từ xưa tới nay vẫn đi lại thân tình với nhau như ruột thịt. Bao giờ cũng vậy vào những đêm rằm đẹp trời hàng tháng,hai cụ lại ngồi thưởng trà ngon,ngắm trăng,ngắm hoa bàn luận chuyện nhân tình thế thái ở đời,hoặc đàm đạo những câu đối,những bài thơ hay của tiền nhân và các bậc nho sĩ đàn anh.
   Khi cụ Tú Chi sang nhắp chén trà đầu tiên thì trăng đã cao quá ngọn cau. ánh trăng dường như xanh biếc hơn và hương lan càng ngào ngạt. Sau tuần trà thứ ba cụ Tú Chi khẽ gật đầu hài lòng khen trà ngon,hương thơm,vị đậm. Đặt nhẹ chiếc chén nhỏ xíu như hạt mít vào trong đĩa,nhìn thày tôi,cụ thong thả hỏi:
   -   Bác còn nhớ cụ nghè Quán Thái trên Trà Thượng chứ ?
   -   Có. Tôi nhớ - thày tôi thong thả đáp.
   -   Về tài thưởng trà của cụ Nghè thì ở vùng ta khó có ai sánh được.
   Rót tuần trà thứ tư mời cụ Tú,thày tôi rủ rỉ:
   -   Tôi nghe kể,có lần cụ Nghè đang ngồi đọc sách thì có một người ăn mày đến đứng trước hiên. Ông ta tuổi chừng sáu mươi,vẻ quắc thước,đạo mạo,quần áo cũ chứ không rách vá,sạch chứ không nhếch nhác bẩn thỉu,đầu đội nón lá,vai khoác bị cói,một tay chống chiếc gậy trúc,tay kia phe phẩy chiếc quạt nan đan rất khéo. Vẻ cung kính,người ăn mày chỉ xin cụ Nghè một chén trà. Thấy lạ,cụ Nghè  liền mời ngồi,rồi tráng ấm chén,pha trà mới. Người ăn mày chăm chú nhìn cách cụ Nghè pha trà,một tay vẫn phe phảy quạt,chòm râu bạc bay phơ phất. Khoan thai đỡ chén trà từ tay cụ Nghè,cúi đầu đáp lễ,người ăn mày trân trọng đưa lên miệng nhắp từng hớp nhỏ vẻ đăm chiêu.Cái cốt cách ấy khiến cụ Nghè nghĩ trước mắt mình chắc không phải hạng tiện dân,có thể người này là bậc tôn tử vương hầu thất thế,hoặc một cuộc vi hành của bậc đại quan chăng. Thưởng thức xong chén thứ ba,người ăn mày khen trà ngon,nước xanh,không cặn,tiền hương,hậu vị. Nhưng tiếc rằng hương sen tẩm ướp trà này lại lấy từ một cái đầm nước tù đọng,sen già cỗi,nên hương thơm kém vị thanh tao,tinh khiết. Chỉ nói thế thôi,rồi người ăn mày cúi đầu cám ơn xin phép ra đi hẹn có dịp quay lại.
    Ngay hôm sau,cụ Nghè thuê  xe kéo tìm đến tận nơi vẫn bán trà cho mình,thì quả nhiên thấy đúng là trà ướp tẩm bằng hương hoa sen hái từ một cái đầm nước đen ngòm,tù đọng,quanh đầm lại có nhiều cây sung,cây lộc vừng,cây tre trút hoa lá và quả rụng xuống làm nước bốc mùi hôi. Cũng do cây nhiều,thiếu nắng mà sen cằn,lá nhỏ,hoa bé ... Cụ Nghè yêu cầu chủ nhân phải làm cho mình trà ướp sen ở đầm giữa đồng,nước sạch,sen tốt...
       Chừng tháng sau,người ăn mày lại tìm đến và cụ Nghè lại pha trà mời,coi như khách quý. Lần này mới uống đến chén trà thứ hai,người ăn mày đã gật đầu tấm tắc khen hương sen thơm,trồng nơi hồ rộng,nước sạch,lá tốt,hoa to ... Tuy trà có ngon nhưng cũng chưa phải loại quý.
     Biết đây là khách sành trà,xem ra có tầm trí lự,không thể coi thường,cụ Nghè liệu lời khiêm nhường hỏi chuyện. Vị khách bấy giờ mới mở lòng tri kỷ cho biết rằng,ông trước đây thuộc hạng cự phú,đồn điền cưỡi ngựa đi mấy ngày không hết,xe hơi nhà lầu,kẻ hầu người hạ đủ cả. Đối với ông cái thú nhất ở đời là thưởng trà,tất nhiên phải là trà ngon,trà quý. Trà ngon trước tiên là ở giống. Giống trà quý trồng trên núi cao,ban ngày nắng chói chang,nhưng ban đêm lại lây rây tuyết phủ. Phải là trà búp hái từ những cây cổ thụ. Hái vào dịp cuối xuân đầu hạ. Cây trà cao,trồng nơi núi cao,người hái sao được. Ông phaỉ nuôi mười con khỉ từ nhỏ,luyện dạy cho chúng biết hái trà,chỉ hái búp,không hái lá. Muốn khỉ không bỏ đi mất thì lại phải biết cách giữ chúng. Giữ không phaỉ bằng dây,bằng xích,vì cột dây,buộc xích chúng trèo hái sao được,mà phải cho chúng hít thuốc phiện. Nghiện thuốc phiện rồi thì bắt chúng làm gì cũng được mà không dám bỏ đi. Nhưng loại búp trà ấy muốn ngon lại phải cho ngựa ăn. Ngựa đực,còn tơ. Ăn xong chưa kịp tiêu hoá lập tức giết ngựa liền,mổ dạ dày nó ra,lấy những búp trà đó đem sao tẩm. Đó là trà “Cạ mã”. Có trà “Cạ mã” rồi,muốn ướp hương sen lại phải làm rất cầu kỳ. Buổi chiều khi hoàng hôn đổ xuống,ngồi trong thuyền câu lách trong đầm sen. Thả vào mỗi đài hoa sen sắp nở một gói trà nhỏ bọc trong giấy điều. Sáng hôm sau lại lách thuyền đến lượm lại. Ban đêm sen nở,nhả hương. Hương sen tinh khiết chưa kịp lan ra ngoài đã được hấp thụ hết vào trà. Đồng thời khéo léo trút những giọt sương đêm ngưng tụ trên lá sen đem về dùng làm nước pha trà.. Thưởng trà công phu thế . Bởi tư chất của trà là đạo, chứ không phải đời . Nguyên tắc của  đạo trà là sự hoà hợp - thanh khiết - tôn kính và tĩnh tại .Có như thế mới  cảm nhận được tâm hồn nhau . Trà là phương thuốc quý. Uống quá nhiều không tốt. Trà tẩy rửa chất độc trong cơ thể và tẩy rửa cả bẩn đục của tâm hồn. Biết thưởng thức trà giống như tạo cho hồn ta bước sang thế giới khác của cõi suy tư cực lạc vậy. Không gian phòng trà phải thoáng mát vào mùa hè ,ấm áp vào mùa đông . Trong nhà có tranh quý, đồ cổ quý . Ngoài nhà có vườn cảnh hoa lạ . Các động tác từ mồi lửa,rắc than, thử nước , tráng ấm ... cho tới pha trà , rót trà rồi thưởng thức từng hớp trà đều rất tỉ mỉ chuẩn xác , không nhanh , không chậm ,không thừa . Bạn trà phải tâm đồng , ý hợp, giầu trí lự, trọng nhân cách để vừa thưởng trà vừa tri âm tri kỷ việc đạo chuyện đời ...
     Cụ Tú Chi chăm chú nghe thày tôi nói,khẽ vuốt chòm râu thưa,mượt óng,gật đầu thong thả :
   -   Thế mới biết các cụ ta ngày xưa thưởng trà đến là cầu kỳ. Nâng cái thú ẩm thực lên đạo chứ không phải đời. Quả là các bậc trí lự đáng kính lắm vậy. 
   -   Cụ nghè Quán Thái không chỉ hơn người ở cái thú thưởng trà,mà còn là bậc nho sĩ nổi tiếng hay chữ,cốt cách chững chạc,đường hoàng,trọng nghĩa khinh tài. Thiên hạ nhiều người đi cả ngày đường tìm đến xin bằng được chữ của cụ về thờ. Đình chùa khắp trong vùng này nơi nào cũng có bút tích của cụ trên hoành phi câu đối,hoặc đại tự đặt nơi tôn nghiêm. Chữ cụ đẹp như phượng múa rồng bay,mà tài ở chỗ nhìn là nhận ra ngay,không thể lẫn với bút pháp người khác.
   Cụ Tú Chi vẻ trầm ngâm nhìn thày tôi thong thả nói :
   -   Trong các thú nhàn tản,ngoài thưởng trà,chơi chim,chơi cây,chơi hoa ra thì triết tán tự cũng thật là tao nhã. Vừa vui,vừa cao sang lại vừa trí tuệ. Ví như chữ “TÂM” chẳng hạn. Chữ “TÂM” tạo thành bởi ba “viên ngọc”. Viên hình tròn ở giữa gọi là “chính ngọc”,nó ứng với tâm của người quân tử. Viên bên trái hình bầu dục,dưới to,trên nhỏ giống như giọt máu đang rơi gọi là “tà ngọc”,nó ứng với tâm của kẻ thất phu,gian hùng. Viên bên phaỉ tựa như cái đầu con chim đang bình thản rỉa cánh gọi là “muội ngọc”,nó ứng với tâm những ai vô vi an phận. Hoặc như chữ “phúc”. Chữ “PHúC” gồm có chữ "y”,chữ “nhất”,chữ “khẩu” và chữ “điền" hợp lại...... Tán ra là một người (“nhất”) muốn hạnh phúc thì phải có mặc (“y”),có ăn (“khẩu"). Mà muốn có ăn,có mặc thì phải có ruộng (“điền”).
      Bàn đến thú chơi tán chữ,thày tôi hào hứng hẳn. Chờ cụ Tú Chi ngừng lời để thưởng thức từng hớp trà bốc khói,thày tôi vui vẻ tiếp :
   -   Hoặc như chữ “đức” . Chim chích mà đậu cành tre. “Thập” trên, “tứ” dưới, “nhất” đè chữ “tâm". Hai con chim chích đứng gần nhau thuộc bộ hành. Thập là mười phương chư Phật,tứ là bốn phương Trời. Nhất tâm là một lòng một dạ. Nghĩa là xin được thề có mười phương Phật,có bốn phương Trời nguyện chỉ có một lòng một dạ...
      Thày tôi vừa dừng cụ Tú Chi thong thả tiếp:
   -   Nhân nghe bác bàn đến chữ “phúc” và chữ “đức",tôi bỗng nhớ ra,trong sách Thánh hiền có dạy rằng: “Phúc” và “đức” gắn nhau đấy,nhưng mà cũng khác nhau nhiều lắm."Phúc” không phải do mình tạo ra mà là được thừa hưởng từ cha mẹ,ông bà,tổ tiên và tiền kiếp của chính mình để lại. Còn "đức" mới là thứ do mình tạo ra và cũng là cái “phúc” do mình để lại cho con cháu và kiếp sau của chính mình. Đời mỗi con người được chia làm ba giai đoạn: Tiền vận,trung vận và hậu vận. Từ tiền vận đến giữa trung vận chủ yếu nhờ ở “phúc”. Nếu “phúc dầy” nghĩa là cha mẹ,ông bà,tổ tiên xưa ăn ở nhân nghĩa,kiếp trước của mình sống thảo hiền thì “thịnh”. Nếu "phúc mỏng",nghĩa là bố mẹ,ông bà,tổ tiên mình ăn ở bất nhân,kiếp trước của mình gian hùng đạo tặc thì"suy”. Nhưng từ giữa trung vận đến hết hậu vận lại do “đức" quyết định. Nếu “đức dầy”,nghĩa là mình ăn ở nhân nghĩa,luôn nghĩ điều tốt,làm việc tốt,không hại ai thì “thịnh”. Không những thế,cái “đức" ấy sẽ là “hồng phúc” cho con cháu và cho chính mình ở kiếp sau. Ngược lại nếu “đức mỏng”,nghĩa là mình sống bạc ác,bất nhân thì sẽ"suy”. Không những thế,con cháu mình và kiếp sau của mình phải gánh chịu hậu hoạ. Cho nên sống ở đời có người “phúc dầy" mà “đức mỏng”. Ngược lại có người "phúc mỏng” mà “đức dầy” khiến tiền vận,hậu vận khác nhau vì thế. Bởi vậy sống tu nhân tích đức luôn là những điều răn dạy của Thánh hiền. Ngay trong tử vi có mười hai cung,thì “âm đức” vẫn là cung trọng hơn cả,chi phối những cung khác.
      Thày tôi gật đầu:
   -   Sách Khổng Tử xưa có câu: “ Đệ tử nhập tắc hiếu,xuất tắc đễ,cần nhi tín,phiếm ái chung nhi thân nhân,hành hữu dư lực,tắc dĩ học văn". Nghĩa là còn bé ở nhà thì hiếu với cha mẹ,ra ngoài thì kính những bậc lớn tuổi,thận trọng lời nói và thành thật yêu mến đồng loại,gần gũi người nhân đức. Làm được như vậy rồi mà dư sức thì sẽ học văn. Đủ biết Khổng Tử đặt “Lễ"trọng biết nhường nào. ấy vậy nhưng ngài vẫn coi “Nhân” là gốc,”Lễ" là ngọn. Trong sách “Luận ngữ” có 50 trang mà đến ngót trăm lần ngài nhắc đến chữ “Nhân".
   -   Đức Khổng Tử cũng có bàn đến chữ “Phúc". Theo ngài,người có “Phúc” là người: Còn ông bà,bố mẹ để phụng dưỡng đáp đền ân nghĩa. Có vợ,có chồng để thương yêu. Có con,có cháu để chăm bẵm,dạy bảo và nhờ cậy. Có anh chị em và bầu bạn để tri âm,tri kỷ. Ngài không hề nói đến tiền bạc và địa vị. “Phúc” là thế. Ơ’ ngay trong ta thế mà ta lại đi tìm ở mãi đâu. Có người suốt đời đi tìm “Phúc",nhưng lại không biết thế nào là “Phúc".
   -   Thật ra ở đời tiền bạc và địa vị đâu phải là “Phúc”,mà nhiều khi lại là “Hoạ”. Bởi tiền bạc và địa vị dễ khiến người ta ngu muội bởi ham muốn. U mê trong bản ngã nên mới thiết tha tiền bạc và địa vị. Khi đã khoác đầy mình những thứ đó rồi thì giải thoát cho mình sao được và tu nhân tích đức cũng khó lắm.
    -    Đúng là vậy. Cứ xem như Tề Hoàn Công thời Xuân Thu đủ biết. Trong số "Ngũ bá tranh hùng",nếu so với Tần Mục Công,Tống Tương Công,Tấn Văn Công và Sở Trang Công thì ông ta là người có tư cách hơn cả.. Nhờ biết dùng người,biết chọn Quản Trọng làm quân sư mà nước Tề trở nên cực thịnh. Con người lừng lẫy tiếng tăm như thế,uy vũ như thế,vàng bạc châu báu đầy kho,ngựa quý đầy chuồng,cung tần mỹ nữ không biết bao nhiêu,sống hơn hết các bậc đế vương,coi Thiên tử nhà Chu chỉ bằng nửa con mắt. ấy thế mà cuối đời chết thảm. Năm công tử của ông tranh giành ngôi báu,để mặc thây ông trong cung cho giòi ăn. Hai tháng sau triều đình mới được vào thu dọn thì xác ông đã rữa nát,nhầy nhụa,hôi thối. Chao ôi,như thế thì quền lực và tiền bạc mà làm chi  ?! Rõ là "Hoạ" chứ đâu phải "Phúc".
   -   Sách Thánh hiền xưa dạy về cái đạo của người quân tử càng ngẫm càng thấy hay. Người quân tử có thể thấy sai thì sửa,chứ quyết không bội ước. Sẵn sàng quyên sinh cho cái chí của mình,chứ quyết không đem cái chí làm nô lệ. Thà chịu chết chứ không chịu nhục,không chịu làm điều ác, không xu phụ quyền thế , không khiếp sợ uy vũ ,không tham lam vật chất ,khoan dung nhân hậu, không để bụng những sai lầm đã qua của người khác .
   -   Quả đúng là thế. Cứ xem các bậc đại trí,đại dũng,đại nhân mà sử sách đã ghi lại,như Hàn Tín,để giữ mình mưu việc lớn mà phải cúi đầu chui qua háng gã hàng thịt thất phu. Câu Tiễn để giữ mình mưu phục quốc mà phải nếm phân Ngô Phù Sai và chữa khỏi bệnh cho y. Phạm Lãi hy sinh cả mối tình đầu với nàng Tây Thi đẹp nghiêng nước nghiêng thành vì đại nghĩa. Khương Tử Nha thuở hàn vi phải đi bán bột mì,mổ bò thuê kiếm sống và dùi mài kinh sử. Tôn Tẫn biết Bàng Quyên muốn giết mình,để bảo toàn mạng sống sau này lo nghiệp lớn mà phải giả điên cầm bát phân bốc ăn. Vì nghĩa lớn mà coi thường cái nhục nhỏ. Sống làm người hào kiệt,chết làm ma anh hùng như Quan Công,Trương Phi,Triệu Tử Long,Hạng Vũ ... Hoặc như đức Khổng Tử ba tuổi mồ côi cha. Nhà nghèo. Chăm chỉ. Thông minh. Lấy tự học và suy ngẫm làm chính. Lấy nết trung thành,tín thật làm chủ đích. Có lỗi tự chỉ trích hoặc nhờ bầu bạn chỉ trích và sửa ngay. Thương người như thương mình. Cái thuyết Tu thân - Tề gia - Trị quốc bình thiên hạ chí lý lắm thay. Ngài coi gia đình là cái khâu nối bản thân với xã hội. Thân-Gia-Quốc. Trước hết phải Tu thân,rồi Tề gia. Trị quốc bình thiên hạ là xã hội. Theo ngài việc nước chẳng qua là việc nhà mở rộng. Thân-Gia-Quốc mà gắn với nhau thì dân tất phải thịnh,nước tất phải cường. Ngài học cao hiểu rộng nhưng không tranh bá đồ vương,ở nhà soạn sách về kinh: Thi,Thơ,Lễ,Nhạc truyền dạy cho đời chứ quyết không để kẻ phàm phu lợi dụng. Năm ngài 43 tuổi,danh vọng lừng lẫy được thiên hạ tôn lên bậc đại trí. Vua nước Lỗ là Dương Hoá nhiều lần đến cầu ngài về giúp coi như đại quân sư,nhưng ngài quyết từ chối....... Bởi sao ? Bởi Dương Hoá thuộc loại hôn quân làm loạn cướp quyền. Thời xưa các bậc minh chủ thường bao giờ cũng biết chọn quân sư giỏi để nhờ cậy. Chẳng hạn như vua Thành Thang nhà Thương chọn Y Doãn. Chu Văn Vương nhà Chu chọn Khương Tử Nha. Ngô Phù Sai nhà Ngô chọn Ngũ Tử Tư. Câu Tiễn nước Việt chọn Phạm Lãi. Tề Hoàn Công nước Tề chọn Quản Trọng và Tề Uy Vương chọn Tôn Tẫn. Tần Hiếu Công nước Tần chọn Thương Ưởng và Tần Vương Chính chọn Quý Liêu. Tào Tháo nước Nguỵ chọn Tuân úc. Lưu Bị nước Thục chọn Gia Cát Lượng. Tôn Quyền nước Ngô chọn Lỗ Túc. Lưu Bang nhà Hán chọn Trương Lương và Hạng Vũ chọn Phạm Tăng ... Mà cái việc cầu tài là phải thành tâm khẩn thị công phu lắm chứ đâu có dễ. Quý Bố quỳ lâu đến nỗi Phạm Tăng mủi lòng đành phải giúp Hạng Lương. Chu Văn Vương cầu Khương Tử Nha phải ăn chay nằm đất bao lần đi về mới được gặp. Ba anh em họ Lưu phải “Tam cố thảo lư” mới được Gia Cát Lượng tiếp ...
   Thày tôi cứ nâng tách trà trên tay mà như quên,tâm trí tập trung như nuốt từng lời cụ Tú Chi và ra chiều rất tâm đắc. Đợi cụ Tú ngừng,thày tôi mới tiếp lời:
   -   ấy vậy mà trong số các bậc minh quân cũng ít người giữ được trọn vẹn. Khi hàn vi hoạn nạn thì khác,mà tới lúc thâu tóm đầy quyền lực khống chế được thiên hạ trong tay rồi bỗng dưng đổi khác. Sống sa đoạ coi thường nhân nghĩa. Hoạn nạn cùng chia nhưng vinh quang không cùng hưởng. Bắt được cá rồi quẳng lưới. Bắn được chim rồi đốt nỏ. Săn được thỏ rồi giết chó. Như Câu Tiễn hoặc Tần Thuỷ Hoàng đấy. Vì thế,để giữ mình Phạm Lãi và Quý Liêu phải thay tên đổi họ lặng lẽ trốn đi. Mới biết ở đời làm được ba việc : Tu thân-Tề gia-Trị quốc bình thiên hạ quả là khó.
   Cụ Tú nhắp chén trà nóng vừa rót,vuốt chòm râu bạc gật đầu,tiếp lời thày tôi:
   -   Cũng may thiên hạ vẫncòn nhiều những bậc trung thần,nhân cách cao vòi vọi như Khuất Nguyên. Ông làm quan nước Sở đời Sở Hoài Vương. Sở Hoài Vương thuộc loại đam mê tửu sắc. Không khác gì vua Trụ nhà Thương trước đây. Vua Trụ là loại hôn quân bạo chúa,mê mẩn Đát Kỷ,uống rượu triền miên say đến nỗi quên cả năm tháng,ngày đêm. Hỏi những người xung quanh tất cả sợ  đều nói là không biết. Vua quay hỏi Cơ Tử. Cơ Tử nghĩ: “ Làm chủ thiên hạ mà đến năm tháng, ngày đêm cũng không hay thì xã tắc nguy rồi. Nhưng mọi người đều nói không biết,nếu chỉ mình ta nói biết thì ta cũng nguy mất thôi” nên cũng bèn mượn cớ giả say nói không biết. Riêng Khuất Nguyên khác. Ông không say,cũng không giả say,dám lên tiếng khuyên nhà vua nên bỏ rượu,bớt hiếu sắc lo việc quốc gia đại sự. Sở Hoài Vương không nghe. Thì ở đời mấy khi kẻ say chịu  nghe người tỉnh. Cũng vì lời can gián đó mà Khuất Nguyên bị bãi chức,phải đi đầy. Uất hận quá ông viết bài thơ “Ly Tao” để trút hết tâm can,rồi tự vẫn gửi mình dưới dòng nước xanh sông Mịch La.
   -   Nhân bác kể về Khuất Nguyên làm tôi nhớ tới chuyện Sử Ngư. Ông làm quan đại phu đời Linh Công nước Vệ. Thấy Cừ Bá Ngọc là người hiền tài mà vua không dùng, Di Tử Hà là người dở mà vua lại dùng. Sử Ngư đã nhiều lần can gián mà vua không chịu nghe. Lúc bệnh nặng sắp qua đời ông dặn con:” “Ta làm quan đại triều mà không tiến cử được Cừ Bá Ngọc,không thoái được Di Tử Hà. Là bề tôi không khuyên nổi vua thì khi ta nhắm mắt không được làm đủ lễ. Cứ để xác ta dưới cửa sổ”.
   Lúc ông mất người con làm theo lời cha dặn. Vua Linh Công đến viếng thấy vậy ngạc nhiên hỏi. Người con đem lời trăng trối của cha tâu lại. Vua thất sắc nói: “ ấy là lỗi ở quả nhân”. Rồi sai đem xác ông Sử Ngư vào nhà,bắt khâm liệm,mai táng cho đủ lễ. Sau đó vua Linh Công dùng Cừ Bá Ngọc và bãi Di Tử Hà. Khổng Tử nghe chuyện ấy nói: “ Đời xưa những gián quan đến lúc chết là hết mọi việc. Chưa có ai được như Sử Ngư,chết rồi mà còn dùng xác mình để can vua,làm cho vua phải cảm động mà nghe mình. Thế chẳng là tấm gương sáng sao”.
   Có lần Văn Quân đất Lỗ Dương hỏi Mặc Tử: “ Có kẻ nói với ta rằng,trung thần là người bắt cúi thì cúi,bắt ngửng thì ngửng,để thì im,gọi thì thưa,như thế là trung thần được không ?”. Mặc Tử nói: “ Bắt cúi thì cúi,bắt ngửng thì ngửng như thế khác gì cái bóng. Để thì im gọi thì thưa,như thế khác gì tiếng vang. Làm quan mà như cái bóng,như tiếng vang thì dùng phỏng ích gì. Là trung thần thì khi vua có nhầm lỗi phải liệu lời can gián. Khi mình có điều hay phải liệu cách bày tỏ. Trên thì một dạ thành thực với vua,dưới thì không a dua bè phái kết đảng với ai”.
   Nhưng phải là người dũng cảm lắm mới dám can gián những việc làm sai trái của bề trên. Bởi họ biết có thể mang hoạ lớn. Gương tiền nhân còn đó. Văn Vương do thuyết phục vua Trụ mà bị Trụ nhốt ngục. Những bậc gián quan khác cũng vì đại nghĩa,vì xã tắc can gián vua mà mang hoạ như Dục Hầu bị thiêu sống; Quỷ Hầu bị phơi khô; Tỷ Can bị moi gan; Mai Bá bị làm mắm; Quản Di Ngô bị hành hình; Tào Cơ phải chạy trốn sang nước Trần; Lý Bách Hề phải đi ăn xin; Phó Duyệt bị bán làm tôi tớ; Tôn Tẫn bị cắt xương bánh chè; Quan Long Bàng bị chém; Trành Hoành bị phanh thây; Tư Mã Tử bị giết xác trôi trên sông Giang; Điền Linh bị liệng đá đến chết ... Tất thảy họ đều là những kẻ sĩ tài giỏi,có nhân có đức,trung thành và nhiều mưu lược,nhưng không may gặp phải vua hôn ám,hung bạo mà đành chịu chết thảm.
   Sách Thánh hiền cũng dạy rằng: Cái đạo của bậc vua sáng là khiến cho kẻ khôn ngoan hết lòng lo lắng và nhà vua nhân đó mà quyết đoán công việc. Nhờ thế cái khôn ngoan của nhà vua không bao giờ cạn. Những người hiền trổ hết tài năng của mình,nhà vua nhân đó mà sử dụng họ. Nhờ thế tài năng của nhà vua không bao giờ cạn.Công việc tốt thì nhà vua được tiếng giỏi. Có sai lầm thì bầy tôi gánh chịu. Nhờ thế nhà vua không bao giờ hết cái danh.  Vì vậy nhà vua không giỏi mà làm thày những người giỏi. Không khôn ngoan mà làm chuẩn mực cho sự khôn ngoan. Nhà vua biết bỏ điều riêng tư mà làm theo phép công thì dân sẽ được yên và nước sẽ được trị,quân đội sẽ mạnh và kẻ địch sẽ yếu. Lấy phép công thi hành với bầy tôi thì bầy tôi không thể dối trá,kỷ cương xã tắc sẽ có tôn ty trên dưới. Biển Thước trị bệnh lấy dao chích vào xương. Bậc thánh nhân cứu nguy cho xã tắc bằng lời trung chứ không bằng lời nịnh. Chích dao vào xương thì đau. Nghe lời trung thì cái tai khó chịu. Cho nên người bệnh muốn khỏi phải biết chịu đau. Vua sáng muốn xã tắc yên ổn,quốc gia hưng thịnh thì phải biết nghe lời chối tai khó chịu. Bị bệnh mà không chịu đau thì bỏ mất cái tài của Biển Thước. Nhà vua mà không chịu nghe điều chối tai thì bỏ mất cái thánh ý của các trung thần. Bậc vua sáng sở dĩ chế ngự được bầy tôi chẳng qua là nhờ vào hai cái cán là hình và đức. Phạt gọi là hình. Thưởng gọi là đức. Hình và đức được thi hành đúng theo pháp luật sẽ tạo ra uy. Sở dĩ con hổ khống chế được con chó,bắt con chó phục tùng là hổ nhờ có nanh nhọn và vuốt sắc. Nếu con hổ bỏ nanh vuốt và trao cho con chó,thì ngược lại con chó sẽ khống chế con hổ. Ông vua dùng hình và đức để khống chế bầy tôi. Nếu vua dùng hình và đức không theo pháp luật sẽ không tạo ra được uy. Không uy thì không trị nổi bầy tôi và nước sẽ loạn. Bậc vua sáng căn cứ theo pháp luật mà chọn người chứ không tự mình ưa ai thì tiến cử. Theo pháp luật đo lường công lao chứ không tự mình tính toán ban phát. Kẻ có tài năng không thể bị che lấp. Kẻ yếu kém không thể tô vẽ. Như thế giữa vua với tôi phân biệt rõ ràng và nước dễ cai trị. Chỉ cần nhà vua tuân theo pháp luật là có thể làm được.
   -   Vâng. Quả là thế. Điều này thì trong sách của Hàn Phi cũng có nói. Nhờ dây dọi thẳng mà cây cong bị đẽo. Nhờ cái mực thước bằng mà chỗ cao,chỗ nghiêng bị gọt. Nhờ treo cái cân lên mà bớt được bên nặng thêm vào bên nhẹ. Nhờ cái đấu thạch mà bớt được cái nhiều thêm được cái ít. Đã lấy pháp luật trị nước thì chỉ cốt theo pháp luật để làm hay ngăn cấm mà thôi. Pháp luật không hùa theo người sang. Sợi dây dọi không uốn theo gỗ cong. Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không từ,người dũng cũng không tránh. Trừng trị cái sai không cho qua bậc đại thần. Thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu. Lấy pháp luật mà trị tội thì dân chịu chết mà không oán. Lấy pháp luật mà định công thì nhận thưởng mà không cho là ân đức. Quan lại sai khiến dân mà có pháp luật thì dân theo,không có pháp luật thì dân dừng lại. Người dưới lấy pháp luật  phục vụ người trên thì bọn dối trá không thể lừa chủ. Bọn ghen ghét không thể có cái bụng của kẻ giặc. Bọn xu nịnh không thể khoe cái khéo. Người ngoài ngàn dặm không dám làm điều trái. Cho nên sửa chữa được sai lầm của người trên,trị được cái gian của kẻ dưới,trừ được loạn,thống nhất nhân tâm không gì bằng pháp luật cả. Không có nước nào luôn luôn thịnh. Cũng không có nước nào luôn luôn suy. Hễ những người thi hành pháp luật mà nghiêm thì nước thịnh. Hễ những người thi hành pháp luật không nghiêm thì nước suy. Việc an nguy là ở chỗ đúng hay sai chứ không phải ở chỗ mạnh hay yếu. Việc còn mất là ở chỗ thật hay hư chứ không phải ở chỗ nhiều hay ít. Đạo của bậc vua sáng là làm đúng pháp luật. Pháp luật lại phải hợp lòng dân. Khi cai trị thì làm đúng luật. Khi sống thì theo đúng đạo. Làm đúng luật,sống đúng đạo thì dầu ở thời xa xưa mà vẫn để lại cái “Phúc",cái “Đức" cho muôn đời sau ...
   Thày tôi và cụ Tú Chi cứ vừa nhâm nhi thưởng trà vừa đàm đạo về thế thái nhân tình,về “Phúc",về “Đức"... Toàn những chuyện từ thời Nghiêu,Thuấn,Vũ. Rồi Chiến quốc,Đông chu liệt quốc,Tam quốc bên Tầu. Cho đến các bậc anh hùng hào kiệt của nước mình như Bà Trưng,Bà Triệu,Ngô Quyền,Lý Bí,Lý Thường Kiệt,Đinh Bộ Lĩnh,Lê Hoàn,Trần Hưng Đạo ... Xem ra hai cụ tâm đồng hợp ý nhau lắm lắm.
   Đã nửa thế kỷ qua rồi,đất trời cảnh vật đổi thay biết bao nhiêu,nhưng bộ đồ trà cổ của thày tôi để lại chúng tôi vẫn cất giữ rất cẩn thận và đặt ở nơi trang trọng. Hàng năm mỗi dịp Tết đến,Xuân về tôi lại lấy ra lau chùi sạch bóng bày trên chiếc sập gụ kê giữa nhà . Bao giờ cũng thế,nhìn bộ đồ trà là hình ảnh thày tôi cùng cụ Tú Chi lại hiện về . Tôi cảm thấy hương trà sen phảng phất và bên tai tôi lại như văng vẳng những điều hiếu nghĩa mà các bậc tiền nhân đàm đạo ...
Đ.T