Trang chủ » Truyện

CHUYỆN KHÔNG CÓ TRONG BÁO CÁO và MẮT TRẺ THƠ

Nam Ninh
Thứ ba ngày 9 tháng 2 năm 2010 6:28 AM

TNc: Nhà văn Nam Ninh là một trong ba tác giả vừa được giả B (không có giải A) trong cuộc thi truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ Quân đôi 2008-2009, chúng tôi trân trọng giới thiệu chùm truyện ngắn được giải của Nam Ninh: Chuyện không có trong báo cáo; mắt trẻ thơ.


Truyện ngắn
 
1. Ra khơi
Tầu kéo ba hồi còi dài, chúng tôi đứng thành hàng trên boong chào bến cảng. Công việc ấy cũng như mọi lần ra khơi, nhưng lần này thấy khác lạ. Nhìn vẻ mặt đại uý Thuyền trưởng Nguyễn Trọng Bình thấy bớt khó chịu như mọi khi, lại có chút đôn hậu.
Hắn cười trông dễ mến, nhưng khi cáu thì như muốn ăn thịt người ta. Thuyền phó kiêm Chính trị viên thì lúc nào cũng điềm đạm, trên môi thường trực nụ cười, chỉ lúc uống mới tỏ ra là một tay cũng khá ga lăng. Họ kiểm tra từng vị trí một, đến đâu cũng hỏi han lính hơi kỹ. Công việc ấy đối với người khác thì bình thường nhưng với Thuyền trưởng Bình say thì lạ lắm, trông hắn ngồ ngộ, nhu mì, gượng gạo. Chúng tôi gọi hắn là Bình say, vì hắn là con người trần trụi, văng cái “của nợ ấy” ra khắp tàu mỗi khi say. Tôi thù hắn cũng từ một lần say. Lần ấy tôi vừa bị người yêu đá cho một nhát, vì thằng doanh nhân lắm tiền nhiều của nhảy vào. Tôi thất tình đến mất ăn mất ngủ, người cứ rạc đi. Chính trị viên bảo đấy mới chỉ là cú đá vẹo sườn bên trái, đứa ham của thì chỉ làm khổ mình, việc gì phải tiếc nuối. Cán bộ an ủi vậy thôi, chứ sườn bên trái thì cũng là thịt da mình cả. Nhưng số tôi may, biển cả thương tôi là người trung thực, tôi lại gặp được một em xinh hơn, nghề nghiệp giáo viên tao nhã, nên rất hãnh diện. Tên nàng là Trang Tâm, mượt như biển lặng. Tôi bàn với thằng Hổ bạn thân, phải có chiến thuật vây ráp cẩn mật, cảnh giác mọi hướng. Hôm ấy tôi mời Thuyền trưởng, Thuyền phó kiêm Chính trị viên với anh Thao, Trưởng ngành Cơ điện đến quán Ba Cô, mục đích muốn giới thiệu với em như người ta nói, tôi yêu đương có tổ chức chứng giám, nó đàng hoàng, công khai, mục đích tiến tới trăm năm hạnh phúc. Trong mâm rượu hôm ấy tôi như một thần tượng, đồng đội đôn đến tận mây xanh, từ gia thế đến năng lực làm việc. Bên cạnh tôi mặt em cứ đỏ dần, đỏ dần rồi cúi xuống bẽn lẽn. Uống đến tuần rượu thứ ba thì Bình hát, đọc thơ, khen tôi văn hay chữ tốt. Hắn nói không ngoa, tôi được hắn tín nhiệm khâu viết lách, biết nhặt nhạnh những chi tiết ấn tượng từ quyển nhật ký nhằng nhịt sau mỗi chuyến đi xa để viết báo cáo Lữ đoàn. Không biết đến tuần rượu thứ bao nhiêu thì Bình say, mọi người thấy Bình đã say thì lây bệnh nhếnh nhoáng. Men rượu với men tình làm mắt nàng lung linh. Bọn tôi khoác vai nhau hát những bản tình ca buồn, biển khoáng đạt muốn ôm cả tình yêu nhân loại. Nàng cũng mấp máy môi sắp bật ra tiếng hát thì bất ngờ Bình nói: “Ta thấy hai người thật đẹp đôi nhưng đừng có mà bắt cá hai tay chú mày nhá!”. Mặt Trang Tâm tái đi. Chính trị viên vội vàng chữa cháy thì lại như dội thêm dầu vào lửa: “Thuyền trưởng cứ nói bừa, ai bắt cá hai tay?”. Bình tợp thêm một chén nữa: “Ơ hay, thế ông không biết gì à?”. Thế là người tôi đang yêu xin phép được ra về với lý do chính đáng tới mức không còn cách nào giữ lại được: cô bạn thân đang hấp hối. Nhìn theo bóng cô gái giận dữ phóng xe đi, Bình rũ rượi bá lấy vai tôi nói: “Tao thấy con bé nó lịch lãm yêu kiều quá, lại sợ mày nhố nhăng”. Lúc ấy Chính trị viên mới cho Bình biết tôi mới bị người yêu cũ “đá”. Bình ngửa cổ tu nốt nửa chai: “Tao ngu rồi mày ơi!”. Hắn đấm ngực thùm thụp, hắn chửi chính hắn, chửi cả tôi. Vậy là tôi đã bị thêm một nhát đá vẹo sườn bên phải…
Khác mọi khi, lần này tàu nguỵ trang bằng tấm lưới có buộc những dây vải màu xanh lá cây, trùm cả lên bốn ống phóng tên lửa ở hai mạn. Tôi cũng có một cảm giác xôn xao, nhìn cái hang đá quen thuộc xa dần. Cái vòm cửa hang không rộng, nhưng bên trong là một khoảng trời riêng rộn rã, tấp nập tàu thuyền ra vào. Trời lặng gió, mặt nước gợn chút lao xao.
- Đồng chí Tân ngó ngang gì thế?
Tôi hơi bối rối nhưng vẫn kịp đưa tay lên mũ chào rồi lúng túng tụt xuống khoang.
Thuyền phó kiêm Chính trị viên huấn thị toàn tàu:
- Như hôm qua tôi đã phổ biến, tầu chở giàn khoan đối phương đi rất chậm, và hôm nay nó có biểu hiện dừng hẳn. Có khả năng nó hạ giàn khoan trên vùng đặc quyền kinh tế của ta. Nếu giàn khoan hạ xuống, ta phải chiến đấu. Cuộc chiến này có thể sẽ quyết liệt, mất còn, các đồng chí đã sẵn sàng chưa?
- Sẵn sàng!
Toàn tàu đồng thanh hô vang. Hắn và Thuyền phó kiêm Chính trị viên đưa mắt nhìn hết thảy mọi người tỏ ý hài lòng. 
 
Thằng Hổ nói nhỏ vào tai tôi: “Tớ thích lần này được phụt, cho dù chỉ một quả thôi cũng bõ công lau chùi suốt ba năm nay”. Tôi bảo thế cậu không tính nếu mình chỉ chậm hơn nó một giây thì tên lửa của nó xơi tái mình, hai mươi tám thằng trên cái tàu này bỗng thành bọt biển, Hải Âu đẹp thế, để cho ai? Nó bảo chấp nhận thôi, lính chiến mà.
 
Hải Âu là tên một cô gái còn giấu mặt, con lão bán cá. Theo tôi cái tên ấy là do nó tưởng tượng ra, chứ chỉ có mươi phút, làm quái gì biết được tên người ta. Tôi thấy Hổ quan sát như tìm kiếm những con thuyền đánh cá chao lượn trên biển rồi thẫn thờ nhìn đàn hải âu bay về hướng đảo Re. Biển biếc vẫn yên bình, những con tầu lặc lè hàng hoá, xen lẫn những chiếc thuyền câu, thuyền mua bán hải sản, thuyền đánh cá, xà lan than... Và cả con tàu tên lửa của chúng tôi đang tiến ra mặt trận.
 
Tôi và Hổ cùng sinh năm Dần, nhập ngũ cùng năm, cùng được điều đến Trường Sa. Hết hạn ở đảo, cùng được đưa đi huấn luyện thành quân nhân chuyên nghiệp, cùng được biên chế về tàu tên lửa… Những kỉ niệm của chúng tôi những ngày ở Trường Sa thật khó quên.
Hồi đó đơn vị tôi được tặng một đàn gà, cả gà mẹ lẫn đàn gà con. Đó là quà tặng của bà mẹ Việt Nam anh hùng miền núi Thanh Mã. Gà miền núi thì biết gì biển cả. Ý của người tặng là để chúng tôi gây dựng thành đội ngũ gà, gà mẹ, gà con cùng tấm lòng quê hương phủ lên hòn đảo nhỏ…
Đàn gà ấy làm bọn lính sướng đến chảy nước mắt, mỗi thằng ôm lấy một con, vuốt ve, hôn hít, tự dưng đống rơm, đống rạ đâu đó hiện ra quanh mình. Vậy mà chỉ một lần bầu trời vần vũ đi qua, nó miết xuống như khoét vào nền đất, đàn gà mỏng manh ấy tung lên như cát bụi. Thằng Hổ đội bão đi tìm kiếm xung quanh, nhặt được năm con đang ngấp ngoái, những cái miệng nhỏ xíu của nó cứ há ra, không nhét cơm vào được. Bọn tôi để gà vào lòng, đêm ngủ thì co người lại sưởi cho gà, vậy mà chỉ còn sống được hai con. Vì có công nên thằng Hổ được giao trông nom hai con gà đó. Nó chăm bẵm lắm, ban ngày gà ở dưới công sự, ban đêm ngủ với người...
Tàu sắp đến phao số O. Con tàu được cởi bỏ nguỵ trang. Hổ mới đến phiên thay gác, khoác AK đứng trên nóc ca bin chỉ huy, sóng táp lên tới mặt. Hai giải mũ của nó bay phần phật theo lá cờ Tổ quốc.
 
… Rồi hai con gà ấy lớn lên, sinh sôi nảy nở, khi nước xuống chúng tôi dẫn ra bãi san hô cho chúng nhặt côn trùng biển. Chúng ríu rít quanh chân lính như bạn bè thân, như con cái. Vậy mà một lần tiếp mấy chị văn công, tay  đại trưởng sĩ diện, định mang một chú ra làm thịt. Thằng Hổ khóc tu tu…
Tiếng loa liên tục thông báo tới các khoang, chiếc tàu chở giàn khoan nước ngoài đã neo tại chỗ.
Đúng giờ G, theo lệnh, tàu chúng tôi đã ở vị trí chiến đấu.
 
2. Chạm trán
 
Tàu phối hợp của ta đã xuất hiện, dàn thành đội hình, phát tín hiệu cho nhau liên tục. 
Chỉ huy Quân chủng thông báo, tàu bảo vệ giàn khoan của đối phương khá đông, chúng đang tiến về phía ta, cách 15 hải lý. 
…Vậy là cả viên đại trưởng cũng không còn nghĩ đến chuyện thịt gà, dù chỉ là một con. Và đàn gà ấy cứ sinh sôi nẩy nở bên thao trường, đẹp như một bài thơ đang nằm trong ý tưởng của mỗi chiến sĩ. Nhưng thơ đã kịp xuất bản ra mồm đâu...
Thuyền trưởng nhắc nhở, cảnh giác khi tàu đối phương cắt sóng.
Đối phương còn cách 10 hải lý.
Sóng to dần, thỉnh thoảng lại phủ lên nòng khẩu pháo 30 ly, trùm qua những cái đầu đã chụp mũ sắt.
 
Sở dĩ tôi nói những bài thơ còn nằm trong  ý tưởng, vì nó chưa kịp xuất bản thành lời thì đột nhiên thông báo từ trên xuống có dịch cúm gia cầm H5N1. Quân lệnh như sơn, lại có lý dokhông thể chối cãi là Trường Sa có  nhiều chim di trú mang mầm H5N1, có thể lây sang người. Cả đơn vị như tê cứng nhìn những chú gà ngơ ngác, toán loạn. Chúng bị chính quân mình gạt lệ... xóa sổ!. Đến tay đại trưởng cũng không cầm được nước mắt…
 
Tàu đối phương chỉ còn cách 5 hải lý, hai bên đều tăng tốc tiến lại gần nhau. Đó là những con tàu giả tàu đánh cá có tốc độ lớn. Chúng lượn sát rồi bất ngờ chạy cắt mũi tàu ta. Thuyền trưởng điện về Quân chủng, xin được phép nổ súng, nhưng không được đồng ý. Lệnh yêu cầu chúng tôi tìm cách né tránh, mục tiêu là con tàu chở giàn khoan. Cuộc chơi này xem ra cũng thú vị, cái bụng hai bên đều hiểu rõ nhau, nắn gân nhau, doạ dẫm nhau. Mục tiêu của chúng là tìm cơ hội để cái mũi khoan kia hạ xuống mỏ dầu. Đến lúc này chúng không giấu giếm nữa. Những khẩu pháo ém trên tàu của chúng đồng loạt ngóc đầu. Tiếng Thuyền trưởng gào thét liên tục trong loa, lúc cảnh giới bên phải, lúc bên trái, trước mặt. Tôi chăm chú nhìn qua kính phóng tìm kiếm chiếc giàn khoan. Ở tận tít chân trời, cái chấm nhỏ ấy có hình hài như một cái nhà máy mọc lên trên biển. Đột nhiên Thuyền trưởng hét: “Chú ý mục tiêu trước mặt!”. Một chiếc tàu chọc qua đội hình của tầu Hải quân ta, lao thẳng vào mũi tầu tên lửa. Nếu con tàu của chúng tôi xoay ngang nhất định nó đâm vào bụng. Thuyền trưởng Bình mắt đỏ sọng, lì lợm lạ thường, mồm làu bàu: “Vào đây, vào đây con, tao đãi mày!”. Trên đầu hắn, thằng Hổ cũng lì lợm không kém, khẩu AK ôm chắc trước ngực, đứng thẳng như mọc lên bằng thép, tưởng như nếu có chặt đi một chân thì cái cọc thép đó vẫn vững như thường.
 
Thỉnh thoảng những đợt sóng cao đổ ào trên boong, rồi trút xuống biển theo chiều nghiêng của con tầu. 
Có thông báo: tầu đối phương đã hạ giàn khoan, đợi lệnh bấm nút!
Chiếc tàu trước mặt vẫn chĩa mũi vào chúng tôi, không đổi hướng. Khoảng cách xích lại, việc đấu đầu nhau chỉ còn trong giây lát.
 Bình hét lên:
- Tiến thẳng!
Chiếc tàu đối phương hoảng hồn láng sang bên trái, quay một vòng, nước biển trắng xoá cuộn thành một vòng xoáy lớn.
 - Chuẩn bị chiến đấu! - Bình hạ lệnh.
Tất cả các mục tiêu đã nằm gọn trong kính ngắm. Cuộc chiến khốc liệt sắp bùng nổ thì đột nhiên tất cả tầu đối phương đổi hướng rút lui. Điện từ Quân chủng thông báo tàu địch đã kéo giàn khoan lên, có biểu hiện di chuyển về hướng Tây, yêu cầu chúng tôi giữ nguyên vị trí chờ lệnh. Biển trở lại yên bình. Bình vẫn còn hùng hổ, hắn ra mạn tàu vạch quần vẽ một đường vọt cầu vồng. Thằng Hổ vẫn đứng ôm súng trên nóc tàu, mắt quắc lên nhìn theo những con tàu lạ… 
Hồi đó, sau khi không còn đàn gà núi trên đảo, chúng tôi bơ vơ. Hết giờ tập luyện thằng Hổ rủ tôi ra bãi đá ngầm tìm kiếm những con sò  “cô đơn” chơi trò chọi nhau như hồi ở quê nhổ cỏ may chơi chọi gà. Buồn tênh…
  
3. Hải Âu
 Sau ba ngày, chúng tôi được lệnh quay về neo tại vùng nội thuỷ, cách đảo Re 5 hải lý. Nơi đây đã tấp nập thuyền bè. Gặp lại người mình, mặt mày đứa nào cũng thấy tươi tỉnh trở lại, đặc biệt là thằng Hổ, trông thật phởn phơ. Thấy tôi hỏi xem có chuyện gì mà vui thế, nó chỉ xuống biển, cách chỗ chúng tôi chừng hơn trăm mét, một chiếc thuyền rao bán hải sản chạy vòng quanh (vì thuyền bè không được phép lại gần tàu tên lửa). Nó bảo thuyền của Hải Âu đấy. Tôi vào lấy ống nhòm chĩa xuống, thấy một lão ngư quắc thước, phong sương; và một bà già trông hiền lành, phúc hậu, vẻ mặt có chút khắc khổ của người bươn trải trên biển cả.
- Tớ có thấy cô gái nào đâu?
Hổ cười hì hì, có vẻ bí mật lắm. Tôi lại nói:
- Nhưng tớ thấy ông già có gớm ghiếc như cậu nói đâu ?
- Lão nhốt con gái ngay trong buồng kia, vì sợ lính hải quân tóm mất. Cậu bảo thế không phải là gớm sao? Nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn, - nó bí mật rỉ tai tôi - tớ nhận được tín hiệu rồi, ba lần nàng đẩy cửa. 
Nó nhờ tôi nói với Thuyền trưởng xin một can dầu xuống đổi lấy mấy cân cá ghim. Bình say rất khoái khẩu cái món cá ghim om với chuối xanh. Thảo nào hôm lên đường thằng Hổ chuẩn bị mấy nải chuối xanh là có ý này. Ai ngờ Bình say quát cho một trận:
- Lần trước tôi liều mà đãi các cậu, vì không còn gì mà chén, vì các cậu ăn thịt hộp mãi kêu xót ruột, lần này còn làm cái trò ma muội ấy là tôi không tha. Về vị trí!
Tôi bảo:
- Nhưng mà đổi cá ghim kia mà?
- Ghim cũng không thèm. Biến!
Bình say ném cả hai chân lên chiếc bàn sắt, lưng ật ra thành ghế, tay vắt lên trán trông như thằng chán đời. Tôi nghĩ vợ thằng này đến tháng đẻ chắc? Thế mà đúng thật, Chính trị viên thông báo cho chúng tôi ngay sau đó, lại còn định lấy đó làm tấm gương hy sinh cao cả của thuyền trưởng cho anh em học tập mới kinh!
 
Thấy Hổ bồn chồn, nhìn trước ngó sau, tôi biết nó đang nôn nóng. Thấy mặt trời chỉ còn mấp mé mặt nước, tôi bảo cậu ta không nên manh động lúc này, sắp đến giờ ăn cơm rồi đấy.
- Tớ chỉ cần một phút thôi, cậu kín miệng là được.
Nói xong, nó nhìn trước ngó sau rồi khom người bò đến mạn bệ phóng tên lửa, nhoàng một cái nó đã tụt xuống biển. Con thuyền của Hải Âu thấy chúng tôi không mua cá nên bơi ra xa hơn, lại thấy ông bà già đang vẫy chiếc xà lan than qua đó. Tôi thấy mừng vì có thể thằng Hổ sợ thuỷ thủ trên tàu chở than nhìn thấy nên sẽ quay lại. Nhưng không, nó lại bơi tăng tốc, lao như mũi tên, một lúc thì mất hút. Tôi chĩa ống nhòm vào cái khoang có cửa che, chẳng thấy gì, nhưng khi rà soát quanh chiếc thuyền nhỏ thì thật kinh hoàng, chúng nó đang hôn nhau, đứa ở dưới nước rướn lên, đứa ở trên thuyền cúi xuống, tóc con bé phủ lên nửa người thằng Hổ. Chiếc thuyền ngoe nguẩy đằng mũi, cái đuôi kỳ lạ ấy ngoe nguẩy phía sau, mấy chú hải âu dập dềnh hoan hỉ.
- Xem gì đấy Tân?
Tôi giật mình quay lại, nhìn thấy con mắt hấp háy của Bình say, sợ chuyện lộ ra thì chết, nhưng nó lại hỏi:
- Có nhìn thấy con bé nào không mà say sưa thế cậu?
Hoá ra cậu ta không biết gì hết.
- Có lệnh, tàu sẽ về cảng sớm mai - Bình khoác vai tôi hớn hở nói -vào chén cơm đi cậu.
Miệng hắn huýt sáo, kéo tôi vào buồng ăn. Tôi luyến tiếc ngoái đầu nhìn biển.
- Cái vụ Trang Tâm ấy mà - hắn nói-  nếu cần tớ giúp một tay. -  Hắn vỗ ngực khoe - Ba cái vụ tán gái ấy mà, thằng này hơi bị kinh đấy nhé!
 Hắn vui quá hoá quan liêu, giờ chắc chỉ nghĩ đến vợ. Hắn hỏi tôi thằng Hổ đâu, tôi ngó trước, ngó sau giả vờ gọi “Hổ ơi!”. Hắn bảo mặc kệ nó, mình cứ chén trước đi đã. Một lúc thì Hổ xuất hiện, thấy chúng tôi đang vui, biết chuyện không bị lộ, đôi mắt nó nhìn tôi đầy vẻ hàm ơn, vui hơn hớn. Tôi bảo nó sáng mai tàu về sớm. Lại thấy mặt nó tái đi. Bình say đang hưng phấn, và cơm ào ào, nói chuyện huyên thuyên, hắn căn dặn:
- Hình như đêm nay là ca trực của hai cậu, nhớ đừng có lơ là. Kỳ này tớ sẽ báo cáo cấp trên tuyên dương các cậu.
 
4. Kẻ bỏ trốn  
 Thằng Hổ đến chỗ tôi đứng gác bảo:
- Tớ có cuộc hẹn đêm nay với Hải Âu.
Tôi hoảng hồn bảo nó, cậu đến ca trực gác sau tớ kia mà? Nó bảo:
- Thì thế nên mới phải bàn với cậu.
 Tôi bảo, không đùa với quân lệnh được đâu. Nó bảo đã báo cáo anh Thao với lý do đau bụng đi ngoài, anh Thao định thay người khác nhưng tớ bảo cậu đã đồng ý gác thay. Tôi trách nó tại sao lại lôi anh Thao vào vụ dối trá này, vì anh ấy thì ai nói mà chả tin, nếu chuyện bị lộ thì tội người ta quá. Hình như nó không nghe thấy tôi nói gì, chỉ chăm chú vào chiếc đồng hồ đeo tay rồi bảo đã đến giờ nó phải đi gặp nàng đây. Tôi hoảng quá:
- Cậu bỏ gác thật à?
- Nếu cậu không giúp thì tớ bỏ vậy.
- Khoan đã, cậu nói là bàn với tớ kia mà?
 Nó nói:
- Thì bàn ngắn gọn thế còn gì, một là giúp, thì tớ đi, hai là không giúp, thì tớ cũng đi.
Tôi lạnh toát cả người mà trán vẫn vã mồ hôi:
- Vậy cậu đi gặp nó ở đâu, đi bằng cái gì?
- Đảo Re, - nó nói - bơi đến chứ cậu bảo chạy đến chắc?
- Thằng điên, - tôi cáu  - gần mười cây số đấy.
Nó cãi:
- Năm hải lý là 9 cây.
Nó vội vã đưa tay lên trán, rập gót theo kiểu nhà binh chào tôi. Tôi vội vàng níu tay nó lại:
- Chí ít cậu cũng phải cho tớ biết, điểm hẹn trên đảo Re là chỗ nào, có đủ tin cậy không, tình huống xấu nhất tớ phải tìm đến, nếu không nói tớ báo động ngay bây giờ.
Nó buộc phải khoanh một cái vòng tròn xuống sàn tàu, rồi chấm một điểm, bảo đó là một cái lều thu mua hải sản mái tôn của những người đánh cá nhỏ lẻ ven bờ, nằm riêng lẻ trên bãi cát. Tôi định hỏi có chính xác không, thì nó đã lăn tùm xuống biển.
 
Đến giờ đổi gác, tôi vẫn khoác khẩu AK, mắt bao quát xung quanh, cố tập trung tư tưởng để đỡ phải lo cho thằng Hổ, lo cho chính mình. Không lo sao được, tàu cứ một vài tiếng lại phải đổi chỗ một lần đề phòng bọn người nhái đối phương tìm đến. Nhưng lúc này mối lo trực tiếp của tôi là Bình say nên thỉnh thoảng lại dán mắt vào buồng Thuyền trưởng, chỉ sợ hắn thức giấc. Hôm nay hắn đang phấn chấn chuyện ngày mai được gặp vợ sắp đẻ, nghe tin siêu âm lại là con trai, có thể hắn mất ngủ cũng nên. Mà mất ngủ thì hay đi đái, đi đái thì dễ phát hiện ra tôi gác thay, mắt hắn như mắt sói. Biển bao la mịt mùng, thỉnh thoảng lại xuất hiện những đốm sáng lấp lánh ở tận tít chân trời của những con tàu đi biển, tàu buôn, tầu đánh cá…
Tôi giật thót. Tôi đoán không nhầm khi nhìn thấy cửa buồng Thuyền  trưởng mở. Tôi cố ưỡn ngực để lấy thế tự tin nhưng trống ngực vẫn nện như trống trận. Tôi cảm nhận được cả mùi vị mặn mòi khét lẹt của hắn sau lưng tôi. Hắn đi tới gần, hắn quành ra nhà vệ sinh, chắc hắn đã vạch quần… Tôi hồi hộp chờ lượt hắn quay lại. Nếu hắn quay lại mà không hỏi gì thì coi như thoát. Tôi đã lại thấy cái mùi khét lẹt của hắn lại gần. Tim tôi như ngừng đập. Bình say quành đến cửa buồng. Nhưng hình như hắn quay lại. Tôi phải nghĩ nhanh ra cái lý do gì đó nếu phải đối phó. Hắn đã đến gần lắm rồi...
- Hình như tôi nhớ không nhầm, ca này của thằng Hổ, sao cậu lại gác?
- Báo cáo, đồng chí Hổ bị đau bụng đi ngoài, nhờ tôi trực thay.
 
Lập tức hắn đi vào khoang ngủ của thuỷ thủ. Tôi sợ phát run lên, Hổ ơi, mày giết tao rồi!
Nhưng Bình lại đi ra. Thằng Hổ sắp xếp ngay ngắn quân tư trang, để đúng vị trí, nó ngụy trang khéo lắm, nên Bình say không nghi ngờ. Vì thế khi qua chỗ tôi, Bình dặn dò cẩn thận: “Bảo nó uống thuốc ngay, đi ngoài nhiều hại sức lắm”. Tôi phấn khởi hét một tiếng: “Báo cáo, rõ!”.
Lại thấy hắn đáng yêu. Trong bản báo cáo mà tôi đang chắp bút nhất định tôi phải bổ sung thêm tinh thần tiến công của hắn. Quả thật, trong trận chiến này nếu hắn không lì lợm, nhằm đúng mũi con tàu địch, nhất định nó sẽ đâm vào mạn tàu ta. Bình say là thế, làm việc gì cũng quyết liệt.
Tôi cố gắng thở thật sâu để lấy lại tinh thần. Chiếc tầu được neo lại, trôi theo chiều gió thành vòng tròn, cứ như con trâu khi bị dây thừng cột vào cọc. Tôi lẩn thẩn nghĩ, nếu thằng Hổ bơi tới bờ, gặp được con bé ấy, với sức vóc hổ báo ấy, chuyện gì sẽ xảy ra? Và sau đó là quãng đường về, liệu thằng này còn đủ sức mà quay lại? Nhưng cửa buồng Thuyền trưởng lại bật mở, lại thót tim. Bình tiến lại phía tôi: “Thằng Hổ thế nào rồi cậu?”. Tôi đâm lúng túng, tình thế này chưa được chuẩn bị. Bình khoát tay một cái rồi đi vào khoang ngủ. Thấy hắn đi ra, có thể anh Thao cũng chột dạ. Hắn đi vào nhà vệ sinh. Mọi khi có thấy hắn đi vệ sinh đêm nhiều như thế này đâu. Hay hắn nghi ngờ? Hắn mà nghi ngờ thì toi rồi Hổ ơi!
Từ nhà vệ sinh ra, tưởng Bình say quay về phòng, nhưng hắn lên chỗ tôi đứng gác, hắn chĩa con mắt càu cạu vào mặt tôi:
- Thằng Hổ đâu ?
Tôi há mồm ra nhưng không cất nổi thành lời.
 
5 Truy lùng
Lập tức có lệnh báo động toàn tàu, tất cả tập trung trên boong, nơi chúng tôi vẫn đứng chào đất liền trước khi rời cảng. Dưới ánh đèn le lói, tôi nhìn những cặp mắt còn ngái ngủ, những vẻ mặt còn ngơ ngác, đội hình có chút lôi thôi. Đôi mắt Thuyền trưởng đảo điên tìm từng khuôn mặt, rồi thông báo tình hình hết sức nghiêm trọng: Hoàng Đình Hổ bỏ trốn! Một vài tiếng lao xao, nhưng thấy mắt hắn gườm gườm thì tất cả đều câm tịt. Hắn yêu cầu, ai biết thì khai ra, chỉ được nói “không” hoặc “có”. Đầu tiên là Thuyền phó kiêm Chính trị viên, các trưởng ngành rồi mới đến các chiến sĩ, không sót một ai. Hắn nghi ngờ tuốt, nhưng tất cả đều trả lời “không”. Bình say lột khẩu súng AK trên vai tôi, dán mặt vào mắt từng người, tay hắn như cái gọng kìm, bóp vào từng cái cằm một, hất mặt họ lên:
- Thằng Hổ đâu?
- Báo cáo, tôi không biết.
Bình nện gót xuống boong rộp, rộp, rộp… Tôi run bắn. Ngón tay trỏ của Bình mổ ba nhát vào ngực ba người:
- Bước ra khỏi hàng!
Nghĩa là Bình vẫn chĩa mũi nhọn vào ngành Cơ điện, nghi ngành Cơ điện, nghi anh Thao. Chúng tôi bước lên một bước, tôi thấy mặt anh Thao đã tái đi, trong vụ việc này trách nhiệm chính thuộc về anh. Bình say tiến đến trước mặt Thao:
- Cơ điện là cái gì ?
Anh Thao đọc như cái máy:
- Báo cáo, hàng hải là con mắt, cơ điện là trái tim của con tàu.
Bình túm vào ngực anh Thao giật một cái:
- Tôi không cần đến cái tim thối của cậu. Ngày mai tôi trả cậu về Quân chủng.
Tôi không còn kiềm chế được khi thấy mắt anh Thao ứa nước.
- Anh Thao không biết gì vào chuyện này đâu ạ, - tôi nói.
Lập tức mọi người đổ xô lại tôi, không còn ai nghĩ đến việc phải đứng thành hàng ngũ nghiêm túc nữa. Bình say cười gằn, rung rung cái cằm mãn nguyện, rồi đột ngột quay ngoắt, túm ngực tôi:
- Nói!
- Thằng Hổ quen con bé ấy từ lần trước. Tôi mới mở mồm nói được một câu không ra đầu ra đuôi, nhưng như thế cũng đủ để mọi người hiểu ra vấn đề. Hình như Bình say cũng hiểu ra ngay, không đến nỗi phải cảnh giác quyết liệt liên quan đến cái tàu chở giàn khoan nước ngoài kia. Tôi chậm rãi nói tiếp:
- Cách đây ba tháng, hôm Thuyền trưởng bảo nó mang can dầu đi đổi cá ghim về nấu với chuối xanh…
- Cái gì? - Bình say ngơ ngác một chút rồi chợt nhớ ra, hai ngón tay hắn gõ nhịp lên thái dương -  Tại sao can dầu với cá ghim lại liên quan đến cái con bé nào đấy?
- Báo cáo … trong chiếc thuyền bán cá ấy có một cô tên là Hải Âu… nhưng mỗi khi tiếp cận với bộ đội thì… Hải Âu đều bị nhốt ở trong buồng thuyền… Nhưng thằng Hổ nhà mình vẫn trinh sát được…
Câu chuyện của tôi khiến mọi người quan tâm, thỉnh thoảng lại nổ ra trận cười giòn giã, khiến chính tôi cũng đâm hào hứng, không cần Bình say hỏi tiếp tôi cũng khai:
- Hôm qua cái thuyền cá ấy lại đến đây, Hổ rủ tôi lên xin Thuyền  trưởng can dầu để có cớ xuống thuyền như lần trước, nhưng Thuyền  trưởng không cho…
- Hôm qua thì tôi thiết quái gì cá ghim.
- Nhưng vì chúng nó đã đánh tín hiệu cho nhau nên thằng Hổ vẫn phải xuống gặp.
- Có phải lúc cậu vác ống nhòm ra nhìn không ?
Thấy mọi người háo hức tôi bèn kể tình tiết đáng khắc hoạ này, tôi nói có phần chậm rãi:
- Đúng vậy, lúc ấy thằng Hổ bơi ở dưới nước, con bé bò ra sau mạn thuyền… rồi chúng nó hôn nhau như phim người cá lộn ngược, tức là con gái thì lại ở trên cạn, thằng Hổ thì ở dưới nước. Bố mẹ nó thì vẫn chú ý bán cá ở phía trước, chẳng biết gì cả.
- Rồi sao nữa, nói khẩn trương !?
- Rồi chúng nó hẹn đêm nay gặp nhau ở đảo Re, nơi có gia đình Hải Âu sinh sống.
- Đảo Re, tức là cách đây gần mười cây số, tại sao nó không mang phao bơi?
- Nó không mang phao để còn nguỵ trang với Thuyền trưởng, với cả anh Thao…
Lập tức có khẩu lệnh nhổ neo tiến về phía đảo Re. Hổ ơi thế là mày toi rồi, ở đảo chìm mày vẫn định cứu sống mấy chú gà con, vậy mà ở Đảo Re thì mày làm Hải Âu sã cánh.
 
Cách  đảo Re chừng một cây số tàu phải neo lại vì có đá ngầm. Bình phân công ba người do anh Thao nhóm trưởng, tôi dẫn đường bơi vào đảo. Bình dặn dò cẩn thận lắm, nhất định phải tóm sống “tên” Hổ, nhưng không được manh động, làm ảnh hưởng đến ngư dân. Chúng tôi nai nịt gọn gàng, lao xuống nước. Vừa bơi, anh Thao vừa bàn đến kế hoạch tác chiến. Vấn đề trước tiên là phải xác định được cái chấm nhỏ trong cái vòng tròn lớn nó nằm ở hướng nào. Tôi nhớ kỹ lại lúc thằng Hổ vẽ, nó ở hướng Đông Bắc. Anh Thao hay có tính phòng xa, lại sợ thằng Hổ trốn, không tóm được thì Bình say “làm thịt” nên yêu cầu tác chiến phải khẩn trương, thận trọng, đạt yếu tố bất ngờ, khẩu lệnh khi gặp “địch” phải dứt khoát. Chúng tôi thống nhất, khi tôi hô “tất cả đứng im”, anh Thao sẽ dí ngay AK vào chân thằng Hổ, người còn lại sẽ  xông vào bẻ khuỷu tay…
Chúng tôi đổ bộ lên đảo Re thật nhẹ nhàng, cẩn trọng khom người đi sát mép nước phòng khi có chuyện có thể cơ động nhanh. Hoá ra cũng không phải khó khăn lắm. Giữa bãi cát mênh mông, cái túp lều mái tôn lộ ra ngay trước mặt. Nó là túp lều đầu tiên dựng trên cái nền mới đổ móng cho cả một dãy nhà kiên cố sau này. Có thể nơi đây sẽ là một khu chợ mới trên bãi biển. Đến gần túp lều tôn, tôi tiến thẳng, hai người tản ra hai bên. Đến gần chiếc lều, tôi thấy hình như nó rung rung nên đoán ngay bên trong có người. Tôi vẫy tay ra hiệu để mọi người biết đã tìm đúng điểm. Càng tới sát lều, càng thấy nó rung mạnh, tiếng lá tôn gõ vào nhau lanh canh. Giời ạ, nó ăn sống nuốt tươi con người ta chắc! Sau khi vòng vây đã khép chặt, đáng lẽ tôi phải hô to “đứng im, các người đã bị bắt”, thì không hiểu sao tôi chỉ gọi nhỏ:
- Xong chưa mày ơi ?!...
Cái lều im bặt. Thằng Hổ ngó qua khe cửa thấy ba phía đã bị bao vây nên đoán ngay ra chuyện, và nó cũng thừa hiểu không còn cách nào chạy thoát. Tôi nép chặt ngoài cửa, nghe thấy nó bảo con bé “bình tĩnh đi em, người mình cả”. Người có bản lĩnh thường tỏ ra bình tĩnh trước tình huống xấu nhất. Thằng Hổ, đến con gà chết còn tu tu khóc, nhưng lại là đứa lì lợm lạ thường. Nó thò cái cổ ra ngoài nói:
- Chào mọi người, chờ mình một chút!
Tôi thấy hơi bẽ, mặt nóng ran, cứ như mình bị bắt quả tang chứ không phải nó. Chúng tôi ngồi phệt trên cát chờ, chẳng thấy anh Thao bàn kế hoạch tác chiến gì nữa.
Thật bất ngờ thằng Hổ dẫn ra một cô gái đẹp kỳ lạ, đẹp một cách tự nhiên, đẹp một vẻ hoang dã. Lúc này bình minh đã lấp ló. Tôi ngó vào túp lều hoang. Giời ạ, chỉ có một tấm phản con kê ở giữa lều, vậy mà làm sao cả túp lều lại có thể rung lên bần bật?
- Chào Hải Âu, - tôi nói.
Cô gái nãy giờ còn đang lúng túng bỗng mở đôi mắt tròn xoe, nhìn tôi đến ngỡ ngàng, đến ngơ ngác. Rồi nàng ném cặp mắt xanh thẫm sang thằng nội gián đứng bên. Hổ ta có chút bẽ bàng, lúng túng giải thích:
- Đây là bạn thân của anh…
Hải Âu khép tay trước ngực gật đầu chào từng người một, gió lồng lộng thổi, tóc nàng tung bay, chiếc áo mỏng tang như dán vào thân hình tròn trịa đến độ căng đầy, nó cứ lồ lộ sơ khai ra trước mặt, đến nỗi anh Thao phải bối rối giấu khẩu AK về phía sau lưng rồi mới nói:
- Vì tàu sắp nhổ neo nên bọn tôi phải đến đón cậu Hổ về. Nếu tàu quay lại thế nào chúng tôi cũng mời cô đến thăm.
Nàng vẫn chưa cất được một lời nào, một chút bâng khuâng, một thoáng buồn như lớp sương mờ ảo.
 Cả bốn chúng tôi lao xuống nước như những con rái cá, nàng đứng đó cô đơn trên bãi cát trắng phau.
Bình minh trên biển thật đẹp, mặt nước ánh hồng, những chú hải âu sà xuống giỡn nước. Cả bốn đứa bơi hàng ngang, tán đủ mọi chuyện, không vội vàng, lại có chút trễ nải để mặt nước dập dềnh đưa đẩy.
- Này, tại sao lúc tớ gọi hai tiếng Hải Âu mặt nàng cứ ngớ ra? - tôi hỏi.
 Hổ phì ra một ngụm nước biển, cười tươi:
- Hải Âu là tên tớ nghĩ ra, thời gian ngắn thế cần gì tên với tuổi.  
Hổ bảo nó sẽ về kiểm điểm nghiêm túc với Bình say, nó sẽ khai tên tuổi thật của nàng, cả quê hương bản quán, chúng nó đã hứa hôn với nhau, lần sau tàu qua đây sẽ cưới !
 
6. Bản báo cáo
Tôi đang định viết một lá thư gửi Trang Tâm nhưng chưa nghĩ được câu mở đầu thì Bình bảo tôi đến phòng Thuyền trưởng để trả lại bản thảo bản báo cáo.
- Cậu viết lại đi, vì đây là báo cáo điển hình tại Quân chủng, tổng kết cả một năm, mà lại đọc tại hội nghị, có cả nhà báo tới dự.
- Thì sao cơ?
- Tức là phải lược đi vấn đề nhạy cảm chứ còn làm sao.
Tôi đã cố gắng nhưng vẫn không sao quen được với cụm từ nhạy cảm, cứ đụng vào đâu cũng được giải thích là vấn đề nhạy cảm. Nhìn bản báo cáo chỗ nào cũng thấy gạch chân, ngoằng ra ngoằng vào bằng mực đỏ của tuyên huấn Lữ đoàn: “Vấn đề nhạy cảm”, “Bỏ”…
Về phòng, ngồi cắn bút suốt một tiếng đồng hồ để cố hình dung lại những chuyến ra khơi, những lần va chạm, những phần phải lược đi theo chỉ đạo của cấp trên. Nó nằm trong phạm vi nhạy cảm. Hoá ra nhạy cảm có giá trị xã hội chứ không thuần tuý ở cơ thể con người. Tờ giấy trắng tinh vẫn nằm trơ trước mặt. Đã thế thằng Hổ lại phởn chí đi ra đi vào, nói năng huyên thuyên. Được Thuyền trưởng chỉ cảnh cáo nội bộ, được anh em ngả mũ kính chào, nó cứ như lập được chiến công vậy.
 
Tôi ngắm thằng Hổ tung tẩy đi ra đi vào, chuyện của nó không viết trong báo cáo nhưng lại ấn tượng với tôi, thôi thúc tôi trở về với thực tế muôn đời. Tôi đặt bút viết: “Em thân yêu, chúng ta đâu phải là “đối phương” mà đến nỗi không ngồi lại với nhau được nữa …


Trại sáng tácVăn nghệ Quân đội  
                                                                                                                               
Hạ Long tháng 4 năm 2009
 
Mắt Trẻ Thơ

 Truyện ngắn của Nam Ninh
 
Duy nhẹ nhàng đặt cây bút xuống bàn, đứng dậy vươn vai làm một động tác thể dục nhẹ, người thấy lâng lâng. Hóa ra khung cảnh, con người ở nơi rừng núi xa xôi này không đến nỗi như anh tưởng ban đầu, thậm chí còn đẹp và ấm áp tình người nữa. Duy ra ngoài đi bách bộ, như để thư giãn, nhâm nhi tìm thêm ý tưởng. Tại sao người ta không nói thẳng toẹt ra nó là nhà tù mà lại gọi là trại giam nhỉ? Một con đường thẳng tắp vào khu cơ quan, hai bên là hàng cây sắp thành cổ thụ. Rừng vải bạt ngàn, đường dọc, đường ngang đều đi trong lùm cây. Ở cái nơi tận cùng trời đất này, có đến vài ngàn tù nhân mà nhịp sống yên ả mới thấy lạ. Đầu óc Duy cũng thấy thoáng ra, sạch sẽ. Người lính già, ngòi bút có máu lửa của cuộc chiến tranh, xốc nổi và cảm khái, giờ cầm bút trong cảnh thanh bình, nhâm nhi đến từng câu chữ. Bài viết của anh đã được hình thành, mạch văn được chảy theo từng đề mục nhỏ, phục vụ cho cái đề mục lớn: “Ở nơi con người lầm lỗi”, đầy những vụ án thương tâm. Duy đi bách bộ ở nơi con người lầm lỗi, hít thở bầu không khí trong lành, thoang thoảng mùi hoa sữa. Như một thói quen anh tạt qua căng tin mua mấy gói kẹo rồi rẽ vào nhà trẻ, anh thích thú muốn ngắm lại đôi mắt trẻ thơ, bởi chúng vui nhộn vô tư, vô tư đến tội nghiệp. Duy thích trẻ thơ, hồi hành quân qua Tây Nguyên, nhìn bọn trẻ tròn quay, đen nhẻm, chúng nô đùa giữa thiên nhiên nắng chang chang và núi rừng hoang dã, Duy đã khao khát muốn ôm chầm lấy chúng. Về Hà Nội, sáng sáng đi qua nhà trẻ Hoa Hồng, Duy dừng lại ngắm nhìn chúng nô đùa bên chiếc đu quay, anh thèm khát những đôi mắt mở to của những đứa trẻ sống trong nhung lụa. Vậy mà số phận trớ trêu, trời không ban cho anh một đứa con. Vợ sẩy thai đứa đầu, Duy thấy lo, đến đứa thứ hai cả nhà tập trung cao độ chăm lo cho vợ anh theo hướng dẫn của bác sĩ vậy mà chưa đầy năm tháng lại sẩy thai lần nữa, vậy là có vấn đề về thể trạng của anh từ cuộc chiến, bác sĩ ái ngại khuyên vợ chồng anh nên tập trung chăm lo sức khỏe chưa nên có con vội. Vậy thì đến bao giờ? Năm nay Duy đã ngoài năm mươi tuổi, vợ anh ở tuổi bốn lăm. Trong chuyến đi thực tế của đoàn nhà văn lần này, ngay từ hôm đặt chân đến đây, nghe tin có nhà trẻ cho con của nữ phạm nhân, Duy đã thấy háo hức, cái háo hức càng tăng khi anh đến thăm chúng buổi ban đầu.
Anh giơ tay chào cô giáo và cô cảnh sát, rồi vào lớp mẫu giáo trước, nhóm trẻ này từ ba tuổi trở lên, mới được học trò chơi xếp chữ. Chúng líu ríu khi thấy Duy nghêu ngao hát từ ngoài sân cháu lên ba cháu đi mẫu giáo, cô yêu cháu vì cháu không khóc nhè...
 
*
*    *
 
- Cháu chào ông!
- Cháu chào cán bộ!
- Cháu chào ban!
Duy trừng mắt, nhìn đám trẻ:
- Cháu nào lại nói chào ban đấy nhỉ?
 Bọn trẻ nhao nhao chỉ thằng bé đứng nép bên cánh cửa. Mặt nó xị xuống, khoanh tay biết lỗi. Duy xoa đầu nó bảo không sao mà, anh đặt chiếc kẹo vào tay nó, cố làm ra vẻ như chính mình mới là người có lỗi chứ không phải bé.
- Là cháu quên đó thôi, phải không nào? - Duy ngồi thụp xuống cạnh thằng bé để nó yên tâm - lần sau không được gọi ta là ban hay cán bộ nữa nhé.
Duy nhìn thằng bé tội nghiệp, đôi mắt nó long lanh, ngấn nước.
Ngoài kia thấp thoáng dưới lùm cây là những tà áo sọc, màu quần áo đặc trưng mãi đến giờ anh mới quen mắt, tốp nam đi riêng, nữ đi riêng, họ đi làm ở những khu vực khác nhau, họ ở trại khác nhau, nhưng về chung một con đường. Lần đầu gặp họ Duy có chút ngỡ ngàng khi thấy họ đều cúi rạp đầu chào anh: “Cháu chào cán bộ”, Duy bật cười, “cháu”, già bằng tuổi bố mình mà cũng xưng với anh là “cháu”. Có người chào anh là ban, “cháu chào ban”, ban ở đây là chỉ Ban Quản giáo. Hoá ra đã hết giờ làm việc, đám phạm nhân đi làm đồng đã về. Bọn trẻ nhìn ra đã nhớn nha nhớn nhác mong mẹ. Hình như hôm nay anh đã viết mải miết đến cận hết ngày, chưa bao giờ ngòi bút xuôi xẻ đến thế.
Duy không thích lũ trẻ gọi anh là ban hay cán bộ bởi chúng không phải là tù nhân, chúng là con tù nhân, chúng không có tội. Suốt buổi sáng ngày hôm qua anh đã ở đây với lũ trẻ này, vui đùa với chúng, chia kẹo cho chúng, dạy chúng gọi anh là ông, là bác, là chú, là gì gì cũng được miễn không phải gọi là ban hay là cán bộ, anh muốn cái đầu non nớt kia thoát ra khỏi cảnh lao tù. Vậy mà hôm nay chúng lại quên, chúng len lét nhìn sang cô trông trẻ khiến Duy giật mình, hoá ra mình nói không chuẩn, mình khuấy vào đầu chúng đến mụ mị, ví như cô trông trẻ này, cô ta là tù nhân được mặc thường phục để ra trông trẻ, chúng gọi cô ta là gì? Gọi cô nuôi dạy trẻ là gì, gọi cô cảnh sát bảo vệ bọn chúng là gì ? Vì thế nên hôm qua anh đã cố dạy chúng như dạy hát mà chúng vẫn quên là có lý.
 Cô trông trẻ là tù nhân, phạm tội chứa gái mại dâm bị phạt tám năm tù, bọn chúng vẫn gọi là cô, một điều thưa cô, hai điều thưa cô, còn cô giáo là viên chức của trại, dạy lớp mẫu giáo và nữ cảnh sát thỉnh thoảng chúng cũng gọi ban hay cán bộ.
- Dạ, thưa cán bộ, - Cô trông trẻ là phạm nhân nói - là cháu hay quên đó, cháu nó gọi theo mẹ chúng thôi cán bộ ạ.
Gọi thay cho mẹ chúng, hay! Duy thừ ra một lúc, định bảo cô tù nhân trông trẻ, cô thì biết cái mẹ gì, cái đầu của trẻ nó như tờ giấy trắng. Anh bức xúc phẩy tay, có cái gì đó lấn bấn ở chỗ này, khó lý giải ở chỗ này, anh lững thững quay ra gặp hai cô gái, một là cô nuôi dạy trẻ, người thứ hai là chiến sỹ cảnh sát. Đã qua một ngày làm việc nên đối với anh hai cô đã trở nên quen thuộc, với cái loại mồm mép như Duy thì một chốc đã thành quen chứ nói gì đã qua một ngày:
- Chào hai em.
- Em chào anh.
Duy quay sang nữ chiến sĩ cảnh sát tên là Diệu Thuý, cấp bậc thượng sĩ có chút bông lơi:
- Đêm qua cô phải thay ca hay làm một mạch đến sáng?
- Em mà được ngủ một mạch đến sáng á, coi giữ ở đây mà nó lấy trộm mất một đứa thì toi em, sợ lắm.
 Duy đã viết một đề mục nhỏ cho cuốn sách: “Người canh giấc ngủ  trẻ thơ” là hình mẫu của Diệu Thuý, Thuý trắng trẻo, xinh gái, nói năng dè dặt, đôi má bầu bĩnh thỉnh thoảng lại ửng lên khi anh pha trò. Nhiệm vụ của Thuý cùng một nữ cảnh sát nữa là bảo vệ lũ trẻ này, nhất là bọn trẻ lớp lớn nghịch như giặc, chúng được ăn ngủ tại đây, chỉ cuối tuần mới được mẹ đón vào trong trại.
- Nhân có hai em đây, anh muốn bàn một việc, - Quay sang cô nuôi dạy trẻ anh nói - Anh thấy để các cháu gọi mấy em là ban, có cái gì đó không ổn?
- Các em nó gọi theo cô trông trẻ mà anh.
- Gọi theo cô trông trẻ? Cô trông trẻ là phạm nhân, lại bảo nó gọi theo mẹ, mẹ chúng cũng là phạm nhân. Hi!
 Cô giáo quay sang Duy chất vấn:
- Vậy anh bảo chúng em làm được gì?
- Làm gì nhỉ? - Duy lại ớ người, làm gì được nhỉ, nó là một thứ tự nhiên, tự nhiên đến vô tình vậy. Biết đuối lý nhưng anh vẫn cả quyết với hai cô - Nhưng mà chúng có phải là phạm nhân đâu?
- Ai bảo chúng là phạm nhân nào? - Nữ cảnh sát chất vấn lại.
Bị đưa vào thế bí, Duy giảng hoà:
- Anh cũng bí đây.
Nhìn hai cô mặt đỏ lên lúng liếng, Duy cười phá lên rồi cả ba đều cười. Không ai biết là mình cười cái gì cả. Xa kia là con đường rợp bóng cây chạy hun hút vào trại tù nữ.
Duy bảo hai cô, anh muốn chứng kiến cảnh các bà mẹ mặc quần áo đặc trưng vào đón con giờ này.
- Thì nhà báo cứ việc vào mà chứng kiến.
Nói vậy thôi, hai cô lại cùng anh đến trước cửa nhà trẻ nhỏ, nhóm trẻ lớn và trẻ nhỏ ở hai căn nhà cấp bốn, có chung một cái sân gạch đỏ, bọn trẻ hai nhóm nhìn thấy nhau, trêu đùa nhau hàng ngày. Nhóm trẻ nhỏ ở đây đứa nhiều nhất đến gần ba tuổi, có đứa mới chập chững biết đi. Hôm qua chúng nhìn anh như ở một thế giới lạ, nhưng hôm nay đã thành quen, nói đúng hơn là anh đã biết cách làm quen, vì thế có mặt anh bọn chúng vẫn trèo từ cũi nọ sang cũi kia nhoay nhoáy. Có cũi bỗng chốc dồn đến ba, bốn đứa, chúng chồng lên nhau nô đùa, cào cấu mặt mày, hoặc ôm nhau ngã lăn quay. Ở đây cũng có một cô là phạm nhân trông trẻ được mặc thường phục mắc tội lừa đảo, gây thương tích bị phạt đến hai mươi năm tù. Cô trông trẻ luôn chân, luôn tay, vừa nhấc chúng trở về cũi riêng, thì đứa khác đã trèo qua cái cũi sau lưng cô để sang với bạn. Chúng hiếu động quá. Riêng cái cũi đặt ở góc phòng, nhốt một cháu gái trông rất kháu khỉnh, cháu bị nhốt riêng lẻ vì bị lây nhiễm HIV từ bố mẹ đã chuyển sang “ết”, cô trông trẻ bảo nó đã xuất hiện khối u nhỏ ở ngực. Cháu không ra được vì cũi cao quá, nhưng nó vẫn thò tay qua song gỗ bi bô với bạn. Mỗi khi có đứa đến nắm tay cháu gái, cô trông trẻ lại hét toáng lên. Nhưng bọn chúng cũng gớm, cứ lừa lừa, thấy cô quay đi là chúng lại chạy sang, phát vào tay bạn gái một cái. Cô giữ trẻ cho biết đã có ba cháu chết vì bệnh hiểm nghèo này, nên trông cháu vậy thôi, biết còn được bao nhiêu ngày nữa? Thấy Duy vẫn chăm chú nhìn cháu, cô ta bảo cô phải thường xuyên để mắt đến nó, ngộ có đứa nào lây nhiễm thêm thì cô lại mang thêm tội.
- Cán bộ ạ, nó quấn người lắm kia, nên ai cũng sợ.
 Lúc Duy đưa tay định bế một cháu, tưởng hôm nay nó theo, ai ngờ nó vẫn ôm chầm lấy cô trông trẻ, mặt quay đi mếu máo. Cô ta bảo, nó chỉ quen người mặc áo sọc thôi, lạ như cán bộ là nó sợ. Duy thấy như hụt hẫng. Anh bực mình bước qua chắn song gỗ vào hẳn trong phòng, mở gói kẹo ra chia cho lũ trẻ, chỉ một lúc chúng đã trèo ra khỏi cũi, đứa bíu vai, đứa bíu cổ, trẻ con dễ xa mà cũng dễ gần, chúng thích chí cười, nói, ngọng líu ngọng lô, anh cũng xênh xang xòe cả cánh tay cho chúng nhảy vào lòng.
- Tên cháu là gì?
Cháu bé được anh hỏi, đôi mắt mở to ngơ ngác, quay sang cô trông trẻ. Cô trông trẻ thưa:
- Cháu tên Thuý Hằng ạ.
- Xinh lắm, - Duy hỏi tiếp - Mẹ cháu mắc tội gì?
- Tội cố ý gây thương tích ạ - Cô trông trẻ thưa.
- Còn bao nhiêu năm?
- Mười năm.
- Mười năm?
Thấy Duy thốt lên, con mắt Thuý Hằng lại nhìn anh ngơ ngác, nó đâu hiểu mười năm nghĩa là gì, nó bé quá, mới chừng hai tuổi.
Thằng bé bên cạnh, nhỉnh tuổi hơn, láu lỉnh, chưa hỏi đến nó đã tự khoe:
- Cháu giiếtt ... ngưư ...ờời ạ.
Huy trố mắt nhìn nó, hôm qua lũ trẻ lớp lớn cũng vậy, cứ hồn nhiên gắn tội mẹ của nó vào.
- Còn cháu trai này?
- Dạ thưa cán bộ nó tên Mạnh Hùng - Cô trông trẻ khoắn khoả trả lời - Mắc tội lừa đảo, còn có tám năm.
- Cô nhắc lại đi, - Duy cáu - là mẹ cháu mắc tội lừa đảo chứ không phải là cháu.
- Thưa cán bộ cháu xin lỗi ạ, là mẹ nó.
Duy hỏi cô trông trẻ về nhân thân từng đứa trẻ cứ như thói quen hỏi phạm nhân ở trong trại, tên gì? Tội gì? Còn bao nhiêu năm??? Còn cô trông trẻ gần như thuộc lai lịch từng đứa một. Hoá ra mẹ chúng, những người đàn bà khoác trên mình bộ quần áo đặc trưng, họ ở đủ các nhóm tội: buôn ma tuý, trộm cướp, tham ô, lừa đảo, nhận hối lộ đến cả giết người... Các cô trông trẻ cứ vô tư gắn mỗi cháu vào tội danh của mẹ chúng để trả lời mỗi khi có khách đến thăm. Hoá ra mọi người đến đây  cũng độ lượng như Duy, đều hỏi thăm đến nhân thân của từng cháu.
- Còn bố nó?
- Dạ thưa cán bộ, cháu không biết ạ, ở đây không thấy đứa nào có bố đến thăm.
Nữ cảnh sát cũng xác nhận đúng là như vậy. Duy bực mình nghĩ bụng, chúng từ nách mẹ nó chui ra chắc! Như đoán được ý anh, cô giáo giải thích, có thể bố cháu ở nhà tù khác, có thể không nhớ rõ kẻ nào là cha, có thể bố nó đã chết vì bệnh ết. Cô giáo nói thêm:
- Người ta đã tách chúng ra đây nhưng nhà tù vẫn ám vào nó, anh bảo làm sao bây giờ?
- Ám vào nó?
- Anh bảo, xung quanh nó toàn màu áo sọc, sáng cảnh sát đẫn độ mẹ chúng đi gửi trẻ, tối cảnh sát dẫn độ mẹ chúng đi đón con về, mắt nó chỉ quen nhìn có thế.
 Duy thở dài, chỉ cháu bé mắc bệnh “ết” là vẫn đứng trong cũi không được ra với bạn, vì thành cũi cao quá, nó thò hai bàn tay ra xin kẹo của bọn trẻ bên ngoài, Duy đưa cho nó phần hơn, mặt nó tươi tắn nhìn mấy cậu láu táu, chanh banh, toét miệng cười. Hai cô bạn tủm tỉm bảo Duy, ở nhà chắc anh là người cha mẫu mực. Duy bật cười, cười rõ to, cái miệng càng tỏ ra vô tư thì nó lại trở nên méo mó, anh đâu đã được làm cha!
- Cháu tên gì?
- Cháu tên là Kiều Loan ạ.
Anh thầm nghĩ, giá mà cháu không mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này nhất định lớn lên Kiều Loan sẽ là một thiếu nữ xinh đẹp, mắt nó trong veo.
Bọn trẻ tranh nhau ngồi vào lòng anh, đứa không được ngồi thì bá vai, bá cổ, Duy thích thú cười khà khà, bỗng chúng dừng cả lại, tai vểnh lên, rồi tất cả lao ra cửa, kẹo vung vãi xuống đất. Duy ngạc nhiên nhìn ra ngoài sân, hóa ra đã xuất hiện những tà áo sọc. Cô giáo mỉm cười thấy anh trơ trọi.
Người mẹ đầu tiên đến đón con là một phạm nhân người nhỏ thó, chiếc áo tù lụng sụng, mồ hôi còn mướt mơ, thấy Duy đang ngơ ngác, cúi đầu chào:
- Cháu chào ban ạ.
Một đứa trẻ lao vào lòng cô ta, cô ôm con, hà hít, rồi bảo thằng bé:
- Con chào các ban đi rồi về.
Đứa bé cũng biết khoanh tay:
- Coon... chào... baan... ạ.
Lại ban, Duy thấy bức bối trong người, anh hỏi mẹ thằng bé có phần gay gắt:
- Bao nhiêu tuổi rồi?
- Cháu ba hai tuổi ạ.
- Tội gì?
- Trộm cướp ạ.
- Còn bao nhiêu năm?
- Dạ, thưa ban cháu còn có tám năm.
Giời đất, tuổi ấy mà còn những tám năm tù. Người thứ hai lại là cô gái trẻ, nếu không phải khoác bộ quần áo sọc kia thì còn làm cho khối chàng trai bị hút hồn, mặt trái xoan, lông mày lá liễu, đôi mắt mộng mơ.
- Còn bao nhiêu năm?
- Mười bốn năm ạ.
- Tội gì?
- Ma túy ạ.
“Lại ma tuý” - Duy phẩy tay. Từ hôm qua tới giờ anh đã gặp không biết bao nhiêu số phận buôn bán ma tuý phải ngồi tù. Anh bảo cô gái, chịu khó mà cải tạo tốt để được về mà nuôi con. Mẹ con cô ta lại cúi đầu: “Cháu cảm ơn ban ạ”.
Nhìn bọn trẻ hau háu vồ vập mẹ, Duy thấy tội tội, chúng cũng có tình cảm như bao trẻ khác ở ngoài xã hội. Ở đây, mỗi cặp  mẹ-con một hoàn cảnh, một thân phận, nhưng lũ trẻ thì vô tư như nhau, bình đẳng như nhau, được hối hả dụi mặt vào chiếc áo tù nhàu nát còn đẫm mồ hôi mà hà hít.
Duy bảo hai cô cùng lên lớp mẫu giáo để họ vào đón con cho nó tự nhiên, nhưng cái chính là để đỡ phải nghe cái tiếng của lũ trẻ tập nói hai tiếng chào ban còn ngọng nghịu. Ở lớp mẫu giáo có những chiếc ghế xinh xinh, nhỏ xíu, anh đặt chiếc mông to phè xuống một cái, nhún thử, hoá ra nó chắc lắm. Bọn trẻ chen nhau ra cửa hau háu nhìn sang lớp nhỏ, đôi mắt chúng mở to ánh lên vẻ thèm khát, bọn này lớn tuổi, nhìn xa hơn, ban nãy thấy thấp thoáng tà áo sọc từ xa đã thấy chúng nhớn nhác, chúng thèm khát được gặp mẹ như bọn trẻ ở lớp nhỏ, cũng là lẽ tự nhiên, đứa trẻ nào chẳng muốn có mẹ lúc này. Duy hỏi:
- Các cháu có thích mẹ đón về không?
Cả bọn lại đồng thanh:
- Có ạ!
- Có biết tại sao hôm nay mẹ không đến đón không?
- Chưa đến thứ bảy ạ.
Duy gật đầu:
- Ngoan lắm.
Bỗng cả bọn trẻ nhao nhao:
- Trói đi!
- Trói đi!
- Trói đi!
Duy hốt hoảng nhìn ra ngoài sân, một tù nhân mặt mày hớn hở, sợi dây vải tung tẩy trên tay, cô trông trẻ bế cháu gái trao cho cô ta, đó là cháu Kiều Loan mắc bệnh “ết” ở trong cũi riêng ban nãy, nó ôm chầm lấy mẹ, người mẹ đó hôn khắp mặt con bé, rồi đặt đứa con đứng xuống sân, đứa bé chụm chân, tay bám lên vai mẹ, nó không khóc, không cười, đôi mắt tròn vo ngơ ngác, rồi nhận ra Duy, nó nhoẻn cười, đôi môi rất xinh, đôi mắt nó ánh lên hãnh diện. Có thể nó hãnh diện hơn lũ trẻ lớn vì được mẹ đến đón, nhưng cũng có thể nó hãnh diện vì được mẹ nó quấn sợi dây vào chân, nó chụm chân lại để người mẹ cắm cúi quàng sợi dây lần lượt hai vòng, hai vòng qua hai cái cổ chân nhỏ xíu, rồi nút lại. Con bé như biết công việc đã xong, tay nó chim chim cổ vũ tiếng hô “trói đi” còn sót lại của mấy anh lớp lớn. Hoàn cảnh đó có thể hiểu đã diễn ra hàng ngày, đến vô tư, đến vô tình, vô tận! Duy thấy ong ong tiếng cô giáo bên tai:
- Ngày nào mẹ nó cũng phải trói đôi chân nó lại đấy anh ạ, sợ nó cào vào con người ta.
Cô cảnh sát giải thích thêm:
- Con bé này nó hồn nhiên lắm, thấy ai cũng vồ vập, vậy nên mẹ nó mới phải cảnh giác.
Duy chợt hiểu ra vội bật dậy, anh lập tức đi theo mẹ con người phạm nhân này, quên cả chào cô giáo, cô công an, quên cả xoa đầu các cháu ở lớp lớn. Người mẹ đó bế vắt đứa bé qua vai, vác nó trên vai, không bế cắp nách được như mấy cô phạm khác.
Xin phép người cảnh sát đeo súng dẫn độ đám tù nhân nữ đón con vào trại, Duy rảo chân theo sát cháu Kiều Loan, bật hỏi:
- Chị trói thế này nó không khóc hay sao?
Cô ta quay lại, thấy Duy, vội cúi đầu:
- Cháu chào cán bộ ạ.
Cháu nhỏ đặt bàn tay vào miệng mẹ:
- Chà...oo ... ban cơ!
- Ngày nó mới biết đi, mỗi lần cháu trói nó cứ khóc thét lên, giờ nó đã quen rồi, mỗi lần đến là nó tự giác đưa chân ra cho cháu trói.
- Tại sao chị không bế cháu vào trong trại rồi hãy trói?
- Nó hiếu động lắm cán bộ ơi, bỏ ra là nó đòi tụt xuống đất, ai cũng sợ nó quấn vào chân - Cô ta kể - Có lần cháu đang dắt nó đi, bỗng nó thấy có chị bế thằng bé cùng nhà trẻ, nó chạy lại túm lấy mẹ thằng bé, cứ bíu lấy người ta đòi ôm lấy thằng bé, chị ấy hết hồn, thét toáng lên, thế là cả bọn xúm vào chửi cháu, chửi không tiếc lời, bốc cả đất cát, phân gio ném vào mặt cháu, mà có phải cháu cố ý đâu. Từ đấy cháu cứ trói chân nó lại là xong quách, cả lúc đi đường, cả lúc ở trại cho nó yên tâm. 
 - Ngoan nhỉ - Duy nghẹn ngào xoa đầu cháu bé, mắt nó mở to, tròn như viên ngọc - Bố cháu đâu hả chị?
- Bố nó chết rồi, trước giam ở trại T8, cũng tại ết đấy cán bộ ạ.
Suốt dọc đường đi Duy muốn khai thác thêm thông tin về người đàn bà này, nhưng mà để làm gì, còn làm gì được nữa? Cái đầu Duy lại thấy ong ong, loang loáng những đứa trẻ trần truồng nô đùa nơi hoang dã, những đứa trẻ háo hức bên chiếc đu quay, chúng được bế ra từ trong chiếc xe bóng loáng... Người mẹ hồn nhiên khoe: “Cũng may, hôm bố nó sắp chết người ta cho bố nó được nhìn thấy nó một lần”. Một lần? Một lần chết và một lần phải sống!
Đến cổng trại cô ta lại cúi chào Duy, con bé cũng cúi đầu “ạ” với anh một tiếng. Người mẹ xốc đứa bé vác trên vai tong tưởi đi vào cổng trại, trên vai mẹ, nó vẫy bàn tay nhỏ xíu, đôi mắt trong như ngọc đắm đuối nhìn anh như là thân thiện lắm. Duy cũng vẫy tay nhìn theo cái bóng xa dần, xa dần rồi trở nên mờ ảo.
 
*
*    *
Trở về phòng nghỉ, cuốn sách đang viết vẫn mở toang, Duy khuỳnh hai cánh tay chuẩn bị vào cuộc. Nào, thì ta tiếp tục! Anh thư thái ngồi trước trang bản thảo, đôi mắt trân trân hứng tìm mạch viết, ngòi bút có máu lửa từ Cồn Tiên, Dốc Miếu... bỗng thấy run run, dòng chảy ban nãy như dồn nén, như sắp bung ra, như sắp tan ra, bay biến. Những ý tưởng đã bay ra khỏi đầu, đôi mắt cháu bé trong như ngọc, mở to, nó toét miệng cười, bàn tay nhỏ xíu vẫy vẫy, cái đầu khốn khổ của anh đang dở trò gì thế này? Anh huýt sáo vang, cố nhớ một giai điệu nào đó, lấp liếm bằng một bản tình ca nào đó, nhưng hình như nó vẫn cưỡng lại anh, mấy thằng trẻ con ở lớp lớn nó muốn bẻ ngòi bút của anh, nó vô tư đến lạnh lùng.
Trói đi! Trói đi! Trói đi!
Nó nói gì thế này, nó làm gì anh thế này?
 Nhà văn bực mình quăng bút rồi ôm đầu đứng dậy./.
                                                                                                
Viết tại trai sáng tác của NXB Công an nhân dân
 Sầm Sơn 2009
N N