Hôm nọ tôi đến nhà nghệ sĩ Lê Bình, ông khoe là nhà có “nuôi” ba con khỉ rất hay, ông mua chúng từ Đà Nẵng về. Tôi hơi ngạc nhiên vì tôi hay ghé nhà ông, có thấy con khỉ nào đâu. Vả lại với một căn hộ bé như cái “lỗ mũi” để ông chui ra chui vào hằng ngày thì làm gì còn không gian nào để nuôi đến tận 3 con khỉ?!
Ông mang ra 3 con khỉ, hóa ra chúng chỉ là tượng gỗ. Một con dùng hai tay bịt miệng, một con bịt tai và con còn lại thì bịt mắt. Đây chính là “Bộ khỉ tam không”, không nói, không nghe và không thấy. Ba con khỉ này hay và ý nghĩa là ở chỗ đó. Lê Bình nói, ông mua chúng về trưng bày trong nhà để nhắc nhớ ông bớt nói, nghe, thấy những điều không tốt trong cuộc sống này! Năm nay Lê Bình đã ngoài 60, cuộc đời ông trải qua quá nhiều thăng trầm. Ông thấy nhiều, nghe nhiều và bản thân cũng đối mặt với không ít những điều bất như ý, ông cần tĩnh tâm lại, dẹp bớt sân si, phiền muộn.
|
“Bộ khỉ tam không” trong nhà nghệ sĩ Lê Bình |
Lê Bình thừa nhận, từ khi có “Bộ khỉ tam không” ở trong nhà, hằng ngày nhìn ngắm và suy ngẫm, ông trở nên ung dung, tự tại hẳn. Ông buông bỏ được những điều tưởng chừng không thể buông. Bây giờ, đối diện với những chuyện xấu, tốt ông đều chỉ mỉm cười, cho qua!
Thật ra, “Bộ khỉ tam không” mà Lê Bình đang sở hữu không phải là quá hiếm thấy. Thỉnh thoảng, khi đi dạo trong khuôn viên của chùa, chúng ta cũng có thể sẽ nhìn thấy hình ảnh những chú khỉ với hình ảnh ngộ nghĩnh này. Đó như là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà thâm thúy của các bậc tu hành muốn truyền đạt lại cho thế hệ sau.
Nhìn vào bộ khỉ này, người ta dễ dàng hiểu được ngay ý nghĩa rằng: Mỗi người sống thì không nên nói, nghe và thấy chuyện xấu, chuyện của người khác. Mỗi người hãy sống yên và sống cuộc sống của mình thay vì bận tâm hay soi mói đến chuyện của xung quanh.
Tôi có tham vấn ý kiến của vài nhà sư về ý nghĩa của bộ khỉ này, các sư cho rằng, hiểu với nghĩa trên là tương đối chứ chưa thật đầy đủ. Bởi con người sinh ra ai cũng có đôi mắt để nhìn, có đôi tai để nghe và một cái miệng để nói. Hình ảnh bộ khỉ này không chỉ đơn giản là khuyên ta không nói, nghe, thấy mà nó mang ý nghĩa lời Phật dạy: Hãy nói, nghe, nhìn bằng chân tâm, hay còn gọi là tâm thanh tịnh.
Trong nhà Phật, khẩu nghiệp là một trong ba nghiệp nặng nhất của con người: Thân, khẩu, ý. Trong cuộc sống, ai cũng nhiều hay ít tiếp xúc với những chuyện không vừa lòng, đẹp ý. Những chuyện này làm ta muộn phiền hoặc tức giận. Khi đó, ta dễ buông lời oán trách, cay nghiệt với nhau. Cũng có người, hay nói những điều xấu ác, gây chia rẽ, thiệt hại cho người đối diện; người thì khoe khoang, khoác lác, đâm bị thóc, chọc bị gạo… Đó là khẩu nghiệp!
Kinh Phật dạy con người nên tu tam nghiệp thanh tịnh, đặc biệt là khẩu nghiệp. Tôi có biết ở vài khóa tu tại các chùa, ở đó nhiều Phật tử phát nguyện tịnh khẩu nghiệp, bằng cách tuyệt đối không nói chuyện. Họ muốn nói gì thì chỉ cần ra dấu bằng tay hoặc viết ra giấy, mà cũng rất hạn chế. Ý nghĩa của việc này là giúp Phật tử chuyên tâm thanh tịnh mà niệm Phật.
Người xưa cũng có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Việc nói những điều hay, lẽ phải, những ái ngữ, ôn hòa trên tinh thần cầu thị thì bao giờ cũng tạo nên điều tốt đẹp hơn.
Đó là ý nghĩa của con khỉ bịt miệng.
Với con khỉ bịt tai, bịt mắt, ý khuyên chúng ta không nên nghe và nhìn những điều xấu. Kinh Phật dạy: “Trọn ngày phải trái có. Không nghe, phải trái không”. Với những chuyện đúng sai diễn ra mỗi ngày, nếu như không nghe, nhìn bằng cái tâm cố chấp thì không bị nó chi phối. Nói dễ hiểu hơn thì đó là dạy con người ta bớt tính tò mò, soi mói, tọc mạch chuyện của người khác.
Ngoài ra, hình ảnh hai con khỉ bịt tai, bịt mắt còn là lời nhắc nhở mỗi người thay vì suốt ngày đi bới móc chuyện riêng của người thì hãy dành lấy thời gian để nghe và nhìn lại chính bản thân mình. Con người vốn dĩ bắt lỗi người thì dễ chứ mấy ai nhìn được lỗi của mình! Người ta cũng ít xét lại bản thân để sửa đổi cho tốt hơn! Vì vậy, việc khuyến khích “phê bình và tự phê bình” ở mỗi người là chính đáng.
Nhưng chung quy, như đã nói ở trên, ý nghĩa sâu sắc nhất của “bộ khỉ tam không” vẫn nằm ở chỗ là nhắc nhở chúng ta về sự tĩnh tâm, dù nghe gì, thấy gì. Trong pháp môn tu thiền có câu rất hay rằng: “Tâm viên ý mã”. “Tâm viên”, tức là tâm như con vượn, lúc nào cũng vọng động, nhảy nhót lung tung.
Thật vậy, trong cuộc sống, tâm mà bất tịnh thì rất phiền!
Nói đâu xa, nếu tâm không tịnh thì khi tiếp xúc với những điều chướng tai, gai mắt, ta lập tức phản ứng thái quá. Chắc nhiều người không thể quên con số thống kê gây sốc của Bộ Y tế sau mấy ngày nghỉ tết Nguyên đán năm trước, đó là có đến 6.200 người nhập viện vì đánh nhau, chủ yếu là đi chơi tết, va quệt ngoài đường, lời qua tiếng lại thế là lao vào đánh.
Đọc báo hằng ngày, nhan nhản những câu chuyện về cái xấu, cái ác diễn ra, từ đánh nhau gây thương tích đến những vụ thảm sát dã man, nhất là trong năm vừa qua. Tất cả vì tình, vì tiền và vì mâu thuẫn, nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn là con người ta càng ngày càng mất đi bình tĩnh, chữ “Nhẫn” trở nên thiếu hụt!
Nhắc đến chữ “Nhẫn”, quan sát tại các phố ông đồ trong mấy ngày tết thì thấy rằng, chữ “Nhẫn” bán rất chạy, chạy hơn cả chữ “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”. Thực tế là con người bây giờ đều sống gấp gáp, công danh sự nghiệp cuốn họ đi, khiến tâm họ lúc nào cũng trong trạng thái loạn động, căng thẳng. Gặp chuyện, họ dễ xử lý theo hướng tiêu cực vì thiếu tĩnh tâm suy xét.
Những vụ án mạng kiểu, cậu này rút dao đâm chết cậu kia chỉ vì nghĩ cậu kia đang nhìn đểu mình; hay cậu này đang ngồi nhậu thì vô tình bị đèn xe máy người kia soi vào, thế là ghế gỗ bay vào đầu và người trên xe máy gục xuống… đã không còn xa lạ gì! Đặc biệt trong năm qua là các vụ thảm án cha giết con, vợ giết chồng, người tình giết người tình, sau đó tự sát... mà nguyên nhân, xét cho cùng thì đều xuất phát từ sự quẫn bách trong tâm trí, hay loạn trí.
Vậy câu hỏi đặt ra là làm sao để được tĩnh tâm? Người thì dùng phương pháp thiền, người niệm Phật, tụng kinh… Song, nhiều nhà tu hành bảo rằng, để đạt được tĩnh tâm không phải dễ, điều đó đòi hỏi người ta phải thường xuyên “tu tập”.
Rõ ràng là trong thời buổi cuộc sống hiện tại, “Bộ khỉ tam không” trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ. Bởi cái sự “không nói, không nghe, không thấy” cũng chính là chìa khóa để thuần hóa “con khỉ” (Tâm Viên) trong mỗi con người. Tất nhiên, không phải khi thuần hóa xong, chúng ta thành Phật, thành A La Hán, nhưng chắc chắn, mỗi người sẽ có được một cuộc sống thật an lành bởi khi đó, con người hành động với sự tĩnh tâm!
“Bộ khỉ tam không” có nguồn gốc xuất xứ từ Ấn Độ vào khoảng vài ngàn năm về trước. Lúc đầu, đó là bức tượng vị thần Vajrakilaya, vị thần có sáu tay, mỗi đôi tay dùng để bịt hai mắt, hai tai và miệng. Ngày nay, tại Nhật Bản, vùng Nikko, trong đền Toshogu vẫn còn lưu giữ một bức điêu khắc cổ có tượng ba con khỉ bịt tai, bịt mắt và bịt miệng bằng gỗ. |